VĂN CAO - MỘT ĐỜI TÀI HOA NHƯNG ĐAU ĐỚN - Tác giả: Khuyết Danh

Leave a Comment

VĂN CAO - MỘT ĐỜI TÀI HOA
NHƯNG ĐAU ĐỚN
*
Chào các bạn, hôm nay là ngày 10/7, là ngày mất nhạc sĩ Văn Cao. Chắc ai cũng biết ông là tác giả bài quốc ca gần như được hát mỗi ngày trên khắp lãnh thổ Việt Nam, tuy nhiên cuộc đời ông còn nhiều điều đặc sắc hơn thế. Nói theo ngôn ngữ ngày nay là sống “chất”. Nhân ngày giỗ của cụ, hôm nay tôi kể cho các bạn nghe một chút về cuộc đời truyền kỳ của cụ.

1. GIANG HỒ MÊ CHƠI QUÊN QUÊ HƯƠNG (thơ Tản Đà)
Ông sinh ngày 15/11/1923 tại Lạch Tray, Hải Phòng (gần chảo lửa Lạch Tray - nơi mà mọi tín đồ bóng đá đất cảng đều biết), là con của giám đốc thủy cục Hải Phòng, từ nhỏ Nguyễn Văn Cao (tên thật) được học trường tây, học tiếng Pháp và làm quen với âm nhạc, hội họa phương tây. Năm 15 tuổi, gia đình sa sút, Văn Cao bỏ dở việc học và vào làm việc ở bưu điện Hải Phòng nhưng công việc bàn giấy gò bó làm ông cảm thấy không phù hợp, sau 1 tháng ông bỏ việc.
Thời điểm này, tân nhạc Việt Nam manh nha phát triển. Tân nhạc tức là nhạc chơi theo piano, dương cầm, trống và saxophone theo kiểu “tây”, trước đó dân Nam ta chỉ có chơi nhạc bằng “nhạc cụ dân tộc”, thường là phường bát âm. Văn Cao có học về nhạc lý ở trường tây, Hải Phòng lại là nơi tập trung nhiều nhạc sĩ tân thời lúc bấy giờ nên Văn Cao tham gia vào nhóm Đồng Vọng của Hoàng Quý cùng Tô Vũ, Canh Thân, Đỗ Nhuận... và bắt đầu sáng tác ca khúc đầu tay là "Buồn tàn thu" vào năm 16 tuổi. Cũng trong thời gian ở Hải Phòng, Văn Cao làm quen với một tên tuổi lớn của âm nhạc Việt Nam sau này: Phạm Duy.
Rời gia đình theo ban nhạc, Văn Cao bắt đầu những ngày tháng phiêu bạt. Năm 1940, theo lời xúi của Phạm Duy, ông làm một chuyến hành trình vào miền Nam. Năm 1942, ông chuyển từ Hải Phòng lên Hà Nội, rồi theo học dự thính truờng Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương. Vừa theo học, Văn Cao vừa tự kiếm sống bằng viết báo, làm thơ và vẽ tranh, Văn Cao thật sự là một tài năng lớn, tranh của ông được đánh giá cao, và sự nghiệp hội họa của ông có nét tương đồng với Van Gogh. Tức là tranh ông được đánh giá cao nhưng khi sống méo có ai mua, nhạc sĩ của chúng ta nhiều phen đói méo mỏ, ngay tới cả bộ veston mặc khi tổ chức triển lãm tranh cũng là hàng đi mượn và trong bộ vest ấy là cái túi rỗng, không có lấy xu nào…âu cũng là tình cảnh chung của nhiều văn nghệ sĩ khi đó.

2. TAY SÚNG TRỪ GIAN
Năm 1944, qua một cán bộ nằm vùng là Vũ Quý, Văn Cao gia nhập Việt Minh. Công việc của ông trong tổ chức khá "ngầu": Đội trưởng đội Danh Dự Việt Minh - chuyên bảo vệ các cán bộ chủ chốt khi di chuyển hoạt động và ám sát các tay Việt Gian cộng tác với Pháp. Vế sau được đội của Văn Cao thực hiện thường xuyên hơn. Vốn học võ từ năm 9 tuổi, lại sớm "lăn lộn giang hồ" từ năm 16 tuổi, từng nhiều phen thượng đài đánh võ ở Hải Phòng, chàng nghệ sĩ xếp bút vẽ, đàn sáo qua một bên và chọn lấy cây súng. Trong căn gác thuê số 43 phố Nguyễn Thượng Hiền, Văn Cao thường xuyên tổ chức các khoá học ngắn ngày về bắn súng, võ thuật và hoá trang cho các đồng chí của mình (nghe giống... Hứa Văn Cường trong Máu nhuộm bến Thượng Hải nhỉ?)...
Rất nhanh, Văn Cao và các đồng chí có đất dụng võ, trong năm 1945 có hai vụ khá lớn tạo tiếng vang ở Hà Nội và Hải Phòng thời bấy giờ:
* Vụ mưu sát Võ Văn Cầm - Hà Nội
Cầm là người đứng đầu tổ chức Thanh niên Đại Việt - một tổ chức thân Nhật. Cầm thường xuyên dẫn hiến binh Nhật đi bố ráp các cán bộ Viêt Minh và phải nói là hắn làm việc rất khá, nghĩa là khối anh em Việt Minh bị Cầm tiễn vào trại. Tháng 4 năm 45 sau nhiều lần nói chuyện phải quấy bất thành, xứ uỷ Bắc Kỳ quyết định "thịt" Võ Văn Cầm, nhiệm vụ được giao cho nhóm của Văn Cao.
Anh em điều tra ra quy luật đi lại hàng ngày của Cầm: Mỗi trưa đều tạt về nhà vợ nhỏ bằng xe kéo rồi ở đó ăn cơm và ngủ trưa, đi theo hắn là 1 tên vệ sĩ luôn giắt súng trong người. Kế hoach đặt ra là một người đồng chí của Văn Cao sẽ đạp xe theo xe kéo, đến phố Bà Triệu thì thêm một người nữa đi theo. Hai người này cùng đi đến chợ Hôm thì Văn Cao sẽ chờ sẵn, trong lúc anh Cao bắn Cầm thì hai người kia "xử đẹp" tên vệ sĩ. Tuy nhiên lúc sắp thực hiện kế hoạch thì người đồng chí thứ hai bỗng lên cơn ... húng chó, anh này bỗng nhiên muốn headshot Cầm để nhanh lấy số nên bất thần chạy xe vượt lên. Cả Văn Cao và người còn lại đều bất ngở, tay này chạy vượt lên và... bắn trượt (hehe), Cầm vội vàng nhảy mẹ xuống gầm xe trốn luôn. Tên vệ sĩ đi cạnh Cầm vội rút súng định bắn thì người đồng chí thứ hai kịp ra tay bắn chết hắn, anh Cao trốn gấp, hết chuyện.
* Vụ mưu sát Đỗ Đức Phin tại Hải Phòng
Hai tháng sau cú trớt quớt kể trên ở Hà Nội, tháng 6/1945 nhóm Văn Cao & Những người bạn lại được giao nhiệm vụ "giũ sổ" một đối tượng khác - Đỗ Đức Phin. Tên này vốn là một thầy giáo tiếng Nhật, sau khi người Nhật vào Đông Dương, chiếm cảng Hải Phòng, Phin trở thành thông ngôn cho Nhật. Nhưng chắc lương thông ngôn bèo quá, Phin chuyển ngành sang làm mật thám, chỉ điểm, do thám các cơ sở Việt Minh cho Nhật. Các bạn của Văn Cao ở Hải Phòng chịu hết thấu, biên thơ lên Hà Nội cho ông. Được cấp trên đồng ý, Văn Cao trở về Hải Phòng tính kế hoạch mần thịt Đỗ Đức Phin.
Rút kinh nghiệm bị đồng bọn phá hôi lần trước, lần này Văn Cao hành động một mình: Ông hoá trang thành một ông lão, để cho một đàn em đèo trên xe đạp đến gần tiệm thuốc phiện đã được xác định là Phin đang nằm trong đó, tới nơi Văn Cao bảo người đồng chí đi bộ về, để xe lại cho ông. Ông lách qua cửa chính tiệm hút, đi lên gác, vào đúng phòng Phin đang nằm phê, rút khẩu colt ra bóp... kẹt đạn, ko sao, có dự phòng, Văn Cao móc ra khẩu browning và nã 2 phát, lần này súng nổ, mission complete !!!
* Quán rượu biên thuỳ - Kết giao huynh đệ
Tháng 12 - 1946, quân Pháp đã quay lại, Hà Nội lúc này gần như vô chính phủ, kẹt giữa Việt Minh - Pháp và Tàu Tưởng (Trung Hoa dân quốc). Ở Hà Nội đã vậy, trên vùng núi biên giới phía Bắc cũng rất căng thẳng, Lê Giản - Giám đốc Nha Công an Trung ương tìm gặp Văn Cao tại quán cà phê Thiên Thai ở phố Hàng Gai và đề nghị: "Tình hình Lào Cai hiện nay rất phức tạp, bọn Quốc dân đảng cấu kết với thổ phỉ chống phá chúng ta công khai, trong khi lực lượng ta lại yếu. Mình muốn cậu sang giúp ngành Công an. Cậu sẽ phụ trách Đội điều tra Công an Liên khu 10. Với kinh nghiệm hoạt động bí mật trước đây, lại có vỏ bọc là nhạc sĩ, chỉ có cậu mới đủ khả năng trong công việc khó khăn và phức tạp này".
Tháng 3 năm 1947, Văn Cao cùng vợ lên Lào Cai. Một địa điểm gần chợ Cốc Lếu được Văn Cao chọn làm cơ sở hoạt động của Đội điều tra. Văn Cao mở quán cà phê ca nhạc lấy tên là quán Biên Thuỳ, tin tức về quán cà phê tân nhạc với ông chủ tài hoa và chất chơi nhanh chóng lan ra khắp các làng bản vùng biên thuỳ. Tại đây, Văn Cao có điều kiện gặp gỡ, tiếp xúc và kết nghĩa với Vua Mèo Hoàng A Tưởng. Trung tuần tháng 7 năm 1947, lễ kết nghĩa được tổ chức long trọng tại dinh thự của Hoàng A Tưởng. Bên phía Văn Cao có Trần Huy Liệu - đại diện Chính phủ, cùng toàn bộ các nghệ sĩ của quán Biên Thùy tham dự. Hoàng A Tưởng và toàn thể gia đình họ hàng cùng rất đông bạn bè, quan khách.
Bằng uy tín của mình, Văn Cao đã giác ngộ các thổ ty hiểu thêm về chính sách đoàn kết các dân tộc của Hồ Chủ tịch và Chính phủ. Theo lời khuyên của Văn Cao, Hoàng A Tưởng, Nông Vĩnh Xương, Vương Chí Sình, Đèo Văn Long có nhiều hành động thiết thực giúp đỡ và ủng hộ Chính phủ trong những năm đầu của cuộc kháng chiến. Cần phải biết: Trước năm 1945, những người vừa kể trên là những "ông vua không ngai" của Tây Bắc, ngay đến người Pháp cũng không dám "cương" với họ mà phải cho họ quyền tự trị và đặc puyền buôn thuốc phiện nơi biên viễn. Việc những ông vua này quay sang ủng hộ Việt Minh có thể xem như một kỳ công trong công tác dân vận như cách nói ngày nay.
Tháng 8 năm 1947, Văn Cao hoàn thành nhiệm vụ, Đội điều tra giải tán và bàn giao lại công việc cho ông Lê Giản. Lê Giản muốn giữ Văn Cao ở lại công tác cho ngành Công an. Văn Cao từ chối và nói: "Công việc này không thích hợp với tôi". Lại là cái kiểu ... quân tử tàu, việc xong giũ áo ra đi/ rừng xanh nương náu xá gì công danh, Văn Cao trở lại với cây bút, cây đàn.

3. NHÂN VĂN GIAI PHẨM
Sau hiệp định Genève 1954, Văn Cao hồi cư về Hà Nội, làm việc cho Đài Phát thanh, nhưng rất ít sáng tác. Năm 1955, ông cầm bút trở lại, viết bài cho đặc san Giai Phẩm. Tháng 2 năm 1956, bài thơ "Anh có nghe không" - được đăng trên Giai phẩm mùa Xuân. Bài thơ này bị Xuân Diệu đánh giá là "lập lờ, ấp úng, bí hiểm, hai mặt, tuy nhiên công chúng cũng hiểu nó muốn nói gì". Tiên sư anh bóng già... nhận xét thế thì khác nào đưa dao sẵn cho người khác chụp lấy chém? Đến tháng 12 năm 1956 thì cả hai tờ báo Nhân Văn - Giai Phẩm đều bị đình bản, nhưng đấy mới chỉ là bước đầu.
Như những nghệ sĩ khác của nhóm Nhân Văn-Giai Phẩm, tuy có muộn hơn, đến tháng 7 năm 1958, Văn Cao phải đi học tập chính trị. Tên tuổi của Văn Cao hầu như không còn xuất hiện trên các tạp chí văn nghệ ở Hà Nội. Những năm sau đó, Văn Cao tiếp tục bằng nhiều công việc, như viết nhạc không lời cho các truyện phim và truyện kịch, trang trí sân khấu cho các đoàn kịch, vẽ quảng cáo các báo, vẽ nhãn diêm... Các tác phẩm của ông, cũng như các ca khúc lãng mạn tiền chiến khác, không được trình diễn ở miền Bắc, trừ bài quốc ca, mà thậm chí người ta còn không thèm đề tên tác giả. Giai đoạn này, Văn Cao hầu như không còn sáng tác, cuộc sống của ông cùng gia đình cũng cực kỳ khó khăn. Cho đến năm 1975 thì miền nam giải phóng, không khí lúc ấy đã làm cho Văn Cao có cảm hứng viết nên ca khúc Mùa xuân đầu tiên - ca khúc đầu tiên của ông sau gần 20 năm im tiếng.
* Mùa xuân đầu tiên:
Cuối năm 1975, Văn Cao viết Mùa xuân đầu tiên, nhưng ca khúc bị phê bình là không đi đúng đường lối của Đảng, không phục vụ cho Cách mạng, vì thế bản nhạc mới phát hành đã bị tịch thu. Nhưng không biết bằng cách nào bài hát này lại được "tuồn" sang Liên Xô và các chương trình Việt Ngữ tại Moskva vẫn cho trình bày bài hát, và nhờ vậy Mùa xuân đầu tiên đã không bị lãng quên. Văn Thao, người con trai của Văn Cao, tiết lộ tiếp rằng: "Nhưng cũng thật bất ngờ (không hiểu bằng con đường nào), trong cái năm 1976 ấy Mùa xuân đầu tiên được in ở nước Nga và được Liên Xô trả nhuận bút cho tác giả 100 Rúp. Văn Cao phải viết giấy uỷ quyền qua sứ quán để con gái ông đang học bên đó lĩnh hộ. Ông bảo con gái: "Con cứ lấy mà tiêu, ở nước mình bao lâu nay bố có được biết đến đồng nhuận bút tác phẩm nào đâu." (Hehe).

4. CUỐI ĐỜI
Sau khi Việt Nam tiến hành đổi mới, các tác phẩm của Văn Cao dần được gỡ bỏ cấm đoán. Sau gần 50 năm người miền bắc mới được nghe lại những Buồn tàn thu, Suối mơ, Bến xuân... còn đối với người miền nam thì không lâu như thế, chừng 15 năm thôi. Vì nhạc Văn Cao bị cấm ở miền bắc từ sau 1958 nhưng trong nam vẫn ca hát vang trời, Thái Thanh, Khánh Ly, Hà Thanh .... vẫn hát nhạc Văn Cao hàng đêm trong các phòng trà, thậm chí, quân lực Việt Nam Cộng Hòa còn lấy luôn ca khúc Không Quân Việt Nam của ông làm ca khúc "ngành". Năm 1994, Văn Cao có chuyến đi dài vào thành phố Hồ Chí Minh, tại đây ông nức tiếng về tài ... uống rượu không địch thủ, từng hạ nốc ao nhiều cao thủ lưu linh trong giới nghệ sĩ thành phố, ngay cả Trịnh Công Sơn cũng phải ấn tượng. Cũng chuyến đi này, Văn Cao mang theo một loại rượu đặc biệt của ông. Rượu này do một người hâm mộ tự nấu, mỗi năm chỉ nấu một ít đem biếu riêng nhạc sĩ, tính Văn Cao rất thẳng thắn, ông ko bao giờ nhận không của ai, nhưng rượu của người này thì ông nhận. Năm 1994, Văn Cao mang 20 lít rượu đặc biệt này vào Sài Gòn, sau 1 tháng thì hết, phải điện cho con trai Văn Thao mang thêm vào, đến nơi, ông con ngật ngưỡng bước xuống tàu, ông bố lắc đầu thở dài khi nhìn can rượu ... chỉ còn 5 lít.
Cũng như phần lớn những tay sành rượu trên đời, Văn Cao nấu ăn rất ngon, dường như khi đã đặt tay vào làm cái gì, ông đều trổ hết tài hoa vào việc ấy. Con trai cả Văn Thao từng kể về "khiếu ẩm thực" của Văn Cao: “Cha tôi hay có khách nên thường chỉ bảo tôi nấu một số món ngon cho bạn của ông uống rượu. Tôi cũng lấy làm lạ, vì không ngờ một người như ông lại có tài nấu ăn như thế... Nhìn ông chế biến các món ăn một cách thành thục như một đầu bếp thực thụ, tôi vô cùng ngạc nhiên và khâm phục. Những lúc như thế, hình bóng của một người nhạc sĩ không còn hiện diện, tôi chỉ còn thấy hình ảnh của một người cha thân yêu đang hết lòng chăm chút nấu những món ăn ngon cho một đàn con đang tuổi ăn tuổi lớn, trong hoàn cảnh bao cấp thiếu thốn "ăn còn chưa đủ no, lấy đâu ra mà dám đòi ăn ngon". Có lần tôi hỏi ông: "Làm thế nào mà bố lại biết nấu nhiều món ăn ngon thế?". Trầm ngâm một lát, ông mới thủng thẳng nói: "Ai chẳng thích ăn ngon! Nhưng để nấu cho ngon thì không phải ai cũng nấu được. Một miếng thịt cho vào chảo rán lên rồi thái ra chấm nước mắm ăn sẽ không thể bằng miếng thịt được tẩm ướp với một chút muối, mì chính, tỏi và húng lìu rồi mới đem rán. Khi ăn ta chấm với nước mắm chanh ớt, tỏi và một chút hạt tiêu kèm theo vài cọng rau mùi mới thấy hết được giá trị của gia vị đã làm cho miếng thịt rán thơm ngon lên gấp bội. Vì thích ăn ngon nên những khi có điều kiện để mời bạn đến uống rượu là bố phải "lăn vào bếp". Nhìn mọi người ăn ngon miệng là bố thấy vui... Nấu ăn cũng là một nghề đầy tính nghệ thuật".
Sức khỏe của Văn Cao suy yếu nhanh trong những năm cuối đời. Ông không còn ăn được cơm mà chuyển sang ăn loại bột ngũ cốc thường dành cho trẻ em do các cơ quan nội tạng bị hư hỏng nặng. Tuy nhiên, ông chưa bao giờ bỏ được thú vui uống rượu có từ thời trẻ. Thật giống Cổ Long và Lý Tầm Hoan, hehe...
Ngày 10 tháng 7 năm 1995, sau một thời gian mắc bệnh ung thư phổi, Văn Cao mất tại bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội.
--------------------
Nguồn: Chuyện Đông - Chuyện Tây
*
TÁC GIẢ (đang cập nhật)
Địa chỉ: (đang cập nhật)
Email: (đang cập nhật)
Điện thoại: (đang cập nhật)
.



- ĐẶNG XUÂN XUYẾN giới thiệu -
(Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến)
.


0 comments:

Đăng nhận xét