VÀI KỶ NIỆM VỀ BÀI THƠ VÀ CA KHÚC ‘ĐÀ LẠT TÍM’ - Tác giả: Lê Thiên MInh Khoa (Vũng Tàu)

Leave a Comment

 

(Lê Thiên Minh Khoa và văn nghệ sĩ thân hữu, Đà Lạt 2003)

VÀ CA KHÚC ‘ĐÀ LẠT TÍM’
VÀI KỶ NIỆM VỀ BÀI THƠ


Bài thơ này tôi viết khi tham dự Trại Sáng tác tại Nhà Sáng tác Bộ Văn hóa -Thể thao ở Đà Lạt vào tháng 8.2003. Sau 18 năm, từ 1975, mới trở lại Đà Lạt, Đà Lạt vẫn đẹp mê hồn người, nhưng tôi bàng hoàng, xúc động nhớ bạn cũ, tình xưa:

“Trở về thành phố cũ tìm xưa

Hoa phượng tím tàn rồi, không gặp được

Hoa đào đỏ mùa nầy chưa đến tiết 

Tôi tìm xưa mà tôi gặp tôi thôi!...”

(Lặng lẽ tôi)

Rồi tôi tự nhủ, phải viết cái gì đó về Đà Lạt. Và trong 15 ngày nằm ở Nhà Sáng tác, tôi viết được một chùm thơ 15 bài về/ở Đà Lạt. Bài “ĐÀ LẠT TÍM” là một trong chùm thơ đó.

Sáng hôm đó, tôi cùng hai nhạc sĩ Hoàng Lương, Trọng Vĩnh và vợ chồng Họa sĩ Phạm Hoan - nhà văn Phạm Thị Nguyệt Cầm (1957-2004) đến thăm nhà một nhà thơ Đà Lạt là Đặng Thị Thanh Liễu. Trên đường đi bộ về Nhà Sáng tác, bốn thằng tôi - Hoàng Lương, Trọng Vĩnh, Phạm Hoan và Lê Thiên Minh Khoa -  đều “tóc dài, râu rậm công an phạt liền”, nhìn “hoang dã” như bốn anh Phun-rô, lại đi cặp đôi với bốn cô gái xinh đẹp. Đó là nhà văn Phạm Thị Nguyệt Cầm và ba cô nhà thơ trẻ trung, tươi xinh, duyên dáng, tế nhị và tài hoa của xứ mù sương. Và hai câu thơ trong bài thơ được viết ra xuất phát từ đó:

“Anh hoang dã đi bên em thánh thiện

Được khoan dung trong sắc bao dung…”

Con đường đi về “vòng vèo” nầy bên trái là thung lũng, bên phải là ngọn đồi thoai thoải “bụi bờ ngát tím” bởi màu tím của những hoa cẩm tú cầu chưng ở cổng các biệt thự và màu tím của “bông cỏ hôi”, một loài hoa dại mọc hoặc leo lên tường rào phía trước các ngôi nhà đó. Và hai câu thơ sau trong bài thơ được viết ra xuất phát từ đó (bản thảo ban đầu):

 “Đà Lạt vòng vèo bụi bờ ngát tím

Tím bông cỏ hôi bên tím cẩm tú cầu…”

Trong khổ thơ bốn câu nầy thì hai câu đó được đặt lên trước hai câu thơ trên. Nhưng chính tôi cũng không biết, khi viết bài thơ nầy, mình nghĩ đến bông hoa của thiên nhiên (hoa cẩm tú cầu sang trọng, quý phái mọc bên hoa dại dân giả, mộc mạc ven đường) trước, rồi mới nghĩ đến tình cảnh con người (bốn chàng lãng tử, bụi đời đi bên bốn cô gái tài hoa, mỹ lệ) sau, hay ngược lại. “Cảnh sinh tình” hay “tình cám cảnh” trong việc nhận thức và biểu hiện hiện thực vào thơ ca, thật khó nói cho rành rõi! Hình như, quá trình hình thành TÌNH, TỨ trong thơ và thể hiện bằng TỪ (ngôn ngữ thơ) của nhà thơ như là một hoạt động của VÔ THỨC hay TIỀM THỨC thì phải!

Sau khi đi trại sáng tác về, tôi gặp lại Nhà báo, Nhà giáo, Nhạc sĩ Bùi “Tha Hóa” ở văn phòng Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tại Vũng Tàu. Ờ quên, xin lỗi, gọi riết là “THA HÓA” thành quen! Hình như, các nghệ sĩ có tính khiêm tốn, hay gọi tự hạ mình như thế cho “quần chúng” hơn thì phải! Cũng có thể do tính lạc quan, yêu đời, yêu cuộng sống lắm! Như cả trong những Hội nghị Văn học-Nghệ Thuật long trọng, Họa Lê Sinh Thục, nguyên phó chủ tịch Hội Văn học-Nghệ Thuật Lâm Đồng tự giới thiệu mình là “Họa sĩ Lê Sinh Dục” kèm theo tràng cười ha hả. Hay Nhạc sĩ Lê Phùng, nguyên chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học-Nghệ Thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế còn tự xưng mình là “Nhạc sĩ Lê Phồn” với vẻ mặt tỏ ra cực kỳ “trang nghiêm” trong khi cả phòng họp đều cười.

Hai anh em tay bắt mặt mừng. Anh với tôi không chỉ là đồng nghiệp giáo dục, mà còn là bằng hữu văn nghệ sĩ trong Hội Văn học-Nghệ Thuật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và đồng môn trong lớp Cử nhân báo chí bằng 2 của Phân viện Báo chí - Tuyên truyền thuộc Học viện Chính trị Quốc gia, Hà Nội nữa. Ngoài ra, vợ anh, chị Thủy cũng là giáo viên Văn cấp 3 như tôi, dù khác trường, khác thành phố, nhưng hai chị em thường gặp nhau ở các hội nghị, hội thảo, hội giảng, kiểm tra, chấm thi, coi thi Trung học Phổ thông… và rất quý mến nhau. Từ Vũng Tàu, qua Bà Rịa công tác, anh cũng thường đi “giao lưu” cùng tôi và qua đêm ở nhà tôi. Đi vũng Tàu, thỉnh thoảng tôi cùng vài văn nghệ sĩ ghé nhà anh “lai rai”. Có thể nói tôi thân thiết với cả gia đình anh!

Hai anh em ngồi ở ghế đá bên ngoài phòng phổ thông mà anh là chuyên viên chính ở đó. Anh hỏi thăm tôi về sáng tác ở Đà Lạt. Tôi đưa cho anh bản thảo bải thơ “ĐÀ LẠT TÍM”, anh đọc qua bản thảo, rồi miệng thì “la la” giai điệu, tay thì gõ nhịp điệu lên bàn đá. Lát sau, coi như nhạc điệu của ca khúc đã hoàn thành. Bây giờ phải chỉnh từ ngữ trong bài thơ thành ca từ cho “khớp” với nhạc điệu thôi! Hơn nữa, cả khi ngôn ngữ bài thơ đã ăn khớp với nhạc điệu rồi, bản nhạc cũng vẫn chưa đạt. Vì ca từ của ca khúc cần phải có tính đại chúng, phổ thông, “bình dân” hơn, trong khi ngôn ngữ thơ là ngôn ngữ trí tuệ, “là nghệ thuật bậc cao của ngôn ngữ”. Điều đó, xảy ra ở một trong hai cặp câu thơ trên: “Đà Lạt vòng vèo bụi bờ ngát tím / Tím bông cỏ hôi bên tím cẩm tú cầu…”. Anh cho rằng, từ “cỏ hôi” nghe nó “hôi” quá, nôm na quá, thiệt thà quá, mất chất thơ, chất nhạc, vì thế nên sửa lại thành “cỏ HOANG”. Dù biết rằng, “cỏ hoang” là tên gọi chỉ chung cho các loài cỏ mọc hoang dại, chứ không có một loài cỏ cụ thể nào mang tên là “cỏ hoang” cả, tôi vẫn đồng ý với anh, sửa cả trong ca từ bản nhạc, lẫn bản thảo bài thơ. Thì vậy, “cỏ HOANG” tức là các loài hoa dại ven đường đó đều có màu tím cả, để thể hiện được bức tranh tâm trạng của mình thôi, “có chết ai đâu”, có “ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới đâu”!

Còn câu sau: “Đà Lạt vòng vèo bụi bờ ngát tím", anh đề nghị sửa thành: “Đà Lạt VÀO CHIỀU, bụi MỜ ngát tím”, cho nó bãng lãng, thi vị, thơ mộng hơn, phù hợp với hình ảnh một “Đà Lạt mờ sương”, lãng mạn… Tôi đồng ý để anh sửa lại ca từ như thế (vì là nhạc của anh mà!), nhưng trong bài thơ thì tôi vẫn giữ nguyên bản thảo ban đầu: “Đà Lạt vòng vèo bụi bờ ngát tím…”. Tôi đùa với anh: "Cũng là đồng tác giả ca khúc, mà nhạc sĩ thì theo chủ nghĩa lãng mạn, còn thi sĩ thì theo của nghĩa tân hiện thực. Nhưng trong ca khúc, thì cần lãng mạn mơ mộng của anh, hơn là hiện thực trần trụi của em. Hì..."

Khi ca khúc đươc hai ca sĩ nổi tiếng, hàng đầu ở Việt Nam thể hiện và thu vào 2 CD, anh tặng tôi cả hai đĩa, với tư cách tôi là đồng tác giả bài hát. Nghe xong, tôi có góp ý với anh về hai từ ngữ đã sửa trong ca từ.

Trước hết là câu thơ “Được khoan dung trong sắc tím bao dung” đã sửa thành: “Được khoan dung trong sắc tím bao la” trong ca từ bản nhạc. “Khoan dung” đầu câu với “bao dung” cuối câu trong bài thơ là dùng biện pháp tu từ “lộng ngữ” (chơi chữ) dựa trên hai từ đồng âm không hoàn toàn (“bao”), cũng là hai từ cùng một trường nghĩa, đồng nghĩa không hoàn toàn; và người làm thơ còn dùng biện pháp nhân hóa, xem “sắc tím” Đà Lạt như có tâm hồn, tình cảm, phóng khoáng, rộng lượng, “bao dung”… Còn “bao la” thì “sắc tím” cứ chỉ là sắc tìm, thiên nhiên vẫn chỉ là thiên nhiên, không có sắc thái biểu cảm và biểu nghĩa của từ “bao dung”.

Và câu thơ: “Đà Lạt tím / Tình người cũng tím” thành: ““Đà Lạt tím / LÒNG người cũng tím” trong ca từ bản nhạc. “Tình người cũng tím” khác hẳn “LÒNG người cũng tím”! Màu tím là màu tao nhã, thơ ngây, mộng mơ, thủy chung, là màu của tình yêu diệu vợi, nên “tình người cũng tím” là tình cảm cao đẹp làm sao! Còn “lòng người cũng tím” lại làm người ta nghĩ đến câu thành ngữ “bầm gan, tím ruột”.

Tôi trao đổi chân tình với anh, rất mừng là anh đồng ý hoàn toàn với tôi, nhưng các ca sĩ đã hát và thu âm vào CD, đã phát hành rồi, chỉ sửa lại trong bản in thôi! Mà đời có gì hoàn chỉnh đâu! Tôi kể ra đây là muốn nhắc đến những kỷ niệm đẹp giữa hai anh em. Còn tấm lòng tôi luôn ghi nhận, cám ơn mối đồng điệu, đồng cảm và tài hoa, công sức của anh và nhiều nhạc sĩ khác đã chấp cánh cho thơ tôi bay bổng, đến với số đông công chúng hơn!

Hình ảnh, từ ngữ trong bài thơ nầy cũng còn đôi chút “rắc rối” nữa. Có người đọc câu thơ: “Bằng lăng tím nhòa bên hồ vắng” đã cho rằng: Tôi viết chưa đúng, vì bên hồ Xuân Hương, Đà Lạt làm gì có cây bằng lăng! Tôi trao đổi lại là: Bên hồ Xuân Hương, gần “Ngã 5 Bâng khuâng” (như giới Văn nghệ sĩ và Sinh viên Đà Lạt thường gọi), trước mặt Khu hoa viên - giải giải trí Đà Lạt có trồng bằng lăng, tuy không nhiều. Hơn nữa, thậm chí, bên bờ hồ nầy không có cây bằng lăng nào đi nữa, tôi cũng có thể “bứng” cây bằng lăng ở khu khác trong thành phố Đà Lạt về trồng ven hồ nầy cũng không sao! (Với điều kiện là ở Đà Lạt có trồng bằng lăng phổ biến – mà điều nầy là thực). Tôi làm thơ, tôi “hư cấu nghệ thuật” (theo đúng quy luật của nó) để biểu hiện tâm tư, tình cảm của mình chứ có phải viết bài báo, bản tin, phóng sự điều tra… đâu mà phải chính xác về số liệu, chi tiết, sự kiện…! Dù rằng tôi cũng được đào tạo bài bản nghiệp vụ báo chí từ Học viện báo chí Quốc gia hẳn hoi và có tay nghề đàng hoàng! Hì…

Ca khúc “Đà Lạt tím” được biểu diễn trong nhiều Lễ hội ở Đà Lạt, nên được phổ biến rộng rãi. Ca sĩ đầu tiên thể hiên ca khúc nầy là Duy Minh, Nhạc sĩ Hoàng Lương (Bà Rịa-Vũng Tàu) hòa âm phối khí và Nhạc sĩ Nhiếp ảnh Lê Nhật Ánh làm hình ảnh thành VCD. Sau đó, được Nghệ sĩ Ưu tú - ca sĩ Việt Hoàn thể hiện trong CD “Tình biển” của Đài Tiếng Nói Việt Nam, do Cố Nhạc sĩ - Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Lương, Trưởng ban ca nhạc Đài Tiếng Nói Việt Nam, con của Cố Nhạc sĩ Hoàng Hà, tác giả các ca khúc truyền thống nổi tiếng: “Đất nước trọn niềm vui”, “Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn”, “Cùng hành quân giữa mùa xuân” (khác với Nhạc sĩ Hoàng Lương, Phó chủ tịch Hội Văn học-Nghệ Thuật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), dàn dựng và chỉ huy dàn nhạc. Tôi đưa CD “Tình biển” cho Nhạc sĩ Trần Quang Lộc nhờ anh làm hình ảnh. Anh dàn ảnh cực kỳ chuyên nghiệp: Thoáng một chốc, khoảng 20 phút, anh đã thực hiện xong hình ảnh thành VCD, và phóng lên Youtube ngay.


-------------

ĐÀ LẠT TÍM

 

Em áo tím phượng chiều thu tím

Anh bâng khuâng năm ngã Bâng Khuâng (*)

Bằng lăng tím nhòa bên hồ vắng

Mấy ngã đường mây tím mù sương

 

Đà Lạt vòng vèo bụi bờ ngát tím

Tím bông cỏ hoang bên tím cẩm tú cầu

Anh hoang dã đi bên em thánh thiện

Được khoan dung trong sắc tím bao dung

 

Đà Lạt tím

Tình người cũng tím

Hương bình yên thầm lặng say người

*

Đà Lạt, 19.8.2003    

LÊ THIÊN MINH KHOA

(In trong cuốn “LẶNG LẼ TÔI” _ tập thơ, Lê Thiên Minh Khoa, NXB Hội Nhà Văn, 2018)

 (*): Ở Đà Lạt, có một ngã 5, gần hồ Xuân Hương, giới sinh viên gọi là Ngã Năm Bâng Khuâng.

Mời thư giãn với nhạc phẩm ĐÀ LẠT TÍM

của Bùi Thanh, thơ Lê Thiên Minh Khoa, qua tiếng hát Duy Minh:

             

*.

LÊ THIÊN MINH KHOA

Địa chỉ: 117, Cách Mạng Tháng 8, phường Long Hương,

thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa  - Vũng Tàu.

Email: lethienminhkhoabr@gmail.com

Điện thoại: 0908.274.494

 

 

 

 

 

  ........................................................................................

- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 16.01.2021.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại..      

0 comments:

Đăng nhận xét