TIỀU THUYẾT ‘CÔ ĐỘC’ THÁCH THỨC ĐỘC GIẢ VĂN CHƯƠNG - Tác giả: Bùi Công Thuấn (Thái Bình)

1 comment


TIỀU THUYẾT ‘CÔ ĐỘC’
THÁCH THỨC ĐỘC GIẢ VĂN CHƯƠNG
* 
(Tác giả Bùi Công Thuấn)
Tôi đã đọc với niềm say mê và thích thú Đôi mắt Đông Hoàng, Tưởng tượng và dấu vết, Sương mù tháng Giêng của Uông Triều. Ấn tượng sâu đậm để lại trong tôi về ngòi bút Uông Triều là sự giàu có tri thức về những tầng vỉa văn hóa lịch sử và đời sống, cùng với năng lực sáng tạo dồi dào và thái độ viết hết sức cẩn trọng đối với văn chương của tác giả. Cô Độc để lại cho tôi một ấn tượng khác, bởi Uông Triều có những thể nghiệm mới trong cách viết, vì thế nó thách thức người đọc vượt qua thói quen mòn cũ trong việc tiếp cận tác phẩm. Trong tình cảnh ấy, Cô Độc lại càng trở nên cô độc trong dòng chảy văn chương thị trường hiện nay.

1.NHỮNG THỂ NGHIỆM MỚI & NHỮNG THÁCH THỨC
Tiểu thuyết Cô Độc có 60 chương, các chương lẻ (1,3,5…) viết về nhân bật Ba. Các chương chẵn (2,5,6…) kể chuyện nhân vật B. Hai cốt truyện song song, vì thế không thể tóm tắt nội dung truyện như một cấu trúc thống nhất.
Bước vào thế giới Cô Độc, người đọc phải đối mặt với nhiều vấn đề, mà nếu không vượt qua được thì không thể tiếp cận tác phẩm. Tôi gọi đó là những thách thức.
Những trang văn cứ ẩn hiện một hiện thực rất cụ thể, nhưng lại nhòe mờ với vấn đề tư tưởng có tầm vóc lớn lao hơn nhiều. Đó là hiện thực ở một nhà xuất bản có quá nhiều bản thảo nhạt nhẽo, có những con người bí mật mưu đồ lật đổ tranh quyền đoạt lợi, có nhưng ưu tiên đẳng cấp cho người này người kia, có những bí mật giấu kín. Ý nghĩa hiện thực này là chính hay ý nghĩa tư tưởng là chính? Vì khi hiện thưc ấy được nhìn sâu hơn thì trang văn lại trỗi dậy mãnh liệt tư tưởng về quyền sống tự do, quyền được là chính mình, quyền làm chủ số phận mình. Ba “sẵn sàng cảm thấy có tội để được là chính mình” (tr.51). Ba cãi lời bố là vì “muốn được tự do” (tr. 212). Còn B, trước khi dùng dao cắt đứt động mạch cổ tay để kết liễu cuộc đời mình, anh đã tự đánh giá: “Anh đã sống trọn vẹn với đam mê, hiến dâng và nhiệt thành, phản bội cái cũ để cái mới được ra đời” (tr.286 ). Anh đã không thể sống khác.”
Trong thế giới của Cô Độc, thật khó phân biệt thực và ảo. Nhân vật đang hoạt động trong đời thực, bỗng trở thành ảo ảnh. Là thực nhưng tác giả không miêu tả bối cảnh xã hội cụ thể, thành ra người đọc không thể biết câu chuyện xảy ra ở đâu, vào những năm tháng nào của lịch sử; là ảo nhưng lại là những hồi quang của hiện thực đã qua hoặc là ước mơ của hiện thực không thể đạt tới. B nhiều lần chìm vào ảo ảnh ngay trong hiện thực. B đi theo cô gái váy đen đến quán café. Anh quyết xem mặt cô để biết cô ta là ai. Nhưng lại không chạm vào cô được. Hiệu là tay Phó Giám đốc mới, đến gặp B để thương lượng. Hiệu ngồi trước mặt B. Đang nói chuyện với Hiệu, B thấy ông ta “phình to ra như một con quái vật. Anh ta căng phồng và nở ra như một con voi” (tr.165). B vào nhà kho của nhà xuất bản và nói chuyện với ông Giám đốc trong ảnh cũng là một ảo giác (đoạn 26, tr. 125). Trước khi tan vào tro bụi, trong cơn sốt, Ba “cảm thấy một bàn tay phụ nữ đang đặt trên trán anh và một đứa con gái nhỏ giống anh như hệt đang đứng ở cuối giường âu yêm nhìn cha. Đứa bé có đôi mắt của Cầm” (tr.285). Đó là ước mơ suốt đời Ba kiếm tìm nhưng không thấy. Tất cả những ảo giác của nhân vật đều chứa đựng thông điệp tác giả muốn nói về hiện thực?
Quá khứ trộn với hiện tại, tuyến tính thời gian thường được dùng để phát triển cốt truyện bị xóa mờ. Những câu chuyện của mấy chục năm, của một đời người được xếp chồng lên nhau. Nhà văn chỉ viết: “có lần”, “có lúc”, “vào một ngày”, “một chiều”, “một buổi tối”, “một buổi sáng”, “khi còn là học sinh”, “nhiều năm sau”, “nhiều năm về sau”. Không có một cột mốc thời gian cụ thể để người đọc bám víu vào mà hình dung ra con người thực của nhân vật. Không gian thực làm bối cảnh cho tiểu thuyết cũng được cắt gọt đến cái lõi chỉ còn lại tư tưởng để người đọc không được quyền liên hệ đến nhà xuất bản này hay ông giám đốc kia trong đời thực. Nhà văn Uông Triều đã bạch hóa vấn đề trên trang Facebook của mình rằng: “những người đọc đầu tiên bảo, định nổi loạn hả, anh có phải là nhân vật B không? Định chống lại nhà số 4 à? Những người khác bảo, nó phức tạp đấy, sex hơi nhiều và có những biểu tượng rất nguy hiểm.” Tôi thì nghĩ, những bạn đọc ấy chưa vượt qua được bức tường nghệ thuật để thâm nhập được vào thế giới tư tưởng của tác phẩm.
Một thách thức trực tiếp đối với người đọc là nhân vật Ba và B. Hai nhân vật này là hai hay là một? Cuộc đời họ được kể song song trong tác phẩm như hai câu chuyện tách biệt. Hai nhân vật này không có quan hệ gì với nhau, không có dây nhợ gì trong cốt truyện cột buộc họ. Ba có cha mẹ, chị gái và những ký ức vùng quê, ký ức tuổi thơ, B không được miêu tả nhân thân. B khẳng định với cô gái váy đen anh không phải là Ba (tr.146). Kết thúc truyện, hai nhân vật này có cái chết khác nhau. Ba bị bịnh, lên cơn sốt rồi chết. Trái lại, B rất tỉnh táo. Anh chui vào lò thiêu bản thảo trong phòng, cắt đứt tất cả động mạch ở cổ tay tự tử. Nếu Ba và B là một người thì cả hai phải cùng chết trong một hoàn cảnh cụ thể. Người đọc thì tin rằng B và Ba là một người, vì họ có những điểm giống nhau. Cả hai đều là biên tập viên, đều đi tìm một bản thảo vĩ đại (Ba, tr.198; B : tr. 205). Cả hai đều thích cuộc sống cô độc, không quan tâm đến ngưới khác, không thích đám đông, nhưng quan hệ với nhiều người đàn bà. Họ làm bạn với rượu và sex. Chỉ khi giải mã được bản chất nghệ thuật và tư tưởng của hai nhân vật này, người đọc mới có cơ may đọc được thông điệp của tác phẩm.
Cô Độc dựng lên một thế giới ngột ngạt chật chội. Không gian của B chỉ là cơ quan nhà xuất bản, nhà kho, con đường và quán café. Không gian của Ba chỉ là những ký ức. Các nhân vật trong Cô Độc cuộn xoáy trong những vòng lặp của ảo giác, của ký ức, và những ẩn dụ. Những cánh bướm rất to theo với Ba, con sóc đực trên cành cây bám lấy B và nhìn anh chế giễu. Cẩm là đối tượng truy tìm của Ba từ đầu đến cuối tác phẩm. Cô gái váy đen cứ ẩn hiện trong cuộc rượt đuổi của B. Ba không xuất bản được cuốn sách của Cầm, B cố ý ngăn cản việc in cuốn sách của Mạo. Hình ảnh người bảo vệ đào đất để thông “cổng địa ngục” ám ảnh B, tương đồng với sự ám ảnh của ông già đánh cá (tr. 90) chở Ba trên hồ khi anh đi tìm đứa con hoang của mình. Trong đêm trăng ngày 15 giữa tháng, “kẽ nứt ở góc sân” (tr.173) mở ra dẫn B xuống một hang rộng có những hình nhân đứng bất động… Thế giới ngột ngạt ấy có ý nghĩa gì?

II. THỬ VƯỢT QUA THÁCH THỨC
Chìa khóa để mở cửa bước vào thê giới nghệ thuật của Cô Độc là sự xác lập xem Cô Độc là tiểu thuyết hư cấu (fiction) hay phi hư cấu (non-Fiction).
Khi người đọc đặt vấn đề với tác giả rằng: “định nổi loạn hả, anh có phải là nhân vật B không? Định chống lại nhà số 4 à? Những người khác bảo, nó phức tạp đấy, sex hơi nhiều và có những biểu tượng rất nguy hiểm.” tức là coi Cô Độc là một tác phẩm hiện thực (non-fiction). Căn cứ vào cấu trúc tác phẩm, Cô Độc là một tác phẩm hư cấu (fiction), nghĩa là nhân vật, bối cảnh, sự việc, con người, cốt truyện đều do tác giả tưởng tượng ra, không có thật. Tác giả không lấy nguyên mẫu từ đời thực để đặt vấn đề về nhà xuất bản nơi nhà văn công tác, để phê phán những người ở nhà xuất bản ấy. Nơi ấy cũng chẳng có ai như Ba và B, chẳng quan tâm đến ai, chỉ có rượu và gái. Nơi ấy cũng chẳng có ai tâm thần tự cắt tai như Ngụy hay tự tử bằng thuốc ngủ như Mạo, hay tự cắt động mạch tay chết như B.
Dấu chỉ nào giúp người đọc nhận ra Cô Độc là tác phẩm hư cấu (fiction)?
Trước hết, tác giả tước bỏ hết bối cảnh xã hội của câu truyện. Không có một chi tiết nào để người đọc có thể suy đoán ra sự việc, con người, câu chuyện đang diễn ra ở nơi nào trong không gian thực, diễn ra trong khoảng thời gian nào của xã hội Việt Nam. “Ba xin phép nghỉ dài ngày để đi tìm kiếm… anh đi về những vùng núi, vùng hồ… Ba đến một khu hồ lớn, anh thuê khách sạn rồi đi lang thang trong vùng” (tr.88). Người đọc không thể định vị khu hồ lớn ấy ở đâu, đời sống xã hội nơi đây thế nào.
Và trong Cô Độc, tác giả đưa vào rất nhiều chuyện giả tưởng (fiction). Đó là những chuyện hoang tưởng, ảo giác của B, và cả của Ba. Chẳng hạn, “một hôm trong rừng lang thang, Ba gặp đàn bướm khổng lồ ở cái thác nước ngày nào. Chúng bay rợp trên đầu anh, tạo một cảnh vô cùng kỳ thú…Đúng lúc ấy anh nhìn thấy Cẩm đang ở trước mặt…đôi chân anh guồng nhanh và anh thấy mình bay trên mặt đất. Lũ bướm… cô gái… Tất cả bay theo anh” (tr.202). Chuyện thầy chủ nhiệm nói với Ba về một cuốn sách nguy hiểm, nhưng thầy không cho ai biết. Bọn trộm và Ba đã tìm cách đánh cắp chiếc cặp nghi có cuốn sách bí ẩn đó. Nhưng mở cặp ra “chỉ vài cuốn sách giáo khoa và giáo án, ba cái bút mực và một đôi bít tất màu xanh đã thủng lỗ…” (tr.192). Khi Ba đã trưởng thành, trở thành biên tập viên, anh về thăm thầy. “Nhưng vào đúng cái ngày anh trở về trường, thầy chủ nhiệm đã treo cổ trong nhà” để giữ bí mật về một cuốn sách lớn. Tất nhiên, ai lại tin đây là chuyện thật, bởi trên đời này chẳng có ông thầy chủ nhiệm nào như thế.
Cô Độc là một tiểu thuyết hư cấu (fiction) vì thế không nên áp đặt cái nhìn “phản ánh hiện thực”(phản ánh luận) để đọc và đánh giá tác phẩm. Cô Độc có khuynh hướng một tiểu thuyết tư tưởng. Tất cả chuyện kể là để trình bày những vấn đề tư tưởng. Những vấn đề này cao và rộng hơn nhiều cái “hiện thực” mà người đọc nhìn thấy.
Xin hãy ngẫm nghĩ về tư tưởng này: “Phản bội cái cũ để cái mới được ra đời” (tr.286). Đây là tư tưởng B đã đấu tranh quyết liệt và đánh đổi bằng cả sinh mệnh của mình để khẳng định. Anh đã bị bao nhiêu thế lực kết án. Anh nói với ông cựu giám đốc nhà xuất bản: “Tôi chấp nhận bị sỉ nhục và coi đó là sự trừng phạt đích đáng với mình”…”; “Tôi đã làm thứ tôi cho là cần thiết, không có mưu cầu riêng gì ở đây.” (tr.288)
Trong ý nghĩa tư tưởng thì người đọc sẽ tra vấn “Phản bội cái cũ để cái mới được ra đời” là để nói đến vấn đề gì?
Trong đời sống, sự phản bội luôn là hành vi xấu xa cần phải lên án. Nhà văn cũng đã để cho nhiều nhân vật lên án sự phản bội của B, nhưng B vẫn quyết liệt khẳng định mình là kẻ phản bội (tr. 272, 278, 287), anh chấp nhận tất cả để “cái mới được ra đời”. Những ý tưởng ấy của B gợi cho tôi (theo cách đọc liên văn bản) về “Giã biệt bóng tối (Tạ Duy Anh), “Ăn mày dĩ vãng” (Chu Lai), đến “Nỗi buồn chiến tranh” (Bảo Ninh). Và nghĩ đến kẻ phản bội của thời đại là của Gorbachev. Năm 1987 Gorbachev đã phản bội cách mạng Xô-viết để cho ra đời nước Nga ngày nay. Ở Việt Nam, các nhà văn thời kỳ đổi mới (1986-1996) có thể được coi là những người đã “phản bội” lại chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa để thực hiện cho được sự đổi mới văn chương. Và nếu cứ suy gẫm miên man về “Phản bội cái cũ để cái mới được ra đời” thì Cô Độc trờ thành “một cuốn sách nguy hiểm” (tr.188) như cuốn sách nguy hiểm mà thầy giáo chủ nhiệm của Ba đã đánh đổi mạng sống của mình để giấu kỹ!
