ĐỌC BÀI THƠ “MIỀN TRUNG” CỦA QUỲNH HOA - Tác giả: Hà Nguyên (Hà Nội)

Leave a Comment
(Nhà thơ Nguyễn Thị Quỳnh Hoa)
ĐỌC BÀI THƠ “MIỀN TRUNG
CỦA QUỲNH HOA
*
Miền Trung

Xưa người nói miền Trung son sắt
Bám đất yêu quê đánh giặc giữ làng
Nay còn có một miền Trung khác nữa
Nặng tình quê nên biệt xứ lang thang

Không cần biết nơi mô - vào Nam, ra Bắc
Ở đâu có cơm áo là đi
Những bàn chân, bàn chân cát lấm
Ngang dọc tung hoành Châu Á, Châu Phi

Xưa cứu nước, nay cứu nhà bớt khổ
Những cuộc tiễn đưa nhẹ tựa lông hồng
Sớm vợ bay Đài Loan
                       chiều chồng sang Ả Rập
Con nhỏ mẹ già ngơ ngác vời trông…

Gái trai lớn lên mỗi người một ngả
Làng vẫn đây như để nhớ bóng làng
Ngõ xóm đường quê ngày thêm vắng vẻ
Lâu lắm rồi không đám cưới đi ngang.
*
QUỲNH HOA
LỜI BÌNH:
Đôi khi mới gặp được bài thơ chỉ đọc mấy câu mở đầu nó đã hấp dẫn người đọc muốn đọc tiếp xem tác giả sẽ dẫn ta đến đâu:
Xưa người nói miền Trung son sắt
Bám đất yêu quê đánh giặc giữ làng
Nay còn có một miền Trung khác nữa
Nặng tình quê nên biệt xứ lang thang
Đây là cách, cũng có thể là bút pháp riêng để diễn tả thứ nội tâm hai chiều luôn giằng co giữa những yêu thương, hờn giận, vui buồn… khi cuộc sống quanh ta luôn đổi thay, thay đổi thích ứng, tồn tại.
Người miền Trung là nói đến những vùng đất nổi tiếng gian khó như Nghệ An, Hà Tĩnh, nắng lửa gió Lào, đất càn cỏ cháy nhưng con người kiên trinh từng bám đất, đánh giặc giữ nhà, giữ nước sau mấy cuộc chiến tranh, đã thành tấm gương sáng cho lòng yêu nước, yêu quê gắn bó. Giờ hết giặc nhìn lại thấy mình quá nghèo, quá khổ. Cái cơ chế thôi trói buộc… thế là bỗng dưng ai nấy làm cuộc tháo cũi, xổ lồng:
Không cần biết nơi mô - vào Nam, ra Bắc
Ở đâu có cơm áo là đi
Những bàn chân, bàn chân cát lấm
Ngang dọc tung hoành Châu Á, Châu Phi
Tác giả có được ánh nhìn hóm hỉnh đem hòa trộn cái bi vào những nét thật hài, để làm nhẹ đi nỗi đau cho người dân Việt bao năm tự hào đánh đuổi ngoại xâm giành lại độc lập thống nhất, được làm chủ non sông, giờ tự mình cởi bỏ cái áo làm chủ để đi làm thuê, vác mướn … những bàn chân đen nhẻm cát bụi miền Trung. Thoắt một cái, qua thơ, như có phép màu để biến hóa thành “đoàn quân đi chinh phục xứ người”
Ngang dọc tung hoành Châu Á, Châu Phi
Ai đọc câu thơ mang những nét hài này mà không thấy chút dư âm đắng đót.
Đoạn thơ bốn câu tiếp theo như ống kính quay chậm lưu lại cận cảnh trong hồn người đọc:
Xưa cứu nước, nay cứu nhà bớt khổ
Những cuộc tiễn đưa nhẹ tựa lông hồng
Sớm vợ bay Đài Loan
                chiều chồng sang Ả Rập
Con nhỏ mẹ già ngơ ngác vời trông…
Ai đã gặp cảnh này mới thấm thía nỗi nghèo khổ đã đeo bám dân tộc ta từ những nghìn đời. Biết đổ lỗi cho ai; sau bao triều đại lưu lại tuổi tên những anh hung lập nước, giữ nước. Cái tư tưởng vươn lên sánh vai cùng với cường quốc năm châu mà Hồ Chí Minh khát vọng giờ vẫn chỉ là khát vọng xa xôi với mỗi thân phận nhỏ nhoi ở cái dải đất miền trung này thì chưa thấy con đường nào khác. Muốn có cơm ăn áo mặc phải bỏ nhà bỏ cửa, bỏ con bỏ cái, vợ chồng ly tán mỗi kẻ một phương. Làng còn đấy, nhà cửa có tiền thu vén đem về xây cất có khang trang hơn, đường xá cũng bê tông hóa đẹp mắt nhưng cuộc sống thì không còn tiếng cười xum họp cùng những ngày vui ấm áp như thuở xa xưa. Nhà nào cũng chỉ còn người già trẻ nhỏ nuôi nhau chờ đợi:
Gái trai lớn lên mỗi người một ngả
Làng vẫn đây như để nhớ bóng làng
Ngõ xóm đường quê ngày thêm vắng vẻ
Lâu lắm rồi không đám cưới đi ngang…
Khi ở nấc thang thấp nhất của cuộc sống con người thì khát khao cơm áo nhưng có đủ áo cơm rồi ta mới hiểu hạnh phúc của đời người được sống ngắn ngủi trên mặt đất này, bất hạnh nhất là cuộc sống phải xa cách chia ly, vợ một nơi chồng một ngả, con cái phải để lại ông bà dạy dỗ thay. Làm sao những đứa trẻ thấm đượm được tình mẹ nghĩa cha để tiếp nối làm người… Chưa nói đến cuộc sống lưu vong xứ người bao nhiêu bất trắc, bao nhiêu cám dỗ chồng hờ vợ tạm, mấy ai giữ được cái hồn chung thủy như người ta thường ngợi ca thứ “bản sắc văn hóa Việt Nam” trên báo trên đài. Có nhà hoàn cảnh chỉ hai vợ chồng, con nhỏ không nơi trông cậy thì vợ chồng thay nhau kẻ ở người đi. Người vợ ở nhà năm năm, mười năm trông đợi chồng về nhưng không thể tự hào làm “vọng phu” trông đợi. Còn người chồng ở lại thì đúng là cảnh “gà trống nuôi con”. Nhìn cảnh nhà thật đáng thương sao.
Bài thơ đã ghi lại được cái hồn quê nước Việt, ngày xưa nghèo túng nhưng ấm áp bao nhiêu, giờ đang tan loãng cùng với đổi thay, mai sau rồi đến thế nào? Câu thơ kết để gói lại bài thơ là rất đắt. Hàng nghìn nóc nhà với bao sự sống con người, cũng những bóng cau lối ngõ, cùng dàn hoa giấy đỏ tươi, nhìn ngoài như chẳng có gì khác lạ mà khác lạ:
Ngõ xóm đường quê ngày thêm vắng vẻ
Lâu lắm rồi không đám cưới đi ngang…

Mời thư giãn với nhạc phẩm VỀ HÀ TĨNH NGƯỜI ƠI
của Xuân Thủy, qua tiếng hát Bùi Lê Mận:

*
Hà Nội, tháng 07 năm 2016
Nhà thơ HÀ NGUYÊN
Địa chỉ: 126 Nam Cao, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Email: kstoan12@gmail.com







…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 08.07.2016.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.   

0 comments:

Đăng nhận xét