(Nguồn ảnh: Internet) |
Truyện sử Trung Quốc:
VƯƠNG TRIỀU ĐÔNG HÁN
Sau khi nhà Hán (Tây Hán) bị Vương Mãng
cướp ngôi, gián đoạn 15 năm, rồi Vương Mãng bị diệt, giang sơn lại về nhà Hán,
kéo dài thêm được 13 đời vua nữa, gọi là nhà Đông Hán, để phân biệt với 13 đời
vua nhà Hán thời Tây Hán.
.
1. HÁN QUANG ĐẾ
(06 Tr.cn - 57 S.cn)
Vào cuối đời Tây Hán, Vương Mãng đã cướp ngôi lập nên triều Tân năm 8 sau
công nguyên. Sự bóc lột của Vương Mãng cộng với thiên tai liên tiếp khiến nông
dân không còn con đường nào khác, phải vùng lên khởi nghĩa. Và trong các cuộc
khởi nghĩa đó nổi lên là quân khởi nghĩa của Phàn Sùng, có biệt danh là
"quân xích Mi" (Xích màu đỏ, mi lông mày). Sở dĩ Phàn Sừng cho quân
của mình tô màu đỏ lên lông mày là để dễ phân biệt khi giao chiến với quân
Vương Mãng.
Trong khi đó, thì Lưu Tú cùng anh trai là Lưu Dần, đang ở Thung Lăng, thuộc
quận Nam Dương (nay ở phía Bắc Ninh Viễn, tỉnh Hồ Nam), cũng phát động người
trong họ và khởi binh ở Thung Lăng chống lại Vương Mãng.
Lưu Tú sinh năm 06 Tr.cn tự là Cửu Nguyên người là Nam Dương. Thân phụ của
Lưu Tú là Lưu Hân, quan huyện từ thời Hán Thành Đế - Lưu Ngao cho đến khi Vương
Mãng cướp ngôi nhà Tây Hán.
Sau khi lên làm vua, Vương Mãng phế bỏ phong hiệu thông thất nhà Hán, không
cho người nhà họ Lưu làm quan, vì vậy anh em nhà Lưu Tú đã không được làm quan
và ngày càng căm ghét Vương Mãng. Năm 23 công nguyên, mấy cánh quân Lục Lâm
phát triển mạnh mẽ, nhưng không có sự chỉ huy thống nhất các tướng sĩ cho rằng
binh mà đông đúc thì cần có một thủ lĩnh để thống nhất hiệu lệnh, cho nên họ đã
chọn một quý tộc sa sút của nhà Hán là Lưu Huyền lên làm hoàng đế. Lưu Huyền
lên làm Hoàng đế, được gọi là Canh Thuỷ Đế. Canh Thủy Đế cho Lưu Tú làm thái
thượng thiên tướng quân. Anh trai Lưu Tú là Lưu Dần làm Đại Tư Đồ.
Trong cuộc chiến ác liệt diễn ra tại Côn Dương nhờ có sự quyết đoán, mưu
trí dũng cảm của Lưu Tú quân Lục Lâm đã đánh bại hơn 40 vạn quân của Vương
Mãng. Lúc đó quân Lục Lâm được gọi là Hán Quân, sau đó Hán Quân đã tấn công
Trường An, nhân dân trong thành sôi nổi hưởng ứng giúp Hán quân đánh bại Vương
Mãng và Vương Mãng đã bị giết chết, triều Tân sụp đổ năm 23 CN.
Nhưng sau chiến thắng đó Canh Thuỷ Đế bắt đầu sát hại các công thần, người
bị sát hại đầu tiên đó là Lưu Dần anh trai Lưu Tú. Hoảng sợ sẽ bị giết như anh
mình, Lưu Tú tính: Nếu nổi binh đánh thì chưa thể thắng được Canh Thủy Đế, nếu
bỏ chạy thì cũng chết vì sẽ bị truy lùng đến cùng. Chính vì vậy Lưu Tú đã quyết
định "liều" đến gặp Canh Thuỷ Đế, Lưu Tú không dám để tang anh trai
vừa mất, vẻ mặt thì vẫn vui cười ông còn ca ngợi công lao của Canh Thuỷ Đế. Cho
nên Canh Thuỷ Đế đã không nghi ngờ gì Lưu Tú nữa, mà còn phong cho Lưu Tú làm
phá lỗ đại tướng quân. Sau khi về Lạc Dương, Canh Thuỷ Đế giao cho Lưu Tú binh
ấn, sau khi chiêu dụ, dẹp loạn các quận ở Hà Bắc, và đó là cơ hội vô cùng thuận
lợi cho Lưu Tú, như hổ được thả về rừng. Đến Hà Bắc, Lưu Tú đã mở rộng thế lực,
thu phục các cánh quân cát cứ địa phương. Lưu Tú phế bỏ các loại luật lệ hà
khắc thời Vương Mãng, quân đội của ông có kỷ cương pháp luật rất nghiêm minh.
Đến năm 25 sau công nguyên, Lưu Tú sau khi đã chuẩn bị đủ điều kiện để
chiến đấu lật đổ Canh Thủy Đế, liền tự xưng làm hoàng đế ở đất Hào (nay ở phía
Bắc huyện Bách Hương tỉnh Hà Bắc). Sau khi lên làm vua Lưu Tú lấy hiệu là Hán
Quang Vũ. Lúc đó Canh Thuỷ Đế do ăn chơi sa đoạ, hư hại, nên Canh Thuỷ Đế bị
thủ lĩnh nghĩa quân Xích Mi đem quân đánh bại. Vì vậy trở ngại trước mắt của
Hán Quang Vũ là nghĩa quân Xích Mi và nghĩa quân Lục Lâm, vì vậy Hán Quang Vũ
đã tìm cách đánh bại hai nghĩa quân Trên sau đó giết hại thủ lĩnh của họ. Như
vậy Hán Quang Vũ đã hoàn toàn dẹp được các cánh quân cát cử, các thế lực kình
địch, thống nhất đất nước.
Sau khi lên làm vua, Hán Quang Vũ đã vận dụng chính sách vỗ về dân chúng,
như giảm nhẹ tô thuế, giải phóng nô tì giảm bớt quan lại và mấy lần đại xá
thiên hạ, vì vậy nhân dân yên ổn làm ăn, cảnh tượng đất nước thanh bình, nhân
dân ca hát lại diễn ra ở khắp mọi nơi. Chính vì vậy đầu đời Đông Hán kinh tế
được khôi phục, phát triển ổn định.
Nhà Đông Hán do Lưu Tú (Hán Quang Vũ) lập nên, vì có sau nên được gọi là
nhà Hậu Hán và do nhà Hậu Hán đóng đô ở Lạc Dương, tức là phía Đông, nên nhà
Hậu Hán còn được gọi là nhà Đông Hán. Nhà Đông Hán tồn tại từ năm 25 CN đến năm
220 CN.
Đến năm 57 CN, Hán Quang Vũ, bị bệnh nặng và mất, hưởng thọ 63 tuổi, sau
khi chết, Hán Quang Vũ được chôn ở Nguyên Lăng.
2. HÁN MINH ĐẾ
(28 -
75)
Hán Minh Đế sinh năm 28, tên là Lưu Trang, là con trai thứ tư của Hán Quang
Vũ Lưu Tú; thân mẫu là Ân Hoàng Hậu.
Năm 57, Hán Quang Vũ mất, Lưu Trang lúc đó đang làm thái tử nên được
lên nối ngôi, tức là Hán Minh Đế. Sau khi lên làm vua Hán Minh Đế tiếp
tục thực hiện chính sách trị nước của cha mình, nhưng phần nào Hán Minh Đế cũng
đã làm cho những chính sách đường lối của Hán Quang Vũ gặp nhiều trở ngại, gây
khó khăn trong vẫn đề trị nước. Thời kỳ Hán Minh Đế trị vì, mối quan hệ giao
lưu hoà hảo giữa Hán với Tây Vực không còn được tốt đẹp nữa đặc biệt là mối
quan hệ giữa nhà Đông Hán với Hung Nô. Đối với Hung Nô thì sau khi Vương Chiêu
Quân mất, và ở Tây Hán bị Vương Mãng cướp ngôi thì Hung Nô bắt đầu không cho
người cống nạp và buôn bán với Trung Nguyên nữa và cho đến khi Hán Minh Đế lên
làm vua, thì sự chấm dứt quan hệ ngoại giao giữa Trung Nguyên với Tây vực và
Hung Nô cũng đã được hơn nửa thế kỷ. Vì thế, quân Hung Nô thường quấy nhiễu
biên cương, cướp bóc tài sản và gia súc, bắt người đem lên phía bắc, cho nên
Hán Minh Đế phải ra lệnh cho các tướng ngoài biên cương đề phòng quân Hung Nô.
Lúc đó có Ban Siêu, là em trai của Ban Cố (tác giả cuốn Hán thư), Ban Siêu đã
đi sang các nước Tây Vực thuyết phục được các nước Tây Vực và cả Hung Nô kết
giao lại với nhà Hán. Vì vậy Hán Minh Đế mới không phải lo đối chọi với Hung
nữa.
Sau đó Hán Minh Đế nằm mơ thấy phật, cho nên ông đã cho người đi sang Tây
Trúc xin kinh phật. Việc xin kinh phật được dễ dàng, nhưng Hán Minh Đế không rõ
kinh phật và cũng không rõ đạo lý phật giáo. Tuy nhiên năm 68 CN Hán Minh Đế đã
hạ lệnh cho xây một ngôi chùa ở phía Tây thành Lạc Dương theo đúng kiểu cách ở
Thiên Trúc, ngôi chùa đó hiện nay nằm ở phía tây thành phố Lạc Dương và nó có
tên là chùa Bạch Mã. Thời Hán Minh Đế, chính nhà vua cũng không tôn sùng đạo
phật, Hán Minh Đế vẫn chủ trương đề xướng học thuyết Nho Gia. Cho nên số lượng
người đến chùa Bạch Mã thắp hương cúng lễ ngày đó cũng không đông mà phải đến
năm 628 về sau này Đường Tam Tạng sang Tây Trúc cầu kinh về cho vua Đường Thái
Tông (Lý Thế Dân) thì nhân dân Trung Quốc mới thực sự tôn sùng đạo phật.
Chính việc Hán Minh Đế cho người cầu kinh phật, đã gây ra nhiều nỗi oan
khốc cho nhiều người. Bởi vì có người định lợi dụng phật giáo để làm phản, Hán
Minh Đế biết được đã ra lệnh giết chết những người muốn làm phản và bè đảng của
họ, nhưng kỳ thực có những người không hề có ý, tạo phản nhưng đã bị chết oan,
sau này Hán Minh Đế phải hạ chiếu miễn tội cho nhiều người bị nghi là có ý làm
phản, nên tang tóc đau thương mới được chấm dứt.
Hán Minh Đế cũng chú trọng đến việc phát triển của lịch sử, việc phát triển
tồn tại của Vương Tộc, cho nên Hán Minh Đế đã sử dụng Ban Cố làm Lân đài lệnh
sử, để Ban Cố viết Hán thư.
Năm 75 CN Hán Minh Đế mất, ở tuổi 47. Ông làm vua được 18 năm. Sau khi mất
Hán Minh Đế được chôn ở Hiển Tiết Lăng. Trong 18 năm ở ngôi của mình Hán Minh
Đế chủ yếu sử dụng niên hiệu là Vĩnh Bình. Hán Minh Đế mất, con là Lưu Đát nối
ngôi đó là Hán Chương Đế.
3. HÁN CHƯƠNG ĐẾ
(58 - 88)
Hán Chương Đế tên là Lưu Đát, sinh năm 58. Lưu Đát là con thứ của Hán Minh
Đế, thân mầu là Giả Quý Nhân. Người con trưởng của Hán Minh Đế chết sớm, do đó
Lưu Đát được lập lên làm thái tử. Năm 75 sau công nguyên Hán Minh Đế mất. Quần
thần liền lập Lưu Đát lên làm vua. Hiệu là Hán Chương Đế, khi đó Hán Chương Đế
được 17 tuổi.
Thời kỳ Hán Chương Đế trị vì, nối tiếp thời kỳ Hán Minh Đế nên tình hình
chính trị tương đối ổn định. Năm sau, Hán Chương Đế lấy niên hiệu là Kiến Sơ.
Nhưng Hán Chương Đế lại là một ông vua phong lưu, Hán Chương Đế thường say đắm
hai chị em nhà họ Đậu là Đại Đậu và Tiểu Đậu, bỏ bê triều chính, Hán Chương Đế
còn lập Đại Đậu làm Hoàng hậu. Và từ đó họ ngoại bên vợ của nhà vua bắt đầu
được giữ một số chức vụ quan trọng trong triều đình. Ngoài họ ngoại (ngoại
Thích) các hoạn quan trong triều thời kỳ này cũng được Hán Chương Đế trọng
dụng, cho nên sau khi Hán Chương Đế mất, bọn ngoại thích và hoạn quan bắt đầu
chuyên quyền và cũng từ đó mà nhà Đông Hán mới thành lập được hơn 50 năm đã bắt
đầu có dấu hiệu đi xuống.
Năm 88 sau công nguyên, Hán Chương Đế mắc bệnh nặng một thứ bệnh tức giận
quá thành hư gan, dần dần ốm liệt giường. Và cuối năm 88 năm Chương Hoà thứ 2
(niên hiệu thứ ba của Hán Chương Đế) Hán Chương Đế băng hà. Hưởng dương được 30
tuổi.
Sau khi mất Hán Chương Đế được chôn ở Kính Lăng, miếu hiệu thường được gọi
tắt là Hán Chương Đế. Hán Chương Đế mất, hoàng hậu họ Đậu bắt đầu lộng quyền,
nhưng chỉ được một thời gian ngắn, vì người lên nối ngôi Hán Chương Đế là Hán
Hoà Đế, lúc đó mới 10 tuổi, mấy năm sau, Hán Hoà Đế đã ra tay diệt trừ hết bọn
gian thần nhà họ Đậu, việc mà Hán Chương Đế về lúc cuối đời đã muốn làm,
nhưng chưa làm được thì người con nối ngôi đã làm việc đó, như vậy có lẽ
Hán Chương Đế cũng ngậm cười nơi chín suối.
4. HÁN HÒA ĐẾ
(79 - 105)
Hán Hoà Đế tên là Lưu Triệu. Sinh năm 79. Thân sinh là Hán Chương Đế Lưu
Đát. Thân mẫu là Lương Quý Nhân.
Lưu Triệu là con trai thứ tư của Hán Chương Đế. Năm 88 Hán Chương Đế mất,
Đậu Thái Hậu lâm triều nhiếp chính. Đậu thái hậu cùng anh trai là Đậu Hiến nắm
đại quyền trong triều. Sau khi bàn bạc với nhau, họ quyết định đưa Lưu Triệu
lên làm hoàng đế. Lúc đó Lưu Triệu mới được 9 tuổi. Lưu Triệu lên làm vua tức
là Hán Hoà Đế. Cũng từ thời kỳ này trở về sau, đa số các hoàng đế nhà Đông Hán
khi được lập lên làm vua học đều là trẻ con. Chính quyền thì nằm trong tay hoạn
quan hoặc là trong tay bọn ngoại thích. Chính vì vậy mà từ đó vương triều nhà
Đông Hán bắt đầu đi xuống.
Sau khi lên làm vua, Hán Hoà Đế lấy niên hiệu là Chương Hoà (niên hiệu của
Hán Chương Đế) trong 10 tháng từ tháng 2 đến tháng 12 năm 88.
Năm sau, năm 89 Hán Hoà Đế lấy niên hiệu là Vĩnh Nguyên. Kỳ thực lúc đó
quyền hành đều nằm hết trong tay ngoại thích, cho nên hoàng đế trẻ tuổi này chỉ
là một bù nhìn, sau khi lớn lên, Hán Hoà Đế bắt đầu hiểu biết được sự chuyên
quyền của ngoại thích. Hoàng đế này muốn trừ bỏ diệt sạch bọn ngoại thích để tự
mình nắm quyền hành của tổ tông để lại. Nhưng nhà vua chỉ có danh mà không có
thực quyền, xung quanh toàn là bọn tay chân, thân tín của bọn ngoại thích, cho
nên hoàng đế ở vào thế cô lực kiệt. Về vật chất thì hoàng thượng dùng đủ không
thiếu thứ gì, nhưng xung quanh hoàng thượng toàn là các cung tần mỹ nữ, và
những người thân tín nhất đối với nhà vua, đó chính là bọn hoạn quan. Vì vậy để
tiêu diệt được bọn hoạn quan thì nhà vua chỉ có thể dựa vào bọn người nàyđể
hành sự, tuy nhiên sau khi mà hành sự xong rồi thì đa số quyền hành trong tay
bọn ngoại thích lại rơi vào tay bọn hoạn quan. Mà bọn ngoại thích hay hoạn quan
đều là đại biểu của thế lực thối nát nhất trong tầng lớp cường hào địa chủ.
Chính vì vậy Hán Hoà Đế mặc dù có cố gắng để củng cố quyền lực nhưng lực bất
tòng tâm, chưa tiêu diệt được bọn ngoại thích thì đến năm 105 Hán Hoà Đế đã bị
bệnh mất sớm, khi đó nhà vua mới 26 tuổi.
Sau khi chết Hán Hoà Đế được chôn ở Thậm Lăng. Miếu hiệu thường được gọi là
Hán Hoà Đế. Hán Hoà Đế làm vua được 17 năm. Sau đó bọn ngoại thích lập con của
Hán Hoà Đế lên làm vua đó là Hán Thương Đế.
5. HÁN THƯƠNG ĐẾ
(105 - 106)
Hán Thương Đế tên là Lưu Long, sinh cuối năm 105. Thân sinh là vua Hán Hoà
Đế, thân mẫu là Hoàng hậu Đặng Tuy. Hầu hết các con của Hán Hoà Đế đều bị chết
yểu, chính vì vậy mà hoàng tử bé Lưu Long phải gửi nuôi dưỡng ở trong dân gian
để tránh bị chết yểu như các anh trai của mình.
Năm 105 Hán Hoà Đế mất, lúc đó Lưu Long mới hơn 3 tháng tuổi. Hoàng hậu
Đặng Tuy nhiếp chính. Bà liền cho đón Lưu Long về và lập lên làm vua, đó chính
là Hán Thương Đế.
Quyền hành lúc bấy giờ hoàn toàn nằm trong tay thái hậu Đặng Tuy. Nhưng Hán
Thương Đế do số mệnh yếu, nên mới ở ngôi được 8 tháng đã bị bệnh và mất, hưởng
dương mới được hơn 11 tháng tuổi.
Sau khi mất Hán Thương Đế được chôn ở Khang Lăng, miếu hiệu là Hán Hiếu
Thượng Hoàng Đế. Và thường được gọi là Hán Thương Đế. Như vậy vương triều nhà
Đông Hán từ Hán Hoà Đế trở đi, về sau này các hoàng đế đa số đều còn rất trẻ
khi được đưa lên làm vua, và các hoàng đế đó cũng đều bị chết sớm do nhiều
nguyên nhân khác nhau.
6. HÁN AN ĐẾ
(94 - 125)
Hán An Đế, tên là Lưu Hồ, sinh năm 94, là cháu nội của Hán Chương Đế Lưu
Đát. Thân sinh là Lưu Khánh, Lưu Khánh được phong là Thanh Hà Vương thời Hán
Hoà Đế. Thân mẫu là Vương Khánh.
Năm 106, Hán Thương Đế mất, thái hậu Đặng Tuy buông rèm nhiếp chính. Nhưng
bà không biết phải chọn ai làm người nối dõi bời vì lúc đó các đại thần đều
muốn lập Lưu Thắng lên làm vua, Lưu Thắng lúc đó đang được phong làm Bình
Nguyên Vương, nhưng Đặng Thái hậu vì trước đó đã không lập Lưu Thắng làm vua mà
lập Lưu Long tức là Hán Thương Đế, vì vậy nếu bây giờ bà mà lập Lưu Thắng, nhỡ
sau này Lưu Thắng sẽ trả thù mình. Vì vậy Thái Hậu Đặng Tuy, bí mật bàn với anh
trai là Đặng Chỉ, Đặng Khôi trong cung cấm, ngay trong đêm Hán Thương Đế mất,
Đặng Chí dùng Tiết Việt, dùng xe mui xanh đến phủ đệ của Thanh Hà Vương Lưu
Khánh, đón Lưu Hổ vào cung, trước lập làm Trương An Hầu, sau đó Thái hậu giáng
chiếu nói Lưu Hổ là người thừa tự Hán Hoà Đế, cho lên ngôi Hoàng đế, tức
là Hán An Đế, năm đó Hán An Đế Lưu Hổ mới hơn 12 tuổi.
Hán An Đế lên làm vua nhưng thực chất thì vẫn chỉ là bù nhìn, chính quyền
quốc gia đại sự vẫn nằm trong tay Đặng Tuy Thái Hậu.
Lúc đầu, Lưu Hổ được lập lên làm vua, mọi người đều cho rằng hoàng đế rất
thông minh nên mới được Đặng Thái Hậu chọn làm Hoàng đế, nhưng sau khi lớn lên
thì Hán An Đế lại thiếu phẩm đức, vì vậy mà Đặng Thái Hậu nhiều lần định phế
truất. Hán An Đế đã lớn mà Đặng Thái Hậu vẫn không trao quyền hành cho hoàng
đế, mà vẫn tự mình nhiếp chính.
Năm 121 Đặng thái hậu bị bệnh và mất. Hán An Đế mới được lên nắm quyền hành
quốc gia. Sau đó Hán An Đế lập Diêm Cơ làm hoàng hậu. Nhưng Diêm Cơ là một
người hẹp hòi, khi được Hán An Đế sùng ái đã tìm cách không cho các phi tần
khác được gần gũi với Hán An Đế. Nhưng từ trước đó Hán An Đế đã gần gũi với một
cung nữ tên là Lý Thị và Lý Thị đã sinh cho Hán An Đế một người con trai, đặt
tên là Lưu Bảo và đây cũng là người con trai duy nhất của Hán An Đế, vì vậy sau
này Hán An Đế mất Lưu Bảo đã lên nối ngôi hoàng đế tức là Hán Thuận Đế đó là
Hoàng đế thứ bảy của vương triều Đông Hán.
Năm 125 Hán An Đế muốn tuần thú Phương Nam .
Nam Dương là đất phát tích thuỷ tổ của nhà Đông Hán, Hán Quang Vũ, cho nên Hán
An Đế đi phương Nam mục đích là để tế bái tổ tiên và xem phong cảnh phương Nam .
Nhưng Hán An Đế vốn yếu đuối nên khi xa giá xuất phát từ Lạc Dương, sau nửa
tháng mới đến Nam Dương, Hán An Đế, trên đường đi không quen vất vả, khí hậu,
thuỷ thổ, đã ngã bệnh nặng, vì vậy xa giá phải lập tức hồi loan về Lạc Dương,
nhưng mới về đến Diệp huyện thì Hán An Đế mất, lúc đố mới 31 tuổi. Sau khi chết
Hán An Đế được đưa về Lạc Dương và được chôn ở Cung Lăng miếu hiệu Hán Cung
Tăng Hiếu An Hoàng đế và thường được gọi tắt là Hán An Đế.
7. HÁN THUẬN ĐẾ
(115 - 144)
Hán Thuận Đế tên là Lưu Bảo, sinh năm 115, thân sinh là Hán An Đế. Thân mẫu
là một cung phi tên là Lý Thị.
Năm 125 Hán An Đế mất, bọn ngoại thích liền lập Lưu Bảo lên làm hoàng đế,
tức là Hán Thuận Đế. Lúc đó quyền hành hoàn toàn nằm trong tay ngoại thích nhà
họ Lương em của Lương Ký là Lương thái hậu buông rèm nhiếp chính. Vì vậy Lương
Ký mặc sức tung hoành, y tự phép làm đại tướng quân. Cha của Thái hậu là Lương
Thương cũng được phong làm đại tướng.
Vì hoàng đế còn nhỏ tuổi, nên Lương Ký tha hồ kiêu ngạo, và ngang ngược,
hắn không thèm đếm xỉa đến hoàng đế. Hơn nữa. Hoàng đế lúc đầu thì nhỏ tuổi,
nhưng sau lớn lên thì tư chất không thông minh, nên chỉ lo ăn chơi mặc cho
Lương Ký muốn làm gì thì làm, chính vì vậy mà Lương Ký đã hoành hành được hơn
20 năm.
Lúc mới lên làm vua, Hán Thuận Đế sử dụng niên hiệu của Hán Quang Đế là
Vĩnh Kiến, đến năm 132 đỏi thành niên hiệu Dương Gia. Năm 136 lại đổi thành
niên hiệu Vĩnh Hoà. Năm 142 lại đổi thành niên hiệu Hán An và cuối cùng năm 144
Hán Thuận Đế đổi thành niên hiệu là Kiến Khang. Năm 144 thì Hán Thuận Đế mất,
khi đó nhà vua mới 29 tuổi. Như vậy Hán Thuận Đế làm vua được 19 năm và trong
19 năm đó, Hán Thuận Đế đã sử dụng sáu niên hiệu khác nhau.
Sau khi chết Hán Thuận Đế được chôn ở Hiến Lăng, miếu hiệu là Hán Kính Tông
Hiếu Thuận Đế và thường được gọi là Hán Thuận Đế.
Hán Thuận Đế chết con trai là Lưu Bính lên nối ngôi lúc đó Lưu Bính mới 2
tuổi.
(143 - 145)
Hán Xưng Đế tên là Lưu Bính sinh năm 143. Thân sinh là Hán Thuận Đế Lưu
Bảo, thân mẫu là Ngu Quý Nhân.
Năm 144 Hán Thuận Đế chết. Quyền binh đang nằm trong tay đại tướng quân
Lương Ký. Đối với Lương Ký thì hoàng đế còn nhỏ tuổi càng tốt, bởi vì như vậy
thì hắn ta càng dễ bề khống chế và với danh nghĩa phụ tá cho hoàng thượng hắn
sẽ càng oai hơn. Cho nên lúc đó Lưu Bính được Lương Ký đưa lên làm vua thay cho
Hán Thuận Đế vừa chết.
Lưu Bính lên làm vua lúc đó mới hơn một tuổi. Đó là Hán Xung Đế. Nhưng vị
hoàng đế nhỏ tuổi này lại ngắn số chưa làm vua được nửa năm đã bị bệnh nặng và
chết yểu lúc đó mới gần hai tuổi. Sau khi chết Hán Xung Đế được chôn ở Hoài
Lăng.
Sau khi Hán Xung Đế chết để có người ngồi ở ngai vàng làm bù nhìn, cho nên
Lương Ký đã chọn một đứa trẻ khác trong gia tộc dòng họ Lưu, cuối cùng Lương Ký
đã chọn được một đứa bé tám tuổi lên làm vua đó là Hán Chất Đế.
9. HÁN CHẤT ĐẾ
(138 - 148)
Hán Chất Đế, tên là Lưu Toán, sinh năm 138, thân sinh là Bột Hải Hiếu Vương
Lưu Hồng. Thân mẫu là Trần Phu Nhân. Lưu Toán là cháu năm đời của Hán Chương
Đế. Lưu Toán không phải là hoàng tử, mà chỉ là Tông thất nhà Hán. Nhưng sau đó
Lưu Toán được lên làm vua là bởi vì các hoàng đế từ thời Hán Hoà Đế trở đi, khi
lên ngôi còn quá trẻ. Theo tục lệ thì thái hậu buông rèm nhiếp chính. Và họ
ngoại của thái hậu bắt đầu nắm quyền hành thao túng triều chính. Bọn ngoại thích
này vì chuyên quyền lộng hành cho nên chúng rất sợ những vị hoàng đế anh minh
sáng suốt, cho nên đa số các hoàng đế nhỏ tuổi này, nếu không chết yểu thì cũng
bị bọn ngoại thích tìm cách đầu độc chết. Sau đó chúng lại tìm một đứa bé nào
đó trong hoàng tộc nhà vua để lập lên làm hoàng đế, để chúng dễ bề sai khiến và
lộng quyền.
Chính vì vậy cho nên khi Hán Xung Đế chết năm 145. Bọn ngoại thích Lương Ký
lúc đó đang làm Đại tướng quân và Lương thái hậu liền tìm một người để nối dõi
ngôi vua nhà Đông Hán. Tiêu chuẩn để chọn hoàng đế nối dõi là dòng dõi tông
thất nhà họ Lưu và càng nhỏ tuổi càng tốt. Sau khi boàn đi tính lại, Lương Ký
đã quyết định chọn Lưu Toán lên ngôi hoàng đế. Tức là Hán Chất Đế. Khi đó Hán
Chất Đế mới bảy tuổi.
Tuy còn nhỏ nhưng Hán Chất Đế tỏ ra thông minh lanh lợi, không ưa sự ngang
ngược, kiêu ngạo và tàn bạo của Lương Ký và trong một lần lên triều, Hán Chất
Đế bỗng chỉ mặt Lương Ký nói "Ngươi đúng là một tướng quân ngang
ngược" và với câu nói đó Hán Chất Đế đã phải trả giá bằng tính mạng của
mình. Bởi vì Lương Ký vốn là một con người độc ác, ông ta bị Hán Chất Đế nói
làm bẽ mặt trước bá quan văn võ. Ông ta tức đến điên người lên nhưng không làm
gì được. Từ đó Lương Ký quyết định giết vị hoàng đế nhỏ tuổi này. Lương Ký suy
nghĩ vì hoàng đế này mới chừng ấy tuổi đầy mà đã ghê gớm thế, lớn lên sẽ khó
bắt nạt được. Chính vì vậy Lương Ký đã quyết định độc thủ. Y cho người bỏ thuốc
độc vào bánh dâng lên cho Hán Chất Đế. Hán Chất Đế ăn xong, cảm thấy trong bụng
khó chịu, đau quần quại, nhà vua đòi uống nước, nhưng lúc đó Lương Ký đứng bên
cạnh đã không cho Hán Chất Đế uống nước, y nói: "Không được uống nước vào
sẽ bị nữa". Vì vậy Hán Chất Đế đã trúng độc, sau đó ngã lăn ra chết ngay
tức khắc, khi đó Hán Chất Đế mới được tám tuổi. Và làm vua được hơn một năm.
Sau khi chết, Hán Chất Đế được chôn ở Tĩnh Lăng Miếu hiệu là Hán Hiệu Chất
Hoàng Đế, nhưng thường được gọi tắt là Hán Chất Đết. Việc Hán Chất Đế bị Lương
Ký giết các quan trọng triều nhiều người biết việc này, nhưng không dám làm gì
vì họ sợ bị Lương Ký trả thù. Về sau này Hán Hoàn Đế mới giết Lương Ký để báo
thù cho Hán Chất Đế.
10. HÁN HOÀN ĐẾ
(132 - 167)
Hán Hoàn Đế tên là Lưu Chí, sinh năm 132, thân sinh là Lãi Ngũ hầu Lưu Ký.
Thân mẫu là người họ Yến.
Lưu Chí là cháu bốn đời của Hán Chương Đế (Lưu Đát). Xét về gia phả thì Lưu
Chí là anh của Hoàng Đế Hán Chất Đế. Năm 146 sau công nguyên. Lưu Ký giết chết
Hán Chất Đế, y lại phải chọn một đứa trẻ khác trong hoàng tộc nhà Hán để lập
lên làm vua, và lần này người được chọn là Lưu Chí. Lưu Chí lên làm vua khi đó
mới được 14 tuổi, Hiệu là Hán Hoàn Đế. Năm sau, đổi niên hiệu là Kiến Hoà. Hán
Hoàn Đế là một người cực kỳ thông minh, quyết đoán và rất căm ghét Lương Ký.
Nhưng vì lúc đó quyền hành đều nằm hết trong tay Lương Ký, Hán Hoàn Đế biết
việc Lương Ký luôn luôn cho người theo dõi mình, cho nên bề ngoài thì Hán
Hoàn Đế tỏ ra không có gì, không hề tỏ thái độ đối đầu với Lương Ký, nhưng kỳ
thực thì Hán Hoàn Đế luôn luôn đề phòng Lương Ký hãm hại mình.
Khi lập Lưu Chí lên làm vua, Lương Ký đã bí mật giết toàn bộ gia đình nhà
Lưu Ký, nhưng may có mẹ của Lưu Ký thoát chết. Mục đích của Lương Ký là làm cho
Lưu Chí mất hết người thân bên cạnh. Bởi vì nếu cha Lưu Chí còn sống thì ông ta
sẽ ở một ngôi vị quan to, ví dụ như thái thượng hoàng chẳng hạn, bởi vì
ông ta là cha của vua kia mà. Lương Ký hiểu rất rõ điều đó hơn nữa cha của Lưu
Chí lại rất giỏi võ nghệ và có tài, nếu để ông ta sống thì Lương Ký khó có thể
thao túng được triều đình để lộng hành.
Cũng nhờ có người cha giỏi võ nghệ và biết đạo lý nên từ nhỏ Hán Hoàn Đế đã
được học tập võ nghệ, cho nên sau này võ nghệ của Hán Hoàn Đế cũng rất giỏi. Về
cái chết của cha mình và toàn bộ Vương phủ bị xoá sổ, nhưng mẹ của Hán Hoàn Đế
đã may mắn thoát chết và sau này tìm gặp Hán Hoàn Đế. Chính vì vậy mà Hán Hoàn
Đế đã biết được ai là người đã giết chết cha mình, nhưng lúc đó Hán Hoàn Đế vẫn
chưa làm gì được vì Lương Ký, phải mấy năm sau khi Hán Hoàn Đế lớn lên và lúc
bấy giờ Hán Hoàn Đế sùng ái một mỹ nhân tên là Lương Quý. Lương Ký lại vừa mới
giết chết mẹ của Lương Quý cho nên mối thâm thù giữa Hán Hoàn Đế với Lương Ký
lại được nhân lên gấp bội, nhưng kỳ thực lúc đó Lương Ký đang làm đại tướng
quân nắm giữ cấm quân, nếu Hán Hoàn Đế mà công khai đối chọi với Lương Ký thì
rất có thể sẽ bị Lương Ký tiêu diệt.
Để tiêu diệt Lương Ký, Hán Hoàn Đế phải bí mật liên hệ với những hoạn quan
đang có quyền hành, và những người đang có tư thù với Lương Ký, và những quan
cận thần trung thành như Bính Tôn, Trương Uẩn. Và cuối cùng nhân dịp Lương Ký
không đề phòng, Hán Hoàn Đế liền đem hơn 1000 vũ lâm quan bất ngờ bao vây chặt
lấy Lương Ký. Vì bị bất ngờ không kịp đối phó nên Lương Ký hoảng sợ vội rút
nhanh bảo kiếm ở sau lưng ra, cứa ngang cổ một nhát, máu phun ra như cắt tiết
gà ngã đánh huỵch một tiếng ra phía sau, chết ngay lập tức. Hán Hoàn Đế vào phủ
còn cho người băm nát Lương Ký ra làm trăm mảnh, sau đó đem đầu của Lương Ký
bêu ở ngoài thành cho nhân dân được biết. Cả gia đình của Lương Ký và bè đảng
của y sau đó cũng đều bị giết chết, gia sản của Lương Ký thì bị tịch thu.
Những người có công lớn giúp Hán Hoàn Đế tiêu diệt được Lương Ký là bọn
hoạn quan, nhưng sau khi tiêu diệt được Lương Ký thì bọn hoạn quan này lại
chuyên quyền thế lực ngày càng lớn mạnh, vì vậy Hán Hoàn Đế như "tránh vỏ
dưa thì gặp vỏ dừa" vậy. Kỳ thực thì Hán Hoàn Đế sau khi lên làm vua, tính
tình sinh ra nhu nhược, thích nghe những lời bùi tau, vì vậy bọn hoạn quan tâng
bốc Hán Hoàn Đế lên đến tận mây xanh làm cho nhà vua vô cùng hí hửng và tín
dùng bọn hoạn quan. Bọn chúng muốn gì được nấy nhà vua chỉ biết nghe theo, từ
đó trở đi, Hán Hoàn Đế chuyên dùng bọn gian nịnh, triều chính rối loạn không
biết đâu mà kể. Sưu cao thuế nặng, dân chúng hết đường sống. Hán Hoàn Đế những
năm cuối đời lại sủng ái một cung nữ tên là Điền Thánh. Không thèm ngó ngàng gì
đến triều chính. Hán Hoàn Đế lại ngày càng trở nên hoang dâm vô độ và ở trong
nước lúc bấy giờ đã bắt đầu nổi lên một vài cuộc khởi nghĩa nông dân nhưng các
cuộc khởi nghĩa đó đều bị dập tắt trong bể máu. Nhưng những gì Hán Hoàn Đế làm
như việc sưu cao thuế nặng, tin yêu hoạn quan... và đây chính là nguyên nhân
dẫn đến cuộc khởi nghĩa khăn vàng diễn ra vào năm Giáp Tí 184 thời Hán Linh Đế
người kế tiếp ngai vàng của Hán Hoàn Đế sau này.
Năm Vĩnh Khang thứ nhất 167 niên hiệu cuối cùng của Hán Hoàn Đế, Hán Hoàn
Đế bị bệnh lao lực, người gầy như que củi khô. Thuốc men không chữa khỏi ốm nằm
liệt giường ở tiền điện Đức Dương rồi chết luôn ở đó, hưởng dương được 25 tuổi.
Sau khi chết, Hán Hoàn Đế được chôn ở Tuyên Lăng. Miếu hiệu thường được gọi
tắt là Hán Hoàn Đế, tổng cộng Hán Hoàn Đế ở ngôi được 21 năm từ năm 146 đến năm
167 sau công nguyên.
11. HÁN LINH ĐẾ
(156 - 189)
Hán Linh Đế sinh năm 156, tên là Lưu Hằng, là cháu năm đời của Hán Chương
Đế. Thân sinh là Giải Độc Đình Hầu Lưu Trường.
Năm 167 Hán Hoàn Đế mất, nhưng không có con nối dõi, vì vậy thái hậu họ Đậu
cùng với cha mình là Đại tướng quân Đậu Võ đón Lưu Hằng về lập lên làm vua, tức
là Hán Linh Đế. Đây là một hoàng đế nổi tiếng hủ bại trong lịch sử Trung Quốc.
Lúc bấy giờ, tình hình chính sự kể từ thời vua Hán Hoàn Đế trở đi ngày càng
rối ren, đến khi Hán Linh Đế lên ngôi thì mức độ rối ren đã thật sự nghiêm
trọng và nhà hán đứng trước nguy cơ bị diệt vong hoàn toàn. Trong triều thì bọn
hoạn quan chuyên quyền, chúng bắt bớ chém giết người vô tội vạ, chúng còn vu
cáo các thái học sinh kết bè đảng phỉ báng triều đình, làm bại hoại phong tục
có ý muốn làm phản. Chính vì vậy bọn hoạn quan đã dâng sớ tấu, xin Hán Linh Đế
ra lệnh bắt bọn đảng nhân. Lúc đó Hán Linh Đế mới 11 tuổi thì biết đảng nhân là
gì, nhưng do bọn hoạn quan xúi giục nói vào là bọn họ rất đáng sợ, luôn nói xấu
triều đình, nào là họ mưu phản, muốn lật đổ hoàng đế. Cho nên Hán Linh Đế nghe
theo bọn hoạn quan ra lệnh bắt những người kết bè đảng chém giết. Sau đó mọi
chức vụ quan trọng trong triều đình đều đã nằm gọn trong tay bọn hoạn quan.
Từ đó Hán Linh Đế cũng u mê, tin vào bọn hoạn quan, mọi việc đều giao cho
bọn hoạn quan và khi nhà vua được 17 tuổi, bắt đầu ăn chơi hưởng lạc, cho xây
dựng nhiều cung điện mới, tuyển chọn mỹ nữ đẹp để ngày đêm vui chơi hưởng lạc,
việc xây dựng cung thất tốn nhiều tiền của, vì vậy của kho nhà nước dùng
chỉ vài năm đã hết, và để có tiền phục vụ cửa hàng đặc biệt ở Tây Viên đó là
cửa hàng mua quan bán tước bọn nhà giàu không có học nhưng lại lắm tiền do của
cha ông là địa chủ để lại, chúng đã bỏ tiền ra để mua các chức quan. Số tiền bỏ
ra để mua một chức quan không phải là nhỏ, nhưng chỉ cần sau một năm bọn chúng
có thể thu hồi vốn và có lời nhiều do bọn chúng ra sức bòn rút vơ vét của nhân
dân. Còn Hán Linh Đế thì cứ mặc kệ, lao vào ăn chơi nhân dân thì đói khổ, sự
đen tối và hủ bại của vương triều nhà Hán đã lên đến tột đỉnh của nó, sự diệt
vong là điều không thể tránh khỏi, chỉ có điều là nó diễn ra sớm hay muộn mà
thôi.
Bắt đầu là các cuộc khởi nghĩa nhỏ, lẻ tẻ ở nhiều nơi nghĩa quân vùng lên
giết bọn quan lại cường hào ở địa phương lấy của cải thóc gạo chia cho dân
nghèo, nhưng các cuộc khởi nghĩa đó đều bị trấn áp trong bể máu... phải đến năm
184, một cuộc khởi nghĩa nông dân vô cùng to lớn do anh em nhà Trương Giác,
Trương Bảo và Trương Lương lãnh đạo, cuộc khởi nghĩa đó có tên là "cuộc
khởi nghĩa hàng cân" triều đình nhà Hán gọi đó là "giặc khăn
vàng" vì trên đầu các nghĩa quân đều chít khăn vàng. Quân khởi nghĩa tiến
đánh các quận huyện, đốt dinh quan, mở cửa nhà giam, tha tội phạm, tịch thu tài
sản của quan lại, phá kho lương thực, trừng trị bọn quan lại và địa chủ gian
ác. Cuộc khởi nghĩa này được nông dân cả nước hưởng ứng. Và quân khởi nghĩa
chuẩn bị tiến về Lạc Dương. Hán Linh Đế bấy giờ mới hoảng sợ triệu tập quần
thần để tìm cách trấn áp cuộc khởi nghĩa, Hà Tiến được phong làm đại tướng
quân, nhưng không chống đã nổi quân khăn vàng, nên Hà Tiến đành tâu với Hán
Linh Đế gửi chiếu thư cho các châu quận để họ tự lập binh mã đối phó với quân
khăn vàng. Lợi dụng cơ hội đó các tôn thất quý tộc, quan chức các châu quận và
địa chủ cường hào nhiều địa phương mượn danh nghĩa đánh quân khăn vàng. Ví dụ
như Lưu Bị vốn dòng dõi tông thất nhà Hán, nhưng lúc bấy giờ do gia cảnh nghèo,
phải làm nghề dệt chiếu bán dép kiếm sống, cũng cùng Quan Vũ Trương Phi kết
nghĩa vườn đào, thề cùng nhau đánh giặc khăn vàng. Chính từ đó các thế lực cát
cứ ở các nơi đã được hình thành, điều đó dẫn đến việc toàn quốc bị chia năm sẻ
bảy và sau này khi dẹp được cuộc khởi nghĩa thì các thế lực đó lại đánh lộn lẫn
nhau để tranh giành đất đai, cuối cùng còn lại một số thế lực mạnh, như Viên
Thiệu Tôn Quyền, Tào Tháo, Lưu Bị v.v... và từ đó bắt đầu dẫn đễn sự hình thành
thế chân vạc cho thời Tam Quốc sau này.
Về cuộc khởi nghĩa khăn vàng diễn ra được một năm. Sau khi Trương Giác bị
bệnh mất, Trương Bảo, Trương Lương lãnh đạo tướng sĩ tiếp tục cuộc khởi nghĩa,
nhưng cuộc khởi nghĩa này đã bị các thế lực cát cứ và quân triều đình đàn áp
trong biển máu đó là vào cuối năm Giáp Tý 184.
Sau khi quân khăn vàng bị đàn áp, Hán Linh Đế mặc kệ ai muốn làm gì thì
làm, hay nói chính xác ra nhà vua không còn thực quyền gì, có nói cũng khó,
khônglàm gì được bọn hoạn quan đành để cho chúng lộng hành ngang ngược. Nhưng
chúng vẫn để cho hoàng đế được vui chơi thoả thích. Vì vậy Hán Linh Đế đã lao
vào các cuộc ăn chơi hơn trước, cho nên về sau này Hán Linh Đế sa đoạ phải chịu
tiếng là một hoàng đế hư bại trong lịch sử.
Năm 189 Hán Linh Đế do ăn chơi sa đoạ, tiều tuỵ thân xác, bị bệnh nặng và
qua đời, hưởng dương được 33 tuổi, Khi chết Hán Linh Đế được chôn ở Văn Lăng.
Miếu hiệu thường được gọi là Hán Linh Đế.
12. HÁN THIẾU ĐẾ
(175 - 190)
Hán Thiếu Đế, sinh năm 175, tên là Lưu Biện, thân sinh là Hán Linh Đế Lưu
Hằng, thân mẫu là Hà Thái Hậu. Vì là con trưởng của Hán Linh Đế, nên Lưu Biện,
được lập làm Hoàng thái tử.
Năm 189, Hán Linh Đế mất, Lưu Biện đang làm Hoàng thái tử, nên được lên nối
ngôi, tức là Hán Thiếu Đế. Lúc bấy giờ Hán Thiếu Đế mới 14 tuổi. Và theo như lệ
thường thì Hà Thái hậu lâm triều, ngoại thích là Đại tướng quân Hà Tiến, dưới
Hà Tiến còn có Viên Thiệu, Viên Thiệu có thế lực rất lớn. Bấy giờ bọn hoạn quan
vẫn đang còn chuyên quyền đứng đầu là bọn hoạn quan là Trương Nhượng. Viên
Thiệu khuyên Hà Tiến nên giết sạch bọn hoạn quan nhưng Hà Tiến lại không dám
chủ động, liền bàn với Thái hậu, nhưng Thái hậu lúc đó đang yêu quý bọn hoạn
quan nên không nghe theo lời Hà Tiến.
Viên Thiệu lại bày mưu kế cho Hà Tiến bí mật triệu tập binh mã các nơi về
kinh đô, bức thái hậu phải đồng ý trừ khử bọn hoạn quan, binh mã chưa về đến
kinh đô thì kế hoạch bị lộ, Hà Tiến bị bọn hoạn quan, giả truyền mệnh lệnh thái
hậu gọi vào cung rồi giết chết. Vì vậy Viên Thiệu cùng con là Viên Thuật phóng
hoả đốt hoàng cung giết sạch bọn hoạn quan. Dẹp xong bọn hoạn quan, thì Đổng
Trác được lệnh của Hà Tiến trước đó, cũng kéo về đến kinh đô Lạc Dương.
Đổng Trác vốn là một kẻ cực kỳ tàn bạo, nhờ có công trong cuộc dẹp loạn
khăn vàng, nên được thăng làm Tịnh Châu Mục. Đổng Trác thấy triều đình suy yếu,
y cũng đã có dã tâm xâm chiếm Trung Nguyên, cho nên khi có cơ hội, y đã vào Lạc
Dương và nhanh chóng nắm được toàn bộ binh quyền ở Lạc Dương.
Sau khi đón xa giá Hán thiếu Đế, vì chạy loạn khi hoàng cung bị đốt. Hán
Thiếu Đế thấy Đổng Trác thì tỏ ra vô cùng sợ hãi. Người em của Hán Thiếu Đế là
Lưu Hiệp thì tỏ ra không hề sợ sệt. Qua lần gặp đó. Đổng Trác thấy Lưu Hiệp là
người oai phong, y liền quyết định phế bỏ vua Hán Thiếu Đế.
Vì vậy vào năm 190 Đổng Trác đã phế bỏ vua Hán Thiếu Đế. Đày Hán Thiếu Đế
xuống làm thứ dân, cho ra khỏi kinh thành Lạc Dương, nhưng ngay sau đó, Hán
Thiếu Đế đã bị Đổng Trác cho người bỏ thuốc độc giết chết. Hán Thiếu Đế chết
khi mới 15 tuổi làm vua được hai năm, trong hai năm làm vua Hán Thiếu Đế sử
dụng hai niên hiệu khác nhau là Quy Hy, 189 và Chiêu Ninh từ 189 - 190. Vì bị
phế truất và bị đưa ra khỏi kinh thành nên Hán Thiếu Đế không được chôn ở các
lăng tẩm và không có lăng tẩm.
13. HÁN HIẾN ĐẾ
(189 - 220)
Hán Hiến Đế, sinh năm 181, tên là Lưu Hiệp là con thứ của Hán Linh Đế. Thân
mẫu là Vương Mang Nhân, khi Hán Linh Đế còn sống Lưu Hiệp được phong là
Trần Lưu Vương.
Năm 189 Đổng Trác vào kinh đô, phế bỏ vua Hán Thiếu Đế, Đổng Trác lập Lưu
Hiệp lên làm vua tức là Hán Hiến Đế. Hán Hiến Đế lên làm vua kỳ thực chỉ là bù
nhìn, vì quyền hành nằm hết trong tay Đổng Trác, Đổng Trác là một tên đại quan
thần lộng quyền cho nên các thế lực cát cứ đã hợp nhau lại đánh Đổng Trác. Vì
thế Đổng Trác đã quyết định ép vua Hán Hiến Đế dời đô về Trường An. Sau khi đến
kinh đô mới là Trường An, Hán Hiến Đế bị Đổng Trác, lúc đó làm tướng quốc, Đổng
Trác cho người cai quản vua Hán Hiến Đế rất chặt chẽ.
Hán Hiến Đế cũng là một hoàng đế anh minh, thông minh lanh lợi và có
phong độ của một bậc đế vương. Hán Hiến Đế cũng có ý định tiêu diệt Đổng Trác
để giành lại quyền lực cho mình, nhưng thế lực không có nên đành chịu. Năm 192
Hán Hiến Đế bị bệnh nặng, nhưng may mắn qua khỏi, cũng trong năm đó Đổng Trác
bị Lã Bố giết, nhưng sau đó bọn tay sai của Đổng Trác là Lý Thôi và Quách Dĩ
đem quân báo thù cho Đổng Trác. Vì vậy nhân dân ở kinh đô Trường An lại bị lâm
vào cảnh bị chém giết cướp bóc. Hán Hiến Đế được một số đại thần đưa về kinh đô
cũ là Lạc Dương. Nhưng các cung điện ở Lạc Dương, khi Đổng Trác ép Hán Hiến Đế
về Trường An y đã ra lệnh đốt hết cung điện, dinh thị và nhân dân trong khoảng
200 dặm xung quanh Lạc Dương. Một kinh thành phồn hoa tráng lệ và một vùng dân
cư trù phú đông đúc đã bị lửa thiêu trụi, trở thành một vùng không còn tiếng gà
gáy chó sủa. Cho nên sau mấy năm Hán Hiến Đế quay lại Lạc Dương, thì khắp nơi
chỉ là tường xiêu ngói vỡ, gai góc mọc đầy. Hán Hiến Đế không có cung điện phải
ở trong một ngôi nhà cũ nát. Các bá quan văn võ thì không có nơi ở. Phải dựng
lều nơi các góc tường cũ để che mưa che nắng, khó khăn lớn nhất là không có
nguồn lương thực, Hán Hiến Đế phải cử người đi khắp nơi, kêu gọi các địa phương
cung cấp lương thực cho triều đình. Nhưng các địa phương còn đang tranh giành
quyền lợi lẫn nhau nên không đoái hoài gì tới Hán Hiến Đế. Vì vậy có nhiều ngày
Hán Hiến Đế và các bá quan phải nhịn đối và nhiều người đã chết.
Lúc bấy giờ Tào Tháo đang đóng quân ở Hứa Thành (nay là Hứa Xương, tỉnh Hà Nam )
biết tin đó liền cho người đi đón thiên tử về Hứa Thành. Tào Tháo lấy cớ mượn
danh thiên tử để trấn áp chư hầu đó là năm 196. Tào Tháo có được thiên tử trong
tay, thế lực ngày càng mạnh, tạo điều kiện tiến lên thực hiện mọi tham vọng và
hoài bão về chính trị của mình.
Chính vì vậy vua Hán Hiến Đế lúc đầu rơi vào tay Đổng Trác, sau đó lại rơi
vào tay Tào Tháo, một tên gian hùng thời loạn. Hán Hiến Đế thấy Tào Tháo quá
chuyên quyền, nên cùng ngoại thích Đổng Thừa bí mật bàn mưu diệt trừ Tào Tháo,
Hán Hiến Đế cắn tay lấy máu viết một tờ mật chiếu, giầu vào một đai áo rồi ban
tặng cho Đổng Thừa chiếc đai áo đó. Đổng Thừa bại lộ và bị Tào Tháo giết chết.
Tào Tháo định phế bỏ vua Hán Hiến Đế nhưng sau đó lại thôi và y đem con gái
của mình gả cho vua Hán Hiến Đế. Hán Hiến Đế bị ép phải lập con của Tào Tháo
lên làm Hoàng hậu.
Từ đó Hán Hiến Đế luôn bị Tào Tháo cho người theo dõi kiếm soát mọi hành
động, nên Hán Hiến Đế chỉ thực sự là một hoàng đé bù nhìn. Cho đến năm 220 Tào
Tháo chết, con của Tào Tháo là Tào Phi, liền phế bỏ vua Hán Hiến Đế, tự lập làm
vua và lập nên nhà Nguỵ (220 - 265) nhà Đông Hán đến đây đã hoàn toàn bị diệt
vong và lịch sử Trung Quốc bước vào một thời kỳ mới thời Tam Quốc.
Còn Hán Hiến Đế ngay sau đó được Tào Tháo tha mạng cho ra khỏi kinh thành.
Năm 234 Hán Hiến Đế mất, hưởng thọ 53 tuổi, sau khi chết Hán Hiến Đế được chôn
ở Thiền Lăng.
*
NGUYỄN
XUÂN
Địa chỉ: Thôn Lạc Cầu, xã Giai Phạm
huyện
Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.
Email: phamchienthang1980@yahoo.com.vn
.
…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 28.12.2015
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
0 comments:
Đăng nhận xét