SẾP TÔI LÀ NGƯỜI THAM CÔNG, TIẾC VIỆC - Tác giả: Nguyễn Thị Hồng (Hà Nội)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: Internet)
SẾP TÔI LÀ NGƯỜI
THAM CÔNG, TIẾC VIỆC
*
Nói về tham công, tiếc việc phải kể đến Sếp của Hà - một người trẻ tuổi, giàu nhiệt huyết và luôn toàn tâm toàn ý với công việc. Dường như chẳng bao giờ cấp dưới thấy Sếp ngơi tay. Lúc bận rộn với những bản hợp đồng, những cuộc tiếp khách, những thắc mắc về công việc của nhân viên trong giờ làm việc đã đành, đằng này ngay cả giờ nghỉ trưa hay hết giờ làm việc, Sếp cũng tận dụng triệt để.
(Tác giả Nguyễn Thị Hồng)
Buổi trưa, Sếp vừa ăn cơm vừa dán mắt vào màn hình máy vi tính, rồi gõ gõ, sửa sửa, sao sao, chép chép trông có vẻ rất say sưa. Nhân viên có ca thán: “Sếp ơi, đau dạ dày mất” thì Sếp lại cười xòa bảo: “đừng coi thường nhé! Tranh thủ mấy phút ăn cơm mà mình cũng giải quyết được khối việc đấy”. Đến cuối buổi chiều, qua 6h rồi 7h, nhân viên về hết rồi mà Sếp vẫn chưa về. Thế nên mới có chuyện Sếp cố làm nốt cho xong một mẫu sản phẩm mới nên quên cả cuộc hẹn với người yêu. Chị ấy đứng chờ gần một tiếng đồng hồ mới nước mắt ngắn dài gọi diện thoại di động xem Sếp đang ở đâu. Lúc ấy, Sếp mới sực tỉnh nhìn đồng hồ và nhớ ra tối đó hẹn người yêu đi chơi. Sau vụ ấy, Sếp phải mất hai tuần trời để dỗ dành cô người yêu mới tạm nguôi cơn giận.
Dường như trong đầu Sếp không hề có khái niệm “nghỉ ngơi”. Ngày thường đã vậy nhưng đến ngày nghỉ, không đến cơ quan thì Sếp lại tranh thủ làm việc ở nhà. Khi nhân viên thắc mắc thì Sếp phân bua: “mình thấy thời gian trôi qua mà tiếc lắm! Nhìn đâu cũng thấy việc cả. Thôi thì cứ tranh thủ làm đến đâu hay đến đó”
Chính vì vậy, Sếp cũng mong muốn nhân viên học tập cung cách làm việc của mình. Sếp không thích nhìn thấy ai ngồi chơi trong giờ làm việc. Nhiều hôm, đến giờ nghỉ rồi mà Hà và mọi người vẫn phải nấn ná ở lại thêm 15- 20 phút nữa. “Chứ chẳng nhẽ Sếp thì còn ở lại mà nhân viên thì cứ vội vội vàng vàng để về cũng không tiện”. Mọi người rỉ tai nhau, cho dù ở lại chỉ để lên mạng đọc tin hoặc thì thầm to nhỏ với nhau. Lâu dần, nhân viên hiểu tính Sếp ham công việc nên đến giờ về là mọi người cũng lần lượt ra về, không đợi Sếp nữa.
- Lời bàn
Không phải ông chủ nào cũng có được niềm hăng say công việc như Sếp của Hà. Người ta bận rộn nhưng vẫn phải dành cho mình thời gian nghỉ ngơi, thư giãn bên gia đình, người thân; Đằng này… hẹn với người yêu không nhớ, ăn trưa cũng tranh thủ làm và buổi tối làm thông chiều thì chỉ có Sếp của Hà.
Người như Sếp nhìn đâu cũng thấy việc, trông đâu cũng thấy công, chẳng bao giờ cho phép mình ngơi tay cả. Bởi vậy, Sếp cũng thích những người giống mình, nghĩa là chỉ biết làm việc và làm việc. Sếp rất ghét thấy nhân viên ngồi chơi, lãng phí thời gian làm việc để tán gẫu hay chát trên mạng. Với Sếp thời gian không chỉ là “vàng” mà phải là “kim cương” mới đúng. Còn với Hà và các nhân viên khác thì sao? Khi đã hiểu được tính Sếp, họ không còn e ngại mỗi khi hết giờ về trước Sếp nữa. Tuy vậy, họ học tập được rất nhiều điều về tác phong làm việc của ông chủ mình.
- Lời khuyên
+ Đối với cấp dưới
Được làm việc cho một ông chủ suốt ngày chỉ biết đến công việc, bạn có thể được “lây” tinh thần làm việc hăng say, không biết mệt mỏi của họ. Bạn sẽ nhờ họ mà say mê, nhiệt tình với công việc hơn. Bạn cảm thấy thích thú về điều đó- đương nhiên rồi!
Thế nhưng, bạn cũng gặp một vài trở ngại nhỏ sau đây:
+ Luôn phải gồng mình lên để giải quyết được càng nhiều công việc càng tốt.
+ Không bao giờ được phép có khái niệm “thư giãn” trong giờ làm việc
+ “Đi sớm, về muộn” chắc chắn là cảnh sẽ thường xuyên lặp lại.
+ Sếp có thể sẽ gọi điện yêu cầu bạn trợ giúp trong công việc vào bất cứ lúc nào.
Tóm lại, ông chủ tham công, tiếc việc sẽ giúp bạn tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn. Và bù lại, bạn hãy học cách làm việc của ông chủ, chắc chắn bạn sẽ được trọng dụng (tuy có thể sút đi vài ba kí lô là chuyện bình thường).
+ Đối với ông chủ
Bạn có phải là ông chủ như tình huống trên hay không? Trong mắt bạn có phải lúc nào cũng chỉ có công việc hay không? Mỗi ngày bạn chỉ dành ra khoảng thời gian dưới 6 tiếng để nghỉ ngơi? Nếu các câu trả lời đều là “Đúng” thì chắc chắn bạn là một ông chủ tham công tiếc việc thật rồi.
Bạn nhìn đâu cũng thấy công việc bề bộn và bạn nghĩ: Nghĩ nghỉ ngơi là cách tiêu tốn thời gian quá “xa xỉ”! Vậy nên, bạn chẳng bao giờ để trống thời gian cả. Bạn làm việc không biết mệt mỏi và tỏ ra thực sự say mê. bạn ghét những nhân viên hay nói chuyện trong giờ làm việc hoặc có những khoảng trống thời gian để lang thang trên mạng, dù chỉ 15 phút cũng không được. Bnạ ít có thời gian để quan tâm, chăm sóc những người thân yêu trong gia đình.
Quả thực, cách thức làm việc của bạn không khoa học! Đầu óc chúng ta cũng giống như một cỗ máy, vận hành nhiều thì cũng phải có lúc nghỉ ngơi để phục hồi khả năng làm việc. Còn nếu bạn cứ bắt nó làm việc liên tục giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác thì làm sao nó có thể luôn sáng suốt được? Quá tham công tiếc việc sẽ làm cho thần kinh bạn căng thẳng, không có thời gian vui chơi, gặp gỡ bạn bè, người thân; làm việc trong lúc ăn sẽ dẫn đến đau dạ dày… Tóm lại, làm việc quá tải sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ mà bạn không thể ngờ tới.
Tại sao phải gồng mình lên thế nhỉ? Vừa làm việc vừa nghỉ ngơi mới thực sự là cách làm việc khoa học giúp bạn vừa duy trì tốt hiệu quả công việc lại vừa đảm bảo sức khỏe của bản thân. Thế nên, cứ thả lỏng một chút cũng chẳng sao cả! Điều đó chỉ làm bạn có thêm hưng phấn và sự sáng suốt để giải quyết công việc tốt hơn. Và nhân viên cũng sẽ thấy vẻ mặt luôn tươi tỉnh, sảng khoái của ông chủ chứ không phải một gương mặt bơ phờ, hốc hác sau một đêm thức trắng.
Chúc bạn biết phân bổ thời gian một cách hợp lý để có thể vừa làm việc, vừa thư giãn nhẹ nhàng.
*
NGUYỄN THỊ HỒNG
…………………………………………………………………………
- © Công ty T.N.H.H Văn Hóa Bảo Thắng giữ bản quyền.
- Cập nhật theo bản lưu trữ tại Công ty T.N.H.H Văn Hóa Bảo Thắng. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

.

0 comments:

Đăng nhận xét