MỸ
KHÔNG CẢN NỔI CUỘC ĐẢO CHÁNH
LẬT
ĐỔ CHẾ ĐỘ NGÔ ĐÌNH DIỆM
*
TIẾT LỘ TỪ “BẢN GHI NHỚ CHO ÔNG MOYERS”:
Chính
quyền Johnson nhìn lại Biến cố 1-11-1963.
Bản
Ghi Nhớ viết ngày 30 tháng 7-1966 của Bộ Ngoại Giao/CIA gửi Tòa Bạch Ốc
(Giải
mật ngày 20-4-1998 - Bản lưu cho Thư Viện Tổng Thống Lyndon B. Johnson)
LỜI NGƯỜI DỊCH: (Tác giả Nguyên Giác)
Lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm là cuộc
cách mạng chung của quân và dân Miền Nam, từ nhận thức chân thực rằng nhà Ngô
cần bị lật đổ vì họ vừa không xứng đáng vừa không đủ khả năng lãnh đạo miền Nam
nữa, do đó không khởi nguồn từ xúi giục của bất kỳ ngoại nhân nào, kể cả từ Hoa
Kỳ.
Trước ngày 11 tháng 6-1963, ngày Bồ
Tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân, từ năm 1960, đã có những cuộc
chống đối, thậm chí đảo chánh bằng võ lực, thất bại. Và ngay trong buổi
chiều 11/6 đó, sau khi có tin Ngài Quảng Đức tự thiêu, Trung Tá Đỗ Khắc
Mai, Tham Mưu Trưởng Không Lực Việt Nam Cộng Hòa, đã bày tỏ ý định vận
động một cuộc lật đổ nhà Ngô; ý định này được ghi lại trong Điện văn 165, đề
ngày 11-6-1963, do Tòa Đại Sứ Mỹ gửi về Bộ Ngoại Giao Mỹ ghi theo tiết lộ của
một mật báo viên.
Từ ngày 11-6-1963 trở đi, cho tới
khi nhà Ngô sụp đổ, đã có thêm một số âm mưu đảo chánh khác, vận động từ
phía các sĩ quan cấp tá và nhiều lãnh tụ đảng phái, kể cả những cọng sự
viên thân tín của ông Diệm. Trong những người tham dự âm mưu lật đổ nhà Ngô có
cựu Đại sứ Trần Văn Chương, thân phụ của bà Ngô Đình Nhu, theo Bản Ghi Nhớ số
118 đề ngày 16-9-1963, viết bởi Paul M. Kattenburg, Phó Giám Đốc Đông Nam Á Sự
Vụ tại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.
Hồ sơ mật được dịch sau đây cho thấy
một điều minh bạch nữa, rằng ngay sau khi ông Nhu ra lệnh Lực Lượng Đặc Biệt
tấn công các chùa cuối tháng 8-1963, Tướng Lê Văn Kim đã nói với một
viên chức Mỹ rằng ông và một số tướng lãnh đang có ý muốn đảo chánh nhà
Ngô, nhưng tới nhiều tuần lễ sau, chính phủ Mỹ vẫn còn do dự; Cần ghi
nhận về một điện văn ngày 24-8, còn gọi là Cable 243 hay DEPTEL 243 hay
Telegram 243, chỉ thị Đại sứ Lodge phải áp lực ông Diệm gạt bỏ
ông bà Nhu ra khỏi chính phủ, nghĩa là vẫn sẽ duy trì Đệ Nhất Cọng hòa và
riêng ông Diệm vẫn làm Tổng Thống, và nếu điều kiện nầy không thỏa đáng thì
được hiểu là Mỹ đồng ý một “sự thay thế” lãnh đạo tại miền Nam.
Hai ngày sau trận tổng tấn công vào
các chùa do ông Ngô Đình Nhu thực hiện, và TRƯỚC KHI chính phủ Mỹ có những
buổi họp cấp cao có tính chính sách tại Washington hay tại Sài Gòn nhằm đối phó
với cuộc khủng hoảng tại Nam Việt Nam, Tướng Lê Văn Kim ngày 23-8-1963, đã
gặp Rufus Phillips, Giám đốc USOM Rural Affairs, và nói rằng quân đội Việt Nam
Cộng Hòa đã sẵn sàng đảo chánh để lật đổ chế độ nhà Ngô vì đó là cách duy
nhất để giữ lòng dân – vì quân đội và dân chúng đều bất mãn tột độ
khi Phật Giáo bị đàn áp.
