Thư đi thư lại: VÀI TRAO ĐỔI CỦA NGUYỄN BÀNG VỚI CHU VƯƠNG MIỆN (*) - Tác giả: Nguyễn Bàng (Sài Gòn)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: internet)
Thư đi thư lại:
VÀI TRAO ĐỔI CỦA
NGUYỄN BÀNG VỚI CHU VƯƠNG MIỆN
*
Được tác gia, nhà giáo Nguyễn Bàng, hiện cư trú tại thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ những trao đổi qua email của Ông với nhà thơ Chu Vương Miện, đang định cư tại Hoa Kỳ, xoay quanh những quan tâm về văn sĩ, địa danh, lịch sử,... của Việt Nam. Chúng tôi trộm nghĩ, những “quan tâm nho nhỏ” của 2 Ông chắc sẽ hữu ích với nhiều bạn đọc, vì thế, trang Đặng Xuân Xuyến đã biên tập và trân trọng chia sẻ cùng bạn đọc.
                         


Nhà thơ CHU VƯƠNG MIỆN:
(Hoa kỳ: 09.02.2018)   
Kính anh!
(Nhà thơ Chu Vương Miện)
Em nhớ không lầm. Em nhìn ảnh rõ ràng trong tờ Kiến Thức Ngày Nay hình ảnh bà Anh Thơ mang nhiều huy chương và chủ trì một buổi họp.
Có lẽ em nhớ sai chăng?
Chuyện 60 năm rồi. Thật cũng như giả (mà giả cũng như thật).
Với lại qua nhà văn Nguyễn Vỹ, ông này làm thơ viết văn dưới trung bình, lại gàn dở. Trình độ tú tài 2 của Pháp mà viết sai nhiều lắm. Nhất là về kiến thức phổ thông.
Với bút hiệu là Diệu Huyền, giải thích chung chung, trình độ trung học cũng không xong. 
Tờ Bách Khoa nêu ra gần 2000 câu giải thích sai của Nguyễn Vỹ. 
Đọc giả hỏi: thưa ông nhiệt giải có 2 thứ, nhiệt giải ký hiệu C và nhiệt giải ký hiệu F, xin được giải thích. 
Nguyễn Vỹ trả lời: nhiệt giải ký hiệu C, có nghĩa là CHAUD, dùng để đo nhiệt độ nóng. Và nhiệt giải ký hiệu F (froid) là nhiệt giải đo nhiệt độ lạnh.
Câu hỏi khác: xin giải nghĩa từ giai nhân.
Nguyễn vỹ giải thích như sau: giai nhân là người đẹp. Đàn ông mà đẹp cũng là giai nhân.
Chuyện Nguyễn Vỹ khen Mộng Sơn hay Anh Thơ hoàn toàn do cá nhân.
Ngay cuốn Thi Nhân Việt Nam, khá ngang với Nhà Văn Hiện Đại của Vũ Ngọc Phan. Tuy nhiên chọn thêm Thu Hồng, Nam Trân thì Nguyễn Vỹ chê là thiếu vô tư (cá nhân).

