Thư đi thư lại: ĐỌC SÁCH & CHUẨN... “VIỆT” - Tác giả: Nguyễn Bàng (Sài Gòn)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: Hoàng Thái Hùng)
Thư đi thư lại:
ĐỌC SÁCH & CHUẨN... “VIỆT”
(NGUYỄN BÀNG, VŨ LAI HẢI, LÊ VY)
*
Được tác gia, nhà giáo Nguyễn Bàng, hiện cư trú tại thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ những trao đổi qua email của Ông với 2 Ông Lê Vy và Vũ Lai Hải, những quan tâm xoay quanh về “chuẩn hóa tiếng Việt” và “chuyện đọc sách” thời internet.…. Trộm nghĩ, những “thư đi thư lại” của 3 Ông sẽ hữu ích với nhiều bạn đọc …, vì thế, trang Đặng Xuân Xuyến đã biên tập lại và trân trọng chia sẻ tới bạn đọc.
*
Ông LÊ VY
(Ông Lê Vy, cán bộ hưu trí)
(Sài Gòn: 17.04.2018)
Mong được nghe lời bàn:
(Ông Lê Vy gửi kèm bài viết)
“MỘT QUAN NIỆM RẤT SAI VỀ TIẾNG VIÊT
- Hữu Đạt -
Báo Văn nghệ số 16 (năm 2014) có bài “Tiếng Việt chưa có chuẩn” của tác giả Phạm Thuận Thành. Đây là một bài viết có nhiều lập luận  thiếu cơ sở khoa học, hơn nữa, về tư tưởng còn bộc lộ một thái độ coi thường tiếng Việt, có tác động không tốt đến tầng lớp thanh thiếu niên. Vì vậy, với thái độ thẳng thắn, chúng tôi thấy cần trao đổi với tác giả bài viết một số vấn đề đáng chú ý sau đây.
Thứ nhất, bài viết này có những sai lầm cơ bản trong nhận thức. Đó là sự nhầm lẫn trong việc nhận biết giữa cái toàn thể và cái bộ phận (trong triết học còn gọi là quan hệ giữa cái chung và cái riêng, giữa cái khái quát và cái cụ thể), giữa hiện tượng và bản chất. Từ đó nêu ra những nhận định hồ đồ, vội vã. Tuy chỉ là một phát biểu mang tính cảm tính, thiếu khách quan khoa học, nhưng nó lại gây ra hoang mang không ít cho học sinh, sinh viên. Từ sự hoang mang này, học sinh sẽ  có thái độ coi thường không nghiêm túc trong việc học tập và rèn luyện tiếng Việt. Hơn nữa nó còn tác động không nhỏ tới một bộ phận giáo viên, nhất là giáo viên tiểu học.
Chúng ta đều biết, ngôn ngữ là sản phẩm của một loại vật chất đặc biệt, đó là bộ óc con người. “Ngôn ngữ cũng cổ xưa như ý thức vậy. Ngôn ngữ là hiện thực trực tiếp của tư tưởng. Ngôn ngữ tồn tại cho người khách và cho chính bản thân tôi” (Các Mác). Nói đến ngôn ngữ chính là nói đến tư duy của  một cộng đồng người nhất định. Vì vậy, ta mới có các khái niệm: Tiếng Việt, tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Hán…Đây là cách gọi tắt của các cụm từ: Ngôn ngữ của người/dân tộc Việt”, “Ngôn ngữ của người/dân tộc Nga”… Mặc dù khác nhau, nhưng ngôn ngữ nào cũng có cái chuẩn riêng của mình. Không có chuẩn, ngôn ngữ sẽ là một hệ thống rối loạn, không thể giao tiếp được. Nói một cách khác, không có chuẩn thì khi nói hay viết, người ta không thể hiểu được nhau. Hơn nữa, nhờ có chuẩn và sự bảo lưu được chuẩn mà các thế hệ sau mới hiểu được các thông tin của các thế hệ trước để lại. Thử hỏi tiếng Việt không có chuẩn thì làm sao đến thế kỷ thứ XXI, người Việt vẫn đọc và hiểu được Hồng Đức quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, Truyện Kiểu của Nguyễn Du…? Không có chuẩn thì ngôn ngữ không thể trường tồn. Dân tộc Việt hàng ngàn năm bị đô hộ của phong kiến phương Bắc, gần trăm năm bị nô lệ bởi thực dân, nhưng không bị đồng hóa hay bị tiêu diệt bởi chính sách xâm lược của ngoại bang (coi rẻ tiếng Việt, bắt dân ta phải dùng chữ Hán và chữ Pháp làm văn tự chính thống) chính nhờ có sự đấu tranh sống còn để bảo lưu cái chuẩn của tiếng nói dân tộc. Như vậy, nói tới chuẩn ngôn ngữ là ta nói tới tính qui ước của cộng đồng và tính hành chính của bộ máy quản lý Nhà nước. Chuẩn ngôn ngữ không do một cá nhân hay một nhóm người qui định mà do một cộng đồng ngôn ngữ rộng lớn- tức cộng đồng dân tộc và những qui định mang tính chế ước của Nhà nước quản lý nó qui định. Nếu những qui ước của cộng đồng và qui định của Nhà nước ngược nhau thì nó kìm hãm không cho ngôn ngữ phát triển. Ngược lại, nếu có sự phù hợp thì ngôn ngữ lại có cơ hội tiến triển và ngày càng đạt được chuẩn mực cao. Trước năm 1945, do tiếng Việt bị chính quyền thực dân coi rẻ, cho nên khi giành được độc lập rồi nhiều người bị ảnh hưởng nền giáo dục Pháp đã còn cho rằng tiếng Việt không thể giảng dạy ở bậc đại học. Nhưng sự thực là chính quyền cách mạng, sau tháng Tám, tiếng Việt đã được đưa vào giảng dạy ở mọi cấp học. Ngày nay, tiếng Việt không những chỉ được dùng ở bậc đại học mà còn được dùng ở bậc cao hơn để đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ. Tôn vinh tiếng Việt, đưa vị trí của tiếng Việt từ địa vị thứ yếu (bị trị) sang địa vị chính thống, độc tôn chính là ý thức bảo vệ văn hóa, tư duy của người Việt, cái làm nên bản sắc của dân tộc Việt Nam.
Tác giả Phạm Thuận Thành rất sai lầm khi coi tiếng Việt chưa có chuẩn, lại càng sai lầm hơn nữa khi coi một số hiện tượng tùy tiện trong sử dụng ngôn ngữ là cách tân. Tác giả này viết “Trong ngôn ngữ mạng, giới trẻ đang có xu hướng dùng chữ cái w thay cho phụ âm qu, chữ cái j thay cho phụ âm ch… là sự cách tân rất đáng chú ý”. Chúng tôi rất lấy làm lạ trước cách lập luận của tác giả. Bởi về mặt khoa học, ai cũng biết đó là những hiện tượng ngôn ngữ chỉ có thể được xếp vào thứ “tiếng lóng” của một số ít người trong lớp trẻ (không phải tất cả thanh niên Việt Nam đều dùng như vậy). Nó không thể đại diện cho hệ thống ngôn ngữ của một cộng đồng. Hơn nữa, tác giả lớn tiếng để đả phá cái gọi là “tiếng Việt không có chuẩn” nhưng những tri thức tối thiểu về ngôn ngữ học tác giả lại tỏ ra không hiểu gì. Vậy làm sao có thể thuyết phục người đọc? Chẳng hạn, trong tiếng Việt không có cái gọi là “phụ âm qu” như tác giả quan niệm. Đó là một tổ hợp gồm phụ âm [k] kết hợp với bán nguyên [w] (còn gọi là âm đệm [w]). Chính vì thiếu những tri thức cần thiết nên tác giả kêu lên “Dựa vào chuẩn nào để nói người khác” lệc chuẩn đây”? Xin thưa, khi chúng ta chưa chính thức có luật về ngôn ngữ thì vẫn có rất nhiều cơ sở cho phép ta có thể dựa vào để xem xét về chuẩn. Chẳng hạn, dựa vào qui định, nghị định của các cơ quan có thẩm quyền với chức năng đại diện cho Nhà nước về lĩnh vực mà mình quản lý. Ví dụ, qui định về cách viết chính tả, cách phiên âm từ, thuật ngữ tiếng nước ngoai của Ủy ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam trước đây (đã có nhiều văn bản) và của Viện Hàn lâm Khoa Học Xã Hội ngày nay. Cũng có thể dựa vào các bộ Từ điển tiếng Việt do Nhà nước đứng ra tổ chức biên soạn và ấn hành. Ngoài ra, còn có thể dựa vào các tài liệu được sử dụng chính thống trong giáo dục. Chẳng hạn, có thể dựa vào sách dạy tiếng Việt hiện đã được Nhà nước ban hành (tức sách giáo khoa)…Có lẽ vì thiếu những hiểu biết này mà tác giả bài viết trên đã nhầm lẫn coi những hiện tượng tùy tiện về sử dụng ngôn ngữ là các hiện tượng cách tân và cổ súy cho nó. Nhận định này có tác dụng rất tai hại đối với việc giáo dục tiếng mẹ đẻ cho tầng lớp thanh thiếu niên hiện nay.
Thực ra, cách nói “chuẩn ngôn ngữ” là cách nói chung chung. Trên thực tế, chuẩn ngôn ngữ là cái được thể hiện trên nhiều bình diện cụ thể. Chính vì thế, trong cuốn “Phong cách học tiếng Việt hiện đại” (*), chuẩn ngôn ngữ được bàn đến từ nhiều bình diện: Chuẩn ngữ pháp, chuẩn ngữ âm, chuẩn từ vựng, chuẩn phong cách. Cơ sở đê xác định chuẩn là những qui tắc cơ bản của tiếng Việt, trong đó cần phải xem xét cả mối quan hệ giữa tiếng toàn dân (ngôn ngữ phổ thông) và tiếng địa phương ( phương ngữ). Ví dụ, ta có cặp từ chính phủ/chánh phủ thì “chánh phủ” được coi là tiếng địa phương, còn “chính phủ” được coi là tiếng toàn dân và là chuẩn ( được dùng chính thức trong các văn bản hành chính, ngoại giao…mang tính quốc gia). Với cặp vào/vô thì “vào” được coi là chuẩn. Về cách viết, nếu viết “nghành giáo dục” sẽ là lệch chuẩn, là sai vì âm [ng] trong tiếng Việt được thể hiện dưới 2 dạng chứ viết là: ng, ngh tùy theo nó kết hợp với âm nào sau nó. Nếu nó kết hợp với các nguyên âm dòng sau và nguyên âm dòng giữa (a, u, ơ) thì phải viết là ng: nga, ngành, ngả, ngu, ngư, ngô, ngơ, ngớ…. Nếu nó kết hợp với các nguyên âm dòng trước (i,e,ê) thì phải viết là ngh: nghe, nghi, nghỉ, nghê (ngô nghê); nếu viết là ngi, ngỉ, nge phải coi là lệch chuẩn, là sai.
Tương tự như vậy, âm [k] trong tiếng Việt được thể hiện bằng 2 chữ cái là c và k. Nếu sau nó là nguyên âm dòng sau hay dòng giữa thì dứt khoát phải viết là c: ca, có, cốc, cưng (viết: ka, kó, kốc là sai, là lệch chuẩn)...; nếu sau nó là nguyên âm dòng trước phải viết là k: kỷ, kiệt, kẻ, kế, kể ( viết: cỉ,ciệt, cẻ, cể là sai là lệch chuẩn)…  Vì sao lại như vậy? Vì đó là qui ước của những nguời sáng lập ra chữ Quốc ngữ - một thứ văn tự dùng chữ cái La tinh để ghi âm tiếng Việt. Đó là thứ văn tự đã được Chính phủ, Quốc hội nước Việt Nam Dân chú Cộng hòa chọn làm văn tự chính thống của quốc gia ngay từ khi thành lập và được toàn dân ủng hộ. Đây chính là cơ sở pháp lý mà tác giả Phạm Thuận Thành không nhận ra. Chính vì thế, tác giả mới hồ đồ cho rằng “lấy J thay cho ch, z thay cho tr…” là sự cách tân. Trái lại, cần coi đây là hiện tượng lệch chuẩn vì nó chỉ là thứ tiếng lóng do một bộ phân thanh thiếu niên tạo ra. Nó không thể đại diện cho một cộng đồng ngôn ngữ, cũng không thể thay thế cho hệ thống chữ viết được thừa nhận chính thống về mặt Nhà nước.
Đành rằng, trong hệ thống chữ Quốc ngữ không khỏi có chỗ bất hợp lý, nhưng việc cải tiến chữ Quốc ngữ là một câu chuyện lớn lao và lâu dài. Muốn cải tiến nó phải nghiên cứu một cách toàn diện, sâu sắc nếu không cải tiến sẽ trở thành thụt lùi. Bởi tiếng Việt là ngôn ngữ rất phong phú, đa dạng về cách phát âm nên không phải ngẫu nhiên, hệ thống chữ cái La tinh là một hệ thống chữ cái khá hoàn chỉnh, được nhiều ngôn ngữ Âu châu sử dụng (tiếng Anh, Pháp, Đức) nhưng khi dùng là văn tự ghi âm tiếng Việt, các nhà sáng lập phải tạo thêm các dấu phụ để ghi lại cách phát âm mang tính đặc trưng của người Việt. Thế cho nên, tuy cùng dùng hệ chữ cái La tinh để ghi âm, nhưng chỉ trong tiếng Việt mới có các nguyên âm mang dấu mũ. Bài học vui dạy viết cho trẻ có câu: O tròn như quả trứng gà, ô thì đội mũ ơ thì thêm râu…được sáng tạo để ghi dấu nét đặc trưng đó.
Mấy điều vừa nói ở trên là nói về chuẩn chính tả. Còn chuẩn ngữ âm thì sao? Một câu chuyện mất khá nhiều giấy bút trên báo mạng trong năm trước là câu chuyện lẫn lộn n / l. Tại sao có nhiều vị quan chức khi xuất hiên trên truyền hình, khi diễn thuyết người nghe - xem phải phì cười? Vì họ có những cách phát âm lệch chuẩn lẽ ra không nên có với cương vị công tác của mình. Ví dụ, “làng tôi có rất nhiều nhà cao tầng” thì lại phát âm thành “nàng tôi có rất nhiều nhà cao tầng”; “Nó nói lắm lại hay lẫn lộn” lại phát âm thành “ló nói nắm nại hay ní nuận”…
Trong sử dụng từ vựng, sự lệch chuẩn cũng không kém phần phong phú. Ở một số địa phương người nông dân thường nói “Con tôi mới được lên chú ý rồi” trong khi cần phải nói “Con tôi mới được lên thiếu úy rồi”, Hoặc nói: “Nó bàng quang lắm” thay vì phải nói “Nó bàng quan lắm”…
Nói đến chuẩn ngữ pháp hay chuẩn phong cách cũng còn vô vàn những ví dụ sinh động khác.
Có thể nói hiện tượng lệch chuẩn là hiện tượng làm vẩn đục ngôn ngữ và là hiện tượng rất cần được khắc phục, Tuy nhiên, hiện tượng lệch chuẩn cũng rất đa dạng và có nhiều nguyên nhân khác nhau. Có những hiện tượng lệch chuẩn là do thói quen phát âm của tiếng địa phương, biệt ngữ hay thổ ngữ. Có những cách phát âm phổ biến trong một vùng phương ngữ rộng lớn như tiếng Nghệ Tĩnh  chẳng hạn, có thể vẫn được coi là những nét bản sắc miền vùng. Nó có thể được sử dụng rộng rãi trong các hoạt động giao tiếp khẩu ngữ, thậm chí được dùng trên đài phát thanh truyền hình địa phương nhưng không được dùng làm ngôn ngữ chuẩn trên phương tiện truyền thông quốc gia. Những hiện tượng lệch chuẩn do cá nhân hay một nhóm người tự đặt ra (gọi là tiếng lóng) vẫn có thể được dùng giao tiếp trong phạm vi hẹp và được dùng trong sáng tác văn học với ý nghĩa là một phong cách chức năng, nhưng nó không bao được coi là chuẩn trong giao tiếp chính thức. Điều này không hề hạn chế đến khả năng sáng tạo của cá nhân hay nhóm người trong quá trình sáng tạo. Vì rằng, chuẩn không phải là cái bất biến, không biến đổi. Trái lại, chuẩn là cái mang tính thời đại và có tính khả biến cao. Nhưng chuẩn chỉ chấp nhận những gì là thực sự sáng tạo, hợp qui luật và phù hợp với tâm thức của người bản ngữ và được cộng đồng ghi nhận. Cách dùng ngôn ngữ của Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nhiều trường hợp chính là sự sáng tạo để tạo ra chuẩn mới cho tiếng Việt.       
Từ trước đến nay, có nhiều bài viết bàn về tiếng Việt, về từ vay mượn tiếng nước ngoài (nhất là tiếng Hán), về chuẩn đã làm cho ngôn ngữ của ta rối rắm thêm vì: một là họ không hiểu rõ bản chất của ngôn ngữ cũng như qui luật vận hành, tiếp xúc của ngôn ngữ; hai là, có  không ít người có nhầm lẫn tai hại là đồng nhất ngôn ngữ với văn tự, hoặc đồng nhất ngôn ngữ với cách phát âm. Những sự nhầm lẫn này dẫn đến nhiều suy lý sai và hiểu không đúng về bản chất cũng như tính năng động của tiếng Việt./.”
------------------------------
(*) Xem thêm, Hữu Đạt “Phong cách học tiếng Việt hiện đại”, Nhà xuất bản Giáo Dục, 2009
  
Nhà giáo NGUYỄN BÀNG
(Sài Gòn: 18.04.2015)

(Tác gia, nhà giáo Nguyễn Bàng)
Kính hai bác Vy Le và Hai Vu.
Thật cảm kích khi bác Vy Le liên tiếp chuyển cho rất nhiều trang để cùng đọc. Có những trang bác đọc trước, có những trang chuyển tiếp từ người khác gửi cho bác, nhiều nhất là từ bác Khôi Nguyễn.
1/. Trừ mấy bài có thể dễ tìm thấy trên các trang Kiến thức, Việt báo, Báo mới…còn có bài của ông Lai Quang Nam và ông Nguyễn Quốc Trụ, hai cây bút hải ngoại xuất hiện trên net đã khá lâu. Ông Lại Quảng Nam có rất nhiều bài đăng tải trên Việt Văn mới NewVietart do Từ Vũ sáng lập ngày 18/8/2004 tại Pháp. Ông Nguyễn Quốc Trụ, chủ biên  tờ Tin Văn  với sự cộng tác của Nguyễn Tiến Văn, Jennifer Trần.
Ông Lại Quảng Nam thì không có điều tiếng gì nhưng ông Nguyễn Quốc Trụ thì bị một số tờ như Tiền vệ, Gió O cho là có những lời mạ lị, vu khoát người khác vô căn cớ. Đặc biệt Nguyễn Quốc Trụ bày tỏ thái độ ghét trang mạng văn học Talawas do Phạm Thị Hoài chủ trương với năm tôn chỉ hoạt động: Thứ nhất, vì lợi ích chung; Thứ hai, đa nguyên đa chiều không áp đặt; Thứ ba, hoạt động độc lập không phe nhóm; Thứ tư, đối thoại trung thực, thẳng thắn nhưng ôn hoà và thứ năm là chú trọng chất lượng. Có lẽ bởi những mục tiêu to tát và ít nhiều nhạy cảm đối với Hà Nội như vậy nên từ cuối tháng 5 năm 2004, chính quyền Việt Nam đã kiểm soát trang web này và thiết lập tường lửa để ngăn chặn sự truy cập từ trong nước. Talawas  được rất nhiều người yêu thích, hàng ngày có cả ngàn độc giả trong suốt  9 năm hoạt động, vậy mà Ông Trụ miệt thị những người viết và người đọc Talawas là “đám Yankee mũi tẹt” trong nước từng “xẻ dọc Trường Sơn, chỉ để ăn cướp miền Nam”, nay không “nói được một lời ân hận về cái chuyện ăn cướp miền Nam”. Ông còn gọi Talawwas là diễn đàn tà ma ác quỷ… Tư cách đó của ông Nguyễn Quốc Trụ đã khiến một nhà thơ hải ngoại, ông Nguyễn Tôn Hiệt phải lên tiếng liền trong hai bài: 2 bài:  "Khi một con người không còn biết tự trọng" và "Bất cần nhân cách, thì không còn gì để nói"  .
2/. Hôm nay, bác Vy Le lại gửi cho bài Một quan niệm rất sai về tiếng Việt của Hữu Đạt phê phán  Phạm Thuận Thành và mong có lời bàn. Thật khó nghĩ quá. Không bàn thì phụ lòng bác mà bàn thì đâu có am tường cho lắm về tiếng Việt, lại là chuẩn tiếng Việt nữa!
Hai ông Hữu Đạt và Phạm Thuận Thành đều là người có danh có giá. Ông Thuận Thành, nguyên là Sĩ quan quân đội, Cán bộ giảng dạy môn Chính Trị ở Trường Sĩ Quan Lục Quân 1, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Bắc Ninh, hội viên Hội Ngôn ngữ học Việt Nam. Ông Hữu Đạt tốt nghiệp K16 Khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội sau đó ở lại trường làm cán bộ giảng dạy từ 1976 đến nay. Đã từng là nghiên cứu sinh tại Liên Xô  cũ, được phong học hàm Phó giáo sư vào năm 2005, hiện là phó Chủ nhiệm bộ môn Việt ngữ học, Khoa Ngôn ngữ học (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc Gia Hà Nội.)
Giờ hai ông tranh cãi nhau về cái sự hiểu đúng sai tiếng Việt, không có trọng tài, chưa đến hồi kết. Vây mà bác Vy Lê bảo tôi và ông Hải Vũ có lời bàn, không biết ông Hải Vũ ra sao, còn tôi thấy như gà mắc tóc vậy. Nhưng cảm kích trước nhiệt tình muốn chia sẻ bài đọc của ông Vy Lê với bạn bè, lại được ngày thứ Bảy không bận việc, tôi chỉ tạm xin nêu vài ý nhỏ của riêng tôi:
Bài viết Tiếng Việt chưa có chuẩn của Thuận Thành rất ngắn, không phải là bài nghiên cứu mà chỉ là “Vài lời trao đổi lại với bài viết của tác giả Nguyễn Đình Ánh, mong được mọi người bổ khuyết thêm”, như lời mào của tác giả.
Khi bàn thế nào là chuẩn tiếng Việt, Thuận Thành cũng rất có lý:
Chuẩn của Hội Truyền bá quốc ngữ ư? Hay chuẩn ở vùng thủ đô? Xin thưa, Hội Truyền bá quốc ngữ không có tính pháp lí. Mà vùng thủ đô bây giờ không còn thuần nhất như trước nữa. Cũng có khi người ta viện dẫn đến những quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhưng đây là văn bản dưới luật và không có chế định xử lí vi phạm trong phạm vi cả nước. Nghĩa là ta đang thiếu Luật về ngôn ngữ làm chuẩn”.
 Nhưng Hữu Đạt không thừa nhận cái lý đó. Vì vậy, mà mới vào bài viết Một quan niệm rất sai về tiếng Việt, Hữu Đạt đã đao to búa lớn ngay với bài viết của Thuận Thành: “Đây là một bài viết có nhiều lập luận  thiếu cơ sở khoa học, hơn nữa, về tư tưởng còn bộc lộ một thái độ coi thường tiếng Việt, có tác động không tốt đến tầng lớp thanh thiếu niên”. Ngay sau đó, ông ta viện dẫn đến đủ triết học Mác Lê, lịch sử, các qui định, nghị định của các cơ quan có thẩm quyền với chức năng đại diện cho Nhà nước về lĩnh vực mà mình quản lý, như qui định về cách viết chính tả, cách phiên âm từ, thuật ngữ tiếng nước ngoai của Ủy ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam trước đây (đã có nhiều văn bản) và của Viện Hàn lâm Khoa Học Xã Hội ngày nay, các bộ Từ điển tiếng Việt do Nhà nước đứng ra tổ chức biên soạn và ấn hành, các tài liệu được sử dụng chính thống trong giáo dục như sách dạy tiếng Việt hiện đã được Nhà nước ban hành (tức sách giáo khoa) để dựa vào đó làm chuẩn cho tiếng Việt.
 Hữu Đạt cũng không quên nói rằng: “chuẩn không phải là cái bất biến, không biến đổi. Trái lại, chuẩn là cái mang tính thời đại và có tính khả biến cao”. Và rồi khẳng định: “Cách dùng ngôn ngữ của Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nhiều trường hợp chính là sự sáng tạo để tạo ra chuẩn mới cho tiếng Việt.”
 Không xem hết những cái Hữu Đạt dựa vào để đòi hỏi chuẩn tiếng Việt.  Chỉ nhìn một cái: dựa vào các tài liệu được sử dụng chính thống trong giáo dục. Chẳng hạn, có thể dựa vào sách dạy tiếng Việt hiện đã được Nhà nước ban hành (tức sách giáo khoa…để xem ngay chính những người làm giáo dục trong đó có Hữu Đạt đã chuẩn tiếng Việt ra sao trong công việc, trong nói và viết của họ.
Ngày 20/11 năm 2014, giáo viên cả nước đã thất kinh khi đọc lá thư kinh dị của ông bộ trưởng Bộ Giáo dục. Một bức thư không biết là ông bộ trưởng  tự biên hay thư ký biên hộ. Nhưng câu cú, văn vẻ, ngữ nghĩa, xưng hô và thông điệp truyền tải, thậm chí ngữ pháp cơ bản,... thì không khác gì văn phong của anh cán bộ văn hóa xã. Ông ta gọi thầy giáo, cô giáo là đồng chí mà sự thực có đến hơn 80% không phải là đảng viên, và những người này chưa bao giờ là "đồng chí" với ông ta cả. Bức thư từ kính gửi đến ghi chức danh chỉ có 395 tiếng mà có đến 2 câu dài đến thất kinh: Một câu 144 tiếng với 8 từ "và", cả câu không có một thông điệp gì cả, mà chỉ là những lời nói sáo rỗng như một con vẹt tập đánh vần văn bản. Một câu dài 116 từ, cũng không thấy một thông điệp gì truyền tải đến các thầy cô giáo, mà lại là những lời sáo rỗng hô hào theo văn bản Nghị quyết 29/NQQ-TW…
 Ấy là chuẩn tiếng Việt của ông Giáo sư Tiến sĩ bộ trưởng Bộ Giáo dục. Còn chuẩn tiếng Việt như sách giáo khoa ư? Khỏi nhọc công đọc tất cả các loại sách giáo khoa, nhất là sách giáo khoa cho các lớp học cao. Xin chỉ đọc hết sách giáo khoa Tiếng Việt lớp Một.
Trong tập một, suốt 27 bài học vỡ lòng, tên người đều viết thường (dì na, bé hà, chị kha, bé nga...), mãi đến bài 28 trở đi mới viết hoa tên người, liệu các cháu có đủ nhận thức để sửa đổi hay lại theo quán tính để sau này sinh ra tính tùy tiện?
Mà không phải các cháu sẽ sinh ra tính tùy tiện đâu. Chính các nhà soạn sách đã đi đầu tùy tiện. Từ bài 28 trở đi, tên các con vật cũng bắt đầu được viết hoa, nhưng không nhất quán, có chỗ viết hoa, chỗ viết thường. Khi thì: tép, cua, hoẵng, nai, gà mái, chim chào mào, cò..., khi thì: Tép, Sóc Bông, Gà Trống, Rùa, Thỏ, Sư Tử..., Thậm chí có khi còn dùng dấu gạch nối tùy tiện: Chuột - Nhắt  và cũng không theo quy tắc số ít số nhiều.
Lại còn thêm các lỗi về chính tả nữa, như: cái xoong, thùng giác…
 Nhiều vị phụ huynh học sinh xem xong sách Tiếng Việt 1 thấy choáng váng. Trong số họ, có người là cử nhân, người là thạc sĩ chuyên ngành ngữ văn, ngôn ngữ từ những trường đại học tên tuổi nhưng lại không dạy được con mình về đọc - viết lớp 1?  Vì nó là  một chương trình quá lạ, quá khó như hiện nay.
Trước khi bàn về ngôn ngữ mạng của giới trẻ ngày nay, Thuận Thành đã rào trước bằng câu:  “Trước hết ta hãy chia tiếng Việt làm hai bộ phận: tiếng Việt bác học và tiếng Việt bình dân”. Theo Thuận Thành thì, ngôn ngữ mạng của giới trẻ ngày nay nằm trong hệ tiếng Việt bình dân, là tiếng nói giao tiếp hàng ngày của nhân dân. Và: “Một bộ phận dân chúng nói với nhau mà vẫn hiểu thì người ta sẽ tạo ra từ mới, nếu được đa số dân chúng sử dụng thì từ mới đó sẽ thành thuần Việt, bất chấp mọi thứ chuẩn nào đó, kể cả khi đã có luật. Trong ngôn ngữ giao tiếp thì nguyên tắc rút gọn luôn luôn được mọi người ưu tiên”.
 Hữu Đạt  không chỉ bỏ qua ý kiến đó mà đốp ngay vào mặt Thuận Thành: “những tri thức tối thiểu về ngôn ngữ học tác giả lại tỏ ra không hiểu gì”. Và lớn tiếng phê phán: “Có lẽ vì thiếu những hiểu biết này mà tác giả bài viết trên đã nhầm lẫn coi những hiện tượng tùy tiện về sử dụng ngôn ngữ là các hiện tượng cách tân và cổ súy cho nó. Nhận định này có tác dụng rất tai hại đối với việc giáo dục tiếng mẹ đẻ cho tầng lớp thanh thiếu niên hiện nay”.
Sự thực không chỉ ở Việt Nam mới có tiếng nói giao tiếp của cư dân trẻ trên mạng mà ở mọi nước trên thế giới đều có. Ở  Trung Quốc, không  chỉ thanh thiếu niên dùng từ lóng của dân mạng mà rất nhiều người lớn tuổi cũng dùng để tránh sự kiểm duyệt của nhà nước. Họ không chỉ dùng ngôn ngữ chat mà còn dùng những biểu tượng cảm xúc, được biết dưới tên gọi emoji (ký hiệu hình ảnh) hay emoticon (biểu tượng cảm xúc), xuất phát từ Nhật Bản nhưng giờ đã lan rộng ra toàn thế giới, bởi sự tiện lợi của nó. Họ coi “mặt cười”, “trái tim”... như một công cụ giao tiếp để thể hiện cảm xúc của người sử dụng, làm cho cuộc trò chuyện trở nên sinh động, vui vẻ hơn, đồng thời cũng tránh sự hiểu lầm và tiết kiệm thời gian đánh chữ.
 Các nước Âu Mỹ, hay Anh và Nga có cái nhìn khoan dung hơn Việt Nam và Trung Quốc về ngôn ngữ chát.  Từ điển Oxford danh tiếng đã đưa vào lòng nó ngôn ngữ chat. Thủ tướng Nga Medvedev nói: ngôn ngữ chat nên được đối xử một cách bình thường và chân thành.
 Hữu Đạt thừa nhận, chuẩn không phải là bất biến. Nhưng  xem ra trong mắt ông ta, phi Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh thì không còn mấy ai sáng tạo ra chuẩn mới cho tiếng Việt!  
Nhưng chính ông Hồ Chí Minh đã từng cách tân tiếng Việt khi viết: Đường kách mệnh, nhân dzândzân chủ, bộ đội gái,…
Và biết bao người đã tụng ca sự cách tân đó của ông Hồ, trong đó chắc có Hữu Đạt!
Đã nói chuẩn nhưng không phải là bất biến thì phải hiểu rằng, có cái mới sẽ được chấp nhận, có cái sẽ tự đào thải. 
Một ví dụ: Chữ 'k' có nghĩa là 1000. Theo đó: 10k = 10.000. 100k = 100.000. 
Chữ 'k' xuất phát từ ngôn ngữ teen sau trở thành ngôn ngữ quảng cáo. Đây là 1 dạng ngôn ngữ không chính thức, nhưng phạm vi sử dụng của nó thì rất rộng rãi, không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới người ta dùng ký hiệu "k" rất nhiều. Trên mặt báo tiếng Anh, hay là các quảng cáo giới thiệu việc làm, người ta cũng hay sử dụng ký hiệu này khi cần viết gọn, thí dụ như là "8k salary" nghĩa là luơng tháng $8000.
Tôi rất tán thành ý kiến của một giáo sư đại học ở Manila: “Việc các sinh viên chat bằng “jejemon” hay nói tiếng lóng với nhau là quyền của họ, miễn là nó đừng ảnh hưởng đến nếp sống văn hoá và chỉ dùng trong bối cảnh riêng. Nó không được sử dụng trong nhà trường và trong các bài thi”.
Nghĩa là, rất cần chuẩn hóa tiếng Việt. Nhưng chỉ cần chuẩn hóa trong giấy tờ văn bản, sách báo, bài thi… chứ trong ngôn ngữ giao tiếp thì tùy nhóm người họ có tiếng nói riêng của nhóm họ. Trẻ có ngôn ngữ trẻ, già có ngôn ngữ già, như ca dao nói:
          Xềnh xoàng đánh bạn xềnh xoàng 
          Trẻ vui bạn trẻ, già choang bạn già.
Thà chấp nhận cách nói vui của các cháu teen hay cách nói choang  của  các bạn già còn hơn cách nói văng mạng của các quan chức phát ngôn ‘thay mặt’ đất nước, chính quyền khiến người dân phải choáng váng thất kinh. Họ không chỉ nói lệch chuẩn tiếng Việt mà còn dẫm đạp lên cái khó, cái khổ của người dân, khiến người  dân không chỉ không hiểu mà còn mất lòng  tin vào họ vào chế độ.
Thế là xong một buổi sáng thứ Bẩy !
Chúc hai bác Vy Le và Hai Vu ngày cuối tuần vui vẻ hạnh phúc. Mong nhận được nhiều bài chia sẻ của hai bác và các ý kiến phản hồi của hai bác về các bài đó!

Ông LÊ VY
(Sài Gòn: 18.04.2018)
Hết sức cảm kích và hết sức hoan nghênh bác Nguyễn Bàng. Không những rộng kiến văn mà còn hết sức nhiệt tình, bác Bàng đã giúp tôi được sớm thỏa mãn điều mong mỏi nhận được những lời bình giá trị. Chắc bác Vũ Lai Hải cũng đồng ý với tôi phần nào.

Ông VŨ LAI HẢI
(Sài Gòn: 18.04.2018)
(Ông Vũ Lai Hải, cán bộ hưu trí)
Vì chưa đi sâu vào vấn đề chuẩn mực của tiếng Việt nên tôi không dám bình luận... Đọc bài viết của bác Bàng Nguyễn tuy ngắn, nhưng với sự thận trọng liên kết nhiều cứ liệu, bác đã chuyển tải một thông điệp "Thà chấp nhận cách nói vui của các cháu teen hay cách nói choang của  các bạn già còn hơn cách nói văng mạng của các quan chức phát ngôn ‘thay mặt’ đất nước, chính quyền khiến người dân phải choáng váng thất kinh...". Tôi đồng ý! Gần đây qua các phương tiện thông tin đại chúng, ta đã thấy loạn từ điển dởm, truyện cổ tích dởm và cả sách giáo khoa "dởm" khiến chúng ta phiền lòng. Vậy nên các nhà " tu thư", các nhà xuất bản hãy có trách nhiệm hơn với công việc của mình...chắc sẽ góp phần không nhỏ vào việc làm trong sáng và chuẩn mực tiếng Việt! Cám ơn hai bác, chúc ngày cuối tuần an vui..!  

Ông LÊ VY
(Sài Gòn: 18.04.2018)
Thưa hai Tiên sinh,
Về vấn đề chuẩn tiếng Việt, tôi không thể không hoan nghênh và đồng ý với hai Tiên sinh. Với tôi, đúng là chúng ta có chuẩn tiếng Việt: đó là cách viết, cách nói của những người viết và nói ... chuẩn, đó là cách viết, cách chấm câu trên một vài tạp chí, một vài tờ báo trong những khoảng thời gian ... theo đúng chuẩn. Trong gần ba chục năm làm biên tập và duyệt tin bài, những khi cần tham khảo chuẩn, tôi đã theo chuẩn của báo NHÂN DÂN và Tạp chí CỘNG SẢN. Và tôi cũng chấp nhận tiếng lóng, phương ngữ, ngôn ngữ 'chat' tuy đó không phải là chuẩn. Tôi cũng không chấp nhận cách phát âm ngọng, cách viết "vô ngữ pháp" của những người không được học ngữ pháp một cách căn bản kể cả những người có cương vị và chức vụ cao.. Tôi cũng tiếc là ở ta thời gian qua ngữ pháp đã quá bị coi nhẹ, không được dạy và học một cách hệ thống, chặt chẽ và nghiêm túc, đầy đủ như trong chương trình và cách dạy, cách học ở hệ thống trường Pháp từ tiểu học đến trung học trước đây ở nước ta. Tôi nghĩ như vậy, có gì cần chỉ giáo thêm, nhờ hai quí Tiên sinh tham góp.
Vấn đề hôm nay là như thế này:
(Ông Lê Vy gửi kèm bài viết)
“CÓ THẬT CHÚNG TA ĐANG ĐỌC?
Chúng ta đang đọc mọi lúc mọi nơi đó chứ. Lúc nào chúng ta cũng đang đọc cái gì đó nhưng thật ra... chẳng đọc gì cả!
Một nghiên cứu về tác động của marketing lên con người hiện đại nói đại ý rằng mỗi ngày, một người sống ở thành phố có thể đã tiếp nhận thụ động hàng chục ngàn slogan và thông tin từ các sản phẩm qua truyền hình và các phương tiện quảng cáo nơi công cộng. Với người Việt Nam, có lẽ việc “đọc thụ động” còn nhiều hơn thế, bởi ngày nay bước ra đường hay mở tivi lên, chúng ta đâu chỉ bị bủa vây bởi các bảng quảng cáo mà còn bị nhấn chìm trước trùng vây của những khẩu hiệu, băng-rôn khác, trong số đó chẳng phải khẩu hiệu nào được giương lên cũng tốt cho khả năng nhận thức lẫn phương diện sinh học của não bộ con người.
Cộng thêm vào đó là mạng xã hội, tin nhắn, là lướt web đọc tin, đọc báo cáo ở công sở, đọc tổng kết ở cơ quan... đủ thứ đọc trên đời. Lúc nào mắt ta cũng phải căng ra để đọc một thứ gì đó. Đọc mọi nơi mọi lúc. Đọc trước lúc ngủ, đọc khi mới thức dậy, đọc ở bàn ăn, đọc khi uống cà phê, đọc tranh thủ lúc chờ thanh toán tiền ở quầy thu ngân, đọc trên xe, đọc ở công viên, đọc cả trong khi... đi toilet, lúc nào trước mắt và trong đầu óc chúng ta cũng đầy chữ là chữ. Não chúng ta có vẻ như lúc nào cũng đang vận động hết công suất để thu nạp chữ nghĩa nhập nhằng trên màn hình, trên giấy, trên đơn từ, công văn, trên mạng xã hội, trên hóa đơn điện, nước, nhà hàng. Chúng ta chăm chỉ đọc và nghiện đọc. Bạn có thấy không, chúng ta không thể nào chấp nhận được tình trạng nhàn rỗi cho đôi mắt, dù chỉ vài phút. Thay vì ngồi ngắm một bông hoa ngậm sương buổi sáng, chúng ta tranh thủ chụp hình và ghi status; thay vì ngồi uống ly cà phê ven đường và nghĩ ngợi về một điều gì đó, chúng ta tranh thủ lên mạng đọc, viết comment; thay vì tập trung thưởng thức một món ngon trên bàn và trò chuyện với những người thân trong gia đình, chúng ta mỗi người cầm một điện thoại thông minh hay máy tính bảng, đọc và đọc.
Đọc như thể ngừng đọc là lập tức lăn ra chết.
Chúng ta làm đầy đời sống của mình bằng chữ. Cho đến một ngày, có ai đó nói rằng ở cái nơi mà chúng ta đang sống, những cuốn sách bị bỏ rơi; rằng, ở nơi chúng ta đang sống, mỗi năm mỗi người chỉ đọc hết 0,8 quyển sách. Ồ, con số đó là một sự xúc phạm. Và vì thế, bạn và tôi sẽ phản ứng kịch liệt. Chúng ta phải nói cho những kẻ đã đẻ ra con số ấy biết rằng các vị nói sai rồi, số liệu không phản ánh được một thực tế là hằng ngày chúng tôi, những người Việt, vẫn đọc, đọc không ngừng nghỉ, đọc cật lực, đọc liên tục, đọc mọi nơi mọi lúc đây này. Và chúng ta biện hộ rằng đọc thì đâu nhất thiết phải đọc sách.
Nhưng rồi, khi cơn tự ái đi qua, khi con số 0,8 cuốn sách/năm/mỗi người Việt trở về với vẻ trung tính của nó, chúng ta sẽ tự hỏi cái sự đọc nhiều của chúng ta có thực sự là đọc khi chúng ta rời xa những văn bản kích hoạt năng lực tri thức để tiếp nhận những loại văn bản đáp ứng nhu cầu thông tin đóng gói dễ dãi nhất thời, khi chúng ta rời bỏ niềm say mê khám phá và mở rộng tư duy qua những trang sách thử thách để chấp nhận những chữ nghĩa thông báo mà bản thân chúng không cần người tiếp nhận phải nghĩ ngợi gì thêm, khi chúng ta chối từ sự phiêu lưu theo đuổi và truy cầu sự mới lạ của tri thức trên những văn bản phức tạp để hồ hởi chào đón những xác chữ vật vờ không cần đến khả năng phê phán hay tưởng tượng ở người tiếp nhận?
Một nhà hiền triết đã nói rằng chúng ta đừng mơ từ bỏ những cuốn sách giấy, chỉ vì cuốn sách cũng như cái muỗng hay bánh xe, nó được phát minh ra, về mặt vật chất là căn bản hoàn thiện để thực hiện cái công năng truyền tải tri thức cho con người. Sách như một dạng phát minh bánh xe tri thức và trí tưởng tượng của con người.
Cách mà một người chìm đắm trong thế giới một cuốn sách đầy thử thách với bản thân anh ta rất khác với cái cách đọc hàng ngàn chữ nghĩa thông tin trên các bảng quảng cáo hay theo dõi những dòng status rời rạc, phân mảnh trên các trang mạng xã hội. Cảm giác về một cuốn sách, trước hết là bảo chứng khả tín về một chiều sâu nhận thức và nó đòi hỏi một sự gắn bó sâu sắc hơn về mặt thời gian cũng như trí tưởng. Một cuốn sách đòi hỏi độ dấn thân của người đọc tương tự như một ngọn núi hiểm trở đòi hỏi bản lĩnh và sự nhập cuộc của người chinh phục. Và cũng như nhà leo núi, người đọc sách hân hoan thấy mình khác đi, mới mẻ hơn sau một hành trình với mỗi cuốn sách. Đó chính là cảm giác kỳ thú về một hành trình mở rộng biên giới của hiểu biết, khám phá vẻ đẹp ngữ nghĩa và bao trùm là khát vọng được hiểu về ngoại giới và nội tâm.
Điều đó hoàn toàn khác với cái cách mà chúng ta tiếp nhận những câu chữ, ý tưởng rời rạc trên mạng xã hội, trên các biển quảng cáo hay những băng-rôn tuyên truyền sặc sỡ trên đường. Đọc để chủ động sống sẽ rất khác với việc đọc để bị tác động. Đó là chưa nói, chính thói quen đọc tản mát hời hợt kia sẽ lấy đi của chúng ta niềm đam mê chinh phục những cuốn sách và nỗ lực khám phá những giá trị tinh thần tinh tế và ngầm ẩn bên trong đời sống.
Đã đến khi cần phải nhìn lại sự đọc. Cần đặt lại câu hỏi: Chúng ta tiếp nhận nhiều chữ hằng ngày nhưng có thật sự chúng ta đang đọc?
Sài Gòn, nhân Ngày sách Việt Nam (21-4), Ngày sách và Bản quyền thế giới (23-4)
Theo thống kê của các thư viện gửi về Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vào năm 2013, mỗi năm trung bình 1 người Việt đọc không hết 1 cuốn sách (0,8 cuốn), tỉ lệ sách bình quân đầu người tại các thư viện công cộng là 0,38.
Nguyễn Vĩnh Nguyên

Ông VŨ LAI HẢI
(Sài Gòn: 18.04.2018)
Kính hai bác Lê Vy và Bàng Nguyễn..!
Sau khi đưa ra những ý kiến về chuẩn mực của tiếng Việt, bác Vy lại nêu một vấn đề mới qua bài viết “Có thật chúng ta đang đọc…?” nhân ngày “Sách Việt Nam” 21-4. Đây là một vấn đề rất đáng quan tâm. Với sự hiểu biết có hạn, tôi không dám luận bàn nhiều chỉ xin được nêu vài ý kiến nhỏ…
Trong bài viết, tuy tác giả nêu câu hỏi để rộng đường tranh luận. Nhưng thật ra tác giả đã chủ động nêu rõ ý kiến của mình. Ngay phần đầu tác giả đã viết: “Với người Việt Nam, có lẽ việc “đọc thụ động” còn nhiều hơn thế, bởi ngày nay bước ra đường hay mở tivi lên, chúng ta đâu chỉ bị bủa vây bởi các bảng quảng cáo mà còn bị nhấn chìm trước trùng vây của những khẩu hiệu, băng-rôn khác, trong số đó chẳng phải khẩu hiệu nào được giương lên cũng tốt cho khả năng nhận thức lẫn phương diện sinh học của não bộ con người…”, để rồi sau một loạt viện dẫn chính tác giả đã kết luận: “Đọc để chủ động sống sẽ rất khác với việc đọc để bị tác động. Đó là chưa nói, chính thói quen đọc tản mát hời hợt kia sẽ lấy đi của chúng ta niềm đam mê chinh phục những cuốn sách và nỗ lực khám phá những giá trị tinh thần tinh tế và ngầm ẩn bên trong đời sống.Đã đến lúc cần phải nhìn lại sự đọc. Cần đặt lại câu hỏi: Chúng ta tiếp nhận nhiều chữ hằng ngày nhưng có thật sự chúng ta đang đọc?
Văn hóa đọc đang đứng trước nguy cơ bị mai một bởi sự lấn át của các phương tiện nghe nhìn quá nhiều, quá hấp dẫn. Khác với vài chục năm về trước, thị trường sách hiện nay vô cùng phong phú về nội dung cũng như hình thức. Giới trẻ ngày nay lười đọc hay họ không biết chọn sách? Có một thời gian những cuốn sách như “Mãi mãi tuổi 20”, “Nhật kí Đặng Thùy Trâm” làm mưa, làm gió trên thị trường sách…Rất có thể họ không thích, không hiểu nhưng vẫn chạy đi mua những cuốn sách mà mọi người đang đọc để chứng tỏ mình không phải là người lạc hậu. Rồi có những cuốn “sách đen” vẫn được giới trẻ truyền tay nhau đọc hăng say. Một thực trạng đáng báo động, đó là việc các bạn trẻ đang phụ thuộc quá nhiều vào các loại hình truyền thông. Họ sử dụng rất sành điệu ipad, máy tính bảng, smatphone…Phải thừa nhận các công cụ này rất thuận tiện trong việc mang theo và có rất nhiều tiện ích, lại rất hợp mốt. Bởi vậy ta cũng không thể “lên án” họ! Chỉ có điều khuyên họ nên dành thêm thời gian cho việc đọc sách. Vì sách là nguồn tri thức, là kết tinh tất cả những học thuyết có giá trị nhất, sách ghi lại toàn bộ lịch sử loài người. Sách là người thầy, là di huấn của người đời trước để lại cho người đời sau. Sách không chỉ ghi lại quá khứ, phản ánh hiện tại mà còn là cương lĩnh của tương lai. Nhờ có sách mà con người đã tiếp thu được tất cả tri thức của nhân loại được tích luỹ trong suốt quá trình lịch sử lâu dài.
Cùng một thông tin tiếp nhận, nhưng mắt đọc và mắt nhìn có sự khác nhau. Bởi lẽ, mắt đọc buộc trí tưởng tượng và khả năng tập trung cao hơn, còn với mắt nhìn thì chỉ lướt qua nên những ấn tượng được lưu lại không nhiều. Đọc sách là một sự liên hệ qua lại giữa người đọc và tác giả, người ta thường nói: Đọc những cuốn sách hay khác nào đàm đạo với những bậc hiền nhân quân tử”, giúp chúng ta suy ngẫm những ý tưởng cao siêu, những chân lý vĩ đại. Suy ngẫm trong quá trình đọc sách sẽ bồi dưỡng trí nhớ và tư duy, mở mang kiến thức và hình thành thế giới quan cho người đọc.
Chúng ta phải thừa nhận, bấy lâu nay nhà trưỡng cũng như các tổ chức xã hội và gia đình chưa thật sự quan tâm đến việc hướng dẫn cặn kẽ việc lựa chọn sách, cách đọc sách và hình thành thói quen thích đọc sách. Nhớ lại thời thiếu niên, bọn trẻ chúng ta nhiều khi dành tiền ăn quà để mua sách…Còn đâu tình cảnh cắt nhật trình những truyện dài kỳ, rồi đóng lại thành tập để đọc, có khi chui vào gầm phản để đọc truyện…Đó là cái “thú” của một thời!                                                   
Theo tôi, hiện nay chúng ta còn nặng về hình thức. Rất nhiều phong trào, nhưng chỉ là “tháng…” là “năm…” sau đó lại bỏ bẵng đi. Thành phố đã khai trương “Đường Sách” ở khu vực bên cạnh Bưu điện. Nhưng không rõ có lâu dài không? Biết đến khi nào ta sẽ phục hồi các nhà bán sách cũ… Do vậy, đối với thế hệ trẻ hiện nay, cần phải giáo dục cho họ lòng đam mê đọc sách, rèn luyện kỹ năng đọc sách và đọc sách một cách có chọn lọc. Một cuốn sách hay tràn đầy nhiệt tình sẽ nhen nhóm và đốt nóng lòng nhiệt tình cho lớp trẻ, giúp họ trưởng thành và tự hoàn thiện mình một cách tự nhiên.
Sáng thứ hai, dành một ít phút chia sẻ với bạn bè về những vấn đè bức xúc trong đời sống xã hội…Âu cũng là một niềm vui! Xin gửi kèm theo một bài viết về Văn hóa đọc của người Nhật                                                         
Xin gửi tới hai bác lời chào sáng đầu tuần. Chúc hai bác luôn khỏe, gia đình an vui..! 
“NHẬT BẢN - “VƯƠNG QUỐC”
CỦA NHỮNG NGƯỜI YÊU SÁCH
Cách đây không lâu, khi hẹn phỏng vấn một chuyên gia bình luận thời sự người Nhật Bản, tôi cảm thấy băn khoăn vì không biết nên chuẩn bị món quà gì thật ý nghĩa để tặng ông nhân lần đầu gặp gỡ. Người Nhật vốn rất kỹ tính và cầu kỳ trong giao tiếp, nên tôi lo ngại món quà của mình nếu không vừa ý có thể sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của buổi phỏng vấn.  
Đang trong lúc rối trí thì một người bạn đang học tập và làm việc ở Nhật Bản nhiều năm đã gợi ý cho tôi là nên tặng ông ấy một cuốn sách. Tôi đã làm theo lời khuyên của bạn. Quả thật, cuộc phỏng vấn đã thành công ngoài ý muốn. Sau này, khi hỏi lý do vì sao bạn tôi khuyên như vậy, cô ấy nói rằng người Nhật yêu mến tri thức và những giá trị tinh thần nên đối với họ, những món quà dù có đắt tiền đến đâu cũng không thể sánh được với một cuốn sách hay.
Bề dày về văn hóa đọc
Nhật Bản là đất nước có chặng đường lịch sử dài với nhiều cuộc chuyển mình thần kỳ. Công cuộc “văn minh khai hóa”, “thoát Á - nhập Âu” dưới thời đại Minh Trị Duy Tân (1868) đã đưa nước Nhật từ một quốc gia phong kiến đứng trước họa xâm lăng của thực dân, đế quốc ngoại bang trở thành cường quốc có trình độ phát triển về khoa học kỹ thuật và kinh tế sánh ngang với phương Tây.
Tuy là quốc gia bại trận trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, nhưng Nhật Bản đã đứng dậy trên đống tro tàn và một lần nữa dân tộc này lại lập nên kỳ tích trong giai đoạn phát triển thần kỳ (1960 - 1973) mà đỉnh cao là kỳ Thế vận hội mùa hè năm 1964. Động lực cho sự hồi sinh đến kinh ngạc của Nhật Bản không gì khác hơn là đội ngũ trí thức hùng hậu mà đất nước này đã có được từ nhiều thế kỷ theo học phương Tây. Có thể nói, thái độ cầu thị, khiêm nhường và tinh thần ham học hỏi vốn có của người Nhật đã mang lại cho họ một phương tiện vô cùng hiệu quả để tái thiết và dựng xây đất nước - đó là tri thức.
Điều khiến tôi khâm phục hơn cả là văn hóa đọc đã tồn tại ở Nhật Bản từ rất lâu. Ngay từ thế kỷ 17, số lượng người biết đọc biết viết ở Nhật Bản đã ở mức cao so với các quốc gia khác đương thời. Trong giai đoạn Genroku (1688 - 1704), được coi là thời kỳ phát triển cực thịnh của mạc phủ Tokugawa (1600 - 1868), Nhật Bản đã có một hệ thống xuất bản sách hiện đại với sự xuất hiện của nhiều nhà xuất bản lớn và các nhà văn tên tuổi. Lượng xuất bản trung bình là hơn 10.000 bản, một con số thực sự ấn tượng ở thời kỳ này. Trong giai đoạn này, do nhu cầu đọc sách tăng mạnh trong khi lượng phát hành không đủ, phong trào “thuê sách đọc” trở nên thịnh hành ở các thành phố lớn của Nhật Bản.
Sau giờ làm việc, nhiều người thường rẽ vào các hiệu sách để “đọc ké” hoặc tìm mua một cuốn sách ưng ý. 
Cuối thế kỷ 18, các cửa hàng cho thuê sách xuất hiện khắp nơi ở Edo (Tokyo ngày nay). Dân số của Edo khoảng hơn 1 triệu nhưng có tới 70% người dân biết chữ và số lượng các cửa hiệu cho thuê sách tăng khá nhanh, từ 650 cửa hiệu năm 1808 lên con số 800 năm 1832. Bước vào thời kỳ Minh Trị, sách đã trở thành phương tiện quan trọng để truyền bá tri thức Tây học và duy tân tới tất cả người dân, góp phần làm gia tăng đội ngũ trí thức vốn đã chiếm một số lượng đông đảo cùng một nền tảng văn hóa đọc vững chắc được hình thành từ thời kỳ mạc phủ Tokugawa.
Ở đâu cũng có “tín đồ” của sách
Với bề dày về văn hóa đọc như vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi ở bất cứ đâu trên đất nước “Mặt trời mọc” như công viên, quán cà phê, tàu điện, sân ga, bến đỗ xe buýt, siêu thị, cửa hàng tiện lợi (combini)... bạn đều có thể bắt gặp những người ở mọi độ tuổi đang cầm trên tay một quyển sách và say sưa đọc.
Trong xã hội công nghiệp hối hả như Nhật Bản, thời gian làm việc và nghỉ ngơi được tính sát đến từng phút và khó có thể tin nổi là ai đó có thể dành thì giờ vàng ngọc của mình để nghiền ngẫm một vấn đề, thu thập thông tin hay hòa mình vào một cuốn tiểu thuyết nào đó qua từng trang sách. Thế nhưng, điều tưởng chừng như phi lý ấy lại đang tồn tại hàng ngày ở Nhật Bản.
Người Nhật sẽ đọc sách vào lúc nào khi mà hầu như tất cả thời gian trong ngày của họ bị phủ kín bởi công việc và các hoạt động sống? Câu trả lời là họ tận dụng những khoảng thời gian trống để đọc sách. Người ta đã tận dụng tối đa những khoảng thời gian đi lại trên các phương tiện giao thông như trên tàu điện, trên xe buýt hay khi phải xếp hàng dài để mua một món đồ gì đó... Chẳng có gì là lạ nếu bạn bắt gặp cảnh tượng trên một toa tàu ở Tokyo mà các hành khách đều im lặng bởi nhiều người trong số họ đang mải đọc một cuốn sách, một tờ báo, sử dụng smartphone hay thậm chí tranh thủ chợp mắt sau những giờ làm việc căng thẳng.
Do phải thường xuyên đi lại trên các phương tiện giao thông công cộng và tranh thủ thời gian trống cho thói quen đọc sách, người Nhật đã phát minh ra những cuốn sách nhỏ gọn chỉ tương đương kích cỡ một gang bàn tay, có thể dễ dàng bỏ vào túi xách hay túi áo. Các cuốn sách nhỏ này có cỡ chữ vừa đủ để đọc trong khi các trang giấy được gia công mỏng tới mức một cuốn vài trăm trang cũng có thể nằm gọn trong lòng bàn tay.
Bên cạnh sách in, người Nhật cũng tiếp cận với văn hóa đọc qua nhiều phương tiện như smartphone, máy tính bảng, sách điện tử e-book... Thay vì mang một quyển sách vướng víu, người đọc chỉ cần cài đặt một ứng dụng đọc sách trên điện thoại hoặc sắm sách điện tử là có thể tìm đọc bất kỳ cuốn nào trong kho sách số hóa hàng nghìn, thậm chí hàng triệu cuốn.
Tuy nhiên, dù công nghệ có phát triển đến đâu, sách in ở Nhật Bản vẫn có một chỗ đứng nhất định trên thị trường. Những cuốn sách mới đương nhiên là thu hút nhiều bạn đọc nhưng sách cũ lại càng được trân trọng hơn. Đó là lý do mà khu phố Kanda Jimbocho gần ngôi đền Yasukuni được biết đến như là “Thủ đô sách” của Nhật Bản. Với diện tích chỉ nửa cây số vuông, Kanda Jimbocho là nơi tụ hội của 160 tiệm sách và có tới hơn 10 triệu đầu sách. Đây là chợ sách lớn nhất thế giới xét về mật độ tập trung của các hiệu sách, số đầu sách và nội dung của sách. Nhiều người đã đến từ khắp nơi ở Nhật Bản hy vọng tìm thấy một quyển sách và các “tín đồ” của văn hóa đọc sẵn sàng đứng xếp hàng vài giờ đồng hồ trước một tiệm sách chỉ để mua một cuốn sách mà họ yêu thích.
Người Nhật luôn trân trọng tri thức, nâng niu những gì thuộc về quá khứ và những cuốn sách cũ dù đã sờn gáy vẫn luôn được xếp trang trọng và ngay ngắn trên giá tại những tiệm sách như ở khu Kanda Jimbocho. Và quả thật chẳng ngoa khi gọi Nhật Bản là “vương quốc” của những người yêu mến văn hóa đọc.
Hữu Thắng (P/v TTXVN tại Nhật Bản)

Nhà giáo NGUYỄN BÀNG
(Sài Gòn: 24.04.2015)
Vậy là bác Lê Vy vẫn chưa chịu tha chúng tôi ra khỏi cái vòng tiếng Việt và bác đã cuốn được bác Hải vào sâu thêm. Nhưng cũng phải qua gần 3 ngày đầu tuần, tôi mới hầu chuyện hai bác được.
 1./ Chúng ta có chuẩn tiếng Việt. Bác Lê Vy nói đúng:  Và, thưa bác, đây là định nghĩa về nó của Từ điển Bách khoa mở:
Ngôn ngữ chuẩn (hay tiếng chuẩn, phương ngữ chuẩn, phương ngữ đã được chuẩn hóa) là một loại ngôn ngữ được sử dụng bởi một nhóm người trong các thảo luận nghiêm túc và chính thức chung của họ.Ngoài ra, ngôn ngữ còn trở thành chuẩn qua quá trình chuẩn hóa, trong đó nó được miêu tả trong ngữ pháp, từ điển, và được mã hóa trong các công trình tham khảo tương tự như vậy. Nói chung, ngôn ngữ trở thành ngôn ngữ chuẩn là thổ ngữ địa phương được nói ở trung tâm thương mại và chính quyền, nơi nhu cầu loại ngôn ngữ được mở rộng vượt ra khỏi tầm địa phương.”
Vì vậy, nếu bác nói: “Trong gần ba chục năm làm biên tập và duyệt tin bài, những khi cần tham khảo chuẩn, tôi đã theo chuẩn của báo NHÂN DÂN và Tạp chí CỘNG SẢN”  thì   đó cũng chỉ là chuẩn tiếng Việt được được sử dụng bởi một nhóm người phụ trách  hai cơ quan ngôn luận đứng trên đầu mọi  báo chí Việt Nam thời Cộng Sản này mà thôi.
Một ví dụ điển hình cho cái chuẩn này là  từ Trung Ương được viết tắt là TW chứ không phải TƯ.
Điều này được giải thích là do trước đây, hầu hết các máy đánh chữ dùng ở Việt Nam đều không có chữ "Ư", nên để cho tiện, các văn bản hành chính của nhà nước đều dùng "TW" mặc định ngầm cho từ "Trung Ương". Và thói quen này được duy trì đến ngày nay.
Vậy thời nay, chúng ta đã có chữ "Ư" trên các máy "đánh chữ" và bàn phím hiện đại rồi, vì sao không trả Trung Ương về với cách viết tắt phù hợp là "TƯ"? Cách giải thích hợp lí nhất là, ngoài thói quen khó thay đổi, để khỏi nhầm lẫn giữa Trung Ương với chữ "tư" (trong từ riêng tư).
Chuẩn này hiển nhiên không có trong tiếng Việt thời Nguyễn Trãi, Nguyễn Du và ngay cả thời Hội truyền bá quốc ngữ do cụ Nguyễn Văn Tố làm hội trưởng.
Tiếng nói chính là hình ảnh chân thực của con người. Vì vậy con người của thời đại nào cũng sẽ tìm cách để có tiếng nói của mình, của nhóm mình.
Thời đầu thuộc Pháp, các nhà dịch thuật Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi ảnh hưởng của ngôn từ Hán Việt nên hầu như các tên riêng trong các tác phẩm Âu Tây đều được Hán Việt hóa cho dễ nghe dễ đọc, như:
Tiểu thuyết Ivanhoe của  Derek Alton Walcott dịch là Y-vân-hoa, Anna Karenina (tiếng Nga: Анна Каренина), tiểu thuyết của nhà văn Nga Lev Nikolayevich Tolstoy dịch là An-na-Kha lệ-ninh, Tristan và Iseult, một chuyện tình dân gian từ thế kỷ thứ XII tới nay đã có hàng trăm tác giả khác nhau ở khắp Châu Âu, nhất là ở Pháp, Đức, Ý, đã đưa ra các sách thuật lại khác nhau dịch là Tiễu Nhiên và Mỵ Cơ.
Thời thuộc Pháp,  cũng là thời của các “Ông Tây An Nam như tên một  vở kịch của  Nam Xương gần tám mươi năm trước, những ông người An nam  nhưng sau khi nhập làng Tây lại quay sang khinh bỉ dân tộc mình, không từ cả cha mẹ, không nói tiếng Việt mà chỉ nói tiếng Pháp, bắt người hầu phiên dịch cho người khác nghe. Với một hình tượng nhân vật độc đáo, vở kịch đã gây tiếng vang lớn trong đời sống văn học nghệ thuật Việt Nam đầu thế kỷ XX. Từ đó tới nay, cụm từ "ông tây An Nam" đã trở thành một điển tích mới trong văn học hiện đại, có đời sống riêng trong tâm thức người Việt, mà nhắc tới nó, thì ai cũng hiểu đó là cụm từ chỉ một kẻ "Tây hoá" đến mức mất hết "gốc Việt”.
Một hạng người Việt khác là các cậu công tử bột trong các bộ âu phục thời thượng, các ông bếp, các chị con sen thằng ở cho nhà Tây, các cậu bồi, các mẹ me Tây, chữ quốc ngữ có khi mù đặc nhưng mở mồm ra là khoe tài cái thứ tiếng Tây bôi, ghép từng tiếng một lại thành câu nói, đôi khi pha thêm cả tiếng Việt với những giọng điệu ngô nghê mà lại rất ngông nghênh.
Hãy xem một công tử bột hỏi mua bò của một ông lão nhà quê:
Mõa vợt át-sờ-tê bớp (moi veux acheter boeuf: Tôi muốn mua bò).
Sau một hồi chủ giá cao, khách giá thấp, cuộc mua bán không thành, chàng công tử nhìn đồng hồ, nói:
Đã lông tăng, ông giơ đít mi nút rồi, về. (Đã longtemps, onze heures dix minuttes rồi, về thôi: Đã lâu rồi, mười giờ mười phút rồi, về) khiến ông già nhà quê hiểu lầm cậu nói rằng sẽ giơ đít ra đút ông vào rồi về.
Và đây, lời ru con củSa một me Tây khi anh chồng Tây về nước:
Cút-xê  đồng, mông se pơ-tí
Manh-tơ-nằng, phi-ní pa-pa! 
(Ngủ đi, con yêu của mẹ/ Giờ đây hết cha rồi)
Hiển nhiên cái thứ tiếng Tây bồi ấy không được dân ta chấp nhận, vì nó là hình ảnh chân thật của những hạng người kể trên chứ không phải là hình ảnh chân thật của người bình dân. Trong khi người bình dân gọi Bức điện tín là Dây Thép hay là Tê-Lê-Gầm, Sở cảnh binh Commissariat de Police là sở Cẩm, cảnh binh người Việt Nam cũng gọi  là ông cò… thì những ngôn từ ấy trở thành tiếng nói thông dụng của cả cộng đồng.
Có những nhà văn thực tài, khi viết sai chính tả lại trở thành cách viết đúng như Giông tố, tên cuốn tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng mà viết đúng ngữ vựng phải là Dông tố. Ông vua phóng sự Bắc Kỳ  còn có hai cum từ khác trở thành những cụm từ hóm hỉnh, sâu sắc, đầy ẩn nghĩa, có thể áp dụng trong nhiều hoàn cảnh, và chúng đã trở nên những thành ngữ trong tiếng Việt  như Em chã! Em chã! và Biết rồi! Khổ lắm nói mãi.
Thơ Bút Tre chính gốc hay trường phái Bút Tre về sau, nếu xét về ngữ vựng, đặt câu, chấm câu, sửa dấu ép vần pha lẫn chút mỉa mai dung tục rõ ràng là lệch chuẩn. Vậy mà nhiều người Việt, dù ở bất cứ nơi nào trên thế giới tự dưng đều thuộc dăm ba câu thơ Bút Tre, thuộc mà không biết vì sao thuộc:
          Chị em nô nức đặt vòng
          Hoa mồ liệt sĩ tỏ lòng biết ơn
Về dịch thuật hay còn gọi là chuyển ngữ, ta thấycùng một truyện ngắn của Pautovsky nhưng năm 1953 trong Hà Nội tạm chiếm, Thái Duy dịch qua bản tiếng Pháp là Mưa về sáng. Năm  1961, trong Hà Nội giải phóng, Vũ Thư Hiên dịch theo bản tiếng Nga là Bình minh mưa. Cả hai tên dịch đều đúng nghĩa và đều hay, sao gọi là loạn chuẩn dịch!
Xem vậy, có năm bảy loại Tiếng Việt trong cùng một thời đại. Nhưng qua sàng lọc, chỉ những  tiếng Việt nào trở thành ngôn ngữ đại chúng thì mới được hoan nghênh, có thời gian sống lâu dài thậm chí là bất tử.
Trở lại hiện tượng loạn chuẩn trong cách dùng tiếng Việt hiện nay trong nói và viết. Theo tôi, đó là sự thế không thể khác được, in như câu nói “Đã thế thế thời thời phải thế”.
Bởi lẽ, người Việt có đặc tính rất ham chạy theo “thời trang” ngôn ngữ. Chào hỏi nhau, khi ảnh hưởng văn hóa Trung hoa thì “nỉ hảo”, khi thuộc Pháp thì “bonjour”,  giờ tiếng Anh phổ biến toàn cầu thì “hello”.  Chia tay nhau cũng thế, hết thời “tái kiến” thì sang “au revoir”  và bây giờ là “goodbye”. Lời cảm ơn cũng vậy, không “đa tạ” theo anh Tàu nữa thì “mét xi” theo anh Tây và giờ đây “thanh kiu” bắt chước cho đúng thời trang Ăng lê !
 Đối với một số người Việt, đặc biệt là giới trẻ, nói được vài câu tiếng nước ngoài hay nói tiếng Việt pha trộn tiếng nước ngoài là một cách thể hiện “đẳng cấp” dù sự thật đắng lòng đẳng cấp đó chính là một sự là sự lai căng, đúng như một ca từ trong nhạc Trịnh:  
          Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
          Một trăm năm đô hộ giặc Tây
          Hai mươi năm nội chiến từng ngày
          Gia tài của Mẹ, một bọn lai căng
          Gia tài của Mẹ, một lũ bội tình
Teen (Teenager) không phải là lớp tuổi đang có xu hướng dùng tiếng Việt theo cách giản tiện nhất như pha thêm tiếng Anh và bớt các thành tố như: iu (yêu), pùn (buồn), mún (muốn), lam wen all member (làm quen với mọi người)... tạo ra những tiếng lóng lệch chuẩn tiếng Việt mà những từ tiếng Anh đó lại xuất hiện khá thường xuyên trên báo Việt Nam! Mà giới báo chí cũng không phải là những người duy nhất truyền bá loại ngôn ngữ nửa ta nửa tây đó. Những tiếng như  tv, shoping ,“đi shopping”, mail thì hầu như cả ông già bà cả nghe cũng hiểu và cũng đã nói quen miệng. Nhà báo Kim Dung Kỳ Duyên, trên trang blog được khá nhiều người truy cập hàng ngày của mình, cũng luôn luôn dùng từ “iu” thay cho tiếng “yêu” khi đăng tải một bài của bạn bè gửi lên với lời mào đầu:
Kim Dung: Bạn bè iu quí gửi cho bài thơ này của nhà thơ…
 Ngay giữa Bờ Hồ, cạnh đền Ngọc Sơn: Thăng Long - Hà Nội viết thành Thăng long, Hà nội, tên báo Vietnamnet, cũng không viết hoa tên nước
 Rồi đặt tên là VTC News, InfoTV.  Rồi gọi là MC… Và hàng ngàn câu chữ viết sai chính tả sai ngữ pháp trên báo giấy, báo mạng, các bản biên tập của các nhà đài.
Trên mạng hiện đã hình thành một nhóm chủ trương viết lách theo ngôn từ BỰA và các trang của họ rất được rất đông người đọc và tham gia phản hồi cũng rất bựa. Nhưng lọc bỏ những cái gọi là bựa ấy đi có thể tìm thấy bên dưới nó khá nhiều điều bổ ích và lý thú.
 Cho nên, bác Vy cương quyết “không chấp nhận cách phát âm ngọng, cách viết "vô ngữ pháp" của những người không được học ngữ pháp một cách căn bản kể cả những người có cương vị và chức vụ cao”, thì chỉ còn cách tốt nhất là bác không đọc gì nữa, không nghe gì nữa mà thôi !
2/ Tôi thấy hai bác có vẻ như tâm đắc với bài viết của Nguyễn Vĩnh Nguyên?
Nguyễn Vĩnh Nguyên, nhà văn-nhà báo sinh năm 1979, tốt nghiệp ngành Ngữ văn Sư phạm, Đại học Đà Lạt năm 2001. Được biết đến nhiều hơn khi có quyết định thu hồi tập truyện ngắn “Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông” với lý do: Truyền bá lối sống dâm ô trụy lạc, không phù hợp với thuần  phong mỹ tục Việt Nam” mà thực ra đây chỉ là một tập truyện ngắn khó đọc.
Bài viết của Nguyễn Vĩnh Nguyên chỉ là một bài báo viết cho Ngày sách Việt Nam (21-4), cho nên không lấy làm lạ khi tác giả tung việc đọc sách lên tận chín tầng mây. Tác giả có đưa ra một nhận định khá chính xác về tình trạng đọc của người Việt hiện nay:
Đọc mọi lúc mọi nơi qua thiết bị di động đã trở thành trào lưu phổ biến
Nói theo ngôn từ của teen, nhận định đó chuẩn"CMNR" (chuẩn con mẹ nó rồi). Nhưng sau cái chuẩn “CMNR” đó, tác giả đã hạ một câu hơi bị cường điệu:
 “Đọc như thể ngừng đọc là lập tức lăn ra chết
Và có phần thái quá khi miệt thị chữ nghĩa trên các thứ không phải là sách in trên giấy, gọi chúng là những dòng status rời rạc, phân mảnh, không đem lại cho người đọc “vẻ đẹp ngữ nghĩa và bao trùm là khát vọng được hiểu về ngoại giới và nội tâm”. Rồi bỉ bai những người đọc những thứ đó: “Chúng ta đang đọc mọi lúc mọi nơi đó chứ. Lúc nào chúng ta cũng đang đọc cái gì đó nhưng thật ra... chẳng đọc gì cả!”
Hai bác thử nghĩ lại xem trong khoảng 10 năm trở lại đây, hai bác đã đọc được bao nhiêu cuốn sách in mang lại cho mình cái vẻ đẹp ngữ nghĩa và những khát vọng được hiểu về ngoại giới và nội tâm. Hai bác cũng điểm lại xem đã đọc bao nhiêu bài trên các trang mạng, bao nhiêu cuốn sách được đưa lên mạng, những trang mạng rất hữu ích như Vn thư quán, Ebook, Gác sách… Và gần hơn là trang vanhaiphong.com mà tôi rất cần khi đọc lại các tác giả nước ngoài như Lỗ Tấn, Alexander Pushkin, Anton Chekop, Pautovsky… Đọc những cái này, các bác có thấy tốn thì giờ vô bổ không?
Sách in đâu phải cuốn nào cũng dễ mua vì giá cả quá cao so với túi tiền eo hẹp của số đông độc giả không chỉ người nhà quê ở nông thôn mà kể cả đội ngũ trí thức ở thành thị.
Sách cũng đâu phải cuốn nào cũng đem lại cho người đọc những cái đẹp lý tưởng như Nguyễn Vĩnh Nguyên đã nêu. Hàng loạt sách có nội dung không lành mạnh đang là văn hóa độc hại gián tiếp xâm nhập tâm hồn người đọc, cả người lớn lẫn trẻ em. Nhiều loại “sách dạy làm người” nhưng lại khuyến khích trẻ làm điều ác; truyện cổ tích nhưng lại vẽ hình kinh dị, phản cảm; trắc nghiệm IQ cho trẻ nhưng câu hỏi và đáp án đều nhảm nhí...
Tôi không phủ nhận giá trị của việc đọc sách. Nhưng tôi cũng không tán thành việc chê bai lướt web đọc tin, đọc báo, đọc mọi lúc mọi nơi qua thiết bị di động, Nhiều người đã nhờ máy tính, đọc trên máy tính qua Google, Youtube, Facebook…mà tích lũy được rất nhiều kiến thức, sáng tạo được nhiều sản phẩm làm giàu cho mình và cho xã hội.
Chiếc điện thoại đơn giản rẻ tiền chỉ giúp người ta a lô và nghe a lô. Nhưng cái Smartphone lại có nhiều ứng dụng hữu ích cho người dùng.Thấy người ta chúi mắt vào smart phone ở đâu đó đừng nói rằng người ta đang “đọc thụ động” một cái gì đó nhưng thật ra... chẳng đọc gì cả!
Nguyễn Vĩnh Nguyên chắc chắn cũng có Máy tính và Smarphone! Và anh ta cũng nhờ chúng để làm ăn viết lách.
Cũng phải chiều ngày thứ tư của tuần này, tôi mới có thì giờ TRAO ĐỔI DÀI…DÀI với hai bác những ý nghĩ của riêng tôi về vấn đề bác Vy tung và bác Hải đã hứng.
Chúc hai bác đọc được nhiều sách hay, bất kỳ là sách trên net hay sách in, đọc say sưa và đáng yêu như người đẹp đọc sách trong ảnh này !

           
Mời thư giãn với nhạc phẩm ĐẤT NƯỚC LỜI RU
của Văn Thành Nho, qua tiếng hát Nghệ sĩ Nhân dân Thu Hiền:
            
*
NGUYỄN BÀNG
Địa chỉ: Thành phố Sài Gòn
Email: bnguyen37@gmail.com
.
.



  ........................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 02.04.2018.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang blog Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

.  

0 comments:

Đăng nhận xét