Tuy nhiên, cho tới giữa tháng
9-1963, chính phủ Mỹ còn do dự không biết nên ủng hộ hay không đối với các
tướng lãnh Việt Nam Cộng Hòa đang muốn lật đổ nhà Ngô.
- Ngày 14-9-1963, Bộ Ngoại Giao
Mỹ tin là nhà Ngô phải bị lật đổ, trong khi Bộ Quốc Phòng Mỹ và CIA tin là
không nên lật đổ nhà Ngô. (Xem đoạn ghi số 6)
- Ngày 16-9-1963, Tổng Thống
Kennedy chủ tọa một buổi họp ở Bạch Ốc, do dự trước nhiều luận cứ về nên hay
không nên lật đổ nhà Ngô, nên chỉ thị đưa một pháí đoàn sang Việt Nam để khảo
sát tình hình cụ thể. (Xem đoạn ghi số 7)
- Ngày 23-9-1963, phái đoàn gồm
Bộ Trưởng Quốc Phòng McNamara, Tướng Taylor và một số ít viên chức cao cấp bay
từ Mỹ sang Việt Nam để khảo sát mọi phương diện, xem có thể chiến thắng Cộng
sản nếu giữ nhà Ngô hay không. (Xem đoạn ghi số 7 và 8)
- Ngày 2-10-193, phái đoàn trở
về Mỹ, báo cáo tức khắc với Tổng thống Kennedy rằng phái đoàn đồng thuận là Mỹ
phảỉ áp lực ông Diệm cải tổ triệt để, trong đó có việc loại trừ ông bà Nhu.
(Xem đoạn 8)
- Đầu tháng 10-1963, có khoảng
2 hay 3 âm mưu đảo chánh đang chuẩn bị tiến hành.(Xem đoạn 11)
- Vài ngày trước cuộc đảo chánh
1-11-1963, Mỹ lo ngại cuộc đảo chánh do các Tướng Dương Văn Minh và
Tướng Trần Văn Đôn có thể thất bại vì thiếu quân, muốn ngăn cản nhưng thấy
không cản nổi. (Xem đoạn 12)
Bản Ghi Nhớ này viết ngày 30-6-1966,
bởi William P. Bundy (viên chức CIA, Phụ Tá Ngoại Trưởng về Viễn Đông
Á Vụ, cũng là cố vấn đối ngoại cho các Tổng Thống Kennedy và Johnson) theo yêu
cầu của Bill Moyers (Trưởng Phòng Thông Tin của Tổng Thống Johnson)
để giải thích về diễn tiến những quyết định của chính phủ Kennedy 3 năm
trước đó đối với chế độ ông Diệm.
Bản gốc hồ sơ lưu ở Thư Viện Tổng
Thống Lyndon B. Johnson, hồ sơ về Việt Nam, hộp 263, trong xấp hồ sơ Roger
Hilsman (người tiền nhiệm của William P. Bundy trong chức vụ Phụ Tá Ngoại
Trưởng về Viễn Đông Á Vụ). Dưới đây sẽ dịch theo bản lấy từ Thư Viện Đại Học
George Washington University:
http://www.gwu.edu/~nsarchiv/NSAEBB/NSAEBB101/vn29.pdf
Ghi nhận, bản văn chỉ còn 4 trang,
có thể trang sau vẫn chưa giảỉ mật hay đã bị thất lạc. Bản văn gốc sẽ kèm dưới
đây. Toàn văn dịch bởi Cư sĩ Nguyên Giác.)
BẮT ĐẦU BẢN VĂN
TỐI MẬT - Ngày 30 tháng 7-1966
BẢN GHI NHỚ CHO ÔNG MOYERS –
(chỉ để đọc thôi)
ĐỀ TÀI:
Cuộc thảo luận về chế độ
Ngô Đình Diệm trong tháng 8 tới tháng 10-1963.
Câu hỏi cụ thể của ông giành cho tôi
về bức điện văn đề ngày 24-8-1963 mà nhiều người biết, trong đó đã chỉ thị cho
Đại sứ Lodge và Phái bộ [Ngoại Giao Mỹ] khởi sự thăm dò để tìm người lãnh
đạo thay thế ông Diệm. Điện văn đó thực sự phức tạp hơn và có lẽ ít
minh bạch hơn bản tóm lược một câu đó. Bản này kèm theo đây, gọi là TAB A.
Theo lời Michael
Forrestal (Lời người dịch: Phụ
tá của cố vấn an ninh quốc gia của TT Johnson) nói với tôi hồi giữa tháng
9-1966 (tôi không có mặt ở văn phòng từ giữa tháng 8 tới giữa tháng 9-1963),
tin nhắn đó được chấp thuận qua điện thoại bởi Tổng Thống Kennedy từ
Hyannisport, lúc đó là một đêm Thứ Bảy. Có một dị biệt lớn về trí nhớ giữa ông
Forrestal và Tướng Krulak (lúc đó là đại diện ở Việt Nam của Phòng Tổng Tham
Mưu Quân Lực Hoa Kỳ) về tình hình có phải Tướng Taylor (Lời người dịch: lúc đó, năm 1963, Tướng
Taylor là Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Hoa Kỳ) đã có chấp nhận tin nhắn này
chưa. Tôi tin mọi người đều nhớ rằng ông Gilpatric (Lời người dịch: Thứ Trưởng Quốc Phòng năm 1963) nói qua điện thoại
từ trang trại của ông ở Bờ Biển Eastern Shore, trên nền tảng rằng vấn đề này
chủ yếu là chính trị. Bộ Trưởng Ngoại Giao Rusk và Bộ Trưởng Quốc Phòng
McNamara đều đi xa ngoaì thủ đô và không liên lạc được cho tới đầu tuần lễ kế
tiếp.
Trong khi Điện văn ngày 24-8-1963 là
một phần chủ yếu của câu chuyện và thực sự phản ảnh một “điểm chuyển biến” chân
thực trong suy nghĩ của chính phủ Mỹ, có rất nhiều điêù liên hệ mà tôi nghĩ sẽ
là sai lầm khi đơn giản chỉ nhìn vào điện văn đó. Các sự kiện trước đó và sau
đó sơ lược như sau:
1. Lodge được bổ nhiệm tới Sài Gòn
trong tháng 6-1963, và nơi đó bắt đầu tức khắc có tin đồn trong giới báo chí
rằng Lodge sẽ làm sáng tỏ tình hình và làm gì đó về ông Diệm. Tôi không thể nói
ai có trách nhiệm về mấy chuyện [tin đồn] đó, nhưng người tiền nhiệm của tôi,
ông Hilsman, cứ mãi gặp xui xẻo kiểu đó. Tất nhiên, ông Diệm xem việc Lodge tới
[nhậm chức Đại sứ] như một thách thức có tính toán với ông ta.
2. Vào ngày 18-8-1963, trong khi Lodge
trên đường tới Sài Gòn, Diệm và Nhu ra lệnh quân đội xông vào các chùa ở Sài
Gòn, đẩy tới bước chuyển biến cho cuộc khủng hoảng Phật Giáo vốn đang âm ỉ từ
tháng 5-1963. Tính toán thời điểm [tấn công chùa] này hẳn là nhắm việc Lodge
tới Việt Nam.
3. Sau vài ngày tìm hiểu xem có phải
quân đội Việt Nam Cộng Hòa tham dự trận tổng tấn công các chùa hay không, bức
điện văn ngày 24-8 mới gửi đi.
4. Trong tuần lễ kế tiếp, như các điện
văn gửi đi ở cấp cao kèm trong hồ sơ TAB B nơi đây cho thấy, chúng ta [chính
phủ Mỹ] lại tới lui lần nữa về khả thể của việc quân đội Việt Nam Cộng Hòa đảo
chánh ông Diệm. Đây chủ yếu là hoạt động của CIA, và tôi đã lục xem từ các hồ
sơ của tôi một thứ tự ngày tháng về những liên lạc chủ yếu của CAS (Lời người dịch: văn phòng CIA ở Sài Gòn)
trong trọn thời kỳ từ tháng 8 tới hết tháng 10-1963. Hồ sơ này đính kèm, ghi
tên là TABC. Chủ yếu, chúng ta lặng lẽ tiếp cận với các sĩ quan
quân đội chính yếu, những người đó nói với chúng ta rằng họ không thể đảo chánh
vào lúc đó được. Tuy nhiên, không ngờ vực gì nữa, ý nghĩ rằng họ có thể hành
động, và nếu họ đảo chánh, chúng ta sẽ ủng hộ họ, đã được đưa ra lúc
đó.
