CHIM LỒNG - CÁ BỂ - Tạp văn Chử Văn Long (Hà Nội)

Leave a Comment


CHIM LỒNG - CÁ BỂ
*
(Tác giả Chử Văn Long)
Một trong những thú vui của người dân thành thị là có những chiếc lồng chim treo ở góc nhà. Người có diện tích rộng, có hiên trời sân thượng thì bên những chậu hoa bày biện là chỗ treo lồng chim. Khi thư thái ngồi ngắm hoa và nghe chim hót, hồn như bỗng vợi đi những căng thẳng phố phường. Người không nuôi chim thì nuôi bể cá. Một bể kính nhỏ, vài ba chú cá vàng, cá bạc. Có con giống như con bướm thu hình, con lại như chú chim, bơi trong nước mà như đang sải cánh. Có người mê cả cá lẫn chim thì sắm cả hai. Tất nhiên chim có lồng to, lồng nhỏ, bể có bể lớn, bể bé, bởi người có người giàu người nghèo. Nhưng chưa hẳn lồng chim to đã là nơi trú ngụ những con chim đẹp, hoặc bể cá nhỏ vẫn nuôi được chú cá cảnh tuyệt vời. Tôi không hiểu gì lắm những thú chơi này, thường là khi ngồi bên cạnh những người sành nghề, chỉ biết im lặng để nghe nhưng rồi cũng chẳng nhập tâm được điều gì. Những khoảng trời mênh mông, cây cối xanh um làng mạc vườn tược và những chú chim trời tự bay đến rồi lại tự bay đi từ một vùng quê luôn chiếm hết tâm trí tôi đêm ngày. Con cá, nhỏ thì ở ao, lớn thì ở sông ở biển. Mấy con cá cờ thằng cháu nội tôi thả vào ăn bọ gậy trong chiếc bể đựng nước mưa nhà dùng quanh năm, tôi có bao giờ để ý. Và cả “chú bống bang” cũng chỉ sống trong lòng giếng thơi của cô Tấm ngày xưa, chứ ở làng quê ai đi nuôi cá ở giếng? Nghĩ đến đây mới thấy rõ hơn đời sống thật khác nhau giữa nông thôn và thành thị: nhìn thoáng qua cũng thấy thành thị văn minh hơn nông thôn rất nhiều. Cái gì cũng lấp lánh, hấp dẫn biết bao, ngày thì tàu xe nườm nượp, hàng quán mở ra san sát, giơ tay là có thể bán mua được thứ cần dùng, trong khi ở quê, cần một thứ đồ dùng thì phải tính toán ở chợ nào mới có. Ra thành phố lại sợ bị nhầm của giả, bị lừa móc túi hết tiền. Người phố lanh lợi nên không mắc phải. Thứ lanh lợi lọc lõi ấy cả đời tôi không có được nên khi nào muốn có một thứ gì thường nhờ bạn đi cùng để mua. Gần cả đời ra phố làm việc mà tôi vẫn hồi hộp. Hồi hộp lúc đi đường xe cộ nườm nượp dễ bị va nhau. Hồi hộp ở cơ quan một ngày nghe được bao chuyện đổi thay tốt xấu, lành dữ từ thế giới đến trong nước.Từ tỉnh nọ tới tỉnh kia. Từ bão lụt thiên tai, chiến tranh, núi lửa, đến việc lừa chồng giết vợ… Thành phố đầy ắp những thông tin phải ghi nhận xử lý bằng những máy tính thông minh thay cho tai người. Tất cả bối cảnh rộng lớn từ những hình tháp ngôi nhà lừng lững, những con đường hối hả ầm ào con người chịu đựng mỗi ngày, đâu cũng hình khối khép kín bày đặt… gần như chết cứng. Cái chuyển động được thì như chú hổ sắt chạy lồng… có lẽ vì vậy con người thông minh đã tìm ra thú nuôi chim và cá, hai sinh vật nhỏ bé này được bổ sung vào sự sống tự nhiên. Nên dù cuộc sống căng thẳng đến đâu, nhà cửa chật hẹp thế nào, tiếng chim cất lên líu lo và trước mắt con cá bơi lội cũng cho ta giọt nước an thần dễ chịu.
Tôi có người bạn làm thơ nuôi cá, nuôi chim thành thạo tới mức viết in báo nhiều bài về thú chơi cây hoa, chim, cảnh. Từ đầu tôi đã thú nhận không hiểu chi về lĩnh vực này nên không biết giá trị những bài báo kia hay đến mức nào. Một hôm bạn tôi cho in một bài thơ về chim, chim cảnh, anh lý giải rằng những con chim trời ngoài kia thường chịu rất nhiều rủi ro mưa nắng phải tranh giành nhau để sống, lại còn hòn tên mũi đạn luôn rình rập đó đây. Nên con chim lồng, bằng lòng với những gì mình có… từ cóng nước trong veo, những hạt kê vàng no đủ còn mong ước gì hơn?
Đọc bài thơ bạn từ bấy đến nay, đến cái tuổi mệt nhoài không còn thiết gì vùng vẫy, nhưng mỗi khi cầm bút tôi lại thấy vòm mây xanh thắm ở trên đầu, những chân trời xa đang thổi gió vẫy gọi con chim đang bị nhốt trong lồng.
*.
CHỬ VĂN LONG
Địa chỉ: Thôn 2, Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội.       
Điện thoại: 035.881.82.63
Email: haicv08@gmail.com       





   ...........................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 05.06.2020.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

0 comments:

Đăng nhận xét