NÊN
BIẾT VỀ TỤC
BÁN KHOÁN CON
*
(Tác giả Nguyễn Toàn Thắng) |
Sinh một đứa con như ý đã khó, nhưng nuôi con cái còn khó
trăm bề. Những đứa trẻ khi sinh ra dễ nuôi không nói gì, nhưng sau khi sinh lại
èo uột bệnh tật khiến khó nuôi. Có khi đứa nhỏ được sinh ra nhằm vào ngày “trai
mùng một gái hôm rằm”. Nên trong tập quán xưa và nay còn có tục “bán con”.
Bán con theo nghĩa bóng, tức nhờ một
người trong họ hàng hay làng xóm, đến dạm mua rồi nuôi dùm, khi đứa trẻ đủ một
Giáp (12 năm) phải trả lại cho cha mẹ ruột, nên còn gọi là tục “bán khoán con”.
Còn điều kiện nuôi nấng trong 12 năm, do hai gia đình cùng thỏa thuận.
Phần đông các gia đình mở tục bán
khoán con có hai lý do chủ yếu : thứ nhất do đứa trẻ là con trai, thứ hai thuộc
con cầu con khấn (cầu tự), không muốn đứa trẻ phải yểu tử. Theo văn hóa thần
bí, tâm linh do đứa trẻ xung khắc với cha mẹ ruột, nên xung kỵ, hay con sinh ra
gặp tật bệnh khó nuôi, cần được “ly tổ” mới hóa giải được.
Trong tục bán khoán còn có những tục
lệ khác. Đa số người ở miền Bắc, cha mẹ thường đem đứa nhỏ đến đền Kiếp Bạc
(tỉnh Hải Dương) nơi thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo (nay thường những nơi có phối
tự thờ Đức Thánh Trần). Sắm một mâm xôi con gà, vàng nhang hoa quả cùng một tờ
sớ xin bán khoán con cho Đức Thánh Trần bảo bọc nuôi dưỡng trong một số năm.
Cúng bán con xong, ngay tại đền họ
đổi ngay họ tên cho con mình, thí dụ tên trong giấy khai sinh là Phạm Văn X.
thì sau này phải gọi là Trần Quốc Y. (Trần Quốc là họ của nhà Trần), có người
còn đổi cả ngày tháng hay năm sinh theo ngày bán con cho Thánh.
Khi trở về nhà hay ngay tại đền, cha
mẹ ruột liền bỏ con trước cửa, sẽ có người được hai bên bàn bạc từ trước
(thường là người hợp vía, hợp tuổi với đứa trẻ), thấy cha mẹ đứa trẻ đã bỏ đi
xa mới ra bế về nhà nuôi dưỡng.
Có gia đình chỉ nhờ nuôi trong một
vài ngày lấy huông rồi đến xin lại, có người nhờ nuôi một số năm đã xin với Đức
Thánh Trần. Sau này đứa trẻ có đến ba cha hai mẹ, ba cha là cha ruột, cha nuôi
và cha đỡ đầu Đức Thánh Trần, hai mẹ là mẹ ruột cùng mẹ nuôi.
Trong tục bán khoán cho Đức Thánh
Trần, cả hai gia đình đều không dám đánh đòn hay răn dạy đứa trẻ, vì đánh đứa
trẻ như đánh con của Thánh, đứa trẻ còn được nuông chiều, ăn mặc sung sướng hơn
cả cha mẹ đôi bên. Nhiều gia đình còn lo xa, nếu đứa trẻ là con trai, họ xỏ một
bên lỗ tai trái cho đeo bông giả gái, như cho ma quỷ không nhận ra đứa trẻ để
bắt đi.
Đến thời hạn bán khoán đã hết, gia
đình đứa trẻ lại mang mâm xôi con gà, rượu trà hoa quả vàng nhang và tờ sớ đến
đền, khấn xin được đưa con về nhà cha mẹ đẻ nuôi dạy. Lúc này đứa trẻ mới được
gọi bằng tên thật, và gia đình dạy dỗ chúng như bao đứa trẻ khác
*.
NGUYỄN TOÀN THẮNG giới thiệu
Địa chỉ: thôn Tống Vũ, xã Vũ Chính,
thành phố Thái Bình
Email: nguyentoanthang77@gmail.com
.
..............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 12.04.2020.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân
Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét