(Tác giả Thái Quốc Mưu và phu nhân Tống Thị Năm) |
HOA KỲ HỐT RÁC
VIỆT NAM VỀ XÀI
Ngày nay, người trong nước đi du lịch ra nước ngoài không ít, còn người có
thân nhân ở nước ngoài nhiều hơn. Nhất là ở Mỹ. Nhờ đó, hai nền văn hóa Đông
Tây không còn xa lạ, cách biệt như thời xa xưa. Tuy nhiên, dù du lịch đến Mỹ,
định cư ở Mỹ hoặc có thân nhân từ Mỹ về nước kể chuyện Mỹ cũng không ai có thể
tự hào biết nhiều về đất nước có gần 10 triệu cây số vuông.
Sau trên tám năm “thụ huấn” trong các trại “cải tạo” cho bớt cái khôn, khi
được trở về với gia đình. Tại địa phương mà gia đình tôi bị đày đến đó, tôi
không còn là người mà là một thứ cặn bả, một thứ rác rưới của xã hội. Thậm chí
còn hơn thế nữa!
Chừng tháng sau, trong khi tôi đang lui cui xách nước từ giếng lên, thì một
“vị quan du kích”, đến tự lúc nào, đứng phía sau cái chòi không mái không vách
của tôi, tay vẫy vẫy, gọi to, “Ê! Thằng
già vô biểu coi” (khi ấy tôi 43 tuổi dl.) Tôi vội vàng chạy vô, đứng trước
mặt “vị quan du kích” ấy. “Ông ta”, khoảng hăm ba, hăm bốn tuổi, đưa cho tôi tờ
giấy và bảo, “Ngày mai đem lương khô một
tháng vô rừng lấy cốt chiến sĩ đem về nghĩa trang liệt sĩ.”
Là kẻ khi trong tù bị vợ “chia xa”, tài sản, nhà cửa bị tiêu tan trong trận
Xuân Lộc, về không có cơm ăn, quần áo duy nhất chỉ là bộ đồ phát trong trại mà
lưng áo được vá trọn cái bao cát. Với bầy con 6 đứa nheo nhóc, đi làm công
không ai dám mướn vì sợ vấy với hủi, họ bị cấm nên sợ bị “mời, gọi” lôi thôi.
Bảy cha con tôi phải đi hái mót bắp, đậu, chuối chín, đu đủ chín trên cây ăn
qua ngày, (vì trái chín không chuyên chở được, chủ rẫy thấy thương tình cho hái
ăn)… thì… lấy lương khô đâu mà đem theo một tháng?
Tối hôm đó, tôi thì thầm với phụ thân tôi, để bầy con 6 đứa lại cho cha già
72 tuổi, đã bị đánh tư bản tan tác, nghèo xác xơ. Tôi trốn lên Sàigòn, không
hẹn ngày về, mỗi ngày tay cầm ly, tay xách ấm nước bán trà đá ở bến xe Miền
Đông, tối mướn chiếu ngủ ở đó. Lâu dần, quen biết người nằm gần bên - Nhạc sĩ
Trúc Phương. Lúc đó thân thể Trúc Phương như cây tăm xỉa răng.
Do sống ở bất hợp pháp. Nhiều đêm bị “giặc càn” những kẻ cư trú bến xe như
tôi chạy thụt mạng.
May, nhờ Hồng Ân Thiên Chúa rót xuống…
Tại bến xe Miền Đông, tình cờ, một hôm tôi gặp lại người yêu thời trai gái.
Ngày trước, vì lý do riêng, chúng tôi không thể tiến tới hôn nhân.
Khi gặp lại nhau, thì nàng đang bán hủ tiếu gánh ở Bến Xe Miền Đông. Hai đứa
ôm nhau khóc. Hỏi ra mới biết, khi gần mất Cam Ranh, nàng cho tất cả tài sản
vào 2 bao cát đem theo xuống Tàu vào Sàigòn, thấy nàng vóc dáng sang trọng, lại
dẫn đứa con lai, bọn Thủy Quân Lục Chiến (lính VNCH) rã ngũ thấy, biết kẻ giàu
sang, chúng thoi vào ngực nàng, trong khi nàng có thai gần ngày sanh. Tiền bạc,
vàng, hột xoàn trong hai bao cát bị bọn chúng cướp sạch. Trắng tay! Tàu đến Phú
Quốc, “giặc cướp” bị bắt và bị tử hình, tang vật bị bọn quan lại trí thức cướp
hết, chúng tự chia chác cho nhau... Không trả lại cho hàng trăm khổ chủ, dù
miếng giẻ rách.
Ai biết người phụ nữ xinh đẹp đó trước 30/4/75, ngoài bán đảo Cam Ranh,
nàng được vị Chỉ Huy Trưởng Hải Quân Hoa Kỳ ở đó nhận làm con nuôi. Chồng nàng
là Trung Tá Phi Công Hoa Kỳ, lâu lâu chở đến cho nàng 1 xe tải đồ PX. Nàng ở
với người chồng Mỹ nầy có đứa con lai đã dẫn ở trên. Ngoài ra, nàng còn có Bar
Rượu với mấy chục phòng, và hàng Vĩnh Phát rộng lớn.
Những năm trước 4/75, thỉnh thoảng tôi bay ra bán đảo Cam Ranh thăm nàng.
Chúng tôi đến với nhau bằng tình bạn, thỉnh thoảng nàng vào Sàigòn, lại hội
ngộ. Trong những ngày sống gần bên nhau, chúng tôi đều giữ tình bạn trên danh
nghĩa trung thực.
Lần đầu, ra thăm nàng ngoài bán đảo Cam Ranh, tôi thấy Nhà hàng Vĩnh Phát,
cất nửa trên đất, nửa ngoài bãi biển quá lớn, hỏi ra mới biết mái lợp 280 tấm
tôn loại nhôm dày, mỗi tấm ngang 1mét, dài 5mét. Mỗi tấm tôn có 5 mét vuông.
Ở Bán Đảo Cam Ranh nói tới Bà Lee Lan chẳng ai không biết.
Lee Lan tên thật Tống Thị Năm, người tình trai gái, hiện là vợ chánh thức
của người viết từ khi ra tù - 5/1983.
Khi bên nhau, vợ tôi cho biết, nàng đã nộp hồ sơ đi Mỹ diện con lai, rồi
hỏi tôi có đồng ý bổ túc hồ sơ để cùng đi hay không. Tất nhiên, tôi đồng ý! Giả
sử nếu không đồng ý thì tôi cũng không có tiền để nộp hồ sơ đi diện HO.
Tạ ơn Chúa!
Một hôm đến Phòng Xuất Nhập Cảnh trên đường Nguyễn Du, Sàigòn, tình cờ tôi
gặp được người bạn chí thân trong trại tù. Đại úy Nguyễn Hoàng Dũng.
Nguyễn Hoàng Dũng, sinh tại Lào, biết nhiều thứ tiếng, thông thạo nhất là
Anh, Pháp, Quan Thoại, Thái, Lào, Kampuchia,.. (tiếng Quan Thoại là phương ngôn
Bắc Kinh, thời Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch tới bây giờ được dạy phổ
thông toàn lãnh thổ Trung Hoa, nên còn gọi tiếng Phổ Thông).
Dũng cho tôi biết, “Tao xong xuôi rồi
chỉ chờ ngày lên máy bay.” Xong, lại hỏi nhỏ, “Tao đi, mầy cần tao giúp gì không?” Tôi đáp, “Mầy có thể cho tao gởi vài dòng đến Père vợ tao thôi. Mầy chỉ giữ địa
chỉ, rồi học thuộc mấy lời tao nói, ngắn thôi. Đến Mỹ mầy viết lại, gởi giùm
tao”. Nguyễn Hoàng Dũng tán đồng ngay.
Nội dung mấy dòng tôi gởi như sau, “Kính
Père, Mère, vợ chồng con đã nộp hồ sơ đi Mỹ, hiện chúng con rất đói khổ. Xin Ba
tìm mọi cách giúp hai con cùng các cháu được đi sớm”. (Người vợ mà tôi đề
cập ở đây là vợ trước đã vì hoàn cảnh nghèo khổ quá phải bỏ tôi lấy chồng nuôi
con. Tôi giấu Père, Mère của nàng việc cô ấy lấy chồng khi tôi mới vào tù 3 năm
- trong chiến dịch Hoa Nở Về Đêm của phe thắng
trận. Nàng là con quan đại thần của hai nền Cộng Hòa Miền Nam, con cái đều học
trường Pháp, nên gọi Cha Mẹ bằng tiếng Pháp, tôi cũng gọi theo như vậy).
Trong hoàn cảnh túng cùng, gặp đâu tôi vớ đó. Nhờ ơn Chúa, tôi gặp Nguyễn
Hoàng Dũng. Nó, người bạn tốt. Rất tốt!
Thủ tục đi Mỹ, người nộp đơn rồi, phải đến dịch vụ của chánh quyền, xin Hộ
Chiếu và đóng tiền. Về nhà chờ đợi giấy tờ ở Thái Lan gởi đến cho biết họ đã
đồng ý và hẹn ngày phỏng vấn. Phỏng vấn xong, lấy giấy giới thiệu đi khám sức
khỏe, tiêm ngừa,... Chờ chuyến bay.
Gia đình vợ chồng tôi đi 10 người, tiền đâu lo Hộ Chiếu?
Ngày ngày chúng tôi trông chờ trong ước vọng mong manh!
Bất ngờ! thật bất ngờ ngoài sức tưởng tượng của vợ chồng tôi. Một hôm, nhân
viên Phòng Xuất Nhập Cảnh đến đưa tờ giấy báo, hẹn ngày phỏng vấn. Mở tờ giấy
ra, tôi thấy có đóng chữ “Special” bằng con dấu mực xanh.
“Lệnh miệng” từ nhân viên Phòng Xuất
Nhập Cảnh: “Gia đình ông chuẩn bị cho hai ngày nữa đi phỏng vấn”. Đúng là phép
lạ! Đây không phải là Thiên Chúa Ban Tặng Hồng Ân của Ngài cho chúng tôi sao?
Ngày 27-8-1990, gia đình chúng tôi 10 người, đặc biệt, trong đó có đứa con
lớn của vợ tôi đã 25 tuổi nhờ tôi có HO nó mới được đi theo (anh em của đứa con
lai phải 21 tuổi trở xuống mới được đi theo diện Con Lai)
Vào phòng, nhân viên phỏng vấn chỉ hỏi 2 câu: “Gia đình ông bà có thích đi Mỹ không?” và “Tất cả những người có mặt đây là con cháu của ông bà?” Xong, họ bảo
chúng tôi ra ngoài chờ.
Không lâu sau, người nữ nhân viên ra đưa chúng tôi 2 tờ giấy giới thiệu,
dặn: “Tờ nầy, ông đến địa chỉ nầy khám
sức khỏe và chích ngừa”. Rồi cô ta đưa tờ giấy khác, tiếp: “Sau khi khám sức khỏe rồi, ông cầm giấy nầy
đến Văn Phòng Đại Diện Bộ Nội Vụ ở đường Nguyễn Trãi lấy Hộ Chiếu”. Trời!
Tạ ơn Chúa thương xót chúng con! Chúng con xin tạ ơn Ngài!
Chúng tôi phỏng vấn ngày 27/8/1990 đến ngày 28/8/90 chúng tôi hoàn tất việc
khám sức khỏe. Hộ chiếu ký ngày ký: 10-9-1990. Ngày 02-8-91 chúng tôi lên Phi
Cơ sang Phi Luật Tân, bởi diện chính là diện AC (con lai) còn diện HO chỉ là bổ
túc, nên phải qua Phi để học ESL. Do ở Phi núi lửa mới phun, thời gian ở Phi
của gia đình chúng tôi dài gần 6 tháng.
Hộ chiếu cấp ngày 10-9-1990, sau phỏng vấn, khám sức khỏe tiêm ngừa gần 2
tuần. Nếu Thiên Chúa không thương chúng tôi, thì ai làm được điều nầy?
Chúng tôi đến Mỹ ngày 22-02-1992, tính đến khi viết bài nầy thì… trong 77
tuổi đời mà nương thân xứ người hết 25 năm, coi như một phần ba cuộc đời “vừa
làm “Việt Gian” vừa là “Việt Kiều Yêu Nước”. Vậy mà tôi vẫn là thằng tôi, một
kẻ chân quê thứ thiệt, là kẻ có dân tộc tính đầy mình, nhất định không thèm...
nói tiếng Mỹ. Ra cửa, trên đường gặp người bản xứ, chẳng thèm “Hi!”, chẳng thèm
“How are you?” gì ráo, tôi chỉ xòe bàn tay đưa lên, cười... là xong.
Ở Mỹ tôi trung thành với bản chất Chân Quê của Nguyễn Bính, vẫn “… cái yếm lụa sồi? Cái dây lưng đũi… cái áo
tứ thân?... Cái khăn mỏ quạ, …”
Đi đâu gặp dân mũi tẹt da vàng đồng lứa, nhất là với các bà “ở vậy thờ
chồng nuôi con”, nghe họ nổ tiếng Mỹ ì xèo, líu lo như cọp rống, thấy hứng quá,
không kềm lòng được tôi bèn xoạc, “Hao
a-rờ du tùm lum”, kể cũng “Oai ơi! là oai!”
Lúc mới đến Mỹ, hội bảo trợ đưa tôi vào làm hãng (ở Mỹ dù là Corporation
nhưng “dân ta” vì “tự ái dân tộc”, chẳng thèm gọi là Công ty mà chỉ gọi là hãng
(Company) mà thôi) bào chế dược phẩm, đi đâu gặp bạn bè họ hỏi tôi làm gì? Tôi
đáp ngon ơ, “lau chùi cầu tiêu”.
Họ ngạc nhiên, “Ở đây làm gì có hãng
cầu tiêu mà cần người lau chùi? Nói thật đi cha, anh làm hãng gì?”/ “Hãng bào chế dược phẩm, nhưng phần hành là
lau chùi cầu tiêu”/ “À ra thế! Nhưng nè, ai có hỏi thì anh nói là làm ở hãng
dược chứ đừng nói lau chùi cầu tiêu nha!”/ “Dược mẹ gì mà dược? Tôi chùi cầu
tiêu thì nói chùi cầu tiêu. Sao lại phải nói là dược?”/ “Ngày trước mình làm
ông nầy ông nọ (Síc!) chẳng lẽ giờ qua Mỹ lại đi chùi cầu tiêu? Mình phải có tự
ái dân tộc chứ anh!”/ “Tự ái cái quái gì cho mất công, làm gì thì nói nấy cho
xong. / Bộ anh không biết tự ái sao? Nếu mình làm Job (công việc) ngon thì mình
nói để còn hãnh diện với người ta, chứ lau chùi cầu tiêu thì nói làm chi?”
Ạ! Ạ! thì ra, nhiều kẻ vẫn thích cái “ảo giữa đời”.
Chả trách, một lần, sau khi du hí đã đời ở quê hương, khi trở qua Mỹ, tôi
vào phòng chờ ở phi trường Tân Sơn Nhất. Ngồi gần một “vị” khoảng gần năm mươi,
dáng gầy gầy, tay chân gân guốc, màu da Phi châu… Buồn miệng tôi bắt chuyện mua
vui. Khi tôi hỏi, “Xin lỗi, ở bển (Mỹ)
chú làm hãng gì?” “Vị” ấy đáp rất “oanh liệt”, “Tôi có công ty riêng” / “Ồ vậy à! cho tôi xin lỗi”. “Trời bất dung
gian”. “Vị” ấy đi vệ sinh, gọi cô vợ đang đứng tán gẫu gần đó, trở lại ngồi
trông hành lý ngay ghế người chồng vừa đứng lên. Tôi tự nhủ, “mình chân quê thứ
thiệt mà nhìn cô nầy còn chân quê rặc ròi Nam Bộ hơn mình nữa...”
Tôi chợt nghĩ ra câu châm ngôn, “Ở đâu, nơi nào cũng có người hơn mình”
(hơn điều gì là việc khác). Thấy cô ta chân chất như khoai sắn, tôi gợi chuyện,
“Bên Mỹ hai ông bà mở công ty gì vậy
cháu?” / “Ớ, làm gì có công ty hả chú? Cháu đi làm hãng, còn chồng cháu thì cắt
cỏ” (tức là nghề cắt cỏ thuê ở sân, vườn các tư gia).
Lát sau, thấy vị ấy trở lại, tôi đứng lên, nhường ghế cho ông ta ngồi bên
vợ mình. Nhiều “Việt kiều ác ôn” ở Mỹ đi cày trầy da, tróc vẩy, về nước nổ như
B52 oanh tạc ầm ầm, như phe thắng cuộc pháo kích đùng đùng. Thiếu điều điếc con
ráy.
Công ty Dược tôi làm, rất nhiều nhân viên có 4 restroom (phòng vệ sinh),
mỗi restroom có 7-10 bàn cầu, 4, 5 bồn tiểu, cứ luân phiên lau chùi hoài, hết
cái nầy đến cái kia, ngày lau chùi 8 tiếng, muốn “nát thở” chứ chơi sao? Nói
tội lỗi với trời đất, phòng vệ sinh ở Mỹ còn sạch sẽ hơn cái “biệt thất” của
những người đồng bệnh “cải tạo” với tôi khi trở về sum họp vợ con.
Sau giờ “công tác” ở hãng về, tôi giết thời gian bằng cách viết truyện, làm
thơ gởi cho vài tờ báo. Sau hai năm lau chùi cầu tiêu, tôi gom góp tiền đi làm
của ba đứa con, ra tờ Tạp Chí Kiến Thức Phổ Thông Dân Việt và sống bằng nghề
báo đến ngày nghỉ hưu.
Bạn bè tôi, ở Mỹ, vị nào cũng ngày cày 8 tiếng. Chiều về hai chân muốn rục.
Còn tôi thì cứ tà tà viết lách. Vậy mà, cuộc sống được sung túc, đầy đủ. Điều
nầy chứng minh Thiên Chúa luôn quan phòng gia đình chúng tôi.
Về văn học, thỉnh thoảng bạn bè ở khắp năm châu - kể cả trong nước, khi ra tuyển tập, họ mời
tôi hợp tác. Tính đến nay, có khoảng 65 tác phẩm văn học viết chung ở Mỹ, Pháp,
Úc, Canada,... Còn riêng mình, tôi có 11 tác phẩm văn thơ, một tuyển tập nhạc,
một CD ca cổ và chủ nhiệm trang nhà liêutiênsinh.com (do tuổi già, tôi bỏ ba,
bốn năm rồi).
Hiện nay, tôi đang layout để in thêm tập Tản Văn, bao gồm Phê Bình, Biên
Khảo, Tản Mạn và Phiếm. Kế đó là tập Thơ Thái Quốc Mưu, gồm các thể loại thơ.
Ước tính mỗi cuốn khoảng 500 trang.
Tính tôi “ngông ngông” ăn ra ăn, làm ra làm, khi “chơi” thì hết biết, nên
sách tôi viết cuốn nào cũng trên dưới 300 trang, có cuốn đến 600 trang. Khác xa
với những vị đầy thông minh, họ in một tác phẩm chừng hơn trăm trang, đôi khi
còn ít hơn nữa. Để hầu khi “rặn” thêm tác phẩm nữa ra điều “ta đây” ra mắt tác
phẩm thứ hai!
Những vị cầm bút, những nhà bình luận xưa, nay “bị bệnh khen” không tiếc lời,
họ khen tôi tóe lửa, khen đáo để, khen mút chỉ cà tha, mút mùa Lệ Thủy. Thậm
chí có vị Tiến sĩ ở Việt Nam còn viết cả cuốn sách 400 trang chỉ nói về tôi và
giao công ty Amazon ở Mỹ phát hành toàn cầu. Wow! Kể cũng vui! Nhưng vốn là RÁC
tôi không muốn mặt mình phình lên như xác chết
của ai đó làm ô nhiễm xã hội. (Quý độc giả muốn đọc cuốn sách nầy, xin
vào khung Search của Google, gõ Amazon Books, lại gõ nguyenquang vào cửa sổ có
chữ Books nằm bên trái, sẽ ra sách.
Có những ông cầm bút thân thiết trong giới viết lách họ gọi tôi là “thợ
đụng”, đụng thể loại nào tôi chơi thể loại đó! Chẳng kiêng cử gì cả. Từ Biên
khảo, Bình luận, Phê bình, truyện ngắn, truyện dài, thơ, tản mạn, tản văn,
phiếm, cả Cổ Nhạc tôi cũng… chơi luôn. Nhà văn Sương Biên Thùy (Lê Mai Lĩnh)
với “ngụ ý chơi khăm” nói, “Thứ nào anh cũng “chơi!”. Làm như tôi là lính viễn
chinh khát gái vậy! (Hi!)
Về sinh hoạt văn học nghệ thuật, tôi được bầu làm Đệ Nhất Phó Chủ Tịch
Trung Tâm Văn Bút Đông Nam Hoa Kỳ và Florida, là thành viên International PEN
và thành viên Văn Bút Đông Dương (Indochine Writes In-Exile). Có tên trong Tự
Điển Văn Nghệ Sĩ Việt Nam của Phan Ni Tấn. Dự Đại Hội Thi Ca Quốc Tế nhiều lần,
ở vài quốc gia, Và một lần dự Đại Hội Truyền Thông Báo Chí Hoa Kỳ.
Về sinh hoạt quần chúng, kỷ niệm Ngày Không Lực Hoa Kỳ, tôi được làm khách mời,
chụp hình chung với Tướng Tư Lệnh ba sao, kể cũng hay hay!
(Tác giả Thái Quốc Mưu, ngoài cùng, bìa phải) |
Còn Bộ Trưởng Du Lịch Hàn Quốc, sang Mỹ, trước khi trở về nước, tổ chức bàn
tiệc chiêu đãi 12 người, chẳng biết vì sao Ban Tổ Chức cũng mời tôi dự. Tính
tôi hay chiều người, ai “ép ăn” thì đi.
Tiệc tàn, ông ta trao tôi tấm danh thiếp và dặn, “khi nào đến Seoul, ở đâu xin gọi tôi”. Khi chúng tôi ra về, ông ta
vội vàng bước ra cửa, cúi rạp người rồi bắt tay từng người chào tạm biệt. Trời!
Làm như tôi là… Chủ Tịch Nước… (nào đó) không bằng.
Đọc tin tức, thấy anh chàng gốc Phi Châu da đen thui, người ốm tong (kẻ mà
Putin Tổng Thống Nga, khi đối diện với đồng nhiệm đấu lý không lại, bèn hùng
hồn mạt sát với thủ hạ, “Tôi đã từng đấu
với gấu, chẳng lẽ lại sợ thằng ốm nhách nầy sao?” (Thật lãng xẹt! Putin
đúng là một lãnh tụ gương mẫu, một tay ngoại giao tầm cỡ, một cách nói “lịch
sự” biểu hiện của kẻ còn thua… Rác Việt Nam như tôi) muốn đổi chiến lược Hoa Kỳ
bằng cách quay lại Châu Á Thái Bình Dương.
Tôi liền viết “Đề Án: Sách Lược Cho Hoa Kỳ Ở Châu Á Thái Bình Dương” gởi
cho anh chàng có màu da đen thui, ốm nhách ấy, nhắc nhở đôi điều…”
Được thư tôi, anh ta mừng húm. Mấy ngày sau tôi nhận được thư hồi đáp. Thư
gởi tôi anh ta cám ơn lia lịa, lại còn bày đặt khuyến khích tôi vào trang mạng
White House để tham gia chánh quyền Hoa Kỳ. Trời! Làm như tôi là “Tiến sĩ gió!”
(Thư của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama gửi tác giả Thái Quốc Mưu) |
Sau khi bức thư của Barack Obama, Tổng Thống Hoa Kỳ, đến tay, tôi liền phổ
biến trên Tạp Chí Kiến Thức Phổ Thông Dân Việt. Một hôm, khi đưa hiền nội tôi
đến Nhà thờ Tin Lành, gặp Mục sư Tiến sĩ Nguyễn Minh Thắng. Ông hỏi tôi, “Ông viết mấy lá thư mà được Tổng Thống Obama
trả lời? Tôi viết bốn năm lá mà chẳng thấy trả lời gì cả”. Tôi hỏi, “Mục sư viết về vấn đề gì?” Ông trả lời,
“Tôi viết về An Ninh Nội Địa và Phát
Triển Kinh Tế Hoa Kỳ”. (Có thể tường thuật của tôi không đúng từng chữ
trong nguyên văn, nhưng nội dung y như vậy). Tôi nói, “Mục sư tốt nghiệp Tiến sĩ ở Mỹ, những thứ mà Mục sư viết đó họ đã là
bậc thầy của Mục sư, thì mục sư viết làm chi?” Mục sư Thắng hỏi tôi, “Vậy ông viết về đề tài gì?” Tôi đáp, “Tôi viết Đề Án, “Sách Lược Cho Hoa Kỳ Ở Châu
Á Thái Bình Dương”. Mục sư Tiến sĩ Nguyễn Minh Thắng hỏi, “Tại sao ông viết đề án đó?” Tôi đáp, “Có gì đâu, người Mỹ ở Mỹ họ nhìn vào Châu Á
sao bằng Người Châu Á Biết Về Châu Á”. Mục sư Thắng, cười nói, “Vậy là ông hay hơn tôi”. Tôi cười đáp
lại, “Không dám! Không dám!”
***
Được chút xíu thành công trong viết lách và làm báo, “thừa thắng xông lên”,
tôi mở công ty Quốc Tế Vụ, đưa học sinh từ Việt Nam sang Mỹ học. Gõ đúng cửa
vào thời gian Mỹ còn hạn chế du sinh từ Việt Nam sang Mỹ, lại thành công. Với
“chiến thắng không ngừng nghĩ”, nghe lời người bạn rủ rê, tôi cùng anh Rony
Nguyễn (Ron trắng), thành lập công ty xuất nhập khẩu THÁI & NGUYỄN IMEX,
INC. đưa máy lạnh, máy giặt, máy sấy, xe gắn máy về Việt Nam, nhập hàng gỗ từ
Việt Nam qua Mỹ.
Trời thấy “thằng nầy” tham quá, cho “chết” một lần để nó có kinh nghiệm
sống. Thất bại 100%. Trắng tay! Giờ sắp theo ông theo bà, hưởng hưu và trợ cấp
$700/tháng. Thiếu tiền xài ra lệnh cho cháu con viện trợ. Khi đau bệnh “bắt
đền” chánh quyền Mỹ phải lo. Ai biểu để tôi bệnh làm chi, để họ lo cho đã đời!
Hi!
Đôi khi, bất chợt thấy trong người khác lạ bảo con cháu gọi xe cứu cấp, vài
phút sau, xe đến trước nhà, bốn năm “ông Mỹ” bấm chuông reng reng, đập cửa rầm
rầm, cửa mở, họ vác băng-ca, dụng cụ cứu cấp,… hùng hổ xông vào nhà, chạy lên
lầu, chẳng khác gì bọn cướp… Người thì đo huyết áp, ông nghe mạch, ông “điều
tra” hôm qua ăn gì, sáng nay ăn gì, đã uống thuốc gì, phải “thật thà khai
báo”,… Không thì “ông” cho “tự vận” trong đồn … công an.
Xong, họ hè nhau khiêng ông cụ 70 ký xuống lầu, tống vô xe, đèn cấp cứu
quay lia lịa, còi hú rợn người, trên đường tất cả xe đang chạy đều phải dạt ra
hai bên đường và ngừng lại hẳn. Đến ngả tư đèn đỏ, còi hú dồn dập hơn, to hơn,
“lệnh” cho xe chạy trên “khắp các nẻo đường đất nước” phải tránh xa, để xe vượt
đèn đỏ khẩn cấp đưa “ông cụ về Dinh”.
Vào bệnh viện, nhiều cô y tá xinh như mộng, mỗi lần đo huyết áp miệng cười
như hoa, khi tiêm thuốc, lụi xong thì “xin lỗi đã làm ông đau”. Hết y tá, đến
Bác sĩ luân phiên hoài. Chán bỏ bu! Mẹ! Tôi chỉ là thứ Rác trong nước, mà Mỹ
“họ ngô nghê” đến mức coi mạng sống tôi chẳng kém gì những công dân thượng đẳng
trên thế giới. Đúng là “điên quá đi thôi!”
Mới đây, tháng 9/2015, tôi đi soi ruột định kỳ, Bác sĩ thấy tôi già mà đẹp
lão (síc!) nên “ghen” với mấy bà y tá xồn xồn, ông ta bèn chơi khăm cho “thỏa
chí căm hờn” bèn “soi thủng ruột ông già nầy cho bỏ ghét”. Nghĩ mà không làm
thì dở ẹt! Còn soi cho thủng ruột thì dở hơn…
Ruột thủng, ông Bác sĩ, thấy phân trào đầy bụng vội gọi xe cấp cứu chở đến
bệnh viện. Ở đó họ mổ bụng “bệnh nhân bị lỗi kỹ thuật” như… đồ tể mổ heo. Họ
“chơi” một đường dài từ rốn đến sát gốc cái… quý nhất giữa đời dành cho quý bà.
Nằm một tuần “nạn nhân” có thể tự ngồi dậy, nhưng muốn đi vệ sinh phải có
ba nàng y tá “xinh như trong tiểu thuyết” đóng vai nàng hầu dìu đi. Một nàng
cầm trụ truyền nước biển đi theo hai nàng kè hai nách tay. Vào phòng vệ sinh
rồi, cứ tưởng họ đi ra, ai dè cả ba nàng cứ “bám trụ” ở đó canh chừng. Trời đất
quỷ thần ơi! Bộ bệnh rồi không biết mắc cỡ sao nè trời? Đố ai trong “tình hình
nghiêm trọng” đó mà tống chất thải ra được! Ngồi một hồi lâu lâu tôi đứng lên.
Ba người đẹp trắng như trứng gà bóc vỏ, đưa lại giường, đỡ nằm xuống, đắp chăn
cẩn thận rồi vẫy tay tạm biệt đi ra.
“Nạn nhân” đợi một chút, liền lồm
cồm bò dậy, lần lần trở lại Restreoom, mới vừa tới nửa “đoạn đường chiến binh”,
ba nàng tiên chạy ùa vào, “mắng” kịch liệt, “Chúng tôi có trách nhiệm giúp ông.
Có cần điều gì xin ông cho chúng tôi được phục vụ. Ông đừng…”. Thì ra, cái mửng
nầy, có thể các nàng đã “làu thông kinh sử” rồi, nên vờ ra ngoài, và đứng lại ở
ngoài cửa phục kích. Khi thấy “địch di chuyển” thì nhào vô “tiếp cận” ngay.
Nhớ lại, có lần về trong nước, tôi bị bệnh, nàng Bác sĩ “bồ nhí” ở Trung
Tâm Y Khoa Sàigòn, đưa vào Chợ Rẫy, cũng phải xì tiền mới được khám, mới có
giường nằm, tim thuốc thì phải nạp vài chục ngàn để làm vừa lòng “quan y tá”.
Không thì, “sao biết sau sẽ ra sao!”
Tới đây, xin mở ngoặc, nói thêm chuyện xe cứu cấp, xe chống hỏa, để quý bạn
đọc mua vui.
Hồi năm nẳm, một lần lái chiếc Mercedes đời mới, mua xong đi xin số xe,
nhân viên phụ trách phải buộc miệng, “Xe
ông đẹp quá! Đây là chiếc thứ hai ở tiểu bang mình”. Khi lái xe đi bưu điện
lấy thư, lúc trở ra đường, chờ đèn xanh quẹo trái. Từ hướng trái, cách khoảng
300m, một xe chống cháy quay đèn, hụ còi inh ỏi, tự nghĩ còn xa, vừa lúc đổi
đèn xanh quẹo trái liền, chạy chưa đầy 50 mét, nhìn kính chiếu hậu, thấy xe
Police quay đèn sáng rực sau đuôi xe, tìm chỗ tấp vào, bấm kính xe xuống, hai
tay để trên tay lái, thì xe cảnh sát “hộ tống” trờ tới, đậu sát bên.
Người nữ cảnh sát da màu, bụng bự, vú như hai trái dưa hấu ngoại hạng, lúc
lắc bước đến, “Chào ông, xe ông đẹp
quá!”/ “Cám ơn! Xin lỗi, tôi đã phạm lỗi gì?”/ “Ông đã quẹo trước đầu xe chống
cháy đang “thi hành công vụ”. “Ông có nhận lỗi không?”… Thế là… ký tên vào
và nhận giấy phạt, chờ ngày “đối diện với quan tòa”.
Ngày ra tòa, ngồi chờ khá lâu, thì tới lượt “đứng trước vành móng ngựa”
(nói vậy chứ chỉ đứng trước bàn làm việc của ông Tòa thôi). Quan tòa hỏi, “Ông có nhận lỗi không? / “Yes sir” / “Ông
biết lỗi ông nặng lắm không?” / Yes Sir!” / “Thấy ông lớn tuổi, phạm lỗi lần
đầu, tôi rất muốn tha ông, nhưng lỗi nầy nặng quá. Xin lỗi, tôi phải phạt ông
$600USD (sáu trăm dollars). Ông có bằng lòng không?” / “Yes Sir!” / “Ông muốn
khiếu nại không?” / “No Sir!”. Thế là, chỉ với hai tiếng Yes!, No! là tôi
“nhận được” và “vác” giấy phạt nặng $600USD đem về nhà.
Sau đó, nhận giấy từ tòa gởi đến, nội dung như sau: Nợ $600.00USD. Mỗi
tháng trả tối thiểu $15.00. (cứ như vậy trừ dần cho tháng kế, đến khi nào trả
hết thôi). Tính tôi vốn “sợ nợ”, liều mình, bấm bụng ký cái check trả quách một
lần cho xong.
Tôi than với bằng hữu, “mới ra tòa,
bị phạt sáu trăm”. Họ hỏi, “vụ gì vậy
cha?” Đáp, “Đua với xe chống cháy.” Họ trợn mắt, cười rồi phán, “Đáng đời!” Hi!
Là kẻ lưu lạc quê người mà lọt thỏm vào thiên đàng hạ giới, thành công có,
thất bại có, “vinh quang” tủi nhục đầy mình. Vậy mà, tôi vẫn là tôi. Vẫn chân
quê rặt ròi của người dân Nam Bộ.
Ở Mỹ, sau 5 năm, vào quốc tịch Mỹ, nhiều người thay tên đổi họ cho thành
công dân Mỹ “chính thống”. Còn tôi, vốn quê mùa thứ thiệt vẫn giữ Thái Quốc
Mưu, nhưng ở Mỹ người ta “tự cải biên” biến tên tôi thành “Mưu, Quốc Thái”. Tôi
rất “dị ứng” cái tên quỷ quái nầy. Vậy mà, bây giờ ở trong nước, thỉnh thoảng
tôi thấy có người đã đảo lộn họ tên như thế! Lạ thiệt đó nghen!
Với tôi, cái tên của Cha Mẹ đặt cho tôi, cũng như với Tổ Quốc Việt Nam có
cái gì thiêng liêng cao cả và vĩnh hằng. Vì thế, với tổ quốc, tôi có châm ngôn
“Non song tổ quốc cao hơn hết. Hãy đặt lên trên mọi vấn đề.” Không dè, câu nói
nầy lại được vài tờ báo đưa vào mục danh ngôn. Đời khó ai hiểu nổi?
Tôi vốn bản chất thật thà, chân chất nhưng đầy khi phách của dân tứ chiếng
Nam Bộ, nên không phe phái, bạc tiền hay quyền lực nào đủ sức mạnh đẩy tôi vào
còn đường phản bội quê hương, đất nước, dân tộc mình.
Có lẽ do “NGU” nên tôi chẳng biết “phi thương bất phú, phi mại quốc bất
vinh thân”. Và, tôi tự bảo, tự an ủi mình, thà ngu như mầy để về sau không bị
lịch sử lên án, dân tộc nguyền rủa.
Có lần chơi biển, tôi thấy các nàng Mỹ, chân dài như hai cây cau lão, cô
thì mặc quần xì, cô kia nịt ngực đều may bằng hình lá quốc kỳ Mỹ. Thậm chí, có
cô thêu 3 chữ USA ngay trên Cái Quạt Giấy của Hồ Xuân Hương. Lạ! Ở nhiều quốc
gia khác, nếu có kẻ nào xâm mình, may quần lót, nịt ngực có biểu tượng lá Quốc
Kỳ nước đó, thì chắc chắn không tù mọt gông thì cũng “chết bất tử” trong đồn
công an.
Chơi biển về, tôi đến nhà người bạn Mỹ cùng xóm, “dùng tay hỏi cho ra lẽ”,
vì sao những người ăn mặc như vậy mà Police không bắt. Ông ta cười đáp, “Người
ta thích Quốc Kỳ, yêu nước của mình, họ mới mặc như vậy. Ông không nhớ ở nước
ông thường hô hào, “chỗ đó” là cái ngàn vàng, vậy lấy Quốc Kỳ, lấy đất nước
mình giữ cái nghìn vàng có gì là tội lỗi? Nhưng ông nên nhớ, khi Quốc Kỳ bị cũ,
rách ông phải xếp lại đàng hoàng, cho vô bọc nilon rồi đem giao cho Bưu Điện
hoặc Ngân Hàng gần nhất. Ngược lại, nếu ông không làm như vậy mà đem Quốc Kỳ Mỹ
ném vào thùng rác thì ông sẽ bị truy tố trước tòa án.” Quái!
Sơ sơ đã thấy, ở quê hương tôi, tôi là rác, thậm chí còn tệ hơn rác, người
Mỹ hốt rác từ Việt Nam về nước họ đặt rác lên bàn. Đúng là tên “Sen Đầm Quốc
Tế” “điên” quá đi thôi!
***
Phần trên, tôi cố tình “huênh hoang, xạo và nổ” để có cớ lấy tôi làm điển
hình cho những thứ “rác” mà Việt Nam đem vứt bỏ cho “Đế Quốc Mỹ” nhặt đem về
Mỹ, để rồi ngày nay sang thế hệ thứ hai của Rác, trong quân đội Mỹ có Thiếu
Tướng, Chuẩn Tướng tùm lum.
Ngoài các vị tướng lãnh Việt trong Quân Đội Hoa Kỳ. Còn giới Đại Tá, Trung
Tá, với các cấp dưới hơn thì hàng hà sa số. Tất cả đều được đào tạo đúng với
quy cách, tiêu chuẩn sĩ quan quốc tế. Còn hàng dân chính thì biết cơ man nào kể
xiết!
Thế nào là tiêu chuẩn Sĩ Quan Quốc Tế, tôi không rõ lắm. Có điều tôi biết
chắc chắn rằng, với học vị Tiến sĩ Y khoa (Bác sĩ) tốt nghiệp ở Việt Nam, nếu
qua Mỹ mà không học lại thì chỉ có nước ngày cày 8 tiếng ở hãng mà thôi. Từ học
vị Bác sĩ, ta có thể tự suy nghĩ tiêu chuẩn Sĩ Quan Quốc Tế khác với bọn sĩ
quan đào tạo kiểu Tàu phù như thế nào?
Sĩ Quan được đào tạo như bọn sĩ quan Tàu phù nếu trôi dạt ra nước ngoài
chẳng ma nào thèm dùng chúng điều binh khiển tướng. Còn sĩ quan Mỹ đến bất cứ
quốc gia nào cũng được “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”. Đó là điều
không ai có thể chối cãi.
Cá nhân tôi - Thái Quốc Mưu, từ kẻ sau khi ở tù về là kẻ bần cùng nhất trong giới bần
cùng. Vậy mà, hiện giờ, tất cả con cái, dâu rể, cháu nội, ngoại… đang sống tại
Mỹ gần 30 đứa - Chính xác 28 đứa. Trong đó, có thằng cháu
nội phục vụ trong ngành FBI, nhiều đứa cháu sẽ là Bác sĩ trong tương lai, có
vài đứa thành công nhờ “nắm tay, nắm chân Mỹ lấy tiền” (Hi!). Không có đứa nào
phải mang cơm… đi làm.
Vậy, Có Thiên Chúa không? Những ai không tin có Thiên Chúa nên xét lại.
Không xét lại là cái quyền của họ. Còn tôi, thì TÔI TIN, TUYỆT ĐỐI TIN! Mọi sự
trên đời nầy đều có bàn tay kỳ diệu của Đấng Cứu Thế.
*
THÁI QUỐC MƯU
(Nguyên chủ nhiệm, chủ bút tạp chí Kiến Thức
Phổ Thông Dân Việt Atlanta, GA, USA.)
Địa chỉ: 6395 GlenBrook Dr.
Tucker , GA 30084, USA - Hoa Kỳ.
Email: danviet1995@aol.com
.
…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 16.12.2016
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
0 comments:
Đăng nhận xét