Vài suy nghĩ về
4
VỊ TƯỚNG ĐẠI TÀI
TRONG
LỊCH SỬ TRUNG HOA
(LỜI
ĐẦU SÁCH cuốn KHỔNG MINH GIA CÁT LƯỢNG VÀ
NHỮNG
TỂ TƯỚNG ĐẠI TÀI ; Văn Hóa Thông Tin ; 1997)
*
(Tác giả Đặng Xuân Xuyến) |
CHUYỆN CÁC VỊ VUA TRUNG QUỐC là bộ sách dài
nhiều tập, do Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin, Nhà sách Bảo Thắng liên kiết xuất
bản, giới thiệu gần một trăm quân chủ phản diện, đại diện cho những mặt trái,
những hậu quả tất yếu của chế độ thế tập quyền uy trong suốt quãng thời gian
dài dằng dặc mà chế độ phong kiến "trị vì".
Thật là sai sót nếu bộ sách CHUYỆN CÁC VỊ VUA
TRUNG QUỐC chỉ giới thiệu những hôn quân vô đạo, những kẻ đã cản trở bước tiến
của lịch sử, phản lại lợi ích của dân tộc Trung Hoa vì những thú chơi ngông
cuồng, rồ dại, những dục vọng về quyền lực, ái tình đến bệnh hoạn của các đế
vương mà không giới thiệu những đấng quân vương có tài tề gia trị quốc, xứng
đáng được nhận sự tôn vinh của lịch sử là thánh vương, là minh quân như Vũ,
Thương, Tống Tổ... Và sẽ càng sai sót nếu CHUYỆN CÁC VỊ VUA TRUNG QUỐC không
giới thiệu những gương mặt tận trung với nước, hết lòng vì giang sơn và xã tắc
(Trung Hoa) của các bà hoàng hậu, các thừa tướng, đại thần đã hết lòng giúp rập
quân vương điều hành triều chính.
KHỔNG MINH GIA CÁT LƯỢNG VÀ NHỮNG VỊ
TƯỚNG ĐẠI TÀI là tập tiếp theo của bộ sách CHUYỆN CÁC VỊ VUA TRUNG
QUỐC giới thiệu bốn vị tướng lừng danh trong lịch sử Trung Hoa về mưu lược dụng
binh, về lòng bao dung, đức độ, về sự cúc cung tận tuỵ với giang sơn xã tắc
(triều đình) để lại tiếng thơm cho muôn thuở. Họ như những vì sao lấp lánh
chiếu toả. Năm tháng trôi đi, vật đổi sao dời nhưng tên tuổi và sự nghiệp bất
hủ của họ sẽ mãi không thể xoá nhòa trong dòng chảy của lịch sử đất nước
Trung Hoa.
Lật từng trang sử, các sử gia Trung Hoa đã
làm sống lại một Gia Cát Lượng dụng binh như
thần, quyết chí hiến thân, không hề núng nao ý chí. Ông là nhà chính trị, nhà
quân sự nổi tiếng thời Tam Quốc, là hoá thân của trí tuệ dân tộc Trung Hoa.
Những chiến lược quân sự mà Gia Cát Khổng Minh vạch ra đã trở thành những trước
tác bất hủ. Đọc Khổng Minh Gia Cát Lượng của Hàn Phấn Phát, tuy không
có những chương đoạn hào hùng, sôi động, những tình tiết ly kỳ huyền hoặc
như Tam quốc Diễn nghĩa của La Quán Trung, nhưng người đọc vẫn
cảm nhận được tài năng xuất chúng, chí khí phi phàm của Khổng Minh và trân
trọng một Gia Cát Lượng mà Hàn Phấn Phát đã phác hoạ. Ở đây, ta gặp một Gia Cát
Lượng không bị ngòi bút cường điệu hoá nên Gia Cát Lượng của Hàn Phấn Phát rất
đời thường mà lại vĩ đại, ta thấy gần gũi, giản dị và chân thực hơn những gì mà
La Quán Trung đã viết: Bình thường, giản dị nhưng cũng phi thường, thông minh
và đầy bí ẩn. Nói như thế, không có nghĩa là chúng tôi đánh giá giá trị tư
tưởng và nghệ thuật của hai tác phẩm, so sánh những thành công của hai tác giả
vì Tam
quốc Diễn nghĩa là một tác phẩm văn học thuộc dạng tiểu thuyết cổ điển,
kết hợp giữa dã sử và tín sử, được liệt vào kho tàng văn hoá Trung Quốc, đồng
thời cũng là tài sản của văn hoá thế giới. Còn Khổng Minh Gia Cát Lượng của Hàn
Phấn Phát là một công trình khoa học, nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của
một danh nhân, với cách nhìn nhận, đánh giá của một nhà khoa học hiện đại.
Chúng tôi cho rằng những phác họa của Hàn Phấn Phát không làm mất đi hình ảnh
dụng binh kỳ diệu đến bí ẩn của Gia Cát Lượng mà ngược lại càng làm cho hình
ảnh nhà mưu lược kỳ diệu này thêm sức sống. Và đấy chính là một đóng góp của
Hàn Phấn Phát cho đương đại những tài liệu quý giá về cuộc đời và sự nghiệp của
một bậc tiền bối.
Tiêu Hà, một khai quốc công thần của nhà Hán, đã phò
tá Lưu Bang từ lúc cơ hàn, phải sống nương nhờ vào sự cưu mang của những hiền
nhân quân tử đến tận khi lập nên nghiệp bá với lòng cúc cung tận tụy của một
công thần ái quốc, một trung thần hiếm có. Cho tận đến lúc tàn hơi kiệt lực,
Tiêu Hà vẫn luôn canh cánh bên lòng trách nhiệm phò tá "Thiên tử" giữ
yên cuộc sống ấm no cho muôn họ, để lại cho hậu thế một nguồn sáng chiếu rọi về
tình người, tình đời và lẽ sống cao đẹp không thể phai mờ. Ai đó đã nói: Có
Tiêu Hà mới có nhà Hán, quả thật nếu nhìn nhận ở một góc độ nào đó thì câu nói
đó không phải là cường điệu. Thủa Lưu Bang còn cầu bơ cầu bất, còn dưới trướng
của Tiêu Hà đã được Tiêu Hà ban cho nhiều ân sủng: Coi như tình huynh đệ, lo
chuyện trăm năm, bàn mưu tính kế giúp Lưu Bang tạo lên nghiệp lớn. Từ cuộc khởi
nghĩa ở huyện Bái, đến tận sau này khi Lưu Bang đã bình định xong thiên hạ,
Tiêu Hà luôn luôn ở bên để hiến kế dâng mưu, hết lòng lo cho nghiệp bá của tiên
chủ nhà Hán. Công lao to lớn của Tiêu Hà với nhà Hán thật nhiều, nhưng chỉ kể
một vài công trạng của ông với Lưu Bang trước khi lập nên nhà Hán cũng đủ thấy
điều mà ai đó đã nhận xét không phải là không có căn cứ:
- Cưu mang và khích lệ nghiệp lớn trong ý chí
của Lưu Bang.
- Lo chuyện trăm năm cho Lưu Bang và Lã Thị.
- Tiến cử và lưu giữ Hàn Tín giúp Lưu Bang
lập nên nhà Hán.
Chúng tôi nói rằng: Tiêu Hà và Hàn Tín là hai
trụ cột chính giúp Lưu Bang thu phục được thiên hạ, nhưng chúng tôi không cho
rằng: Có Tiêu Hà mới có nhà Hán vì nếu nhìn nhận và đánh giá như vậy thật là
phiến diện. Công trạng và đức độ của Tiêu Hà với vương triều nhà Hán quả thật
không nhỏ nhưng bên cạnh Lưu Bang đâu thiếu những anh hào? Sở dĩ Lưu Bang thu
phục được thiên hạ là bởi ông ta đã biết sử dụng tài năng thiên bẩm của những
hiền nhân quân tử quy tụ dưới trướng sao cho đúng với khả năng của họ. Tiêu Hà
rất giỏi về cơ mưu, Hàn Tín rất giỏi về chiến trận nhưng cả hai không có cái mà
Lưu Bang có, đó là những âm mưu, thủ đoạn chính trị mà bất kỳ một chính trị gia
nào cũng phải có. Cái chết oan nghiệt của Hàn Tín và những ngày tháng sống cảnh
"cá chậu chim lồng" của Tiêu Hà là bằng chứng cho tài năng hoạt động
chính trị của Hán Cao Tổ, cũng có nghĩa là Tiêu Hà và Hàn Tín chỉ có thể là
người "giúp việc" cho “Thiên tử” mà thôi.
