TRẺ EM Ở MỸ ĐƯỢC GIÁO DỤC NHƯ THẾ NÀO? - Tạp bút: Thái Quốc Mưu (Hoa Kỳ)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: internet)
TRẺ EM Ở MỸ
ĐƯỢC GIÁO DỤC NHƯ THẾ NÀO?
*
1.
Tôi có đứa cháu ngoại, tên Amanda, nó cùng mẹ nó là Tina Thái (con gái Út của tôi), sống ở tiểu bang Florida. Khi 9 tuổi nó gọi về tôi:
- “Ông Ngoại con là Amanda, ông ngoại khỏe không?” / Tôi đáp: “Ngoại khỏe, con khỏe không?” / “Dạ khỏe! Ông Ngoại ĐANG làm gì đó?” / “Ngoại đang làm báo”. / “Tại sao ông Ngoại ĐANG nói chuyện với con mà ông Ngoại còn làm?” / “Thì ngoại vừa làm vừa nói chuyện với con” / “Như vậy, ông Ngoại đâu phải là người tốt. Khi nói chuyện với con hay với người khác, ông Ngoại phải ngưng làm việc để nghe người ta nói, như vậy ông Ngoại mới BIẾT tôn trọng người khác” / “OK! Con! Ngoại ngưng làm việc rồi. Chịu chưa?” / “Như vậy, ông Ngoại mới là người tốt, nhưng ông ngoại không nên hỏi con “chịu chưa?” (Trời đất!)
2.
(Tác giả Thái Quốc Mưu)
Khi Mẹ con nó về Atlanta thăm tôi, nó đòi đi thư viện mượn sách. Tôi chở nó đi. Đến thư viện hai ông cháu sắp hàng sau những người đến trước. Tôi đứng trước nó. Tình cờ một phụ nữ người Mỹ đứng trước tôi quay mặt lại. Tôi vội chào và chỉ cháu ngoại tôi, rồi tôi giả bộ bước đứng lên trước người phụ nữ ấy. Amanda, cháu tôi vội bước ra khỏi hàng (lúc nầy có nhiều người đứng sắp hàng sau nó), nắm tay tôi kéo lại, nói: “Ông ngoại biết lịch sự không? Ông Ngoại ĐẾN SAU, ông Ngoại PHẢI ĐỨNG SAU vị phu nhân nầy”. Những người đứng trước và sau tôi, nghe nó nói vậy đều nhìn nó ngạc nhiên (vì nó là người Châu Á, chứ trẻ em Mỹ thì họ không lấy làm lạ!) Người phụ nữ đứng trước mặt tôi nghe thấy vậy, nói đùa: “OK! chẳng sao! Ông ấy có thể đứng trước tôi”. Cháu tôi nói: “”Không! Ông ấy ĐẾN SAU, PHẢI ĐỨNG SAU. Tôi không muốn ông Ngoại của tôi trở thành người xấu”. Họ vỗ tay quá chừng.
3.
Một lần tôi xuống Florida chơi, khi trở về Atlanta, tôi chở cháu ngoại Amanda theo. Khi vào thành phố thì đã gần 3 giờ khuya. Đường xá thưa thớt xe. Trước mặt tôi là một ngã tư, có bản Stop. Thay vì ngừng xe một chút rồi mới chạy tiếp, tôi chạy luôn. Cháu ngoại tôi hỏi: “Ông Ngoại thấy bản Stop không?” / “Thấy, có gì không con?” / “Ông Ngoại thấy! Tại sao ông Ngoại không dừng xe?” / Ối đường xá vắng ngắt, cần gì Stop con? Ngoại chạy luôn để về nhà còn nghỉ ngơi”. / “Ông Ngoại nói vậy mà nghe được? Khi ông Ngoại lái xe, ông Ngoại PHẢI TUÂN HÀNH LUẬT GIAO THÔNG. Nếu mọi người đều nghĩ như ông Ngoại thì chánh quyền làm ra luật lệ để làm gì?” / Do mệt, tôi gắt: “Ờ, Thôi được rồi! Được rồi” / “Ngoại nói “được rồi” là làm sao? Ông Ngoại PHẢI NHỚ để đừng làm như thế nữa!” (Thiệt hết cỡ nói. Hi!)
4.
Có lần về Việt Nam, tôi dẫn nó theo. Em gái Út của tôi là Thái Thị Lệ Hoa, nhân tiện về quê xin dẫn nó cho biết. Khi xe chạy tới đầu cầu Bến Lức hay Tân An gì đó – em tôi kể, nhưng tôi quên. Có nhiều người bán hàng rong. Bà Út nó (Lệ Hoa, em tôi) mua mấy trái bắp cho hai bà cháu ăn. Lệ Hoa lột một trái đưa cho Amanda, rồi em tôi “thuận tay” ném vỏ bắp xuống đường. Cháu tôi liền nói: “Bà Út ở dơ.” / Lệ Hoa nói: “Bà ở dơ cái gì?” / Nó đáp: “Bà Út quăng vỏ bắp xuống đường là ở dơ chớ gì nữa”. Lê Hoa nói: “Con coi trên xe ai cũng quăng như bà Út hết, đâu phải mình bà quăng đâu?” / Nó nói: “Như vậy người Việt ở dơ quá!”. Lê Hoa nói: “Ý! ý! Con không được nói vậy người ta nghe mất lòng lắm!” / Amanda nói: “Mất lòng là sao?” / “Là người ta buồn và ghét con”. / “Tại sao ghét con? Con nói không đúng sao? Người Việt ở dơ thì con nói ở dơ. Con có nói gì khác đâu?” / “Nhưng con không được nói như vậy! Con nói vậy là xúc phạm người ta” / Tại sao con phải sợ bị xúc phạm họ? Họ ném rác xuống đường thì con nói họ ở dơ. Sao bà Út la con?” / Lệ Hoa em tôi nói: “Con coi ở đây đâu có gì đựng rác!” / Không có thùng đựng rác thì bà Út PHẢI BỎ RÁC VÔ TÚI, KHÔNG ĐƯỢC VỤT RÁC XUỐNG ĐƯỜNG.” / “Làm vậy thì áo quần mình dơ hết” / Amanda nói: “Con không cần biết điều đó. Con chỉ muốn nói bà Út, với người Việt ở dơ thôi”. Em tôi kể, mấy người trên xe đều lắc đầu nói: “Con nhà ai mà nói hỗn quá! Bà nó nói mà nói mà nó trả lời son sỏn!” / “Hỗn với son sỏn là sao bà Út? / “Ý các bà nói là con còn nhỏ mà dám chê người lớn ở dơ, còn bà nói câu nào thì con trả lời câu nấy. Con cháu của người Việt mình không được nói như vậy”. / “Ồ! Bà Út không biết con là công dân Mỹ sao?” / “Nhưng nguồn gốc con là người Việt Nam.” / “Con không phải là người Việt Nam, con đẻ ở Mỹ, lớn ở Mỹ mà bà Út. Ở Mỹ nếu “My President bỏ rác ngoài đường con cũng nói ở dơ”. / Các bà chung xe hỏi em tôi “Nó nói tiếng Mỹ gì đó chị Út? / Em tôi đáp: “Nó nói Tổng Thống của nó mà bỏ rác trên đường thì nó cũng nói ở dơ.” / Các bà trên xe nói: “Nó nói như vậy là người ta còng đầu nó liền” / Amanda hiểu được, nó đáp: “Ở nước con, bắt một người công dân không là dễ đâu! Nếu bắt không đúng, người dân có quyền thưa chánh quyền!”. Nghe em tôi kể tôi lắc đầu chịu thua luôn!)

HẾT CON CHỊ ĐẾN THẰNG EM.
Aiden là em Amanda, con trai của con gái Út tôi. Hiện nó 8 tuổi đang học lớp Một. Khi xe nhà trường đến đón nó đi học rồi. Tôi vào phòng nó, thấy đồ chơi vứt bừa bãi. Tôi dọn dẹp, sắp xếp đàng hoàng. Đến giờ về, xe đưa rước của nhà trường chở học sinh đến từng nhà, bữa đó, tôi đang viết bài, quên ra sân đón nó. Bỗng có tiếng gõ cửa.Tôi ra mở cửa thì người tài xế xe đưa đón học sinh đang nắm tay Aiden và giao nó cho tôi. Xong ông ta trở ra, lái xe đi tiếp. (Xin mở ngoặc nói thêm, ở Mỹ khi xe chở học xin đến nhà, mà không có người ra nhận thì họ chở học sinh đó trở lại trường)
Như thường ngày, khi đi học về Aiden liền chạy lên lầu, vào phòng nó chơi một chút rồi mới xuống ăn (Vì nó đã ăn trưa ở nhà trường). Hôm đó, nó lên lầu xong, vụt chạy xuống gặp tôi, nó nói: “Con cám ơn ông Ngoại đã dọn dẹp phòng của con” / Tôi nói vui, “Cưng cháu ngoại thì ông phải dọn dẹp cho ngăn nắp, sạch sẽ thôi!” / Nó tiếp: “Nhưng ai cho phép ông Ngoại vào phòng con? Ông Ngoại muốn vào phòng con, ông Ngoại phải hỏi con. Nếu con đóng cửa ông Ngọai phải gõ cửa. Nếu con không có ở nhà ông Ngoại phải chờ con về mà hỏi coi con có chấp thuận không? / Tôi nói: “Ngoại là ông Ngoại của con chớ đâu phải người xa lạ đâu con!” / Nó nói: “No! Ông Ngoại là một công dân, con cũng là một công dân. Ông Ngoại phải biết tôn trọng con như tôn trọng người khác. Mỗi công dân đều có quyền riêng tư, ông Ngoại phải biết tôn trọng quyền riêng tư của người khác”. Tôi muốn điên cái đầu và phải nói, “Ngoại xin lỗi con”. Nó nói: “Không có vấn đề, con chỉ nói để ông Ngoại biết thôi!” Nói xong nó sà vào lòng tôi, rồi nói: “I love you ông Ngoại!”
Cháu tôi, tuy sanh trưởng ở Mỹ, nhưng cha mẹ nó và cả tôi khi nói chuyện với chúng đều nói tiếng Việt, nên chúng nói thông thạo tiếng Việt, nhưng, khi nói chuyện, thường thì chúng dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt, cho nên ngôn ngữ của chúng thường khác với ngôn ngữ trẻ em trong nước. Nếu ai chưa nghe quen có thể nghĩ chúng hỗn hào với người lớn.

XIN KỂ CÂU CHUYỆN NGOÀI LỀ:
Ông X. bạn tôi, có đứa cháu 17 tuổi, thường trốn học đi chơi, bị cảnh sát bắt nhiều lần (Ở Mỹ do cưỡng bách đi học, nên dưới 18 tuổi, trong giờ học mà đi lang thang sẽ bị bắt hết) Mỗi lần nó bị bắt, thì ông ta phải ra Tòa bảo lãnh nó. Có lần, sau khi lãnh xong chở nó về nhà, ông X đóng cửa lại và đánh nó một trận. Hậu quả, nó gọi cảnh sát vì bị cha nó hành hung. Cảnh sát đến, bắt ông X đưa ra Tòa.
Khi ra Tòa xét xử, quan Tòa phạt ông một tháng tù treo. Hỏi ông chấp nhận không? Ông X đồng ý. Nhưng, xin có ý kiến. Quan Tòa đồng ý. Ông X nói: “Thưa ông Chánh án, con tôi hư hỏng, tôi đánh để dạy dỗ nó, nếu quý vị không cho tôi đánh để dạy con tôi, sau nầy nó hư hỏng, phạm pháp xin quý Tòa đừng gọi tôi đến bảo lãnh nó” Ông Chánh Án nói: “Con của ông còn vị thành niên, nếu phạm tội chưa thể kết án, khi nó phạm pháp đưa đến đây, là cha mẹ nó ông phải có trách nhiệm bảo lãnh nó đem về dạy dỗ. Nếu ông hành hung nó tức là ông vi phạm pháp luật, về tội hành hung một công dân. Luật pháp có trách nhiệm bảo vệ tất cả mọi công dân. Nếu ông tiếp tục hành hung con ông, chúng tôi sẽ giam giữ ông”.
Sau đó, thằng con ông X lại bị cảnh sát bắt cũng tội lang thang trong giờ học. Ra Tòa, ông X tỏ ra hùng hỗ với con, mắt đỏ ngầu. Khi ông ra về, vị Chánh Án cho một cảnh sát kèm theo ông đưa thằng quý tử về. Khi tiễn người cảnh sát ra cửa, ông X than phiền về thằng con của mình. Người cảnh sát hiểu được lòng ông, nên nói: “Để tôi đi rồi ông cứ đánh nó.” Ông X như mở cờ trong bụng, vào nhà đánh liền thằng quý tử. Nó lại gọi cảnh sát. Một người cảnh Sát khác đến gõ cửa, còng ông X. dẫn ra xe. Trên đường ra xe, ông X kể lại chuyện người cảnh sát trước bảo ông cứ đánh nó. Người cảnh sát cười nói: “Nếu ai bảo ông đốt nhà. Ông có đốt không? Chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ trẻ vị thành niên, dù thông cảm ông nhưng ông phải bị tạm giam chờ ngày ra Tòa”
Ông X kể: “Mẹ! nó hỏi vậy tôi cứng họng luôn anh”.
Sau khi bị giam một tháng, được thả ra, ông X hận thằng quý tử lắm! Ông nghĩ ra kế, dụ nó về Việt Nam chơi.
Đến Việt Nam, sau khi làm thủ tục nhập cảnh xong, vừa ra ngoài cửa ông đánh thằng quý tử “thập tử nhất sanh”. Vừa đánh vừa chửi: “Đ, Mẹ mầy ngon thì gọi cảnh sát đi!”
Vậy mà, sau trận đòn ấy, thằng con ông tỉnh ngộ. Khi trở qua Mỹ, nó tiếp tục đến trường, về sau là một kỹ sư…
*
THÁI QUỐC MƯU
Địa chỉ: 6395 GlenBrook Dr.
             Tucker, GA 30084, USA - Hoa Kỳ.
Email: danviet1995@aol.com
Điện thoại: 404-747-5025











…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 26.08.2017 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét