Kỷ niệm với “TIẾNG GỌI CỦA QUÊ HƯƠNG” - Tạp bút Dương Quốc Việt (Hà Nội)

Leave a Comment
(Thành phố Hưng Yên ; Nguồn ảnh: internet)
Kỷ niệm với 
TIẾNG GỌI CỦA QUÊ HƯƠNG
*
Tôi như cảm thấy có lỗi vì đã rời xa “Tiếng gọi của quê hương” quá lâu, và quyết định viết lại kỷ niệm này, để nó mãi thường xuyên ở bên tôi. Hà Nôi 16/6/2017.
Tôi không còn nhớ rõ đã được nghe từ khi nào bản hợp xướng: Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy (viết năm 1958) của nhạc sĩ Tô Hải (sinh năm 1927). Rồi một lần, có lẽ vào khoảng giữa năm 1980, không hiểu sao từ trong một giấc mơ của tôi khi đó, mồn một từ ký ức vọng về âm hưởng Chương III: Tiếng gọi của quê hương (chương mà tôi thích nhất) của hợp xướng gồm 4 chương này:

Chiều chiều dừng chân đỉnh non sườn núi
(Ai đi xa xôi nhưng lòng vẫn vui)
Ngó trông xa xa tận phía chân trời
(Có người thương yêu ngày đêm ngóng trông)
Quê hương yêu dấu bao người chờ trông
(Nơi quê hương xa xôi ai chờ mong)
Những đêm trăng rằm tiếng ca vang lừng cùng người xa vắng 
Đập lúa dưới trăng

Giờ này ở nơi xa xôi biên giới
Hát vang lời ca thiết tha yêu đời
Sông kia núi đó như giục lòng ta
Khó khăn mau vượt có chi ngăn được tình yêu quê hương

Ngàn đèo ngàn non ngàn sông ngàn suối
(Ai đi xa xôi nhưng lòng vẫn vui)
Bước đi muôn nơi càng yêu quê nhà
(Có người thương yêu ngày đêm ngóng trông)
Ai buông tay hái ngó nhìn trời xa
(Nơi quê hương xa xôi ai chờ mong)
Nón nghiêng nghiêng chào thắt lưng hoa đào vờn bay trong nắng
Chiều xuống bên ta

Giờ này ở nơi xa xôi biên giới
Hát vang lời ca thiết tha yêu đời
Sông kia núi đó như giục lòng ta
Giữ yên biên thùy cho lòng tổ quốc Việt Nam sáng  ngời. 
Sáng hôm sau, tôi lõm bõm hát câu được câu chăng “Tiếng gọi của quê hương” và nói với một anh bạn đồng nghiệp: anh có thể thuộc và hát đầy đủ bài này không? Không nói năng gì, anh hát! Trong không gian tĩnh lặng chỉ có tiếng hát mà tôi cảm như chất giọng “nhà thờ” của anh, chúng tôi nhìn nhau trong cảm xúc đến vô cùng.
Kể từ đó tôi dành cho anh những tình cảm đặc biệt. Đó là anh Trần Quốc Thư một giảng viên môn kỹ thuật nông nghiệp, con trai của một gia đình trí thức, bố anh là một bác sĩ, nhà ở phố Bát Đàn-Hà Nội, anh vẫn ở lại đó (Trường đại học Tây Bắc) cho đến hôm nay. Tôi đã đến thăm gia đình riêng của anh trên đó, nhân dịp thỉnh giảng cho lớp cao học toán tại trường anh vào năm 2009, và từ đó tôi luôn cầu mong cho anh chống đỡ được bệnh tật!
Năm tháng trôi qua, biết bao biến động cùng với những thăng trầm, những tình cảm vui buồn bao phủ, mặc dù vẫn thường xuyên tìm lại, nghe lại được những tác phẩm mà tôi ưa thích, trong đó có nhiều tác phẩm mà người ta rất ít nhắc đến, nhưng tôi đã quên bẵng “Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy”.
Thế rồi thật bất ngờ, đêm qua (đêm 15/6/2017) cái giấc mơ năm xưa một lần nữa trở lại, âm hưởng của “Tiếng gọi của quê hương” lại vọng về. Và ngay lập tức tôi đã tìm thấy nó, được cảm nhận về nó qua trình diễn của những dàn hợp xướng với những kích cỡ khác nhau, thậm chí còn có cả những dàn hợp xướng khổng lồ, chẳng hạn:
Nghe lại một mình “Tiếng gọi của quê hương”,  tôi như chết lặng với biết bao hoài niệm, liên tưởng xa xôi, như xua đi những “âm thanh” nhức nhối đang hiện hữu ở xứ sở này. Cùng với đó là những xót xa, nhất là khi biết thêm về số phận đưa đẩy, long đong của bản hợp xướng cùng với tác giả của nó. Có lẽ đây là bản hợp xướng mà tôi nghe không bao giờ thấy cũ.
Thiêng liêng-bổn phận-day dứt-bi tráng-da diết-dâng trào, pha chất thánh ca, lai láng bao la, còn có cả đâu đó nhạc điệu như tiếng tơ lòng réo rắt-vọng hồn xứ sở, cất lên từ những đau thương, mất mát, chịu đựng, khao khát cảnh đoàn tụ-yên ấm- thanh bình…, là những gì mà tôi cảm được sau những lần đã nghe “Tiếng gọi của quê hương”. Và sẽ còn những gì gì nữa, những cảm nhận xuất hiện qua những trình diễn khác nhau, những trạng thái và thời điểm khác nhau, nhất là ở dạng không lời, chắc không ai có thể biết trước.
Cũng cần nói thêm rằng những làng quê bắc Việt Nam vào thời điểm tổ khúc này ra đời (1958), tuy hết bóng ngoại xâm, nhưng lại vừa trải qua một kiếp nạn khủng khiếp, mà không sao có thể hàn gắn lại được. Có phải vì thế mà nhạc điệu “Tiếng gọi của quê hương” thiếu vắng những tiếng ca tụng reo vui, như ai đó mong đợi (!) Cũng vì thế mà tôi thêm thấu hiểu, vì sao nó đã từng là đối tượng của những gã đao phủ, trần trụi-sính bạo lực một thời.
Tôi như cảm thấy có lỗi vì đã rời xa “Tiếng gọi của quê hương” quá lâu, và quyết định viết lại kỷ niệm này, để  nó mãi thường xuyên ở bên tôi. Tôi hằng mong cho “Tiếng gọi của quê hương” sẽ đi vào tâm thức của triệu triệu người, và được trường tồn theo thời gian. Và dù bất luận như thế nào thì một ngàn lần, tôi cảm phục, mến yêu và biết ơn tác giả, đã để lại cho đời một bản hợp xướng như thế.

Mời thư giãn với nhạc phẩm HƯNG YÊN QUÊ TÔI
của Hồng Xương Long, thơ Minh Hạnh qua tiếng hát Hồng Xương Long:

*
Hà Nôi, ngày 16.06.2017
DƯƠNG QUỐC VIỆT
Địa chỉ:  Ngách 31/2 phố Phan Đình Giót,
quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Email: duongquocviet@fmail.vnn.vn
.





....................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 29.06.2017.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét