Truyện vụ án: MỘT VỤ GIẾT NGƯỜI CỦA CƠ QUAN TƯ PHÁP MỸ - Tác giả: Phương Việt Kháng (Quảng Ninh)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: Internet)
MỘT VỤ GIẾT NGƯỜI CỦA
CƠ QUAN TƯ PHÁP MỸ
*
Không kịp tổ chức ngày sinh nhật lần thứ 60 của mình, trước đó một ngày, nhà triệu phú người Mỹ George Martin đã bị một hung thủ sát hại bằng năm phát đạn vào sống lưng khiến ông chết ngay tức khắc. Nghe thấy tiếng súng, bà vợ ông Martin hoảng hốt chạy từ nhà tắm ra, phát hiện thấy chồng mình bị giết, bà lập tức gọi điện báo cho cảnh sát trưởng John Brooks. Lúc này, viên cảnh sát trưởng không biết làm gì hơn ngoài việc xác nhận cái chết của ông Martin và gọi điện thoại báo cho Ban án mạng ở Atlanta, thủ phủ bang Georgia.
Tại sao triệu phú George Martin lại bị sát hại? Ông sinh ra và lớn lên tại thành phố này. Ông không chỉ là người giàu có nhất mà còn là một trong những công dân đáng kính nhất tại Griffin. Những nỗ lực mở rộng kinh doanh của ông đã góp phần đưa mức sống của nông dân ở đây lên cao hơn. Trước đó hai năm, Martin từ chối chiếc ghế thị trưởng Griffin và tuyên bố muốn trở thành thống đốc bang Georgia. Ông đã tung ra bốn triệu đô la vào chiến dịch vận động bầu cử và được tất cả nông dân và các chủ trang trại bang Georgia ủng hộ. Ông là ứng cử viên chắc chắn nhất cho chiếc ghế thống đốc bang. Phải chăng vì thế mà người ta giết ông?
Khi ông cảnh sát trưởng nói với Thiếu tá Hunting, Trưởng ban án mạng, là ông Martin không có kẻ thù trong thành phố này thì Hunting lắc đầu nói: "70% dân số Griffin là người da đen. Như vậy, cứ một người da trắng thì có hai người da đen - có nghĩa là hai kẻ thù!".
Tuy nhiên, cùng với các cộng sự của mình, Thiếu tá Hunting đã không tìm thấy bất cứ một dấu vết nào, kể cả năm chiếc vỏ đạn. Bà Betty - vợ nhà triệu phú cũng không cung cấp được cho ông ta tin tức gì khả dĩ có thể làm cơ sở cho cuộc điều tra được. Nhưng bà Betty cho biết, cách đây hai tháng, ông nhà đã cho anh lái xe người da đen tên là Jim Nashville nghỉ việc thì Hunting ghi ngay tên anh này vào "sổ đen".
Suốt từ sáng sớm hôm sau, các xe tuần tra của cảnh sát sục sạo khắp thành phố để truy tìm Nashville. Đến buổi trưa hôm đó, anh chàng lái xe da đen tội nghiệp đã bị quật ngã một cách dã man bởi năm cảnh sát khi anh đang từ trong một tiệm ăn bình dân bước ra.
Nashville phải trải qua cuộc hỏi cung đầu tiên trong một xà lim lạnh lẽo, không cửa sổ. Thiếu tá Hunting lôi ra một khẩu súng được bọc nilông và nói cảnh sát hình sự của ông ta đã tìm thấy khẩu súng đó trong phòng trọ của Nashville.
Anh chàng da đen nhìn trân trân vào khẩu súng như một người vô tri, vô giác và thốt lên: "Lạy chúa! Ông ơi, ông muốn gì ở tôi? Tôi chưa bao giờ cầm khẩu súng này trong tay. Tôi còn không biết sử dụng nó như thế nào nữa kia..."
Ngày hôm sau, tất cả các báo đều đăng ảnh Nashville và anh đã bị kết tội tử hình ngay cả khi cơ quan cảnh sát còn chưa điều tra xong. Sau đó, Thiếu tá Hunting tới hỏi bà Betty một lần nữa về vụ án mạng và thuyết phục bà ta xác nhận rằng chính Nashville là kẻ đã bắn chết ông Martin. Những câu hỏi theo kiểu "gợi ý" của Hunting làm bà Betty đã dần dần đồng ý nhận dạng Nashville là hung thủ!
Hai tháng sau đó, phiên toà xét xử Jim Nashville được mở tại thành phố Griffin. Suốt mấy tuần lễ qua, báo chí đã nhân vụ Nashville giúp cho ứng cử viên cực kỳ hăng hái chống lại quyền bình đẳng của người da đen được bầu vào ghế thống đốc bang.
Công tác bào chữa bắt buộc theo luật định được Toà giao cho ông James Wood - một luật sư chưa từng bao giờ bào chữa trong phiên toà xét xử án mạng. 12 vị bồi thẩm, những người sau này sẽ tuyên bố là người da trắng. Từ phút đầu đến phút cuối cùng, cả 12 vị công dân da trắng này đều nhìn Nashville như nhìn một con rắn độc.
Mọi cố gắng của luật sư Wood đều vô vọng. Phần lấy chứng cớ trong phiên toà được tiến hành trôi chảy và rất nhanh chóng. Sau đó Jim Nashville đã bị tuyên án tử hình bằng ghế điện.
Jim Nashville còn bốn tuần lễ để hi vọng vào một điều kỳ diệu nào đó. Luật sư Wood cũng có chừng ấy thời gian để lần theo một dấu vết mà ông đã nhận thấy trong khi Toà lấy lời khai của Thiếu tá Hunting. Từ dấu vết này, vị luật sư nhận thấy, ai là kẻ đã thực sự giết chết ông Martin và có thể tìm được hắn ở đâu. Ngay cả ở phiên toà, ông đã tiếp cận được khẩu súng nhãn hiệu Webley được coi là hung khí mà Jim Nashville đã dùng để bắn chết ông Martin. Mới nhìn thoáng qua ông đã có thể tin rằng thân chủ của ông không thể là kẻ giết người được. Cũng giống như bất cứ khẩu súng nào khác, khẩu Webley này cũng có số sản xuất được dập lên súng. Nhưng, dãy số sản xuất được dập lên khẩu súng lại có thêm một chữ cái để chỉ một sêri súng nhất định chỉ dành riêng cho... cảnh sát! Người luật sư còn biết súng quân dụng của cảnh sát có dập thêm một hàng số kiểm soát nằm giữa nòng và báng súng nữa, để bất cứ lúc nào cũng có thể kiểm tra được xuất xứ của súng. Wood nhận ra ngay một điều khi xem xét "hung khí" là thủ phạm đã giũa đi dãy số kiểm soát này.
Xà lim số 401 trong nhà tù Raidsville là một xà lim an toàn tuyệt đối. Nashville đã bị giam 30 ngày trong xà lim này. Một người cai ngục có thân hình lực lưỡng tên Glendale là người duy nhất hằng ngày tiếp xúc với anh.
Vào cái buổi tối ngày thứ 30 ấy, viên cai ngục vào mang theo một bộ quần áo màu đỏ - bộ quần áo tử tù phải mặc lúc hành hình. Ông ta thì thầm với Nashville: "Đến rồi Jim ạ. 12 tiếng đồng hồ nữa cậu sẽ bị nướng đấy".
Trong suốt buổi tối cuối cùng trước ngày hành hình Nashville, ông luật sư James Wood ngồi trực bên điện thoại trong văn phòng luật sư của ông. Đối với luật sư Wood, điều tệ hại hơn là những giằng co, thất vọng trong thâm tâm ông là việc ông không có được điều kiện để theo đuổi dấu vết của tên giết người thực sự. Để làm được điều đó, ông cần phải có được hung khí - khẩu Webley ổ quay - để đưa đi xét nghiệm bằng phương pháp quang phổ xác định số kiểm soát của cơ quan cảnh sát trước kia đã được đóng lên khẩu súng và sau đó đã bị hung thủ giũa đi. Tuy nhiên, khẩu Webley tang vật đã được lưu vào hồ sơ của Toà án và sau khi kết thúc phiên toà không ai được phép xem lại tang vật đó nữa. Để làm được điều đó, luật sư Wood cần phải đưa ra được một nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc giám đốc thẩm lại bản án. Cuối cùng, ông đã phát hiện ra ngày xét xử thứ hai chỉ có 11 bồi thẩm tham gia phiên toà! Vậy là thiếu một người! Theo Bộ luật Tố tụng hình sự thì đây là một sai sót lớn. Ông đệ đơn lên Toà án tối cao bang Georgia đề nghị cho giám đốc thẩm lại bản án.
Buổi sáng cuối cùng Jim Nashville còn được phép sống, luật sư Wood nhận được một xác nhận bằng văn bản từ Atlanta và đơn xin giám đốc thẩm lại bản án của ông đã được tiếp nhận. Nhưng, không vì thế bản án tử hình có thể được huỷ bỏ hay không mà còn phải được Toà án tối cao xem xét. Trong khi ấy, một người duy nhất có quyền ra lệnh tạm đình chỉ việc thi hành án đó là Thống đốc bang Georgia. Vị Thống đốc đương nhiệm chính là người đã leo lên chiếc ghế cao nhất Georgia nhờ cái chết của ông Martin.
3 giờ kém 1 phút, người tử tù da đen đã đứng sẵn sàng bên song sắt. Chiếc kim đồng hồ đang quay như không gì có thể cản nổi.
Đúng 7 giờ 45 phút, ông giám thị xuất hiện cùng với ba người mặc quân phục trang trọng như trong một buổi duyệt binh. Trong cái phút cuối cùng ấy, không một cú điện thoại nào còn được gọi đến để ngăn cản cuộc hành hình Jim Nashville nữa. Cảnh sát trưởng Brooks, ông công tố viên Nash và một đại diện của bồi thẩm đoàn ngồi sau một tấm kính chống đạn với tư cách là nhân chứng giám sát vụ giết người do cơ quan tư pháp gây ra này. Đúng 8 giờ 10 phút, họ ký vào biên bản xác nhận bản án đã được thi hành đúng quy định.
Sau đó một ngày, luật sư Wood đã nhận được một công văn từ văn phòng của thống đốc bang thông báo như sau: "Chậm nhất là 48 tiếng trước thời hạn thi hành án, đơn xin hoãn thi hành án tử hình bằng văn bản phải được trao trực tiếp tới tay thống đốc bang với đầy đủ lý do cụ thể. Do đó, chỉ xét theo qui định này thôi thì đề nghị bằng miệng của ông lên văn phòng thống đốc bang đã có lý do để không thể được xem xét rồi".
Tuy nhiên, có lẽ là để thể hiện sự độc lập từ tự do của hoạt động tư pháp ở Georgia, nên sáu tuần lễ sau, Toà án tối cao bang này đã chấp thuận bản kháng nghị có nêu rõ lý do của luật sư Wood. Toà án tối cao Georgia tuyên bố, bản án tử hình của Toà án Griffin xử Nashville đã được thi hành từ lâu là trái với pháp luật! Sau ba tháng, một phiên toà mới được mở lại vẫn tuyên bố xử "vắng mặt" Jim Nashville án tử hình trên ghế điện vì tội đã giết chết George Martin!
Trong thời gian chuẩn bị cho phiên toà thứ hai này, luật sư James Wood đã lấy được hung khí từ hồ sơ vụ án ra và giữ được nó trong ít ngày bằng cách đánh tráo vào hồ sơ một khẩu Webley khác. Ông đã dùng phương pháp quang phổ để tái tạo lại số kiểm soát của cảnh sát đã bị hung thủ giũa đi trên hung khí và bí mật xác định được chủ nhân cuối cùng của khẩu súng. Đó là Rocky Rothschild, một sĩ quan cảnh sát hình sự ở Atlanta. Y đã bị sa thải vì tội ăn hối lộ.
Đã hai năm kể từ ngày phiên toà được mở lại, luật sư James Wood vẫn lặng lẽ làm việc trong văn phòng luật sư nhỏ bé của mình. Cho đến ngày 14-7-1967, một tờ báo ở Atlanta đưa tin rằng, ở Kentucky, trong một vụ đụng độ giữa cảnh sát và bọn tổ chức cá cược bất hợp pháp có một kẻ tên là Rocky Rothschild đã bắn một cảnh sát bị thương nặng. Đọc đoạn tin này, luật sư James Wood không rời khỏi tờ báo được nữa. Nếu đúng đây là kẻ ông đang tìm, thì liệu có buộc được hắn khai ra là đã bắn chết George Martin, hoặc ít nhất là có dính líu đến vụ án mạng hay không?
Sau đó, luật sư Wood viết ngay một lá thư cho Rothschild đang ở trong tù và nhận sẽ bào chữa miễn phí cho y. Tất nhiên là Rothschild đồng ý. Sau vài chục giờ đồng hồ tiếp xúc và thuyết phục Rothschild, Wood đã được nghe một nửa sự thật từ Rothschild về vụ ám sát George Martin. Y khai đó là khẩu súng của y, khi còn là cảnh sát đội chống rượu lậu, được một kẻ tên là Leonie Neal dùng để bắn chết triệu phú George Martin, vì ông này đã tố cáo việc đội cảnh sát chống rượu lậu ăn tiền của bọn buôn rượu lậu.
Tiếp đó, bằng nỗ lực của mình, luật sư Wood đã tìm thấy Leonie Neal trong một trại giam khác. Tên này khai chính Rocky Rothschild đã mặc cảnh phục đột nhập vào biệt thự của George Martin và bắn chết ông ta. Sau đó, Rothschild đã chôn bộ quần áo cảnh sát tại nghĩa địa Sallis Creek, nằm khoảng giữa đoạn đường từ Atlanta đi Griffin.
Ngày hôm sau, Ban án mạng Atlanta dưới quyền Thiếu tá Hunting đào được bộ quần áo cảnh sát của Rothschild tại nghĩa trang Sallis Creek và tìm thấy ngay bằng chứng về việc George Martin bị một sỹ quan cảnh sát bắn chết. Luật sư James Wood coi đây là chiến tích lớn nhất trong cuộc đời luật sư của ông.
Ngày 14-1-1968, Rothschild bị toà xử chung thân vì tội giết người. Trong mẩu tin mà các báo ra hằng ngày ở bang George, người ta không thấy nêu ai là nạn nhân của vụ giết người do Rothschild gây ra cả. Trong phiên toà này, James Wood không phải là luật sư bào chữa, vị trí này đã được giao cho một luật sư khác. Cơ quan quản lý luật pháp không minh bạch để tìm cách lấy tang vật của vụ án. Người ta đã ám chỉ việc luật sư Wood đánh tráo khẩu Webley để bí mật đưa đi giám định. Thế là, việc luật sư James Wood điều tra ra vụ ám sát triệu phú George Martin không phải là đỉnh cao, mà là dấu chấm hết cho sự nghiệp luật sư của ông.
Có thể nói, đây là những viên ngọc đẹp của thanh niên thời hiện đại.


*
Mời thư giãn với nhạc phẩm ĐỜI CHỈ LÀ THẾ THÔI
của Quách Been, qua tiếng hát Phú Lê:
*.
PHƯƠNG VIỆT KHÁNG
Địa chỉ: Lô nhà số 5, phường Trần Hưng Đạo,
thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh
Email: datinh_1974@yahoo.com
..............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 21.05.2017.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

0 comments:

Đăng nhận xét