MỘT BÀI THƠ GIÀU NHÂN HẬU - Tác giả: Nguyễn Xuân Dương (Bắc Ninh)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: internet)
MỘT BÀI THƠ GIÀU NHÂN HẬU
*
PHỐ GẬP

Đêm đã khuya sao chưa về thưa mẹ
Xe cũng thưa, bàn chân vội lắm rồi
Thoảng nhân tình dìu nhau vào lối mộng
Ai còn dừng mua cho mẹ, mẹ ơi !
Lụm đèn đường đọng vũng mớ mồng tơi
Dăm quả dưa sắp hàng bên mướp đắng
Tấm lưng còng cong vào thầm lặng
Nếp nhăn nheo rịn ướt khẳng khiu gầy.
Xin lỗi Người vì câu hỏi đêm nay
Bởi thắc mắc của con đã khơi vào mạch buồn đời mẹ
Phút giây này
sự chở che vẫn dành ” Lũ trẻ”
Con tái lòng
đoán khẽ một miền quê…
Giọt giọt buồn ầng ậng nấp bờ mi
Chuông nhà thờ điểm vừa mười một tiếng
Nghèo bàn tay trước tấm lòng thiện nguyện
Giầu nụ cười trăng khuyết…
Rưng lòng !!!
Phố gập mẹ vào trong một khúc cong…

Nhãn đầu mùa vít cong cành trĩu nặng
Ngọt môi mềm Thu rạo rực chờ anh!
*
HÀ NGỌC 
LỜI BÌNH:
(Tác giả Nguyễn Xuân Dương)
Có những lúc tôi đã từng nghĩ lớp trẻ bây giờ thường sống vô cảm trước những điều được mất đau thương của cuộc đời. Nhưng khi đọc bài thơ PHỐ GẬP của Hà Ngọc tôi tự thấy mình hồ đồ võ đoán. Vẫn còn đó những con người trẻ tuổi, vẫn còn đó những tấm lòng nhân hậu, nhân hậu lắm biết sẻ chia và thấu hiểu với những số phận người nghiệt ngã. Đọc PHỐ GẬP của Hà Ngọc tôi còn nhận chân được một điều đó là tài năng trong sáng tạo ngôn ngữ của lớp trẻ bây giờ. Với bài thơ này để nói cho hết cuộc đời nổi chìm của Mẹ phải biết sử dụng và sáng tạo ra một dạng ngôn ngữ rất riêng và Hà Ngọc đã làm được. Vẫn còn một yếu tố nữa yếu tố quyết định nhất để bài thơ đi được vào lòng người và nằm lại trong đó bắt chúng ta cùng day dứt trăn trở thấu hiểu sẻ chia với những thân phận người. Đó chính là lòng nhân hậu. Không có một tấm lòng nhân hậu biết sẻ chia thấu hiểu Hà Ngọc không thể có được bài thơ đong đầy nước mắt như thế.
“Đêm đã khuya sao chưa về thưa mẹ
Xe cũng thưa, bàn chân vội lắm rồi
Thoảng nhân tình dìu nhau vào lối mộng
Ai còn dừng mua cho mẹ, mẹ ơi!”
Hà Ngọc không khắc họa chân dung về người mẹ của mình mà là chân dung một người mẹ trong một đêm khuya khoắt em gặp mẹ ở vỉa hè. Khuya lắm rồi những bàn chân đã rất vội vàng sau một ngày đêm lao động bươn trải trở về nhà. Chỉ thỉnh thoảng thôi những cặp nhân tình dìu nhau - những con người không cần đến thứ hàng của mẹ. Sao mẹ vẫn ngồi đó, mẹ ơi? Chỉ một khổ thơ đã nhói vào lòng ta. Rồi Hà Ngọc lại khắc họa tiếp cảnh về đêm 
“Lụm đèn đường đọng vũng mớ mồng tơi
Dăm quả dưa sắp hàng bên mướp đắng
Tấm lưng còng cong vào thầm lặng
Nếp nhăn nheo rịn ướt khẳng khiu gầy.”
Một cảnh đêm chỉ có riêng của Hà Ngọc chính là ở óc quan sát, liên tưởng, sự hóa thân và tài năng ngôn ngữ. Đèn đường chỉ là một lụm, Vâng chút ánh sáng nhỏ nhoi, nhỏ nhoi đến nỗi chỉ còn lại một lụm ta như thể nuốt chửng được nó. Nhưng em vẫn nhìn thấy mẹ qua cái lụm đèn đường ấy để khắc họa chân dung mẹ. Đây không còn là cái nhìn thuộc về thị giác mà cái nhìn thuộc về nỗi tâm. Câu thơ thật đắc địa “Lụm đèn đường đọng vũng mớ mồng tơi” Một câu thơ cho ta hiểu thêm cái nghèo nàn về gánh hàng rau của mẹ. Mẹ ngồi đó lâu lắm rồi đến nỗi lụm đèn đường đã đọng lại thành vũng trên mớ rau mồng tơi đã héo úa. Vẫn chưa hết cái nghèo nàn lại được Hà Ngọc khắc họa tiếp “Dăm quả dưa sắp hàng bên mướp đắng” Chỉ đơn sơ thế thử hỏi được mấy xu, mấy hào tiền lãi? Thế mà mẹ vẫn tháng ngày góp nhặt để nuôi con cho đến nỗi “Tấm lưng còng lại cong thêm" trên phố phường thầm lặng, cong thêm vào cuộc đời thầm lặng của mẹ. Để cho tất cả hình hài của mẹ trông tang thương dâu bể của một kiếp người “Nếp nhăn nheo rịn ướt khẳng kheo gầy”. Câu thơ như cái cật nứa tuốt ngược vào trái tim ta.
“Xin lỗi Người vì câu hỏi đêm nay
Bởi thắc mắc của con đã khơi vào mạch buồn đời mẹ
Phút giây này
sự chở che vẫn dành " Lũ trẻ"
Con tái lòng
đoán khẽ một miền quê...”
Đọc khổ thơ này ta càng khẳng định thêm về tấm lòng nhân hậu của nhà thơ trẻ Hà Ngọc khi em nghĩ rằng chính sự cảm thông chia sẻ này có thể làm đau lòng người mẹ không quen biết ở một miền quê xa xôi nào đó trôi dạt về đây kiếm sống bằng gánh hàng rau nghèo nàn.
“Giọt giọt buồn ầng ậng nấp bờ mi
Chuông nhà thờ điểm vừa mười một tiếng
Nghèo bàn tay trước tấm lòng thiện nguyện
Giầu nụ cười trăng khuyết...
Rưng lòng !!!
Phố gập mẹ vào trong một khúc cong...”
Đêm khuya lắm rồi mẹ ơi! Giờ này còn ai mua rau cho mẹ nữa. Về nhà thôi mẹ ơi. Hay mẹ chẳng có nhà đâu để mà về. Nghĩ đến đây mắt con đã ầng ậng nước. Con cũng chẳng thể nào giúp gì mẹ được, con chỉ biết khóc thầm thương mẹ mà thôi.
Mẹ không thể về hay mẹ không có nơi chốn để mà về? Phố thương mẹ chở che mẹ hay phố phũ phàng với mẹ khi: “PHỐ GẬP MẸ VÀO TRONG MỘT KHÚC CONG”? 
Bài thơ đã khép lại rồi ta vẫ cứ nhìn thấy cái phố đêm với lụm đèn đường đang gập mẹ vào trong một khúc cong làm cho cuộc đời đã nghèo nàn càng thêm nghèo nàn.
PHỐ GẬP là bài thơ được viết ra không chỉ bằng nước mắt mà còn bằng máu của con tim giàu nhân hậu của nhà thơ trẻ Hà Ngọc ./.


Mời thư giãn với nhạc phẩm XIN LÀM NGƯỜI HÁT RONG
của Trần Long Ẩn, qua tiếng hát Phương Thanh:

*
NGUYỄN XUÂN DƯƠNG
Địa chỉ: Nhà số 7 Đường Thành Cổ,
Phường Vệ An - Thành phố Bắc Ninh
Email: nguyenxuanduong1940@gmail.com
Điện thoại: 0167.224.23.92
                                         





…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật từ email: datinh_1974@yahoo.com gửi ngày 13.08.2017
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

0 comments:

Đăng nhận xét