CẶP ĐÙI EM NHƯ HAI LƯỠI KÉO... - Tác giả: Đặng Văn Sinh (Hải Dương)

Leave a Comment

 

CẶP ĐÙI EM NHƯ HAI LƯỠI KÉO... 

*

(Tác giả Đặng Văn Sinh)

Vào những năm của thập niên 80 và 90 thế kỷ XX, người Nhật phát triển công nghệ truyền hình đạt đến đỉnh cao mà một trong những hãng nổi tiếng là Sony. Với cấu trúc cong, độ nét cao, tạo được chiều sâu, màn hình hiển thị đã ở trình độ thượng thừa, nhưng các nhà thiết kế vẫn chưa hài lòng. Người ta còn muốn chế tác một loại Tivi siêu đẳng, trong đó, tích hợp những tiến bộ kỹ thuật độc quyền gây hiệu ứng không gian ba chiều. Thế nhưng mọi sự cải tiến có vẻ như đã chạm ngưỡng giới hạn, kỳ vọng của các ông chủ công nghệ nghe nhìn xứ Phù Tang vẫn dẫm chân tại chỗ.

Trong khi ấy, người Mỹ, không chơi trò loay hoay với kỹ thuật nâng cao độ phân giải của truyền hình Analog mà các đầu óc thông thái của thung lũng Silicon nghĩ ra truyền hình kỹ thuật số (digital), băng thông rộng, mở ra kỷ nguyên mới cho công nghệ nghe nhìn. Quả thật, màn hình kỹ thuật số nét căng, gần đây lại được nâng cấp bằng công nghệ HD khiến cho các hãng nổi tiếng của Nhật phải ngậm ngùi goodbye công nghệ truyền thống và nhanh chóng bắt tay vào công nghệ Mỹ.

Đương nhiên, công nghệ khác với văn chương, bởi văn chương thuộc hình thái ý thức nhưng hình như vẫn có sự tương đồng. Xã hội nào văn học ấy. Chính phủ nào công dân ấy. Không thể đòi hỏi công dân hạng một trong khi chính phủ chỉ có trình độ hạng ba và ngược lại. Người của thế kỷ XXI khó có thể soạn bi kịch cổ Hy Lạp hay sáng tác thơ văn thuộc thế kỷ XV. Mỗi thời kỳ lịch sử có lý tưởng và đặc trưng thẩm mỹ khác nhau, do đó cách tư duy hình tượng cũng khác nhau. Nguyễn Du vĩ đại thật nhưng ngày nay không ai sáng tác truyện thơ lục bát như “Đoạn trường tân thanh”. Nguyễn Huy Lượng vô cùng lãng mạn, nhưng thời đại kỹ thuật số và công nghệ 4.0, không ai viết “Tụng Tây Hồ Phú”. Trong tiến trình phát triển xã hội, mỗi thời kỳ, nội hàm ý thức thẩm mỹ đều tương thích với một ngoại diên, chính trị, triết học; mỗi mô hình kinh tế đều phù hợp với cấu trúc văn hóa, trong đó, bao hàm cả văn học nghệ thuật.

Thơ lục bát, song thất lục bát là vốn quý của dân tộc nhưng lại là sản phẩm của nền kinh tế nông nghiệp tự cấp tự túc kéo dài hàng ngàn năm bởi cấu trúc tâm lý, đặc trưng hình tượng, nhạc điệu và vần điệu. Có thể nói, thơ truyền thống thuộc hệ hình thẩm mỹ của một thời đã qua, không tương thích với cách tư duy hiện đại, với nhịp sống hối hả và diễn biến tâm lý người Việt thời công nghiệp hóa.

Hơn thế nữa, đặc trưng cốt tử của văn chương là Sáng tạo, là Cá thể dứt khoát không bao giờ chấp nhận văn chương Đám đông. Sáng tạo có thể là thất bại nhưng văn, thơ không sáng tạo là... tắc tử! Có lẽ nhận thức rất rõ về nguyên tắc này mà nhà thơ Dương Tường viết chỉ có mỗi một câu cho bài thơ của mình “Tôi đứng về phe nước mắt”.

Cho nên, khoảng hai ba chục năm nay, các nhà thơ, trong đó có cả những nhà thơ cao tuổi, đã cố gắng Đổi mới thơ trên cả hai bình diện Nội dung và hình thức. Họ sử dụng một Hệ hình thẩm mỹ mới, không vần, không nhạc điệu, thậm chí không chủ đề trung tâm, loại bỏ tất cả các Chức năng để biểu đạt tư tưởng thẩm mỹ của mình thông qua công nghệ sắp đặt, cấu trúc từ, ngữ trong mối quan hệ phi tuyến tính, phi logique.

Tiếp nhận loại văn bản này, trước hết, người đọc cần phải được trang bị những lý thuyết căn bản về văn học Hậu Hiện đại, phải hiểu được thế nào là “ngoại biên”, “trung tâm”, “giải cấu trúc”, “liên văn bản” và sự chuyển hóa những khái niệm ấy trong trường liên tưởng. Đó là những thuật ngữ biểu đạt các khái niệm rất khác với hệ thống lý luận về văn học Hiện thực (nhất là Hiện thực Xã hội Chủ nghĩa, vốn là lý thuyết sáng tác chỉ tạo ra thứ văn chương đồng phục, nhằm minh họa nghị quyết, chính sách, mà Nguyễn Minh Châu đã phải viết "Lời ai điếu...", còn Nguyễn Khải cho đến cuối đời vẫn lọ mọ "Đi tìm cái tôi đã mất" trong tùy bút chính trị nổi tiếng). Ở phương Tây, loại hình thơ văn như thế được các nhà lý luận, phê bình xếp vào phương pháp Hậu hiện đại, ví dụ như Thơ Tân hình thức, Thơ Siêu thực...

Tôi chưa muốn đề cập đến các nhà thơ người Việt hải ngoại với nhiều tác phẩm Hậu hiện đại khá nổi tiếng từng đăng tải và thành danh trên trang web Da màu, Tân hình thức hay Hợp lưu mà chỉ điểm qua những tác giả đã thể nghiệm và khá thành công ở trong nước được cộng đồng quốc tế vinh danh, thậm chí trao giải thưởng cao quý như Mai Văn Phấn, Bùi Chát, Lý Đợi, Nguyễn Viện, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, Liêu Thái, Phapxa Chan, Vũ Lập Nhật... Mai Văn Phấn đã có cả chục tập thơ Hậu Hiện đại được bạn đọc trẻ đón nhận, đồng thời được chuyển dịch sang nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Hàn Quốc mà nổi bật là “Hôm sau”, “Và đột nhiên gió thổi”, “Bầu trời không mái che”, “Những hạt giống của đêm và ngày”, “Buông tay cho trời rạng”, “Vừa sinh ra ở đó”, “Firmament Without Roof Cover”. “Bầu trời không mái che” xuất bản bằng tiếng Anh tại Hoa Kỳ.

Sự đổi mới thơ, không chỉ với các tác giả Hậu Hiện đại, mà ngay cả các nhà thơ vốn luôn trung thành với các thể loại truyền thống đôi khi cũng nhảy sang địa hạt Hậu Hiện đại như một động thái thử nghiệm. Trong cuốn sách “Bản sonate hoang dã”, nhà thơ Trần Nhuận Minh có những câu đọc lên nghe mà hoảng hồn bởi nó mang hơi hướm của một lối tư duy khác với hệ thẩm mỹ “thế sự” của ông:

“Cặp đùi em như hai lưỡi kéo

Khép lại dịu dàng

Có thể cắt đứt đời nhiều hảo hán...”.

Còn Lò Ngân Sủn, rít thuốc lào sòng sọc, lúc nào cũng lừ khừ như ông từ vào đền, nhưng cái kiểu tư duy thơ ngược đời của nền văn hóa DÁY tuyệt vời sau đây, ai dám bảo ông là không Hậu Hiện đại:

“Người đẹp trông như tuyết

chạm vào thấy nóng

Người đẹp trông như lửa

sờ vào thấy mát

Người không khát - nhìn người đẹp cũng khát

Người không đói - nhìn người đẹp cũng đói

Người muốn chết - nhìn người đẹp lại không muốn chết nữa”...

Không ít tác giả trẻ thuộc khuynh hướng Hậu Hiện đại những năm gần đây đã có những đóng góp đáng kể vào việc tìm tòi, sáng tạo đổi mới thơ Việt trong tiến trình hội nhập với cộng đồng quốc tế. Phapxa Chan và Vũ Lập Nhật là những cây bút điển hình, xứng đáng với các giải thưởng mà Văn Việt đã trao. Trong “Thư về cố quận”, chàng trai trẻ đa tài này có những câu thơ làm thiên hạ giật mình:

“Anh vật xuống sa trường

tên đạn là mưa

chân người là lụa

ngập ngụa máu ngoan

chảy loang tràn lúa

Anh vật xuống sa trường

nát tan nhờ vó ngựa

tàn tạ bởi rêu sương

anh bỗng khao khát

nhớ đường

về quê cũ”

Còn Vũ Lập Nhật lại có cách thức liên tưởng như một thao tác “giải cấu trúc”, phá vỡ mọi trật tự bất biến về một xã hội bế tắc bởi vô số nghịch lý:

“Em nhìn anh bằng ánh mắt thẫn thờ

Và em hỏi anh

Nếu đặt cả thành phố này trong một cái chảo

Đổ vào đấy những lớp màu vàng nhớp nhúa

Thứ mà người ta vẫn hay gọi là dầu ăn

Sau đó ta tung tẩy

Những con phố xô nghiêng

Những chiếc xe vỡ nát

Tất cả sôi lên

Thêm nữa những con người bị hất tung

Chỗ họ lơ lửng cách chảo chừng vài đốt ngón tay

Thứ nào sẽ khét trước?”.

*

Nói tóm lại, đọc thơ Hậu Hiện đại rất cần một phông văn hóa mới để hiểu và giải mã những hiện tượng như Lý Đợi, Bùi Chát, Phapxa Chan hay Vũ Lập Nhật. Đó là những cây bút luôn trăn trở về sự tìm tòi sáng tạo đổi mới thơ Việt vì một nền văn học hiện đại, tiến bộ nhưng không đánh mất bản sắc dân tộc.

*

ĐẶNG VĂN SINH

Địa chỉ: nhà văn, giáo viên nghỉ hưu -

An Bình, Nam Sách, Hải Dương.

 

 

 

 

 

  ........................................................................................

- Cập nhật từ email: huongmai8081@yahoo.com.vn ngày 09.11.2020.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại..      


0 comments:

Đăng nhận xét