Nhà thơ THANH THẢO - ÔNG VUA CỦA TRƯỜNG CA - Tạp bút Lê Ngọc Trác (Bình Thuận)

Leave a Comment
(Nhà thơ Thanh Thảo - Nguồn ảnh: internet)
Nhà thơ THANH THẢO -
ÔNG VUA CỦA TRƯỜNG CA
*
Với thi phẩm “Hoa niên”, Tế Hanh nhận giải thưởng Tực lực văn đoàn từ năm 1939, trước khi Thanh Thảo ra đời 7 năm. Là một người có vị trí vững chắc trong nền thi ca Việt Nam, lúc sinh thời, nhà thơ Tế Hanh đã từng nói về những nhà thơ của quê hương ông như sau: “… Tôi chỉ là cái gạch nối giữa Bích Khê và Thanh Thảo…”. Với một lời nhận xét như thế, chúng ta trân trọng sự khiêm tốn của Tế Hanh. Và, thấy ông đánh giá cao về Thanh Thảo. Theo thời gian, chúng ta càng nhận thấy những đánh giá của Tế Hanh về Thanh Thảo càng chính xác.
(Tác giả Lê Ngọc Trác)
Thanh Thảo tên thật là Hồ Thành Công, sinh năm 1946 tại xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Ngay sau khi tốt nghiệp đại học ở Hà Nội, Thanh Thảo xung phong trở về miền Nam chiến đấu góp phần giải phóng quê hương. Ở chiến trường miền Nam, Thanh Thảo làm phóng viên, công tác tại đài phát thanh Giải Phóng. Sau ngày đất nước thống nhất, Thanh Thảo chuyên hoạt động trên lĩnh vực văn học nghệ thuật và báo chí.
Qua vài nét tiểu sử cuộc đời của Thanh Thảo, chúng ta thấy có một sự trùng hợp lý thú: Năm 1946, Bích Khê “Nhà thơ có những câu thơ hay vào bậc nhất trong thơ Việt Nam” vĩnh biệt trần gian; Cũng là năm Thanh Thảo cất tiếng khóc đầu đời chào quê mẹ Quảng Ngãi thân thương.
Thanh Thảo xuất hiện trên bầu trời thi ca Việt Nam vào những năm cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Những trang thơ của Thanh Thảo viết từ chiến trường miền Nam khói lửa, ác liệt, nóng bỏng, dữ dội, trần trụi đã tạo được nét riêng:
“Cả thế hệ xoay trần đánh giặc
Mặc quần đùi khiêng pháo lội qua sông”
Thanh Thảo đã viết những câu thơ đầy cảm xúc, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người yêu thơ:
“Phải thương lắm mới đi làm cách mạng
Phải thương nhiều hơn mới giữ nổi lòng tin
Nhưng phải thương đến tận cùng đau đớn
Mới làm người mẹ…”
Bằng tất cả tâm huyết của mình, Thanh Thảo đã từng viết:
“Hạnh phúc nào cho tôi
Hạnh phúc nào cho anh
Hạnh phúc nào cho chúng ta
Hạnh phúc nào cho đất nước…
Những câu hỏi chưa thể nào nguôi được
Mảnh đất hôm nay bè bạn chúng ta nằm
Nơi máu đổ phải sống bằng thực chất…
Nơi cao nhất thử ta lòng yêu nước
Thử lòng ta chung thủy vô tư
Nơi vỡ vụn bao mảnh đêm hèn nhát
Những gương mặt ngẩng lên lấp lánh chất người”
                             (Thử nói về hạnh phúc)
Không dừng lại với thành công bước đầu, Thanh Thảo luôn luôn trăn trở tìm cho mình một hướng đi, một nét riêng trên con đường sáng tạo thơ ca. Theo dõi cuộc đời, sự nghiệp thơ văn của Bích Khê và Thanh Thảo, chúng ta càng thấy cả hai đều có điểm giống nhau. Đó là, tính kiên trì, quyết liệt, sống hết mình với thơ, vì cái đẹp. Cũng như Bích Khê trước đây, Thanh Thảo luôn luôn tìm tòi sáng tạo, đổi mới về hình thức, nghệ thuật, mở rộng biên độ sáng tác thơ. Luôn luôn mới mẻ trong thơ, Thanh Thảo sáng tạo một cách phong phú, đầy tài hoa. Chúng ta vô cùng kinh ngạc đến khâm phục về sức làm việc, sức viết của Thanh Thảo. Từ năm 1977 đến năm 2002, chưa kể những tác phẩm thơ lẻ, báo chí, văn học khác, chỉ tính riêng trường ca Thanh Thảo đã viết và xuất bản 12 tập trường ca. Gồm: Những người đi tới biển (1977), Trẻ con ở Sơn Mỹ (1978), Dấu chân qua trảng cỏ (1980); Nghĩa sĩ Cần Giuộc (1980), Bùng nổ mùa xuân (1982), Đêm trên cát (1983), Khối vuông rubic (1985) Một trăm mảnh gỗ vuông (1988), Từ một đến một trăm (1988), Những ngọn sóng mặt trời (1994), Trò chuyện với nhân vật mình (2002), Cỏ vẫn mọc (2002).
Mỗi tập trường ca của Thanh Thảo là một khám phá mới. Nhiều nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình văn học đã gọi: Thanh Thảo là ông vua trường ca. Đối với thơ nói riêng và trường ca của Thanh Thảo nói chung, chúng ta càng đọc nhiều lần càng thấy hay, thấm đẫm, đầy chất thơ. Như những vì sao trong đêm, chúng ta càng nhìn càng thấy sáng và rực sáng hơn. Khác với những tác giả cùng thời, trường ca của Thanh Thảo là những bản giao hưởng hoành tráng với nhiều cung bậc, ngữ nghĩa đa dạng, độc đáo và đầy thông minh. Thanh Thảo đã đưa hơi thở thời đại, hơi thở Việt Nam vào trường ca của mình. Và anh đã thành công. Thanh Thảo đã xác lập, khẳng định vị trí của mình trong nền thi ca Việt Nam. Năm 1979 Thanh Thảo nhận giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam, năm 1995 nhận giải thưởng văn học của Hội nhà văn Việt Nam, năm 2001 được trao giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Thơ của Thanh Thảo đã trở thành tác phẩm kinh điển, được đưa vào sách giáo khoa giảng dạy trong trường học.
Ngày xưa, trước khi qua đời, Bích Khê đã viết những câu thơ mang tính dự báo về sự nghiệp thơ của mình:
“Mây, tuyết, thời gian bay tợ nhạc
Hồn tôi đã thoát để tiêu dao
Những tờ thơ nát đầy hơi hám
Tay khách đa tình sẽ chuyển trao”.
                      (Nấm mộ, thơ Bích Khê)
Ngày nay, trong Bài ca ống cống, Thanh Thảo đã viết những câu thơ như một tuyên ngôn nghệ thuật, khẳng định sự vĩnh cửu của nghệ thuật thơ ca và của cái đẹp:
“…Bài hát của hôm nay
Thô sơ mà hực sáng
Mang lẽ đời đơn giản
Nói được tới ngày mai…”
Hôm nay và mãi đến mai sau, tôi tin chắc một điều: Sự nghiệp thơ của Thanh Thảo mãi mãi trong xanh, ngọt ngào như giòng nước sông Trà và rực sáng như những vì sao trên đỉnh trời Thiên Bút phê vân của quê hương Quảng Ngãi.
*
Mời thư giãn với nhạc phẩm VỀ QUÊ
của Phó Đức Phương qua tiếng hát Minh Phương:

                                                                                                                   ----------------
Tài liệu tham khảo và trích dẫn:
- Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh, Hoài Chân (1942)
- Sự tìm kiếm tiếp nối không ngừng của Ngô Thế Oanh (Văn hiến Việt Nam số 5/2005)
- Thanh Thảo - nhà thơ của những cách tân đầy sáng tạo của Đỗ Quang Vinh (2008)
- Thơ phải mang tính dự báo của Nguyễn Văn Học - Ngô Ngọc Trang (Văn nghệ trẻ 2008)
- Thơ miền Trung thế kỷ 20 của NXB Đà Nẵng (1995)
*
LÊ NGỌC TRÁC
(Tên thật Lê Ngọc Khôi)
Địa chỉ: Khu phố 5, phường Tân An,
thị xã Lagi, tỉnh Bình Thuận
Email: lengoctraclg@yahoo.com.vn

.









…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật từ email: tranchicuong27@yahoo.com.vn gửi ngày 11.02.2016 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét