LỜI HỨA - Truyện ngắn Nguyễn Anh Tuấn (Hưng Yên)

Leave a Comment
(Chùa Nôm, Hưng Yên ; Nguồn ảnh: Thảo Chi)
LỜI HỨA
*
 “Con út trút cửa nhà” nhưng Nguyễn Văn Tố lại không được hưởng điều ấy. Hội Chương là con thứ hai của Phó Thỏa được anh cả Phó Ái (nhiều vợ nhưng không con) để lại cho một “Gánh hát” có nhiều đào kép nổi danh như: kép Liêm. (Con Hội Thiềng) Đào nổi tiếng có: Tí Huyền (con gái lớn Hội Chương, sau này lấy Ký Duy ở Thọ Lão); Tí Thụy (con Chương Thụy sau này lấy Ngô Tín); Tí Uất (Con Binh Uất. Sau lấy Qũy Tình). Cái nghề “Xướng ca” không đủ chu cấp cho gia đình nên Tố ở với anh trai Nguyễn Văn Huấn trong căn nhà tre dựng tạm nhờ đất nhà thờ. Cách mạng thành công rồi nhưng cơm bữa vẫn là rau củ, cháo cám.
(Tác giả Nguyễn Anh Tuấn)
Cuộc sống kham khổ không ảnh hưởng gì tới công việc “ăn cám nhà vác tù và hàng tổng”của Tố. Tố thường cho thằng Tuấn đi theo. Lúc thì ra đình dự mít tinh, khi thì ra Đa Quán giúp bác hỏi chữ người đi chợ Thi. Cụ Đồ Chúc đón bằng “Gia đình có công với nước” Nó cũng đòi theo sang .
Cụ Đồ Ngô Văn Chúc có 9 người con trai và hai cô con gai thì 6 người con trai đã tham gia kháng chiến. Chính quyền kháng chiến công bố quyết định của Chủ tịch nước, tặng bằng khen về thành tích đặc biệt của gia đình. Đây là gia đình đầu tiên ở địa phương được nhận vinh dự này. Thằng Tuấn không biết ai đã tham gia kháng chiến trong số các con của cụ. Nó cũng chưa hiểu Kháng chiến, cứu Quốc là gì nhưng lại thắc mắc với bác chuyện không liên quan gì tới lễ đón nhận (đến nay vẫn chưa ai lý giải được): “Tại sao cụ Đồ lại đặt tên cả chín người con trai đều có chữ C ở cuối (Gộc, Gạc, Giốc, Lục, Cốc, Phác, Xước, Thạc, Tước); còn hai người con gái có chữ C ở đầu (Còng con đầu, Chín con út).
Bác Tố không giải thích chỉ bảo nó: “Để bác cháu ta hỏi Cụ Đồ Chúc sau nhá!”     
Tháng giêng 1949, Tố đang rào làng chiến đấu chống tề ở cổng nhà thờ Đạo, thấy cháu vừa chạy về nhà vừa khóc, máu chảy sướt mướt một bên mặt. Giao việc vội cho anh em, Tố chạy theo chân cháu không kịp:
- Tuấn ơi! Cháu sao thế?
Nó không trả lời chạy vào bếp ôm lưng mẹ nấc lên:
- Con không học anh Linh nữa đâu! 
Mẹ nó dụi vội mồi rơm đang đun nồi cơm sắp sôi quay lại, thấy máu chảy đầy vành tai con vội vàng chạy ra vườn tuốt mấy lá rau ngót bỏ vào miệng nhai…Bác Tố tới cửa bếp :
- Cháu làm sao thế Thím?
Dịt vội miếng lá rau ngót vào tai cho con:
- Em chưa biết đầu cua tai nheo thế nào bác ạ! Bác hỏi cháu giúp em! Em đang dở nồi cơm chưa ghế!
Ông Phó Phúc mau mải trong nhà thờ chạy ra: “Có việc gì thế hả?”.
Con không học anh Linh nữa đâu!
Tuấn nói đứt quãng trong tiếngs khóc.
 Con đánh nó đấy cụ ạ! - Giáo Linh từ ngõ vọng vào - Em nó trong lớp không học ngồi vẽ bậy…vẽ láo! Cụ xem đây này! Anh giáo vừa nói vừa chiềng cho mọi người quyển vở Tuấn bỏ lại lớp không mang về. Phó Phúc mở ra lướt mắt trang đầu và hỏi:
- Anh dậy cả chữ Hán Nôm à?
- Con có biết chữ Nho đâu mà dạy!
- Đây này!?... Tất cả ngạc nhiên nhìn trang vở trên tay cụ Phúc - thấy có các chữ cái: a, b, c, d, đ và dòng chữ Hán Nôm “THƯỢNG ĐẲNG PHÚC THẦN” trên nền hoa văn hình chữ nhật ở dưới - Đây là chữ đề trên đại tự treo ở Đinh mới.
- Ai dạy con những chữ này! Phó Phúc đưa cuốn vở về phía thằng Tuấn đang chùi nước mắt.
- Cháu vẽ cái treo trên đầu chứ có ai dậy đâu!
Phó Phúc gật gật giở tiếp trang hai: dưới chữ e, g, h, i, k là hình cửa võng. Trang ba không thấy chữ nào, chỉ là những nét lộn xộn, túa rua tạo thành hình tam giác. Ông hỏi: “Cháu vẽ gì ở trang này?” Nó bảo: “ Cháu vẽ hình trên nóc Đình, chưa xong thì bị đánh”. Giáo Linh vội cắt ngang:
- Nó mới học được hai hôm, xong mười chữ cái. Hôm nay ngồi chống tay lên má, nghếch mắt, lơ đãng, không chép bài. Con đi xuống thấy trên trang giấy có hình “bậy bạ”! nên cho một roi mây vào tay cầm bút, roi quặt vào tai, thế là nó vừa chửi vừa chạy về, không giám quay lại lấy vở.
- Hay chữ dữ đòn là đúng rồi! Nhưng hình nó vẽ là “Tứ linh”, “tứ quý” chạm khắc trên kẻ truyền của câu đầu Đình đấy!
- Sao nó vẽ được? Giáo Linh ngỡ ngàng.
- Từ lâu nó xuống chỗ tôi chơi, lân la mở “BÁCH GIA KỲ THƯ” xem rồi vạch xuống mặt sân, lên tường nhà thờ những hình vẽ theo minh họa các “tượng” trong 64 quẻ. Tôi vẫn khuyến khích, khen nó có khiếu vẽ.
Giáo Linh ngạc nhiên không thể tin được những nét bút chì thanh, đậm, uốn lượn tạo hình trên trang giấy kia lại là của cậu học trò vừa bị ăn đòn!? Linh lễ phép! 
- Con đánh oan em rồi! - quay về phía học trò - Ngày mai em đến lớp học nhé!
- Em không học nữa đâu!
- Được rồi! Để chúng tôi  khuyên bảo em sau!
Cả nhà khuyên bảo thế nào nó vẫn một mực không chịu đi hoc.
Nể gia đình, giáo Linh tới tận nhà nhận lỗi về mình nó vẫn khăng khăng không trở lại lớp.
- Học thày khác chứ không học Anh Linh! Anh ấy đánh đau lắm!
Bác Tố bàn: “Hay Để tôi dạy cháu”.
Được học bác Tố nó vui lắm! Hơn một tháng sau nó khoe với thằng Hiến (bạn học ba ngày)
- Tao học xong bảng chữ cái rồi.
- Tao biết đánh vần, ghép vần có dấu rồi.
- Tao thuộc cả bảng cửu chương rồi! Bác tao còn thưởng cho tao cái cặp đẹp lắm vì tao bảo: “Chí cần học 8 bảng thôi! Còn bảng số1 Trùng với các bảng khác, không học cũng biết ”. Nó say sưa:
- Bác tao dạy giỏi lắm! Bác tao đi bộ đội xong lại về dạy tao học tiếp! Mày đến đây học cho vui! Nghe nó nói thằng Hiến mặt đực ra như ngỗng ỉa, vì nó còn chưa nhận hết mặt 24 chữ cái.
- Bác còn hứa: khi bác gái sinh em bé bác sẽ về! Bác mua cho em bé của bác áo hoa, mua cho anh Sinh con trai trưởng của bác Huấn thật nhiều kẹo…!
Nó có biết đâu bác Tố đã nói với bố Na, mẹ Nghĩa nó tối hôm qua sau khi hai nhà giết lợn, làm cơm úy nạo đơn vị bộ đội về làng: “Chú thím nhớ tìm thày cho cháu học tiếp. Ngày mai tôi theo C32. Tôi có ở nhà thì cũng hết chữ rồi!”
Bác Tố gái đẻ chị Nguyễn Thị Nữ cũng chưa thấy bác Tố trai về! Chỉ có người của đơn vị về báo:“Nguyễn Văn Tố đã hy sinh trong trận chống càn trên cánh đồng Tam Thiên Mẫu (Giáp bốn huyện Khoái Châu, Kim Động, Ân Thi, Yên Mỹ - Hưng Yên) ngày 07-12-1952.
*
NGUYỄN ANH TUẤN
(Bút hiệu Đồ Cóc)
Địa chỉ: 63 K2 thị trấn Trần Cao
huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên.
Email: nguyenanhtuanhydc@gmail.com
.Điện thoại: 0167.832.17.75

.







…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 29.07.2017 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét