ĐỌC BÀI THƠ ‘MỘT TIẾNG ĐỜN’ CỦA CỐ NHÀ THƠ TỐ HỮU - Tạp văn Đỗ Huy Tấn (Hải Dương)

Leave a Comment

 

(Nhà thơ Tố Hữu, thứ 2, trái qua phải)

ĐỌC BÀI THƠ ‘MỘT TIẾNG ĐỜN’

CỦA CỐ NHÀ THƠ TỐ HỮU

*

 Đời thường sớm nắng chiều mưa vậy/ Khuấy động lòng ta biết mấy buồn.” (Tố Hữu). Tục ngữ Việt Nam khi bàn về tình người, tính người nông nổi, bất thường sẽ nói “sớm nắng chiều mưa”. Tố Hữu, nhà thơ lớn của lý tưởng cộng sản là một minh chứng vậy. Là người “lĩnh xướng” giàn đồng ca cho những bản hùng ca thuở nào đã đưa ông tới tột đỉnh của vinh quang, Tố Hữu từng một thời gian dài (1976 – 1980) đảm nhiệm chức Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương, chuyên lo chăm sóc phần hồn (tinh thần) cho muôn dân nước Việt, Ủy viên Bộ Chính trị (1980), Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng (1981 – 1986)… Tố Hữu đã thành công tột đỉnh về công danh, có vị thế kiêu hãnh hơn hẳn những văn nghệ sĩ khác, nhưng bỏ qua thành công về quan chức thì Tố Hữu cũng không có gì quá lớn lao, mà là người được hưởng lợi nhiều, thậm chí càng về sau thơ ông càng thiếu sức chiến đấu, có thể thấy ở ông khi làm quan càng cao thì thơ càng nhạt. Không ngẫu nhiên mà nhà thơ Xuân Sách đã dùng bút thần để họa chân dung Tố Hữu bằng những câu thơ:

(Tác giả Đỗ Huy Tấn)

Ta đi tới đỉnh cao muôn trượng

Mắt trông về tám hướng phía trời xa

Chân dép lốp bay vào vũ trụ

Khi trở về ta lại là ta…

Từ ấy tim tôi ngừng tiếng hát

Trông về Việt Bắc tít mù mây

Nhà càng lộng gió thơ càng nhạt

Máu ở chiến trường hoa ở đây

Nhưng rồi cuộc sống dựng xây đất nước sau này trong xu thế hội nhập và phát triển, thi ca ấy không còn thích hợp và nó cũng không cần kiểu “lĩnh xướng” đi theo phong trào “hát cho đồng bào tôi nghe” của những năm tháng đánh giặc ấy nữa. Ta bắt gặp giọng thơ ông chùng xuống, có thể nói là “đổi giọng” với đầy suy tư, trăn trở về lẽ đời, lòng người, về sự hữu hạn của thời gian đã làm nổi bật trong ông tư cách con người cá nhân hơn là tư cách người chiến sĩ cách mạng của thời oanh liệt trước kia, vô cùng lạc quan xem cái chết khi hiến thân cho tổ quốc nhẹ tựa lông hồng, vui vẻ như người nông dân khi cày xong thửa ruộng. Nhà thơ viết:

“Vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng

Lòng khoẻ nhẹ anh dân quê sung sướng

Ngửa mình trên liếp cỏ ngủ ngon lành

Và trong mơ thơm ngát lúa đồng xanh

Vui nhẹ đến trên môi cười hy vọng.”

(Tố Hữu)

Ông buồn bực, oán trách vì bạn hữu, hay vì đồng chí của ông sớm bạc bẽo với mình chăng? Có lẽ thế, mà sau khi đã mất hết mọi chức tước trở về làm một công dân bình thường, ông mới trung thực với mình, để rồi đã ngậm ngùi với bài thơ “Một tiếng đờn” vào cái tuổi xế chiều…

Xin chia sẻ với bạn đọc tâm trạng của cố nhà thơ Tố Hữu qua bài thơ:

MỘT TIẾNG ĐỜN

 

Mới bình minh đó đã hoàng hôn

Đang nụ cười tươi lệ bỗng tuôn

Đời thường sớm nắng chiều mưa vậy

Khuấy động lòng ta biết mấy buồn.

Ôi kiếp trăm năm được mấy ngày

Trời xanh không gợn áng mây bay

Thủy chung son sắt nên tình bạn

Êm ấm lòng ta mỗi phút giây.

Còn khổ đau nào đau khổ hơn

Trái tim luôn sát muối oán hờn

Còn đây một chút trong đêm lạnh

Đầm ấm bên em một tiếng đờn.

*.

Năm Tân Mùi, 1991

Tố Hữu

*.

ĐỖ HUY TẤN

Địa chỉ: Bến Tằm, Chí Linh, Hải Dương.


 

 

 

 

  ........................................................................................

- Cập nhật từ email: datinh_1974@yahoo.com ngày 29.11.2020.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại..      

0 comments:

Đăng nhận xét