(Nhà thơ, nhà ứng dụng Kinh dịch: Nguyễn Thanh Lâm) |
LÊNH
ĐÊNH ĐI TÌM
CÁI
TÔI LÊNH ĐÊNH
(Cảm nhận đọc
Rừng xanh mưa của Nguyễn Thanh Lâm)
(Tác giả Nguyễn Hữu Quý) |
Mình là ai, là gì
trong thế giới này?
Câu hỏi ấy, băn khoăn
ấy, tự vấn ấy, có lẽ không chỉ riêng mỗi mình anh, riêng của một người
làm thơ Nguyễn Thanh Lâm. Nhưng đấy là anh, câu thơ của anh viết ra trong
ngày sinh nhật tặng bạn trên facebook. Cái facebooc ấy là thế giới
mạng, thế giới ảo nhưng những con người say mê, đôi lúc đắm chìm trong
nó là con người thật, có cuộc đời thật, bĩ cực thái lai thật.
Chúng ta đang ngụp lặn trong thời 4.0, thời của những con robot có thể
mang cảm xúc, dẫu chỉ là cảm xúc lập trình vẫn chưa thoát ra khỏi
câu hỏi Mình là ai, là gì trong thế giới này?
Nguyễn Thanh Lâm, tôi
biết anh là nhà thơ nhưng cũng là nhà Kinh dịch, thạo chuyện bấm
quẻ, coi tử vi. Chẳng biết cái đặc điểm đó có tác động vào thế
giới thơ của anh không nhưng tôi thấy sáng tạo thi ca của Nguyễn Thanh
Lâm đa chiều, đa tầng và mang đựng những suy ngẫm về cõi người. Anh
đặt mình trong mối liên hệ với trời đất, cây cỏ bằng sự hoán đổi,
giao hòa, cảm thông:
Lênh đênh đi tìm cái
tôi đã mất
Tìm cả kiếp
bèo
Cái tôi lênh đênh không
tôi
(Cánh bèo).
Không chỉ có kiếp
người đâu nhé, bèo cũng là một sinh linh đáng kể, cũng thân phận lênh
đênh. Trong lênh đênh kiếp bèo có lênh đênh kiếp người hay ngược lại;
cái đã mất và cái hiện hữu hình như đang song hành, đang cùng trộn
lẫn vào nhau. Tìm ra cái đã mất để thấu tỏ hơn cái đang hiện hữu
cũng là để chọn cho mình cách ửng xử với đời cho hợp nhẽ tự nhiên,
không nhiều than oán phàn nàn, không nhiều ham hố tham lam.
Anh đã chọn, tôi tin
thế, chọn một cách sống “cân bằng” giữa muôn vàn xô bồ, hỗn tạp của
cuộc sống. Trong hành trình đi tìm câu luận giải về con người, trước
hết cho chủ thể mang danh tính mình, anh đã chọn cho mình một nhân
sinh quan:
Tôi ẩn cư và nhập thế
Trong những xôn xao
trắc ẩn cuộc đời.
Có vẻ như là mâu
thuẫn, trái chiều khi con người ấy vừa ẩn cư vừa nhập thế. Lánh xa
và hòa nhập đều có ở trong con người anh. Cần biết tránh né những
thứ không cần thiết, những tham sân si dễ khiến con người ta quay cuồng
đeo đuổi và cũng phải kết nối với bè bạn, người thân trong phận sự
và tình cảm của mình. Không có sự cực đoan, tách biệt ở đây, đạo
có trong đời, đời cũng là hành đạo như ứng xử của bậc minh quân
sáng lập ra Trúc Lâm thiền phái thời Trần lừng lẫy.
Thơ Nguyễn Thanh Lâm
trong tập Rừng xanh mưa này có một mạch được tô đậm mà tôi quan tâm
nhất không gì khác chính là những suy tư, ngẫm nghĩ của anh về con
người và cuộc đời. Anh đi tìm cái bản thể chung có ở trong sinh vật
mang tên người ấy và thể hiện nó qua thơ. Và, anh đã phát hiện ra
một phần của nó; đó là căn bệnh tổ tông truyền đời có lẽ muôn đời
muôn kiếp không chữa được:
Buồn là căn bệnh của
loài người không thuốc chữa
Nỗi buồn thi nhân
thường nở hoa
(Nụ cười của nỗi
buồn)
Lấp ló phạm trù
chung riêng trong câu thơ mang ý khái quát đó. Cũng chẳng có gì lạ
lẫm quá, đời vốn là bể khổ mà nỗi buồn chính là hệ quả của nó.
Là con người không ai không mang trong mình những nỗi buồn nào đó,
chẳng ít thì nhiều. Tuy nhiên, với nhà thơ thì nỗi buồn là nguồn
cơn, hứng cảm của thi ca. Thơ buồn nhiều hơn thơ vui. Thơ gần với nước
mắt hơn nụ cười. Những đóa hoa nở từ nỗi buồn thi nhân chắc cũng mang
vẻ đẹp ưu tư, lắng đọng.
Nguyễn Thanh Lâm nhìn
ra nỗi sợ hãi truyền kiếp của con người từ những sự vật cụ thể,
bình thường trong cuộc sống thường ngày. Nói thơ anh mang nhiều suy
ngẫm, triết luận về con người cũng vì lẽ đó. Cuộc sống mang nhiều
màu sắc, trạng thái, cung bậc trong thơ anh. Tôi thực sự ấn tượng với
những câu thơ này:
Con người sợ sự mong
manh, chóng tàn
Sản xuất những bông hoa
nhựa
Tồn tại không hương
Và biết bao tình yêu
không hương tồn tại
(Hoa tỏa hương và
không hương)
Chỉ là một tấm áo
mới, đơn giản vậy, anh cũng tìm ra được những điều để nói, để gửi
gắm thông điệp của nhà thơ vào cuộc sống bao la:
Gió mới tìm chi trong
lòng tôi tràn đầy rỗng không
Các cảnh cửa hồn tôi
mở toang cho thế giới ngập tràn
Áo ước mơ hòa bình
gió mặc có vừa không
Ước mơ đang bay dừng
chân ở chốn nào
(Áo mới)
Sự liên tưởng được
mở ra nhiều hướng, khá bất ngờ mang lại thú vị cho người đọc. Cái
thực cái ảo đan xen vào nhau của những câu thơ trên làm tôi nghĩ đến
sự thăng hoa của người viết. Ý thơ được mở rộng, thoáng đãng. Hình
tượng thơ liên tiếp xuất hiện nhưng không làm rối người đọc trái lại
làm cho dung lượng câu thơ nở nang, đầy đặn và rất gợi cảm.
Con người cần phải
hồn nhiên hay nói cách khác hồn nhiên là vẻ đẹp tinh khôi của cuộc
sống. Sống trong sạch, phải chăng đấy cũng là một thông điệp cần
thiết với con người. Khi con người “khôn” lên với muôn vàn đua tranh,
tính toán cùng những mục tiêu, mục đích để vượt trội thì những câu
thơ này có thể xem là lời nhắc nhở chăng:
Hồn nhiên - bản năng
như chim hót không mục
đích gì
Không mục đích rất
cần cho sự sống
(Thơ ngày sinh nhật
tặng bạn trên Facebook)
Tạo hóa ban cho mỗi
người một hình hài, tâm hồn và cũng an bài cho họ một định mệnh,
một thân phận. Hoàn hảo hay khiếm khuyết cũng chỉ là tương đối.
Thánh thần, vua quan hay lính tráng, thường dân cũng không bao giờ là
mãi mãi. Nhận thức ra cái tạm bợ, sự tương đối của vị thế mình
đang có chính là sự giác ngộ quan trọng nhất về con người, về cuộc
đời. Mỗi khoảng khắc trôi qua là một hiển hiện đổi thay không cưỡng
lại được, là hành trình sinh, già, bệnh, chết mà ai cũng phải trải
nếm và sau đó nữa không biết còn những gì trong thế giới bên kia,
Thiên đường hay địa ngục, cõi Niết bàn hay chốn đọa đày...Tôi đã
nghĩ tới những điều vừa nói khi đọc thơ Nguyễn Thanh Lâm:
Kẻ được tôn Thánh,
Thần vẫn chỉ là tương đối
Tương đối trong tuyệt
đối của ước mơ
(Sự hoàn hảo tương
đối)
Và đây nữa:
Trong đời, cuộc chơi
nào cũng mệt
Cuộc chơi làm vua mệt
mỏi hơn nhiều
(Ngồi trên ghế vua
sòng bạc và suy ngẫm)
Quả là những chiêm
nghiệm đáng nhớ của nhà thơ. Với cách nghĩ, cách cảm và thể hiện
như thế tôi thấy thơ Nguyễn Thanh Lâm có chiều sâu và nó luôn gắn bó
với thế sự, với nhân tình. Dù gắng giữ an nhiên anh vẫn không ít xót
xa khi nhận ra những ứng xử tệ bạc trong cõi người hỗn tạp:
Chỉ khi đóng nắp ván
thiên
Đời mới nhận ra
người ấy là ai
Và có khi quên lãng
(Cánh bèo)
Đấy cũng lý do để
anh trân trọng cái đẹp của cuộc sống, quý mến bạn bè, người thân.
Thơ Nguyễn Thanh Lâm viết cho vợ thật và sâu nặng biết mấy:
Trời cho anh tình yêu
rồi lại lấy đi
Chỉ em thôi. Trời cho
không đòi lại
(Ngày Valentin viết tiếp
vào trang sử tình yêu)
Câu thơ về tình yêu
của anh cũng huyền ảo và bay bổng làm sao:
Em tặng ta nhụy hoa
thời gian
Ta ăn nhụy hoa ngấu
nghiến
(Đi chơi trong tâm
tưởng)
Hay:
Em ơi
Ta ơi
Chúng mình chết trong
nhau thành Hoàng hoa tửu
(Hoàng hoa tửu)
Rốt cuộc là sao?
Nguyễn Thanh Lâm có tìm thấy cái tôi lênh đênh của mình không? Tôi
nghĩ, cái tôi ấy đang vừa cư trú trong anh và vừa nhập thế vào cuộc
sống. Như anh tự nhận đấy thôi. Thơ cũng chỉ là cuộc tìm vô tận. Mỗi
bài thơ chỉ là những lát cắt mỏng mảnh của tâm hồn anh, đọc và nhớ
và yêu:
Tiếng nhạc trời như
tình yêu thăng hoa âm vang giao hưởng
Réo rắt độc huyền
cầm nhớ mong
Chìm sâu trong nỗi
sầu nhân thế
Bay nghiêng và vỗ
cánh lên trời...
(Rừng xanh mưa)
Mời thư giãn với nhạc phẩm CÁT BỤI
của Trịnh Công Sơn, qua tiếng hát Khánh Ly:
*
Đồng Xa, sắp sang Thu 2018
NGUYỄN HỮU QUÝ
Địa chỉ: Phòng 201, Chung cư M5, 56 Trần Vỹ,
quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội
Email: nguyenhuuquy56@yahoo.com.vn
Điện thoại: 0982055454
.
.
.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ email: thanhlam.tho@gmail.com gửi ngày 21.08.2018
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
.
Thơ của Nguyễn Thanh Lâm để tán thì dễ chứ để bình thì khó cho người viết lắm.
Trả lờiXóa