CHÙM TRUYỆN NGẮN CỦA LÊ VĂN THẢO - SƠ SÀI, NHẠT, DỞ - Tác giả: Đỗ Hoàng (Hà Nội)

2 comments
(Nhà văn Lê Văn Thảo)
CHÙM TRUYỆN NGẮN CỦA LÊ VĂN THẢO
- SƠ SÀI, NHẠT, DỞ
*
Lê Văn Thảo vừa rồi có chùm truyện ngắn (3 truyện) in trên Tạp chí Nhà văn & Tác phẩm số 4 (tháng 3 +4/2014) gồm: Đứa con bị bắt cóc, Trúng số, Khắp nẻo đường rừng, với một sa pô giới thiệu rất kêu: “Từng thử qua lối văn cả trăm chữ không cần chấm câu, trong câu ngoại hạng còn cả đối thoại lẩn lời dẫn chuyện, vậy nhưng nhờ các khẩu đầu ngữ Nam Bộ mà ông rất nắm vững, văn Lê Văn Thảo vẫn ánh lên nhiều sắc thái cảm xúc một cách mạch lạc. Tài. Thế mà bây giờ lại chịu khó chấm câu…
Đọc mấy dòng giới thiệu này, tôi lại nhớ cách đây hơn nửa thế kỷ khi
(Tác giả Đỗ Hoàng)
vào bếp núc văn chương có đọc đoạn Sê khốp viết thư cho cộng tác viên. Việc như thế này:
 “Có một tác giả gửi bản thảo đến cho Sê khốp và viết: “Xin ông bỏ qua dấu chấm phẩy, vì tôi không chú ý đến nó.”
Sê khốp liền viết trả lời: “Lần sau nếu gửi bài cho tôi, anh chỉ cần gửi dấu chấm phẩy là đủ”.
Dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm than, dấu hai chấm là sáng tạo của loài người trong ngôn ngữ. Trải qua nghìn năm mới có được. Trong khẩu ngữ nói phải có chỗ dừng hơi ngắn, dừng hơi dài; trong viết văn có ngắt ý khi chưa trọn câu, có chấm than để thể hiện văn cảnh, không khí… Một nhà văn mà bỏ hết tất cả dấu chấm phẩy thì đó là người không biết viết văn, không hiểu ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết của dân tộc mình vá của nhân loại.
Trong 3 truyện ngắn của Lê Văn Thảo thì chỉ có truyện Trúng số là được hơn cả. Truyện có một chút nội tâm nhân vật, có một ít ngậm ngùi được mất trong cuộc đời. Nhưng nó nhạt và quá cũ. Người ta đã viết nhiều về việc trúng số và ước mơ trúng số rồi. Hai truyện còn lại thì rất sơ sài, đơn giản và cũng quá cũ kỷ. Nó như các phóng sự in nhan nhản trên các mặt báo hôm nay. Nhiều phóng sự còn xót thương, đau đớn nhiều hơn hai truyện ngắn này.
Truyện ngắn Đứa con bị bắt cóc kể về một cô giáo Lan có chồng là Phương làm ở địa chất đang đưa con đi khám bệnh viên. Vào viện để con trên giường bệnh rồi vào phòng vệ sinh thì bị một phụ nữ ôm đi không biết đâu mà tìm. Sau đó làm đơn và cùng chồng cầu cứu công an. Sau tám tháng thì tìm được con về. Người bắt cóc trẻ con là một đàn bà vô sinh, muốn có con nên bắt về nuôi. Vì phạm tội như thế nên cô ta phải đi tù.
Truyện chẳng có gì mới, lại viết trúc trác trúc trẳng, lổn ngổn, câu chữ không một âm vang, thao thiết nên rất khó đọc, khó cảm; mặc dù nhân vật cô giáo Lan nhiều lần tác giả cho khóc rống lên!
Văn của Lê Văn Thảo vô cùng sơ sài, rất non nớt, không một chút hàm súc, gợi cảm, văn như người Nam bộ mới tập viết truyện ngắn!
Tôi phải đọc truyện này vài lần để xem bối cảnh truyện xảy ra ở đâu. Lúc đầu tưởng là Lê Văn Thảo lấy bối cảnh từ thời Hồ Biểu Chánh viết Cười gượng, khi thì tưởng thời Sơn Nam viết Mùa len trâu, sau ngờ là quảng Doãn Quốc Sỹ viết Hương lửa ba sinh. Cuối cùng mới biết là viết thời sau giải phóng miền Nam 1975!
Xin trích:
Phương về nhà. Viên thiếu tá đã có mặt, đang ngồi đối diện với Lan.Trên bàn có tấm danh thiếp. Lan ngồi dịch vào cho Phương ngồi cạnh bên, cầm đưa tấm danh thiếp. Phương cầm nhưng không đọc (trang 6 cột 1, dòng 17 dưới lên - Tạp chí Nhà văn & Tác phẩm số 4 tháng 3+4/năm 2014) 
Hay:
Lan nhận được điện của viên thiếu tá, báo là đã tìm được đứa con , kêu Lan điện báo cho chồng. Đáng ra viên thiếu tá bàn chuyện với Phương, nhưng có lẽ anh nghĩ tin tốt lành nên báo với người mẹ” (trang 7 cột 2, dòng 13 trên xuống, sách đã dẫn)
Đọc hai đoạn này thì sao không tin bối cảnh truyện lấy từ thời Việt Nam Cộng hòa.
Thời Việt Nam Cộng hòa, các nhà báo, nhà văn trên sách báo hay dùng đại từ viên để chỉ các chức sắc trong quân đội, cảnh sát Sài gòn. Ở miền Bắc khi đọc đến viên thiếu úy, thiếu tá là biết đám ngụy rồi. Các chiến sỹ công an hoặc quân đội ta không nhà văn, nhà báo nào nói và viết viên trung úy, viến thượng úy, viên đại tướng cả.
Chắc là nhà văn Lê Văn Thảo đổi mới cách gọi của công sản để lấy lòng anh em bên kia chiến tuyến ở lại xây dựng đất nước với mình(!)
Xin mở ngoặc thêm: công an hay cảnh sát đều là từ Hán. Ngoài Bắc gọi như Trung Quốc là công an: Bộ Công an, công an tỉnh, công an huyên, công an xã, công an xóm… Bây giờ còn gọi thêm nhiều bộ phận là Cảnh sát như: Học viện Cảnh sát nhân. Cảnh sát cơ động, Cảnh sát biển. Còn trong Nam thời trước chỉ gọi là Cảnh sát như Tổng Nha cảnh sát
Tôi nghĩ Lê Văn Thảo viết viên thiếu tá hoặc viên đại tướng cũng không sao, nhưng để người đọc hiểu lầm là không nên.
Truyện ngắn Khắp ngả đường rừng gọi nó là phiếm văn hay đoản văn thì đúng hơn. Truyện quá đơn giản, quá sơ sài, nó thua cả một phóng sự báo viết. Truyện kể có một kể chỉ làm công việc lặt vặt bếp núc ở một trạm đón đưa - trạm giao liên chuyên hóng hớt chuyệnn người khác và nhận thành tích trong các trận chiến đấu đó là của mình. Trên đời có loại người như thế. Tác giả muốn lên án trong chiến tranh và trong cuộc sống lắm kẻ vô tích sự chỉ giỏi tâng công, tranh công.
Nhưng cách viết, cách bố cục truyện nó như một bài báo. Vấn đề cũ, bố cục truyện kém, câu văn thô kệch, giản đơn nên truyện thất bại.
Về nghệ thuật, thi phấp truyện ngắn của Lê Văn Thảo không có gì mới, có thể nói là nó quả cũ và quá nhiều chỗ vô lý, vô lối. Cách bỏ dấu ngang trong đối thoại để thay bằng dấu ngoặc kép cũng chẳng có gì sáng tạo mà phải viết thêm một dấu ngoặc kép nữa.
(Lan hiểu ra sự việc, lạnh toát cả người, gào vang cả phòng”:
Con tôi đâu rồi? Ai bắt con tôi?” (trang 5, cột 1, dòng 19 trên xuống - Sách đã dẫn) 
Nếu viết cách sau thì bỏ được một ngoặc kép:
- Con tôi đâu rồi? Ai bắt con tôi?
Lê Văn Thảo còn tiết kiệm câu là gộp câu nói của nhân vật và nhân vật vào cùng một câu:
Em sẽ thăm mộ ba, Lan nói. (trang 9, cột 1, dòng 17 dưới lên - Sách đã dẫn)
Gần đây thôi, Phương đáp. (trang 9 cột 2, dòng 22 trên xuống - Sách đã dẫn)
Dấu phẩy dùng để ngắt ý trong câu văn để tiếp nối ý khác cho câu trọn nghĩa, chứ không thể dùng ngắt nhân vật đang nói mà làm thành một câu văn. Hay bây giờ văn Việt có cách viết câu hậu hiện đại như vậy. Tôi không biết nữa. Rất nhiều và rất nhiều những câu như vậy và cả như câu không chính xác, sai cả logic, sai cả tâm lý nhân vật trong truyện của Lê Văn Thảo..
Đầm nước ở tận đâu?”, Lan thấy mình buột miệng hỏi. (trang 9, cột 2, dòng 20 trên xuống - Sách đã dẫn).
Nhân vật Lan thấy được mình buột miêng hỏi thì Lan đây là thần thánh rồi. Hay Lan hóa thân thành nhà văn Lê Văn Thảo, đứng ngoài quan sát mới thấy mình buột miệng tự hỏi mình
Vô lí, vô lối hết cỡ!
Chùm truyện ngắn của Lê Văn Thảo là một chùm truyện ngăn quá yếu, sơ sài, nhạt và rất dở, không nên in.
Vậy có thơ rằng:
Sơ sài truyện ngắn Thảo ông
Về quê thuê lại mấy công ruộng cày
Kiếm rau, kiếm cháo qua ngày
Viết văn như thế thì gay quá trời!
*.
Hà Nội, ngày 01.05.2014 
ĐỖ HOÀNG
Quê quán: Cao Vân, Lệ Thủy, Quảng Bình.
Hiện sống và làm việc tại Hà Nội.
Email: donguyenhn@yahoo.com
Điện thoại: 091.336.96.52






  ........................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 16.02.2017
- Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, không thể hiện quan điểm của trang blog Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.      

.

2 nhận xét:

  1. Nhà văn Lê Văn Thảo mất rồi phê bình làm gì? Nên để người đã mất được yên. Vì ông ấy làm sao còn đọc mà rút kinh nghiệm nữa mà phê? Hay các nhà muốn cãi nhau với cối xay gió?

    Trả lờiXóa