(Nguồn ảnh: internet) |
XUI CÓC
KIỆN TRỜI
(Tác giả Nguyễn Bàng) |
Hơn mười
ngày nay, chiều nào trời cũng vần vũ mây đen, hôm thì ở phương Đông hôm thì ở
phương Tây. Rồi gió mạnh bật lên từng cơn ngắn ào ào như muốn đổ lộc rung cây
trong khu vườn nhỏ của gia đình. Và ngay sau đó là một trận mưa lớn sầm sập
trút nước từ trời cao xuống mọi vật. Đúng là "Cơn đằng Đông vừa trông vừa
chạy" và "Cơn đằngTây mưa giây chớp giật"!
Phải gần
một giờ đồng hồ mưa mới ngớt. Muốn đi thăm ông bạn ở quận bên nhưng thấy đã
muộn bèn dạo gót ra vườn cho thoáng. Bỗng nghe có tiếng khục khục như tiếng ho
khan của người già khiến nhớ ra có con cóc cụ không biết từ đâu đến đã sống mấy
năm nay trong bụi chuối ở góc vườn. Trong đầu bỗng dưng bật nhớ ra câu nói của
dân gian "con Cóc là cậu ông Giời". Ừ, thế mà bao lâu nay sao mình
lại vô tình không hỏi han gì ông cậu này nhỉ ?
- Chào
cậu ông Giời! Cậu khỏe chứ?
- Khỏe
gì! Ngươi không thấy ta vừa mới ho khan đấy sao? Năm nay, con bé La Ni Na đỏng
đảnh chắc được Ngọc Hoàng nuông chiều hay sao mà đùa nghịch dai quá. Suốt đêm
ngày con bé ngồi trên cổ lão thần Mưa bắt cõng rong chơi khắp nơi và hứng lên
thì bắt lão ta phun mưa bất kể đêm ngày khiến nhiều nơi hạ giới mưa ngập diện
rộng. Hàng loạt tuyến phố ở nhiều tỉnh thành biến thành sông, tê liệt giao
thông nhiều điểm, kể cả thủ đô Hà Nội hay thành phố lớn nhất cả nước là thành
phố Hồ Chí Minh có hàng nghìn cống thoát nước và nhiều máy bơm nước đắt tiền
cũng đành bất lực. Mưa lớn trên diện rộng cũng đã gây thiệt hại lớn về tài sản
và hoa màu tại nhiều vùng nông thôn. Đáng thương nhất là ở một số nơi thuộc
vùng núi phía Bắc mưa to, xảy ra sạt lở đất, lũ quét làm chết nhiều người dân
vô tội. Năm học mới sắp khai giảng rồi mà lũ đến bất ngờ cuốn trôi nhiều sách
vở, phương tiện dạy học, nhấn chìm bàn ghế, thậm chí đánh sập cả ngôi
trường…khiến nhiều học sinh lâm vào cảnh “bơ vơ” trước thềm năm học mới. Khóm
chuối ta đang ở, các tàu lá đều rách bươm tơi tả vì nước mưa cưa xẻ, muỗi mắt
sinh sôi nảy nở hàng đàn, ốc sên và sâu bọ đục thân, cắn lá đầy nhung
nhúc.
- Vậy mà
tôi cứ tưởng cậu đã nghiến răng ken két nhiều quá nên Ngọc Hoàng đã sai thần
Mưa làm mưa liên tiếp theo lệnh cậu.
- Nghiến
răng ken két cái gì? Ta bị đau phổi suốt ngày ho khan khục khục thì sao mà
nghiến răng cho được. Chính ta đang lo đây, nếu cứ mưa dai dẳng như thế này thì
bệnh ta sẽ phát mỗi ngày một nặng thêm đấy.
-
Cậu không nghiến răng mà trời mưa thì Ngọc Hoàng sai mất rồi. Vậy sao cậu không
đi mà kiện trời?
- Kiện
Trời ư? Có mà kiện củ khoai! Xã hội mà ngươi đang sống đấy, có hàng nghìn luật
lệ nhưng mỗi năm có hàng trăm nghìn vụ kiện, có những vụ đơn kiện nặng hàng mấy
chục cân mà có đi đến đâu. Thậm chí có hiện tượng người dân mang quan tài diễu
phố, đến trước cổng cơ quan công quyền, mặc dù chẳng ai muốn mang người chết đi
“ăn vạ” nhưng dân oan vẫn là dân oan, có ai chịu trách nhiệm đâu…Ta chỉ thấy
loài người các ngươi toàn cầu Trời, kêu Trời, xin Trời… chứ chưa thấy ai vác
chiếu ra tòa để kiện Trời bao giờ. Vậy mà ngươi lại xúi ta đi kiện Trời là sao?
- Thì
ngày trước, thần Mưa mải rong chơi tối về đắp chiếu nằm ngủ, quên không làm mưa
gây nên đại hạn khiến khắp nơi đất đai nứt nẻ, cây cỏ khát nước chết rụi, các
con thú cũng chết dần chết mòn vì khát. Muôn loài đều kêu than ai oán nên tổ
tiên cậu đã đi kiện trời, bắt trời phải làm mưa ngay đó thôi. Vì thế dòng giống
nhà cậu mới được mệnh danh là Cậu ông Giời mà!
- Cậu
ông Giời ư? Đó là chuyện cổ tích từ thời hồng hoang về tổ tiên của ta. Giờ là
thế kỷ nào mà ngươi vẫn tin vào chuyện ấy, mà còn coi ta vẫn là cậu ông Giời.
Mấy chục năm nay, hẳn ngươi vẫn luôn được nghe người ta nói cán bộ là công bộc
của dân hay đầy tớ của dân và người ta đang hô hào học tập tinh thần làm đầy tớ
nhân dân chứ không phải là “quan” nhân dân. Nhưng ngươi thấy có mấy cán bộ được
đúng như thế không? Hay là khắp nơi đã có chuyện gặp cảnh sát giao thông người
dân sợ! Gặp cán bộ chính quyền cấp cơ sở người dân sợ! Doanh nghiệp đi đăng ký
kinh doanh sợ! Người dân đi khám bệnh sợ!… Người dân sợ đầy tớ của mình
vì một số cán bộ hiện nay, đang lợi dụng sức mạnh của quyền lực nhà nước,
quyền lực chính trị để biến đó thành quyền lực cá nhân. Và quyền lực đó có thể
làm gì? Đơn giản thôi! Để hành dân cho rá Tiền! Quyền lực nhà nước có trong
tay, có rất nhiều quan chức có thể lấy được một khối lượng tiền lớn, nhà biệt
thự, khu đất vàng, xe sang, chung cư cao cấp… Ranh giới đưa cán bộ chính quyền
và nhân dân tới gần nhau nhất, đôi khi đó chính là chiếc cầu “phong bì” sẽ bắt
ngang. Nói thế cũng giống như nói ông Giời là cháu của loài Cóc ta mà thôi! Vì
vậy đừng huyễn hoặc mà xui ta đi kiện thằng cháu ấy!
Không ngờ lão cóc cụ nằm một xó trong bụi
chuối góc vườn mà lại hiểu biết nhiều như thế. Nhưng thử khích lão thêm một lần
xem sao:
- Thế
cậu không thấy trong xứ sở của ta người dân đang hoan nghênh một cái lò đã
cháy, “củi khô” cho vào sẽ càng cháy, “củi tươi” cho vào vì nhiệt lớn cũng phải
cháy. Củi ở đây không chỉ là những quan chức tham nhũng mà còn cả những kẻ ngạo
nghễ, xênh sang gây thiệt hại cho dân cho nước. Vậy mà cậu thấy củi trên nhà
trời gây hại lớn cho dân hạ giới mà không dám tìm cách cho vào lò. Cậu hãy hô
hào anh em lên đánh thức Ngọc Hoàng, xin Ngọc Hoàng thôi mưa ngay cho
trần gian được nhờ chả hơn là ngồi đây ho khan suốt ngày hay sao?
Sau một
tràng ho khục khục, lão Cóc Cụ mệt nhọc đáp:
- Ta dẫu
có “điếc không sợ súng” cũng chẳng dại gì mà rủ rê mấy con vật khác nữa kéo
nhau đi đấm cửa nhà Sấm. Cái câu hát:
“Con cóc là cậu ông trời
Hễ ai đánh Cóc thì trời đánh cho”
Chỉ là
một câu đồng dao do bọn người các ngươi đặt ra. Nhưng ta biết, ta chỉ là một
con cóc, họ hàng với ếch nhái, ễnh ương. Và ta còn biết bài ca dao sau cũng là
của bọn người các ngươi:
Ếch kêu dưới vũng tre ngâm
Ếch kêu mặc ếch, tre dầm mặc tre
Sinh con gặp phải buổi này
Bao giờ mở mặt, mở mày con ơi!
Thôi, đi
đi để ta ngồi thở cho đỡ tức ngực!
Mời thư giãn với nhạc phẩm THƯƠNG QUÁ VIỆT NAM
của Phạm Thế Mỹ, qua tiếng hát Tuấn Vũ:
*
Sài Gòn, tháng 09.2018
NGUYỄN BÀNG
Địa chỉ: Thành phố Sài Gòn
Email: bnguyen37@gmail.com
.
.
.............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác
giả gửi qua email ngày 03.09.2018.
- Bài viết không thể hiện quan
điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét