LỜI CẦU XIN CHO CON TRẺ - Tác giả: Dương Quốc Việt (Hà Nội)

Leave a Comment


Vô cảm - Vì đâu nên nỗi?
LỜI CẦU XIN CHO CON TRẺ
*
Đăng trong Tạp chí VH Nghệ An- Số 404 + 405-10/01/2020
(Số Tết Canh Tý năm 2020): Lời cầu xin cho con trẻ

(Tác giả Dương Quốc Việt)
Nếu nhìn nhận vấn đề theo một chỉnh thể thống nhất, trong sự tiếp nối giữa các thế hệ, dưới lăng kính “nhân-quả”, người ta ắt sẽ thấy chẳng có gì là ngẫu nhiên cả. Và thử hỏi sẽ ra sao, nếu các thế hệ trẻ, liên tục phải hứng chịu những tác động méo mó-vô cảm của những thế hệ đi trước? Có lẽ, câu trả lời sẽ được tìm thấy, trong một danh ngôn để lại bởi một triết gia và nhà hùng biện, chính khách, nhà lý luận chính trị La Mã xa xưa-Marcus Tullius Cicero (106 TCN-43 TCN): “Xã hội làm gì cho những đứa trẻ của mình, những đứa trẻ cũng sẽ làm như vậy với xã hội”. Vì vậy, một nền giáo dục, một xã hội không vì con trẻ, sẽ để lại những hậu quả khôn lường!
Tại một bãi chiếu phim, tối 01/9/1968, không hẹn, mà hầu hết lũ cùng lớp chúng tôi, gặp nhau ở đó. Tại đây, bạn tôi nhận được tin sét đánh-bị loại không được vào học lớp 8 (lớp đầu cấp 3 thời đó). Cái tin khủng khiếp ấy-như cắt ngang mạch sống của đời anh. Bởi anh ham học và là một học sinh xuất sắc, giỏi cả văn lẫn toán, nhưng kỳ thi chung khảo miền Bắc, anh chỉ lựa chọn vào đội tuyển toán. Và cũng hè năm đó, anh đã thi đỗ với số điểm rất cao vào lớp chuyên toán của đại học Tổng hợp, nhưng anh không được nhập học, bởi cái gọi là thành phần gia đình. Đành vậy! Nhưng ngay cả một xuất học tại trường cấp 3 ở quê nhà, người ta cũng chẳng dành cho anh. Năm ấy người ta chỉ xét tuyển, mà không thi. Thương bạn, nhất là trước nỗi đau quằn quại-quá sức chịu đựng của bạn, tôi cùng bạn, vác học bạ đi kêu cứu các nơi. Nhưng, mọi cánh cửa đều khép, mọi ánh mắt đều lạnh tanh-vô cảm…
Nhưng đâu chỉ có bạn tôi. Thời đó ở mọi tỉnh-thành, những người có hoàn cảnh tương tự như anh đều bị như thế. Không chỉ ở những kỳ thi tuyển vào cấp 3, mà ở các kỳ tuyển sinh vào các trường đại học cũng vậy. Và không chỉ xã hội nói chung, cả nhà trường cùng các nhà giáo, dường như cũng xem đó là một chuyện bình thường. Thậm chí người ta còn cố giảng giải “có lý, có tình”, khiến nạn nhân non trẻ chỉ còn biết chấp nhận số phận.
Ngày còn dạy ở đại học Bách khoa Hà Nội, kỳ tuyển sinh năm 1998, tôi chấm phải một bài thi môn toán, thí sinh không những không làm được ý nào, mà còn để lại một bức thư rất lễ độ, có nội dung: Em là một học sinh nữ, học ở một lớp chọn. Mặc dù học lực của em rất kém, nhưng do bố em là một cán bộ huyện, nên ông lo cho em vào học lớp chọn của trường cấp 3… Trong suốt thời gian học, điểm của em khá cao, bố mẹ em, đinh ninh em học giỏi, và bắt em thi vào trường Bách khoa. Giờ mẹ em đang đợi ngoài kia, lát nữa ra, em biết nói như thế nào đây… Tôi đọc thư, mà hình dung cô bé này có lẽ vừa viết thư vừa khóc.
Như vậy sau 30 năm, tôi lại được “gặp” một nạn nhân, hoàn toàn nghịch cảnh với bạn tôi. Chắc chắn họ không phải là cá biệt, mà đều là những đại diện cho những kiểu bất hạnh, kẻ hiếu học-học giỏi thì không được học, kẻ không thích học-học kém, vẫn cứ phải ngồi học. Và rõ ràng, cũng qua đó, người ta còn nhìn thấy một điều gì đó, về nhà trường, đối với học trò của mình. Rằng, nếu như trường hợp của anh bạn tôi, được nhà trường cấp 2-anh học, phòng giáo dục, rồi còn cả ty giáo dục, nơi mà người ta đã từng hãnh diện vì anh, “nhón tay làm phúc”, chắc anh đã có được một chỗ học. Còn em thí sinh kia, chẳng phải đã là cái sản phẩm gian dối, của tệ quan liêu-cậy quyền và những kẻ lụy quyền lực, lụy tiền bạc, đó sao (!)
Đến thời kỳ đổi mới, cũng là thời đại của những dự án đổi mới giáo dục. Con trẻ phải hứng chịu những chương trình, những cuốn sách giáo khoa với nội dung quá tải. Người ta chạy đua-đề xuất cũng như săn đuổi các dự án giáo dục “sống sít”, khiến con trẻ như trở thành “chuột bạch”, bởi những kẻ tham vọng danh-tiền. Bệnh thành tích và gian dối trong giáo dục càng nặng thêm. Cùng với đó, những cảnh giành giật, sống mái của phụ huynh, để mong con có một chỗ học danh tiếng, trường chuyên, lớp chọn, hay “chạy thầy, chạy thợ” để có được giải này, giải kia…, khiến trẻ bị ép học ngày, học đêm. Tệ nạn dạy thêm, học thêm, vì thế như càng có đất phát. Kẻ cần học trò để dạy thêm, kẻ cần bán được nhiều sách…, thế là trẻ bị nhồi nhét “văn mẫu”, “toán dạng”, học cốt để ứng thi.
Những năm 80 của thế kỷ trước, bạn tôi-một giáo viên toán ở một trường cấp 3-rất có uy tín, kể lại rằng: Trong nhiều kỳ tuyển sinh vào lớp 8, anh được giao làm giám thị ở một phòng đặc biệt, mà nhiệm vụ của anh, là phải giải bài, lo cho thí sinh cả phòng. Và, nhiều giám thị khác, cũng đều phải lo cho những trường hợp “bị” gửi gắm của mình. Bởi thế, không ít người, nhất là những người đã trải nghiệm lâu năm trong giáo dục, rất có lý khi cho rằng, các vụ “đình đám” trong kỳ thi tuyển sinh xảy ra năm 2018, ở một số tỉnh, cũng chỉ là những ung nhọt bị vỡ, bị phát tác, của căn bệnh lụy quyền lực, lụy tiền bạc, vốn đã xuất hiện từ rất lâu trong giáo dục. Thử hỏi, mỗi kỳ thi như thế sẽ có bao nhiêu thí sinh trượt oan, và “đỗ oan” ?
Người ta thường lấy những thành tích “vang dội” của những đội tuyển này nọ, làm minh chứng cho những thành quả giáo dục. Nhưng thực chất, những gương mặt đó chỉ là những gương mặt của những “kẻ sống sót”, trong cuộc “bể dâu” khốc liệt, mà tất cả bọn trẻ đều chỉ là những “nạn nhân” hay cái cớ để “làm tiền”, những “đồ chơi” hay “quân cờ” của người lớn. Con trẻ trong suốt bao nhiêu năm, như phải gánh chịu “kiếp nạn” bởi các thế hệ đi trước. Mà trước hết chúng là nạn nhân của một nền giáo dục mang căn bệnh-lụy quyền lực, lụy tiền bạc. Nếu như cái thời “chủ nghĩa lý lịch”, đã hủy hoại biết bao cuộc đời niên thiếu, thì thời tiếp sau đó, chúng lại phải hứng chịu cái cuồng vọng-vượt trội của các đấng sinh thành, sự dụ dỗ-thúc ép của những kẻ hành nghề thiếu lương tâm, bệnh thành tích và gian dối của các nhà quản lý, kẻ kiếm chác danh lợi-săn đuổi và phá hủy các dự án giáo dục…
Giáo dục luôn phản ánh đúng bản chất của thể chế. Nhìn vào xã hội hôm nay, với những yếu tố thực chất làm nên tăng trưởng kinh tế, cùng với những khuyết tật, tệ nạn, yếu kém của các nguồn nhân lực, người ta đâu có bất ngờ. Bởi giáo dục trong nhiều năm qua, vẫn luôn là những câu chuyện nan giải. Mà nguyên nhân căn cốt của những vấn đề nan giải này, chính là những vấn đề của thể chế. Mặc dù ở mỗi thời-mang một hình thức khác nhau, nhưng rút cục con trẻ, vẫn tiếp tục phải gánh chịu “kiếp nạn”. Và kiếp nạn này, chỉ có thể chấm dứt, khi có sự thay đổi về bản chất, những đổi thay, làm nên thay đổi vận mệnh dân tộc.
Đành rằng con người thường bị khủng hoảng niềm tin, sau một chuỗi những thất vọng, chưa thấy điểm dừng, mà nản lòng. Dẫu vậy, trong hiện tại, thì việc có vài lời thỉnh cầu cho con trẻ, với chút hy vọng vào lương tri thức tỉnh-dẫu rất mong manh, thiết tưởng cũng vẫn là việc nên làm. Rằng, các bậc phụ huynh, đừng bắt con trẻ phải gánh vác những tham vọng của mình; Các nhà giáo, hãy “làm phúc”-thương lấy con trẻ; Những người làm những dự án giáo dục, hãy thận trọng, cái gì thấy còn không chắc chắn, còn chưa đủ điều kiện, thì đừng làm, quyết không phải chỉ cốt tranh biện thắng-thua, sai-đúng, bởi nó tác động đến tương lai-không gì bù đắp; Các nhà quản lý, đừng vì thành tích, mà gian dối, vẽ vời, làm khổ các nhà giáo-kéo theo làm khổ trẻ. Và cuối cùng, cầu xin tất cả-hãy tha cho con trẻ! Hãy để trẻ được sống trong sự phát triển bình thường!



Mời thư giãn với nhạc phẩm QUÊ HƯƠNG của Giáp Văn Thạch
thơ Đỗ Trung Quân, qua tiếng hát Tùng Dương:
              

*
DƯƠNG QUỐC VIỆT
Địa chỉ:  Ngách 31/2 phố Phan Đình Giót,
quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Email: duongquocviet@fmail.vnn.vn
.





....................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 03.02.2020.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét