(Đạo diễn Lê Hoàng ; Nguồn ảnh: internet) |
THƯ NGỎ GỬI
ĐẠO DIỄN LÊ HOÀNG
- ĐỒNG TIỀN,
ĐẠO LÝ VÀ NỖI CÔ ĐƠN
(Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn) |
Khi chúng ta bước lên bục diễn đàn, những chiếc máy
ghi âm hiện đại nhất được rút ra rào rào, bấm nút kêu tanh tách như giăng bẫy
tứ phía quyết không để sót một từ nào bay ra trong lúc ấy. Nhưng rồi, trên
nhiều trang báo tung ra sau hôm đó chỉ còn thấy những giọt nước mắt của anh,
những lời ú ớ , lộn xộn và ngớ ngẩn ai đó nhét vào miệng tôi, những động tác
phường tuồng của các võ sĩ trên sân khấu truyền thông đại chúng. Người ta
còn đồn nhau rằng hai chàng đạo diễn ôm nhau khóc, rằng chúng ta "phản
pháo" và đấm bốc. Những lời tâm huyết của cả anh và tôi đều biến mất trong
hư vô, bị chôn sống trong trí nhớ điện tử của máy ghi âm kỹ thuật số chỉ được
dùng trong các toà án hình sự, chẳng bao giờ dùng cho toà án lương tâm. Chúng
ta đã bị sa bẫy của truyền thông trong kinh tế thị trường, hay những điều gan
ruột của chúng ta đã chạm nọc con quái vật vô hình nào đó nên đã bị nó dùng
móng vuốt xé nát và huỷ hoại?
Thực ra, sau mấy bài diễn văn của các vị quản lý
phát hành và chiếu bóng đổ lỗi cho nghệ sĩ, rằng trước khi có Gái
nhảy các rạp không biết chiếu cái gì, rằng doanh nhân xuất hiện đã làm
thay đổi bộ mặt điện ảnh nước nhà... tôi đã hình thành ý kiến phản pháo lại họ
và cái cơ chế mập mờ, nước đôi mà họ đang ẩn nấp. Nhưng người ta lại gọi anh
lên trước. Thế là những ý tưởng độc lập của tôi phải trình diễn trên cái sân
khấu còn ướt đầm nước mắt của anh. Tôi đã đưa ra hàng loạt vấn đề cốt lõi của
điện ảnh Việt Nam trong cơ chế thị trường, mối quan hệ giữa thị trường và định
hướng, đề xuất các giải pháp cổ phần hoá rạp chiếu bóng, giao rạp cho các hãng
và đổi mới cơ chế tài trợ cho sản xuất phim. Nhưng tất thảy những ý tưởng có
tính chiến lược đó chẳng ai ghi nhận. Anh bỗng nhiên trở nên cái khiên quá cỡ
che chắn cho cái cơ chế phát hành phim và chiếu bóng hiện hành, khiến cho bao
nhiêu nỗ lực của tôi phanh phui quyền lực của họ và sự tháu cáy danh nghiã
trong đời sống điện ảnh đều trở thành nỗ lực giáng vào anh!
Chúng ta bỗng bị trói vào nhau như hai kẻ bị cột
vào hai đầu dây của cơ chế để kéo co bên bờ vực thẳm mà bất cứ kẻ nào buông tay
ra chịu thua cũng làm cho kẻ kia mất đà ngã xuống vực sâu. Hãy thử tưởng tượng
xem, từ nay, nếu anh đi vào một đám tang nào đó và nhỏ lệ xót thương người quá
cố, người ta cũng loan tin là anh khổ quá, vừa bị tôi "phản pháo"
(!). Cái thói đời xích chân tôi vào với chân anh, thực chất nó là cái trò gì
vậy? Thói quen man rợ của chủ nô xích chân nô lệ hay thực ra thì thân phận nghệ
sĩ chúng ta trước đồng tiền chỉ là một thứ tù dắt dây truyền kiếp mà thôi?
Nhà Phật đã dạy rằng khi một mũi tên bay đến cắm
vào vai ta, thì việc trước hết là phải rút mũi tên đó ra chứ không phải loay
hoay trả lời câu hỏi mũi tên làm bằng gì, do ai bắn tới. Việc trước hết là phải
chặt tung cái xích vô hình trói chặt chân tôi vào chân anh, để cả hai thoát
khỏi cái trò chơi bập bênh mà khi kẻ này được nâng lên thì kẻ kia bị dìm xuống
và ngược lại. Chúng ta không phải là đối trọng của nhau. Trước khi có Gái nhảy chúng ta đã là bạn, sau
khi có Gái nhảy chúng ta
vẫn là bạn, là đồng nghiệp cùng chí hướng. Anh sáng tác bằng niềm tin nghệ
thuật của anh, hướng đến khán giả của anh. Tôi cũng vậy, tôi kiên trì với niềm
tin nghệ thuật của tôi và thủy chung với khán giả của mình. Hà cớ gì niềm tin
nghệ thuật của tôi lại phải mặc quần thủng đít để chơi bập bênh với niềm tin
nghệ thuật của anh? Hà cớ gì hơn hai triệu khán giả của tôi sau khi đứng chồn
chân dầm mưa trên bãi xem phim Ký ức Ðiện Biên lại
phải vác đòn càn đánh nhau với năm trăm ngàn khán giả uống Coca, ngồi máy lạnh
xem Gái nhảy và Lọ lem hè phố ?
Anh đã nói rằng bây giờ mới bàn về chuyện phim cần
khán giả, thì khác nào bạn chuyện cá cần nước. Sau câu đó anh bật khóc. Tôi
nghĩ anh đau khổ chân thành, dù niềm đau đó bật lên từ một ví von khập khiễng.
Vấn đề thực ra là, lâu nay cá khao khát được bơi trong nước, nhưng người ta đã
ngăn cá với nước, bắt cá này “đắp chiếu” trong chậu nhỏ, thả cá kia tung tăng
giữa biển khơi. Nhiều bộ phim của chúng ta từng phải chịu cảnh cá chậu chim
lồng, chiếu vài buổi cho xong nghĩa vụ với điện ảnh nước nhà rồi dẹp. Nói một
cách công bằng, Phát hành phim quân đội và các Công ty chiếu bóng ở nhiều địa
phương đã có công lặn lội đưa phim Việt Nam đến hàng triệu khán khả nông, công
binh ở nông thôn miền núi và hải đảo. Thu nhập chẳng bao nhiêu, nhưng họ đã làm
tốt công tác sự nghiệp văn hoá mà xã hội giao phó. Nhưng ở thành phố rạp chiếu
bóng hầu hết trở thành một hệ thống kinh doanh giải trí thuần tuý, chỉ tập
trung chiếu các phim ăn khách của nước ngoài chủ yếu phục vụ đối tượng thanh
niên. Người ta cho nhập hàng năm hơn 50 phim Tây, Tàu, Mỹ, Nhật, Hàn, chiếm hơn
500% so với phim nội địa sản xuất. Một con số kỷ lục thế giới. Phim ngoại mua
rẻ hơn, quảng cáo tốt hơn đã chiếm hết buồng chiếu tốt và thời gian tốt. Phim
nội hầu như không đến được với khán giả cần xem ở các thành phố. Không có chỗ
chiếu các phim phục vụ người có tuổi, người có nhu cầu xem phim nghệ thuật,
người muốn trở thành khán giả của phim Việt Nam. Ðến nỗi, họ hàng tôi và bạn bè
tôi muốn mua vé xem phim của tôi cũng chẳng biết xem ở đâu. Nước cần cá, nước
tìm đến cá mà không tìm ra một cái chậu con con để nước ùa vào với cá.
Trong nhiều năm, cả tôi và anh cùng những đồng
nghiệp khác đã cắn răng chịu sự sỉ nhục vô hình để kiên trì sáng tác theo những
thôi thúc thẩm mỹ, theo những định hướng văn hoá trong tận đáy lòng. Nhưng đến
một ngày kia, sau khi Gái nhảy của anh ra đời, những
ông chủ rạp Nhà nước, những nhà quản lý định hướng đầy mình, những nhà báo mang
tem nhãn quốc doanh đã nhất trí tấn công vào giới nghệ sĩ điện ảnh chúng ta,
rằng chúng ta là những kẻ không biết làm phim, khư khư bám bầu sữa Nhà nước,
không chịu trách nhiệm với sản phẩm của mình. Ðồng tiền bán vé chiếu phim ngoại
quốc trước kia chỉ là phương tiện để thực thi sứ mệnh văn hoá bảo hộ mậu dịch cho
phim nội, nâng cao trình độ thưởng thức nghệ thuật của toàn dân, thì nay bỗng
hùng hồn lên giọng răn dạy về đạo lý về định hướng, thậm chí nó dám tự xưng là
đạo lý và định hướng. Rằng, đạo lý cuả người nghệ sĩ là phải có trách nhiệm với
đồng tiền người khác bỏ ra, rằng từ nay phải sáng tác sao cho khán giả phải ùn
ùn đến rạp. Thực chất của khẩu hiệu “hướng
đến khán giả” đang réo rắt véo von trong các hội thảo, diễn đàn, công luận,
dự án nọ kia chỉ là “hướng đến doanh thu chiếu bóng trong thành phố”. Nhưng cái
ý nghĩa của 13 tỷ doanh thu của Gái nhảy là cái gì vậy? Nhà
nước chẳng được xu thuế nào từ số tiền này cả. Một tỷ tiền vốn nhà nước bỏ ra
tài trợ cho Gái nhảy cũng không được thu hồi. Con số huyền thoại ấy đã
được cưa đôi để một nửa trả về cho Hãng phim và một nửa đưa cho rạp chiếu để
trang trải các khoản tiền lương thưởng và nâng cấp rạp. Nghĩa là, làm những
phim thương mại chỉ là để các nghệ sĩ và các rạp chiếu ở thành phố có thu nhập
cao hơn. Kêu gọi thay đổi cách làm phim chỉ là cách gây áp lực đòi nghệ sĩ phải
đánh mất mình để phục vụ doanh thu của các rạp chiếu bóng trong thành phố. Tất
cả vì doanh thu, có sao đâu, miễn họ đừng nhân danh những chiến sĩ văn hoá dùng
quyền lực và tài sản quốc gia để làm văn hoá. Tôi và anh cùng những ai đó nữa có
thể thay đối tư duy sáng tác để biến mình thành vật tế thần cho vài trăm ngàn
khán giả trẻ trong thành phố. Nhưng chúng ta đâu có thể dễ dàng lên giọng đạo
lý để bắt các đồng nghiệp khác phải giã từ hàng triệu khán giả khác trên đời.
Khẩu hiệu “Kéo khán giả đến rạp” quả
là cao cả lắm. Nhưng chúng ta còn nhiều khẩu hiệu khác không kém thiêng liêng,
chẳng hạn: “Vì sự đa dạng về văn hoá”,
“Vì sự bình đẳng giữa nông thôn và thành
phố”, “Vì một xã hội công bằng, dân
chủ, văn minh”.
Ðồng tiền, vốn là con đĩ của nhân loại như K.
Max từng gọi đã nhảy lên vị trí giáo chủ đòi nghệ sĩ điện ảnh phải khác đi để
phụng sự cho tham vọng khôn cùng của nó. Và nó đã tạo ra sức ép từ những mặt nạ
văn hoá giả trá làm cả anh và tôi đau đớn, rơi nước mắt. Chúng ta đã bắt đầu
hướng cặp mắt rớm lệ của mình kiếm tìm những ông chủ tư nhân sòng phẳng hơn và
thành thật hơn. Nếu phải làm những phim câu khách, kiếm tiền thì thà làm cho
họ. Vì họ trả ta nhiều tiền hơn, họ tiếp thị tốt hơn, họ cũng có cơ hội giành
vinh quang trong các cuộc đua tranh nghệ thuật chẳng khác gì các hãng phim Nhà
nước. Nhưng chúng ta có thể làm phim “Người
tình chủ tịch nước” hay “Người tình
Tổng Bí thư” để cạnh tranh với "Người tình Tổng thống" của Hàn
Quốc không? Chúng ta có được thoải mái làm những gì mình muốn miễn là không
phạm luật, như các hãng phim nước ngoài không? Hay chúng ta vẫn đau đáu cõng
trên lưng cái gánh nặng định hướng để rồi lại phải khóc vì thua trong cuộc cạnh
tranh không công bằng với phim ngoại quốc và bị công luận đồng thanh sỉ nhục,
cô lập vì không làm ra một món hàng đắt khách như ngoại quốc?
Trong khi các rạp chiếu bóng ở thành phố cứ bám mãi
vào bầu sữa ngoại nhân mà chẳng ai chê trách, thì người ta lại chê trách chúng
ta là bám vào bầu sữa của Nhà nước. Nếu không có tài trợ của Nhà nước thì lấy
đâu ra Gái nhảy để những kẻ lý tài dựa vào đó mẳng mỏ chúng ta? Thực
tình mà nói, cái số tiền tài trợ còm cõi hàng năm cho điện ảnh chỉ bằng giá một
Km đường quốc lộ, đâu phải là sự trả giá sòng phẳng cho những yêu cầu quảng
cáo, tuyên truyền và phát triển văn hoá của một quốc gia. Các công ty tư bản
còn trả giá nhiều lần hơn thế cho sự quảng bá một sản phẩm hạng hai của họ. Ðể
xứng danh với một chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa ưu việt, vì dân, Nhà nước phải bỏ ra
hàng trăm tỷ mỗi năm để duy trì những định hướng của mình. Muốn định hướng thì
phải đầu tư. Nếu không, phải chấp nhận hỗn loạn như các xã hội tư bản vẫn đang
chấp nhận. Nhưng nên nhớ rằng, ngay cả các nước tư bản bị mang tiếng là sẵn
sàng treo cổ bố mình lên để kiếm lời họ cũng sử dụng quyền lực của mình để lấy
tiền tài trợ cho điện ảnh nghệ thuật từ các nguồn quảng cáo truyền hình và
chiếu phim giải trí. Mới cách đây vài tháng, Chính phủ Pháp còn kiên nhẫn
khuyên chúng ta hãy giữ vững chính sách tài trợ cho điện ảnh, hãy dùng quyền
của mình để bắt cá lớn nuôi cá bé trong kinh tế thị trường vì đó là hành vi của
một thể chế có bản lĩnh văn hoá và có trách nhiệm xây dựng con người. Nước ta
luôn đau đáu một định hướng xây dựng nền điện ảnh tiên tiến đậm đà bản sắc sân
tộc lại dễ dàng phủi tay buông bỏ ngành điện ảnh và trông chờ vào tư nhân bỏ
tiền ra làm định hướng cho mình như một thứ Ram-bô bỏ tiền ra lập quân đội
riêng chiến đấu cho ước vọng của đám tài phiệt Mỹ hay sao?
Khi “Gái nhảy” chiếu ở Locarno, khán giả
châu Âu không coi đó là phim giải trí hốt bạc như cách nghĩ của ta. Họ tìm thấy
ở đó một cái nhìn của nghệ sĩ Lê Hoàng nhìn thẳng vào bóng tối. Khi anh đến Liên
hoan phim Ban Mê Thuột, mọi người vẫn coi anh là đạo diễn phim nghệ thuật, tác
giả của Lưỡi dao và Ai xuôi Vạn lý, vẫn quây quần thân
mật bên anh. Vậy mà anh lại mặc cảm tự coi Gái nhảy và Lọ
lem hè phố chỉ là phim thương mại thuần tuý, tự xếp mình bên cạnh
Vũ Ngọc Ðãng để rồi bật khóc vì thấy lẻ loi. Anh phải là đại diện cho niềm tin
sáng tạo của chính mình, đại diện cho niềm cô đơn và tủi nhục của một nghệ sĩ,
sao anh lại nghĩ rằng mình chỉ là đại diện cho một loại phim, một kiểu doanh
nghiệp làm phim? Hay chúng ta đã gắn bó gan ruột với bao thứ vô hình trong quá
khứ, như cô Quỳ trong Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành đã
sống quá lâu với người chết nên trở thành một kẻ mộng du?
Tôi ngờ rằng anh tưởng vậy thôi, chứ cái nỗi niềm
thẳm sâu khiến anh bật khóc chính là cái nỗi đau dồn tụ nhiều ngày trong thân
phận nghệ sĩ nhiều tâm huyết nhưng luôn bị xúc phạm trong kinh tế thị trường
đầy khôn ngoan, tráo trở. Ít ra, những giọt nước mắt của nghệ sĩ cũng chứng tỏ
đồng tiền và những con buôn quanh năm tôn thờ nó đã thất bại trong mưu đồ xoá
sổ nỗi cô đơn.
Tôi viết thư này cho anh khi những suy nghĩ và cảm
xúc nhất thời dấy lên trong Liên hoan phim kia đã lắng xuống như cặn nước lắng
xuống đáy cốc, chỉ còn một chút buồn thoang thoảng đã tan vào khoảng nước trong
veo.
Mời thư giãn với nhạc phẩm MÁI ĐÌNH LÀNG BIỂN
của Nguyễn Cường, qua tiếng hát Tùng Dương:
*
ĐỖ MINH TUẤN
(Nhà thơ, Đạo diễn
điện ảnh)
Địa chỉ: Hãng phim Nhân Đạo, Số 14 ngõ 43 Võng Thị,
phường Bưởi, quận
Tây Hồ, thành phố Hà Nội
.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ email: quanboyman1992@yahoo.com.vn gửi ngày 19.03.2019.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét