SUY NGHĨ VỀ VIỆC TUYỂN CHỌN THƠ - Tác giả: Nguyễn Đăng Hành (Hà Nội)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: internet)
SUY NGHĨ VỀ VIỆC
TUYỂN CHỌN THƠ
*
(Tác giả Nguyễn Đăng Hành)
Thế mạnh, cái mạnh ở ta là Chạy việt dã "phong trào"!!!! "phong trào".... Kể ra phần nào cũng đúng. Này nhé! Đã có thời người người đi buôn, nhà nhà đi buôn, kể cả người chăn nuôi trồng trọt họ ào ào phá bỏ hàng loạt cây này giống nọ, thay đồng loạt giống nọ loài kia... Phong trào thơ thì cũng không kém... Vừa rồi lại ồ lên phong trào tuyển chọn thơ. Kể ra cũng có cái lợi, cái hay. Hay là cổ vũ động viên tuyên truyền sáng tác. Lợi là sàng lọc cọ xát đào thải cái hay dở xấu tốt. Nhưng cũng không kém phần phiền toái rắc rối: người biên soạn biên tập thì cứ tùy tiện tính toán quẵm lợi về mình..... Ông ta cứ việc "chôm chỉa" trong kho tàng tinh hoa thơ ca ra những bài nổi tiếng của các thi nhân thi sĩ lừng danh. Chưa đủ, ông ta "rong ruổi vi hành" khắp hang cùng ngõ hẻm cuối đường góc chợ chiêu mộ thơ miễn ai cần in, cần danh...... xin nộp "tiền", in xong mời nộp tiền mua sách! Thật là việc làm tinh quái lưỡng lợi cho người biên tập biên soạn ,vừa được danh, vừa làm giàu. 
Này nhé! Những bài của các cố thi nhân, thi sĩ thì không phải trả nhuận bút còn các tân sĩ, ham sĩ, cuồng sĩ, lão sĩ thì xin nộp tiền... các vị "sĩ" này .... đoàn bày khổng lồ to lớn, là cái loa đa năng đại chúng công hiệu vô cùng... 
Tôi xin đơn cử tuyển tập thơ cấp quốc gia in ấn đó là: "Thơ tình tặng vợ" do Trần Ngọc Lân biên soạn. Thơ tuyển hai thế kỷ "Thơ Việt Nam 1945 - 2000" do Gia Dũng biên tập. Những bài hay, cái hay xin miễn bàn bởi đó là hiển nhiên. Tôi chỉ nói chút xíu cái chưa được hay lắm: Thoạt nhìn cái bìa quả thật là trang trọng, oai, oách, lướt qua phần mục lục thì thật yên tâm phấn chấn bởi một loạt tên tuổi của các danh nhân, thi sĩ, thiên tài danh giá nào là: Lý Thường Kiệt, Trần Nhân Tông, Tự Đức, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Ngô Thì Nhậm, Chu Mạnh Trinh, Hồ Chí Minh, Hàn Mặc Tử, Tản Đà, Chế Lan Viên, Thế Lữ, Phan Khôi, Trần Dần, Huy Cận, Xuân Diệu, Xuân Quỳnh, Tố Hữu, Tế Hanh, Tiến Duật...
Đầy đủ các gương mặt lồng lộng hào quang sáng giá. Tôi không khỏi ngạc nhiên bên cạnh những thi sĩ danh nhân thiên tài tên tuổi lừng lẫy với những bài thơ tuyệt trần nổi tiếng lại là những bộ mặt lạ hoắc kèm theo những bài "hò vè, ca dao" dở hoét, chán ngoét. Trong đó có hàng chục ông bạn, bà bạn tôi chỉ tầm lều thơ, lán thơ cỡ câu lạc bộ làng xóm phường xã.
Nói thật các vị này chỉ được cái cuồng nhiệt háo danh ngộ nhận chứ đâu có khiếu, có trí thiên phú thiên bẩm nào... Ngay cả cái việc lập tứ thơ biểu cảm thơ cũng lúng túng mù mịt câu cú ngữ pháp chưa sạch nước cản, còn nói chi tới tu từ mỹ học thi học. Như vậy thì sao mà làm nổi thần thái hồn vía thi ca.
Liệu việc biên soạn biên tập in ấn này có công năng có hợp tình hợp lý, có tăng thêm phần hấp dẫn, thu hút truyền bá tới đọc giả? Xin nói hoàn toàn không mà ngược lại chỉ làm phiền toái mất hứng thú giảm lòng tin giới đọc giả, xúc phạm thanh danh các thi sĩ, thiên tài, danh nhân đã được thời gian và lịch sử thử thách và khẳng định.
Nói thế chắc có người biện bác cái thuyết muôn thuở. Văn chương thơ ca không thời gian không phân biệt tên tuổi, vị thế thời đại. Xin lỗi chớ vội vã ồn ã, ngộ nhận cá mè một lứa...
Những bài thơ ấy khi đã trải qua thử thách của thời gian, nhà thơ đã mang nặng đẻ đau ra thơ. Có những bài thơ nhà thơ đã trở thành bất hủ bất tử. Thơ và nhà thơ cũng có nhiều loại: có loại chỉ là thơ thớ,
thơ thợ và cả thơ thờ nữa. Một số danh nhân thi nhân ấy đã và đáng là thơ thờ!
Đã có biết bao tài năng nghiên cứu, lý luận phê bình, đã dày công khám phá mổ xẻ đã phải trầm trồ ca ngợi. Nhân dân cả dân tộc ta vô cùng yêu quý kính nể thơ và các nhà thơ. Những câu thơ hay, bài thơ quý đã thấm vào máu, gắn bó vào hồn, mọc rễ sống mãi trong lòng nhân dân ta...
Than ôi thế mà bỗng bập vào ngậm phải câu thơ, bài thơ nhạt phèo, rỗng tuếch, sượng sạo, ngô nghê, ngớ ngẩn, câu cú thì lộn xộn, chữ nghĩa thì bừa phứa bưng bít tít mịt. Có bài thơ khá hơn một tí thì nó vẫn sường sượng, nhàn nhạt, gò ép, xếp đặt để thành cái gọi là "thơ". 
Thế thì làm sao mà dám ngang nhiên xếp ngang hàng những bài thơ thần, tác giả thánh được. Các thi sĩ thiên tài ấy đã phải lăn lộn, nếm trải thăng trầm, đánh đổi cả cuộc đời, sự nghiệp lấy câu chữ, cả cuộc đời cả thời đại lịch sử khắc nghiệt chỉ để lại cho đời một vài bài thơ hiếm quý thiêng liêng. 
Lẽ ra người viết bài này phải dẫn giải phân tích từng bài từng tác giả. Nhưng làm như vậy e đắc tội thiếu kính cẩn xúc phạm vô lễ với các thần thơ thánh chữ, thiếu tế nhị với các lều thơ lán thơ. Vả lại tôi chẳng dám múa rìu qua mắt thợ. Tôi chỉ muốn đưa ra các ý kiến với cơ quan chức năng: hãy khẩn thiết xem xét việc biên soạn biên tập in ấn tuyển chọn sao cho nó chu chỉnh, hợp tình hợp lí, đừng để vàng, thau lẫn lộn..... Thần thánh minh vương siêu nhiên tuấn kiệt không thể cùng hàng, chung chiếu với tiểu nhân tầm thường hèn mọn. Đó là sự thật, đó là văn hóa văn minh công bằng đạo đức, đạo lý, ý thức của dân tộc ta. Có làm như vậy thì cái thiêng liêng giá trị càng tăng phần giá trị thiêng liêng. Còn các tác giả non yểu, yếu kém hãy để kệ các vị cùng mâm, chung chiếu, các vị tự học hỏi rút kinh nghiệm. Đừng cố nhồi nhét lẫn lộn e các vị núp bóng đa đề rồi tự đắc hoang tưởng hão huyền hợm hĩnh dối mình, lừa người. Nếu được như vậy ắt mọi người sẽ tin tưởng yêu quý thơ văn hơn...
Mong muốn duy nhất của tôi, luật xuất bản hãy quy định rõ ràng đừng để lập lờ trắng đen, tài hèn hay dở, tầm thường cao thiêng, vàng thau lẫn lộn!

            
Mời thư giãn với nhạc phẩm XIN LÀM NGƯỜI HÁT RONG
của Trần Long Ẩn, qua tiếng hát Phương Thanh:
             
*
NGUYỄN ĐĂNG HÀNH
Địa chỉ: Thôn Khoan Tế, xã Đa Tốn
huyện Gia Lâm, tỉnh Hà Nội.
Email: nguyendanghanh1234@gmail.com
Điện thoại: 036.467.78.26
.
.
.


       ........................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 11.07.2019
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.    

0 comments:

Đăng nhận xét