5. Vào ngày, hay vào khoảng ngày, 7
tháng 9-1963, Tổng Thống Kennedy -- dựa vào những cuộc thảo luận mà tôi không
có hồ sơ hay không biết, đã tổ chức một cuộc họp báo chỉ trích ông Diệm nặng
nề. Thời gian ngắn sau đó, chúng ta ngưng các giao dịch trong Chương Trình
Commodity Import Program (Lời người dịch:
chương trình này là hình thức viện trợ tiền mặt Mỹ Kim cho chính phủ ông Diệm,
chiếm 80% tổng số viện trợ từ Mỹ cho Việt Nam Cộng Hòa -- xem giải thích từ
sách A History of the Vietnamese của K. W. Taylor, trang 565), một
chương trình căn bản cho việc hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của chính phủ Việt Nam
Cộng Hòa. Việc ngưng như thế không có nghĩa thực tế là viện trợ ngưng, vì có
một khoản viện trợ ít nhất 2 tới 3 tháng đã gửi sang rồi.
6. Vào giữa tháng 9-1963, có một cuộc
tranh cãi gay gắt trong chính phủ Mỹ, và một loạt lộ tin trên báo chí rất đáng
tiếc trong đó nêu rõ hai phía tranh cãi – Hilsman và những viên chức khác trong
Bộ Ngoại Giao tin là phải lật đổ ông Diệm, trong khi Bộ Quốc Phòng, Văn Phòng
Tổng Tham Mưu, và CIA (cả ở Washington và cả ở Việt Nam) đều chống lại bất kỳ
thay đổi nào. Bản thân tôi trở về từ Châu Âu ngày 14-9-1963, và còn
nhớ sinh động rằng Mike Forrestal tức khắc gặp tôi để nói rằng những
người như tôi, những người không chọn lập trường dựa trên cảm xúc nào hết, bây
giờ nên tham dự trọn vào tình hình này và xem chúng ta có thể làm vấn đề rõ
ràng hơn không.
7. Vào giữa tuần lễ của ngày
16-9-1963, Tổng thống Kennedy chủ toạ một buổi họp nhỏ trong Bạch Ốc, quyết
định rằng cách duy nhất để chọn một lập trường chắc chắn cho chính phủ là để
cho Bộ Trưởng Quốc Phòng McNamara và Tướng Taylor dẫn một nhóm ít người tức
khắc tới Sài Gòn khảo sát kỹ. Tôi làm việc với Bộ Trưởng McNamara trong việc
chọn người vào phái đoàn này, trong đó có Bill Sullivan từ Bộ Ngoại Giao, Mike
Forrestal từ Bạch Ốc, và Bill Colby từ CIA. Nhóm này lên đường ngày 23-9-1963.
8. Phái đoàn McNamara/Taylor ở lại
Việt Nam cho hết ngày 1-10-1963, làm nhiều chuyến khảo sát nhưng tập trung chủ
yếu vào các liên lạc rộng r ải nhất có thể được trong mọi nơi để đánh giá
tình hình chính trị. Phái đoàn trở về Mỹ ngày 2-10-1963, và tức khắc trình một
bản báo cáo đầy đủ lên Tổng thống Kennedy, mà tôi kèm đây bản do tôi hiệu đính
ghi tên là TABD. Bản báo cáo tự nó nói lên được điều muốn trình bày rồi. Rủi ro
thay, dư luận công chúng dựa vào bản tin Bạch Ốc phổ biến ngày 2-10-1963 lại
nêu lên tiên đoán của phái đoàn McNamara/Taylor rằng sẽ có thể giảm nỗ lực quân
sự Hoa Kỳ từ cuối năm 1965. Tuy nhiên, cốt tủy bản báo cáo là kết luận của nó
rằng ông Diệm phải cải tổ triệt để rồi chúng ta mới có thể hy vọng chút
nào rằng ông ta có thể là một lãnh tụ hiệu quả. Kết luận đồng thuận tuyệt
đối này của pháí đoàn củng cố cho suy nghĩ của cấp cao Hoa Kỳ rằng chúng
ta có thể buộc phải tìm người khác thay thế ông Diệm. (Theo tôi nhớ, quan điểm
của Phó Tổng Thống lúc đó không nêu lên trong các buổi họp lúc đó, mặc dù là có
thể đã được nói riêng với Tổng thống Kennedy, và có thể không phù hợp với bản
báo cáo và với sự đồng thuận đưa ra từ bản báo cáo.)
9. Tuy nhiên, từ một quan điểm hành
động, các quyết định là sẽ tiếp tục ngưng các giao dịch của chương trình
Commodity Import Program, để Lodge chờ liên lạc với ông Diệm để áp lục ông Diệm
phải cải tổ, và rằng – như đối với bất kỳ cuộc đảo chánh nào có thể xảy ra –
chúng ta sẽ không thúc đẩy một cuộc đảo chánh nào như thế, nhưng sẽ liên
lạc thân cận với các lãnh đạo quân sự, những người có thể liên hệ tới các nỗ
lực như thế. Điểm cuối cùng vừa nói là đề tài của một bản phụ đính Tối Mật của
Bản Ghi Nhớ Hành Động NSC (Hội Đồng An Ninh Quốc Gia), mà tôi không có phóng
ảnh chính xác nào, mặc dù tôi có bản nháp trong đó xác nhận các điểm tôi đã nói
ở trên.
10. Trong tháng 10-1963, ông Diệm từ
chối gặp Đại sứ Lodge cho tới rất trễ cuối tháng đó, gần trước khi xảy ra cuộc
đảo chánh. Tôi nhớ rằng Lodge cuối cùng đã gặp ông Diệm ở Đà Lạt, khoảng các
ngày 27 hay 28 tháng 10-1963, và nói mạnh mẽ đòi cải tổ, với một số đáp ứng từ
Diệm. Tuy nhiên, ông Diệm không có bất kỳ hành động nào trước ngày đảo chánh,
ngày 1 tháng 11-1963.
11. Về việc liên lạc với quân đội Việt
Nam Cộng Hòa, chủ yếu thực hiện bởi một viên chức CIA trực tiếp nhận lệnh từ
Lodge. Các thông tin chuyển cho chúng ta cho biết có sự chuyển động, và thông
điệp duy nhất từ phía Mỹ là, nếu việc thay đổi chính phủ xảy ra bất kỳ lúc
nào hay vì bất kỳ lý do nào, Hoa Kỳ sẽ ủng hộ tân chính phủ nếu nó thực sự hiệu
quả và sẵn sàng tiến hành cuộc chiến. Tuy là tổng quát, thông điệp này
khuyến khích những người âm mưu đảo chánh. Vào đầu tháng 10-1963, họ có vẻ như
rời rạc, và hình như cùng lúc là có ít nhất 2 hay 3 âm mưu đảo chánh cùng
tiến hành. Tuy nhiên, vào cuối tháng 10-1963, chúng ta thấy rõ từ nguồn CIA
rằng âm mưu hành động nghiêm túc từ nhóm của Tướng Trần Văn Đôn có thể thực sự
sắp xảy ra.
12. Do vậy, trong vòng 2 hay 3 ngày
trước ngày 1-11-1963, có một loạt buổi họp cuối cùng để chúng ta xem rằng chúng
ta có nên làm gì để ngăn cản hay gián đoạn một cuộc đảo chánh nếu nó xảy ra.
Chúng ta quan ngại sâu sắc về tình thế cân bằng lực lượng ở Sài Gòn, và đã nghĩ
rằng hoàn toàn có thể xảy ra một trận tắm máu ở Sài Gòn từ cuộc đảo chánh
với kết quả không dứt điểm nổi, và sẽ gây ra hỗn loạn công quyền. Tuy nhiên,
chúng ta cuối cùng kết luận rằng chúng ta đã không có sức áp lực hay có
các mối liên lạc để ngăn cản cuộc đảo chánh – mà chúng ta cũng không thể,
một cách tự tin, chọn lập trường ngược lại để tiết lộ cho ông
Diệm những gì chúng ta biết có thể đang sôi sục.
Do vậy, cuối cùng, chúng ta không
theo phe nào, và nhóm các Tướng Trần Văn Đôn và Tướng Dương Văn Minh đã tiến
hành cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963 với thành công lớn.
Trong cuộc đảo chánh này, điều chúng ta rất tiếc nhất là việc giết anh em Diệm và Nhu. Trong khi chúng ta trước đó đã lập lại nhiều lần với các lãnh tụ quân sự rằng chúng ta...
HẾT BẢN
DỊCH
Mời thư giãn với
nhạc phẩm NẮNG CÓ CÒN XUÂN
của Đức Trí, qua tiếng hát nhóm V.Music:
*
Cư sĩ NGUYÊN GIÁC (và các cộng sự)
(tên thật: Phan Tấn Hải)
Địa chỉ: California, Hoa Kỳ.
Emai: nguyengiac@gmail.com
...............................................................................................................
- Cập nhật từ email: thaiquocmuu1@aol.com ngày 31.12.2020
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân
Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại..
.
0 comments:
Đăng nhận xét