CỤ NHỊ - Tác giả: Dương Quốc Việt (Hà Nội)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: internet)
CỤ NHỊ
*
Tưởng nhớ một người thầy quê xứ Nghệ của tôi!

(Tác giả Dương Quốc Việt)
Hồi học lớp 5 lớp 6 (1965-1967), chúng tôi may mắn được học một thầy dạy toán, thời Pháp thầy dạy trường Bưởi, tuổi thầy lúc đó tôi ước chừng khoảng 53, 54. Ngay sau hai khóa học đó thầy chuyển đi và tôi không bao giờ được gặp lại thầy nữa. Kể từ ngày đó khi nói đến thầy, chúng tôi thường gọi thầy là Cụ Nhị. Trong mắt tôi ngay từ khi đó, Cụ như một người ông, một biểu tượng cao nhất, một vẻ đẹp của một đấng trí tuệ cao cả, văn hóa, văn minh. Cụ rất gần gũi với chúng tôi, những chia sẻ chân thành về những trải nghiệm thực tế của cụ đã giúp chúng tôi thu được nhiều bài học, và nó càng có ý nghĩa hơn khi chúng tôi khôn lớn.  
Có lần thầy kể: ngày xưa lúc học lớp 4, tôi bị ông  Nguyễn Xiển (*) tát cho hai nhát và mắng “mày ngu như bò”, tôi nhục quá và cả kỳ hè năm đó tôi không dám đi chơi, ở nhà tự ôn lại bài, nhờ thế mà sau này tôi chuyên tâm vào học hơn. Với chất giọng xứ Nghệ truyền cảm, nhưng quan trọng hơn tất cả là cảm xúc trong mỗi bài giảng, cũng như những lời lẽ phát ra truyền tải những thông điệp xót xa từ Cụ, mỗi khi chúng tôi làm Cụ không hài lòng. Rồi một dịp gần tết nguyên đán năm 1966, lũ chúng tôi thường rủ nhau đánh tam cúc dưới hầm trú ẩn, cho kín đáo. Thế rồi một lần Cụ xuất hiện bên cửa hầm nhìn chúng tôi không nói một lời, lặng lẽ bỏ đi. Mặc dù Cụ không một lần nhắc lại, nhưng lũ chúng tôi cũng từ đó cạch không dám rủ nhau chơi tam cúc nữa.
Những giờ luyện tập giải toán ngày học Cụ mới thú vị làm sao. Sau này nhớ lại, tôi mới nhận ra, Cụ không bao giờ chê một lời giải nào, dù có dài đến mấy, miễn là nó được tiếp cận theo một cách độc lập khác. Cụ vô cùng chú ý đến việc trình bày, hay sử dụng các ngôn từ diễn đạt của chúng tôi. Cụ bảo cũng như có đầy đủ nguyên vật liệu, mà không thể tạo ra một món ăn ngon, hay một anh chàng tình cảm ăm ắp mà chẳng thể hiện ra được, thì có hay ho gì, như ý muốn nhấn mạnh cho chúng tôi về vai trò quan trọng trong trình bày một vấn đề.
Thuở ấy lũ chúng tôi tuy tất cả đều là người cùng một quê, một xã, thậm chí còn họ hàng xa, gần với nhau, nhưng kẻ thì hộ khẩu Hà Nội, đứa thì Hải Phòng, Nam Định, thậm chí cả Vinh..., sơ tán về quê và cùng học trường làng, nơi quê nhà! Chả là người quê tôi vốn có nghề điện, nên đã kéo nhau đến sinh sống ở các thành phố từ các thế kỷ trước. Tuy nhiên đa phần họ vẫn làm nhà, tậu ruộng ở quê. Chúng tôi được học Cụ như cá gặp nước, chẳng thế chỉ riêng một trường cấp 2, mà năm học lớp 7, có tới 3 học sinh dự thi học sinh giỏi toán miền bắc, và đều thi đỗ với số điểm cao vào hai lớp chuyên toán của hai trường Tổng hợp và Sư phạm. Nhưng chỉ có một bạn nữ được nhập học lớp chuyên của Tổng hợp, vì ngày ấy thi và cử là hai chuyện khác nhau!      
Trong cái lớp mà Cụ dạy ngày đó, sau này chúng tôi dường như không gặp lại được nhau. Nhưng lớn lên càng qua nhiều trải nghiệm, tôi càng nhận ra, những bạn học quanh tôi có không ít những khả năng thiên bẩm-trời phú, nhưng sau này không thấy tên tuổi họ xuất hiện... Có lẽ tại quê tôi không có đất phát công danh trong thời đại mới, hay tại gì gì nữa, hoặc cũng có thể họ mai danh ẩn tích ở một phương trời nào đó!? Tất nhiên ở tuổi này, chắc họ cũng như tôi đều thấy chẳng quan trọng gì, miễn sao được mạnh khỏe, có phúc đức, là may mắn rồi!
Cuộc đời này, duyên phận chỉ cho tôi có một lần, được học một người thầy như vậy, một kiểu mẫu người thầy mà mãi mãi về sau tôi không bao giờ được gặp lại, dù chỉ là những bóng hình tương tự. Tôi viết những dòng nhung nhớ này, không chỉ tìm cơ may để biết đâu có thể biết được thông tin về Cụ, mà còn hy vọng những học trò của Cụ, lũ chúng tôi ngày đó, có người hồi âm, để được chia sẻ hay hội ngộ với nhau cùng tưởng nhớ về Cụ, nhất là ở cái tuổi của chúng tôi bây giờ. Nhưng dù bất luận như thế nào, thì chắc chắn hình ảnh Cụ đã tạc vào trái tim khối óc chúng tôi trong suốt cuộc đời!
___________
(*) Nguyễn Xiển (1907 - 1997) là một nhà khoa học, đồng thời cũng là một chính khách Việt Nam. Ông từng giữ chức vụ Tổng Thư ký Đảng Xã hội Việt Nam (1956 - 1988) và Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam (từ năm 1960 đến 1987).


          Mời thư giãn với clip ÔNG ĐỒ
          thơ Vũ Đình Liên, qua diễn ngâm Quốc Anh:

*
Hà Nội, đêm 20/05/2017
DƯƠNG QUỐC VIỆT
Địa chỉ:  Ngách 31/2 phố Phan Đình Giót,
quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Email: duongquocviet@fmail.vnn.vn
.




....................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 20.07.2017.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.    

0 comments:

Đăng nhận xét