SỬ THI ILLIADE - THI HÀO HOMÈRE THIÊN TRƯỜNG CA BẤT TỬ CỦA NHÂN LOẠI - Dịch giả: Phạm Trọng Chánh (Pháp)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: internet)
SỬ THI ILLIADE - THI HÀO HOMÈRE
THIÊN TRƯỜNG CA BẤT TỬ CỦA NHÂN LOẠI
*
Thơ Thi Hào Homère là một chuổi châu ngọc toàn hảo, không thể  thay một câu, không thể thế một chữ. Từ ba ngàn năm trước nền văn minh Hy Lạp đã tạc tượng thần Apolon, tượng thần Vệ Nữ toàn hảo, người xem ngày nay phải rung động trước vẽ đẹp bằng đá trắng  tuyệt mỹ pho tượng. Nhìn đôi cánh thần, nhìn nếp tà áo quyện trên thân thể, ta thấy được gió thoảng trên thân thể ngọc ngà thần Vệ Nữ trên đỉnh Olympe. Cũng như thế thi ca Homère là những dòng châu ngọc. Thật khổ sở cho người đọc, chỉ đọc được các bản dịch bằng văn xuôi như xem một cái xác ướp  không hồn đen đủi, mất đi âm thanh, nhịp điệu, màu sắc.. không thấy được cái cô động hình ảnh, ý tứ, bi hài, đẹp đẽ của thi ca.
(Dịch giả Phạm Trọng Chánh)
Vì mối ưu tư ấy, tôi đã chuyển ngữ ra thơ lục bát hai sử thi Odyssée (12110 câu) và Illiade (16931 câu) trong 10 năm liên tục. Khuê Văn xuất bản tại Paris. Tôi đã năm lần viếng thăm các nơi có di tích trong hai sử thi:  thăm đảo động đá thiên đường của Calypso, thăm bờ biển vắng nơi Ulysse chiều chiều ra ngồi khóc nhớ vợ con. Thăm đền địa ngục ca thần Hadès, nơi Ulysse cầu tiên tri được gặp mẹ, thăm thành trì cung đình vua Agamennon, vua Nector, thăm những nơi có chiến trận, những nơi các nhân vật Homère đã đi qua, vào viện bảo tàng Hy Lạp và các nước Âu Châu xem các vật dụng, vàng, bạc đồng Homère đã mô tả, tôi đã từng cắm trại, ngủ lại đêm trên bờ biển vắng, đi tàu trong đêm, rùng minh trong giông bão, nghe tiếng  cá heo như tiếng các nàng nhân ngư, đi qua các đảo núi lửa, Homère đã nhân cách hóa thành những ông khổng lồ  ném đá.. Tôi đã tham khảo hàng trăm quyển sách, xem nhiều bộ phim về đề tài Odyssée và Iliade. Tôi có ý  dịch thơ Homère từ năm 1976, khi nhận được hai sử thi là quà tặng Duy Nga, người bạn đời của tôi, nhưng mãi năm 2001 khi đi Malte và đi Hy Lạp thăm viếng các di tích, tôi đã khởi hứng. Tôi đã công phu dịch thuật, diễn ca, chú thích, tái sáng tạo bằng thơ lục bát mà chúng ta gọi là  ngôn ngữ Truyện  Kiều để người Việt Nam ai đọc cũng hiểu và thưởng thức được kiệt tác văn chương vĩ đại của nhân loại. Hai tác phẩm đã được in ra, và phổ biến được 500 bản với các tranh bìa của J.D. Ingres, trong viện Bảo Tàng Louvre, Lyon.. một họa sĩ hàng đầu nước Pháp. Nhiều bạn đọc lấy làm buồn không mua được tác phẩm, và dịch giả cũng không đủ khả năng để tặng toàn bộ tác phẩm cho các bạn yêu văn chương..  Để bạn đọc xa gần có dịp tiếp xúc với thi ca Homère, tôi sẽ  đăng tải trên các sitre internet quen biết,  tôi sẽ  lần lượt đăng từng chương vài trăm câu, kèm theo chú thích, bình luận.. Mỗi sử thi gồm 24 chương sẽ đăng làm  48 lần cho gần 30000 câu thơ. Ước mong các bạn đọc muốn tìm đọc Homère sẽ có cơ hội tiếp xúc được kiệt tác văn chương của nhân loại.
Illiade và Odyssée là hai thiên trường ca bất tử của nhân loại, tác phẩm văn học vĩ đại do Thi hào Homère, Hy Lạp sáng tác cách chúng ta 2900 năm và vẫn làm say mê nhân loại trong suốt 29 thế kỷ.Iliade kể chuyện về cuộc chiến thành Troie, Odyssée kể chuyện Ulysse sau cuộc chiến trở về quê hương phải vượt qua bao gian nan. Illiade chỉ kể lại một giai đoạn hơn bốn mươi ngày, nhưng qua đó cuộc chiến mười năm 1193 – 1183 trước Tây Lịch. Một truyện thơ hàng trăm nhân vật qua đó nổi bật hai anh hùng trong sáng như thần: Achille và Hector đối mặt nhau từ sống đến chết. Một kiệt tác văn chương viết về chiến tranh, anh hùng ca lẫn thần thoại. Cõi thần can dự trực tiếp vào cõi người, những vần thơ tuyệt tác tả cảnh chiến tranh, hùng tráng sắt thép rợn người, những tâm lý trái ngang cõi người. Mối bất hòa giữa dũng tuớng Achille và Vua Agamemnon vì mất đi một giai nhân, mối tình chia ly trong chiến tranh giữa Hector và Andromaque, tình bạn nhận ra giữa chiến trường thù nghịch giữa Diomède và Glaucos, tâm sự Hélène giữa người yêu quyến rủ Pâris và người chồng chung thủy Ménélas. Thế giới Thần lại mang đầy cái xấu con người , Thần Vương Zeus mê gái nhưng sợ vợ, Thần đầy dục vọng, Zeus bị bùa mê Héra, giăng mây vàng làm tình giữa núi Ida. Các Thần đố kỵ nhau, chia phe can thiệp vào cõi người, mượn tay người để đánh nhau, chẳng khác chi các Cường quốc mượn tay các nước nhược tiểu để đánh nhau trong Chiến Tranh Lạnh. Sử thi Iliade rất xưa và cũng rất hiện đại trong thế giới ngày nay.
Homère được xưng tụng  là con Thần Nữ Thi Ca, là Thủy Tổ Văn Học Tây Phương, là Vua các nhà thơ, và là nhà thơ các vua, các bậc Văn hào qua bao thế kỷ đều kính phục học tập. Sinh sau cuộc chiến thành Troie 300 năm, ông tái tạo lại những đoạn thơ truyền khẩu do các du tử sáng tác trước ông thành hai kiệt tác văn chương. Ba nghìn năm qua các thần thánh, vua chúa, anh hùng, giai nhân, thành quách, lâu đài đều tan biến, và chỉ còn thơ Homère như viên ngọc quý giá bất tử với thời gian.
Iliade có nghĩa là chuyện thành Ilion, một tên gọi khác của thành Troie, một xứ nằm giữa Hellespont, Phrygie và đảo Lesbos, kinh đô nằm phía tả ngạn sông Mendérès-Scamandre, chu vi khoảng 12 km, có thành Bunar-Baschi vòng thành 2km dựng trên mõm đá cao 154m.  Nhưng theo Schieman, người Đức năm 1871-1890 khai quật di tích, lại cho rằng thành Troie nằm trong khu vực Hissarlik tiếng địa phương gọi là Cổ thành. Vùng này xưa kia thuộc Hy Lạp, nay thuộc Thổ Nhỉ Kỳ.
Ngày xưa hai truyện thơ Odyssée và Iliade, được các du tử chuyên nghiệp đi khắp vùng Địa Trung Hải, ngâm thơ kể chuyện, đệm đàn lia (Lyre), Mỗi lần kể một chương  vài trăm câu. Mỗi năm mùa biển động, dân chúng ngồi say mê, vừa bắt chí cho nhau, vừa nghe thơ. Iliade nếu  được kể liên tục bốn ngày bốn đêm và Odyssée nếu được kể liên tục trong ba ngày ba đêm. Họ nghe đi nghe lại say mê đến thuộc lòng, nhiều người thuộc cả hai truyện thơ như người Việt Nam ngày xưa thuộc Truyện Kiều. Truyện thơ Hy Lạp bắt nguồn từ truyền thống tang lễ, khi có một nhân vật quyền quý chết, gia đình thường mời một du tử đến kể lại chuyện đời. Du tử có tài ứng khẩu biến lời kể thành vần điệu và ngâm nga trước tang lễ cho mọi người nghe suốt ba ngày ba đêm. Thơ Homère thịnh hành thời Cổ Đại, trong hơn 1600 bộ sách viết trên giấy da tìm thấy ở Ai Cập bằng tiếng Hy Lạp cổ điển, phân nửa là thơ Homère. Thơ có thể khởi đầu bất cứ đoạn nào, đời sau chia mỗi sử thi thành 24 chương.
Từ thế kỷ thứ năm trước Tây Lịch trẻ em Hy Lạp thường học với ba vị thầy: Một người dạy văn phạm, dạy thơ Homère, một người dạy thể dục, và một người dạy đàn lia. Thời Trung Cổ từ năm 393 bắt đầu với sự hưng  thịnh Thiên Chúa Giáo, quyển Thánh Kinh trở thành quyển sách duy nhất. Các sách vở Hy Lạp bị cất dấu, trường Lycée, Accadémie, vận động trường Olympic.. bị đóng cửa, thì tại các nước Á Rập, văn minh Hy Lạp vẫn được tiếp tục dạy dỗ, nối tiếp, các đế quốc  Á Rập trở nên hùng mạnh, chiếm cứ cả Tây Ban Nha hai trăm năm, đánh chiếm đến phân nửa nước Pháp, Hy Lạp bị chiếm trong bốn thế kỷ, các nước Thiên Chúa Giáo đầu tiên tại cận đông như Ai Cập, Syrie, Liban, thánh địa Thiên Chúa Giáo Jésusalem, thủ đô Contanstinoble rơi vào tay các đế quốc Ottoman, Á Rập Hồi Giáo.. Ý thức sự yếu kém trước nền văn minh Á Rập, Tây Phương đã tìm lại nền văn minh Hy Lạp, họ dịch thuật, tái sáng tạo từ những tác phẩm Hy Lạp, tại Pháp Molière(1622-1673), Jean de la Fontaine(1621-1695)  tái sáng tạo những đề tài từ kịch nghệ, thơ ngụ ngôn Hy Lạp. Tây Phương đã tạo nên thời đại Phục Hưng.  Phục Hưng là khôi phục lại lại nền văn minh huy hoàng thời Cổ Đại  Hy Lạp, bị chôn vùi bởi thời Trung Cổ. Nền phục hưng chiếm lĩnh lãnh vực Văn học, Nghệ Thuật đến Giáo dục, biến các Trường Đại Học được lập ra ban đầu để dạy Thần Học thành những cơ sở giảng dạy đa dạng với đủ các ngành Khoa Học, Triết Học, Y Học.. Giáo Dục từng bước tách rời khỏi Giáo Hội Thiên Chúa Giáo trở thành một động lực phát triển khoa học kỹ thuật, tạo nên một  cách mạng kỹ nghệ với  vô vàn những phát minh tiến bộ, từ đó   Thời đại Ánh Sáng và đem văn minh truyền bá và chinh phục cả thế giới. Các nền văn minh Trung Quốc, Ấn Độ dậm chân một chỗ, bị các cường quốc Tây Phương xâu xé, chiếm cứ , trừ Nhật Bản đã nhanh chóng mở cửa và cải cách giáo dục đã nhanh chóng tiến kịp cùng với Tây Phương. Thái Lan nhanh chóng tiếp xúc gửi những sứ đoàn sang các nước Tây Phương giữ độc lập bằng ưu thế ngoại giao.  Tây Phương gọi Thời Trung Cổ là Thời nằm giữa Thời Hoàng Kim Cổ Đại Văn minh Hy Lạp  thời Phục Hưng. Nước ta  không có thời  Cổ đại và không có thời Phục Hưng thì  thời Trung Đại nước ta nằm ở chổ nào ?
Thế kỷ 20, 21 hàng năm vẫn có hàng trăm tác phẩm luận án Tiến sĩ nghiên cứu về thi ca Homère, vẫn tiếp tục khai thác các đề tài qua hàng chục bộ phim, nhạc kịch, hội họa, điêu khắc. Trong ngôn ngữ hằng ngày có những thành ngữ : trái táo bất hòa, cuộc Odyssée, gót chân Achille, tấm khăn Pénélope, lời tiên tri Cassandre... Đi đường ta gặp những bảng hiệu: Hermès, Pénéloppe, Ulysse, Calypso, Ino, Poséidon, Ajax, Hector.. Biết truyện thơ Homère là một chìa khóa để mở cách cửa vào nền  văn minh Tây Phương, thưởng thức được những cái hay cái đẹp trong Hội Họa, Điêu Khắc, Âm Nhạc, Kiến Trúc, Văn học  Tây Phương.
Nền  văn minh Hy Lạp cách đây 2500 năm, nơi đây hình thành nền móng cho mọi ngành từ triết học, thiên văn học, y khoa, toán học, thể thao, thi ca, kịch nghệ, sử học.. Nơi đây đã hình thành những giá trị nhân bản của nhân loại: cộng hòa, tự do, dân chủ, hạnh phúc, dân quyền, phân quyền.. Những cơ sở: Trường học lycée, Hàn lâm viện,  Nghị Viện, vận động trường Olympic, sân khấu, thư viện..  Để lại hàng trăm tên tuổi bất tử với sách vở: Socrate, Platon, Aristote, Thalès, Archimède, Pythagore, Hyppocrate, Homère, Aristophane, Diogène, Epicure, Eschyle, Ésope, Euclide, Euripide, Hérodote, Pausanias, Pindare, Sappho, Sophocle, Périclès.., Alexandre le Grand..  Ngôn ngữ Hy Lạp từng là ngôn ngữ chính thức của Âu Châu, trong nhiều thập kỷ, nền văn minh La tinh tiếp nối lại truyền bá những thành tựu của văn minh Hy Lạp. Hầu hết các ngành khoa học ngày nay đều bắt đầu từ một ông tổ Hy Lạp thời Cổ Đại. Hiểu biết nền văn minh Hy Lạp ta không chỉ viết ta từ đâu đến và tương lai đi về đâu?
Homère gọi người Hy Lạp bằng các tên: Achéens, Argiens, hay Danaens. Đàn ông thường mô tả : tóc nâu để dài, coí râu quai hàm hay râu mép. Người Hy Lạp có một nền văn minh khá cao so với các dân tộc đương thời. Biết nuôi lợn, nuôi bò, nuôi cừu với quy mô đông đúc hàng trăm con. Đặt biệt là biết nuôi ngựa và xử dụng ngựa trong chiến trận sớm hơn các dân tộc khác. Vai trò con ngựa rất quan trọng trong việc chuyên chỡ vũ khí, lương thực, đi xa, nhanh chóng và chiếm được ưu thế bất ngờ trên chiến trường. Ngoài ra họ là những thủy thủ giàu kinh nghiệm trên biển, biết đóng thuyền bọc đồng, chỡ vũ khí, áo giáp, dụng cụ bằng đồng.. Họ tổ chức gia đình theo phụ hệ hay bộ tộc. Mỗi vùng có một vị vua cai trị và thần phục một vị vua mạnh nhất. Khi có chiến tranh các vua liên minh với nhau, với sự chỉ huy của vua các vị vua. Trong thơ Homère, Agamemnon là vua các vị vua. Họ có một tôn giáo, đấng tối cao là Thần Zeus: Zeus, Dies là gốc tích chữ Dieu của Tây phương. Zeus thường được xem là cha các vị vua. Hy Lạp có một hệ thống thần thoại phong phú. Đỉnh cao của phổ hệ thần thoại là Chaos, Thần Hổn Mang khởi đầu vũ trụ. Sinh ra Ouranos (Uranus) là Ông Trời và Gaîa (Terra Mater) là Mẹ Đất. Sinh ra 12 Titans ở dưới lòng đất, các anh em Géants, Hécatonchires các quái vật năm mươi đầu, trăm tay và trên mặt đất là Thần Chronos (còn viết là Cronos, Saturnes) là Thần Thời Gian và Bốn Mùa. Chronos hay ganh ghét chiếm quyền cha Ouranos, nuốt các con trai, và phá hũy các công trình mình làm ra. Chronos lấy Thần Rhéa (Cybèle) tượng trưng cho sự thụ thai, sinh ra ba con là Zeus, Poséidon và Hadès. Thần Rhéa dùng mưu kế, cho chồng nuốt cục đá và cứu ba con trai thoát chết. Zeus trưởng thành nổi loạn cướp ngôi cha. Chronos gọi các Titans giúp sức. Nhưng Zeus và hai em chiến thắng, đầy lùi các Titans về Tartare một vùng sâu thẳm dưới cả dưới Địa Ngục. Zeus trở nên toàn quyền cai trị thế giới, đóng đô trên núi Olympe. Zeus (Jupiter) chia cho hai em Poséidon (Neptune) cai trị Biển Cả ở cung điện dưới Thủy Cung và Hadès (Pluton) cai trị cõi Âm Phủ.
Zeus giết cha lấy người chị cả Héra làm vợ. Héra (Junon, Hạ Cơ) là Thần nữ Hôn nhân, sinh ra Thần Arès(Thần Chiến Tranh) và Héphaîstos (Thần Hoả Thái). Zeus còn có nhiều vợ  và sinh nhiều Thần khác.
Athéné (Minerve, Pallas, Quán Trí Tuệ, Quán Trí)), Zeus tự bổ trán sinh ra. Thần nữ Thông minh và khôn ngoan, có đôi mắt sáng cú mèo. Thần nữ bào hộ nghệ thuật, nghệ thuật và các việc khéo tay. Athéné còn là nữ thần chiến thắng mang chiếc khiên, gươm, giáo và cũng là nữ thần hòa bình mang nhành ô liu.
Apollon(Phoebé, Phoebus, An Long, An Đông): Thần Mỹ Thuật và Nghệ Thuật, con Zeus và Léto, song sinh với Artémis. Thần ngự trên núi Parnasse, thường cầm cây cung bạc và đàn lyre, thần của thi sĩ, nhạc sĩ và mục đồng. Thần gieo nạn dịch bằng cây cung bạc để trừng trị.
Artémis (Diane, Đạt Thế Mỹ) Thần nữ mặt trăng, thiên nhiên và săn bắn, thường hiện ra với trăng lưỡi liềm,, con nai và mang cung , nữ thần xinh đẹp và có lời nguyền là trinh nữ mãi mãi.
Hermes (Mercure, Hạc Mai, Mai Hạc) Con Zeus và Maia, tiên nữ làm mưa.  Thần của Thương mại, của người trộm cắp và người giang hồ, là sứ thần truyền tin của Thiên Đình, và dẫn các linh hồn xuống địa ngục.
Héphaïstos (Vulcan, Hỏa Thái) Con Zeus và Héra. Thần Lửa và Kim loại. Bênh mẹ bị Zeus ném xuống trần nên bị thọt chân, lập lò rèn trong núi lửa Etna (Ý), chồng của Aphrodite (Vệ Nữ) nhưng vợ ngoại tình với thần Arès. Héphaïstos  làm bẩy sắt bắt được hai thần đang làm tình bất động trên giường và gọi các thần khác đến phán xét.
Arès (Mars, Chiến Thần) Thần chiếm tranh, thường đi với hai người hầu là Terreur và Effroi, mang mũ đồng và vũ khí, bản tính hung bạo và can đảm.
Aphrodite (Vénus Vệ Nữ), Nữ thần sắc đẹp và tình yêu, mẹ của cây cỏ và làm đẹp sự sống.
Dionysos (Bacchus) Thần Nho và Rượu vang. Con Zeus và Sémélé. Bị Héra ghen nên sảy thai, Zeus đón bào thai nuôi trong đùi cho đến ngày sinh.
Theo truyền thuyết, nguyên nhân cuộc chiến thành Troie, là do quả táo bất hòa. Truyện kể rằng trong đám cưới của vua Pélée và Nữ thần biển Thétis. Họ đã quên mời Eris Nữ Thần Bất Hòa đến dự. Để phá vỡ cuộc vui và gây nên bất hòa những người đến dự.  Eris lăn quả táo vàng vào giữa bàn tiệc, quả táo có đề chữ Tặng người đẹp nhất rồi vội vả về ngay. Thế là cả bàn tiệc sôi động hẵn lên. Ai cũng muốn dành quả táo ấy, họ tranh cải cuối cùng bỏ cuộc chỉ còn ba thần: Héra, Athéné và Aphrodite.. Họ bảo nhau đến Zeus phân xử, nhưng Zeus lắc đầu sợ vợ bảo răng thiên vị, Zeus bèn sai Hermès dẫn ba thần sang phương Đông, nhờ một người trần đẹp nhất là Pâris  phân xử.
Pâris vốn là con vua Priam, lúc sinh ra Hoàng Hậu Hécube) nằm mơ thấy mình sinh ra ngọn đuốc tiêu hủy thành Troie. Tiên tri đoán mộng đứa bé này sẽ mang tai hoạ ghê gớm cho thành Troie. Vua bèn cho đem Pâris bỏ vào rừng. Pâris được một con gấu cái đến ấp ủ, và được một người chăn chiên Arélaos đem về nuôi. Lớn lên Pâris khôi ngô tuấn tú, được bạn bè chăn cừu đặt cho tên Alexandre là người xuất chúng, người bảo vệ bởi vì chàng có sức khỏe hơn người, đánh bại thú dữ và kẻ cướp. Một hôm có đoàn lính nhà vua Priam đến mua cướp 50 con bò đẹp nhất của Pâris để làm lễ hiến tế và trao phần thưởng cho cuộc thi thể thao. Pâris không thể cưỡng lệnh nhà vua, nhưng đi theo nhất quyết dành phần thắng trong các cuộc thi để mang bò về. Quả nhiên Pâris dành hết các giải và đánh bại hết các địch thủ anh em ruột mình,  kể cả anh cả Hector. Một người con trai vua Priam là Déiphobe toan rút gươm giết Pâris. Pâris chạy đến tượng Thần Vương cầu xin che chỡ. Déipobe phải bỏ ý đồ hung bạo. Cô em gái Cassandre có tài tiên tri nhận ra chàng trai chăn bò đó là Pâris. Vua Priam và Hoàng Hậu cảm động nhận ra con và đón vào cung. Cassandre còn tiên tri Pâris dẽ gây nên sự diệt vong thành Troie, nhưng lời nói nàng chẳng ai nghe. Ngày nay điển tích lời tiên tri Cassandre, chỉ những sự sáng suốt tiên liệu thông minh, nhưng chẳng ai nghe và không được áp dụng, để tránh tai họa. Pâris  sống trong cung điện nhưng thường về núi Ida thăm chốn xưa. Một hôm đang chơi đồng nội thì thần Hermès hiện xuống bắt phải phân xử tranh chấp quả táo bất hòa. Thật là khó phân xử vì cả ba vị  nữ thần đều đẹp. Héra hứa cho chàng làm vua toàn cõi châu Á, Athéné hứa cho chàng thông minh, trí tuệ trở nên một dũng tướng bách chiến bách thắng. Aphrodite hứa cho chàng lấy được Hélène, người xinh đẹp nhất Châu  Âu.
Pâris đã kính cẩn trao quả táo vàng cho  Nữ Thần Sắc đẹp và Tình Yêu vì lý do đơn giản Vệ Nữ  là Thần đẹp nhất. Do không được quả táo vàng Héra và Athéné đem lòng thù ghét Pâris va cả dòng giống dân Troie. Ngày nay thành ngữ Quả táo bất hòa  chỉ nguyên nhân một sự bất đồng ý kiến, tranh cải, xung đột, mâu thuẫn.
Nhưng Hélène là một cô gái có chồng, có con gái. Chồng nàng là Ménélas, vua thành Sparte.  Em vua Agamemnon, vua các vị vua.
Thần Vệ Nữ sau khi nhận được quả táo vàng bảo, Pâris đóng con thuyền vượt bể  sang đô thành Sparte. Cùng  đi còn có người em họ  Enée. Vua Ménélas tiếp đãi nồng hậu, được vài hôm  Ménélas nhận được tin phải đi Crète dự lễ Hiến tế  quan trọng. Nhà vua cáo biệt khách và dặn Hoàng hậu Hélène tiếp đãi chu đáo. Vệ Nữ đã cho Pâris mượn chiếc thắt lưng quyến rũ kỳ diệu, hễ ai mang nó sẽ chinh phục được trái tim người mình yêu. Hélène bị bùa mê đã xuống thuyền theo Pâris, mang theo tất cả tư trang và bỏ đứa con gái lạI.
Hành động xấu xa của Pâris khiến các thần Olympe nổi giận. Ménélas trở về mất vợ, gặp anh Agamemnon, họ tập họp đại binh đánh thành Troie.. Quân Hy Lạp gồm 1186 chiến thuyền và hơn 100 000 quân.. Ban đầu họ thương thuyết để đòi lại Hélène nhưng bất thành. Họ chiến đấu trong 9 năm bất phân thắng bại. Quân Hy Lạp phải đi đánh các vùng lân cận để tiếp tế lương thực và bắt nhiều chiến lợi phẩm, trong đó có nhiều phụ nữ xinh đẹp. Sử thi Iliade chỉ kể lại giai đoạn cuối cùng trong 42 ngày và bắt đầu bằng chuyện nàng Chrysèis một giai nhân phần thưởng chiến công dành cho vua Agamemnon, nhưng cha nàng là Tế tự thần Apollon, đem nhiều của cải đến xin chuộc lại con gái. Hội Đồng Tướng lĩnh đều chịu, nhưng vua Agamemnon, vì thương cô gái không chịu, đuổi cha nàng . Chrysès  viên tế tự cầu xin thần Apollon trừng trị. Apollon nổi giận đem cung tên đến gieo bệnh dịch, quân Hy Lạp chết nhiều. Hội Đồng tướng lãnh họp Hội Đồng, Achille cầu tiên tri cho biết nguyên nhân..  Vua Agamemnon đồng ý  trả nhưng bắt giai nhân của Achille để đền bù. Thế là nổi trận bất hòa Achille  đóng quân  bất động không thèm tham gia trận chiến và cầu mẹ là nữ thần Thétis lên xin Thần Vương Zeus làm cho quân Hy Lạp bại trận. Zeus có tình ý với người yêu xưa nên nghe lời. Héra vợ Zeus lại bênh vực quân Hy Lạp. Thế là thêm những bất hòa  vợ chồng Thần Vương Zeus, Héra nơi thiên đình.

THI CA KHÚC I
TRẬN DỊCH   - CƠN GIẬN DŨNG TƯỚNG AN SINH  (ACHILLE)
Sang năm thứ 10, cuộc vây thành Troie của dân Hy Lạp, bỗng xuất hiện một trận dịch, người và thú chết la liệt, các giàn cũi đốt xác ngày đêm. Trước tình thế nguy cấp An Sinh mời họp Hội Đồng Tướng Lãnh Hy Lạp, mời tiên tri Cát Sĩ (Calchas) đến tiên đoán sự việc. Cát Sĩ xin An Sinh bảo vệ tính mạng mới dám nói ra.
Nguyên nhân trận dịch là do Thần  An Long (Apollon) nổi giận vì An Gia Đại Vương (Agamemnon) vua các vị vua đối xử tàn tệ với Sĩ Tiết (Chrysès), người tế tự thần An Long đã mang trượng vàng, khăn trắng và phẩm vật hậu hỉ đến xin chuộc con gái bị bắt trong trận chiến và được tiến cung cho An Gia Đại Vương. Sĩ Tiết bị vua đuổi đi. An Gia Đại Vương không tin lời tiên tri và nổi giận vì cho rằng An Sinh bày mưu để tước đoạt người thiếp yêu quý của mình. Nhưng trước tình thế nguy cấp An Gia Đại Vương chiều ý mọi người, trả lại con gái cho Sĩ Tiết. Nhưng lại bắt lại nàng Băng Tuyết ( Briséis) của An Sinh để bù phần thiệt. An Sinh nổi giận mắng An Gia Đại Vương. Nhà vua cho rằng kẻ dưới phải phục tùng cấp trên. Mặc cho Thần Nữ  Quán Trí Tuệ (Athéné) và vua  Ninh Tô (Nector) khuyên giải. An Sinh tuyên bố rời Hội Đồng Liên Quân và không đánh trận cho An Gia Đại Vương nữa. An Sinh ra bờ biển buồn than. Mẹ la Thần nữ ThêTúc (Thétis) hiện đến. An Sinh bảo mẹ xin Thần Vương  Dớt (Zeus) làm cho An Gia Đại Vương thua trận. Thần Vương chìu lòng, nhưng vợ là Hạ Cơ (Héra) lại muốn quân Hy Lạp thắng quân Troa (Troie).

Hát lên, Thần nữ Thi Ca,(Muse)                                 1
An Sinh dũng tướng bất hòa gát gươm.(Achille)
Mặc bao thảm hại vô cùng,
Xuống hàng quân tướng vây thành An Kinh (Achéens),
Hồn tử sĩ về cõi âm,
 Xác thân sói xé, diều ăn chiến trường.
Ý Thần Vương Dớt định phần,
Gây nên chia rẽ, tương tàn vua, tôi.
An Trích , vua cõi người (Atride)
Gây hờn dũng tướng Thần trời An Sinh.          10

Thần nào gieo nỗi bất bình,
An Long, con Dớt và nàng Lã Tiên (Latone)
Cung vàng tên rải trận tiền,
Dịch thần gieo bóng thê lương tội tình.
Vì vua An Trích lỗi lầm,
Mắng Sĩ Tiết (Chrysès), tế tự thần An Long.
Sĩ Tiết đã  đến van xin,
Anh em An Trích, quần thần An Kinh:
“Tôi người tế tự An Long,
Trượng vàng khăn trắng, xin dâng vật quà.    20
Thiên đình chứng giám lòng ta,
Giúp Ngài phá được thành vua Bam (Priam) này;
Chiến công phúc lộc cao dày,
Tạ  Ngài, nhận lễ tỏ bày cầu xin.
Tha con tôi chẳng tội tình,
Chiến tranh loạn lạc, lỡ lầm sắc hương.
Bị người bắt giải tiến cung,
Xin Ngài kính Dớt, An Long tha giùm.”

Quần hùng dưới trướng sẵn sàng,
Nhận qua hậu hĩ, thả nàng cho cha.                30
An Gia  Vương mặt tối sa,
Mất nàng Sĩ Tuyết (Chryséis), phần quà chiến công.
Chẳng vui đuổi kẻ tế thần :
“Lão già, chớ dọa  trượng vàng tối cao.
Lễ người ta chẳng nhận đâu,
Con người  ta chẳng khi nào thả ra,
Nàng hầu ta mãi đến già,
 Về Đạt Gô Lịch (Argolide) xa nhà quê hương.
Bên ta cung phụng chiếu giường,
Bên ta khung cữi  sớm hôm cung đình,                  40
Về đi nếu muốn yên thân,
Từ đây chớ đến lăng nhăng quấy rầy. »
Cụ già sợ hãi ra đi,
Bên bờ biển vắng, sầu bi ngàn trùng.
Khẩn cầu Thần linh An Long :
“Xót thương cho kẻ ngày đêm phụng thờ,
Giữ đền tế tự chăm lo,
Tế bao đùi béo dê bò lễ nghi.
Hãy ban ơn hiển linh vì,
Oán thù giọt nước mắt đầy đớn đau.                   50
Tên vàng trừng trị tiêu hao,
Người An Kinh trả nhục nào hôm nay.”
Thần An Long lắng nghe lời,
Thiên đình vì tiếng bề tôi, đùng đùng,
Vác cung vàng đội mũ đồng,
Nửa đêm đến giữa binh thuyền An Kinh.
Nhắm đoàn binh bắn vãi tên,
Chó, lừa gục ngã chẳng màng vì đâu.
Đến người dịch rụng rơi mau,
Lửa giàn thiêu xác ngút cao khói mù;             60
Chín ngày trận dịch thương đau,
An Sinh mời tướng quan mau họp bàn.
Hạ Cơ (Héra) Bạch Thủ Nữ Thần,
Lo âu mặc khải Hội Đồng Quân Trung.
An Sinh đứng dậy, lời rằng:
“Tình hình nguy cấp nếu không giải tìm,
Một bên chiến trận triền miên,
Một bên nạn dịch đảo điên hoành hành.
Chỉ còn bỏ trận vây thành,
Rút quân lìa bến tay không trở về.                        70
Mời tiên tri đến lắng nghe:
Bói cho điềm mộng, giải bề thần trao.
An Long gieo dịch vì sao?
Lễ  nghi, tế tự, thế nào hỏi tra.
Ý thần từ đó tìm ra,
Lễ thần cúng tế cho qua nạn này.”
Cát Sĩ Thế Tô tiên tri. (Calchas Thestor)
Hiện tại, quá khứ, vị lai tinh tường.
Thần An Long dạy bói điềm,
Đứng lên ngỏ với quần hùng thiết tha.            80
«An Sinh có ý mời ta:
Giải điềm Thần Dớt, dịch là vì đâu?
An Long gieo rắc thương đau,
Nhưng điều tôi nói, trước sau mất lòng.
Tướng Quân suy nghĩ cho cùng:
Mệnh tôi bảo đảm mới hòng nói ra.
Tướng Quân thề với Dớt là:
Sẵn sàng cứu mệnh can qua vì lời.
Một lời đụng chạm đến người,
Quyền hành thù ghét ắt thời họa mang.           90
Căm thù để giữa tim gan,
Có ngày rồi sẽ quay sang giết người.»
An Sinh trước Dớt thề bồi:
“Yên tâm Cát Sĩ bói lời tiên tri.
Nói ra sự thật dẫu vì,
Dù lời đụng chạm bất kỳ đến ai.
Ngày ta còn sống trên đời,
Quyết tâm ta bảo vệ người chẳng nan.
Dầu đụng An Gia Đại Vương,
Dầu chạm bất cứ cấp trên quyền hành.”         100
Tiên tri Cát Sĩ yên tâm,
Ngỏ lời nói với Hội đồng Quân nghi:
“Các thần chẳng giận ta vì,
Lễ Thần cúng tế hội kỳ hàng năm?
Hay điều cấm kị thiêng liêng,
Chúng ta chẳng phạm những điềm thần răn,
Họa tai là bởi vị thần,
Có cây cung bạc An Long giận vì.
An Gia nhục mạ khinh khi.
Môn đồ Sĩ Tiết nơi này cầu xin.                         110
Cụ dâng phẩm vật chuộc con.
Nhà vua lăng nhục, lại còn đuổi đi.
Cho nên thần đã ra tay.
Chỉ còn một cách: thả ngay, tha nàng.
Dâng cụ lễ vật tế thần,
Cầu xin tạ tội mới hòng thoát nguy.
An Gia sa mặt tức thì,
Quắc nhìn sang vị tiên tri dằn lời:
“ Người tiên tri thiệt ta thôi,
Chẳng bao giờ nói được lời dễ thương.            120
Âm mưu hắc ám trong lòng,
Bói điều thiệt hại rõ ràng cho ta.
Nàng Sĩ Tuyết phần đã chia,
Ta đà từ chối nhận quà đổi trao,
Vì ta quyến luyến biết bao,
Yêu nàng lòng chẳng muốn sao xa lìa.
Xa Ly Tâm Khánh vợ nhà (Clytemmestre),
Thì nàng chẳng kém mặn mà sắc hương.
Bây giờ trả phải bồi thường,
Lẽ nào chịu thiệt đêm không lạnh lùng.           130
Bồi thường tương xứng giai nhân,
Mình ta chịu thiệt, ta không thể nào!
An Sinh khuyên nhủ trước sau:
Đại Vương An Trích chớ nào xót xa!
Kho tàng mỹ nữ đã chia,
Chẳng còn chi nữa để mà thay chân,
Hứa rằng mai mốt chiến công,
Đền bù xứng đáng được phần nhiều hơn.
An Gia Vương đáp giận hờn:
An Sinh bày kế mưu toan dối lừa.           140
Trả nàng Sĩ Tuyết về nhà,
Cùng đàn súc vật cho cha tế thần.
Song ta, chịu thiệt rằng không !
Thì ta sẽ đoạt lấy phần của ngươi,
Phần nàng mỹ nữ đẹp tươi.
Hay của Uy Lĩnh (Ulysse), An Bắc (Ajax) mới thời chẳng thua !
Thế là nỗi trận bất hòa,
An Sinh tức giận, lời ra bừng bừng:
Hỡi người trân tráo tham lam,
Tướng,  quân còn có nhất tâm phục tòng.       150
Bao nhiêu vương, tướng tùy tùng,
Làm sao kính phục đem lòng thương yêu.
Quên mình giao chiến quân thù,
Đạn tên, cái chết thiên thu sẵn sàng.
Như ta tham chiến chẳng màng
Người Troa (Troie) chẳng ghét, chẳng mang hận gì.
Bò ngựa chẳng cướp mang đi,
Mùa màng chẳng phá, chẳng chi phiền lòng.
Hai bên cách núi ngàn trùng,
Cách bờ sóng vỗ mênh mông chân trời.           160
Chỉ vì ta kính nể người,
Xót Mai Ninh Lạc (Ménélas), đến nơi báo thù.
Đầu rơi máu chảy mặc dù,
Thế người chẳng lấy làm điều nghĩ suy.
Toan dùng quyền lực tước đi,
Đoạt phần kẻ dưới, còn gì sĩ liêm.
Hỡi người mặt chó vô lương,
Hỏi rằng chiến phẩm ai hơn bằng người ?
Người ngồi hậu cứ xa vời,
Còn ta sinh tử kề vai nhọc nhằn.                      170
Xông pha mũi giáo đường tên,
Từ nay ta sẽ chẳng nên vì người!
Về Phi Thy (Phthie) quê ta thôi,
Thuyền ta ngang dọc đất trời quê hương.
Chẳng thèm chiến đấu gian nan,
Chỉ vì mục đích giàu sang cho người.
An Gia Vương gay gắt lời:
Đi đi, ta chẳng cần người kiêu căng!
Vạn người dưới trướng phục tòng,
Ý  Thần Vương Dớt hộ ban đủ rồi.                    180
Người là vua đáng khinh thôi,
Chiến trường nào chỉ mình người đấu tranh.
Nếu người hùng mạnh, anh hùng,
Có thần phù hộ vẫy vùng bao la,
Về quê đi với mẹ cha,
Dù người giận chẳng làm ta sờn lòng!
Nếu vì kính Thần An Long,
Trả nàng Sĩ Tuyết là phần của ta,
Thì ta sẽ khiến người qua,
Bắt nàng Băng Tuyết (Breisès) thay ra, của người.  190
Phận thần dưới trướng: vua tôi,
Phục tùng là phận của người trung quân.
Mọi người lấy đó làm gương,
Tướng quân vâng lệnh chớ nên xem thường.
Xem vua vai vế ngang hàng,
Uy quyền, sức mạnh vua không ngang người.
An Sinh tức giận khôn nguôi,
Chẳng dằn cơn nóng toan thời rút gươm.
Quán Trí (Athéné) Thần nữ hiện bên,
Dằn tay, nắm tóc, nói riêng cùng chàng:         200
An Sinh bày tỏ phân trần:
Cớ chi Thần Nữ hiện trong lúc này,
Nghe lời ngạo ngược chẳng hay,
Chướng tai gai mắt phơi bày thế gian.
Quán Trí Tuệ khẽ xa gần:
Chớ nên nóng tính, hãy dằn giận thôi.
Hạ Cơ (Héra) Thần nữ truyền vời:
Xuống trần khuyên nhủ những lời thẳng ngay .
Hãy nguôi cơn giận hôm nay,
Chớ nên vì bất bình này rút gươm.                   210
Làm cho xâu xé anh em,
Hãy vì  đại cuộc, thiệt hơn xá gì!
An Sinh cúi mặt vâng lời:
Cầu xin Thần nữ xét soi tấm lòng,
Lời Thần răn dạy xin vâng,
Tôi người tuân lệnh các Thần trên cao.
Tra gươm dũng tướng vái chào,
Quán Trí Tuệ thoáng biến theo cánh hồng.
Về Thiên Sơn (Olympe) chốn Thiên Đình,
Bàn đào tiên hội, các Thần tiệc vui.                  220
An Sinh lòng vẫn chưa nguôi,
Quay sang An Trích tiếp lời hờn dai :
Đồ tham, mắt chó, tim nai,
Chiến trường, đột kích, ai người đấu tranh.
Còn người chết nhát hậu quân,
Đến chia lợi phẩm, lại dành phần hơn.
Làm Vua xương máu của dân,
Người là Vua những kẻ hèn ích chi!
Với ta lần cuối lời này,
Cầm cây ngôn trượng, ta nay thề là:                230
Cây này, lá chẳng mọc ra,
Lời ta vững chắc như là núi cao.
An Kinh (Achéens) hối hận ngày nào,
Dưới đòn kẻ địch Hắc Tô (Hector) trận tiền.
Ra vào chiến trận đảo điên,
Sĩ quân gục ngã chiến trường thảm thương.
Dù người có xé con tim,
Để mà hối hận ô danh tướng tài.
Để cho chiến trận thiệt thòi,
Lỗi lầm đốn nhục của ngươi hôm nay.                240
Nói rồi vất trượng trên tay.
Ninh Tô (Nector) Vương lão đến ngay khuyên rằng.
Cất lời mật ngọt dỗ dành,
Bao nhiêu kinh nghiệm quân trung luận bàn.
Đã ba thế hệ trị dân,
Phi Lô (Pylos) thành vững, muôn dân hùng cường:
Than ôi đau đớn nào hơn !
Người chung một giống An Kinh tranh phần.
Vua Bam (Priam) con cái cười thầm,
Dân Troa sung sướng, nức lòng nào hơn.              250
Hai người cao cấp Đa Niên (Daniens),
Giành nhau vì gái, thiệt hơn bất hòa.
Hai người trẻ tuổi hơn ta,
Lắng nghe ta ngỏ, điều là thiệt hơn :
Hai người trách nhiệm ba quân,
Giữa trong trận chiến ngày càng khó khăn.
Dù làm Vua lắm quyền hành,
Chẳng nên cướp đoạt tranh giành mỹ nhân.
Chỉ nên lấy đó làm phần,
Thưởng cho tướng lĩnh trung quân, hiền tài.  260
An Sinh phận tướng làm tôi,
Chớ nên ỷ sức tranh thôi, chẳng chừa.
Làm tôi dẫu phận thiệt thua,
Trượng vàng Thần Dớt, lệnh Vua tuân hành.
Dẫu người sức mạnh hùng anh,
Mẹ người Thần Nữ, ai tranh sức cùng.
Làm Vua trị nước an dân,
Nào đâu xe ngựa, thanh gươm chiến trường.
An Trích, phận ngôi cửu trùng,
Hãy nguôi cơn giận với cùng tướng quân.      270
An Sinh, thành lũy anh hùng,
Là người cột trụ cuộc chinh chiến này.
An Gia Vương phán quyết ngay:
Cám ơn Vương lão tỏ bày thiệt hơn,
Nhưng người này thói ngang tàng,
Muốn hơn tất cả chẳng màng quân giai.
Muốn hơn hết, chẳng vâng lời,
Cả Thần chẳng nể, chi người làm Vua.
An Sinh hờn dỗi chẳng vừa:
Ta người ương ngạnh, chẳng ưa lệnh gì.         280
Hãy sai khiến kẻ khác đi,
Còn ta mặc kệ, nói gì đến ta.
Một lời hãy nhớ lấy là :
Ta không vì một đàn bà đấu tranh,
Chẳng vì người, chẳng ai cùng,
Của người cứ lấy, ta không tranh giành.
Của ta mang đến quân thuyền,
Chớ nên đụng đến mà phiền ngọn lao.
Số phần sẽ đẩm máu đào.
Nói rồi bước thẳng đi mau xuống thuyền.       290
Hội Đồng giải tán, tan  hàng,
Trở về tuyến trận, bàng hoàng ba quân.
An Sinh về hậu cứ thuyền,
Cùng bạn Ban Tuất (Patrocle) và đoàn sĩ quan.
An Trích ra lệnh chọn thuyền,
Hai mươi chèo lái, vật mang tế thần.
Tận tay dắt bước xuống thuyền,
Đưa nàng Sĩ Tuyết má hồng về cha.
Uy Lĩnh  (Ulysse) điều khiển thuyền ra,
Hướng đền trực chỉ, thuyền qua biển ngàn.     300
An Gia ra lệnh tẩy trần,
Rắc vôi, dẹp rác, tế thần An Long.
Trên đồi cát trắng biển xanh,
Bò, cừu cúng tế, mùi hương ngát trời.
An Gia vương chẳng nguôi ngoai,
Sai Tân, Âu Bạc hai người vệ quan:
(Talthybios: Tân Thy Bộc) Eurybate: Âu Thy Bạc)
Hãy sang hậu cứ An Sinh,
Kiệu nàng Băng Tuyết (Briséis) má hồng về đây.
Nếu hắn chẳng chịu cho ngay,
Bảo  ta sẽ đến, sự này xem sao ?              310
Vệ quan lòng chẳng muốn nào,
Bước qua đồi cát đi vào hậu quân,
Nơi dinh thuyền Nguyệt My Đông (Myrmidons),
An Sinh thoáng thấy, đứng ngăn lối vào.
Hai người lặng lẽ nhìn nhau,
Lòng đầy sợ hãi, chẳng sao thốt lời.
An Sinh hiểu ý nhạt cười :
Chào quan thị vệ,  vua vời người sang.
Các người vâng lệnh Đại Vương,
Bắt nàng Băng Tuyết, lệnh truyền phải theo.   320
Ban Tuất ( Patrocle): Vào dẫn nàng nào,
Bảo nàng vâng lệnh, sang hầu nhà Vua.
Có Thần chứng kiến cho ta,
Nhà Vua chẳng biết đâu là sĩ  liêm.
Nhỏ nhoi, lòng dạ thấp hèn,
Đừng hòng có lúc đi tìm đến ta.
Dù bao tai họa xãy ra,
Đừng cầu ta đến, xông pha trận tiền.
Ban Tuất vâng lệnh bạn hiền,
Dẫn nàng Băng Tuyết má hồng trao sang.       330
Cho hai thị vệ kiệu nàng,
Bước đi lưu luyến, nhìn sang bồi hồi.
Kiệu vừa khuất bóng sau đồi,
An Sinh nước mắt bên trời luyến thương,
Ngồi bên đồi cát mơ màng,
Biển tung bọt trắng mênh mang chân trời.
Chắp tay cầu khẩn: Mẹ ơi !
Mẹ sinh con chốn trần đời bon chen;
Vinh danh mẹ cõi Thiên Cung,
Còn con nhục nhã, đau thương cõi này.           340
An Gia Vương ỷ quyền uy,
Làm con nhục nhã, giờ đây hận sầu.
Thê Túc, Thần nữ biển sâu,
Lắng nghe tiếng khóc khẩn cầu  của con.
Thương con. Thần nữ hiện bên,
Cầm tay xoa nỗi oán hờn thương đau,
Chạnh lòng, khẽ hỏi: Vì sao?
Con ơi sao khóc, sầu nào con mang?
Nói đi con, nỗi oán hờn,
Nỗi nào con muốn , mẹ con giải giùm?            350
An Sinh đau khổ, uất căm :
Mẹ ơi, con kể ngọn ngành nguồn cơn,
Thê Bê (Thébè) chiến trận căn nguyên,
Âu Thông (Eétion) chiến bại trận tiền bại vong.
An Kinh chiến thắng hào hùng,
Chiến công: mỹ nữ, bạc vàng phân chia.
Phần  vua An Gia Đại Vương.
Có nàng Sĩ Tuyết má hồng giai nhân.
Con gái tế tự An Long,
Sĩ Tiết lễ vật, khẩn lòng chuộc con.
Tỏ bày khăn trắng, trượng vàng.
Hội Đồng Tướng kính thần linh tha nàng.      360
Riêng vua An Trích tham lam,
Thốt lời giận đuổi cha nàng đớn đau,
Cụ già buồn tủi khẩn cầu,
An Long thần đã báo thù thảm thương.
Tên thần bắn xuống An Kinh,
Dịch thần gieo rắc chiến trường thê lương.
Hội đồng quân tướng luận bàn:
Mời tiên tri đến, tỏ tường ra sao?
Con đà khuyên nhủ trước sau,
Tạ thần giận dữ, hãy mau tha nàng.                 370
Ngờ đâu An Trích oán hờn,
Thả nàng Sĩ Tuyết, bắt đền phần con.
Mới vừa cho thị vệ sang,
Bắt nàng Băng Tuyết yêu thương mang về.
Mẹ ơi trả hận con nghe !
Chỉ mình mẹ, Dớt say mê lòng.
Vì lời mẹ nói dịu dàng,
Vì hành động mẹ đẹp lòng Thần Vương,
Con nghe từ chốn Thiên Sơn,
Vây quanh Thần Dớt xui nên tâu trình.            380
Hạ Cơ (Héra) và Hải Long Vương (Poséidon),
Quán Trí Thần nữ họp cùng An Kinh.
Hãy quỳ bên gối Thần Vương,
Cầu cho phần thắng Troa dân nghiêng về.
Trừng trị An Trích  u  mê,
Khinh thường xúc phạm nặng nề đến con.
Thê Túc đau xót lệ buồn :
Con ơi ta đã nuôi con trưởng thành,
Nào ngờ đau khổ phận dành,
Đời con ngắn ngủi chiến tranh hận thù.                    390
Hãy lau nước mắt thương đau,
Con ơi, vui vẻ, chớ sầu thở than.
Thương con mẹ sẽ lên đường,
Thiên Sơn cầu khẩn Thần Vương phục thù.
Mệnh con ngắn ngủi thương đau,
Binh đoàn hãy tụ bên nhau gần thuyền.
Chớ nên nổi giận bất bình,
Và con tuyệt đối hãy ngừng giao tranh.
Dớt còn kinh lý Đại Dương,
Chư hầu dự tiệc nơi miền Hắc Phi (Ethiopie).    400
Mười hai ngày nữa về đây,
Vì con mẹ sẽ đến ngay Thiên Đình.
Mẹ lên đến trước  cửa đồng,
Cúi đầu cầu khẩn tỏ lòng Thần Vương.
Rời con về biển mênh mông,
Thê Túc rẽ sóng, ngàn trùng nước mây.
An Sinh trống vắng sầu bi,
Nhớ nàng đai ngọc ra đi mà buồn.

Nói về Uy Lĩnh dong thuyền,
Đem Sĩ Tuyết đến trả nàng cho cha.                 410
Một trăm cừu tặng làm quà,
Tế An Long cứu độ qua dịch thần.
Thuyền vào bến nước đền trong,
Xếp buồm chèo giữa nắng hồng tà huy.
Bỏ neo trước bến đền mây,
Kiệu nàng Sĩ Tuyết trao tay cha nàng.
Chân thành tạ những lỗi lầm,
Trước đền hương khói cầu Thần chứng minh.
Sĩ Tiết, tế tự An Long,
Vui mừng con gái  đợi trông, tạ tình.                420
Được trăm cừu để tế thần,
Cầu Thần Cung Bạc nhủ lòng xót thương.
Ngừng cơn giận dữ bắn tên,
Cho An Kinh được thoát cơn hiểm nghèo.
Thần An Long đỉnh mây cao,
Nghe lời cầu khẩn thương đau cõi trần.
Chủ tế rắc lúa mạch xong,
Nắm đầu vật tế, cổ nâng lên bàn,
Đoản đao thọc huyết máu tuôn,
Lột da, đùi tế phủ lên mở chài.                          430
Đặt lên trên lớp thịt tươi,
Cụ già đốt củi lửa nơi bếp đình.
Tưới lên rượu cháy lửa xanh,
Các thầy tế trẻ cầm ghim năm chìa.
Trở cho đùi cháy trên nia,
Cầu Thần phụng hưởng đến tia lửa tàn.
Đến phần còn lại tim gan,
Xẻ ghim, nấu nương cỗ bàn tiệc vui.
Rượu ngon, nâng chén cùng mời,
Phúc Thần tế độ cho người thỏa thuê.              440
Sau khi rượu thịt no nê,
Cùng nhau múa hát, bài vè thần ban.
An Đông nguôi giận đổi lòng,
Chở che phù hộ, dịch thần tiêu tan.
Chung vui bên ngọn lửa tàn,
Uy Lĩnh từ giả lui quân về thuyền.
Ngủ vùi say giấc đêm đen,
Sương lam mờ mịt bên đền mênh mông.
Bình minh bừng ngón tay hồng,
Ra khơi thuyền lại về trong lũy đồn.                  450
Thần An Long thổi gió Nam,
Xuôi buồm căng gió con thuyền sóng đưa.
Xanh xanh trời nước gió đùa,
Trở về đồn lũy quanh Troa vây thành.
Thuyền đen đậu khuất ghềnh xanh,
Đẩy thuyền lên bãi, về dinh báo cùng.
Hội Đồng Tướng Lãnh vui mừng,
Yên lòng cơn dịch đã tàn, tóc tang.

Về phần quân tướng An Sinh,
Đóng yên bất động vẫn căm hận lòng.               460
An Sinh Phi Túc tướng quân,
Chẳng thèm đi đến Quân trung Hội đồng..
Chẳng còn chiến đấu chung cùng,
Ngồi buồn nhìn bóng chiều không, ra vào,
Lòng còn luyến tiếc gươm đao,
Lòng còn vang vọng tiếng gào ba quân.

Mười hai ngày tiệc đã xong,
Các thần trở lại Cung đình Thiên Sơn.
Thần Vương Dớt dẫn thần tiên,
Ngàn mây trắng mộng về miền Thiên Sơn.
Áo mây đỏ sắc hoàng hôn,
Thần Vương đi trước trên ngàn tượng mây.
Thiên Đình thoáng đã đến ngay,
Dớt lui về đỉnh non Tây một mình.

Thê Túc nhớ đến  lời con,
Thủy Cung vượt sóng đội sương Thiên Đình.
Thần tử Cồ  Nốt (Chronos) một mình.
Ngồi xa một đỉnh non thần hoang vu.
Bên Thần quỳ gối cúi đầu,
Tay xoa gối trái, tay râu vuốt càm.                       480
Dớt đà tê tái bàng hoàng,
Người yêu trong mộng, mơ màng Thiên Cung.
Dớt, Phụ Vương các Thần tiên,
Xin Ngài vì thiếp ban ơn phước này,
Con thiếp, mệnh ngắn ngủi thay !
Lại còn bị nhục hôm nay cõi đời,
An Gia Vương vua cõi người,
Ỷ danh hiếp đáp, đoạt đòi giai nhân.
Vốn là phần thưởng chiến công,
Làm cho con thiếp đau lòng héo hon.              490
Thương con khuya sớm tủi buồn,
Xót đau lòng mẹ ruột tằm chẳng yên.
Ngài ơi, thương thiếp hãy nên,
Làm cho thắng lợi Troa quân nghiêng phần.
Cho An Gia Vương phải chịu đền,
Bồi thường danh dự mới nên phục hồi.
Dớt im lặng chẳng trả lời,
Láo liên xem có ai nơi non thần,
Hạ Cơ, chằng nữ vợ hiền,
Tha hồ vụng trộm ai nâng râu cằm !                500
Lời nàng thỏ thẻ dịu dàng :
Hứa cho Thần thiếp chút ơn sủng này.
Xin Ngài hãy gật đầu ngay,
Hay là từ chối lắc lay râu càm.
Biết Ngài nể sợ ai hơn,
Mấy khi thiếp mới về bên Thiên Đình.
Thở ra Dớt  tỏ nỗi lòng :
Buồn thay nàng bắt ta thành trái ngang.
Giúp làm sao mụ vợ chằng,
Hạ Cơ lớn tiếng oang oang nhức đầu.             510
Trước chư thần có nể đâu,
Vào ra tranh cải ta nào vị thiên.
Bênh quân Troa, nàng ghét hờn,
Ôi thôi nàng hãy đi liền chớ nên.
Để Hạ Cơ thấy nổi ghen,
Phần ta hứa sẽ giúp nàng áp phe.
Cho yên công việc mọi bề,
Yên tâm nàng hãy trở về Thủy Cung.
Phần ta sẽ gật đầu xong,
Kẻo mà tai vách, mạch rừng thấy hay.              520
Nói rồi Thần Dớt chau mày,
Tóc tai dựng đứng khẽ lay, gật đầu.
Thiên Đình sấm động non cao,
Thê Túc từ giả, phóng mau biển ngàn.
Chư Thần vội vã đến nhanh,
Lấm la lấm lét xem Thần quở ai ?
Hạ Cơ cũng đến đánh hơi :
Mùi hương biển mặn, chao ôi nồng nàn. !
Nữ Thần tằng hắng hỏi rằng :
Thủy Cung mấy thuở có Thần đến chơi ?                  530
Biết rồi, Ông thích xa tôi,
Thích ngồi bí mật nghỉ ngơi một mình.
Thích ngồi thương nhớ tự tình,
Chẳng hay gỡ mối tơ lòng đã xong ?
Thần Vương lấm lét mới rằng :
Hạ Cơ chẳng thể tỏ tường ý ta,
Dù bà là vợ trong nhà,
Còn ta muôn kẻ vào ra tâu trình,
Việc ta giải quyết một mình,
Chẳng nên gặn hỏi sự tình mà chi.                   540
Hạ Cơ trợn mắt tức thì :
Láo chưa, Ông dám nói gì riêng chung?
Mấy khi tôi hỏi ự tình,
Để Ông yên lặng một mình mặc Ông.
Hôm nay tôi mới biết rằng,
Đĩ Thần Thê Túc, con ông Thủy Tề.
Đội sương vượt biển đi về,
Vuốt râu, cọ má, ngồi kề bên Ông.
Cẳng hay Ông hứa gì chăng ?
Gật đầu sấm chớp sáng trưng Thiên Đình.                550
Phải chăng phục hận An Sinh,
Làm cho quân lính An Kinh tơi bời.
Vội vàng Dớt thẹn đáp lời :
Quỷ chằng ! cứ tưởng rằng ai cũng mùi,
Ta đà dấu diếm chi ai,
Chẳng gì có thể làm tôi xa bà.
Chớ nên nổi giận gào la,
Chớ mất bình tỉnh lời ra hổn hào,
Hãy ngồi im lặng xem sao,
Nghe lời ta chớ ồn ào nói năng.                                 560
Rằng đây là chốn Thiên Đình,
Các Thần soi mói, Thần trông, Thần dòm.
Hãy vì ta phải nể nang,
Không thì ta vả bể mồm thị uy.
Hạ Cơ nguôi giận tức thì,
Bên chồng ngồi xuống máu sôi nguội dần.
Trong Cung Điện tiếng thì thầm,
Các Thần nheo mắt luận bàn riêng chung.
Rồi cười khúc khích mông lung,
Hỏa Thái Sơn (Héphaïstos) tỏ với cùng Mẹ, Cha:  570
Chớ nên cải lộn trong nhà,
Các Thần tám cõi dòm ra, nói vào.
Tiệc Thiên Đình chớ ồn ào,
Các Thần đến dự lòng nào được vui!
Mẹ nên giữ tiếng giữ lời,
Nói lời êm ái, cha thôi phiền lòng.
Cha, Thần mạnh nhất các Thần,
Một lời  mẹ nhịn, Thiên Đình được vui.
Nói rồi Hoả Thái nâng ly,
Chiếc cúp vàng chạm hai quai, rượu hồng.              580
Tay trao cho mẹ thì thầm:
Mẹ ơi, nguôi giận, trong lòng chớ lo,
Mẹ ơi, chớ có tiếng to,
Con luôn bênh vực giúp cho mẹ hiền,
Con từng vì mẹ bị đòn,
Chẳng ai chống cự phụ thân được mà.
Một lần giúp mẹ ngày xưa,
Nắm chân, cha ném con qua cõi trần.
Rơi cả ngày đến chiều hồng,
Thổi núi lửa Lâm Nốt (Lemnos),
                    thợ rèn Sinh Tiên (sintiens)       590
Đời như hơi thở nhẹ nhàng,
Thiên Đình bất tử, cõi trần phù dung .
Hạ Cơ nghe nói cười dòn,
Đón cầm chiếc cúp tay con vui cùng.
Nước cam lồ ngọt mật ngon ,
Thần Hoả Thái khẽ nỉ non rót mời.
Lê chân cà thọt khắp nơi,
Làm thần tiên cũng cười vui rộn ràng.
Thần An Long dạo cung đàn,
Các nàng Muy (Muses) hát lời vang êm đềm.       600
Cung đàn tuyệt diệu êm êm,
Lời thơ nào ngọt môi mềm tiếng ca.
Cười vui cho đến chiều tà,
Ai về cung nấy, thướt tha mây hồng.
Cung Dớt lộng lẫy vô cùng
Do Thần Hoả Thái tay thần dựng xây.
Gối giường đã sẵn an bày,
Thần Vương vào giấc ngủ say mơ màng,
Hạ Cơ mới đến nằm bên,
Cõi Thần dị mộng, đồng sàn ai hay!                          610

Chú thích:
Héra (Hạ Cơ) vợ Thần Vương Zeus, Zeus sợ vợ, nhưng thích vụng trộm nhất là với Thétis mẹ Achille.
Thiên trượng: Hy Lạp ngày xưa để nói giữa đám đông, họ đặt ra cây  thiên trượng, thiên trượng trao ai người ấy mới nói, để tránh mọi người nói cùng một lượt không ai nghe ai.
Eétion (Âu Thông) là cha Andromaque(An Độ Mai) tức cha vợ tướng  Hector, con cả vua Priam..
Zeus: là con thần Chronos. Zeus đã từng tranh nhau Thétis với Posséidon, nhưng vì tiên tri báo điều tai họa nên phải gả Thétis cho  vua Pélée, sinh ra Achille. Achiulle có đôi chân chạy nhân nên cn gọi là Phi Túc. Lemnos : Lâm Nốt, Lâm Môn vùng Mosychlos, núi lửa là lò rèn của Thần Hoả Thái, tương truyền nơi đó Prométhé đánh cắp lửa.
Achille (An Sinh) Con nữ Thần biển Thétis(Thê Túc) và vua Pélée vùng Thessalie, dân cư gọi là Myrmidon.(Nguyệt My Đông)
Atride Aggamemnon (An Trích An Gia Đại Vương) Vua Mycènes: Tổng chỉ huy Liên quân Hy Lạp.
Apollon: con thần Zeus và nàng Latone.
Nestor (Ninh Tô) vua Pylos. Vị vua cao tuổi nhất trong các thủ lĩnh Hy Lạp.
Hết Chương I
*
Paris, ngày 01.05.2016
PHẠM TRỌNG CHÁNH
Tiến sĩ Khoa Học Giáo Dục
Địa chỉ:, Viện Đại Học Paris V.
Email: phamtrongchanh@free.fr
.







…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 21.06.2017
 - Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

0 comments:

Đăng nhận xét