ĐẠI
CÁCH MẠNG VĂN HÓA -
THẬP
NIÊN ĐỘNG LOẠN, THẬP NIÊN HẠO KIẾP
*
I. HỘI NGHỊ LƯ SƠN - TIẾNG CHUÔNG BÁO HIỆU
Sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc được thành
lập, Mao Trạch Đông muốn áp dụng mô hình của Stalin để xây dựng đất nước. Mao
Trạch Đông tin rằng mô hình của Stalin là phương thức tiến lên chủ nghĩa cộng
sản tại Trung Quốc và rồi Trung Quốc sẽ nhanh chóng đạt được những thành tựu
như Liên Xô.
Tuy nhiên, ngày 5/3/1953, Stalin lăn ra chết sau
một cơn đột quỵ, trải qua thêm 3 năm đấu đá nội bộ và rốt cuộc là Nikita
Khrushev lên làm người đứng đầu Liên Xô. Dưới thời kỳ Khrushchev lãnh đạo Đảng
Cộng sản Liên Xô bắt đầu phủ nhận mô hình của Stalin, còn được gọi chủ nghĩa
xét lại. Mao Trạch Đông không thích điều đó, ông chống lại chủ nghĩa hữu
khuynh, mở rộng đấu tranh giai cấp, bác bỏ chủ nghĩa xét lại về Stalin. Đi xa
hơn, Trung Quốc bắt đầu lôi kéo các nước trong khối Xã Hội Chủ Nghĩa khác về
phe mình, nhưng xưa nay, có thực mới vực được đạo, ngay chính Trung Quốc còn
đang cậy nhờ Liên Xô xây dựng nền công nghiệp thì làm sao nói ai nghe? - Thế là
Mao phải giải quyết bài toán đầu tiên: Kinh Tế.
Năm 1956, Mao cho rằng Trung Quốc đủ sức đứng
vững và xây dựng được nền kinh tế "theo kiểu của riêng Trung Quốc ".
Mao tiết lộ kế hoạch "Đại Nhảy Vọt" tại một cuộc họp vào tháng 1 năm
1958 tại Nam Kinh. Ý tưởng trung tâm đằng sau Đại nhảy vọt là sự phát triển
nhanh ngành công nghiệp và nông nghiệp Trung Quốc nên được xảy ra song song. Hy
vọng là công nghiệp hóa bằng cách lợi dụng nguồn cung ứng lao động rẻ khổng lồ
và tránh phải nhập cảng các máy móc nặng. Để đạt được điều này, Mao chủ trương
tiến hành tập thể hóa sâu rộng hơn, trước hết là ở nông thôn Trung Quốc nơi các
hợp tác xã hiện hữu sẽ được nhập vào thành các Công xã nhân dân (People's
communes) khổng lồ. Ngoài nông nghiệp, chúng kết hợp một vài dự án xây dựng và
công nghiệp nhẹ.
Mao thấy rằng sản xuất lúa gạo và thép như là
cột trụ chính của phát triển kinh tế. Mao vẽ ra rằng trong vòng 15 năm kể từ
Đại nhảy vọt, sản lượng thép của Trung Quốc sẽ vượt qua sản lượng thép của
Vương quốc Anh. Mao khuyến khích việc thiết lập các lò nung thép sân vườn loại
nhỏ tại mỗi xã và tại mỗi khu phố. Nỗ lực khổng lồ lấy từ nông dân và các công
nhân khác được đưa vào để sản xuất thép từ sắt vụn. Để cung cấp nhiên liệu đốt
cho các lò nung, cây rừng bị chặt đốn bừa bãi gây thiệt hại lớn cho môi trường
thiên nhiên của địa phương. Tình trạng phá cửa nhà và bàn ghế đồ đạc để lấy củi
đốt lò nung cũng xảy ra khắp nơi. Nồi, xoong, chảo, và các thứ vật dụng kim
loại khác được trưng dụng để cung cấp "sắt vụn" cho các lò nung để
mục tiêu sản xuất có thể đạt được. Nhiều nam lao động nông nghiệp bị thuyên
chuyển từ thu hoạch mùa màng sang giúp sản xuất thép cũng giống như các công
nhân ở nhiều nhà máy, trường học và thậm chí cả bệnh viện.
Tất nhiên, như các bạn đã học trong lịch sử hồi
phổ thông rồi, thép luyện ra từ các lò nung kiểu đấy chỉ có thể đem bán sắt vụn
chứ làm thế quái nào dùng vào việc gì nữa? Sản lượng thì quả có tăng thật,
nhưng chất lượng thì như hạch, nói thế cho nhanh. Tuy nhiên cái họa chưa phải ở
đó: Do người người, nhà nhà đổ đi nấu thép nên nhân công nông nghiệp bị thiếu
hụt. Nông cụ bị đem đi luyện thép hết nên ko canh tác được kỹ càng. Lại cộng
thêm thiên tai hạn hán trong mấy năm liên tiếp từ 1959 - 1961. Hậu quả tất yếu
là mất mùa, và dĩ nhiên, theo sau đó là đói. Mà khi dân đã đói thì rất dễ bạo loạn,
các địa phương lại che giấu, khai man số liệu khiến tình hình thêm trầm trọng.
Năm 1961, cả nền kinh tế Trung Quốc lao dốc không phanh, sản lượng nông nghiệp
còn thua cả ... nhà Thanh dưới thời Càn Long.
Mao tự rời chức vụ Chủ tịch Cộng hòa Nhân dân Trung
Hoa năm 1959 vì tiên đoán rằng ông sẽ lãnh trọn sự đổ lỗi cho sự thất bại của
Đại nhảy vọt. Tuy nhiên ông vẫn giữ chức Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc. Lưu
Thiếu Kỳ (chủ tịch mới của CHND Trung Hoa) và Đặng Tiểu Bình (Tổng bí thư Trung
ương Đảng) được quyền "làm mọi cách" phục hồi nền kinh tế. Chưa hết,
lửa cháy đổ thêm dầu, vào hội nghị Lư Sơn tháng 6 năm 1959, trong Hội nghị Lư
Sơn, Bành Đức Hoài viết thư riêng cho Mao Trạch Đông, chân thành đề cập đến
thất bại, tình cảnh tiêu điều của nền kinh tế khi thực hiện Chính sách Đại nhảy
vọt. Bức thư này đã biến ông trở thành tội đồ trong Cách mạng văn hóa Trung
Quốc sau này. Mao Trạch Đông chơi đòn độc, đã quyết định công khai bức thư của
Bành Đức Hoài và quy kết ông là tiêu cực. Ảnh hưởng của Mao khi đó còn lớn,
toàn bộ Bộ Chính trị và Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đứng về phía Mao
Trạch Đông hoặc lặng im. Gần như tất cả đả kích Bành Đức Hoài mà Lâm Bưu là
người đứng đầu (Lâm Bưu thù Bành vì khi xảy ra chiến tranh Triều Tiên, Mao sai
Bưu cầm quân nhưng Bưu cáo bệnh, là phó nên Bành phải thay Bưu mang quân đi
đánh. Ko ngờ quân Trung Quốc đánh ác quá, khiến Liên Hợp Quốc cũng hết hồn, bao
nhiêu vinh quang Bành hưởng hết, từ đó Bưu đâm ra thù Bành). Kết quả Bành tổng
bị đình chỉ mọi chức vụ, bị theo dõi và quản chế tại nhà riêng tại Thành Đô, Tứ
Xuyên. Sau này trong Cách mạng Văn Hóa ông sẽ chết trong đau đớn.
Dù đẩy được Bành tổng đi nhưng những lời chỉ
trích nhắm vào Mao ngày càng nhiều và đống rác hậu quả Đại Nhảy Vọt của Mao thì
vẫn phải có người dọn. Thế nên sau hội nghị Lư Sơn, Mao đành ngồi như phỗng, để
mặc Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình giải quyết hậu quả. Ác một cái là hai ông
này lại ... làm được việc: Những chính sách kinh tế thành công của Lưu Thiếu Kỳ
đã thu hút sự ủng hộ từ bên trong Đảng, nhiều chính sách Đại Nhảy Vọt của Mao
bị đảo ngược. Năm 1962, Lưu Thiếu Kỳ đọc một bài diễn văn trước 3000 người, đại
ý nói rằng: Đại Nhảy Vọt thất bại nguyên nhân tại thiên tai 3 phần, 7 phần còn
lại do con người. Ngoài ra ông còn nhiều lần tuyên bố: "Mua tốt hơn tự sản
xuất, và cho thuê tốt hơn so với đi mua". Đáp lại, Mao im lặng, nhưng có
người kể lại rằng, có lúc ông ta đã nói rằng: Có người muốn trèo lên đầu tôi
rồi...
II. ĐẠI CÁCH MẠNG VĂN HÓA VÀ HỒNG VỆ BINH
Mao hiểu rằng ông đang ở vào thế hạ phong, thay
vì đấu đá nội bộ trong Đảng hay Bộ Chính Trị, suốt năm 1961 - 1962, ông lựa
chọn ... im lặng. Mao hướng tâm trí của ông qua một lĩnh vực mới: Giáo dục. Mao
đã khởi xướng Phong trào giáo dục Xã Hội Chủ Nghĩa vào năm 1962, nghe qua thì
chả có gì cả, chỉ là lý tưởng, chủ nghĩa Mác vào trường học, nhằm khôi phục
lòng nhiệt thành cách mạng của các đảng viên và quần chúng. Một trong những
khía cạnh nổi bật nhất của nó là sự kết hợp của đơn vị hành chính xã và lao
động nhà máy vào giáo dục. Phong trào đã đạt được kết quả là đưa chủ nghĩa Mao
vào giới trẻ Trung Quốc. Năm 1964, Phong trào Giáo dục Xã hội Chủ nghĩa tiến
triển trở thành Phong trào Bốn-dọn-dẹp, tức Tứ Thanh Vận Động, một phong trào
chính trị - xã hội rộng lớn hơn nhằm mục đích "làm sạch chính trị, kinh
tế, tư tưởng, và tổ chức của bọn phản động".
Ngày 16 tháng 5 năm 1966, với mục tiêu chính
thức là "đấu tranh với giai cấp tư sản trong lĩnh vực tư tưởng và sử dụng
những tư tưởng và lề thói mới của giai cấp vô sản để thay đổi diện mạo tinh
thần của toàn bộ xã hội" - Đại Cách Mạng Văn Hóa chính thức bắt đầu. Ngày
29 tháng 5 năm 1966, tại Trường Trung học thuộc Đại học Thanh Hoa, đơn vị Hồng
vệ binh đầu tiên được thành lập với mục đích là trừng phạt những lực lượng, cá
nhân đi ngược lại nền văn hóa mới do Cách mạng văn hóa đề ra. Ngày 01 tháng 08,
Mao đích thân viết cho họ một bức thơ ngỏ, bày tỏ "hậu thuẫn nồng nhiệt và
tích cực". Được Mao ủng hộ, các đơn vị Hồng vệ binh nhanh chóng phát triển
khắp Trung Quốc. Ngày 16 tháng 8 năm 1966, hàng triệu Hồng vệ binh từ khắp các
nơi trên đất nước tập trung tại Bắc Kinh để có cơ hội thấy mặt Chủ tịch Mao.
Ngay trên đầu cổng Thiên An Môn, Mao Trạch Đông và Lâm Bưu đã xuất hiện và diễn
thuyết trước 11 triệu Hồng vệ binh, và nhận được rất nhiều tràng reo hò từ đám
đông. Mao ca ngợi hành động của Hồng vệ binh trong các chiến dịch gần đây là
"phát triển Chủ nghĩa xã hội và dân chủ".
Ngày 22 tháng 8 năm 1966, Mao ban hành một thông
cáo chung, quy định cấm mọi sự can thiệp từ phía cảnh sát vào hoạt động của
Hồng vệ binh. Người nào làm trái với Thông cáo đó sẽ bị gán cho tội danh
"phản cách mạng". Ngày 5 tháng 9 năm 1966, một thông cáo khác được
ban hành khuyến khích tất cả Hồng vệ binh đến Bắc Kinh trong một quãng thời
gian xác định. Tất cả chi phí, bao gồm ăn ở và đi lại sẽ được chính quyền chi
trả. Ngày 10 tháng 10 năm 1966, Lâm Bưu đã công khai chỉ trích Lưu Thiếu Kỳ và
Đặng Tiểu Bình là "những kẻ dẫn đường cho Chủ nghĩa Tư bản" và là
"mối đe dọa" đến Chủ nghĩa Xã hội. Sau đó, Bành Đức Hoài cũng bị đưa
đến Bắc Kinh và bị truy tố trước quần chúng. Lúc này các lãnh đạo Đảng và Nhà
nước Trung Hoa mới biết phe của Mao sử dụng Hồng Vệ Binh như một công cụ để
đoạt lại quyền lực. Tuy nhiên, nhiều người sẽ hỏi rằng: Tại sao phe của Mao
không sử dụng quân đội mà lại dùng Hồng Vệ Binh để đoạt lại quyền lực? – Và
tiếp theo đó: Tại sao phe của Lưu Thiếu Kỳ,Đặng Tiểu Bình cũng không sử dụng
quân đội để trấn áp lại?
Là bởi vì đây là cuộc tranh giành quyền lực của
các chính trị gia, quân đội buộc phải đứng ngoài. Thêm vào đó, do truyền thống
lịch sử của Trung Quốc và một phần do đặc điểm dân cư, lãnh thổ nên cả nước khi
đó chia thành nhiều quân khu, mỗi quân khu gần như là một “lãnh địa” riêng của
một tướng/soái, nếu 1 quân khu nhúng tay vào chuyện chính trị, các khu khác
cũng sẽ nhảy vào, như thế sẽ thành ra nội chiến. Vì vậy, dựa vào quân đội là
hết sức nguy hiểm. Cho nên mặc dù là Bộ trường Quốc Phòng trên danh nghĩa nhưng
Lâm Bưu không dùng quân đội, thay vào đó, ông và Giang Thanh (vợ Mao Trạch
Đông) tập trung xây dựng Hồng Vệ Binh như một đội “bảo an” của riêng họ. Về
nguyên tắc, quân đội không đụng đến Hồng Vệ Binh được vì họ là học sinh, sinh
viên các trường học và đứng lên “xây dựng nền văn hóa mới” chứ không phải gây
chiến nên phe đối lập phải bị động trong thời gian đầu. Đụng vào Hồng Vệ Binh
thuộc thẩm quyền của công an, nhưng sắc lệnh ngày 22/8/1966 của Mao Trạch Đông
đã đặt đội quan này ra khỏi tầm kiểm soát của công an cảnh sát, thế nên bọn này
gần như … vô pháp vô thiên.
Tháng 10 năm 1966, Hồng vệ binh đã bắt giữ
22.000 "phản cách mạng", trong tháng 8 và tháng 9, chỉ riêng ở Bắc
Kinh đã có 1772 người bị sát hại. Tại Thượng Hải, trong tháng 12 có 704 vụ tự
tử. Hồng Vệ Binh nhân danh “đả tứ cựu”, đi đập phá hàng loạt chùa chiền, đình
miễu, nhà thờ lẫn thánh đường, hoành phi câu đối, từ đường mồ mả của danh nhân
học sĩ bao thời đại của Trung Quốc bị chúng lật lên, quăng xuống sông, bia của
Khổng Tử còn bị hắt sơn, đập bằng búa tạ y như ngày nay giang hồ đòi nợ, may có
lệnh xuống kịp thời, nếu không cụ Khổng cũng xém đi gặp Hà Bá… thậm chí đến Tử
Cấm Thành chúng cũng định đốt, nếu Chu Ân Lai không kịp thời điều động quân đội
đến bảo vệ, thậm chí phải bắn chỉ thiên thì chúng mới chịu rút đi. Về độ phá
hoại của Hồng Vệ Binh đối với các công trình, biểu tượng văn hóa mà nói thì còn
vượt quá sự tàn phá của Nội chiến Quốc Cộng lẫn Chiến tranh chống Nhật cộng
lại, nếu có điều kiện, các bạn tìm đọc cuốn Sống và Chết ở Thượng Hải của Trịnh
Niệm sẽ thấy kinh hoàng hơn.
Tôn chỉ của Hồng Vệ Binh gói gọn trong cuốn Hồng
bảo thư – Lời dạy của Mao Chủ Tịch mà sau này Hồng vệ binh luôn mang theo như
một chỉ dẫn hành động từ phía Mao Trạch Đông. Đó là kim chỉ nam cho hành động
vì mục tiêu tương lai của Hồng vệ binh, tức là bất kỳ ai, hay tổ chức nào chống
đối Mao chủ tịch tức là chống đối họ. Sức ép từ Hồng Vệ Binh lan ngược vào
trong chính quyền, ai nấy đều hiểu rằng Mao và những người ủng hộ đang tìm cách
lấy lại quyền hành. Tại Hội nghị Trung ương 12 khoá 8 Đảng Cộng sản Trung Quốc
họp tại Bắc Kinh từ 13 đến 31/10/1968 Giang Thanh bất ngờ đệ trình báo cáo thẩm
tra về “tội ác” của Lưu Thiếu Kỳ. Ngay sau đó, dưới sức ép của Mao và Lâm Bưu,
hội nghị “nhất trí thông qua nghị quyết vĩnh viễn khai trừ Ông ra khỏi Đảng”.
Sau đó, Ông bị bắt giam và đấu tố như một kẻ “phản đồ”, “nội gian”, “tay sai
của đế quốc xét lại, Quốc dân đảng”. Ngày 18/12/1966, tổ chuyên án thẩm vấn Lưu
Thiếu Kỳ chính thức được thành lập. Buổi chiều cùng ngày, những biểu ngữ
"Đả đảo Lưu Thiếu Kỳ" được dán khắp đường phố Bắc Kinh. Tối ngày
18/7/1967, dưới sự chỉ đạo của Giang Thanh, nhóm Hồng vệ binh tập hợp hàng vạn
quần chúng tổ chức đấu tố Lưu Thiếu Kỳ. Ông bị giam cầm, xỉ nhục và tra vấn,
cuối cùng đến ngày 13/11/1969 thì qua đời trong một nhà lao ở Khai Phong – Hà
nam, thi thể lập tức đem đi hỏa thiêu. Mãi tới năm 1980, khi đó Đảng Cộng sản
Trung Quốc mới quyết định phục hồi danh dự và tất cả các chức vụ trong đảng cho
Lưu Thiếu Kỳ. Ngày 17/5 năm đó, lễ truy điệu Lưu Thiếu Kỳ được tổ chức tại Bắc
Kinh. Đặng Tiểu Bình đã tới đọc điếu văn, cả nước treo cờ rủ, ngừng toàn bộ
hoạt động vui chơi giải trí, một quốc tang lạ lùng nhất trong lịch sử, khi nó
diễn ra sau cái chết của đương sự đến … 11 năm.
À, mà lại nhắc tới Đặng Tiểu Bình cũng chẳng khá
khẩm gì, bản thân Đặng cũng bị đấu tố tơi bời, Hồng vệ binh gọi ông là
"tên thứ hai đi theo chủ nghĩa tư bản" (sau Lưu Thiếu Kỳ). Mùa hè năm
1967, hàng ngàn Hồng vệ binh đã xông vào nhà Đặng Tiểu Bình ở Bắc Kinh đấu tố
ông. Con trai Đặng Tiểu Bình là Đặng Phổ Phương bị Hồng vệ binh đánh què cả hai
chân, ông bị cách tuột hết mọi chức vụ. Từ năm 1969 đến năm 1972, hai vợ chồng
ông bị đưa về Giang Tây, con cái đều bị đưa đi cải tạo ở các tỉnh khác. Nhưng
Đặng ít ra hãy còn may mắn chán vì giữ lại được cái mạng.
III. ĐẶNG TIỂU BÌNH
Mao đã giành lại mọi quyền hành trong Đảng,
nhưng sau khi Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình bị loại bỏ, Mao phải tìm ra những
người phụ tá mới và cả người kế nhiệm mình. Lâm Bưu là một cái tên sáng giá,
không những có công trong nội chiến, Lâm Bưu còn là kiến trúc sư trưởng của
Cách Mạng Văn Hóa, là một trong những người đứng sau giật dây Hồng Vệ Binh. Sau
biến cố năm 1968, Lâm được tưởng thưởng xứng đáng: Lâm Bưu được đưa lên giữ
chức Phó Chủ tịch Đảng – là Phó chủ tịch Đảng duy nhất, có nghĩa là Lâm Bưu chỉ
dưới màu có mình Mao và được Mao chọn làm người kế tục. Nhưng lúc này lại có sự
chia rẽ: Diêu Văn Nguyên – Trương Xuân Kiều, những người nổi bật trong Cách
Mạng Văn Hóa đã được cất nhắc lên những chức vụ quan trọng, nhưng tham vọng của
họ không dừng ở đó, móc ngoặc với Giang Thanh, và sau này còn có thêm Vương
Hồng Văn, họ tạo thành bộ tứ nổi tiếng: Tứ Nhân Bang sau này. Nhưng lúc này thì
chưa, năm 1968, nội bộ Hồng Vệ Binh bắt đầu phân hóa: Có nhóm ủng hộ Nguyên,
Kiều và Thanh, có nhóm ủng hộ Lâm Bưu, có lúc các nhóm Hồng Vệ Binh lao vào ẩu
đả, xô xát nhau. Lúc này, đối thủ chính trị đã bị diệt trừ hết, giữ lại lũ Hồng
Vệ Binh chả khác nào nuôi hổ dữ bên mình, dù Giang Thanh đã có lần “gợi ý”
rằng: Nếu cần thiết thì Hồng Vệ Binh cũng có thể thay thế cả … giải phóng quân
Trung Quốc. Tất nhiên, các tướng lĩnh không thể đồng ý, Mao cũng vậy, tháng
12/1968 Mao triển khai Phong trào Tiến về nông thôn, kéo dài từ cuối thập kỷ
1960 đến đầu thập kỷ 1970 đã huy động hàng trăm ngàn trí thức trẻ sống ở các
thành phố đi về các vùng nông thôn để sống, lao động và học hỏi kinh nghiệm của
những người công nhân và nông dân. Từ "trí thức" lúc đó được dùng với
nghĩa rộng nhất là những học sinh mới tốt nghiệp trung học. Thật ra thì phong
trào này là một cách điều chuyển các thành viên Hồng vệ binh từ thành phố về
nông thôn, nơi mà họ ít có khả năng gây loạn nhất. Đến tận cuối những năm 1970,
những "trí thức trẻ" này mới được phép trở về thành phố quê nhà. Hồng
vệ binh tan rã từ đây, Cách mạng Văn Hóa kết thúc vào năm 1969 theo như Mao
tuyên bố nhưng hậu quả của nó chỉ thật sự chấm dứt vào năm 1976, sau khi Mao
chết. Sau này, những người Trung Quốc ở tuổi 15 đến 25 trong thời Cách mạng Văn
hóa thường được gọi là "Thế hệ bỏ đi" vì học hành cóc ra gì, âu cũng
là cái chúng đáng được nhận cho thời tuổi trẻ húng chó.
Tháng 12 năm 1971, thế giới được phen giật mình
khi nhà nước Trung Quốc loan báo thông tin: ngày 13/9/1971, Nguyên soái Lâm Bưu
dẫn theo vợ và con trai đào thoát sang Liên Xô, trên đường đi máy bay gặp sự cố
và rơi trên không phận Mông Cổ. Tới tận 2 tháng sau khi chuyện này xảy ra thế
giới mới biết tin, năm 1973, Lâm Bưu bị khai trừ Đảng, năm 1981 bị quy tội phản
Cách Mạng, cách tuột mọi chức vụ. tới tận ngày nay vụ án Lâm Bưu vẫn còn là bí
ẩn, nhưng ngay sau cái chết của Lâm Bưu, Trung Quốc lại bước vào thời kỳ bị
thao túng bởi Tứ Nhân bang, nhưng đây cũng là lúc Đặng Tiểu Bình trở lại.
Năm 1972, ngay sau khi Lâm Bưu đi bán muối, thế
của thủ tướng Chu Ân Lai đã vững trở lại, ông bèn bắn tin cho người đồng chí
thân thiết của mình đang lao động cải tạo ở Giang Tây. Đặng vội viết thư cho
Mao Trạch Đông và Ban Chấp hành Trung ương Đảng thỉnh cầu cho phép trở về Bắc
Kinh công tác. Không nhận được thư trả lời, tháng 8-1972 ông viết thư lần thứ
2, trong thư tỏ rõ ủng hộ Đại Cách mạng văn hóa, bởi vì Đại Cách mạng văn hóa
đã làm lộ rõ chân tướng của những người như Lâm Bưu, Trần Bá Đạt. Ông còn kể tỉ
mỉ những tình tiết, sự việc giao đấu với Lâm, Trần trong mấy chục năm qua, đồng
thời cũng nói lên tâm trạng của ông sau khi rèn luyện. Bức thư được đưa đến tận
tay Mao Trạch Đông. Mao cực kỳ hài lòng với sự hối cải của Đặng, mà cũng thừa
biết Đặng là người có tài, nên tự tay bút phê vào lá thứ: Đặng trước đây phạm
lỗi, nhưng trước đây đánh giặc từng có công lớn, trải qua 2 năm học tập đã nhận
ra khuyết điểm, nên cho cơ hội sửa đổi. Kết quả, tháng 2-1973, Đặng Tiểu Bình
được rời khỏi Giang Tây, trở về Bắc Kinh, Ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung
ương Đảng, rồi Phó Chủ tịch Đảng. Về mặt chính quyền, ông trở lại cương vị Phó
Thủ tướng, rồi Phó Thủ tướng thứ nhất. Khi Chu Ân Lai lâm bệnh nặng, ông chủ
trì công việc của Quốc vụ viện.
Tình hình cho thấy là Đặng sẽ thay Chu Ân Lai
sau khi ông này chết, lúc này Tứ Nhân Bang quyết định hành động, một lần nữa họ
cáo buộc Đặng "đi theo tư bản" và "xa rời tôn chỉ của Mao Chủ Tịch",
Giang Thanh còn ép Đặng viết bản tự kiểm. Nhưng thời thế nay đã khác, Đặng lúc
này đã biết rằng Mao chỉ còn nằm liệt giường chờ chết, ông dứt khoát không viết
kiểm điểm, cũng không nhận tội và cũng ... không tranh cãi với nhóm Tứ Nhân
Bang. Người ta kể lại rằng Đặng vốn nặng tai, phải xài máy trợ thính, trong các
cuộc họp mà thấy phe Giang Thanh muốn kiếm chuyện, ông bèn ... tắt máy đi, sau
đó đợi bên kia nói xong, Đặng đủng đỉnh trả lời: Xin lỗi, máy trợ thính hỏng,
tôi chẳng nghe được gì cả... Nhưng kế hoãn binh ấy không duy trì được lâu, ngày
8/1/1976, Chu Ân Lai chết, người bảo kê cho Đặng không còn nữa. Vào tiết Thanh
Minh 4/4/1976, hàng ngàn người kéo đến quảng trường Thiên An Môn đặt vòng hoa
tưởng niệm Chu Ân Lai, để lại những bài thơ có hàm ý chính trị. Ngày hôm sau,
Quân Giải phóng Nhân dân ra tay đàn áp. Ngay lập tức, Đặng Tiểu Bình bị cách
mọi chức vụ, và Hoa Quốc Phong chính thức lên làm Thủ tướng. Đặng Tiểu Bình lại
bị gạt bỏ khỏi mọi chức vụ Nhà nước và chính phủ, chỉ còn mỗi tư cách Đảng viên
và cái Hộ khẩu Bắc Kinh là chưa bị giật, dù cho trong Bộ Chính Trị không cùng
đồng ý về các lỗi lầm chính trị của Đặng Tiểu Bình. Nhưng lần này, Đặng đã tính
sẵn kế, ông bí mật rời Bắc Kinh trốn xuống ẩn náu tại miền nam dưới sự che chở
của Tướng Vệ Quốc Thanh.
Ở Bắc Kinh, ngày 9/9/1976, Mao Trạch Đông cũng
thở hắt ra lần cuối. Từ năm 1975, Mao đã sắp đặt cho Hoa Quốc Phong lên làm
người kế nhiệm mình. Hoa Quốc Phong, một người tuyệt đối trung thành với đường
lối, tư tưởng của Mao, ông nổi tiếng với tư tưởng "Lưỡng cá phàm thị"
- tức là “Thực thi Hai nguyên tắc”. Nội dung của quan điểm này là: phàm điều gì
là chủ trương của Mao Chủ tịch, chúng ta đều phải kiên quyết duy trì thực hiện;
Phàm điều gì là chỉ thị của Mao Chủ tịch, chúng ta đều phải trước sau tuân theo
– thế nên Mao không chọn ông này mới lạ. Chỉ một ngày ngay sau khi Mao Trạch
Đông mất, Hoa Quốc Phong quyết định loại trừ Tứ Nhân Bang: Chiều ngày 10/9/1976
Hoa Quốc Phong bí mật tới gặp Nguyên soái Lý Tiên Niệm, trình bày tình hình cấp
bách do việc “bè lũ bốn tên” hoạt động điên cuồng, dã tâm đoạt quyền đã bộc lộ
hoàn toàn. Vì vậy, ông mong nhận được sự ủng hộ của hai Nguyên soái (Lý Tiên
Niệm và Diệp Kiếm Anh) - nói cách khác là muốn quân đội ủng hộ. Lý Tiên Niệm
đồng ý chuyển lời tới Diệp Kiếm Anh, khi đó là Bộ Trưởng quốc phòng.
Ngày 13/9, Lý Tiên Niệm mượn cớ đến thăm vườn
thực vật Bắc Kinh, bí mật tới Tây Sơn gặp gỡ, truyền đạt lại những ý kiến và
trao bức thư của Hoa Quốc Phong cho Diệp Kiếm Anh và đề nghị Nguyên soái Diệp
cùng kề vai sát cánh đối phó với tình hình. Sau khi nhận được thư của Hoa Quốc
Phong, Diệp suy nghĩ đến tận ... 9 ngày, đến ngày 21/9 ông quyết định sẽ ủng hộ
Hoa Quốc Phong, đánh tan “bè lũ bốn tên”. Tối 21/9, Diệp Kiếm Anh tung tin ông
sẽ lên đông bắc dưỡng bệnh, nhưng kỳ thực là bí mật quay lại Bắc Kinh, đã có
cuộc nói chuyện bí mật mang tính lịch sử với Hoa Quốc Phong. Tối 26/9, Hoa Quốc
Phong tiến hành cuộc họp kín với Lý Tiên Niệm và Ngô Đức, Hoa đề xuất phương án
“đánh nhanh, gây bất ngờ”, cách thức này được hai người còn lại tán thành, thời
gian tiến hành là 1 tuần sau ngày lễ Quốc khánh, hành động sẽ kết thúc trước 5
giờ sáng ngày hôm sau. Sau đó Hoa Quốc Phong cũng bí mật gặp Uông Đông Hưng -
chỉ huy trung đoàn bảo vệ 8341, bảo vệ Trung Nam Hải và Uông cũng hoàn toàn
nhất trí với kế hoạch đã đề ra.
Với danh nghĩa Phó chủ tịch thứ nhất Đảng Cộng
sản Trung Quốc, Hoa Quốc Phong đã triệu tập cuộc họp Ban thường vụ Bộ Chính trị
vào 8 giờ tối 6/10/1976 tại Hoài Nhân đường trong Trung Nam Hải trên danh nghĩa
là nghiên cứu vấn đề xuất bản cuốn thứ 5 trong “Mao Trạch Đông tuyển tập”,
thông báo cho Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên đến dự. Uông
Đông Hưng phụ trách việc bắt giữ “bè lũ bốn tên”.
- Trương Xuân Kiều (chức danh Ủy viên thường vụ
Bộ Chính trị, Phó thủ tướng) là tên đến đầu tiên. Khi vừa bước vào, lập tức 4
chiến sĩ cảnh vệ xông ra, bẻ quặt hai tay hắn ra sau và bị dẫn tới trước mặt
Diệp Kiếm Anh và Hoa Quốc Phong. Hoa Quốc Phong đọc quyết định “cách ly Trương
Xuân Kiều để thẩm vấn”.
- Vừa giải quyết xong Trương Xuân Kiều thì Vương
Hồng Văn (Phó chủ tịch Đảng, Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị) cũng vừa tới. Khi
bị các chiến sĩ cảnh vệ bắt giữ, Vương đã chống trả rất quyết liệt. Đến khi
nghe Hoa Quốc Phong đọc lệnh bắt giữ của trung ương, Vương bất ngờ gầm lên,
thoát khỏi sự kiềm chế của các chiến sĩ cảnh vệ và lao tới chỗ Diệp Kiếm Anh
ngồi cách chừng 5, 6 mét, định hành hung Diệp. Chưa thực hiện được ý đồ, thì đã
bị các chiến sĩ cảnh vệ quật ngã, lôi ra khỏi phòng.
- Diêu Văn Nguyên đến hơi trễ. Khi bị bắt, Diêu
đã tỏ ra rất bình tĩnh, không hề có hành động phản kháng gì. Sau khi tóm gọn 3
tên, Uông Đông Hưng gọi điện cho Trương Diệu Từ, Phó tư lệnh thứ nhất Bộ đội
8341 cùng với Lý Hâm, Vũ Kiến Hoa chỉ huy một phân đội Bộ đội 8341 tiến hành
việc bắt giữ nốt Giang Thanh tại nhà nghỉ trong Trung Nam Hải và các đồng đảng
như Mao Viễn Tân, Tạ Tĩnh Nghi, Trì Quần, Vương Tổ Mẫn và những người khác, rồi
nhanh chóng đưa một bộ phận quân cảnh Bắc Kinh tới chiếm lĩnh trụ sở các phương
tiện thông tin như Nhân dân nhật báo, Tân Hoa xã, Đài Phát thanh nhân dân Trung
ương cùng các cơ quan trung ương, Trường đại học Bắc Kinh, Thanh Hoa... Đến
21h30 tối 6/10, chiến dịch thu được thắng lợi hoàn toàn. “Lũ bốn tên” và đồng
bọn đều đã bị tống giam mỗi kẻ mỗi nơi, kết thúc thời kỳ lịch sử Đại cách mạng
văn hóa khủng khiếp kéo dài tới 10 năm ở Trung Quốc. Gần một tháng sau đó, “bè
lũ bốn tên” bị đưa ra xét xử trước tòa với tội danh chống Đảng. Giang Thanh và
Trương Xuân Kiều bị kêu án tử hình, sau đổi xuống chung thân. Còn Vương Hồng
Văn, Diêu Văn Nguyên chịu án 20 năm tù và được thả năm 1996. Năm 1991 cả Giang
Thanh và Trương Xuân Kiều đều được thả vì lý do sức khỏe kém, Giang Thanh sau
đó tự tử, Vương Hồng Văn chết bệnh năm 1992. Hai người còn lại đều mất năm
2005.
Hoa Quốc Phong sau đó xóa tội và phục hồi chức
vụ cho Đặng Tiểu Bình, ông trở về Bắc Kinh vào ngày 10/10, chỉ hai ngày trước
khi tin Mao Trạch Đông qua đời được thông báo ra thế giới bên ngoài. Từ năm
1978 Đặng tiến hành cải cách kinh tế, bắt đầu đưa TQ mở cửa, điều này làm uy
thế của Đặng tăng lên trong Đảng, trong khi Hoa Quốc Phong vẫn cố chấp bám lấy
mô hình kiểu cũ của Mao. Đến năm 1980, Hoa Quốc Phong mất chức thủ tướng, bị
thay bởi Triệu Tử Dương. Sang năm 1981, mất luôn chức chủ tịch Đảng cho Hồ Diệu
Bang, Hoa lui xuống làm Phó Chủ Tịch Đảng. Đến năm 1982, chức phó chủ tịch đảng
bị bỏ, Hoa chính thức ngồi chơi xơi nước. Và Hoa Quốc Phong cứ ngồi như thế
suốt ... 30 năm, đến tận năm 2002 mới ra khỏi ghế Ủy viên trung ương Đảng Cộng
Sản Trung Quốc, khi đó nhiều hãng tin nước ngoài mới giật mình, thì ra Hoa ...
vẫn còn sống. Tính ra Đặng còn nhân đạo chán khi lật đổ Hoa rồi mà vẫn để Hoa
ngồi đấy vô sự, dù không còn đảm nhiệm chức vụ gì quan trọng. Thật ra, Đặng
cũng giống Hoa, không giữ bất cứ chức vụ đầu não nào, nhưng đó chỉ là bề ngoài,
mọi quyết định đều do Đặng và nhóm Bát Đại Nguyên Lão của ông sắp đặt, thủ
tướng, chủ tịch đảng và cả bí thư quân ủy trung ương đều phải nghe theo. Và như
vậy, Trung Quốc dưới sự lèo lái của Đặng, đã vượt qua đêm đen của Cách mạng Văn
Hóa, hóa rồng trong thế kỷ 21.
* Một điểm mà rất nhiều người thắc mắc: Đại Nhảy
Vọt, rồi Cách Mạng Văn Hóa, Tứ Nhân Bang đều có hình bóng của Mao Trạch Đông
trong đó, vậy tại sao đến ngày nay Trung Quốc vẫn giữ hình ảnh của Mao? - Trả
lời: vì Mao không chỉ là lãnh tụ mà còn là một biểu tượng. Khác với phương tây,
mà cụ thể là các nước từng thuộc LX có thể kéo đổ tượng của Stalin sau khi tan
rã, người phương đông luôn quan niệm không nên cư xử quá táng tận. Cụ thể, nếu
không có Mao thì không có ĐCS, không có Trung Quốc ngày nay, hơn nữa, thời kỳ Cách
mạng Văn Hóa thực chất là cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa các phe phái, các hệ
tư tưởng chứ không phải là cuộc chiến của một mình Mao. Nói như Đặng Tiểu Bình:
"Cách mạng Văn Hóa là một sai lầm. Chúng ta phải mạnh dạn chối bỏ sai lầm
này của Mao trong những năm tháng cuối đời của ông. Nhưng cũng cần nhìn vào sự
thật. Sự thật là không phải mọi sai lầm và quá đáng trong cuộc Cách mạng Văn
Hóa đều do Mao."
*
TÁC
GIẢ (đang cập nhật)
Địa chỉ: (đang cập nhật)
Email: (đang cập nhật)
Điện thoại: (đang cập nhật)
- TRẦN CHÍ CƯỜNG giới
thiệu -
- Cập nhật từ email:
tranchicuong27@yahoo.com.vn ngày 11.10.2020.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang
Đặng Xuân Xuyến.
.
0 comments:
Đăng nhận xét