THẾ NÀO LÀ NGƯỜI HÀ NỘI
*
(Tác giả Lê Phú Khải) |
Nhân
1000 năm Thăng Long, nhà thơ Hoàng Hưng ba đời là người Hà Nội (bản thân, cha,
ông nội )….đã viết bài “Thử nêu vài đặc điểm phổ biến của lối sống
người Hà Nội”. Hoàng Hưng đã lấy sự quan sát chính dòng tộc của ông,
một gia đình trí thức khá nổi tiếng qua ba thế hệ sống ở Hà Nội, từ đời ông
nội, cha và bản thân, tức khoảng thời gian từ cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20
đến nay….cùng với việc quan sát nhiều người Hà Nội khác sống trong khoảng thời
gian đó, để “ thử” nêu vài đặc điểm phổ biến của lối sống người Hà Nội.
Ông nêu
những nhận định khái quát về bản sắc người Hà Nội, đó là sự kết hợp giữa những
nét của tính cách người Kinh Kỳ cộng với văn minh phương Tây đầu thế kỷ 20, sau
đó là những biến động sau cach mạng Tháng Tám 1945, những cái còn và mất của
lối sống Hà Nội cho đến hôm nay.
Là
một người có năm cái “đồng” với nhà thơ Hoàng Hưng: Sinh đồng năm (1942), đồng
hương người Hà Nội, đồng học một trường (Đại học Sư Phạm Hà Nội), đồng nghiệp (dậy
học và làm báo), đồng chính kiến… hơn
thế nữa, tôi không những ba đời mà gốc gác không biết bao nhiêu đời đã sống tại
Hà Nội, vì theo ông nội tôi, thì làng Cơ Xá Nam, chính là làng tôi, có từ trước
cả khi vua Lý dời đô về Thăng Long, nay làng còn đền thờ Lý Thường Kiệt ở phố Nguyễn
Huy Tự, vừa được trùng tu và được công nhận là di tích lịch sử Quốc Gia nhân kỉ
niệm 1000 năm Thăng Long.
Chính vì vậy tôi mạo muội thử bàn về lối sống của
người Hà Nội nhân 1000 năm Thăng Long để mong cung cấp một vài tư liệu sống về
người Hà Nội cho các nhà nghiên cứu như nhà thơ Hoàng Hưng đã từng làm.
Để viết
ra những dòng này, tôi đã chiêm nghiệm từ hàng trăm, hàng ngàn người Hà Nội từ
dòng tộc nhà tôi đến “Trong làng ngoài phố” Hà Nội, với thói quen nghề
nghiệp một nhà báo là quan sát tỉ mỉ các đối tượng mình gặp. Tôi cũng nêu những
ví dụ sống về những người Hà Nội để chứng minh cho “luận điểm” của mình.
Trước
hết nói về tính cách tốt đẹp của người Hà Nội
Tôi
đồng ý với nhà thơ Hoàng Hưng, là người Hà Nội có nét tính cách nổi bật là “thanh
lịch” và theo tôi hơn thế nữa, người Hà Nội thanh lịch đến lịch lãm. Họ rất hào
hoa, phong nhã, có trí thông minh, có tư duy sắc bén, lập luận chặt chẽ, có
ngôn ngữ trong sáng, gọn gàng, có sức hấp dẫn với……mọi ngươi. Nếu ở một thời
đại thanh bình, người Hà Nội sẽ là những nhà khoa học trung thực, họ có phẩm
chất của những vị “tôi hiền” trong một triều đình có “vua sáng”, có minh quân!
Nhưng nếu vua là những tên hôn quân bạo chúa thì người Hà Nội không dám chặt
đầu vua để “thế thiên hành đạo” như người Quảng Ngãi dám làm khởi nghĩa Ba Tơ!
Người
Hà Nội ưa thích sự liêm chính trong sạch không có “máu” tham nhũng,
không thích hà hiếp kẻ dưới. Ông nội tôi trước Cách mạng tháng 8 làm nhân viên
vaguemestre cho Toàn Quyền Đông Dương, đến khi năm mươi tuổi, quan Bảy toàn
quyền bảo rằng, mày đã đến tuổi hưu theo ngạch của Pháp, nhưng nếu muốn làm
quan An Nam thì tao cho ra làm tri huyện, nhưng vì các chức tri huyện đã kín,
nếu mày muốn làm tri châu thì tao ký cho mày đi nhận chức. Ông nội tôi xin về
và đi chăn bò ở Bãi Giữa, tức bãi Phúc Xá giữa Sông Hồng (Vẫn theo ông nội tôi
thì vua Lý lấy “làng mình” làm đất kinh đô nên cho dân làng ra ở Bãi Giữa, đất
tốt lại rộng rãi…) Có người trong gia tộc hỏi ông nội tôi sao không nhận làm
quan? Cụ trả lời: Lúc làm thông ngôn cho quan Bảy những ngày quan ta lên lễ
tết, thấy họ biếu quan trên nhiều thứ lắm. Nếu mình làm quan không ăn của đút
thì lấy đâu tiền bạc để biếu quan trên! Đến ngày toàn quốc kháng chiến tháng 12
– 1946, ông nội tôi đã đem cả gia quyến lên quê của người con dâu thứ ba ở thôn
Chí Tiên, xã Chí Chủ, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ để “trường kỳ kháng chiến”
theo tiếng gọi của cụ Hồ. Đến ngày Hòa Bình 1954 về Hà Nội, Pháp kêu những công
chức cũ có sổ hưu đi theo Việt Minh tam năm, nếu xuống Hải Phòng, Pháp vẫn cho
truy lĩnh 8 năm lương hưu mà không đòi hỏi một điều kiện gì khác, vì đây là món
tiền Chính phủ Pháp nợ các công chức đã làm việc cho Pháp! Nhưng ông nội tôi
không đi. Cụ nói “Nước đã độc lập rồi dù
ăn cơm, dù ăn cháo cũng sướng, không cần gì nữa”!
Là
một công chức mẫn cán cho thực dân, nhưng khi có cơ hội thì ông nội tôi sẵn
sàng bỏ hết để đi theo chính nghĩa dân tộc. Người Hà Nội là thế, nhưng người Hà
Nội không dám tự đứng lên làm một cuộc khởi nghĩa cách mạng như người Thái
Bình, người Nghệ Tĩnh! Người Hà Nội không có chí tiến thủ, không dám làm việc
lớn “khai sơn phá thạch” “lay thành nhổ núi” như các cụ Phan, cụ Hồ ở miền sông
Lam núi Hồng. Người Hà Nội sống khép kín, lo gia đình vợ con, không xâm phạm
của ai, quan hệ thì có đi có lại, không hào phóng như người Nam Bộ. Họa sĩ điêu
khắc gia Nguyễn Hải vào những năm 1990 gặp tôi ở ngoài phố, ông dắt tay tôi về
nhà và chỉ vào một đống bao tải để trong phòng, ông bảo: Tao cho mày một bao!
Tôi hỏi đó là bao gì. Ông nói: Đó
là tiền ngân hàng trả cho tao, bản quyền cái tượng ở Nghĩa Trang Thành phố.
Tôi ngạc nhiên hỏi: Sao lại có nhiều bao tải tiền thế! Ông nói: Vì là
tiền lẻ nên to như thế, bao này tao cho mày là 10 triệu! Số tiền đó quá lớn đối
với tôi nên tôi kiên quyết không nhận, lấy cớ là tôi “không ưa” tiền lẻ! Ông
nổi cáu: Tao trả công mày chớ có cho mày đâu mà không lấy, mày không nhớ cái vụ
Tượng Thủ Khoa Huân ở Mỹ Tho, mày đã thiện chí với tao à? Thực ra tôi chỉ phát
biểu cái tượng đó là đẹp trong phiên họp xét thông qua mẫu tượng Thủ Khoa Huân,
vậy thôi. Vậy mà cũng thành cớ để để họa sĩ Nguyễn Hải cho tôi tiền. Ít lâu sau
tôi được bà chị ruột ở đường Nguyễn Trãi gần nhà họa sĩ Nguyễn Hải nhắn: Cậu
lên ngay để nhận tiền của ông Hải, vì ông đã đổi tiền lẻ thành tiền chẵn rồi! Cậu
phải lên không ông ấy buồn lắm, sang nhà tôi nhắn hoài!
Ông
Nguyễn Hải không phải là một người Hà Nội!!!
Người
Hà Nội không có máu tham, không dám dấn thân làm việc khó, anh ta e
ngại đủ điều, chỉ thích sống bình yên, không muốn xa “ba mươi sáu phố
phường”! Tôi có người bà con dòng tộc, được cấp trên cử làm chức vụ cao hơn
chức vụ trưởng mà anh ta đang làm, với hy vọng tài đức của anh sẽ “dẹp loạn!”
trong nghành thuế đang “loạn”. Anh ta nhất định từ chối với lý do “Tôi sợ mình chưa dẹp người ta thì người ta
đã dẹp mình rồi!” Tôi có cô bạn được ngành Nông nghiệp giao cho một cơ sở
vật chất lớn ở thành phố Hồ Chí Minh có thể làm giầu nhờ quản lý cơ ngơi đó. Cô
ta nhất định không nhận vì lo phải “trả giá”! Tôi có thằng cháu nội sinh ở Mỹ
Tho nay đã 16 tuổi, hiện đang học ở thành phố Atlanta thuộc bang Georgia bên
Mỹ, lớp của cháu học có rất nhiều bạn da đen, cháu không dám chơi với ai cả, vì
sợ “mất công!”. Cái gien Hà Nội đã theo cháu sang tận nước Mỹ xa xôi! Tôi có
một người bạn học phổ thông, sau khi tốt nghiệp lớp mười, đi học lái máy cày ở
Hòa Bình, cách Hà Nội bốn mươi km. Cứ một tuần anh ra lại viết thư về cho mẹ,
giọng sướt mướt, bi ai như bị đi đầy biệt xứ tận Xi-bê-ri, ít lâu sau anh ta bỏ
về vì…..nhớ nhà! Tôi có ông bạn năm nay đã ở tuổi “cổ lai hy”, người Hà Nội
gốc, ông ta bao giờ cũng để điện thoại di động cách xa 6 thước vì sợ… nhiễm từ! Một ông bạn Hà Nội khác của tôi cầm điện thoại
lên nghe một tiếng “cộc”, vội vàng bỏ điện thoại xuống vì sợ….công an nghe
trộm! Người Hà Nội ba đời như nhà thơ Hoàng Hưng từng bị ba năm tù không án vì
một “tai nạn” văn chương, đã đi Châu Au ba lần, đi Mỹ ba lần, đi Trung Quốc ba
lần, ba lần cạo đầu trọc lóc đi bụi ở An Độ là hiếm lắm, là một người Hà Nội
“phá cách”. Tôi có người chú ruột là thiếu tướng Công an Lê Hữu Qua tên thật
của ông là Lê Phú Cường, được coi là “người hùng” trong Cách mạng tháng 8 ở Hà
Nội. Ông vào sinh ra tử, đã hai lần cứu cụ Hồ thoát nạn, đã phá “vụ án phố Ôn
Như Hầu” nổi tiếng, đó là một người Hà Nội “phá cách”!
Người
Hà Nội không ưa sự ồn ào phô trương, rất ghét thói “trưởng giả học
làm sang” kệch cỡm lố bịch. Họ sống bình lặng, nhưng rất sành điệu ăn chơi. Có
người lấy sự sành điệu ăn chơi làm lẽ sống của mình hơn là làm những việc ích
nước lợi dân ! Tôi có người bà con trong dòng tộc, anh ta đi ô tô từ Bắc
vô Nam. Vào đến thành phố Hồ Chí Minh rồi, vội đến nhà tôi để khoe: Tao đi
từ Hà Nội vào đây, đến thành phố nào nghỉ chân cũng kiếm khách sạn thật xịn, có
phòng nhẩy (khiêu vũ), ở đâu người ta cũng chịu tao là “đôi giầy vàng” (ý nói
nhảy đẹp nhất!).
Năm 2007
tôi ra Hà Nội để dự kỉ niệm 40 năm tốt nghiệp ra trường (Đại học Sư Phạm), mới
6 giờ sáng đã nhiều cô bạn cũ gọi di động mời đi khiêu vũ ở sàn nhảy này, sàn
nhảy nọ… Tôi phải từ chối là chỉ quen khiêu vũ… “trên giường”!
Người Hà Nội còn có một đức tính nổi bật là mượn sách không bao giờ trả. Thậm
chí còn cho việc trả sách là ngu (!) Nhưng nợ tiền thì anh ta ngày đêm lo trả,
không hề có ý định ăn quỵt! Món ăn Hà Nội rất ngon và phụ nữ Hà Nội nấu ăn thì
tuyệt vời, số phụ nữ Hà Nội biết nấu ăn ngon có tỷ lệ cao so với các miền khác
của đất nước (Có thể là tôi võ đoán trong nhận định này!). Bà cụ Nguyễn Mai
Dung, vừa qua được Nhà xuất bản Phụ Nữ mời viết cuốn sách nhan đề “Món
ăn Hà Nội xưa” dày 135 trang về hơn 100 món ăn Hà Nội từ cỗ bàn đến món
ăn bình dân nhân 1000 năm Thăng Long. Đọc những món ăn Hà Nội xưa trong cuốn
sách như các món: cá trê nấu dưa, canh thịt nạc nấu sấu, canh thịt bò thuôn
hành dăm, nộm sứa, nộm hoa chuối, dưa giá, củ cải dầm, chè bà cốt, cốm xào…Tôi
nhớ mẹ tôi quá!
Tóm lại,
sống bình lặng, lịch lãm, tôn trọng lẽ phải đạo đức và chính nghĩa, không dám
dấn thân, không dám làm việc lớn, hay hoài vọng và mơ mộng, thích gặm nhấm nỗi
cô đơn, buồn tủi của kiếp người. . . Đó là đặc trưng phổ quát của người Hà Nội.
Tôi có thể dẫn ra đây cả một trăm, một ngàn ví dụ sống về những tính cách đó
của người Hà Nội. Không phải nhà lý luận, chỉ có thói quen nghề nghiệp (nhà
báo) hay quan sát, tôi cung cấp những chi tiết, vậy thôi!
Bây giờ
mười người Hà Nội thì có đến tám người từ các nơi khác đến “ngụ cư”! Họ làm
quan, làm thơ, làm dân thường. Họ mang lối sống “hỗn tạp” (từ dùng của nhà thơ
Hoàng Hưng) đến đất ngàn năm văn vật! Chính vợ nhà thơ Hoàng Hưng kể với vợ
chồng tôi rằng, hai vợ chồng bà đi chợ mua một ngàn đồng lá chè tươi, được
người bán vốc cho một nắm. Thấy một ngàn mà cũng được một vốc, bà khen: Có một ngàn mà được nhiều nhỉ! Thế này thì nấu được mấy
ấm hả chị?
Câu trả
lời làm bà sững người và đỏ mặt vì xấu hổ (không phải xấu hổ cho bản thân!)
-
Mua có một ngàn mà đéo gì nói lắm thế, cút mẹ nó đi cho người ta bán hàng!
Ít lâu
sau tôi được biết vợ chồng nhà thơ Hoàng Hưng đã bán căn hộ ở bán đảo Linh Đàm
để quay về thành phố Hồ Chí Minh. Chấm dứt “ước mơ” cuối đời quay về cố đô sau
nhiều năm lưu lạc (!).
Thằng
con trai cả của tôi định cư ở Cần Thơ, ra Hà Nội chơi cùng
với hai người bạn đều là công an ở Cần Thơ. Vào một tiệm ăn, lúc trả
tiền, thấy chủ quán tính gấp mười lần so với bàn bên cạnh cũng ăn những thứ như
thế! Nó không chịu, chủ quán sừng sộ quơ dao phay lên. Hai người bạn dân Nam Bộ
cùng đi chìa tiền ra trả cho yên chuyện! Nổi máu “điên” thằng con tôi đập ngay
một chai bia, cầm cổ chai chĩa vào mặt chủ quán, nó quay ra nói giọng Hà Nội
thứ thiệt:
- Địt mẹ
mày! Định ăn cướp à, bố mày là dân Hà Nội gốc một trăm đời đây, muốn gì?! Cuối
cùng thì Công an 113 phải đến để dẹp loạn! Người ăn hàng được trả đúng giá,
nhưng chủ quán cũng chẳng được “nhắc nhở” câu nào (!) Thằng con tôi chính là
dân Hà Nội gốc, đi giang hồ tứ xứ nên học được thói du côn phương xa, nó đủ bản
lĩnh để đương đầu với người Hà Nội mới hôm nay! Một ông bạn tôi là quan chức ở thành
phố Hồ Chí Minh mỗi lần ra Hà Nội xin giấy tờ, xin dự án, tôi thấy ông bạn tôi
chuẩn bị nhiều “bao thư” lắm!!! Bây giờ người Hà Nội nói ngọng, không phân biệt
phụ âm n và l là chuyện… vô tư! Có ông cán bộ lớn kếch xù ở Đài Tiếng Nói Việt
Nam cũng nói ngọng!!!
Hà
Nội của tôi bây giờ “hỗn tạp” là thế! Vì vậy có ai
hỏi tôi về Đại lễ 1000 Thăng Long, tôi sẽ trả lời: Về thời gian, 1000 năm
không hơn gì 500 năm về giá trị tuyệt đối. Ví như, 1000 cái mụn ghẻ thì không
hơn gì 500 cái mụn ghẻ! Vấn đề là sau 1000 năm dân tộc ta rút ra là đã làm được
những điều gì tốt đẹp, cái gì còn chưa tốt, còn chưa làm được. Lấy cớ kỉ niệm
1000 năm để đem tiền ngân sách, tức tiền đóng thuế của dân tiêu xài lãng phí là
điều bỉ ổi nhất sau 1000 năm!
Cuối cùng,
tôi muốn bắt trước một nhà văn hài hước Pháp để kết luận như thế này: “Cũng giống như các miền khác trên đất nước,
người Hà Nội sinh ra để đi tìm hạnh phúc, nhưng chẳng biết nó ở đâu mà tìm …”
!!!./.
*.
LÊ PHÚ KHẢI
Địa chỉ: K19 Khu phố chợ Hoàng Hoa Thám,
phường 13, quận Tân Bình, tp Sài Gòn.
.
...........................................................................................................
- Cập
nhật từ email: datinh_1974@yahoo.com ngày 21.05.2020.
- Bài
viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui
lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét