TẢN MẠN VỀ THƠ 3 CÂU - Tác giả: Đỗ Ngọc Thống (Thanh Hóa)

Leave a Comment
(Nhà thơ Mai Văn Phấn - Nguồn ảnh: internet)
TẢN MẠN VỀ THƠ 3 CÂU
(Trường hợp Mai Văn Phấn)
*
1. Muốn biện luận hay nói thế nào đi nữa thì cũng không thể chối bỏ được một sự thật: thơ 3 câu hiện đại ngày nay là phỏng theo dạng thức của thơ Haiku, một thể loại đặc sắc của thơ ca Nhật Bản có từ xa xưa, nổi tiếng với những đỉnh cao như Matsuo Basho (1644-1694), Yosa Buson (1716-1784), Kobayashi Issa (1763-1827), Masaoka Shiki(1867-1902)…
Nói thế vì hiện nay rất nhiều người làm loại thơ này và gọi là thơ 3 câu, mà không gọi là Haiku. Cũng giống như đời sau rất nhiều người làm thơ theo thể Đường luật nhưng không gọi là thơ Đường. Chỉ khác là thơ 3 câu hiện đại không cần tuân thủ chặt chẽ luật của Haiku (1).
Thơ Haiku của Nhật Bản nổi tiếng từ lâu. Với Việt Nam trước năm 2000, Haiku quen thuộc chủ yếu với giới học giả, đặc biệt là những người giảng dạy và nghiên cứu văn học Nhật bản, văn hóa phương Đông ở các trường đại học. Haiku thực sự được biết đến nhiều và trở thành một thể thơ quen thuộc, khá phổ biến, nhiều người làm theo, tôi nghĩ chỉ sau khi nó được xuất hiện trong chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn năm 2000. Điều này hoàn toàn có thể kiểm chứng được: trước năm 2000 loại thơ 3 câu này rất ít thấy trong các sáng tác của thơ ca Việt đương đại.
(Tác giả Đỗ Ngọc Thống)
Vào chương trình (CT) và sách giáo khoa (SGK) phổ thông, dù muốn hay không, thơ Haiku được quan tâm nghiên cứu và đặc biệt được nhân rộng lên rất nhiều. Thử hỏi những bài thơ tuyệt vời của Basho và Buson nếu không vào CT và SGK trong nhà trường phổ thông thì liệu thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay mấy người biết đến? Trái lại, một khi đã vào thì cho dù có nhiều học sinh không hoặc chưa say mê, không hoặc chưa chú ý, thì con số người biết đến thơ Haiku cũng sẽ lên hàng triệu, hàng chục triệu trong suốt hơn một thập kỷ qua (2). Không có hình thức pi-a (PR) nào nhanh và hiệu quả hơn đối với một tác phẩm văn học bằng việc đưa nó vào CT và SGK của nhà trường phổ thông. Ở đó người ta phải hướng dẫn dạy thơ Haiku, giáo viên phải giảng cho HS về nó và dạy cách đọc hiểu những bài thơ này trong những giờ học chính khóa; kéo theo đó là biết bao nhiêu bài viết, tài liệu, giáo án, sách tham khảo về thơ Haiku… cứ thế nối đuôi nhau ra đời, cả dạng in lẫn trên mạng và nhất là trên mạng. Cứ thử vào Googe gõ từ khóa Haiku mà xem.
Hệ quả là, không chỉ có trong nhà trường, thơ Haiku đánh động đến cả giới sáng tác…Và rất nhiều bài thơ, tập thơ kiểu Haiku đã ra đời (3), đã đi vào đời sống văn hóa, văn nghệ Việt Nam trong những năm gần đây. Các sáng tác thơ 3 câu ấy đã làm phong phú thêm đời sống nghệ thuật và thế giới tâm hồn người Việt. Nhưng cũng tạo ra không ít hệ lụy. Có gì đó khá mù mờ, mong manh giữa thơ và giả thơ, giữa siêu thơ và phản thơ, giữa như là Haiku thứ thiệt và giông giống như Haiku… mà đôi khi người làm ra cũng như người thưởng thức nó khó nhận ra. Điều này cũng giống như trước những bức tranh trừu tượng của hội họa lập thể - tượng trưng, mới xem hình như ai cũng nghĩ vẽ như thế thì ai mà chẳng vẽ được, trừ khi nhìn bên dưới thấy đề: tranh của Pablo Ruiz Picasso (1881-1973).
Thơ 3 câu thì vẫn là thơ, đó là chưa nói tới yêu cầu ngặt nghèo về sự cô đọng, hàm súc. Vì thế làm thơ 3 câu hay thưởng thức nó cũng phải tuân thủ các quy luật của sáng tạo và tiếp nhận nghệ thuật. Xét trên bình diện sáng tạo, bài thơ hay là kết quả của một quá trình không định trước, đôi khi tình cờ, ngẫu nhiên mà lại rất tất yếu. Cái ngẫu nhiên, tình cờ là cái cớ, là giây lát (moment) bừng tỉnh xúc cảm; là phút giây “thần hứng”, đột hiện, khơi mở những gì đã ấp ủ, thai nghén, đã chín nẫu, đầy ắp trong tim nhà thơ từ rất lâu rồi. Thế giới Kinh Bắc đã thấm sâu vào Hoàng Cầm từ thở ấu thơ, quê hương, xóm làng bên kia sông Đuống với ông có gì xa lạ nữa đâu, nó quen thuộc, thân thương và in đậm trong tâm trí nhà thơ từ rất lâu rồi… Thế nhưng bài thơ Bên kia sông Đuống chỉ ra đời vào giây lát khi Hoàng Cầm nghe tin làng ông đã bị giặc đốt .
Như thế “khi trong tim ta cuộc sống đã tràn đầy”mới chỉ là điều kiện cần, phải có một cái cớ ngẫu nhiên, tình cờ nào đấy thì thơ mới bật ra, ấy là điều kiện đủ. Có rất nhiều thi liệu, thi ảnh; nhiều ý tứ, suy tưởng, nung nấu chất đầy mãi trong lòng mà mãi vẫn không thành thơ; thậm chí vĩnh viễn không thành, không cất cánh lên nổi vì thiếu một phút giây bùng nổ của xúc cảm ngẫu nhiên. Có ý tứ và cảm xúc (nội dung) rồi thì câu chữ (hình thức) chỉ còn là chuyện kĩ thuật. Cảm xúc và ý tứ sẽ thôi thúc gọi câu chữ ra thôi. Đúng như trường hợp Hoàng Cầm đã kể khi viết Bên kia sông Đuống: “Tôi còn nhớ rất rõ trạng thái xúc cảm của tôi khi viết bài thơ này. Dường như tôi viết không kịp. Phải cố gắng lắm tôi mới theo đuổi được những câu thơ, ý thơ dồn dập, trào lên ngọn bút. Chưa bao giờ tôi thấy quê hương lại cụ thể, máu thịt xót xa dường ấy. Toàn thân tôi run lên. Những hình ảnh, âm thanh màu sắc dệt nên quê hương thân yêu giờ như chìm trong lửa cháy, nước mắt và trong “máu loang chiều mùa đông”. Sau mỗi câu viết ra, tôi cảm thấy ớn lạnh cả xương sống. Dường như chúng từ đó mà ra. (4)”
Hơi dài dòng, chỉ để nói một điều: có được thơ hay rất khó, không thể dựa vào ý chí hoặc sự cần cù mà có. Thơ phải là kết quả tất yếu từ sự thôi thúc của con tim, không viết ra không được. Thơ 3 câu, thơ Haiku hay thơ nào cũng thế thôi. Vì thế trước khi viết “hãy tự hỏi mình vào giờ khắc tĩnh mịch nhất trong đêm: ta có phải viết không?” và “hãy tự thú xem nếu không viết liệu mình có chết nổi không?” như Rainer Maria Rilke đã từng khuyên trong Thư gửi một nhà thơ trẻ(5). Đó là chưa nói, thơ hay nhiều khi là trời ban, trời tặng, trời cho. Như thế thì làm gì có nhiều thơ, nhất là thơ hay.
Do yêu cầu cô đọng, hàm súc, thơ Haiku chỉ gợi là chính, gợi cả ý lẫn tình. Bề nổi là ý, sâu thẳm bên trong là tình. Thơ 3 câu cũng vậy. Và vì thế tưởng dễ mà rất khó. Bỗng nhớ Giả Đảo, một nhà thơ Đường, từng than “Lưỡng cú tam niên đắc / Nhất ngâm song lệ lưu” (Ba năm chỉ làm được hai câu/ Ngâm lên hai hàng lệ chảy). Khó thế sao thơ bây giờ nhiều thế. Ai cũng làm thơ được cả; nhiều người làm thơ như không, cứ như buột miệng thành thơ. Đọc xong một số bài thơ 3 câu, tôi cũng ngộ nhận chính mình, hình như mình cũng làm được loại thơ này thì phải. Có gì đâu, chỉ cần viết:
Trăng sáng
Nhớ Lý Bạch
Không ngủ
Thế là thành bài 3 câu. Và bảo đảm bài thơ bất dắc dĩ này của tôi hay hơn khá nhiều bài thơ 3 câu mà tôi đã từng đọc được. Bài 3 câu của tôi cũng có ý, có tứ, gợi điển về bàiTĩnh dạ tư của Lý Bạch; cũng lấp lửng tạo khoảng trống trong tiếp nhận: ai không ngủ? người viết hay Lý Bạch? không ngủ hay không ngủ được? không ngủ vì trăng sáng hay không ngủ vì nhớ Lý tiên sinh? Cũng gợi ra một cảnh huống thi vị: trăng sáng, thao thức, băn khoăn, nặng tình, không ngủ… Ít nhất là thế, không như một số bài thơ 3 câu đã in trên sách báo. Đọc những bài ấy, tôi thực sự hoang mang không biết người viết định nói gì.
2. Xét một cách hình thức về số lượng thì thơ 3 câu chưa phải thơ ngắn nhất, vì rất nhiều bài ca dao chỉ có 2 câu. Nhưng ngay khái niệm câu cũng cần phải bàn: thế nào là 1 câu thơ? Câu thơ và câu trong ngữ pháp có gì khác nhau? Theo thói quen 1 câu thơ thường tương ứng với một dòng. Còn câu ngữ pháp thì thông thường tiêu chí lại là sự đầy đủ chủ vị và hàm chứa một thông báo có nghĩa. Từ góc nhìn này, có thể thấy trong nhiều trường hợp câu thơ không trùng với câu ngữ pháp. Có khi một câu thơ gồm hai câu ngữ pháp: "Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi " (Chế Lan Viên);  có khi một câu thơ chứa ba câu ngữ pháp: "Bác về... Im lặng... Con chim hót ."(Tố Hữu). Nhưng có khi hai câu thơ mới được một câu ngữ pháp:
"Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh
Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây " (Nguyễn Đình Thi)
Lại có khi cả một khổ thơ cũng chỉ là một câu ngữ pháp:
"Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm cù bất, cù bơ " (Tố Hữu )
Tất nhiên cũng có nhiều câu thơ trùng với câu ngữ pháp như "Tiếng suối trong như tiếng hát xa” (Hồ Chí Minh )
Tóm lại, gọi là thơ 3 câu thực ra là bài thơ được viết thành 3 dòng. Thơ Haiku của Nhật bản là thể thơ tiêu biểu nhất của dạng thơ 3 câu này. Đây là một bài thơ nổi tiếng của Basho (1644-1694):
Trên cành khô
Quạ ô đậu
Chiều thu
Bài Haiku không tên vừa nêu trên của Basho để lại một khoảng trống mênh mông cho độc giả tự hiểu, tự tìm ra ý nghĩa, thông điệp từ bài thơ, tự mình cảm nhận và nếu muốn người đọc tự đặt lấy tên. Nói thế không có nghĩa là muốn hiểu tùy tiện thế nào cũng được. Như đã nêu, thưởng thức thơ cũng phải tuân thủ quy luật tiếp nhận nghệ thuật, trước hết là văn bản. Bài thơ của Basho không tả chi tiết, chỉ vài nét chấm phá, thế là thành bức thủy mặc, độc đáo và sâu đậm cảm xúc. Một con quạ đen nhỏ bé, cô đơn đậu trên một cành khô tàn tạ, héo hắt trong một buổi chiều thu lạnh… tất cả gợi lên sự hoang vắng, cô tịch, cô liêu. Cảnh vật và tâm trạng được đặt trong cái lặng lẽ, mênh mông, vô tận của đất trời; trong không gian u huyền, trầm mặc của chốn hư vô… Đọc lên thấy lạnh. Dường như vang vọng trong ba câu thơ ấy là tiếng lòng của Basho: Chao ôi, sao mà u buồn và cô tịch đến vậy.
Kiệm âm, kiệm từ, kiệm chữ để dồn nén ý tứ và cảm xúc là một đặc điểm của thơ Haiku. Có lẽ do yêu cầu cô đọng, hàm súc tối đa này mà thơ Haiku không có tiêu đề (tên bài). Thêm tên bài nữa thì đã thành thơ 4 câu.
Một số nhà thơ Việt Nam hiện đại làm theo kiểu thơ 3 câu, nhưng lại có tiêu đề cho mỗi bài. Tôi đọc bài 3 câu của Mai Văn Phấn, thấy hay nhưng cứ nghĩ tại sao phải đặt thêm cái tiêu đề Hoa mận trắng.
Trời tối
Ghé sát hoa
Đọc nốt trang sách
Cái ý tứ bao trùm lên bài thơ 3 câu này chính là sự bất ngờ, ngỡ ngàng của người viết và người đọc trước màu trắng của hoa. Hoa trắng rạng ngời đến mức có thể thay đèn đọc sách. Nó cũng gợi lên khung cảnh thật trữ tình ngồi đọc sách bên hoa và sự mải mốt, say mê quên cả thời gian của người đọc sách…
Như đã nói, nếu không có tiêu đề Hoa mận trắng thì ý nghĩa của bài thơ cũng chẳng ảnh hưởng gì, thậm chí khái quát hơn (không chỉ là hoa mận mà là hoa nói chung), cô đúc và gợi mở hơn (giấu tính từ trắng đi buộc người đọc phải liên tưởng, suy nghĩ)…và đúng là hình thức bài thơ chỉ có 3 câu. Thêm tiêu đề thành bài thơ 4 câu. Cũng Mai Văn Phấn, ở tập thả (6), có bài tiêu đề đã lên tới 8 chữ, bài Nhìn người đàn bà mang thai đi qua. Trong khi 3 câu kia của bài thơ cũng chỉ có 11 chữ:
Vội tìm chiếc cọc
Đỡ buồng chuối chín cây
Trĩu nặng
Đến bài này thì lại thấy không thể bỏ được tiêu đề. Nếu bỏ tiêu đề bài thơ này không có ý nghĩa gì sâu sắc, đúng hơn không phải là thơ nữa. Rõ ràng là cả ba câu trong bài chỉ có nghĩa lý và trở thành thơ khi có tiêu đề. Tiêu đề ấy khiến hình ảnh người đàn bà mang thai với các chi tiết tưởng như không liên quan gì là việc vội đi tìm chiếc cọc, buồng chuối chín cây, … bỗng trở nên gắn bó và có ý nghĩa nhờ sự gợi mở, liên tưởng. Từ lâu dân gian đã có câu “mẹ già như chuối chín cây” để chỉ danh giới sự sống và cái chết rất mong manh khi tuổi mẹ đã cao. Mai Văn Phấn vừa tiếp nối mã truyền thống này, vừa bổ sung những sáng tạo mới. Ở đây không phải là mẹ già mà là “người đàn bà mang thai”, không chỉ là quả chuối mà là “buồng chuối chín cây”. Cách nhìn ấy đã tạo được ấn tượng, gợi lên được sự trĩu nặng, vất vả, khó nhọc của người mẹ mang thai; vẽ nên một tình thế chênh vênh, nguy hiểm, bất an rất cần quan tâm, trợ giúp, chở che… Hai chữ “trĩu nặng” cuối bài chấp chới giữa 2 nghĩa: buồng chuối trĩu nặng hay tấm lòng, tâm trạng nhà thơ lo âu nặng trĩu khi nhìn người phụ nữ mang thai? Và hành động “vội tìm chiếc cọc” đã nói lên tất cả thái độ, tình cảm ấy của chủ thể trữ tình. Theo tinh thần kiệm lời, tôi nghĩ tiêu đề bài thơ thừa 2 chữ đi qua, chỉ cần Nhìn người đàn bà mang thailà đủ.
Xét từ góc độ vừa nêu, thơ 3 câu của Mai Văn Phấn chia làm 2 loại. Một loại không cần tiêu đề, chẳng hạn bài Hoa mận trắng đã nói ở trên, hoặc bài  Thay mùa sau đây:
Sét đánh
Đúng chỗ con cò trắng
Vừa bay
Thông điệp, ý nghĩa của 3 câu trong bài thơ rất độc lập, không cần dựa vào tiêu đề Thay mùa. Khi đã có tiêu đề buộc người đọc phải nghĩ, phải tìm ra mối liên hệ giữa tiêu đề này với 3 câu trong bài là gì. Thay mùa có phải để chỉ mùa này thay cho mùa khác, như là chuyển mùa (Xuân sang Hạ hoặc Hạ sang Thu chẳng hạn). Nếu thế thì điều này có liên quan gì với nghĩa của 3 câu trong bài? Riêng tôi nghĩ mãi không thấy. Chỉ thấy lúng túng. Bỏ tiêu đề đi, chỉ đọc 3 câu thấy dễ tiếp nhận hơn; thấy Haiku hơn; gợi mở nhiều hơn về số phận, sự may mắn, điều kỳ diệu của thiên nhiên vạn vật và ẩn kín phía sau lời kể có vẻ vô tư, khách quan ấy là một tâm trạng phấp phỏng, giật mình của người viết; là nỗi thảng thốt của nhà thơ trước cái đẹp trắng trong vừa thoát khỏi tai ương trong gang tấc; là mối lo âu cho số phận những sinh linh bé nhỏ, mong manh trước cái dữ dội, khủng khiếp của lôi đình...
Loại thứ hai, cũng trong tập thả của Mai Văn Phấn, rất nhiều bài lại cần phải có tiêu đề. Không có tiêu đề bài thơ không đứng được, không thành thơ. Tất cả những bài thơ loại này đều có chung một điểm: tiêu đề trở thành câu mở đầu cho bài thơ 4 câu. Chẳng hạn bài Sáng mồng một:
Nhặt được chiếc tất trẻ con
Mềm
Như trái chín
Cũng như bài Nhìn người đàn bà mang thai đi qua đã nói ở trên, bài này nếu không có tiêu đề thì các câu sau mất đi nhiều ý nghĩa. Ba câu trong bài chỉ là một so sánh ví von bình thường; nội dung, ý nghĩa cũng không có gì đặc sắc, chẳng có gì phải nghĩ, phải suy tưởng… Nhưng gắn với sáng mồng một, một thời điểm đầy ý nghĩa, mở đầu cho một năm mới, trang trọng, thiêng liêng… lập tức câu chuyện nhặt được chiếc tất trẻ conở dưới bỗng trở nên khác lạ, dẫn dụ, gợi mở, buộc người ta phải liên tưởng, nghĩ suy hơn rất nhiều. Và khi giải mã, khi đọc, tiêu đề ấy phải trở thành câu thơ mở đầu của bài 4 câu (không tiêu đề), liên kết chặt chẽ, đọc phải liền một mạch với 3 câu trong bài:
Sáng mồng một
Nhặt được chiếc tất trẻ con
Mềm
Như trái chín
Có điều, đó là chỉ xét riêng về hình thức; vấn đề đáng quan tâm hơn không phải là có hay không có tiêu đề mà quan trọng là có đúng thơ không và hơn thế có đúng là thơ hay hay không.
3. Đọc tập thơ 3 câu mang tên thả, tôi thấy trân trọng những nghĩ suy và nỗ lực đổi mới, sáng tạo của Mai Văn Phấn. Nhưng cũng lo lắng cho anh. Lo vì sự quá đam mê, vồ vập. Trước một hình thức mới, có vẻ hấp dẫn, hợp với tạng mình, dường như cứ như buột miệng là thành thơ, nhìn đâu cũng ra thơ, cũng thấy đề tài, cũng muốn viết… dễ khiến người trong cuộc cảm thấy sức sáng tạo như là vô tận(7). Trong khi sự thực không phải thế. Sự hữu hạn với con người là có thật. Với người viết từ đề tài, cảm xúc, sự suy tưởng, triết lý nhân sinh, đến hình thức biểu hiện, cách thức phô diễn, vốn liếng ngôn từ, chữ nghĩa, hình ảnh… là không nhiều, không vô tận như ta tưởng. Bậc thầy ngôn từ như Nguyễn Tuân mà lắm lúc còn thấy bất lực vì không đủ chữ nghĩa. Và do vậy rất dễ cùn mòn, lặp lại. Lặp lại người, lặp lại chính mình mà mình không biết. Mai Văn Phấn cũng không phải là trường hợp ngoại lệ, cho dù anh là một trong những nhà thơ có nội lực, có tiềm lực và luôn có ý thức sáng tạo, làm mới mình.
Nhưng làm thế nào mà tránh được trùng lặp, làm thế nào mà luôn tươi mới được khi chỉ với đề tài Mưa trong tập thơ thả đã có tới 54 bài với hầu hết các tiêu đề đều có từ mưa: Mưa xuân tới, Mải nhìn mưa phùn, Mưa lác đác, Mưa, Nhờ trận mưa, Mưa lất phất, Mưa dầm, Mưa đầu mùa, Mưa xuân, Đêm mưa, Tạnh mưa, Gặp mưa, Trời đổ mưa, Sắp mưa, Trời mưa, Hạt mưa đầu tiên, Mưa mù mịt, Mưa to, Trong cơn mưa, Bữa tiệc mưa, Cây sau mưa, Mưa tạnh dần, Không mưa, Cùng trong tiếng mưa, Ngắm mưa, Mưa rào, Mặt trăng sau mưa, Mưa nặng hạt, Trời đang mưa, Mong mưa, Con Diệc trong mưa, Mưa vẫn rơi, Hạt mưa thu, Ngớt mưa, Lần đầu gặp mưa, Viếng mộ cha gặp mưa, Nửa đêm mưa tạnh, Ngày mưa vào lễ Phật, Đi trong mưa, Mơ trời mưa, Mưa ban mai, Mưa đổ, Câu cá trong mưa, Mưa biển, Sau cơn mưa,… Trộm nghĩ, dù có nhìn mưa từ mọi khía cạnh, từ nhiều góc độ và thời điểm đi nữa cũng khó mà tránh được cảm xúc đụng nhau, ý tứ lặp lại.
Trước hết là lặp người. Chẳng hạn ở bài Mưa rào trên phố, anh viết:
Người đi
Thì thầm
Dưới mỗi tán ô
Đọc bài thơ này người ta không thể không nghĩ tới bài thơ Haiku sau đây của Buson:
Mưa xuân lất phất rơi
vừa đi vừa trò chuyện
ô và áo tơi (8).  
Rồi lại đọc bài Mưa lất phất của anh
Cụ già
Che ô
Chậm chạp qua sân
Chưa nói về ý tưởng và cảm xúc, chỉ riêng hình ảnh, hình tượng người ta đã thấy dấu hiệu lặp: mưa, ô, đi lại, nói chuyện, thì thầm. Hoặc ý tưởng mưa mát lành mang đến, chia đều cho tất cả vạn vật, con người, như lộc trời chia đều cho tất cả thế gian, không phân biệt sang hèn… cũng lặp lại, lặp lại chính mình; cụ thể ở bài Mưa, anh viết:
Chia đều từng hạt
Con ngựa
Và tôi
Đến bài Mưa to tứ thơ cũng thế:
Chia đều mát mẻ
Cho mặt hồ
Đám cháy rừng
Không chỉ ở những bài thơ mưa mà ngay ở những đề tài khác, hiện tượng lặp lại ý tứ, suy tưởng cũng khó tránh. Xin nêu một ví dụ bài Con chim dẽ giun
Vừa bay khỏi
Cơn mưa ập đến
Tắm mát nơi nó đậu
Tôi cứ băn khoăn, tứ của bài thơ này có gì khác với bài Thay mùa đã nói ở trên?
Sét đánh
Đúng chỗ con cò trắng
Vừa bay
Rõ ràng câu chữ có khác, nhưng cấu tứ thì đã lặp lại rồi.
*
Viết đến đây, xuất hiện trong tôi một ý nghĩ muốn nói với Mai Văn Phấn: chỉ chọn từ thả(1017 bài) lấy 100 bài thôi. Trong 100 bài ấy, nếu 50 năm sau người ta vẫn nhắc tới dăm ba bài thế là Mai Văn Phấn đã hạnh phúc lắm rồi. 100 năm sau, nếu người ta vẫn còn nhắc vài ba bài trong số đó thì đích thực Mai Văn Phấn là một nhà thơ lớn.
__________
(1) Cả bài chỉ có 17 âm tiết, cấu trúc (5-7-5), tiếng Nhật là tiếng đa âm nên cả bài rất ít từ.
(2) Thơ Haiku được đưa vào CT Ngữ văn THPT từ năm 2000, số lượng HS cấp THPT mỗi năm khoảng 3 triệu.
(3) Có thể kể thơ 3 câu của Mai Văn Phấn, Nguyễn Anh Nông, Lưu Đức Trung, Nguyễn Công Bình, …
(4) Chuyện về Lá diêu bông và bài thơ Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm kể, Lưu Khánh Thơ ghi, Tạp chí Văn học số 3, 1991.
(5) Theo Phạm Thị Hoài, tienve.org.
(6) Nhà xất bản Hội nhà văn, 2015.
(7) Trước tập thả , Mai Văn Phấn còn có tập thơ 3 câu hoa giấu mặt.
(8) Đoàn Lê Giang dịch.
*
Hà Nội, một ngày lạnh cuối năm Ất Mùi.
ĐỖ NGỌC THỐNG
Địa chỉ: Vụ Giáo dục Trung học
Bộ Giáo dục và Đào tạo
Số 35 Đại Cồ Việt - Hà Nội
.









…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ email quanboyman1992@yahoo.com.vn gửi ngày 21.11.2016.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang blog Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

.

0 comments:

Đăng nhận xét