Tuy nhiên cần lưu ý rằng Tác giả không khẳng định “cái mới” mà B đánh đổi sinh mệnh có tốt hơn cái cũ hay không. Người ta chưa biết tay Phó Giám đốc nhà xuất bản mới lên thay này có thể cứu nhà xuất bản khỏi phá sản hay không, nhưng biết rõ rằng chính ông ta đã làm áp lực với B để B đứng về phía ông ta. Ông ta đe dọa tố cáo B quan hệ bất chính với đàn bà và tội thiêu hủy bản thảo (tr. 243). Và nhắc B về quyền lực của bóng tối (tr.244) ngầm răn đe B sẽ phải chịu những hậu quả nặng nề. Cứ theo cái cách hành xử của tay Phó Giám đốc mới thì “cái mới” cũng chẳng tốt đẹp gì hơn “cái cũ”. Quyết định của B đứng về phía giám đốc mới trở thành ảo tưởng. Cái chết của B là sự trả giá cho “quyền lực của bóng tối”. Tư tưởng “Phản bội cái cũ để cái mới được ra đời” có thể là một lời cảnh báo?
Một tư tưởng khác dội lên rất mạnh mẽ trong tác phẩm là khẳng định sự tồn tại của cá nhân. Cả Ba và B đều kiên định trước tất cả những áp lực để giữ cho được là chính mình, làm cho được điều mình thích cũng như tự chọn lựa con đường của số phận mình. Ba đã chống đối quyết liệt người cha để trở thành biên tập viên. Cha anh luôn “kỳ vọng anh làm được những điều lớn lao, nhưng anh né tránh những thứ kỳ vĩ…Anh muốn thế giới của riêng mình, xa lánh hấu hết…” (tr.70). Giám đốc nhà xuất bản mời B nói chuyện, có ý thuyết phục anh, “Mong anh vẫn luôn là anh”. B nói: “Tôi chưa bao giờ là người khác” (tr.175). Trong cuộc bỏ phiếu bầu Giám đốc mới, người ta tin chắc B đứng về phía bảo thủ, nhưng là người cuối cùng quyết định cuộc bầu cử, B lại đứng về phía “cái mới” là bầu cho Phó Giám đốc. Đó là việc làm anh cho là cần thiết, không chịu áp lực của bất cứ ai (tr. 288).
Tư tưởng khẳng định sự tồn tại cá nhân được nhà văn giải quyết thế nào?
Ba trở thành biên tập viên. Anh tìm thấy ý nghĩa của việc biên tập là: “…tìm kiếm một bản thảo vĩ đại làm lừng danh cho sự nghiệp của anh và lưu danh trong nền văn chương thế giới” (tr.198). Việc anh chọn nghề biên tập là trái với ý của bố. Có lần Ba mơ thấy mình nói chuyện với bố. Bố buồn vì anh bất hiếu. Anh vô sinh không có con nối dõi. Chống đối bố nên Ba đi làm và ít về nhà. Anh sống theo ý thích của mình. Lần gặp gỡ Cẩm ở bên thác và đêm ngủ lại ở nhà trọ để lại dấu ấn trong anh suốt đời. Vì thế mà anh li dị với vợ (Hà). Từ đó, anh luôn tìm kiếm Cẩm, đồng thời quan hệ và ngủ với nhiều cô gái khác. Cô gái chèo đò, cô gái tên Yên, cô gái ở quán massage… Hầu hết những cô gái đi qua đời anh đều có những phẩm chất giống mẹ anh. Với họ, “Anh chỉ là một kẻ lãng du, một kẻ qua đường lãng mạn và say đắm” (tr.283). Ba thương chị gái, vì chị thất nghiệp, chồng con chẳng ra gì. Nhưng kỷ niệm với gia đình làm anh nhói lòng. Ba nghĩ mình có lỗi trong cái chết của thầy chủ nhiệm. Khi Ba bị viêm phổi, trong cơn đau miên man, hồi ức của anh cứ trở lại. Có lần anh gặp lại vợ cũ ở biển. Hà đi với người đàn ông trung niên giàu có. Ba thấy anh mắt Hà xa lạ, dửng dưng, quên lãng. Trước khi bị bạo bệnh, Ba về thăm nhà bố mẹ, ăn bữa cơm ngon (tr.274). Đứng trước cái tủ bố cất những cuốn sách Ba đã biên tập và in, Ba nhận ra mình sai (tr.276). Khi thăm mộ cha mẹ, “Anh đứng trước mộ bố mẹ và cúi đầu xuống như đứa trẻ biết lỗi” (tr.277). Khi cơn bệnh đã trầm trọng, Ba nghĩ đến những đứa con. Nếu có con, nếu đứa trẻ giống anh, nó sẽ luôn đau khổ, đời nó sẽ không bình thường như những người khác (tr.284). Anh quyết định phần lớn tài sản gửi vào các trại trẻ mồ côi. Cơn sốt lại ập đến, anh mơ hồ cảm nhận một bàn tay phụ nữ và một đứa trẻ có đôi mắt giống Cầm đang đứng ở cuối giường. “Anh thấy mình chơi vơi giữa một đám bướm khổng lồ và tan biến như tro bụi” (tr.285).
Tự chọn cuộc sống của riêng mình, cuối cùng Ba đã nhận ra sai lầm. Dù mặt nổi của Ba là cuộc đời của một người lập dị, thích cô độc, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn Ba vẫn nặng tình với những người thân yêu. Và phút cuối đời mình, anh vẫn mơ hồ có được niềm an ủi khi có Cầm và đứa con đứng bên cạnh.
Nếu Ba là con người ký ức thì B là con người hiện tại. B làm biên tập viên đã 20 năm, thích sự yên bình, phụ nữ và rượu ngon (tr.187). “Phòng của anh là một không gian u uất” (tr.9) Anh sống cô độc trong sự bủa vây của bóng tối. “Anh muốn sờ chạm, hít ngửi sự cô độc và hoang lạnh của bóng tối. Anh biết rằng có rất nhiều linh hồn đang di chuyển” (tr.249). Anh đã đốt rất nhiều bản thảo mà anh cho là nhạt nhẽo. B luôn lo sợ và bất an. Anh sợ “những trang viết chạm đúng tim đen của anh, khơi ra những tội lỗi, mong muốn thầm kín của anh, sỉ vả và buộc tội khiến anh phải dằn vặt rất lâu sau đó” (tr. 103). B sợ cả những bản thảo mình biên tập, sợ những thứ ghê gớm mà chúng chất chứa. “anh sợ toàn bộ con người, tính cách, thói quen và sở thích của anh sẽ bị phơi bày” (tr.94).
B bị ám ảnh bởi tiếng lóc bóc trong phòng mà anh không sao tìm ra nguyên nhân. Anh bị đồng nghiệp là Mạo và Ngụy rình rập, theo dõi và gây áp lực. Cả những người đã chết mà anh tìm thấy ảnh trong nhà kho, và những hình nhân trong cái hang dưới kẽ nứt ở góc sân cũng gây cho anh nỗi bất an. Cái chết của một ông già có bản thảo bị anh đốt làm anh day dứt. Anh bị mọi người kết án là “kẻ kiêu ngạo, bảo thủ và không biết điều” (tr.262); “là thằng khốn kiếp và ích kỷ, một kẻ độc ác và tàn nhẫn, vô lương tâm và bạc bẽo, vô đạo đức, trụy lạc dâm dật (tr.263) “…anh giống như một quái vật, một nhân vật không thể dung hòa, không thể lại gần, như một kẻ lập dị đầy bí hiểm” (tr.113). Anh lâm vào tình trạng bị ảo giác thường xuyên. Ảo giác về cô gái váy đen. Sau nhiều lần truy đuổi, B gặp được cô gái. Anh và cô gái vào khách sạn ở tầng cao nhất. B chiếm hữu cô gái. Sau đó cô ta mọc ra đôi cánh như loài bướm và bay hút vào không gian của đêm (tr.209). Mạo đã tự tử chết vì thuốc ngủ nhưng nhiều lần B vẫn nghe tiếng Mạo cười trong quán cà phê, nghe tiếng khóc của bản thảo bị đốt rụi (tr.217). B như người mộng du (tr.218). Có khi anh lại cho chính mình đang theo dõi mình (tr.226). Có lần anh nói với Ngọc rằng anh muốn giết người vì chán nản (tr.117), và tự thấy mình là kẻ sát nhân (tr.167). Nhiều lần anh đã hãm hiếp Ngọc một cách dữ dội và điên cuồng (tr.58, 87). Anh đã nghĩ đến sự biến mất (tr.114), và cả sự hủy diệt (tr.115)…Và sau cùng B đã tự sát trong chính cái lò anh thiêu bản thảo.
Những biểu hiện tinh thần của B có thể giải thích bằng y khoa. B bị chứng “tâm thần phân liệt”, nhưng bản thân B không biết. Có lẽ do áp lực quá lớn của môi trường làm việc. Trước đó, người tiền nhiệm ở trong phòng của B cũng tự sát vì trầm uất (tr.56). Người bạn đồng nghiệp lả Mạo cũng đã uống thuốc ngủ tự tử, bạn đồng nghiệp thay Mạo là Ngụy thì tự cắt tai minh. Và B cũng không tránh khỏi chứng trầm uất. Anh vừa cứng đầu vừa sợ hãi bất an; vừa kiêu ngạo, độc ác vô lương tâm vừa “nổi gai ốc” trước sự đe dọa trừng phạt của bóng tối (tr.244). Cuối cùng B cũng tự sát như một người có y thức rất sâu về chính mình.
Nhà văn đã chỉ ra hậu quả thảm khốc của tư tưởng cá nhân muốn được là chính mình, khẳng định sự tồn tại của cái tôi: Tôi có bản thân mình”, khẳng định ý chí và tự do: “không muốn làm theo ý muốn của người khác “(tr.210). Tác phẩm miêu tả sự tồn tại cái cá nhân cực đoan chống lại tất cả, sẵn sàng phản bội cái cũ (truyền thống) để cái mới ra đời; sự đề cao một lối sống chỉ cho riêng mình, tự do tuyệt đối (như con sóc, tr.112, 225), rượu và đàn bà, chống lại tất cả như B, chống lại bố như Ba, đều là sai lầm và đưa đến hậu quả thê thảm.
Ba và B trở thành sự đề xuất của tác giả về giải pháp vượt qua sự thê thảm. Sau cùng, khi trở về nhà và ra thăm mộ cha mẹ, Ba biết mình sai. Ba hiểu ra tình thương yêu của bố, ba nhận ra tất cả những người đàn bà đi qua đời anh đều có nét giống mẹ. Anh giã từ cuộc đời trong ước mơ hạnh phúc với người phụ nữ và đứa con gái nhỏ có đôi mắt giống Cẩm, người anh tìm kiếm suốt đời.
Ba và B là một bản gốc, nhưng là hai phiên bản (version) khác nhau. Tác giả đề xuất với người đọc như một tác phẩm mở (The open work - Umberto Eco), từ đó gợi mở với người đọc về nhiều vấn đề tư tưởng. Có thể chứng tâm thần phân liệt của B là một cái cớ để nhà văn rạch những đường phẫu thuật rất sâu vào thực tại, về “quyền lực của bóng tối” (tr. 244), thân phận con người (Ba, B, Mạo, Ngụy, người tiền nhiệm của B) và sự băng họai của xã hội như sự đổ vỡ gia đình (gia đình Ba), tình trạng các cô gái nổi loạn (tr. 229), nơi làm việc, cơ quan trở thành địa ngục (tr.259).
Những giấc mơ, những ảo giác, những hoang tưởng của B và của Ba, trước hết là những biểu hiện của bệnh tâm thần của nhân vật, nhưng có sự giao thoa rất tinh tế với những ẩn dụ nghệ thuật mà người đọc không thể bỏ qua (vì không hiểu, hay chỉ coi đó là triệu chứng của căn bệnh). Tiếng lóc bóc trong phòng của B, theo với B suốt tác phẩm có thể chỉ là một âm thanh ảo của chứng tâm thần (vì mọi người không nghe thấy), nhưng về nghệ thuật đó là âm thanh của sự đe dọa, gần như một sự khủng bố. B vào nhà kho nói chuyện với các bức ảnh và xuống hang qua kẽ nứt ở góc sân nói chuyện với những hình nhân, cả bức ảnh treo trong phòng phó Giám đốc quắc mắt nhìn B (tr. 234) không chỉ là sự hoang tưởng tâm thần, nhưng còn là ẩn dụ về thế giới của bóng tối, là sức mạnh của bóng tối, điều ai cũng có thể nhận thấy trong xã hội hôm nay. Con sóc đực xuất hiện nhiều lần cũng là một ẩn dụ, và thật ngỡ ngàng khi B lại đập chết con sóc ấy (tr. 245).
Nói như vậy để thấy rằng, tác giả đã làm cho ngôn ngữ có cả xác và hồn. Và việc nắm được hồn cốt của tác phẩm mới là điều người đọc cần hướng tới.

DƯ ÂM
Thú thực rằng tác phẩm không dễ đọc và có lúc tôi đã định bỏ cuộc. Chỉ khi tìm ra chìa khóa cấu trúc tác phẩm tôi mới tìm thấy lối đi vào thế giới mênh mông của tư tưởng và nghệ thuật. Đôi khi tôi bị xô giạt bởi những ý nghĩ Cô Độc là một tác phẩm văn chương hiện sinh mà Ba và B thể hiện khá rõ. Đó là sự cô độc, là tự do tuyệt đối, trong ý thức “Tha nhân ấy là địa ngục” (J. P. Sartre). Sống là đi về cái chết. Hiện sinh quy tử, con người trong cuộc sống bị dồn đuổi đến chết. B chuẩn bị và đi đến cái chết một cách bình thản như một Con Người, nhẹ nhàng mà lẫm liệt: “Bổn phận của mi là lên đường đi đến hố thẳm, một cách im lặng, một cách rộng lượng và không hy vọng”. (Nikos Kazantzakis, Ascèse-dẫn theo Phạm Công Thiện). Những ngẫm nghĩ ấy đem đến cho tôi sự thú vị, bởi văn chương Việt Nam, với Cô Độc, đã vượt qua giới hạn của sự “phản ánh hiện thực” mà tiếp cận đến kiểu văn chương tư tưởng. Rất tiếc là ngòi bút của Uông Triều chưa tiếp cận được cách miêu tả dòng chảy ý thức của nhân vật tư tưởng trong văn chương Hiện sinh. Hư cấu sáng tạo khá phong phú nhưng màu sắc thẩm mỹ của các chương đoạn chưa thật ấn tượng, điều này dễ làm đuối sức người đọc.
Dẫu thế nào, Cô Độc vẫn đang thách thức các nhà phê bình văn học. Và tôi nghĩ, cuốn sách rất xứng đáng với công sức viết suốt 3 năm của tác giả. Tác giả bộc bạch điều này: “CÔ ĐỘC đến với đời thật cô độc nhưng rồi nó sẽ không cô độc khi có những người hiểu và tri âm với nó”. Đó là lời mời gọi tri âm.



Mời thư giãn với nhạc phẩm CÁT BỤI CUỘC ĐỜI
của Hà Sơn, qua tiếng hát Châu Thanh và Lê Sang:
            
*.
Đồng Nai, tháng 11.2019
BÙI CÔNG THUẤN
Địa chỉ: thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.
FacebookBùi Công Thuấn 




  ........................................................................................
- Cập nhật từ email: quanboyman1992@yahoo.com.vn ngày 07.02.2020.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

1 nhận xét:

  1. Đọc bài viết này chợt nhớ tới nhận xét của nhà văn Dương Thu Hương về các nhà phê bình văn học:
    "Tất cả bọn phê bình đều là dòi bọ. Riêng Phan Cự Đệ là con chó ngao."
    thấy thương các "nhà nhiều chữ" thích làm thầy thiên hạ quá.

    Trả lờiXóa