CHẾ LAN VIÊN - “NGƯỜI BẮN PHÁO HOA TRÍ TUỆ” Ở THẾ TỨ TUYỆT - Tác giả: Võ Văn Luyến (Quảng Trị)

Leave a Comment
(Nhà thơ Chế Lan Viên)
CHẾ LAN VIÊN -
“NGƯỜI BẮN PHÁO HOA TRÍ TUỆ”
Ở THẾ TỨ TUYỆT
*
Chế Lan Viên tên thật là Phan Ngọc Hoan. Quê Cam Lộ, Quảng Trị. Xuất hiện từ phong trào Thơ mới, Chế Lan Viên tự mình làm nên một cái đỉnh trong làng thơ Việt hiện đại, không lẫn với bất kì ai khác.
(Tác giả Võ Văn Luyến)
Nói đến Chế Lan Viên là nói đến thơ tứ tuyệt. Hình như cụm từ "tứ tuyệt Chế Lan Viên" trở thành một định ngữ khó thay đổi, bởi thơ ông đơm hoa kết trái ở thể tứ tuyệt. Không một ai cùng thời sánh bằng, trên cả hai mặt số lượng và chất lượng. "Cái lớn của một nhà thơ là khả năng tự mình trở thành đối tượng", câu nói của Johan Becher vận vào Chế Lan Viên rất đúng. Ông nổi tiếng bằng sự xuất hiện như một bất ngờ, đột biến trong cả ba giai đoạn. Từ buổi đầu có mặt "như một niềm kinh dị" (Hoài Thanh) đến giữa giai đoạn được đánh giá là một trong hai nhà thơ trữ tình chính trị (cùng với Tố Hữu) vào loại tiêu biểu nhất của nền văn học mới. Giai đọan thứ 3, giai đoạn cuối đời lại tụ kết "hóa nên trầm" trong thể tứ tuyệt.
Đấy là nhìn bao quát và chia cắt theo lối cơ học. Còn trong thực tế có trên bốn mươi năm đắm mình trong sáng tạo, ông ưu tiên đáng kể cho tứ tuyệt bằng tâm huyết và trí tuệ tài hoa của mình. Theo thống kê của PGS. TS Hồ Thế Hà, chỉ tính trong các tập: Ánh sáng và phù sa (36/69 bài), Đối thoại mới (45/68 bài) Hái theo mùa (44/76 bài), Hoa trên đá (32/86 bài) Ta gửi cho mình (17/39 bài)... Những con số biết nói trên chứng minh điều tâm đắc, kỳ duyên của nhà thơ họ Chế đối với thể tứ tuyệt.
Có lẽ từ trong trăn trở lột xác, tìm đường cho thơ tứ tuyệt, Chế Lan Viên đã mách bảo cái bí quyết làm nên thể thơ này. Theo ông, tứ tuyệt không chỉ là thơ 4 câu mà phải có cái "thế võ" của nó. Đấy chẳng phải gì khác ngoài cái tứ - một đặc điểm trường tồn của sáng tạo thơ. Có điều, "cái tứ trong tứ tuyệt phải nén chặt và bật ra tức thời như nguyên tắc sức bật của lò xo: Độ nén càng cao sức bật càng lớn, càng đẩy vấn đề trong thơ đi xa hơn" (Hoài Anh).
Lại nữa, có tứ nhưng phải có sự bồi đắp của tình cảm, không có chất men tình cảm không thơ được. Ở tứ tuyệt, chất men ấy thấm thật sâu vào trong suy nghĩ mới khởi động ra thơ. Sở dĩ chất trí tuệ trong tứ tuyệt của ông không khô khan nhờ ở cách của những chú "Ong triết học":
Những chú ong triết học
Không biết say hoa người
Làm nên mật đạo đức
Chả hút gì ở môi
                          (Ong triết học)
Tứ tuyệt Chế Lan Viên là một cái nhìn đa diện về thế giới và con người trong lối khắc phục hạn chế về hình thức nhỏ của thể loại bằng cách "mở rộng hiện thực bằng đề tài, sự chiếm lĩnh chiều sâu hiện thực bằng cách tăng tính triết lý khái quát ở chủ đề và sự thể hiện con người nhiều chiều". Nói khắc phục hạn chế hình thức là so với các thể thơ dài. Còn bản thân tứ tuyệt không thể không thay đổi, điều mà ông quan niệm "Nội dung phải đâu muôn đời vẫn thế. Thay hình thức của thuyền đi, sẽ hiểu bể thôi mà !", nhưng cũng nên thận trọng, vì "Tự do quá cũng giết chết thơ như gò bó" (Nghĩ về thơ).
Có người sẽ bảo: Nước một đại dương không thể đựng trong một cái chén. Quả thực, cái cách thức thơ muốn đạt đến là "đo" chứ không phải "đựng": "Cái tội của muôn đời thi sĩ. Đem hồn đo cho trời bể thêm sâu" (Đo). Vì lẽ đó, hình thức tứ tuyệt đã được hiện đại hóa rất nhiều. Cái tài của tác giả Điêu tàn là phá vỡ cấu trúc tứ tuyệt cổ điển để tái thiết nên tứ tuyệt mới nhưng không những không làm giảm giá trị mà còn tăng cường sức mạnh và sự đa dạng hình thức thể hiện: Từ tiết tấu, vần điệu (có khi bỏ vần) đến việc huy động tối đa các phương thức tu từ, tạo đà, tạo thế cho tứ tuyệt phát triển. Có thể nói, thế giới qua cái nhìn của Chế Lan Viên bỗng trở nên lung linh sinh động. Tả một vầng trăng đẹp trong tự nhiên, thiên nhiên không giàu trí tưởng tượng, sáng tạo nghệ thuật sẽ không gieo được ấn tượng mạnh như thế này:
Giữa hai cây, lại đôi mắt em nhìn
Anh đến suối, mặt em cười dưới suối
Lòng anh chạy cho lòng em theo đuổi
Đêm ái tình đâu cũng mặt trăng em
                                          (Trăng)
Từ tứ tuyệt và bằng tứ tuyệt, bài học kinh nghiệm quý giá không riêng cho một ai quan tâm đến sáng tác và tiếp nhận được Chế Lan Viên tượng hình trong một cấu trúc thơ độc đáo:
Những lá thơm hái lúc về già
Hái những lá có hương tư tưởng
Khi cây đã hóa trầm trong ruột
Lá đủ rồi, phải đợi gì hoa
                                (Nội dung và hình thức)
Có người cho rằng, "nếu triết học và tôn giáo hỏi tồn tại là gì, thì thi ca cho ta một trải nghiệm về tồn tại". Với tứ tuyệt, đấy là sự trải nghiệm trong một khoảnh khắc của tồn tại, vì thế thơ tứ tuyệt thích hợp với giọng triết lý, cảm hứng triết lý. Khảo sát các tập thơ tiêu biểu của Chế Lan Viên, số lượng thơ tứ tuyệt chiếm tỉ lệ không nhỏ (xấp xỉ 50%). Đủ thấy, thơ tứ tuyệt luôn thường trực trong cảm hứng sáng tạo mãnh liệt của ông, "người bắn pháo hoa trí tuệ" ở thể này. Có thể nói không quá rằng, một mình Chế Lan Viên đã dựng nên một đài tháp riêng về thơ tứ tuyệt Việt Nam hiện đại đậm phong cách tác giả. Ngẫm ra, hầu như ông khai thác và phát huy khá đầy đủ những đặc điểm nội dung và nghệ thuật thơ tứ tuyệt Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại.
*
VÕ VĂN LUYẾN
Địa chỉ: Thi Ông, Hải Vĩnh, Hải Lăng, Quảng Trị.
Email: vovanluyenhl@yahoo.com










…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật từ email datinh_1974@yahhoo.com.vn gửi ngày 08.02.2017 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét