LÀNG CUỒNG MÊ
*
(Nhà văn Phan Trang Hy) |
Hắn đưa bàn tay đơ như khúc gỗ, bọn thuộc hạ
cúi xuống, cầm tay hắn hôn lấy hôn để. Một tên tuổi đã già, đang cúi khom, đưa
sát lỗ tai vào miệng hắn, nghe hắn thầm thì điều gì đó, mắt mở to, cái đầu gật
gật tuân phục.
Hắn có thân hình ngắn so với kích cỡ. Kể cả
kích cỡ của chức vụ! Thông thường, kẻ chỉ huy, kẻ lãnh đạo, kẻ bề trên phải có
chút gì đó về dáng vẻ phù hợp với tính cách và cương vị. Hắn thì không. Nhưng
hắn vẫn cứ làm lãnh đạo như là một chuyện đương nhiên, một chuyện đã rồi, một
chuyện không thể khác. Có thể một ngày nào đó quả đất quay ngược lại, múi giờ
trên từng khu vực của từng quốc gia có thay đổi, nhưng với hắn, chuyện làm lãnh
đạo như là chân lý, là lẽ phải, bởi thuộc hạ của hắn luôn ca tụng dòng giống
hắn là anh minh, là kẻ vạch lối chỉ đường, là người lãnh đạo tài ba.
Vì gia đình quyền thế và giàu có, vì cha hắn
chỉ tin một mình hắn có thể nối dõi cái giống uy quyền ở cái làng cuồng mê này,
nên hắn được cha cho thụ giáo một vị tổ sư quyền lực. Cha hắn thường căn dặn
hắn:
- Con phải biết dòng giống nhà mình là vĩ đại
nhất làng. Con phải lo học, lo tu dưỡng đạo đức, phải học tập và làm theo những
điều ông nội con dạy thì mới có thể làm chủ làng được.
- Con biết rồi! Cha cứ nói mãi, con nghe mệt
lắm.
- Con không nghe lời cha thì cha để ngôi vị
này cho anh em con đó.
Nghe cha hắn nói thế, hắn chỉ cười thầm. Hắn
không biết tâm tính của cha hắn mới là lạ. Cha hắn nói thế, chứ không phải là
thế. Thường thì cha hắn nói một đường làm một nẻo mà có ai dám có ý kiến can
ngăn, có ai dám chống lại đâu. May cho hắn, hắn là bản sao của cha hắn và cha
hắn là bản sao của ông nội hắn. Hắn rút ra bài học là khi nắm quyền bính dù có
nói đường làm nẻo, nói nẻo làm đường cũng thế. Chẳng có ai dám chống lại kẻ độc
quyền đâu.
Cha hắn đưa mắt nhìn hắn rồi ra lệnh:
- Gì thì gì cũng phải học những điều của ông
nội con để lại.
Hắn nghe thế không còn dám cười thầm. Phải lo
học thì ngôi vị mới về tay hắn. Đó là điều kiện ắt có và đủ để hắn nối ngôi.
Cha hắn lại căn dặn thêm:
- Con cũng cần phải có thêm bằng cấp này bằng
cấp nọ, có thế dân làng mới tin con là kẻ có học. Nhớ lấy!
Hắn chỉ gật đầu. Hắn nhớ lại, dù chỉ mang
máng, hồi hắn lên năm thì phải. Hắn ngồi bập bênh trên con ngựa gỗ, thế mà sau
này, khi hắn chuẩn bị kế vị ngôi lãnh đạo thì những tay có chút chữ nghĩa dưới
trướng cha hắn viết sách ca tụng hắn là thiên tài có tướng làm lãnh tụ, dù lứa
tuổi mẫu giáo vẫn cưỡi được ngựa. Chưa hết, bọn họ còn ca tụng hắn có tấm lòng
yêu thương loài vật khi hắn ra tay cứu đàn ruồi bị xịt thuốc.
Những đứa trẻ cùng tuổi hắn, là con của những
kẻ dưới quyền cha hắn, nên chúng đương nhiên là những kẻ dưới quyền hắn. Do
thế, dù bọn trẻ có thể hiện sự thông minh, thể hiện những tính tốt bẩm sinh với
hắn thì cha mẹ chúng cũng giả ngu, giả dại, cũng quỳ gối xin lỗi cha hắn và
cũng xin lỗi hắn. Có thế gia đình họ mới tạm yên thân.
Cái tính tham quyền dẫn đến độc quyền có từ
đời ông nội hắn thấm vào tận máu thịt của hắn. Khi cha hắn bị đột tử, hắn được
đám thuộc hạ trung thành với cha hắn củng cố địa vị cho hắn. Và hắn được tiếp
tục làm chủ làng như ông nội hắn đã từng làm.
Nói tới ông nội hắn cũng là nói đến lãnh tụ
tham lam, tự đại, độc quyền. Ông nội hắn cũng đã từng được ca tụng là tiền hiền
của cái xứ sở cuồng mê này. Tới cha hắn cũng được ngợi ca là thánh sống. Cả
dòng giống nhà hắn là dòng giống có truyền thống kiên định lập trường với chủ
thuyết vĩ đại của cái chủ nghĩa thần thánh bách chiến bách thắng. Và vì cái chủ
thuyết thần thánh ấy nên từ ông nội hắn đến hắn phải tuân thủ cái luật định là
không thèm giao du, không thèm làm ăn với dân làng khác. Đặc biệt là cấm trai
gái trong làng lấy trai gái làng khác nhằm duy trì cơ chế sẵn có từ thời tu
huýt tu đế, từ cái thời của tổ tiên nhà hắn là vượn người.
Là chủ làng, hắn có quyền vui chơi tùy thích.
Dù cái mặt hắn như kẻ bị đao, nhưng hắn vẫn có quyền nhơn nhơn cười như đười ươi, vẫn là lãnh đạo thần thánh
của làng hắn. Tuyệt đại đa số dân làng bị mê hoặc bởi lời hứa từ ông nội hắn
khi cướp được quyền từ những địa chủ, nên đến giờ dân làng vẫn coi hắn là kẻ
lãnh tụ anh minh. Hắn thể hiện tài lãnh đạo như một cầu thủ chuyên nghiệp, chỉ
có việc sút bóng vào khung thành trên chấm phạt đền, trong khi kẻ bắt bóng vì
muốn lấy lòng hắn đã cố tìm cách đưa tay đẩy bóng vào khung thành lỡ khi hắn
sút bóng hỏng. Và cả dân làng chỉ có việc vỗ tay ca ngợi.
Những câu thơ sấm làm chấn động dân làng. Nào
là hắn sinh ra là do thiên cơ, nào là hắn chính là chân mệnh đế vương. Dẫu bản
thân dòng họ nhà hắn không tin vào quỷ thần, không tin vào tâm linh, không tin
Trời Phật, nhưng cái quyền uy của chủ thuyết vô thần lại đẻ ra bao huyền thoại
nhằm mê hoặc dân chúng, lại tung hê hắn trở thành kẻ kế vị lỗi lạc anh minh.
Biết bao chuyện, biết bao sự việc lạ kì gắn cho hắn. Nào là hoa xoan đột ngột
nở vào mùa hè, nào là cầu vồng luôn xuất hiện trên làng hắn ở dù trời không có
gió, không có mưa, không có sự khúc xạ của ánh mặt trời… Cả dân làng bị mê hoặc
bởi sự ngự trị của nỗi sợ hãi, bởi chính sách ngu dân, nên dân chúng chỉ nghĩ
chính dòng họ nhà hắn ban cho họ quyền được sống ở đời. Có được chiếc áo mới,
có được chút bánh mì, có được chút mắm, nghe được bài ca dao, dân ca, uống được
nước ao làng, nghỉ Tết… cũng nhờ sự lãnh đạo của dòng giống nhà hắn.
Từ ngày làng hắn đưa ra cái lệ duy trì bảo vệ
thành trì nòi giống sẵn có, làng hắn bị cô lập. Tất cả các làng khác không thèm
chơi, không thèm làm bạn với làng hắn. Chính điều đó càng củng cố thêm quyền
lực của nhà hắn. Dân làng hắn đâu có biết những gì ở ngoài lũy tre làng, dân
làng hắn chỉ còn sờ soạng, bấu vúi nhau trong những màn múa hát ngợi ca lãnh tụ
vĩ đại anh minh.
Đến ngày giỗ ông nội, hắn bắt dân làng hắn
hát hò. Dân chúng cứ hát hò múa may trên khắp đường làng. Cờ hoa rợp khắp nơi.
Tới con heo, con trâu cũng được cho mặc những chiếc áo đẹp nhất mừng ngày giỗ.
Dân làng mừng vui ngày ông nội hắn chết. Không còn cảnh khóc lóc ai oán, bi
thương. Chỉ có nụ cười ngô ngây của từng người mừng vui vì được ăn giỗ.
Làng hắn bị cô lập, thực ra, các làng khác cô
lập không phải vì dân làng hắn mà vì cách cai trị của hắn. Mối quan hệ giữa
trai gái trong làng cũng chỉ bó hẹp trong phạm vi làng. Dân làng hắn bị nhồi
sọ, bị tẩy não nên nhiều kẻ cứ cho người làng khác là đồ dẫy chết, là đồ bẩn
thỉu, là những con chó sủa bậy, là những con hổ giấy, là con rồng chết tiệt… Từ
đó, trai đến tuổi lấy vợ, gái đến tuổi lấy chồng chẳng biết lấy được ai ngoài
những người trong làng.
Dân làng hắn thuần chủng, không bị pha tạp.
Nhưng khốn cho sự thuần chủng ấy sẽ dẫn dân làng đến chỗ đồng huyết khi nào
chẳng hay. Và rồi thế hệ tương lai của dân làng hắn sẽ đột biến. Vẫn là dáng vẻ
con người, nhưng tâm tính biến đổi. Tham lam, ích kỉ, thèm tiền, dối trá, lộng
ngôn, … Đủ thứ dơ bẩn trên thế gian này được dân làng hắn biến thành thức ăn,
thức uống hằng ngày.
Trong tâm tưởng của dân làng, hắn vẫn là kẻ
vĩ đại, anh minh. Hắn chính là thần, là thánh đem cuộc sống đến cho dân làng.
Cái lệnh cấm trai gái lấy trai gái làng khác
đưa ra có từ thời ông nội hắn xem ra trái với qui luật tiến bộ, văn minh nên có
kẻ lên tiếng phản bác. Thường là các bậc nhân sĩ, kẻ có học, đôi khi cũng có kẻ
bất mãn dòng họ nhà hắn. Mà dòng họ nhà hắn làm chủ làng thì phải thể hiện
quyền bính có một không hai để trừng trị kẻ bất mãn. Theo hắn bất cứ ai phản
bác hắn, phản bội qui định của ông nội hắn đối với làng là đều là có tội.
Những kẻ phản bác đưa ra các luận cứ, luận
chứng khoa học là nếu dân làng duy trì nòi giống cái kiểu như thế sẽ đi đến chỗ
đồng huyết, loạn luân, sẽ đi đến chỗ suy yếu giống nòi. Hắn cười trấn an trong
một cuộc diễn thuyết ở đình làng rằng: “Như chúng ta đều biết, tổ tiên loài
người là vượn người. Mà vượn người chỉ cần sức mạnh của con đầu đàn là bảo vệ
được cả đàn. Chúng ta cũng thế. Chúng ta chỉ phải mạnh về quân sự thì có thể
bảo vệ được làng, và từ đó cướp lấy của cải vật chất của các làng khác về làm
giàu cho làng mình. Chúng ta phải thống trị làng khác bằng sức mạnh. Kẻ nào
trong làng không muốn mạnh thì kẻ ấy là phản bội, ta phải quét và tiêu diệt
sạch bọn ấy. Tất cả phải làm trong sạch nội bộ làng ta. Dân làng ta là anh
hùng. Làng ta là làng vĩ đại. Làng ta hùng mạnh nhất thế gian này”.
Nghe vậy, dân làng vỗ tay đoành đoạch tự
sướng.
- Chủ làng nói hay thật!
- Chủ làng sáng suốt, anh minh!
- Chủ làng quả là tuổi trẻ tài cao, chí
lớn!...
Trong khi đó, trong một căn nhà ở ven làng,
có tiếng rì rầm bàn luận:
“Con nghĩ kĩ rồi. Nếu sống ở làng này trước
sau gì cũng chịu cảnh đồng huyết, chịu cảnh loạn luân. Khi học môn sinh vật lớp
9 con được biết như vậy. Nhưng trốn khỏi làng đâu có dễ”.
“Biết là thế. Nhưng không lẽ ta cứ ở lại làng
để rồi con cháu ta phải chịu cảnh loạn luân về sau. Phải tìm cách thoát khỏi
cái kiếp sống nửa người nửa thú này. Có thế mới xứng là con người”.
“Thế
thì ta đi đâu?”.
“Đi
đâu cũng được. Bố tin là có chỗ dung thân cho chúng ta”.
Họ bàn cách trốn thoát khỏi làng, trốn thoát
viễn cảnh đồng huyết, loạn luân. Họ trốn thoát cái hàng rào của làng, trốn
thoát sự cai trị của chủ làng. Đêm ấy, sau khi thắp hương vái lạy tổ tiên, ông
bà, họ châm lửa đốt nhà họ. Trong khi dân làng chữa cháy, họ trốn khỏi làng.
Thế nhưng, không may cho họ. Bọn quân canh
giữ làng đã bắt họ lại. Họ bị đánh đập. Sau đó, họ bị thiêu sống. Họ chết vì
không muốn đồng huyết, không muốn loạn luân. Họ chết khi chưa tìm được đất
sống. Chỉ có đất chết dành cho họ.
Không biết cớ sao cái chết của họ lan truyền
trên mạng internet. Các làng khác đều biết. Riêng dân làng cuồng mê vẫn mù tịt.
Dân làng này tin hai cha con nhà nọ đã chết trong trận cháy, thân xác đã biến
thành tro.
Ngày hôm sau, trên loa phóng thanh của làng,
con mõ đã đanh thép lên giọng dạy cho bọn hổ giấy, bọn đà điểu, diều hâu, sư
tử, … là sẽ trừng trị đích đáng bọn chúng. Bọn chúng đã phao tin chống lại
chính quyền làng cuồng mê này thì bọn chúng là kẻ thù không đội trời chung với
làng.
Dân làng bu quanh chiếc loa phóng thanh.
Tiếng chiêng nổi lên. Tiếng hò hét giết kẻ địch vô hình:
- Quyết giết hết kẻ thù không đội trời chung!
- Giết! Giết!
Vài ngày sau nữa, bọn trẻ con đang tìm trong
đám tro xem có còn thứ gì làm được đồ chơi, xem có thứ gì có thể ăn được. Mấy
bà già còm xương đang lượm những cây gỗ cháy còn sót. Họ giành giựt nhau. Còn
bọn lính, bọn thanh niên đang bươi tìm bức ảnh chủ làng. Chúng chỉ thấy những
tro, chỉ thấy màu đen dưới đất. Một vài đứa, đưa tay quẹt mồ hôi trên trán, rồi
nhìn trời. Bầu trời trước mắt chúng như hóa đen.
Chiếc loa phóng thanh vẫn phát lời lên án kẻ
thù vô hình.
Làng cuồng mê vẫn còn đó những lời từ loa
phóng thanh. Cảnh đồng huyết. Cảnh loạn luân. Cảnh trốn khỏi làng… Vẫn còn…
Mời thư giãn với nhạc phẩm CÁT BỤI
của Trịnh Công Sơn, qua tiếng hát Khánh Ly:
*
Đà Nẵng, tháng 7 năm 2012
PHAN TRANG HY
Địa chỉ: 81 Thạch Lam, phường Phước Mỹ,
quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.
Email: phantranghy@gmail.com
Điện thoại: 093.548.44.82
.
.............................................................................................................
- Cập
nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 16.02.2019.
- Bài
viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui
lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét