NỖI LÒNG NGƯỜI QUAY LẠI TRONG
‘TRỜI VÀO XUÂN MÀ NHƯ CUỐI THU’
THƠ PHƯƠNG TẤN
TRỜI VÀO XUÂN MÀ NHƯ CUỐI THU
(Phương Tấn)
Đò đi, nhớ quá người
quay lại
Phố xá ngày xưa đã lỡ
thì
Nước ngược ngỡ đâu
người đi mãi
Ồ không. Nẫu ruột
chuyện phân ly!
.
Kể chi chết sống thời
tao loạn
Gươm giáo đâu chừa kẻ
từ bi
Trăm họ quay cuồng cơn
mê sảng
Chuông chùa thủ thỉ
giọng sầu bi.
.
Quay lại. Đâu say mà
quýnh quáng
Mò mãi không ra đất
nước mình
Sớm tinh mơ như trời
chạng vạng
Người nối người cứ thế
lặng thinh.
.
Trời vào xuân mà như
cuối thu
Thương Sài Gòn hiu hắt
sương mù
Giả ngó lơ mà lòng
nghẹn đắng
Nước mắt nhòe. Không,
trời mưa thu!
Bài thơ “Trời Vào Xuân Mà Như Cuối Thu” của
Phương Tấn tôi đã đọc nhiều lần trên trang facebook của tác giả. Chẳng hiểu vì
sao trưa nay đọc lại, tôi thấy tự nhiên nước mắt ướt đẩm trên má mình lúc nào
không biết.
Thơ của Phương Tấn thường có cái tựa đề rất thơ, gây cảm xúc
ngay trong lòng người đọc, như bài thơ nầy dễ cho ta đầy thiện cảm với một trời
thu giữa mùa xuân. Thời điểm trong thơ là vào xuân, cảnh trong thơ lại hiu hắt
của mùa thu làm tăng thêm nỗi sầu lên tận đỉnh cao.
Hãy đọc một khổ thơ trong bài thơ “Cuối Thu” của Hàn Mạc Tử:
Mây vẽ hằng hà sa số
lệ,
Là nguồn ly biệt giữa
cô đơn.
Sao không tô điểm nên
sương khói,
Trong cõi lòng tôi buổi
chập chờn.
Ta thấy trong thơ Hàn Mạc Tử, cuối thu lệ vần vũ trên bầu trời.
Hàn Mạc Tử thốt lên “Sao không tô điểm
thêm sương khói/ Trong cõi lòng tôi buổi chập chờn”, có nghĩa là, nhà thơ
muốn đem cảnh bên ngoài vào nội tâm của mình, để tô điểm cho cõi lòng thêm đẹp.
Thật lạ thay cho thơ của Hàn Mạc Tử. Vô số lệ, nguồn ly biệt, sự cô đơn lại làm
cho cõi lòng họ Hàn đẹp thêm. Bởi vì chính những thứ đó đã lay động tâm hồn họ
Hàn, biến hóa thành bài thơ “trong trẻo,
vô biên, quyến luyến” để họ Hàn dâng hiến cho đời.
“Trời Vào Xuân Mà Như Cuối Thu”
của Phương Tấn Cũng vậy.
Nhờ sự nghịch lý của ngoại cảnh mà nội tâm nhà thơ phát tán “Nỗi buồn nghẹn đắng” chất chứa trong
lòng. Phương Tấn đã mô tả rốt ráo trong thơ hằng hà sa số lệ không phải của mây
như Hàn Mạc Tử mà của một “Sài Gòn hiu
hắt sương mù”. Bởi thế nếu Sài Gòn vẫn đẹp có lẽ bài thơ không hay mà Sài
Gòn hiu hắt mù sương đã lấy nước mắt của tôi.
Đọc khổ thơ đầu, ta thấy người quay lại đang đi trên dòng sông
hiện hữu, cõi lòng lại đang xuôi về dòng sông ký ức xa xưa:
Đò đi, nhớ quá người
quay lại
Phố xá ngày xưa đã lỡ
thì
Nước ngược ngỡ đâu
người đi mãi
Ồ không. Nẫu ruột
chuyện phân ly!
Câu thơ đầu “Đò đi, nhớ
quá người quay lại/ Phố xá ngày xưa đã lỡ thì” có lẽ muốn nói người quay
lại nhìn phố phường hiện tại không giống như xưa nữa, nó bây giờ như người con
gái hết duyên vì quá thì. Câu thơ “Nước
ngược ngỡ đâu người đi mãi/ Ồ không. Nẫu ruột chuyện phân ly!” cho
biết nhà thơ vui vì thấy mình làm được cai điều tưởng như không bao giờ làm
được, đó là đã quay về. Nhưng buồn thay, quay về để nẫu ruột thêm vì nhớ chuyện
phân ly năm xưa, nẫu ruột thêm bởi vì cảnh xưa dã biến dạng, cảnh xưa hết duyên
dáng, sắc đẹp của nơi xưa tàn phai như cô gái đã lỡ thì.
Khổ thơ thứ hai càng chứng tỏ nhà thơ quay về như đi trên con đò
của dòng thời gian hiện tại, nhưng tất cả tâm hồn quay về dòng ký ức xa xưa của
thời tao loạn:
Kể chi chết sống thời
tao loạn
Gươm giáo đâu chừa kẻ
từ bi
Trăm họ quay cuồng cơn
mê sảng
Chuông chùa thủ thỉ
giọng sầu bi.
Tiếng than van trong bốn câu thơ nầy đồng vọng trong lòng tác
gỉả qua bao nhiêu tháng năm như “Tiếng
chuông chùa thủ thỉ giọng sầu bi”. “Tiếng
chuông chùa thủ thỉ” nói lên sự bình an trong cuộc sống nhưng sự xót
xa, ân hận kéo dài trong thời gian và ngân lên tiếng buồn mãi mãi trong không
gian sống.
Khổ thơ thứ ba là khổ thơ bi thám. Quýnh quáng vì thấy mất đi
quá nhiều, mò mãi vì tìm quá khứ không còn, trời bình minh mà như gần tối vì u
sầu trong tâm tư và cuộc sống. Đau khổ nhất là người như bóng ma sống lặng
thinh:
Quay lại. Đâu say mà
quýnh quáng
Mò mãi không ra đất
nước mình
Sớm tinh mơ như trời
chạng vạng
Người nối người cứ thế
lặng thinh.
Lặng thinh khác thinh lặng. Thinh lặng chỉ sự im lặng là
một trạng thái nội tâm do ta tự nguyện để giữ sự bình an trong tâm hồn. Lặng
thinh là im lặng không nói, chỉ sự ức chế của tâm hồn hay bị bắt buộc phải nín
thinh. Câu thơ “Người nối người cứ thế
lặng thinh” là một lời ta thán cho hình ảnh đau buồn, vật vờ như bóng ma
kéo từng đoàn đi hoài trong bóng tối.
Khổ thơ cuối cùng bày tỏ nỗi buồn đã lên đến đỉnh vì một Sài Gòn
thay đổi, một Sài Gòn khác xưa xa:
Trời vào xuân mà như
cuối thu
Thương Sài Gòn hiu hắt
sương mù
Giả ngó lơ mà lòng
nghẹn đắng
Nước mắt nhòe. Không,
trời mưa thu!
Thật tình ai đã từng sống tại Sài Gòn năm xưa, sau xa cách lâu
ngày, nay quay lại bị hụt hẫng bởi biết bao nhiêu thay đổi là sự bình thường.
Bài thơ không khác với hàng trăm bài thơ quay lại Sài Gòn của nhiều thi sĩ,
khác chăng là Phương Tấn đã chuyển tải được cảm xúc của mình vào thơ bằng linh
ý của một con tim bình tỉnh trong tê tái sầu thương, giống như người mang nỗi
đau tận cùng mà không than khóc. Bởi thế khi đọc thơ, nước mắt tôi yên lặng
tràn trên má, chính tôi cũng không biết rằng lòng tôi đang thổn thức vì thơ.
Đọc “Trời Vào Xuân Mà Như Cuối Thu” ta rung động ngay từ cái tựa đề.
Rồi đi vào từng vần thơ, từng khổ thơ, ta nghe tiếng buồn như lá vàng rơi, sự
thê thiết tự nhiên thẩm thấu vào lòng và nỗi đau khô như máu đông lại trong con
tim cho những ai mất ngày xanh, mất tuổi trẻ và mất quê hương, nay tìm lại thì
ngay cả “Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt/
Nước còn cau mặt với tang thương” cũng không có nữa! ./.
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Các bài phê
bình, cảm nhận thơ0
- Các bài viết về
Chuyện làng văn0
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 2l
Mời nghe nhạc phẩm LỜI TỎ TÌNH CỦA MÙA XUÂN
của Thanh Tùng, qua tiếng hát Mỹ Linh:
*.
CHÂU THẠCH (Trương Văn Trạn)
Địa chỉ: 75 Phan Kế Bính, Thuận Phước,
Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.
Điện thoại: 0929128967 - 0842267607
Email: truongvantran@hotmail.com
.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên
bản từ email tác giả gửi ngày 07.12.2024.
- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn:
internet.
- Bài viết không thể
hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét