NGƯỜI VỀ VỚI CÕI TRƯỜNG SINH - Tùy bút Đỗ Hoàng (Hà Nội)

Leave a Comment
(Văn sỹ Thái Doãn Hiểu)
NGƯỜI VỀ VỚI CÕI TRƯỜNG SINH
TƯỞNG NHỚ HỌC GIẢ THÁI DOÃN HIỂU
*
Mấy năm trước, tôi nhớ vào một buổi sáng có cú di động gọi cho tôi với số máy lạ. Tôi hay giật mình những số lạ, nhưng gì thì gì vẫn cầm máy nghe. Đúng là người lạ, tôi chưa hề biết. Anh nói: - Mình là Thái Doãn Hiểu, mình có đọc bài viết của Đỗ Hoàng về thơ Nguyễn Khoa Điềm mình muốn chia sẻ.
Tôi nói xã giao:
- Cám ơn anh, anh cứ nói thế nào em cũng nghe.
Anh Hiểu nói: - Mình thực sự cảm phục Đỗ Hoàng, Đỗ Hoàng là một con người trung thực, thẳng thắn và dũng cảm! Đỗ Hoàng đã viết trúng tim đen Thơ của Điềm. Rất chính xác, khoa học. Hoàng đã giáng một đòn trời đánh vào thơ Điềm.
Tôi nghe từng ấy lời là tôi đã quá kính trọng vị khách điện la. Tôi đi trên con đường độc đạo văn chương này trước đây có mấy ai đồng cảm với tôi bao giờ. Ngay sáng tác cũng thế, nói chi đến phê bình. Tập thơ Tâm sự người lính, tôi viết về nỗi đau muôn đời của loài người là chiến tranh chết chóc đầy tính nhân văn mà nhiều người la ó. Đến như nhà văn Cao Tiến Lê từng cùng quân ngũ, đồng nghiệp, thế mà anh nói: “Mày ở đại đội tao, tao tước quân tịch đuổi mày ngay!” Huống gì phê bình văn chương. Mà tôi phê bình thơ và Vô lối Nguyễn Khoa Điềm đã có một thời làm quan cỡ “nhất phẩm” triều đình. Người chia sẻ với mình về bài phê phán thơ và Vô lối Nguyễn Khoa Điềm đúng là bậc tri âm, tri kỷ rồi đây. Một siêu nhân! - Tôi nghĩ thế.
(Nhà thơ Đỗ Hoàng)
Triết gia, văn sỹ Nguyễn Hoàng Đức viết về tôi: “Người Việt có câu: - có cứng mới đứng đầu gió, với vốn liếng văn hóa dạn dầy, dài rộng, sâu lắng, và thi ca kim cổ đông tây đồ sộ, lại mang một tầm nhìn lớn cho thơ, một tầm vóc hoành tráng cho chữ nghĩa, làm gì Đỗ Hoàng chẳng tự tin và dám tả xung hữu đột đối mặt với lực lượng làm thơ mậu dịch đông rinh ríc. Có một phát hiện mới của loài người rằng: sáng tạo là việc của cá nhân chứ không phải làm việc là sản phẩm của đám đông. Hàng nghìn, hàng vạn người làm việc cũng không thể được gọi là sáng tác mà đó chỉ là sản xuất. Chính thế văn thơ bao cấp nhiều khi chỉ là chỗ không người. Tôi vừa chia sẻ sự cô lập của Đỗ Hoàng vừa buộc phải thán phục anh. Nếu không có tâm hồn chịu sóng gió cô lập trước đám đông vần vèo nhũn nhẽo thì làm sao có được một Đỗ Hoàng thơ ca hoành tráng như vậy, dám làm một cây bút hàng đầu phản tỉnh lại cuộc chiến “nồi da sáo thịt”?! Bái phục! Bái phục!”
Đúng tôi chẳng có ai chia sẻ. Có kẻ còn nói tôi dịch thơ Vô lối ra thơ Việt là tôi bị điên nữa là. Một số bạn bè, văn nghệ địa phương, văn nghệ trung ương nơi tôi đã từng tham gia và đang tham gia coi tôi là loại nhà thơ ba xu, xoàng xỉnh!
Chỉ mấy lời ấy thôi, tôi đã tâm phục khẩu phục một trăm phần trăm học giả Thái Doãn Hiểu.
Sau đó anh nói chuyện dài dài. Anh kể anh cùng học với Nguyễn Khoa Điềm, Điềm làm quan hanh thông, anh đi dạy học mai danh ẩn tích. Anh muốn tôi giới thiệu ít bài viết của anh lên trang mạng vannghecuocsong.com do tôi phụ trách.
Thế là từ đó tôi và anh là hai anh em văn chương thân thiết. Anh gửi bài nào tôi cũng in, anh bảo rút bài nào tôi cũng rút. Những bài viết của anh làm cho trang vannghecuocsong.com thêm uy lực. Những bài như “Thi hào Vương Bột tử nạn trên biển Nam Hải, Những cái chết tức tưởi, Bọn phù thủy văn nô, Minh triết thật giả, Đừng năn nỉ nữa Điềm ơi, Sự thật “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”…có tiếng vang rất lớn. Bài “Những phù thủy văn nô” lột trần sự giả dối, coi thường phép nước đến vi phạm pháp luật của một số người vì nhiệm vụ tuyên truyền có lợi cho phe nhóm mà dựng những hồn ma gái oan khuất một thời bị lừa phỉnh vào cuộc chiến vô tích sự nay lại muốn lấy hình tượng được molife lại để lừa tiếp thế hệ non nớt hôm nay vào những cuộc đổ máu vô nghĩa nữa!.
Bài của anh Hiểu in ra, có nhiều độc giả gọi đến tôi xin số phôn của anh để chúc mừng và chia sẻ. Tôi nhớ có một anh Tổng Biên tập tờ Tin tức đâu ở bên Băng cốc - người Việt - gọi cho tôi xin số điện thoại của anh Hiểu để khi về nước đến thăm anh. Ôi thật tuyệt vời, mừng cho học giả trung thực!
Bài “Điềm ơi! Đừng năn nỉ nữa” tôi đã in lên mạng, nhưng sau đó anh Hiểu bào tôi, có nhiều việc tế nhị nhờ tôi rút xuống. Tôi đưa xuống ngay.
Tôi thì cực đoan, tôi nói với anh: “Điềm là loại man trá, làm thơ thời chống Mỹ chỉ là hô khẩu hiệu gượng gạo chuộc tội, về hưu mất chức, mất quyền thì viết Vô lối hậm hực, tức tối chưởi đổng (Bây giờ là lúc, Đi bên mùa thu, Cõi lặng…). Không phải chỉ có Điềm, cả một thế hệ như thế! Không đáng tuyển vào các tuyển tập văn chương!
Anh Hiểu điện ra trao đổi: “Điềm bây giờ thì không thể làm thơ nữa, không có thơ hay. Nhưng Điềm, anh vẫn chọn trong Thi nhân Việt Nam hiện đại 145 người (lúc đó Thái Doãn Hiểu nói mới có 145 nhà thơ. Sau này lên đến 152 nhà thơ).
Tôi đọc anh, càng thêm bội phần kính trọng, quý mến anh vô cùng. Hoàn cảnh gia đình anh na ná giống gia đình tôi. Những gia đình lý lịch có vấn đề, không được đi thắng vào Đại học, phải về địa phương lao động cải tạo, đi thanh niên xung phong, có thành tích lao động rồi mới được đi Đại học. Khi minh oan gia cảnh thì ai cũng đã già rồi, chẳng làm thêm được gì! Người ta nói: “Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”; cũng có loại người vì bất đắc dĩ, vì thời thế tuy có đi cùng nhưng vẫn “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản”. Nhưng anh Thái Doãn Hiểu là một con người không mặc cà sa, không mặc áo giấy gì cả, anh “ở trần”, anh đi giữa cõi đời này bằng một bản lĩnh kiên định có một không hai trên đời. Anh không tham gia một hội hè Nhà nước nào cả. Nhà toán học Phan Đình Diệu cũng có nhân cách như thế. Một lần tôi trò chuyện với ông, khi ông nói, nước nhà phải có nhiều Đảng, tựu trung tập trung hai trục chính như trục tung, trung hoành trong toán học, hai mặt đối lập để phát triển. Tôi hỏi nếu đa Đảng, Tiến sỹ có vào Đảng nào không? Phan Đình Diệu trả lời: “Mình không vào Đảng nào cả. Vào Đảng nào thì mình phải bênh Đảng đó, mình không khách quan được”. Anh Thái Doãn Hiểu rất độc lập như thế, và với “nhãn quan khoát đại, tâm tinh tế” (mắt nhìn bốn cõi, lòng hiểu mọi lẽ đời) nên những nhận định đánh giá của anh có chiều sâu, có sức nặng, không như phường giá áo túi cơm, sáng vác ô đi tối vác về, cuộc đời trĩu nặng miếng cơm manh áo, nhìn gà hóa cuốc, đánh giá xiêng xẹo, tây vị, bệnh hoạn, bợ đỡ bọn ném lựu đạn, không ra một tí học giả, học thật nào!
Trước tác của anh Thái Doãn Hiểu rất đồ sộ (Là tác giả của 18 công trình khảo cứu văn hóa sáng giá. Công trình THI NHÂN VIỆT NAM HIỆN ĐẠI đã hoàn tất. 152 chương sách - 152 nhà thơ đã được dựng thành chân dung văn học. Đội ngũ đông đảo đó đã tạo nên bức tranh hoành tráng về nền thơ Việt Nam hiện đại nửa cuối thế kỷ XX. (Thơ tình bốn phương, Ngàn năm thơ tứ tuyệt, Những kiệt tác thơ Việt Nam), Ông đã bỏ ra 17 năm ròng lao động cật lực. Phải đầu tư lớn. Đầu tư chủ yếu là ý chí, phải có cái đầu lạnh và một quả tim nóng mới đương đầu nổi với việc đội đá vá trời như thế), Thái Doãn Hiểu đã đọc không dưới một vạn tập thơ! Hàng mấy ngàn nhà thơ đã đọc qua! Hơn 800 nhà thơ phải theo dõi và cập nhật thường xuyên trong máy tính. Có nhiều lần bộ nhớ máy tính “đình công” vì quá tải. Chương mở đầu được động bút khởi thảo ở Chợ Lớn năm 1989, chương kết thúc viết ở Sydney, những tháng hè nghỉ ngơi và dưỡng bệnh ở Nam bán cầu cuối năm 2006. Toàn bộ công trình dài ngót nghét 4.000 trang khổ 15,5 x 20,5 cm. Trong đó 2.200 trang tiểu luận và 1.800 trang tuyển thơ. Ông đã thay đến bộ máy tính thứ ba, thay máy in lase thứ 2, hủy hàng dăm chục ram giấy. Sách có thể in được rồi, tuy còn phải sửa chữa chút ít, làm thay cả viện văn học, văn hóa nghệ thuật, giáo dục…
Một người anh khả kính, tri âm, tri kỉ như thế mà tôi chưa một lần gặp. Khi anh gọi điện cho tôi lần đầu, anh có nói anh nằm ở bệnh viện chạy thận. Tôi chưa hiểu bệnh tình anh nặng như thế nào. Vì thấy anh viết khỏe cứ gửi bài ra đều đều. Tất nhiên tôi biết là anh vượt lên bệnh tật để làm việc. “Ôi những người cực tốt/ Trái tim thường hay đau (Nadim Hitmec tặng Pautopxki). Không ngờ anh ra đi đột ngột. Tôi cũng không biết anh mất. Anh Phạm Thường Khanh gọi điện báo tin anh mất tôi mới biết và thật sự lặng người đi vì se thắt buồn đau cho một kiếp người “bóng câu qua cửa sổ”. Tôi ở một cơ quan công nhà nước thường phải đi nhiều đám tang của các vị chức sắc nên phải sắm hai cái áo sẩm màu để đứng tiêu binh. Tôi chứng kiến nhiều đám tang của những kẻ chẳng làm một tí lợi ích gì cho dân cho nước, có khi làm hại dân, hại nước nữa là đằng khác mà đám ma to đùng to đoàng, tiêu tốn đến bạc tỷ tiền dân. Rồi một hệ thống đài dây, đài rợ, đài ảnh, đài hình inh ỏi kêu gào ngày đêm. Chẳng ai động lòng. Trong khi Bùi Giáng, Thái Doãn Hiểu ra đi lặng lẽ không không sắc sắc. tôi vô cùng xúc động. Và viết bài thơ khóc cho Bùi Giáng cũng như cho anh Hiểu và những bậc hiền tiên khác.
HÀI HÌNH THI NHÂN
Người về với cõi Trường Sinh
Cầu chi nửa cái hài hình nhân gian
Đế vương mộng đã cũ càng
Khóc thương cũng đã muộn màng xứ quên
Trời ngơ, đất ngẩn, người nghiêng
Như còn hoang lạnh, đời điên đảo đời!
Sống không có nỗi nụ cười
Khuất rồi chẳng bận một lời tiễn đưa
Cúi đầu từ tạ sau xưa’
Đốt ngày làm nén hương thưa với người
*
Hà Nội, ngày 05 tháng 07 năm 2016
ĐỖ HOÀNG
Quê quán: Cao Vân, Lệ Thủy, Quảng Bình.
Hiện sống và làm việc tại Hà Nội.
Email: donguyenhn@yahoo.com
Điện thoại: 0913369652






…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 23.07.2016
   - Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
  - Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.      

0 comments:

Đăng nhận xét