(Nguồn ảnh: Internet) |
SÁNG TÁC THƠ,
LÀM THƠ VÀ SINH HOẠT THƠ
Con số làm
thơ ở Việt Nam
có lẽ ít nhất cỡ chục triệu người. Căn cứ vào đâu? Theo số liệu thì mỗi năm
Việt Nam
có gần một triệu người tốt nghiệp phổ thông trung học. Trong mười năm đã có
ngót mười triệu người biết đọc biết viết “cao cấp”, trong khi đó, theo truyền
thống, người Việt làm thơ truyền khẩu từ lúc chưa biết chữ, sau khá hơn chỉ cần
biết đọc biết viết là có thể làm thơ.
Tôi đã sống môi trường văn thơ nước nhà khoảng gần bốn thập niên rồi, nhưng mới đây tôi mới phát hiện ra một điều then chốt: hầu hết người Việt sinh hoạt thơ, chứ chưa làm thơ, và càng chưa bao giờ sáng tác thơ. Đó chính là lý do, cứ tưởng người Việt yêu thơ lắm, đông người làm thơ lắm, cả chục triệu người làm thơ, đó là chưa kể về tiềm năng có khoảng 80% dân số lúc nào cũng có thể cựa quậy làm thơ, vậy mà chúng ta chưa có đỉnh cao nào để ngửa cổ ngắm ngoài thi hào Nguyễn Du có công đánh đu vào cấu trúc “Đoạn trường tân thanh” của Tầu.
Tôi đã sống môi trường văn thơ nước nhà khoảng gần bốn thập niên rồi, nhưng mới đây tôi mới phát hiện ra một điều then chốt: hầu hết người Việt sinh hoạt thơ, chứ chưa làm thơ, và càng chưa bao giờ sáng tác thơ. Đó chính là lý do, cứ tưởng người Việt yêu thơ lắm, đông người làm thơ lắm, cả chục triệu người làm thơ, đó là chưa kể về tiềm năng có khoảng 80% dân số lúc nào cũng có thể cựa quậy làm thơ, vậy mà chúng ta chưa có đỉnh cao nào để ngửa cổ ngắm ngoài thi hào Nguyễn Du có công đánh đu vào cấu trúc “Đoạn trường tân thanh” của Tầu.
(Tác giả Nguyễn Hoàng Đức) |
Sinh hoạt thơ nghĩa là gì? Để dễ thấy, chúng ta hãy nhìn phong trào hát
Karaoke ở Việt Nam. Người ta vào quán hát, không chỉ mỏi mồm mà còn mỏi tay,
không chỉ giọng ca vàng mà còn bàn tay vàng khi ngồi bên các em mắt xanh mỏ đỏ
ăn mặc tháo khoán “mời anh xơi”, người ta còn mua cả đầu máy về để tự hát ở
nhà. Nhiều chuyên gia nước ngoài bình luận rằng: việc hát Karaoke làm cho người
ta ảo tưởng về sự vĩ đại của mình, nào là giọng ta cũng lên bổng xuống trầm, ta
chăm đi hát, mới dăm lần mà máy đã cho điểm 100, nghĩa là tuyệt đối, như vậy rõ
ràng ta đã đạt điểm tuyệt đối, có khác gì các ngôi sao ca hát đâu?! Nếu có thể
đếm những người nghĩ vậy, thì bất kỳ xó xỉnh nào, chúng ta cũng có cả một đội
ngũ ngôi sao về ca hát. Trời ơi, như vậy thì phong trào “thiên tài” đang hình
thành cả một đội ngũ lớn, đông không đếm xuể.
Những “ngôi sao” bên ngưỡng cửa vĩ đại đó là ai và làm được cái gì? Lời bài
ca họ còn chưa thuộc, mà có màn hình hiện chữ lên, rồi nhạc đệm phát ra loa,
rồi mỗi ca từ còn được tô để chỉ trường độ cho người hát… Tóm lại tất cả đã
được làm hộ, ủng hộ người hát 99%, chỉ còn mỗi một việc, anh hay chị hãy làm
ngôi sao đi.
Những người hát đã bao giờ là ca sĩ chưa? Nếu họ phải vào lớp luyện thanh
nhạc thì mới hiểu nó khó thế nào, trước hết nếu chưa biết nhạc lý cầm bản nhạc
trên tay liệu có hát được không? Sau nữa, liệu người hát đó cho dù có là ca sĩ
thật thì có phải là người sáng tác bài hát đó - tức là nhạc sĩ không? Còn khi hát thành bài
lại phải có người viết hòa âm phối khí… Tất cả cho thấy, người hát Karaoke chỉ
là người sinh hoạt phụ họa âm nhạc mà thôi, vì thế chớ nên say đến độ ảo tưởng
mình đang ca hát trên con đường vĩ đại?!
Một người sáng tác thơ rồi đọc thơ mình, tức người đó vừa là nhạc sĩ, vừa
là ca sĩ hát bài của mình sáng tạo. Nhưng số đông ào ào người lao vào thơ là để
sáng tác hay là sinh hoạt kiểu Karaoke? Số người sáng tác ư? Nếu đông đến vậy,
thì Việt Nam phải có rất nhiều đỉnh cao về thơ chứ. Nhưng xét kỹ, ngay cả những
người rất nổi tiếng, vẫn được mệnh danh là thi sĩ của một bài, với độ dài ngắn
tũn của nó, ngắn tũn ở đây không phải bò theo lời biện hộ “quí hồ tinh bất quí
hồ đa”, mà là, nó chưa đủ độ dài - rộng-cao-sâu để thể hiện tính kiến trúc của tác phẩm.
Trong thực tế, tôi đã gặp rất nhiều người làm thơ đến mụ mị ở Việt Nam. Cứ
có dịp là họ nói về thơ, suýt xoa, đem thơ mình ra đọc, rồi quăng qua ném lại
những lời khen ngợi hay chê bai thơ của người này người khác… nhưng rất tiếc
đến lúc tôi nhận ra một điều, họ luôn luôn chỉ cưỡi ngựa xem hoa khoe mẽ thi
ca, nhưng bảo họ bình một câu thơ, họ liền bình “trật đường ray” ngay lập tức.
Nghĩa là họ ít khả năng đến mức, không thể để con tầu thi ca chạy trên đường
ray. Đây chính là cách nghĩ à uôm, ù xọe, thiếu nghiêm túc của người Việt. Vì
thiếu lý trí nghiêm túc, nên cả đời người ta cà chớn, đùa cợt, không dám chịu
trách nhiệm về bất kể điều gì, họ giống người lân la đến sân khấu thơ, thấy
thuận lợi bèn nhảy lên sân khấu kiếm tí danh hão, mà họ không bao giờ dám là võ
sĩ nhảy lên sân khấu tỉ thí, nếu thắng thì vinh quang, nếu thua thì sứt đầu mẻ
trán. Họ cũng không bao giờ dám làm một nhà bác học ngồi trong phòng thí nghiệm
có đầy chất phóng xạ… thực ra có thể mô hình thế này, họ muốn làm quan nhưng
không muốn học, có học thì chớt nhả, mà chỉ muốn ham vui như Cao Cầu đá cầu hầu
quan, rồi hầu vua, thế mà làm nên chức tể tướng.
Cái học của người Việt và người Trung Quốc dù có sôi kinh nấu sử cũng chỉ
tìm cách để làm quan. Sau khi đã làm quan thì dùng ít chữ tí toáy kiếm tí danh
hão của vĩnh cửu, chứ không có đến 1% người Việt học chữ để mở màn cho tư duy
lý trí. Đây cũng là kiểu học ngày xưa, bao năm đèn sách cuối cùng vẫn chỉ bẻm
mép đọc hai câu đối hay làm bài tứ tuyệt vẻn vẹn bốn câu. Việc Hội Nhà văn, tết
nguyên tiêu năm nào cũng thả bong bóng hai câu thơ lên trời Văn Miếu, chẳng
phải cái thú chơi thơ, sinh hoạt thơ ư? Đó có phải ảo tưởng vĩ cuồng của văn
hóa karaoke khi cho rằng thơ hay của ta đang dâng lên thánh thần ở núi nùng nào
đó? Liệu thơ đó có trở thành của quí dâng lên đỉnh Ô-lanh-pơ không? Chắc không
bao giờ, vì các thánh thần trên đỉnh Ô-lanh-pơ luôn đòi hỏi tính triết lý và
cấu trúc, với gót chân trần của thi nhân Homer, với những ngón tay gảy đàn lia
thiện nghệ, hàng lệ nhân sinh ứa qua đôi mắt đã mù, và giọng nói lần theo những
nhân vật vĩ đại cao cả đăng quăng mình giữa muôn trùng bi kịch… Còn thơ bong
bóng tem phiếu Việt Nam có gì? Mấy xúc cảm lèo tèo, ngâm nga hai câu lấy lệ,
được thả lên trời theo bong bóng của những ông già vờ vịt ngước mắt lên làm bé
thơ. Nhưng than ôi những tâm hồn mưu mẹo qua từng con chữ ấy, làm sao có nổi
ánh mắt hân hoan của trẻ thơ. Nếu có chút hồn nhiên thì đó chỉ là một chút hoài
niệm “lại gạo” của tư duy cả đời không thoát khỏi ngê nga vần vèo.
Đấy là cách tôi mô hình hóa bằng văn học, còn trong thực tế, có rất nhiều
vị giáo sư, tiến sĩ cùng chẳng biết làm gì hơn ngoài thơ. Nhưng dẫu vậy, cả đời
họ cũng chỉ tìm cách tô viền ngoài mà không bao giờ dám bước thẳng vào chiếu
thơ. Tại sao? Vì họ không đủ bản lĩnh và tự tin để bước vào thơ với tính cách
chuyên nghiệp. Và cũng chính vì thế họ không bao giờ trông giống nhà chuyên
nghiệp cả cho dù họ bình chỉ một câu thơ - vẫn không bao giờ có đường ray.
Hầu hết người Việt yêu thơ bằng cách sinh hoạt thơ, bởi vì đó là cách nhàn
nhã nhất nhưng cũng dễ gặt hái vinh quang nhất. Còn thứ vinh quang nào tiện hơn
chỉ một bài thơ làm trong lúc trà dư tửu hậu, một buổi chiều, một buổi tối, hay
qua một lúc với nàng đã thành những câu thơ tình như kiểu “em vỡ òa trong anh”,
rồi tìm cách leo mặt báo, thế là nổi tiếng khắp nước. Một người hát Karaoke
tưởng mình thành ngôi sao ca nhạc. Vậy thì nhiều người nghê nga sinh hoạt mấy
vần thơ tưởng mình đang lân la bên thềm Nobel thì cũng chỉ là ảo tưởng hão mà
thôi. Có người còn bỏ công tìm xem tỉ lệ người đoạt giải Nobel thơ so với văn
chương là bao nhiêu. Còn kỳ lạ hơn, nhưng người này luôn nêu ra những giải
Nobel giá sàn, thấp đáy nhất để mong mình được ưu tiên như vậy. Sao không ngước
lên nhìn những Nobel giá trần, mà cứ thích ngắm giá sàn?
Đó là tôi chưa kể có rất nhiều nhà thơ bỏ nhiều giờ bài bạc rồi say sưa tối
ngày, sau đó làm vài bài thơ ngắn tũn, rồi biện hộ bằng được rằng mấy bài ngắn
tũn đó là những công trình vĩ đại không cần hành quân bằng đôi chân mà đã mua
được vé, xin được hộ chiếu sắp bay qua biên giới Thụy Điển rồi, chỉ còn động
tác lách cửa cuối cùng nữa thôi, ở Thụy Điển chắc cũng giống Hội nhà văn Việt
Nam, lòng vả như lòng sung, cứ loay hoay chạy chọt chắc là vào?!
Với bài này tôi xin chia sẻ và cũng thông điệp rằng: đa số rồi hầu hết các
nhà yêu thơ rồi làm tí thơ ở Việt Nam, các bạn chưa sáng tạo thơ đâu, các bạn
mới chỉ sinh hoạt thơ thôi. Khi đưa chiếc micro của quán cà phê lên miệng đừng
có ngỡ mình là ca sĩ! Và khi nghê nga mấy vần thơ không nên tưởng rằng ta đã
sáng tạo thơ. Một quả tên lửa không sửa soạn buồng đốt cho mình làm sao có thể
phóng lên trời. Bèo dạt mây trôi nhảy nhót sân nhà làm sao có thể ảo tưởng là
cả giàn “tên lửa” chúng mình sắp được thả theo bóng bay lên trời? Đó có phải
hình ảnh đích thực của thơ Việt Nam không?!
*
Hà Nội, 17 tháng 04.2014
NGUYỄN HOÀNG ĐỨC
Địa chỉ: Số nhà 100, đường Nguyễn Xiển
(ngã 4 Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển)
quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Email: Paulnguyenhoangduc@gmail.com
................................................................................................................
- Cập nhật từ email donguyenhn@yahoo.com gửi ngày 14.10.2016.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang blog Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét