(Nguồn ảnh: internet) |
ĐỌC “Ở NGHĨA TRANG VĂN ĐIỂN”
NGHĨ VỀ THƠ TRẦN ĐĂNG KHOA
Ở TUỔI TRƯỞNG THÀNH
*
Ở NGHĨA TRANG VĂN ĐIỂN
Người hạnh phúc và người đau khổ
Đều gặp nhau trắng
toát ở nơi này
Đều dài rộng như
nhau vuông cỏ biếc
Đều ấm lạnh như
nhau trong hơi gió heo may
Ôi thiên nhiên, cám
ơn người nhân hậu
Những so le, người
kéo lại cho bằng
Ít nhất cũng là khi
nằm xuống
Trong mảnh gỗ rừng,
dưới một vầng trăng…
Những nấm đất lặng
thinh như trăm ngàn nấm đất
Ai hay đâu, đây là
những con người
Với bời bời nỗi
niềm tâm sự
Đến bây giờ có lẽ
vẫn chưa nguôi…
Tôi đi giữa nổi
chìm bao số phận
Người xưa vẫn đây
mà, có xa cách chi đâu
Tôi thầm gọi. Sao
không ai lên tiếng,
Chỉ hoang vắng dưới
chân và sương khói trên đầu…
Cháu bé nào đây vài
tháng tuổi
Rợn mình nghe tiếng
gió khóc u oa
Một cái với tay
giữa lưng chừng trời đất
Cõi đời này thôi
thế đã đi qua…
Cụ già từ nơi đâu
không rõ
Lặn lôi tìm ai về
thành phố xa xôi
Để rồi ngã trước
một tia nắng quái
Con cháu anh em là
sỏi đá quê người…
Và em gái xinh tươi
hiền dịu
Bao trái ngọt chín
vì em, em đã nhận được gì?
Tấm áo hoa chờ em
vào tiệc cưới
Có ai ngờ thành áo
liệm lúc em đi…
Trời rộng vô cùng
đất cũng rộng vô cùng
Bởi khoảng trống
mỗi con người bỏ lại
Cái khoảng trống
nhỏ nhoi bằng chính vóc họ thôi
Mà cả thế giới này
không ai bù nổi…
Cái chết vẫn rình
ta sau từng ngưỡng cửa
Cua đường hẹp,
chiều mưa, vài sải nước gần bờ
Ta chả là gì giữa
bốn bề bất trắc
Chỉ tích tắc khôn
lường ta đã người xưa
Ta đâu muốn ví đời
mình cùng ngọn cỏ
Ngọn cỏ yếu mềm,
ngọn cỏ nhỏ nhoi
Nhưng khi ta đã nằm
dưới mộ
Cỏ vẫn xanh biêng
biếc ở bên trời…
Trước thiên nhiên,
con người như khách trọ
Như ảo ảnh chập
chờn, thoáng đến, thoáng lìa xa
Chúng ta sống bên
nhau dẫu năm này tháng khác
Thì cũng vẫn chỉ là
một thoáng giữa sân ga…
Mặt trời lặn, mặt
trời còn mọc lại
Ngôi sao rụng vào
đêm vĩnh viễn chẳng luân hồi
Ta nghe tiếng rì
rầm của những hàng bia đá
Con người ơi! Hãy
thương lấy Con Người..
*.
TRẦN ĐĂNG KHOA
LỜI
BÌNH:
(Tác giả Vũ Bình Lục) |
Văn chương lấy cảm
hứng về cái chết của con người, xưa nay nhiều lắm. Những cái chết vô thanh và
hữu thanh, vô danh và hữu danh, bình thường và bất bình thường, đều có cả. Văn
chương ta, chỉ nói trong khoảng hơn vài trăm năm trở lại đây, không thiếu những
kiệt tác về đề tài này. Ví như “Văn
chiêu hồn” của Nguyễn Du (1766-1820). Ví như “Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc” của Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888).
Ví như “Thăm mả cũ bên đường”
của Tản Đà (1888-1939). Và còn nhiều nữa, “Văn tế Trương Quỳnh Như” của Phạm Thái (1777-1813) chẳng
hạn…Những cái tên tác giả lừng lẫy. Và quan trọng hơn, là những cái tên tác
phẩm lẫy lừng, đã ở mãi trong tâm hồn, tình cảm người đọc nhiều thế hệ. Còn như
đây đó rải rác những bài thơ đặc sắc, những đoạn thơ, những câu thơ đặc sắc ở
mảng đề tài nói trên, thì cũng chẳng khó gì mà không tìm thấy trong trí nhớ,
trong “cảo thơm lần giở trước đèn”
(Nguyễn Du)…
Trần Đăng Khoa
không ngại những núi non sừng sững kia cản đường che bóng. Anh quyết tìm một
hướng đi mới, một cách đi mới ở thời hiện đại. Và thế là “Ở nghĩa trang Văn Điển” ra đời.
Bài thơ khá dài,
những mười hai khổ, mỗi khổ bốn câu thơ tự do. Bốn khổ thơ đầu, là những cảm
nhận chung, khái quát chung, về cõi người trong khoảng sống chết. Trần Đăng
Khoa viết: “Người hạnh phúc và người đau
khổ / Đều gặp nhau trắng toát ở nơi này”…Khi còn sống, có kẻ sang người
hèn, kẻ may người rủi. Có người giỏi giang, làm nên khanh tướng giàu sang, “bia đá bảng vàng cho vang mặt vợ” (Tú
Xương), kẻ kém tài đành ôm phận thường dân, sống cuộc đời thanh đạm, “một mái nhà tranh hai trái tim vàng”.
Lại còn những số phận không may mắn, sống gửi thác nhờ, bơ vơ “trong trường dạ tối tăm trời đất”
(Nguyễn Du), tấc đất cắm dùi cũng không có, chết chẳng ai chôn…Ấy là chưa kể
những kẻ cướp đêm cướp ngày, thời nào mà chả có! Trần Đăng Khoa gói gọn lại tất
cả những số phận ấy vào một “cặp phạm trù” đối lập, đó chính là Hạnh phúc và
Đau khổ. Tất cả, rồi cũng đến lúc “gặp
nhau trắng toát ở nơi này”, như một lẽ tự nhiên, như một quy luật nghiệt
ngã, không ai cưỡng được. Và cũng chỉ ở đây, ở Văn Điển phố buồn này, thì sự
công bằng theo nghĩa rộng, mới chia đều cho tất cả, “dài rộng như nhau vuông cỏ biếc”, cùng “ấm lạnh như nhau trong hơi gió heo may”…
“Trắng toát” là một từ hay. Nó là tính
từ. Đặt vào đây, lại là hình dung từ, vừa cụ thể, lại vừa mang nghĩa ẩn dụ, gợi
một khái quát về cõi người “sắc sắc không
không”, nhiều ẩn ý.
Rồi thi nhân cảm
thán: “Ôi thiên nhiên, cám ơn người nhân
hậu / Những so le, người kéo lại cho bằng / Ít nhất cũng là khi nằm xuống /
Trong mảnh gỗ rừng, dưới một vầng trăng”…Thiên nhiên, hay siêu nhiên kỳ bí,
có thể không đem lại bằng an cho cõi người dương thế, nhưng ít nhất, ở đây và
bây giờ, cũng có thể kéo lại “những so le”, những bất công nơi trần thế, cũng
có thể chở che chút đỉnh cho những linh hồn, trong sáu tấm gỗ rừng bọc thây,
cùng với một vầng trăng an ủi.
Trước nghĩa trang
Văn Điển, nhìn ra bạt ngàn những nấm đất lặng thinh, tác giả như hình dung thấy
hiển hiện những con người đáng thương, chết rồi mà như còn chưa nguôi thổn
thức, còn bời bời canh cánh bao nỗi niềm tâm sự, đành phải chôn chặt dưới ba
thước đất. Người thơ như cảm thấu, muốn sẻ chia với người đã khuất. Anh thầm
gọi họ. Không có ai trả lời, “không ai
lên tiếng”, chỉ thấy bốn bề “hoang
vắng dưới chân và sương khói trên đầu”…
Ba khổ thơ tiếp
theo, Trần Đăng Khoa điểm xuyết một số trường hợp tiêu biểu, có lẽ là đáng
thương đáng tiếc nhất. Một cháu bé vài tháng tuổi. Một em gái xinh tươi hiền
dịu. Một cụ già không biết từ đâu tới…Họ phải lìa đời khi chưa đáng phải lìa
đời. Tác giả như hình dung thấy, chứng kiến cảnh “một cái tay nhỏ xíu đang chới với giữa lưng chừng trời đất”, như
nghe thấy tiếng trẻ “khóc u oa” thảm
thương thê thiết. Nhìn hình ảnh em gái xinh tươi hiền dịu trên bia mộ, trước
mặt em là nhiều hoa thơm quả ngọt mà người sống đem tặng, em biết không, có
nhận được chút quà ấy không? Ai mà biết được! Bởi em không nói gì, mà hoa thơm
quả ngọt vẫn còn kia. Còn như hạnh phúc và hoa thơm trái ngọt của cuộc đời, em
chưa từng biết, vĩnh viễn không bao giờ được thụ hưởng. Và cả “Tấm áo hoa chờ em vào tiệc cưới / Có ai ngờ
thành áo liệm lúc em đi”…
Trong “Văn chiêu hồn”, Nguyễn Du nói về
những trẻ thơ vô tội, “lỗi giờ sinh lìa
mẹ lìa cha”, cũng chẳng khác gì những trẻ thơ nằm ở nghĩa trang Văn Điển.
Riêng những người đàn bà chết bất đắc kỳ tử, thì có khác. Nguyễn Du nói tới
những thân phận yếu mềm, cùng đường thì đành phải “liều tuổi xanh buôn nguyệt bán hoa / Ngẩn ngơ khi trở về già / Ai chồng
con tá, biết là cậy ai”…Trần Đăng Khoa nêu một trường hợp khác, khi mà cô
gái trẻ tưởng đã cầm chắc hạnh phúc trong tay, nhưng bất ngờ tuột mất, đến nỗi
“Tấm áo hoa chờ em vào tiệc cưới / Có ai
ngờ thành áo liệm lúc em đi”…
Toàn là những trớ
trêu ngang trái, những nỗi đời bất hạnh, được đẩy lên đến mức điển hình, khiến
trái tim thi nhân rung động, buồn thương…
Phần cuối bài thơ,
là những suy tư nhiều bề của tác giả. Suy tư về sự mất mát mà mỗi con người để
lại. Đó chính là “khoảng trống nhỏ nhoi,
mà cả thế giới này không ai bù nổi”. Đó chính là suy tư về cái hữu hạn bèo
bọt của con người, khi mà cái chết có thể bất thần ập đến, bởi nó “vẫn rình ta sau từng ngưỡng cửa / cua đường
hẹp, chiều mưa, vài sải nước gần bờ”…Mới thấy số phận con người thật nhỏ bé
mỏng manh, đáng thương tội nghiệp, nhất là trong thời buổi phố chật người đông,
giao thông bề bộn. Tác giả dường như nhận thức rất sâu về những sự bất ngờ, về
cái mong manh bèo bọt của kiếp người và kết luận một câu rất đời thường, không
mới, nhưng mà chua chát:
“Ta chả là gì giữa
bốn bề bất trắc
Chỉ tích tắc khôn
lường ta đã người xưa”!
Hoặc như: “Trước thiên nhiên, con người như khách trọ /
Như ảo ảnh chập chờn, thoáng đến thoáng lìa xa / Chúng ta sống bên nhau dẫu năm
này tháng khác/ cũng chỉ là một thoáng giữa sân ga”… Cuối cùng, tác giả kết
luận về sự mất mát vĩnh cửu, “ngôi sao rụng vào đêm vĩnh viễn chẳng luân hồi”
và cảnh báo, kêu gọi con người hãy thương yêu nhau:
“Ta nghe tiếng rì
rầm của những hàng bia đá
Con người ơi! Hãy
thương lấy Con Người!”
Trần Đăng Khoa viết
“Ở nghĩa trang Văn Điển” khi
anh đã vào tuổi “tri thiên mệnh”. Nghĩa là anh đã sống, đã từng trải, đủ để
biết được “mệnh trời”, nhất là anh đã rất nhiều lần đưa tiễn những cuộc ra đi
bình thường và cả bất thường, đến cái nghĩa trang dành cho những số phận bình
thường an nghỉ. Bài thơ viết theo lối trực cảm, giãi bày cảm xúc trực tiếp, nên
ít thấy những hình tượng thơ hàm ẩn. Tuy nhiên, tình thơ chân thành, lời thơ
giản dị. Người đọc cảm nhận ở đây những nghĩ suy, day dứt về thân phận con
người, thấu đáo và chí tình biết mấy!
Có bạn thơ nói vui,
rằng Trần Đăng Khoa khi còn là “cậu bé Khoa” thì đúng là “thần đồng”, về thơ,
không ai bì kịp. Nhưng đến khi đã là “anh Khoa”, lại hình như thấy thơ anh chưa
kịp lớn lên với người, vẫn còn phảng phất hơi thở đồng dao, nhất là những bài
ngũ ngôn nhuần nhuyễn...
Tôi cho rằng thơ
Trần Đăng Khoa ở tuổi trưởng thành, đương nhiên chín hơn ở kinh nghiệm làm thơ
và càng sâu hơn ở tầm tư tưởng. Khi đã là “anh Khoa”, “chú Khoa” … thì Trần
Đăng Khoa vẫn sáng tạo được một số bài thơ hay, dẫu chưa là đặc sắc như người
đọc từng mong mỏi. Ví như bài “Với bạn”,
một bài lục bát hay. Ví như “Tây Bắc”,
trong trẻo và ý vị. Rồi “Gửi bác Trần
Nhuận Minh” đằm thắm, “Hoa Lư”
cổ kính và sương khói lịch sử. Cả “Đêm
Nga” và “Uống rượu với người
bạn Nga” nữa.…Vẫn là một Trần Đăng Khoa đằm thắm, không ít nỗi niềm sâu
thẳm. Vài chục năm trở lại đây, Trần Đăng Khoa đầu tư nhiều cho văn xuôi. Và
chỉ riêng lĩnh vực văn xuôi, Trần Đang Khoa cũng đã tạo dựng cho mình một giọng
điệu riêng, hóm hỉnh và sâu sắc, không lẫn với ai. Thế đã là hạnh phúc!
Mời thư giãn với nhạc phẩm CÁT BỤI
của Trịnh Công Sơn, qua tiếng hát Khánh Ly:
*
VŨ BÌNH LỤC
Địa chỉ: thôn Ngọc Chi, xã Vĩnh Ngọc
huyện Đông Anh, tỉnh Hà Nội.
Email: vubinhluc184@gmail.com
Điện thoại: 097.366.05.79
.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ email cauvongteen1998@gmail.com gửi ngày 28.02.2017.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
0 comments:
Đăng nhận xét