THƠ TA THƠ TÂY - Tạp văn Chử Văn Long (Hà Nội)

Leave a Comment
(Nhà thơ Xuân Diệu)

THƠ TA THƠ TÂY
*
(Nhà thơ Chử Văn Long)
Một buổi chiều tan tầm tôi về thăm anh Xuân Diệu. Anh như vừa qua một cơn đánh vật với chữ nghĩa, những giọt mồ hôi đang rịn rịn trên mặt, giấy bút còn bề bộn trên bàn. Quyển từ điển Pháp Việt đã ngả màu trên tay. Tôi chào, anh ngẩng đầu: “Em về đấy à! Anh đang mệt nhoài ra đây, em pha nước anh em mình cùng uống”. Tôi nhanh nhẹn chuyển bỏ bã cho chè vào ấm chuyên ủ nước. Anh đứng dậy ra khỏi bàn làm việc. Tôi rót chè ra chén to rồi sẻ ra hai chén nhỏ, đưa một lại phía anh. Anh Xuân Diệu lên tiếng: “Anh đang giúp anh Tố Hữu dịch tập thơ ra ngoài nước. Suốt mấy ngày nay làm việc gấp để kết thúc cùng chị chuyên gia nước ngoài. Chiều nay dịch bài thơ dài nhiều đoạn, ý kiến bỗng vấp nhau. Em có biết thế nào không. Bài thơ hàng chục đoạn mà chị ấy chỉ lấy một đoạn bốn câu. Anh “đấu tranh” lại, chị ấy bảo rằng: “Anh Xuân Diệu ơi, ở Pari người Pháp người ta chỉ đọc, chỉ mua bốn câu này là đủ!”. Em thấy không, thơ anh Tố Hữu các anh còn phải học tập mà còn thế đấy, huống hồ các “cây bút trẻ” các em, liệu mà rèn luyện, chứ cứ viết tự nhiên như là thứ kể lể dài dài thiếu cấu tứ chặt chẽ thì…- anh thè lưỡi, lắc đầu nguầy nguậy… - thì mong sao mà tiến lên được!”.
Tôi ngồi ngây, trận đồ bát quái của thơ khó đến thế vậy, chúng tôi lớp đàn em làm sao mà vượt được lên?
Chắc đoán được tâm trạng tôi lúc ấy, anh đưa tôi chiếc kẹo sô-cô-la (quà anh đi nước ngoài mua về, ngày ấy rất hiếm). Rồi anh ôn tồn: “Nói vậy thôi chứ chúng ta làm thơ bây giờ dễ lắm, cả anh nữa cứ mỗi lần đi thực tế lại làm được vài bài thơ gửi các báo đăng… Thơ chúng mình có mậu dịch thu mua, không lo ế…”. Anh cười.
Bây giờ thêm tuổi cầm bút, tôi càng thấy rõ khẩu vị thơ Ta và thơ Tây thật khác xa, do hoàn cảnh địa lý, lịch sử, trình độ, tầm sống con người mỗi dân tộc, qua nếp sống hàng nghìn đời đã tiếp nối, thay đổi, kế thừa mà nên.
Trước xu hướng “hoà nhập toàn cầu”, người nóng vội, tưởng thơ Tây hay hơn, muốn nhanh chóng vượt qua biên giới bằng thứ thơ “Tây hoá” như cách chuyển giao công nghệ khoa học kỹ thuật… Cách ấy chắc sẽ không đi đến bến bờ nào. Ngược lại, người lấy “tiêu chuẩn ngàn năm thơ Việt” để đo đạc sáng tác cũng dẫn đến bế tắc.
Tôi bỗng nhớ đến bài viết của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp ca ngợi thơ lục bát của nhà thơ Đồng Đức Bốn như người “Mượn bút của trời”, chắc nhiều người đọc được từng giật mình. Đây là cách điển hình của người phương Đông dùng ca ngợi nhau. Người phương Tây đọc, họ sẽ mổ sẻ để tìm lấy cái để tin: Mượn bút của Trời để làm gì? Để viết thơ, có thành thơ và thơ có hay hay không phải là do cái hồn của người cầm bút hiện lên trang giấy, rung động toả sáng được hay không là do cái hồn ấy. Nếu ít điện, lờ mờ thì cái bút nào cũng thành vô dụng.
Tôi nhớ đến cái bút mạ vàng bốn ruột bi của nhà thơ Xuân Diệu, sinh thời ông gọi là “con trâu cày trên giấy”, đã giúp ông viết tập tiểu luận “Các nhà thơ cổ điển Việt Nam” XIX thể ký nổi tiếng cùng những trang văn khác, giờ không biết ai sử dụng cây bút ấy, bởi có nổi lên những trang văn tiếng tăm nào nữa đâu trong lĩnh vực phê bình tương tự.
Tôi lại nghĩ đến những cái bút vẽ của Tề Bạch Thạch, của Từ Bi Hồng đã làm cho những giọt mưa nhảy múa, những con ngựa sống lại trong tranh… sao không giúp cho những bàn tay đời sau vẽ nên những bức tranh sống động như họ. Vậy là văn chương nghệ thuật muôn đời vẫn phải trông cậy vào thứ “Trời cho” chứ không phải là “mượn” mà có được tài năng, năng khiếu hơn người.
Người nhiều trải nghiệm sẽ thấu hiểu cái nghĩa “Trời cho” thật phong phú. Khi thì như là thứ của hiếm bắt được, nhưng không như ra ngõ bắt được vàng, mà giống như ông thày thuốc bắc, tìm được “rãi rồng” (Long châu sa) trong cơn mưa giông, hoặc tìm thấy được cục “Ngưu hoàng” thứ sỏi mật của con bò chỉ to bằng quả nhãn may tìm được giữa hàng vạn con bò. Những thứ thần dược ấy có thể chữa lành được bệnh sài giật trong trạng thái “thập tử nhất sinh” của trẻ. Nhưng muốn kiếm được “rãi rồng”, ông thầy thuốc kia còn phải biết được “rãi rồng” hình dáng, màu sắc, kích thước ra sao. Còn phải đội mưa, đội gió đi tìm, giữa bao kẻ kiếm tìm chỉ một người “may” nhặt được đó là “Trời cho” của hiếm. Thơ cũng vậy. Phải sau những vật vã nghĩ suy ta như “bắt được” cái phút “xuất thần”. Những con chữ vô hồn rời rạc bỗng dưng vỗ cánh bay lên nhập thành cấu tứ. Dùng hình tượng “mượn bút của Trời”, có khi không biết hình dáng chiếc bút to nhỏ, dài ngắn ra sao, nhiều khi không quen tay, cầm đã khó, nói chi viết được thành thơ.
Khi khác, người ta hiểu cái nghĩa “Trời cho” lại như thể “Trời đầy” - đầy anh vào với kiếp nhân sinh “mênh mang bể khổ” tha hồ bơi lội lặn hụp vẫn không ngoi được tới bờ. Nếm hết vị ngọt ngào, đắng đót, chua cay cuộc sống. Có lúc hồn ta tưởng bay lên được tận trời xanh, lại có khi thấy mình nằm sâu đáy bể, con tim thoi thóp đến tận cùng mọi nỗi buồn vui, như con trai bị thương ngâm trong vị mặn chát của muối biển nghìn đời để hoá thân thành ngọc giữa bao nhiêu vỏ hến vỏ sò… Vì vậy ngọc mới quý và thi nhân thành danh mới hiếm.
Nhìn vào lẽ chung của ngọc và thơ, ta bỗng thấy cái ranh giới thơ phương Đông, phương Tây thật sự không có gì phải bận tâm, bởi suy cho cùng trái tim khao khát của con người dù ở phương trời nào khi đập đến tận cùng khát khao yêu thương hạnh phúc thì cũng giống nhau.
Những trái tim được “Trời cho” để làm thi sĩ, làm người hát rong cùng nhân loại trên trái đất này, tự nó sẽ bật lên được những lời ca say đắm, tự nó sẽ tìm được lối đi, tìm được cung bậc riêng cho khúc hát của mình.
Mọi thứ “Hiện đại”, “Siêu thực”, “Ấn tượng”… và còn những gì gì nữa… vẫn tiếp tục ra đời, chỉ làm cho cuộc sống, làm cho thơ phong phú thêm lên. Có một nhà thơ đã nói quá rằng: “Người làm thơ phải để lại một câu thơ lục bát hay mới được gọi là thi sĩ”. Vậy có người cả đời không viết câu lục bát, như Hồ Xuân Hương thì chả lẽ không được gọi là thi sĩ chăng?

        
Mời thư giãn với bài ca cổ HỨA
của Huỳnh Bê, qua tiếng hát Hứa Minh Đương:
            
*.
CHỬ VĂN LONG
Địa chỉ: Thôn 2, Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội.       
Điện thoại: 035.881.82.63
Email: haicv08@gmail.com       





   ...................................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 13.01.2020.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 
.

0 comments:

Đăng nhận xét