Nhà giáo NGUYỄN BÀNG:
(Sài Gòn: 09.02.2018)
(Nhà văn Nguyễn Bàng)
Tôi có cảm nhận bác không ưa Nguyễn Vỹ nên bác đã sổ toẹt hết tài năng và giá trị thơ văn của ông ấy. Mà không chỉ có bác, ngay từ khi Nguyễn Vỹ xuất hiện trên thi đàn thì Nhất Ly (Hoàng Đạo) và Lê Ta (Thế Lữ) cũng đã dìm hàng ông ấy với những lời lẽ rất tệ. Sau đó Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam cũng bình luận Thơ Nguyễn Vỹ bằng những lời cũng chẳng hay ho gì.
Tôi văn dốt, thơ mù nhưng tôi thấy Nguyễn Vỹ không như thế. Ông ta có chút gàn gàn nhưng là cái gàn của người thông minh chứ không phải là cái gàn của kẻ dốt nát. Cái cách giải đáp kiểu về nhiệt giải như bác nói cũng chỉ là cách nói hài của anh tự nhận là dốt đặc còn hơn hay chữ lỏng mà thôi chứ không phải là của anh tú tài toàn phần.
Nguyễn Vỹ chỉ với hai bài thơ Sương Rơi và Gửi Trương Tửu cũng đáng gọi là nhà thơ có tài rồi. Một bài đã tìm được một cái nhạc điệu mới như thế; một bài rất coi trọng tứ thơ đến thế, cả hai đáng gọi là kiệt tác rồi. Mà chỉ cần một câu: “Nhà văn An Nam khổ như chó” được hàng triệu người thuộc nhớ đến đau lòng suốt mấy chục năm qua cũng đủ để gọi Nguyễn Vỹ là nhà thơ lớn rồi.
Há chẳng thấy, nhà nhà làm thơ, người người làm thơ ở Việt Nam, có nhà có hàng chục tập thơ, có người có hàng trăm bài thơ nhưng đã mấy nhà mấy người được người đời đón đọc chứ chưa nói là thuộc cho một nửa câu thơ. Tôi thì cứ đọc mà nhớ thơ ai đó dù chỉ một câu cũng đã bái phục người ấy và gọi họ là nhà thơ. Còn những nhà khác thấy nói viết nhiều thơ lắm nhưng nhìn cái tiêu đề bài thơ hoặc nhìn tên tập thơ đã không muốn đọc thì chỉ coi họ là người đang muốn làm thợ thơ mà thôi.

Nhà thơ CHU VƯƠNG MIỆN:
(Hoa kỳ: 09.02.2018)   
Kính bác!
Theo hồi ký của nhà văn Nguyễn Vỹ thì bà Anh Thơ có tên là Mộng Sơn, bạn cùng với Bàng Bá Lân và Nguyễn Vỹ, sau lập gia đình với một bác sỹ và sau 1954 thì có thời gian dài bà Anh Thơ là Thủ trưởng Văn hóa Thông tin, ngang cấp với Cù Huy Cận.
Câu chuyện cũng có phần giống như bài Rau Sắng Chùa Hương của cụ Tản Đà:
"Muốn ăn rau sắng chùa hương
Tiền đò ngại tốn con đường ngại xa.
Người đi ta ở lại nhà
Cái dưa thời khú cái cà thời thâm"
Cám ơn bác! 

Nhà giáo NGUYỄN BÀNG:
(Sài Gòn: 09.02.2018)
1/ Đúng là năm 1957, nữ sĩ  Anh Thơ kết hôn với Bác sĩ Khoa thần kinh Bùi Viết Dinh. Tuy tuổi đã trên dưới 40 nhưng họ sống với nhau rất hạnh phúc.
Nhưng không có chuyện “và sau 1954 thì có thời gian dài bà Anh Thơ là Thủ trưởng Văn hóa Thông tin, ngang cấp với Cù Huy Cận”. Anh Thơ chỉ giữ vai trò Bí thư Phụ nữ huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, từ 1946 đến 1956, rồi bà lần lượt tham gia Thường vụ Phụ nữ tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn rồi phụ trách Đội Phụ nữ văn công Trung ương.
Cũng không có chuyện “bà Anh Thơ có tên là Mộng Sơn” vì bà Mộng Sơn (1916-1992) tên thật là Vũ Thị Mai hay Vũ Thị Mai Hương là một nhà văn, nhà báo, nhà thơ Việt Nam, nổi danh thời tiền chiến. Trong phong trào thơ mới, Mộng Sơn tích cực tham gia trường phái thơ Bạch Nga do Nguyễn Vỹ khởi xướng. Chính Nguyễn Vỹ kể:
Mộng Sơn, bước chân vào làng văn một lượt với Anh Thơ, nhưng lớn hơn tác giả "Bức tranh quê" vài ba tuổi. Lúc đầu, nàng lấy bút hiệu là Sơn Tiên, Vũ Thị Mai, rồi đổi lại là Mộng Sơn sau khi đã đăng vài ba bài thơ khả ái trên báo Đông Phương của Lan Khai...
Có chăng hai bà Anh Thơ và Mộng Sơn đều quê ở Phủ Lạng Thương
2/ Hà Nội thời còn Pháp còn có cây bút nữ ký tên là Bà Vũ Bá Hùng, thường đăng thơ trên nhật báo Tia sáng và tuần báo Cải tạo mà tôi nhớ mấy câu:
Ta nhớ khi con tuổi ấu thơ
Thích chơi bắn súng, đánh nhau vờ
Trò đùa khi trước nay thành thật
Với nỗi gian lao thật chẳng ngờ.

Nhà thơ CHU VƯƠNG MIỆN:
(Hoa kỳ: 09.02.2018)   
Kính bác!
Em có nghe lơ mơ về cái tỉnh Hưng Hóa. Hình như có từ thời nhà Mạc mà không thấy sách sử nào nói tới? Cái tỉnh Hưng Hóa này ở chỗ nào?
Bác dạy học, nếu bác biết thì viết cho em ít dòng.
Em có người thân quê quán ở tỉnh Ninh Bình, họ nói ở tỉnh Ninh Bình cũng có quận Kim Sơn, Tiền Hải?
Và tỉnh Thái Bình, cụ Nguyễn Công Trứ cũng lập ra quận Kim Sơn, Tiền Hải?
Thưa bác! Em nhờ cái blog mà đầu óc tỉnh táo ra, chứ trước đây 4 năm đầu óc trì trệ (quên hết)

Nhà giáo NGUYỄN BÀNG:
(Sài Gòn: 09.02.2018)
Bác hỏi toàn những câu hỏi đau đầu.
Tôi làm nghề “GODAUTRE” 41 năm, do không học Sư phạm gì cả nên chỉ được dạy Phổ thông cấp 2, giờ gọi là Phổ thông cơ sở. Các môn dạy chia làm 2 bộ: Bộ môn Khoa học xã hội gồm Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân; bộ môn Khoa học tự nhiên gồm Toán, Lý, Hóa, Sinh, Kỹ thuật và Vệ sinh.
Thời đó Ban giám hiệu thích ai thì cho dạy Văn, Sử, Toán, Lý, Hóa, Sinh; ghét ai thì cho dạy Địa lý, Vệ sinh. Có một đôi năm tôi chỉ được dạy môn Địa lý do phát biểu mất lập trường giai cấp. Nhờ có dạy môn này, tôi có đọc và dạy cho học sinh một số miền đất nước, trong đó có Kim Sơn Tiền Hải.
Không có quận Kim Sơn Tiền Hải nào cả, bác Chu à mà chỉ có huyện Kim Sơn ở tỉnh Ninh Bình và huyện Tiền Hải ở tỉnh Thái Bình. Cả hai huyện này đều do công của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ giúp dân tạo dựng, Tiền Hải có trước rồi sau mới có Kim Sơn.
Huyện Tiền Hải nằm kẹp giữa hai cửa biển Trà Lý và Ba Lạt của sông Hồng do Nguyễn Công Trứ chiêu tập dân nghèo và dân lưu vong ở vùng biển Nam Định khai khẩn mà thành, được  triều đình nhà Nguyễn cho đặt tên là huyện Tiền Hải thuộc phủ Kiến Xương, trấn Nam Định (về sau tách sang cho tỉnh Thái Bình nên nay huyện Tiền Hải thuộc tỉnh Thái Bình)
Ninh Bình là một tỉnh nằm ở cửa ngõ cực nam miền Bắc Việt Nam, thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng dù chỉ có 2 huyện duyên hải là Yên Khánh và Kim Sơn có địa hình bằng phẳng còn hầu hết là vùng chiêm trũng và đồi núi.
Lập xong huyện Tiền Hải, Nguyễn Công Trứ lại tổ chức dân khai phóng vùng đất hoang hóa ven biển Ninh Bình thành vùng đất trù phú và được triều đình thành lập huyện mới lấy tên là huyện Kim Sơn (Ninh Bình).
Về sau, dân ở 2 huyện trên Tiền Hải và Kim Sơn đều đã lập đền thờ Nguyễn Công Trứ để khắc ghi công lao to lớn của ông và có thói quen khi nói về sự kiện này người ta thường gộp lại thành Kim Sơn Tiền Hải.
Trung tâm huyện Kim Sơn là thị trấn Phát Diệm. Kim sơn có rượu ngon nổi tiếng cả nước.
Trong thời chiến chống trả máy bay Mỹ bắn phá miền Bắc, Kim Sơn cùng với Hải Hậu (Nam Định) và Tiền Hải (Thái Bình) là những đơn vị đầu tiên đạt năng suất lúa 5 tấn/ha nên có ông thợ nhạc đã viết bài ca:
Cô Ba dũng sĩ quê ở Trà Vinh/ Chị hai năm tấn quê ở Thái Bình / Hai chị em trên hai trận tuyến, anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang.”
2/ Hưng Hóa là một tỉnh cũ của Việt Nam vào nửa cuối thế kỷ 19. Tỉnh Hưng Hóa được thành lập năm 1831. Đây là một trong số 13 tỉnh được thành lập sớm nhất ở Bắc Kỳ. Tiền thân của tỉnh Hưng Hóa là đạo thừa tuyên Hưng Hóa, rồi trấn Hưng Hóa. 
Tỉnh Hưng Hóa là một vùng đất rộng lớn gồm nhiều địa danh châu huyện , trong thới pháp thuộc đã bị thay đổi hành chính và đổi tên nhiều lần, nay phần đất chính trong đó có thành Hưng Hóa là tỉnh Phú Thọ.
Hưng Hóa có liên quan tới nhà Mạc hay không?
Việt sử thông giám cương mục”  ghi:
Lại xét: trong năm Mạc Minh Đức thứ 2, tức là năm Minh gia tĩnh thứ 7 (1528), sử cũ chép Đặng Dung sợ nhà Minh hỏi tội, bàn tính chuyện cắt đất dâng hai châu Quy, Thuận; Vua Minh thu nhận. Từ đó, Nam Bắc lại có sứ giả đi lại thông hiếu. Nhưng, nay tra cứu bản đồ nước ta thì có Quy Hóa châu và Thuận châu. Hai châu này hiện nay thuộc tỉnh Hưng Hóa. Trong Đại Thanh nhất thống chí tuy có chép châu Quy Thuận nguyên thuộc phủ Trấn An tỉnh Quảng Tây nhà Thanh đấy thật, nhưng hai châu mà sử cũ gọi là Quy, Thuận có lẽ tức là Quy Hóa và Thuận Châu đó thôi”.
 Nhưng sau này, Trần Quốc Vượng đã đi sâu hơn vào sự kiện này và viết tham luận:
 “Toàn thư chép: Mậu Tý (1528) Đăng Dung sợ nhà Minh đem quân sang hỏi tội bèn lập mưu cắt đất dâng nhân dân hai châu Quy Thuận” Minh sử không hề chép chuyện này và từ năm 1968 thầy tôi, giáo sư Đào Duy Anh khi hiệu đính bản dịch “Toàn thư” đã chú thích về việc này như sau: “hai châu Quy Thuận thì nhà Tống đã chiếm từ thời Lý nước ta rồi” đó là hai châu Quy Hóa và Thuận An do hai thủ lĩnh Nùng Trí Hội và Nùng Tôn Đán nộp cho nhà Tống về sau trở thành châu Quy Thuận và châu Quy Dịn trong khẩu ngữ Tày Nùng của tỉnh Quảng Tây, vậy có liên quan gì đến nhà Mạc
Tôi chỉ biết thế, Bác nên nghiên cứu thêm.

Nhà thơ CHU VƯƠNG MIỆN:
(Hoa kỳ: 09.02.2018)   
Kính bác!
Bác nói Hưng Hóa là một phần của  tỉnh Phú Thọ. Em có mang bản đồ Việt Nam ra tra cứu thì thấy như sau: trên cùng là Hà Giang và Cao Bằng, thụt xuống là Tuyên Quang, Bắc Cạn và Cao Bằng. Bên trái Hà Nội là Phú Thọ, Vĩnh Yên, Phúc Yên. Bên phải là Bắc Giang, Bắc Ninh. 
Sau này quận Đông Anh (có thành Cổ Loa) của Phúc Yên nhập vào Hà Nội, các quận còn lại với Vĩnh Yên nhập vào Phú Thọ, gọi là Vĩnh Phúc.
Trong sử của cụ Trần Trọng Kim thì nhà Mạc còn 2 chấu Ung Châu và Khâm Châu cùng 5 động Là Phù Liêu Cát
Nếu tỉnh Hưng Hóa, sau này là Phú Thọ, thì khoảng cách tới Trung Quốc ít nhất cũng là 600 cây số, không dính dáng chi tới biên giới Việt Trung.
 Nếu có cắt thì 6 tỉnh vùng biên giới chớ sao khi không lại cắt đất ở tỉnh Hưng Hóa? Bác nghĩ lại xem?

Nhà giáo NGUYỄN BÀNG:
(Sài Gòn: 09.02.2018)
1/ Trong thư tôi có nói: Tiền thân của tỉnh Hưng Hóa là đạo thừa tuyên Hưng Hóa, rồi trấn Hưng Hóa. Nhưng không nói cụ thể  Đạo thừa tuyên Hưng Hóa hồi thế kỷ 15 bao gồm đất đai thuộc các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ ngày nay, cùng một phần lãnh thổ Lào (thuộc các tỉnh Hủa Phăn, Xầm Nưa) và một phần tỉnh Vân Nam Trung Quốc hiện nay. Trải qua lịch sử, Hưng Hóa bị cắt ra thành nhiều địa danh, đến năm 1903 tỉnh Hưng Hóa mới (phần còn lại) được đổi tên thành tỉnh Phú Thọ, thành Hưng Hóa thuộc Phú Thọ.
2/  Câu ca dao:
Ai lên phố Cát, Đại Đồng
Hỏi thăm cô Tú lấy chồng hay chưa…
Đã được Phạm Duy soạn lại thành:
Ai về chợ huyện Thanh Vân
Hỏi thăm cô Tú đánh vần được chưa…
trong một bài hát cổ động phong trào Bình dân học vụ
Ai lên phố Cát cũng là nguồn cảm hứng cho nhà văn Lan Khai viết cuốn tiểu thuyết lịch sử cùng tên, xuất bản lần đầu 1937. Tôi đọc tác phẩm này hồi tái bản 1952 một cách say mê với cuộc tình của Vũ Mật và Lan Anh.
Thành Bàu hay còn gọi là thành Biều hoặc thành nhà Bầu, thành Nghị Lang là của Vũ Văn Mật được xây dựng để chống lại nhà Mạc trong thời Nam - Bắc - triều là giai đoạn lịch sử nội chiến giữa nhà Mạc và nhà Lê trung-hưng của con cháu nhà Lê do họ Trịnh ủng hộ từ năm 1527. Không chỉ có một thành Bàu mà là các thành Bàu dựng dọc theo thung lũng Sông Chảy ở vùng đất tự trị Đại Đồng trấn Tuyên Quang và chúa Bầu Gia Quốc Công Vũ Văn Mật.
Vậy không thể nói thành Bàu là của nhà Mạc. Nhà Mạc có 2 thành ghi danh lịch sử, đó là thành nhà Mạc ở Kiến Thụy, Hải Phòng và thành nhà Mạc ở Tuyên Quang.
3/ An Hải là vùng đất thuộc Hải Phòng, vì vậy năm 1826, Phan Bá Vành nổi dậy tại vùng châu thổ sông Hồng thuộc các tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Hải Phòng và Nam Ðịnh ngày nay thì hiển nhiên là một vùng đất loạn lạc bất trị.
Theo lịch sử và cả những lời tương truyền:
Phan Bá Vành người Thái Bình, là thủ lĩnh của nông dân vùng Sơn Nam Hạ nổi dậy chống lại quan quân Bắc thành thời vua Minh Mạng.
Lúc đầu, cuộc nổi dậy là tập hợp những người nông dân cùng khổ và dân tộc Mường trong vùng bị bọn tham quan hà hiếp nên bùng phát rất mạnh. Nhưng cuộc nổi dậy mất đi ý nghĩa khi Phan Bá Vành kết hợp với phe Nguyễn Hạnh, Chiêu Liễn (các tướng cũ của Tây Sơn dù lúc này Hạnh đã gần 70 tuổi) phù Lê Duy Lương ở Đồ Sơn nên bị triều đình thẳng tay đàn áp.
Tháng 2 năm Bính Tuất (1826) cuộc nổi dậy bùng nổ ở vùng châu thổ sông Hồng khi Phan Bá Vành tập hợp được khá nhiều người tài giỏi và binh lực hùng hậu đánh bại mọi cánh quân của Bắc thành. Chiến công oanh liệt là ở Hải Dương, Bá Vành lập mưu đưa 200 chiến thuyền đến cảng Tiền Hải, rồi tung tin là thuyền bị mắc cạn. Tổng trấn Nam Định tin thật, điều động thủy quân tiến đánh. Thế là quân Nguyễn trúng phục kích chết hết và thuyền bè khí giới bị cướp sạch.
Tháng 12 cùng năm, Bá Vành lại tiếp tục thắng lớn ở cửa sông Văn Úc (Hải Phòng). Trận này quân Nguyễn do Phú vệ Hùng Cự và Đốc phủ Tiên Hưng chỉ huy dùng voi chiến đàn áp, quân Bá Vành chạy tán loạn thì xuất hiện một tráng sĩ (sách nhà Nguyễn chép là người cháu của Bá Vành tên Phan Khánh) dẫn một đám người tay cầm đại đao xông vào đánh nhau với voi, voi cuốn vòi chạy lui, biến thua thành thắng. Hùng Cự chết tại trận, Tiên Hưng bị bắt, cạo trọc đầu thả về để làm nhục triều đình.
Một năm trôi qua nhưng quan quân Bắc thành không dẹp được. Tháng Giêng năm Đinh Hợi (1827), vua Minh Mạng sai Binh tào Thị lang Nguyễn Công Trứ mang đạo quân Long Phi Hổ Dược từ Kinh đô ra Bắc dẹp loạn. Tháng 2, quân triều đình tiến đến Cổ Trai, Bá Vành rút về Trà Lũ bốn bề là ruộng bùn, xây đồn đắp lũy cố thủ. Ngoài ra, Bá Vành còn cho đào một con rạch thẳng ra biển để làm đường rút.
Ngày 26/02/1827, Bá Vành khao quân dạo hồ thăm dò quân tình. Nguyễn Công Trứ cho ca kỹ mở tiệc ca hát, Vành không nghi ngờ gì còn xem thường Công Trứ là phường hủ nho. Đột nhiên, Công Trứ ra lệnh tấn công. Quân Vành rối loạn bởi tính bất ngờ, Vành ra lệnh mở cửa rạch để rút ra biển nhưng không ngờ Công Trứ đã cho quân mang sẵn hơn 500 sọt đựng cát lấp rạch từ trước rồi. Quân triều đình vây đánh từ nhiều phía, quân Vành chết vô số. Riêng Bá Vành bị trúng đạn ở đùi, rồi bị bắt cùng với nhiều thuộc hạ của mình. Áp giải đến Bắc thành, Phan Bá Vành cắn lưỡi tự vẫn. Cuộc nổi loạn chấm dứt. Vậy là An Hải cùng các vùng đất trước đây được yên ổn từ đó.
Và theo đây, Nguyễn Công Trứ dẹp Phan Bá Vành không phải là trên vùng An Hải và cũng không phải là 5 năm. Nhưng cuộc nổi dậy của Phan Bá Vành từ 1821-1827 cũng dư 5 năm.


Mời thư giãn với nhạc phẩm ĐẤT NƯỚC
của Phạm Minh Tuấn, qua tiếng hát Tùng Dương:
           
  ........................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 28.03.2018.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang blog Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

0 comments:

Đăng nhận xét