(Nguồn ảnh: internet) |
Ở VÚ
Dì Lan lần nào về
thăm quê ngoại cũng kể về nỗi khổ của cảnh hiếm muộn với chị: Gia đình nhà chồng nói bóng nói gió: nào là “Cây
khô không lộc…” nào là “nặng căn kiếp - quả” Cầu cúng mãi không đươc. Nhờ lương
y chẳng xong. Cậu Tú thuê hẳn đốc-tờ Tây về tiêm chọc. Đốc-tờ người Tây cho một
liệu trình là chửa ngay. Cậu Tú phục sát đất: “Người Tây giỏi mọi nhẽ!” Chỉ đến
khi thằng nhỏ có nước da bạch tạng, mái tóc đỏ như râu ngô ra đời, Cậu Tú mới
vỡ lẽ cái liệu trình kia là như thế nào!
Lấy cớ bận học cậu
Tú không về thăm vợ con. Chỉ có Dì Lan
là biết rõ nguồn cơn nhưng há miệng lại sợ mắc quai!
(Tác giả Nguyễn Anh Tuấn) |
Vốn là con gái nhà
buôn lớn ở phố Hàng Đường trên đất Hà Thành, Dì Lan chơi bời tá lả từ thuở mới
hơn chục tuổi đầu. Gặp cậu học trò đất đồng chiêm trũng, Dì muốn đổi khẩu vị
xem sao! Nào ngờ!... Dì bị gia đình ép
phá thai để bảo toàn “Danh gia vọng tộc”! trước khi kết hôn. Dì cũng chẳng ham
gì cái biệt thự xinh đẹp trên đường Thụy Khuê hay cái nhà ngói, cây mít ở vùng
đồng quê xứ nhãn xa xôi:
Phân gio, lội ruộng
suốt ngày
Áo tơi, nón lá,
chân tay lấm bùn.
Cái giống phá thai
sớm là khó chửa lại lắm! Cậu mợ ăn ở với nhau cùn đũa mẻ bát mà vẫn không thấy
tương lai. Bây giờ cơm chẳng lành, canh không ngọt. Dì không kỳ vọng, chăm lo
gì cho cái tổ uyên ương “Môn đăng hộ đối” này nữa! Con đẻ đau mang nặng dì cũng
mặc kệ vú em.
Bá Sủn kén mãi mới
được con vợ thằng Đô: khỏe mạnh, sạch sẽ, mới sinh lần đầu. Con nó được hơn một
tuổi. Nhà nó nghèo ở trong đám đất “nghịch” giữa khu họ Đỗ tá túc. Bà Bá ra
điều kiện:
- Công, tao trả ba
đấu gạo một ngày. Như thế là gấp ba công thợ cầy rồi đấy!
- Chúng con biết cụ
Bá thương cảnh chúng con nghèo.
- Trong thời gian
mày ở vú nuôi con mợ Tú thì không được về nhà! Đồng ý thì lập giao kèo?
- Tối con tranh thủ
về qua nhà một tý thôi có được không ạ? Từ nhà Cụ Bá đến nhà con chưa nhai dập
miếng trầu?
- Tao nuôi mày bằng
cơm trắng, thịt thăn không phải mó mẩn việc gì để lấy sữa cho cháu tao bú chứ
để cho mày mang sữa về nuôi con mày à? Mày dù không cho con mày bú nhưng vợ
chồng mày hú hý với nhau để cháu tao bú cái sữa tử tiệt ấy: đi ỉa, sinh bệnh
thì sao? Tao cấm ngặt cả chồng mày mang con đến đây!
- Thế thì con con
phải cai sữa!
- Cái đó là việc
của vợ chồng nhà mày.
- Chúng con đội ơn
cụ!
- Cứ làm đúng như
nhời, một năm tao thưởng một ngày mồng một tết về thăm nhà, cho thêm nửa thùng
thóc nữa để cha con nó ăn tết là quá lắm rồi.
- Được như thế thì
còn gì bằng!
Vợ thằng Đô nói
xong mới trăn trở: “Nhỡ con mình trái nắng, trở giời thì làm thế nào?”. Nó lại
nghĩ: “Ở cái làng Mãn này có ai được may mắn như nó đâu? Cứ hình dung ra: chồng
con được ăn bát cơm gạo trắng là nó đã mãn nguyện lắm rổi!
Đêm trước ngày xa
con, vợ thằng Đô cứ ngồi ôm con, nước mắt ngắn, nước mắt dài. Nó nói với chồng
trong tiếng nấc:
- Cái số chúng mình
khổ hơn vợ chồng Ngâu! Ngưu Lang Chức Nữ còn “vào ba ra bẩy…” chứ chúng mình có mỗi một ngày vào đúng mồng một
tết. Ông Giời sao chẳng công bằng! Con mình đen đầu thì bỏ, bắt mình đi nuôi
con thiên hạ đỏ đầu!
- Mình ở nhà khoai
sắn chưa no lấy đâu ra sữa cho con bú. Con ở nhà với tôi có cơm tẻ, muối trắng là nó khỏe mạnh rồi.
- Thương mình vợ
còn sống mà chịu cảnh “Gà trống nuôi con”! Sao người ta lại tàn độc thế không
biết!
- Chung quy đều ở cái nghèo mà ra!
Chưa đầy một tháng
ở nhà Bá Sủn, vợ thằng Đô đã đỏ da thắm thịt. Hai bầu sữa lúc nào cũng căng
tròn. Cơm tám, gà tần biến nó thành “Gái một con trông mòn con mắt” nhanh đến
không ngờ.Chỉ phải cái mặt nó lúc nào cũng cúi xuống. Nhất là những khi nó cho
cậu ấm nhà chủ bú. Cho con bú ở nhà thì một tay đỡ nhẹ vai con, dùng hai đầu
ngón tay kia nâng vú lên khẽ day cho sữa chảy đều, Thằng cu nhay mút tóp cả má
nhưng sữa chỉ ra từng giọt! Nó đổi vú, nặn vắt đến đau bầu, thằng cu vẫn cằn
nhằn. Nhưng lần nào cho con bú người nó cũng nóng ran! Tình mẫu tử cứ rạo rực
trong từng đường gân thớ thịt. Bây giờ nó cho con người khác bú: Hai bầu sữa
căng đầy. Đứa trẻ vừa hập vào đầu vú, sữa đã tứa ra! Một vú cậu nhỏ đã no, nhả
vú, miệng mỉm cười mà lòng nó lại quặn thắt! nó kéo cái vạt yếm lên, lau nước
mắt.
Theo lệnh Chủ, nó
chỉ cho thằng “Tây con” (người ăn kẻ ở
trong nhà Bá Sủn gọi như thế) bú đúng giờ. Mọi việc khác đã có người lo. Hết
đêm sâu thăm thẳm, đến ngày dài lê thê, lúc nào nó cũng nhớ tới con. “Thằng bé
có được ăn no? Nó có được ngủ yên giấc? Nắng thế kia có được ngồi trong bóng
mát hay phải cùng bố ra đồng …? Đêm lạnh thế này bố nó có biết lấy cái gì đắp
cho con? Cũng là kiếp con người mà sao!?...” Có lúc nó định bỏ trốn về nhưng
gặp tường cao, hào sâu nó đành quay lại. Có khi nó đã vắt sữa vào chai dấu đi,
định bụng gửi về cho con nhưng thấy bóng Quản Điếc nó đành đổ sữa đi.
Bà Bá xét nét từng
ly, từng tí! Mỗi lần cho cậu Tây ăn, bà lại bắt nó day đều cho sữa nóng lên vắt
ra trên lưng chén tống trước khi cho bú. Bà xoay xoay chén sữa xem độ đục trong
rồi đưa lên mũi hít, kiểm tra độ thơm ngậy và cuối cùng là nhắp một tợp chẹp
chẹp kiểm tra độ ngọt nhạt mới cho Qúy Tử bú. Qúy Tử ăn xong bà xuống nhà ngang
dặn dò đầu bếp phải thế này thế kia để cậu hay ăn chóng lớn.
Bá Sủn suốt ngày
nằm cạnh bàn đèn trên gác nhưng sắp đến giờ ăn của Quý Tử, lại kéo đôi guốc mộc
lẹp kẹp xuống. Cụ ngắm cháu thì ít mà dán mắt vào cặp vú của con ở thì nhiều.
Cụ kiếm cớ yêu cháu, dùng ngón tay trỏ gại gại vào má cậu Tây
đang bú để được chạm ngón tay cái vào vỏ trái đào. Con ở biết ý. Hễ thấy cụ
xuống là nó chỉ dùng một ngón tay út nâng vú, bốn ngón còn lại đặt lên trên bầu
vú và ghì mặt cậu Tây vào sát ngực. Hiểu bụng
dạ chồng, Vợ Bá Sủn đổng giảng:
Chả chim, gạo tám
chưa no
Đói đâu mà phải đi
mò cá cua?
Cụ Bá lẳng lặng lê
guốc lên phòng nằm bên cái bàn đèn. Tính kế…! Nắm được quy luật: Cứ tầm gà gáy
lần thứ hai con ở phải dậy cho Cậu Qúy Tử ăn đêm. Một đêm vắng trăng, Bá Sủn
tháo guốc cắp vào lách, lẻn xuống nhà ngang. Vợ thằng Đô thấy có mùi khen khét
của khói thuốc lào, lại thơm thơm của hơi thuốc phiện. Nó nhẹ nhàng bước ra rổi
khóa cửa, để lại dưới ánh sao một cái bóng gầy khô như con cá rô đực nép vào
tường hiên.
Cho Cậu ăn xong nó
đưa Cậu cho cụ Bà nựng rồi nằm lì trên võng đu đưa:
Nửa đêm gà gáy o…o…
Của em, em giữ, ai
mò mặc ai!
Biết gặp đối tượng
rắn mặt, Cụ Bá lại tính bài… Lúc con ở vú ngồi nhặt rau gíup nhà bếp cụ sán đến
bên nói nhỏ:
- Mày có cái dái tai đẹp đấy! Gía mà được đôi bông
nụ thay hai cái cuống chiếu thì phải biết!...
- Chúng con phận hèn, cơm ăn còn đói lấy đâu ra
nụ với hoa?
- Mày ngoan ngoãn
chiều cụ, đến tết sẽ có nụ làm duyên với chồng!
- Bao giờ mới đến
tết?
- Cái con mẹ
này!...Cụ thì thầm:
- Tối nay để cửa
không khóa trái thì sáng mai là tết!
- Để con có nhời
thưa chuyện với cụ Bà trước đã!
Lão Sủn dẫy lên như
đỉa phải vôi:
- Thôi! Thôi! Thôi!
Chớ có mà mó vào hàm “Sư tử Hà Đông”!
*
NGUYỄN ANH TUẤN
(Bút hiệu Đồ Cóc)
Địa chỉ: 63 K2 thị trấn Trần Cao
huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên.
Email: nguyenanhtuanhydc@gmail.com
.Điện thoại: 0167.832.17.75
.
…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 29.07.2017
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
0 comments:
Đăng nhận xét