TRÒ CHUYỆN VỚI NHÀ THƠ CHỬ VĂN LONG - Tác giả: Chử Thu Hằng (Hà Nội)

1 comment
(Nhà thơ Chử Văn Long (bìa trái) cùng bạn văn chương - Nguồn ảnh: Tùng Bách)
TRÒ CHUYỆN VỚI NHÀ THƠ
CHỬ VĂN LONG
*
Tôi nghe tên và âm thầm chú ý đến ông từ lâu, đơn giản vì tôi là người yêu thơ và vì ông với tôi là người “đồng họ”, một cái họ ít gặp, gắn liền với truyền thuyết chàng trai nghèo Chử Đồng Tử lấy được công chúa Tiên Dung. Không phải tôi “thấy người sang bắt quàng làm họ” đâu, nhưng ông với tôi lại có cùng quê gốc Thanh Trì; biết đâu chúng tôi có mối quan hệ họ hàng từ thuở vua Hùng dựng nước.
Bình thường, Nhà thơ Chử Văn Long là người ít nói, nhưng hôm nay gặp tôi ông bỗng nói nhiều. Có lẽ vì ông tìm thấy sự đồng cảm nơi tôi, kẻ
(Tác giả Chử Thu Hằng)
hậu sinh đồng hương, đồng họ; hay bởi mùi hương bài phảng phất ở phòng viết của tôi một sáng thu rất đẹp bỗng đánh thức trong ông bao kỉ niệm của một thời. Cái thời hai mươi năm ông lầm lũi đạp xe từ cánh bãi Vạn Phúc, Thanh Trì lên tòa soạn báo Người Hà Nội khi ấy còn ở 19 phố Hàng Buồm. Sáng 6 giờ ăn vội chút cơm nguội để đi, tối mịt mới mang cái bụng lép kẹp về nhà, cơm trưa bữa không bữa có. Hai mươi năm trong trường văn trận bút của một thời, sơ sểnh một lời có thể mang lại bao hệ lụy. Hai mươi năm thu mình trong kén, nhìn và ngẫm và đau, cẩn trọng trong cả nụ cười và nước mắt.
 Những điều xấu ở đời luôn tấy mủ
 Làm tim ta nhức nhối quá chừng
 Nhưng còn biết làm sao – phải sống
 Giữa phút đau cố mơ thấy hoa hồng
(Những điều xấu ở đời)
Ông là một trong những Nhà thơ mang tâm hồn thi sĩ đích thực. Hồn Thi sĩ  ấy vốn lành lắm, cô đơn lắm, cô đơn cả trong niềm vui và nỗi buồn, xa lạ với những đua chen trên đường danh lợi. Dường như nỗi buồn cứ vương vất theo ông, không phải nỗi buồn vật chất, dù thật ra ông cũng chẳng giàu có gì, nhưng là nỗi buồn trước cuộc thế, trước tình người, thói đời. Nỗi buồn của một người thơ - kẻ sĩ nặng lòng với bao hoài niệm, muốn giữ lại những giá trị vĩnh hằng của Đẹp và Thơ
 Anh xin khóc cho thời mơ mộng ấy
 Dù người ta thay đổi hết cả rồi
 Tim anh vẫn dây đàn xưa run rẩy
 Mãi hát thầm câu hát thuở xa xôi
(Câu hát một thời xa)
Ông kể, một đời làm thơ, ông viết không nhiều. Mười năm là Thanh niên xung phong phục vụ chiến trường, ông đã chứng kiến biết bao điều nên mỗi lần đặt bút, nỗi ưu tư cứ tràn lên trang viết, những câu thơ của ông viết ra cứ “có vấn đề”. Vì vậy, ông phải tự kìm mình. Những bài thơ tươi sáng như bài “Người gánh rơm đi vào thành phố” được giải Nhì cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ năm 1981 là không nhiều. Cũng có lần, niềm vui hiếm hoi đến với ông. Một người “ngoại đạo” về văn chương, đang sống ở nước ngoài, đã viết một tập tiểu luận đánh giá thơ Việt Nam thế kỉ hai mươi. Theo tác giả Trần Văn Lý này, thế kỉ 20 có 4 nhà thơ lớn: đó là Nhà thơ của đồng quê Nguyễn Bính; Ông Hoàng thơ tình Xuân Diệu; người trải qua và ghi dấu hai cuộc chiến tranh vào thơ Tố Hữu và người kết nối được cái thâm trầm sâu lắng của Phương Đông với cái hiện đại của Phương Tây vào thơ, đó chính là ông, Nhà thơ Chử Văn Long.
Khi tập tiểu luận của tác giả Trần Văn Lý được công bố, ông đang buồn và suy sụp tinh thần sau cái chết của người vợ. Nghe giới văn chương xì xào vì sự đánh giá tương tự tôn vinh đó, chẳng biết thực hư nhưng ông cũng vui vui. Vui vì cái tình của khách văn chương, dẫu chưa một lần gặp mặt, nhưng biết đến nhau, cổ vũ cho nhau một câu không vì vụ lợi như thế đã quí lắm, tri kỉ tri âm lắm. Sau này, hai ông vẫn liên lạc với nhau, cho tới năm kia, ông Lý mất.
Tiếng là người Hà Nội, nhưng mấy chục năm rồi ông vẫn náu mình trong góc ngôi làng cổ, của một vùng đất bãi thuần nông thanh bạch, vui vầy cùng hoa lá cỏ cây
Tôi có một khu vườn đẹp lắm
 Bốn mùa hoa và cả bốn mùa hương
 Chim trời đến chuyền cành cho khách ngắm
 Hương theo chân bịn rịn cả thôi đường
(Vườn mộng)
Ông thích mời bạn bè đến thăm khu vườn mộng của ông, mảnh vườn mà ông lo sẽ mất đi trước xu hướng đô thị hóa, và thăm căn nhà nhỏ của ông nữa, căn nhà
 Có gian buồng không đủ mua cánh cửa
 Anh nhặt nhạnh gỗ thùng gỗ chợ
 Miếng bằng gang tay, miếng khuyết tựa vầng trăng
 Để ghép nên cánh cửa
 Với ý nghĩ một thời gian tạm bợ
 Khi nào có sẽ thay cánh cửa vững bền…
(Tạm bợ)
Gian buồng ấy là tổ ấm tình yêu của ông với vợ. Người vợ tao khang mất đi khi ông 58 tuổi. Không thể nói hết nỗi đau cắt lòng xé ruột của ông khi phải chia tay với người vợ hiền đã chung lưng đấu cật với ông qua thời bao cấp gạo châu củi quế, đã cùng ông bòn mót từng đồng lương còm cõi nuôi sáu người con trưởng thành. Vợ mất rồi, còn một mình trong căn nhà vắng, nhìn cánh cửa buồng, ông nhớ vợ nhiều hơn
 Bây giờ em không còn, cái tạm bợ lại còn nguyên
 Đau xót làm sao đời người nhiều khi ngắn hơn những gì tạm bợ
 Đau đớn biết bao mỗi khi tay anh đụng vào cánh cửa
 Tạm bợ còn đây mà em đã đâu rồi?
 (Tạm bợ)
Chim từ qui mất bạn tình khắc khoải gọi nhau đến chết. Còn ông, nỗi đau chắt từ trong tim, nhỏ thành những giọt thơ đặc quánh xót xa, tình nghĩa, làm rơi nước mắt bao người.
 Anh như con sông Hồng ngoài kia thui thủi
 Khi cánh buồm mơ mộng bay đi
 Sông không cánh buồm chỉ đục ngầu tiếng máy
 Không còn em anh còn nghĩa lý gì?
(Em như vầng trăng sáng mãi)
Văn chương đã mang lại cho ông niềm hạnh phúc cuối đời. Đang đắm mình trong nỗi đau mất vợ và suy sụp tưởng chừng không gượng dậy nổi, ông bỗng nhận được lá thư của một người phụ nữ. Cách ông năm sáu trăm cây số, nhưng tiếng kêu thương của con chim lẻ bạn là ông đã làm rung lên trong trái tim bà tiếng ngân đồng cảm. Cũng là người làm thơ, bà đọc được con người ông, cảm được cái tình tha thiết của ông qua những bài thơ ông khóc vợ. Những là
 Ai vừa tắt vầng trăng rực rỡ
 Hay mặt trời vừa lặn ở trong tôi
 Để u ám cả trời cao ảm đạm
 Em ra đi không dặn một lời
(Ai vừa tắt vầng trăng)
Không kìm được lòng mình, vượt qua bao e ngại, bà viết thư cho ông. “… Thơ anh, em đọc sao mà buồn thế, nỗi khát khao da diết trong mỗi bài thơ như là anh đã dành riêng để viết cho em…”. Đọc thư bà, ông chỉ biết khóc rất lâu khi không còn biết nói gì. Đời bà cũng quá nhiều vất vả gian nan, một mình nuôi hai con bằng gánh cá chợ chiều, bà cũng chỉ nhờ có thơ mà gượng dậy:
 “Mười hai bến nước thuyền neo đậu
 Mỗi câu thơ thắt một nỗi niềm riêng”
Biết chuyện, Hội Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh cũng nhiệt tình, sốt sắng. Hội mời ông vào chơi cho khuây khỏa, gặp bà, biết đâu… Chỉ vừa chạm tuổi bốn mươi, cái xuân sắc của người phụ nữ ấy còn mặn mà lắm, tình thơ của bà ý nhị mà lai láng lắm. Hai con người nhân hậu lỡ dở gặp nhau, chắc cũng có một chút gì như duyên tiền định. Một tuần ở Hà Tĩnh đã giúp ông lấy lại thăng bằng trong cuộc sống của mình.
Hồi ấy, đi lại thư từ khó khăn, lâu lâu, ông vào thăm bà, những lá thư mang dấu bưu điện cả tuần sau mới đến tay người nhận, nhưng cái ý, cái tình trong thư lúc nào cũng mới mẻ, nồng nàn. Thương bà, muốn danh chính ngôn thuận, ông bàn với bà làm đám cưới nhưng không gạo, không tiền. Người Thơ chỉ có thơ thôi, hay là lấy thơ thay đồ sính lễ…
Nhắc lại chuyện này, khuôn mặt Nhà thơ tuổi thất thập như đỏ lên, ngượng ngập: “Tôi trẻ con quá cô ạ. Trên đường đến thăm cô ấy tôi viết bài thơ Anh làm đám cưới với em. Mang bài thơ đến gặp anh Hữu Thỉnh, tôi nhờ anh đăng lên báo Văn Nghệ, nhờ thiết kế như một thiếp cưới, có cả chữ kí của tôi và cô ấy, coi như một thiếp báo hỉ gửi tới bạn bè. Anh Hữu Thỉnh bảo xưa nay chưa từng có chuyện ấy. Nếu làm như ý anh, sau này thành tiền lệ thì sao? Nghe cũng phải, tôi lại mang sang báo Người Hà Nội gặp anh Bế Kiến Quốc, mới nhận chức Tổng biên tập. Anh Quốc nói: “Anh cứ đăng như một bài thơ thôi, đừng thiết kế thành thiếp là được. Để báo Người Hà Nội đăng cho anh”. Bài thơ đăng lên, bạn bè biết tin tíu tít chúc mừng, tôi cười rồi lại khóc. Thương mình, thương cô ấy, lá rách đùm lá tả tơi. Đến tòa soạn nhận 200 tờ báo đi biếu thì được tin anh Quốc đi cấp cứu ở bệnh viện, vợ chồng tôi vào thăm mấy lần, chừng tháng sau anh Quốc mất, nhưng việc anh đã làm giúp vợ chồng tôi, chưa bao giờ chúng tôi quên.”
Bà tuổi Nhâm Dần, hồi trẻ bà đẹp lắm. Nói đến bà, gương mặt ông bừng sáng, rạng rỡ trong hạnh phúc cuối chiều. Tôi không thể rời mắt khỏi đôi bàn tay ông, đôi bàn tay to với những ngón dài rất linh hoạt. Khi ông nói, những ngón tay chụm lại, xòe ra, đưa lên rồi hạ xuống không ngừng. Đôi bàn tay sôi nổi diễn tả những điều ông chưa thủ thỉ nói ra. Ông đã từng yêu vợ đến thế, đã từng chết cả cõi lòng khi vợ mất đi, vậy mà chỉ một thời gian sau ông lại được hồi sinh bởi một người phụ nữ khác. Ở bên bà ông cảm thấy bình yên. Tình yêu của ông với bà có cả nghĩa tình và sự biết ơn. Tôi thích câu nói của Mạc Ngôn, nhà văn Trung Quốc: “Trái tim anh chia trăm mảnh, mảnh nào cũng chân thành”. Tôi tin điều đó, bởi với người văn, người thơ, trái tim họ nồng ấm lắm. Họ có thể “Đau nỗi đau của ngàn vạn sinh linh/ Yêu với tình yêu trăm muôn kiếp trước (Thơ Chử Thu Hằng).  Với Nhà thơ Chử Văn Long, tình yêu của ông với hai người vợ chỉ có thể sánh với tình yêu của cha mẹ dành cho những đứa con, có đứa xinh đẹp, có đứa thiệt thòi, nhưng đứa nào cũng được nhận tình phụ tử, mẫu tử như nhau, không thể so sánh đứa nào hơn, đứa nào kém. Đến nay, mười hai năm qua rồi, ông và bà vẫn hạnh phúc bởi có nhau, dù vì hoàn cảnh gia đình, họ vẫn sống xa nhau. Năm vài bốn lần, ông vào thăm bà, nhớ ông, bà lại ra. Tôi chắc trong cuốn sổ thơ chép tay hồi thiếu nữ của bà, thế nào cũng có câu: “Sự xa cách làm lụi dần tình yêu nhỏ, nhưng lại cháy bùng những tình yêu lớn”.
 Tiễn ông về, tôi còn níu lại, có một điều tôi rất muốn biết: “Tình yêu của ông bà có ảnh hưởng thế nào đến sự nghiệp văn chương, ông bà có chữa bài, góp ý cho nhau không?”  Nhà thơ Chử Văn Long ngoái cười trong ánh mắt: “Chúng tôi thường xuyên đọc và góp ý cho nhau, nói tình yêu chắp cánh thì hơi sách vở nhưng từ khi đến với nhau, tôi ra được ba đầu sách và cô ấy cũng vậy. Bây giờ, tôi đang chuẩn bị ra tuyển tập của mình, còn cô ấy đang hoàn thành bản thảo tập thơ thứ tư”.
Tuần tới, ông lại vào Hà Tĩnh. Trong đó có một Nàng Thơ và một tổ ấm nhỏ xinh vẫn đợi ông về.
*.
CHỬ THU HẰNG
Địa chỉ: 80 phố Sơn Tây, Ba Đình, t/p Hà Nội.
Emali: trangthuquyenru@gmail.com
Điện thoại: 0166.333.21.71
.




…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền. 
- Cập nhật nguyên bản từ email: haivc08@gmail.com do nhà thơ Chử Văn Long gửi đăng ngày 05.01.2017 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

1 nhận xét:

  1. Thơ Chử Thu Hằng rất xoàng xĩnh nhạt nhẽo nhưng người thì rất ngọt ngào tươi xinh.

    Trả lờiXóa