Với gần 80 trang sách, Mục Bình Triều đã cung
cấp cho độc giả những dữ liệu lịch sử quý báu về cuộc đời và sự nghiệp lừng lẫy
chiến công của vị thừa tướng khai quốc, một công thần tận trung, tận nghĩa đã
phò tá Lưu Bang bình định được thiên hạ, đó là Tiêu Hà! Một con người cả đời
liêm khiết, trong sạch, hết mình vì dân vì nước dù những năm tháng cuối đời, để
bảo toàn mạng sống cho bản thân và gia tộc ông đã buộc phải tự làm lu mờ hình
ảnh của mình mà lẽ ra một con người như ông không nên làm vậy, nhưng cho dẫu có
bàn luận thế nào thì hậu thế vẫn cảm thông với ông trong điều kiện lịch sử lúc
bấy giờ và những chiến tích của ông, tấm lòng của ông mãi để lại tiếng thơm
trong lịch sử Trung Hoa.
Cũng trong tập sách này, chúng ta được gặp
danh tướng Trần Bình, người cũng có công rất lớn trong việc giúp Lưu Bang
thu phục thiên hạ.
Có thể nói, trong số những danh tướng lừng
lẫy chiến công, hiển hách công trạng thì Trần Bình là một danh tướng được yên
ổn nhất sau khi Lưu Bang đã lập xong nghiệp bá. Không như Tiêu Hà phải sống
cảnh "cá chậu chim lồng" suốt ngày nơm nớp lo sợ bị tiên chủ nhà Hán
"phế diệt", cũng không giống như Hàn Tín "chuốc hoạ vào
thân", bị chu di cả họ mà Trần Bình cả đời được nhà Hán trọng dụng, được
tôn lên tận mây xanh, thậm chí đến cả đời con đời cháu sau này vẫn được thừa
tập hầu tước.
Trong "Sử ký Tư Mã Thiên"
phần Cao Tổ bản kỷ có ghi lời Hán Cao Tổ khi ông ta cùng các hạ thần thảo luận:
"Sở dĩ thắng Hạng Vũ mà lấy được
thiên hạ là do: Ăn nói giỏi có mưu sĩ Trương Lương, tể tướng có Tiêu Hà, đại
tướng có Hàn Tín. Ba người này đều là kiệt xuất, trẫm biết dùng họ cho nên được
thiên hạ". Căn cứ vào đó, có người cho rằng Trần Bình không bị Lưu
Bang "phế bỏ" bởi ông không thuộc "tam kiệt", không phải là
đối thủ của Lưu Bang trong việc củng cố ngôi đế của mình, cũng có nghĩa họ cho
rằng Trần Bình chỉ là một vị tướng chứ không thể là một danh tướng xứng đáng
nhận sự tôn vinh của hậu thế. Chúng tôi cho rằng: Trong quá trình phò tá Lưu
bang thu phục thiên hạ, các danh tướng đều có những đóng góp nhất định của họ
vào lịch sử, không thể đem những công lao, chiến tích, "mọi người đều nhìn
thấy" để so sánh, bình phẩm về tài năng, đức độ giữa các danh tướng. Đại
tướng Hàn Tín sở dĩ được đương đại đánh giá là một đại tướng cực giỏi bởi chiến
trận đánh đông dẹp bắc lừng lẫy chiến công của ông dễ được mọi người nhìn thấy
còn Trần Bình, ông là một nhà chính trị chứ không phải là một nhà quân sự vì lẽ
đó mà những "chiến tích" của ông, đương thời khó nhìn thấy hết.
Trong chiến tranh Hán-Sở, Trần Bình hiến rất
nhiều kế mà mỗi kế đều có sự liên quan đến sự sinh tử, tồn vong của Vương triều
nhà Hán, và đặc biệt nhất là sau khi Hán Cao Tổ tạ thế, Trần Bình đã cùng các
vị trung thần dẹp loạn các Chư Lã (dòng họ của Lã Thái hậu), giữ nguyên ngôi
"Thiên tử" cho các ông vua nhà Hán: Huệ đế, Thiên đế, Văn đế... bằng
những mưu quốc xuất chúng.
Trong suốt cuộc đời làm tướng của mình, Trần
Bình có những đóng góp rất lớn cho vương triều nhà Hán, tuy nhiên những mưu kế
mà ông hiến cho Hán Cao đế, cũng như các "Thiên tử" sau này của nhà
Hán quả thật còn nhiều điều mà hậu thế còn bàn cãi về tài năng và đức độ của
ông, nhất là kế bắt Hàn Tín ở đầm Vân Mộng đã làm cho một vị đại tướng hết lòng
trung thành với cơ nghiệp nhà Hán phải chịu cảnh chết không nhắm được mắt.
Nhưng cho dù thế nào đi nữa, thì chúng tôi cũng tin rằng những người bàn luận,
tranh cãi về ông cũng sẽ tán đồng quan điểm của chúng tôi: Ông là một nhà chính
trị tài giỏi, hết lòng với giang sơn nhà Hán, những lỗi lầm mà ông mắc phải
trong cuộc đời làm tướng là điều có thể cảm thông được bởi ở cái chế độ thế tập
quyền uy ấy mạng người thật sự là khó bảo toàn, cho dù đó có là Thiên tử, mà đã
là con người thì ai chẳng muốn bảo toàn mạng sống ?!.
Lịch sử phong kiến Trung Quốc đã ghi lại
những tích về sự lộng quyền, can thiệp vào triều chính, làm cho xã tắc bị
nghiêng ngả, sụp đổ của những tên thái giám nửa nam nửa nữ lòng dạ độc ác như
Triệu Cao, Hoa Hâm... Với ba tấc lưỡi, cùng với lòng đố kỵ hẹp hòi, chúng đã mê
hoặc các đấng quân vương để "thanh trừng" những trung thần ái quốc,
những danh tướng lẫy lừng chiến tích để thoả mãn nhục dục của những kẻ nô tì
thèm khát quyền lực.
Khấu
Hoài - một danh tướng thời Bắc Tống, suốt đời ấp ủ chí lớn để mong được
cống hiến sức lực cho đất nước nhưng con người tài cao chí lớn, liêm chính
cương trực ấy đã bị xã hội Bắc Tống đen tối hủ bại với những kẻ thống trị u mê
nhu nhược, tin yêu gian thần, thái giám, ngược đãi, đày ải làm cho hoài bão của
ông không thực hiện được.
Sáu mươi năm sống với trần thế, ông đã từng
được Tống Thái Tông tin yêu trọng dụng, ban cho nhiều ân sủng nhưng cũng chính
tài năng và đức độ của ông đã làm cho Tống Thái Tông nhiều phen tức giận dẫn
đến việc nhiều lần bị giáng chức. Tính cương trực thẳng thắn của Khấu Hoài còn
tự làm hại ông nhiều hơn nữa khi Tống Chân Tông cả nghe lời gièm pha của những
kẻ ham sống sợ chết, bụng dạ tiểu nhân, ghen ghét hiền tài, nên đã giáng chức
ông từ một Tể tướng oai liệt xuống làm Chi Châu ở Tương Châu. Cuộc đời hoạt
động chính trị của ông thật chông gai, gấp khúc, biết bao sóng gió của chính
trường cố trào lên để hòng nhấn chìm thân thế và sự nghiệp của ông nhưng tất cả
chỉ làm cho hình ảnh của ông rực sáng hơn, nhân cách cao đẹp của ông càng rõ
nét và trở thành bất tử.
KHỔNG MINH GIA CÁT LƯỢNG VÀ NHỮNG TỂ TƯỚNG
ĐẠI TÀI là tập mở đầu cho phần hai của bộ CHUYỆN CÁC VỊ VUA TRUNG QUỐC, do nữ
dịch giả Tô Thị Khang dịch thuật, giới thiệu bốn vị tướng lừng danh trong lịch
sử phong kiến Trung Hoa về tài cao, đức trọng, về những cống hiến lớn lao cho
các vương triều phong kiến nói riêng và lịch sử trung Hoa nói chung.
Chúng tôi tin rằng cuốn sách nhỏ này sẽ cung
cấp cho bạn đọc những thông tin giá trị, những chứng cứ khoa học về cuộc đời và
sự nghiệp của các danh tướng trung Hoa suốt đời tận tuỵ vì dân, vì nước (Trung
Hoa) mà các cuốn sách khác chưa đề cập đến hoặc đề cập đến còn ở mức độ nào đó.
Trân trọng giới thiệu KHỔNG MINH GIA CÁT
LƯỢNG VÀ NHỮNG TỂ TƯỚNG ĐẠI TÀI do nữ dịch giả Tô Thị Khang dịch thuật.
Mời nghe nhạc phẩm TIẾNG SÚNG ĐÃ VANG TRÊN BẦU TRỜI BIÊN GIỚI
của Phạm Tuyên, do Tốp ca Đài Tiếng Nói Việt Nam thể hiện:
của Phạm Tuyên, do Tốp ca Đài Tiếng Nói Việt Nam thể hiện:
*
Hà Nội, ngày 3 tháng 4 năm 1997
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
.
.
.....................................................................................................
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Copy bài tại trang: https://tienglongnguoixaque.blogspot.com/
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
Năm 1997, mới tốt nghiệp Đại học vài năm mà viết chất thế này thì thật sự là rất đáng nể
Trả lờiXóa