HUYỀN
VŨ MÔN CHI BIẾN
*
I. TỪ NHÀ TÙY SANG NHÀ ĐƯỜNG
Cuối thế kỷ thứ 6, nhà Tùy nổi lên, phá bỏ cục
diện Nam – Bắc triều, thống nhất Trung Hoa, Tùy Văn Đế là ông vua có tài, dần
dẹp hết những nước chư hầu cát cứ. Khi đã cao tuổi, Văn Đế giao chính sự trong
triều bắt đầu giao cho Thái tử Dương Dũng. Dương Dũng không có tài về chính
trị, lại hoang phí xa xỉ, nên Văn Đế không hài lòng. Con thứ Dương Quảng thấy
được điều ấy, ngầm lấy lòng các đị thần và Độc Cô Hoàng hậu, mẹ ruột của hai
anh em. Độc Cô hoàng hậu là người thông minh, lại có gia thế hiển hách, nhưng
vì là người Tiên Ti, theo mẫu hệ nên trong nhà bà này cũng không hề chịu lép
trước chồng: Độc Cô Già La không những không cho Tùy Văn Đế ăn nằm với các phi
tần khác mà còn khuyến khích các quan lại trong triều cũng nên làm như vậy. Nắm
được cái tẩy này của bà mẹ, Dương Quảng trước mặt bà ra vẻ sủng ái vợ chính hết
mực, phi tần dường như không để vào mắt (nhưng đó là ban ngày, ban đêm Quảng
vẫn quất đều đều…). Thậm chí, các người thiếp mà có mang, Dương Quảng cũng bắt
họ phải bỏ. Văn Đế và Hoàng hậu rất đẹp lòng.
Năm 600, Văn Đế phế ngôi thái tử của Dương Dũng,
đưa Dương Quảng lên thay, cùng năm đó Độc Cô Hoàng Hậu qua đời. Dương Quảng ở
trước linh cữu khóc như mưa, đếch thiết gì ăn uống, quần thần mà đặc biệt là
Văn Đế đều phải giơ ngón tay lên khen: Hảo à… Thế nhưng cả vua lẫn quan đều bị
lừa: Đến tối khi về đến cung Quảng đều … ăn bù. Bốn năm sau, Tùy Văn Đế ốm
nặng, biết cha sắp theo mẹ, Quảng bèn ra sức tạo dựng quan hệ với các đại thần
trong triều để tạo chỗ đứng sau này. Chẳng ngờ, thư đi tin lại thế quái nào lọt
đến tay Tùy Văn Đế, biết thằng nghịch tử này không thể dùng được nữa, ông triệu
đại thần Dương Tố vào cung Nhân Thọ, định viết chiếu chỉ sắc phong Dương Dũng
làm thái tử lại như cũ. Chẳng ngờ Dương Tố đã đớp tiền của Dương Quảng từ
trước, lập tức mật báo cho Quảng, ngày hôm sau, một liều thuốc mới được thêm
vào đơn thuốc hàng ngày cho Tùy Văn Đế, và cụ đi mát mẻ...
Thế là Dương Quảng lên ngôi và không còn gì ngăn
cản được. Bước tiếp theo, Quảng hạ lệnh thắt cổ anh trai Dương Dũng, rồi sợ
Dũng xuống âm phủ buồn, Quảng tiễn luôn một cơ số anh em trong dòng tộc xuống
luôn cho có bạn. Số nào còn nhỏ quá hoặc ngu quá thì Quảng nhốt vào nhà lao làm
phước. Để bù lại những năm tháng kìm nén dưới thời Tùy Văn Đế, Quảng lấy luôn 2
bà phi của cha mình đem xài luôn cho đỡ phí. Rồi tổ chức yến tiệc, ăn nhậu linh
đình như để trả thù những ngày đói kém vừa qua.
Tuy nhiên, nói như thế ko có nghĩa rằng Tùy Dạng
Đế - Dương Quảng là một kẻ bất tài, chỉ biết hưởng thụ. Quảng cũng kể ra là một
vị vua văn võ toàn tài, làm được chơi được chứ không phải chỉ biết hưởng thụ.
Lên ngôi ko bao lâu, Tùy Dạng Đế ra lệnh mở rộng, kéo dài Đại Vận Hà, con kênh
đào nội địa chạy xuyên suốt từ bắc xuống nam, từ đông sang tây. Chính Tùy Dạng
Đế là người đã xây dựng Đại Vận Hà một cách quy mô nhất, khơi thông giao
thương, vận chuyển từ bắc xuống nam Trung Hoa, Đại Vận Hà đã giúp nhà Tùy và
các triều đại phong kiến sau này giải quyết được triệt để vấn đề lương thực.
Đóng góp thứ hai của Tùy Dạng Đế là biến Lạc
Dương trở nên nguy nga tráng lệ, trở thành kinh đô thứ hai của nhà Tùy và nhà
Đường sau này. Về võ công, Tùy Dạng đế là ông vua thích chinh chiến và dám đánh
lên cả phương bắc và giành chiến thắng vang dội, buộc người Khiết Đan, người
Đột Quyết phải xin hàng, các bộ lạc "số má" ở mạc bắc lúc bấy giờ như
Cao Xương, Thổ Dục Hồn cũng phải mang lễ sang triều cống không dám vọng động. Về
phía đông, Tùy Dạng Đế mang quân đánh nước Lưu Cầu, là một đảo ở phía nam Okinawa
ngày nay và giành thắng lợi.
Ngon ăn, ngài tiếp tục mang quân đánh Cao Câu
Li, tiền thân của Triều Tiên sau này. Tuy nhiên, Cao Câu Li không phải Lưu Cầu,
dân Cao Câu Li kiên cường kháng cự quân Tùy. Dù có lúc huy động đến quân số kỷ
lục là 1,1 triệu quân nhưng nhà Tùy vẫn không đánh nổi, ngược lại còn sa lầy
nặng nề trên đất Triều Tiên. Trong 3 năm, từ 611 đến 614, quân Tùy tổ chức 4
chiến dịch tiến công lớn đều bị chận lại. Những thất bại ở Cao Câu Li cộng với
chính sách phu dịch, thuế khóa nặng nề đã làm dân chúng oán ghét triều đình.
Chưa kể, để tập trung binh lực đi đánh Cao Li, nhà Tùy phải rút bớt binh lính ở
các nơi, hậu quả là các bộ lạc cũng bất tuân theo nhà Tùy nữa.
Năm 615, Tùy Dạng Đế đi tuần thú phương bắc thì
bị Đông Đột Quyết bất ngờ đánh úp, Dạng đế bị vây trong thành Nhạn Môn suốt 1
tháng, sau phải điều lính ở Cao Li về giải vây và hứa với tướng sĩ ko đánh Cao
Li nữa thì sĩ khí mới lên, Dạng đế được giải vây sn toàn và ... chuẩn bị đánh
Cao Câu Li lần thứ 5.
Đến lúc này thì nhân dân, binh lính đều chịu hết
thấu. Sau đó, các lộ phản quân ở miền bắc trỗi dậy, mà mạnh nhất là Đậu Kiến
Đức. Đến đầu năm 617, các nơi cũng bắt đầu dựng cờ nghĩa, bao gồm:
- Đỗ Phục Uy, thủ lĩnh nông dân, chiếm giữ vùng
đất tương ứng với miền nam An Huy hiện nay.
- Cao Khai Đạo, thủ lĩnh nông dân, chiếm giữ
vùng đất tương ứng với miền bắc Hà Bắc.
- Lương Sư Đô, thủ lĩnh nông dân, chiếm giữ vùng
đất tương ứng với vùng Nội Mông hiện nay, tự xưng là hoàng đế Lương.
- Lý Quỹ, một tướng cũ của Tùy, chiếm giữ vùng
đất tương ứng với trung và tây Cam Túc, tự xưng là Lương vương.
- Lý Nguyên, một tướng cũ nhà Tùy, anh em họ với
Dượng Đế, chiếm giữ vùng đất tương ứng miền trung Sơn Tây hiện nay. Tại Trường
An lập Dương Hựu làm Hoàng đế bù nhìn.
- Lâm Sĩ Hoằng, thủ lĩnh nông dân, chiếm giữ
vùng đất tương ứng với Quảng Tây và Quảng Đông ngày nay, tự xưng là hoàng đế
Sở.
- Lưu Vũ Chu, thủ lĩnh nông dân, chiếm giữ vùng
đất tương ứng với miền bắc Sơn Tây, tự xưng Khả hãn Định Dương. Dưới trướng Lưu
Vũ Chu có Uất Trì Cung, một danh tướng khai quốc nhà Đường sau này.
- La Nghệ, một tướng cũ của Tùy, chiếm giữ vùng
đất tương ứng với Bắc Kinh hiện nay.
- Tiêu Tiển, một tướng cũ của Tùy, cháu nội của
Tây Lương Tuyên Đế, chiếm giữ vùng đất tương ứng với Hồ Bắc, Hồ Nam và Quảng
Tây. tự xưng là hoàng đế Lương.
- Tiết Cử, thủ lĩnh nông dân, chiếm giữ vùng đất
tương ứng với miền đông Cam Túc và tây Thiểm Tây, tự xưng là Tây Tần Bá vương
rồi hoàng đế Tần.
- Chu Xán, một tướng cũ của Tùy, chiếm giữ vùng
đất tương ứng với miền nam Hà Nam và đông nam Thiểm Tây, ban đầu xưng là Già
Hầu La vương, sau xưng là hoàng đế Sở.
- Lý Mật, tướng cũ của Dương Huyền Cảm, Cảm lại
là con trai Dương Tố, người có công lớn trong việc đưa Dương Quảng - Tùy Dạng
đế lên ngôi năm xưa. Sau khi Tố chết, Tùy Dạng đế ko trọng dụng Dương Huyền Cảm
nên Cảm tức giận, làm phản. Nhưng sau đó Cảm thất bại, thuộc tướng là Lý Mật
đem tàn binh chạy về núi Ngõa Cương lập trại, chiêu mộ binh sĩ chống triều
đình. Bộ hạ Lý Mật có ba kẻ sau này lừng danh thiên hạ đó là: Trình Giảo Kim,
Tần Quỳnh và Từ Thế Tích, sau này được mang họ Lý là Lý Thế Tích lừng danh.
Mùa xuân năm 617, Lý Mật, Trạch Nhượng chiếm
được các kho lương gần Lạc Dương, Lạc Khẩu và Hoài Lư, do đó quân đội của họ
được no đủ trong khi quân Tùy ở Lạc Dương thường bị đói khát. Lý Mật tiếm tước
Ngụy công, sau đó giết Trạch Nhượng. Người ta cho rằng Lý Mật sẽ sớm trở thành
hoàng đế. Dạng Đế sai Vương Thế Sung đến trấn thủ Lạc Dương, bước đầu ngăn cản
được quân Lý Mật. Dạng đế lại sai Đường công Lý Uyên mang quân hỗ trợ. Mùa đông
năm đó, Lý Uyên ở Thái Nguyên chiếm được Trường An, lập Dương Hựu làm Hoàng đế,
tức Tùy Cung Đế, tôn Dạng Đế, lúc đó đang ở Giang Đô, làm Thái thượng hoàng.
Toàn bộ miền bắc Trung Quốc khi đó không còn nằm trong sự kiểm soát của Tùy
Dạng Đế nữa.
Tùy Dạng Đế trốn lỳ ở Giang Đô và vẫn ăn chơi sa
đọa, việc chính sự ủy thác hết cho đại thần người Tiên Ti là Vũ Văn Thuật. Đến
tháng 10 năm 616, Vũ Văn Thuật bị bệnh nặng. Trước kia hai con của Thuật là Vũ
Văn Hóa Cập và Vũ Văn Trí Cập phạm tội, bị giam vào ngục, đến đây Thuật xin
Dượng Đế tha cho họ. Sau khi Thuật chết, Dượng Đế xá tội cho anh em Hóa Cập và
cho nối tước Hứa công, lại phong làm Hữu tuân vệ tướng quân.
Sang năm 618, lương thực ở Giang Đô cạn kiệt
nhưng Dạng đế và Tiêu Hoàng Hậu vẫn ăn chơi xa xỉ, thậm chí người ta đồn rằng
Tùy Dạng Đế linh cảm được mình sẽ bị giết nên thà làm quỷ phong lưu, lại càng
ăn chơi tợn. Tháng 3 năm 618, đội ngự lâm quân của Tùy Dạng Đế, Kiêu Quả quân
liên kết với Vũ Văn Hóa Cập kéo đến bao vây cung điện. Canh ba ngày 10 tháng 4
năm 618, Tư Mã Đức Kham phóng lửa, quân nổi loạn ồ ạt xông vào nắm giữ cung
điện vào ngày hôm sau, tức 11 tháng 4. Tùy Dượng Đế nghe tin có biến loạn, muốn
chạy sang Tây Các, bị Bùi Kiền Thông và Dương Nguyên Lễ tóm được. Vũ Văn Hóa
Cập tự xưng Thừa tướng, vào phủ đường, kể tội Dạng Đế "bỏ bê tôn miếu,
tuần du liên miên, bên ngoài loạn lạc, bên trong dâm loạn, sử đinh chết vì binh
đao, đàn bà bị làm nhục, bốn phương ly tán, đạo tặc khắp nơi, chỉ nghe nịnh
thần, bỏ bê trung lương". Người con trai út của Dạng Đế là Triệu vương
Dương Cảo, năm đó 12 tuổi, được ông yêu thương, Hóa Cập bèn sai giết trước để
chứng tỏ rằng bọn tạo phản không nói đùa. Sau đó lại định hạ sát Dạng Đế, Dạng
Đế cho rằng thiên tử thì không thể chết trong binh đao, muốn dùng thuốc độc tự
tử. Nguyên là trước kia ông từng đoán biết có ngày này, nên luôn chuẩn bị độc
dược trao cho cung nhân. Lúc đó cung nhân bỏ chạy hết, không tìm được thuốc
độc. Nên Dạng Đế cởi chiếc khăn quàng cổ ra, và Lệnh Hồ Hành Đạt dùng nó siết
cổ Dạng Đế. Năm đó, Tùy Dạng Đế được 49 tuổi, ở ngôi 14 năm.
Không lâu sau ở Trường An, Lý Uyên ép Dương Hựu
nhường ngôi, lập ra nhà Đường. Năm 619, Vương Thế Sung giết Dương Đồng - một
tôn thất khác của nhà Tùy rồi xưng Trịnh Vương ở Lạc Dương. Noi gương bạn bè,
Vũ Văn Hóa Cập cũng sát hại Dương Hạo, con trai Tùy Dạng đế để chiếm ngôi vua.
Ở Hà Bắc, Đậu Kiến Đức cũng xưng Hạ Vương, nhà Tùy bị diệt vong kể từ đó. Sau
đó, các thế lực phản vương giao tranh với nhau thêm vài năm, cuối cùng thống
nhất về tay nhà Đường.
II. SỰ BIẾN HUYỀN VŨ MÔN
Đường Vương, sau này là Đường Cao Tổ Lý Uyên
xuất thân là một võ tướng của nhà Tùy, được gío trấn thủ Thái Nguyên, phía bắc
Trung Quốc. Lý Uyên có 4 người con trai là:
- Lý Kiến Thành
- Lý Thế Dân
- Lý Nguyên Bá
- Lý Nguyên Cát
Lý Thế Dân trong sự nghiệp kiến lập nhà Đường và
thống nhất đất nước đã tham gia nhiều trận đánh quan trọng và lập nhiều chiến
công lẫy lừng trên chiến trường, đồng thời chiêu mộ được nhiều người tài về
dưới trướng mình. Những người này đều cho rằng Lý Thế Dân có công lao lớn với
triều Đường nên xứng đáng ở vào ngôi vị cao hơn, ra sức khuyến khích Lý Thế Dân
tranh ngôi thái tử. Tuy nhiên theo lệ cũ thì thái tử không nhất thiết phải đích
thân lãnh binh, lập nhiều công trạng; làm thái tử quan trọng nhất là danh chính
ngôn thuận và có năng lực chính trị tốt. Lý Kiến Thành là con trưởng nên được
chọn làm thái tử từ đầu, được Đường Cao Tổ chuyên tâm bồi dưỡng đạo trị quốc
trong khi Lý Thế Dân còn đang nam chinh bắc chiến, có đóng góp không nhỏ trong
việc xử lý chính sự, định ra luật pháp, chiêu an dân chúng, khuyến khích sản
xuất, đảm bảo cung cấp đầy đủ binh lương cho chiến trường và cũng chưa có sai
phạm gì lớn. Đường Cao Tổ cảm kích công lao của Lý Thế Dân, phong Lý Thế Dân
làm Thiên Sách Thượng tướng, ban cho nhiều đặc quyền, nhưng trước sau chưa từng
tỏ ý muốn thay thái tử. Mâu thuẫn bùng nổ từ đây: Lý Thế Dân ra sức chiêu mộ
người tài, xây dựng thế lực riêng, còn Lý Kiến Thành cũng cảm thấy Lý Thế Dân
có ý đe dọa đến ngôi thái tử của mình nên tìm mọi cách tranh thủ sự ủng hộ của
người em thứ ba là Lý Nguyên Cát cùng với một số phi tần và đại thần của Đường
Cao Tổ, ý đồ hạ thấp uy tín, tước dần quyền lực và tiến tới làm suy yếu hoàn
toàn vây cánh của Lý Thế Dân, khiến Lý Thế Dân không còn đủ thực lực đe dọa
ngôi vị của mình nữa.
Thật ra Kiến Thành không phải không giỏi mà là
chưa có cơ hội để chứng tỏ bản thân. Năm 622, Lý Kiến Thành vâng mệnh mang quân
đi dẹp phản loạn Lưu Hắc Thát, kẻ đã gây ra bao nhiêu khó khăn cho nhà Đường ở
phía bắc. Kiến Thành được người em Nguyên Cát tích cực trợ giúp nên chiến
thắng, xách được đầu Lưu Hắc Thát về. Như vậy, thái tử Kiến Thành thoát được
cái dớp ko biết đánh trận. Hai năm sau, năm 624, Đường Cao Tổ phát hiện thái tử
tự ý gia tăng số binh sĩ dưới quyền, tức giận, ông hạ ngục tống giam, các bộ hạ
định đánh tháo cho thái tử thì bị phát hiện, chúng nổi loạn và chạy ra ngoài,
Lý Uyên sai Lý Thế Dân đi dẹp và hứa khi thắng lợi trở về sẽ cho Thế Dân thay
chức thái tử. Nhưng về sau, Lý Uyên lại ... ba phải, nghe theo các phi tần và
Tề Vương Nguyên Cát thả thái tử ra và ... dùng đạo lý để giảng hòa hai anh em.
Thấy ông bô ngày càng ba phải và lú lẫn, trong
khi thằng anh cả và thằng em trai như hùm như beo, lại có cả bộ sậu hoành
tráng, Lý Thế Dân tính đường xin ra ngoài để cho yên thân và phát triển thế lực
riêng. Nhưng nước đi này bị quân sư của thái tử là Ngụy Trưng đọc vị được nên
Lý Uyên lại ngăn cản ko cho đi. Sau đó, thái tử ngầm cho người đi liên hệ với
Lý Tĩnh và Lý Thế Tích, hai vị đại tướng hàng đầu của Đường triều hòng tìm kiếm
sự ủng hộ, nhưng Lý Tĩnh trước vốn bị Lý Uyên lột lon một lần nên từ chối hợp
tác. Lý Thế Tích cùng xông pha chiến đấu nhiều năm với Lý Thế Dân nên ông này
cũng lắc. Tình thế buộc thái tử phải tính đến chuyện ám toán Lý Thế Dân vì
không thể tìm được sự đồng thuận của đại đa số trọng thần.
Giữa lúc đi không được, ở chẳng xong thì Lý Thế
Dân bất ngờ trúng độc tại một buổi tiệc do Lý Kiến Thành tổ chức, nhưng may mắn
không chết. Những năm 625 - 626, cảm thấy sự tranh đoạt ngôi vị giữa các con sẽ
gây ảnh hưởng xấu cho triều Đường mới thành lập, Đường Cao Tổ dần dần tỏ ý muốn
cắt giảm quyền lực của Lý Thế Dân, củng cố ngôi vị Thái tử. Lão Uyên già chủ
động điều đi xa hoặc là xử tội chết những văn thần võ tướng trong phủ Tần
Vương: Trình Giảo Kim bị điều ra ngoài làm thứ sử, Phòng Huyền Linh và Đỗ Như
Hối bị điều ra khỏi phủ Tần Vương, còn Uất Trì Kính Đức suýt nữa bị Lý Uyên xử
tội chết. Cùng năm đó Đột Quyết xâm lấn, Đường Cao Tổ cũng không cử Lý Thế Dân
đi đánh dẹp như thường lệ mà giao việc này cho Lý Nguyên Cát. Lý Thế Dân không
rõ ý cha mình thế nào bèn về nhà họp thuộc hạ. Phòng Huyền Linh, mưu sĩ hàng
đầu đập bàn quát lớn:
- Còn tính mới toán gì nữa? Tề vương mà thắng
trận trở về là chúng ta mất thủ cấp cả lũ.
Trưởng Tôn Vô Kỵ, anh vợ Lý Thế Dân, cũng là một
bộ óc chiến lược tài ba lập tức tiếp lời:
- Hai anh em nhà ông bây giờ oán đã kết sâu
nặng, không giải quyết ổn thỏa, đừng nói là phủ Tần Vương này, cả Đại Đường
cũng chưa chắc giữ nổi.
Cuối cùng Vô Kỵ chốt hạ:
- Tiên hạ thủ vi cường, hậu hạ thủ tai ương. Vô
độc bất trượng phu.
Theo mưu kế của thuộc hạ, khi Lý Nguyên Cát trở
về, mới ngày hôm trước thì sang hôm sau Lý Thế Dân dâng tấu tố cáo Lý Kiến
Thành và Lý Nguyên Cát tư thông với 2 phi tần của Lý Uyên ở hậu cung. Đường Cao
Tổ hoài nghi, cho triệu cả ba vào cung tra xét thực hư. Lý Thế Dân được tin lập
tức sai Trưởng Tôn Vô Kỵ hành động: Sai bọn Uất Trì Kính Đức, Hầu Quân Tập,
Trương Công Cẩn, Lưu Sư Lập, Công Tôn Vũ Đạt, Độc Cô Ngạn Vân, Đỗ Quân Xước,
Trịnh Nhân Thái và Lý Mạnh Thường mang binh mã phục kích tại cửa Huyền Vũ. Đợi
lúc Kiến Thành và Nguyên Cát đi vào liền đóng sập cổng, chận đường, rồi đổ ra
giết chết cả hai. Lý Kiến Thành bị Thế Dân bắn chết, Lý Nguyên Cát bị Uất Trì
Kính Đức đập chết. Lúc này, Phùng Dực, Phùng Lập là thuộc hạ của Thái tử và các
tướng lĩnh trong phủ Tề Vương như Tiết Vạn Triệt nghe tin có biến vội dẫn hàng
ngàn binh mã tấn công Huyền Vũ môn nhưng chưa phá được thì Uất Trì Kính Đức đã
chặt thủ cấp của Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát giơ cao lên và quát:
- Chúng mài tìm đầu lâu hai thằng này hở?
Thấy Thái tử, Tề Vương đều đã chết, đạo binh mã
này không đánh tự tan. Lý Uyên còn đang ngồi trong cung chờ ba đứa con trai thì
nghe có tin báo ở bên ngoài đang xảy ra hỗn loạn. Đương lúc chưa biết sự thể ra
sao thì Uất Trì Cung tay lăm lăm xà mâu dẫn theo một toán binh lính xông vào,
chắp tay bẩm báo, nói rằng, Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát âm mưu làm phản đã
bị Tần vương giết cả rồi, “Tần vương sợ loạn quân sẽ làm kinh động đến Hoàng
thượng nên sai thần tới hộ giá”. Uất Trì Cung còn truyền đạt “thỉnh cầu” của
Tần vương Lý Thế Dân muốn Lý Uyên hạ lệnh cho bọn lính bảo vệ cung Thái tử và
phủ Tề vương không được kháng cự.
Sửng sốt trước sự biến, nhưng trước việc đã rồi,
Uyên không thể trị tội Thế Dân vì bản thân Thế Dân là người có công chinh chiến
đánh dẹp để dựng lên cơ nghiệp Nhà Đường, có nhiều uy tín với trăm quan và có
vây cánh mạnh. Và cuối cùng, quan trọng nhất là thằng Uất Trì Cung nó đang lăm
lăm ngọn thương hướng về mềnh. Lý Uyên đành phải thuận theo sự sắp đặt của Lý
Thế Dân, hạ lệnh cho lính bảo vệ của Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát phải hạ vũ
khí, không được kháng cự.
Ngay ngày hôm sau, tức ngày 5/9, Lý Uyên ban
chiếu chỉ lập Lý Thế Dân làm Thái tử. Hai tháng sau đó, Lý Uyên tuyên bố truyền
ngôi lại cho Lý Thế Dân, còn mình thì làm Thái thượng hoàng, sống an nhàn tới
cuối đời. Đây là cuộc chiến huynh đệ tương tàn đẫm máu mà sử sách Trung Quốc
vẫn gọi là “Sự biến Huyền vũ môn”.
Sau khi giết Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát ngay
tại cửa Huyền vũ, bức ép cha là Lý Uyên phải lập mình làm Thái tử, để trừ hậu
họa về sau, Lý Thế Dân dựa vào tội làm phản của Thành và Cát, giết sạch những
người có liên quan. Toàn bộ gia đình Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát cũng như
những người dính líu đến sự việc “mưu phản” đều bị Lý Thế Dân xử tội chết trong
đó có năm người con trai của Lý Kiến Thành và 2 người con trai của Lý Nguyên
Cát. Năm 626, ngày 4 tháng 9, Lý Thế Dân lên ngôi, tức là hoàng đế Đường Thái
Tông, đặt niên hiệu là Trinh Quán (貞觀), mở đầu cho thời kỳ Trinh Quán chi trị
(貞觀之治) thịnh vượng cho triều đại Nhà Đường. (Lý Nguyên Bá - con trai thứ 3 của
Lý Uyên, năm 16 tuổi té ngựa gãy cổ chết, không con cái).
*
TÁC
GIẢ (đang cập nhật)
Địa chỉ: (đang cập nhật)
Email: (đang cập nhật)
Điện thoại: (đang cập nhật)
- TRẦN CHÍ CƯỜNG giới
thiệu -
- Cập nhật từ email:
tranchicuong27@yahoo.com.vn ngày 11.10.2020.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang
Đặng Xuân Xuyến.
.
0 comments:
Đăng nhận xét