NGHỀ
VIẾT VÀ NHỮNG
NGUY
HIỂM RÌNH RẬP
(*)
*
NHỮNG
VỤ ÁN THƠ TRONG LỊCH SỬ
-
Tác giả Phạm Thuận Thành
Năm
Gia Long thứ 13 (1814), có vụ án “Văn chương phản nghịch” mà hậu quả kinh người
khiến cho bài học câu chữ không thể xem thường, vượt xa vụ án thơ thời Lê Thánh
Tông rất nhiều về mức độ. Nguyên nhân vụ án là cử nhân Nguyễn Văn Thuyên, con
trai tể tướng Nguyễn Văn Thành làm quan ở Nghệ An, nghe danh ở Thanh Hóa có hai
nhân vật văn chương lỗi lạc là Nguyễn Đức Nhuận và Nguyễn Văn Khuê, nên đã làm
một bài thơ kết giao sai gia nhân Nguyễn Trương Hiệu mang thư ra mời họ vào
chơi. Bài thơ được dịch như sau: Ái Châu nghe nói lắm người hay/ Ao ước cầu
hiền đã bấy nay/ Ngọc phác Kinh Sơn tài sẵn đó/ Ngựa kỳ Ký Bắc biết đâu thay/
Mùi hương hang tối xa nghìn dặm/ Tiếng phượng gò cao suốt chín mây/ Sơn tể phen
này dù gặp gỡ/ Giúp nhau thay đổi hội cơ này(Bản dịch của Trần Trọng Kim).
“Nhâm Ngọ, Quang Thuận năm thứ 3 (1462), tháng
3, tha tội chết cho Nguyễn Sư Hồi. Vua dụ các quan trong triều rằng: “Sư
Hồi vì có công trung hưng cùng với cha là Xí có công lao lớn trong buổi khai
quốc nên tha tội chết. Còn bọn Trịnh Lý thì triều thần các ngươi cùng bàn xử”. Sắc
dụ tả đô đốc Lê Thọ Vực rằng: “Bài thơ yêu ma đó chưa chắc là do Sư Hồi
làm, trong chỗ còn ngờ cũng có thể vu oan được. Những câu về Lê Niệm, Nguyễn
Lỗi, Trịnh Văn Sái thì có ngờ cho nó còn được, chữ Thọ Vực thì chỉ nói là hung
bạo, thực ra chưa đến mức phản nghịch thì sao lại đổ cho Sư Hồi làm? Nếu nó
đáng chết nữa thì cũng là trời hại nó, sao nhà ngươi lại manh tâm báo thù nó”.
Bấy
giờ Sư Hồi muốn hại bọn Lê Niệm làm một bài thơ vứt ra đường khiến người lưu
truyền đến tai vua. Bài thơ viết: Nhân hữu nhị tâm vưu khả nghi/Tự lai
chung cánh hiếu vi phi/Thổ biên hữu hoặc chân hung bạo/Thủy tại tây bàng xã tắc
nguy (Người có hai lòng rất đáng nghi/Giống chữ “lai” đó thích vi
phi/Bên “thổ” có “hoặc” thật hung bạo/“Thủy” sát bên “tây” xã tắc nguy).
(Người
có hai lòng là chữ “niệm”, tức Lê Niệm. Giống chữ “lai” là chữ “lỗi”, tức
Nguyễn Lỗi. Bên chữ “thổ” có chữ “hoặc” là chữ “vực”, tức Lê Thọ Vực. Bộ “thủy”
ở cạnh chữ “tây” là chữ “sái”, tức Trịnh Văn Sái).
Sư
Hồi làm bài thơ này chưa kịp lưu truyền thì tình gian bị bại lộ. Cả bọn đều xin
trị tội Sư Hồi nên vua có dụ này để răn bọn Thọ Vực”.
Lê
Niệm, Nguyễn Lỗi, Lê Thọ Vực, Nguyễn Sư Hồi đều là những người có công xướng
nghĩa đánh đổ triều đình tiếm ngôi Lê Nghi Dân, tôn lập vua Lê Thánh Tông ngày
6.6.Thiên Hưng thứ 2. Sau đó vua Lê Thánh Tông đã luận công ban thưởng, cấp
ruộng đất thế nghiệp, trong đó Sư Hồi được cấp kém Lê Niệm 200 mẫu, ngang bằng
Lê Thọ vực (150 mẫu), hơn Trịnh Văn Sái. Nhưng việc phong chức thì Lê Niệm,
Nguyễn Lỗi, Trịnh Văn Sái đều vượt Sư Hồi: Lê Niệm làm Thái phó Lỗ Sơn hầu, Lê
Thọ Vực làm Tả đô đốc tham nghị triều chính chưởng điện tiền ti Kỳ quận công,
Nguyễn Lỗi làm Đại đô đốc chưởng hình bộ, Trịnh Văn Sái làm Đô đốc tham dự
triều chính chưởng điện tiền ti. Có lẽ vì thế mà Sư Hồi ghen tị, hiềm khích.
May gặp vua anh minh sáng suốt nên việc trị tội có phần giảm nhẹ. Dù sao sách
sử ghi lại cũng là một vết nhơ và là bài học cho hậu thế chớ dùng thơ yêu ma
hại người, có khi chưa hại được thì mình đã bị hại.
Vậy
mà năm Gia Long thứ 13 (1814), lại có vụ án “Văn chương phản nghịch” mà hậu quả
kinh người khiến cho bài học câu chữ không thể xem thường, vượt xa vụ án thơ
thời Lê Thánh Tông rất nhiều về mức độ. Nguyên nhân vụ án là cử nhân Nguyễn Văn
Thuyên, con trai tể tướng Nguyễn Văn Thành làm quan ở Nghệ An, nghe danh ở
Thanh Hóa có hai nhân vật văn chương lỗi lạc là Nguyễn Đức Nhuận và Nguyễn Văn
Khuê, nên đã làm một bài thơ kết giao sai gia nhân Nguyễn Trương Hiệu mang thư
ra mời họ vào chơi. Bài thơ được dịch như sau: Ái Châu nghe nói lắm
người hay/ Ao ước cầu hiền đã bấy nay/ Ngọc phác Kinh Sơn tài sẵn đó/ Ngựa kỳ
Ký Bắc biết đâu thay/ Mùi hương hang tối xa nghìn dặm/ Tiếng phượng gò cao suốt
chín mây/ Sơn tể phen này dù gặp gỡ/ Giúp nhau thay đổi hội cơ này(Bản dịch
của Trần Trọng Kim).
Bài
thơ quá tâng bốc kẻ hiền tài chưa gặp mặt. Hai câu kết đã bị suy diễn là có âm
mưu thoán nghịch. Sơn trung tể là “Tể tướng trong núi”, dựa theo tích Đào Hoàng
Cảnh, đời Lương Vũ đế, học thức uyên bác mà không muốn ra làm quan, vào núi ở
ẩn. Mỗi khi vua có quốc sự phải cho người vào núi tìm hỏi kế. Vì vậy người đời
sau đặt là “Sơn trung tể tướng”. Nguyễn Trương Hiệu đọc thơ thấy có ý khác
người liền đem cáo giác với quan hình bộ, rồi đến tay tả quân Lê Văn Duyệt. Và
vụ án thơ xảy ra. Công thần Nguyễn Văn Thành cùng Vũ Trinh từng soạn bộ luật
Gia Long, một người là cha, một người là thầy dạy của Nguyễn Văn Thuyên mà để
Thuyên có ý ngạo mạn khẩu khí đế vương như vậy chẳng là mưu thoán nghịch ư. Nên
nhà vua sai đình thần nghị tội, Nguyễn Văn Thành tự tử trong ngục để giữ lòng
ngay, Nguyễn Văn Thuyên bị án phanh thây, Vũ Trinh bị án lưu đày.
So
sánh lời lẽ hai bài thơ của Nguyễn Sư Hồi và Nguyễn Văn Thuyên thì bài thơ của
Nguyễn Sư Hồi chỉ nhằm vào bậc dưới, còn bài thơ của Nguyễn Văn Thuyên có ý ngông
ngạo nhằm vào bậc đế vương quá rõ do đó cách xử của hai vị vua cũng khác nhau
rất nhiều.
LẬT
LẠI VỤ ÁN NHÂN VĂN GIAI PHẨM
-
Tác giả Trịnh Xuân Châu
Nhà
văn trưởng lão Tô Hoài, từng là Phó Tổng Thư Ký Hội Nhà Văn VN những năm có vụ
Nhân Văn, có nói rằng: “(Theo Tô Hoài) đó thực chất là một vụ án chính trị,
nhưng vì quàng vào một số nhà văn nên người ta cứ tưởng một vụ án văn chương.
Nhân sai lầm ở cải cách ruộng đất và ta chuẩn bị cải tạo tư sản ở Hà Nội, hai
tay Tây, một là Tổng Giám mục ở nhà thờ Hà Nội tên lÀ Dudley, hai là tay tùy
viên văn học của Sứ quán Pháp tên là Durand Fischer, bèn xúi giục mấy ông đảng
xã hội: Hoàng Văn Đức, Đỗ Đức Dục, Vũ Đình Hòe đòi ngang quyền với Đảng Lao
Động. Fischer có liên hệ với Nguyễn Hữu Đang, Thụy An, Minh Đức (Trần Thiếu
Bảo). Lúc này tư nhân ra báo không phải xin phép (hồi ấy ta vẫn còn theo chế độ
của Pháp). Ta bắt ba người có dính đến Pháp là Đang, An và Bảo. Còn hai tay Tây
thì trục xuất khỏi Việt Nam sau một tuần lễ. Còn Hoàng Văn Đức, Đỗ Đức Dục, Vũ
Đình Hòe thì lặng lẽ cho thôi thứ cả. Bây giờ sửa sai thì cứ lặng lẽ kết nạp
lại vào Hội Nhà Văn và tặng giải thưởng Nhà nước cho mấy ông Lê Đạt, Trần Dần,
Hoàng Cầm… Cho nên vụ án vẫn mù mờ chưa mấy ai hiểu rõ. Tổng chỉ huy chống Nhân
văn là Hoàng Văn Hoan. Tố Hữu chỉ là người thừa hành. (Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh
– 2008).
Đó
là một nhân chứng đáng tin cậy. Và còn rất nhiều nhân chứng khác về vụ này,
liên quan đến ông Trần Dần và thơ Trần Dần. Nhưng trước hết hãy đọc lại Nghị
quyết của Đảng Cộng Sản lúc bấy giờ nói gì. Nghị quyết đó có đoạn: “Tình hình
trên đây là miếng đất tốt cho những phần tử thù địch tiến hành những hoạt động
phá hoại. Nhằm vào chỗ yếu của mặt trận văn nghệ, nhất là dựa vào sự mơ hồ về
lập trường tư tưởng của số đông văn nghệ sĩ, những phần tư phá hoại đã tiếp tục
hoạt động và tác hại một cách nghiêm trọng. Rõ ràng những phần tử chống chủ
nghĩa xã hội, chống Đảng đã nhân chỗ sơ hở của ta mà tiếp tục tấn công ta, về
mặt tư tưởng dưới hình thức văn nghệ. Sự hoạt động của những phần tử phá hoại
trong giới văn nghệ là một hiện tượng hết sức nguy hiểm, một vấn đề cấp bách
cần giải quyết…” (Nghị quyết của Bộ Chính Trị BCHTƯ Đảng Cộng sản VN - số 30
NQ/TƯ ngày 6-1-1958.
Ông
Trường Chinh, trong báo cáo tại hội nghị TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ
10-21-3-1958 nói: “Những người tuyên truyền những tư tưởng tư sản trên đây đã
ngụy trang dưới những khẩu hiệu nịnh dân như “ủng hộ Đảng”, “ủng hộ chế độ”,
“nhân đạo”, “nhân văn”, “dân chủ hóa Nhà nước”, “tự do sang tác”, “đả đảo bè
phái”, “phản đối công thức”, “phản đối chủ nghĩa giáo điều”, “chống tả
khuynh”... v.v… Tuần báo “Nhân Văn” cũng như trên những tập văn “Giai phẩm” và
“Đất nước” thật không khác gì những “cơ quan tác động tinh thần” của bọn đế
quốc và Ngô Đình Diệm ở miền Bắc. Dã tâm của bọn “Nhân Văn” là tưởng có thể
dùng những cơ quan nói trên như bọn phản cách mạng Hunggari đã dung nhà xéc
Pêtôphi để từ chỗ phê bình, đã kích lãnh đạo, tiến tới cổ động quần chúng ra
đường biểu tình như ở Pôdơnam và Buđapét!. Ta không lấy làm lạ thấy các cơ quan
tuyên truyền của Mỹ - Diệm nhiệt liệt ca ngợi “những hành động dũng cảm của bọn
Nhân Văn”.
Sơ
qua vài cứ liệu như thế để thấy thêm vụ án Nhân Văn là vụ án chính trị, có
nhiều văn nghệ sĩ dính líu. Nghị quyết của Ban Chấp Hành Hội Liên Hiệp Văn học
Nghệ thuật Việt Nam còn nói mạnh hơn: “Qua đấu tranh, mọi người đã nhận rõ nhóm
“Nhân Văn – Giai phẩm” là một nhóm phá hoại, hoạt động hết sức nguy hiểm trong
lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, nhằm chống lại Tổ quốc, nhân dân, chống lại chủ
nghĩa xã hội, chống chế độ ta và Đảng ta. Cầm đầu nhóm đó là những tên “tác
động tinh thần” lành nghề, Tơ-rốt-kít lâu năm, những tên phản cách mạng già đời
hoặc đầu cơ cách mạng và phản bội, câu kết với một vài phần tử phản động trong
giai cấp tư sản. Bọn chúng dựa vào môt số văn nghệ sĩ kháng chiến trở về, số
người này từ khi về thành thị đã bị lối sống trụy lạc và tư tưởng phản động làm
cho biến chất, từ chỗ sa đọa về đời sống, tư tưởng và nghệ thuật, họ đã rơi vào
con đường chính trị phản cách mạng. Những hoạt động phá hoại của những bọn kể trên
đã diễn ra một cách liên tục và có hệ thống trong văn nghệ và trong trường Đại
học, suốt mấy năm nay” (Nghị quyết hội nghị, Hà Nội 4-6-1958, Nhà xuất bản Sự
thật)
Ngày
nay, sau 50 năm, với bao biến đổi, nhìn lại vấn đề, chúng ta có thể thấy ngôn
từ và hành động thời ấy thật quá kiên quyết, cứng rắn. Nhưng kháng chiến, đánh
giặc là kiên quyết và cứng rắn, không thể khác. Kỷ luật cũng khá nhẹ: Hoàng Cầm
chỉ bị cảnh cáo và khai trừ ra khỏi Ban Chấp hành Hội Nhà Văn, Trần Dần, Lê Đạt
chỉ bị khai trừ trong thời hạn 3 năm… Có người nói: so với việc Liên Xô, Trung
Quốc làm, thì Việt Nam là “nhẹ tay” (thực ra thì việc khai trừ 3 năm lại biến
thành 30 năm!)
Mấy
chục năm nay, các cơ quan tuyên truyền thông tấn của miền Nam (khi trước), hải
ngoại, phương Tây… cho trấn áp Nhân Văn là trấn áp tự do dân chủ. Nhưng hoàn
cảnh lịch sử nhận thức lịch sử lúc ấy là thế, mà chưa thấy Đảng ra nghị quyết
vào “xét lại” cả. Việc tặng thưởng giải Nhà Nước cho một số nhà văn đã tham gia
Nhân văn, có lẽ là xuất phát từ thiện ý muốn trong tình hình đổi mới, sau thắng
lợi của chiến tranh chống Mỹ, mà “hòa giải”, giữa những người dù sao cũng một
thời cùng một chiến hào, chứ chắc Chủ Tịch Nước không có ý “sám hối” mà ký lệnh
trao giải, như mạng Talawas nói.
Còn
về nhà thơ Trần Dần, thì trong cuộc đó, ông đã nói những lời như sau: “Tất cả
cái gọi là sự nghiệp chống công thức, tìm cái mới của tôi chỉ là sự nghiệp
chống Đảng ngày càng trầm trọng và khôn khéo hơn, như thế mà thôi. Con đường
tôi đã đi là đi từ những bất mãn cá nhân đến chống Đảng, ngày càng trầm trọng.
Đi
từ chống đối hung hăng đến chống đối tinh vi.
…
Tất cả những chuỗi gọi là sáng tác “mới”, “có tư tưởng” với lại “chống công
thức” của tôi đó chỉ là những hành động phá hoại, một chuỗi những tội lỗi chất
cao mãi lên… Tôi đã “giả danh cách mạng”, lừa mình dối người là tôi đứng ở ở
mũi nhọn đấu tranh chống chủ nghĩa Sta-lin, nhưng sự thực tôi đã đứng ở mũi
nhọn của chủ nghĩa tư bản, chống lại chủ nghĩa xã hội đã bắt đầu xây dựng ở
miền Bắc từ 3 năm nay. Tôi đã đứng ở hang ngũ bọn xét lại tơ rốt kít, bọn chống
Cộng, bọn gián điệp, bọn phá hoại các cỡ, và đằng sau hết là sự thật giẫm của
bọn đế quốc trùm sỏ chúng đã chăng khắp nơi một cái lưới, chằng chịt rất tinh
vi những tư tưởng và âm mưu phản động. Suốt thời gian qua, tôi đã múa may trong
sự điều khiển của các đường dây tư tưởng địch đó, múa may tợn tạo, khác gì con
rối phản cách mạng lầm tưởng mình là một con người. Trong 3 năm qua, tôi đã
sống hèn nhát đau khổ và hằn học. Một chuỗi ngày u mê nó tiêu ma sức lực vật
chất và tinh thần. Tư tưởng thù địch phá rỗng tâm hồn tôi” (Văn học, số 1, ngày
25-5-1958 Văn Nghệ, số 12, tháng 5 – 1958)
Ngày
nay, chúng ta cảm thấy những lời lẽ ấy là những lời quá nghiêm khắc, “đao to
búa lớn”, nhưng hồi ấy, đó là thường. Nhưng nhìn lại việc trao giải, và hàm ý
trao giải cho “Trần Dần – Thơ”, ta buộc lòng phải truy lại trước sau, xem đâu
là phải, trái, đứng đắn hoặc sai lầm, rồi nhìn vào cái sâu xa của hàm ý muốn
lợi dụng vụ Nhân văn một lần nữa của một số thế lực trong ngoài…
VỤ
ÁN TẬP THƠ "VỀ KINH BẮC"
-
Tác giả Hoàng Hưng
Vụ
án “Về Kinh Bắc” chắc đã được khởi động từ quãng giữa năm 1982, khi anh Nguyễn
Mạnh Hùng, Tiến sĩ Kinh tế, Giáo sư đại học ở Canada, cũng là nhà văn Việt Nam
hải ngoại có bút hiệu Nam Dao, đang làm việc/thăm chơi ở Hà Nội, xin nhà thơ
Hoàng Cầm một bản chép tay tập thơ Về Kinh Bắc để đem về Canada. Nguyễn Mạnh
Hùng được chính quyền Việt Nam coi là “Việt kiều yêu nước”, đã đóng góp tích
cực cho phong trào ủng hộ miền Bắc, chống Mỹ và chính quyền miền Nam từ khi còn
là sinh viên ở Canada. Sau khi đất nước thống nhất, anh đã nhiều lần về nước,
có tham gia tư vấn cho chính phủ về kinh tế. Mặt khác, anh lại quan hệ thân
thiết với các nhà văn trong nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm, đặc biệt với nhà thơ
Hoàng Cầm mà anh yêu mến.
Việc
Hoàng Cầm cho Nguyễn Mạnh Hùng một bản chép tay Về Kinh Bắc chẳng có gì cần bí
mật, khi chưa hề có văn bản hay chỉ thị miệng của cấp thẩm quyền nói rằng tập
thơ bị cấm lưu hành. Vả lại, ở cái quán rượu 43 Lý Quốc Sư mà Hoàng Cầm sống
nhờ vào đó từ nhiều năm, lúc nào cũng chật khách trầm ngâm say và âm u khói
thuốc, trong đó hầu hết là những người yêu văn nghệ “ngoài luồng”, và không ít
“đặc tình” (cộng tác viên, nói nôm na là chỉ điểm của công an), “cá chìm”
(tiếng lóng để chỉ trinh sát công an thường phục), thì có gì liên quan đến ông
Hoàng “thơ chui” này mà giữ kín được! Nhưng muốn hiểu vì sao có vụ án Về Kinh
Bắc, phải ngược thời gian lên mười năm trước, khi một số bài trong bản thảo Về Kinh
Bắc bắt đầu được truyền tay hơi rộng trong giới yêu thơ, trong đó ba bài Cây
tam cúc, Lá diêu bông, Quả vườn ổi (thường được gọi là bộ ba cây-lá-quả) được
mến mộ nhất – phần quan trọng vì chúng được xì xầm diễn giải như lời oán trách
của “em” (văn nghệ sĩ) với “chị” (Đảng), đại khái “em” yêu “chị”, nhưng “chị”
đã lừa “em”, cho “em” ăn toàn “quả rụng”, rồi bỏ mặc “em” bơ vơ để đi lấy
chồng… Theo Hoàng Cầm kể, thì năm 1974, công an Hà Nội có kêu tác giả lên răn
đe về việc lưu truyền những bài thơ “có nội dung xấu” ấy. Hoàng Cầm phải
ngưng, nhưng sau 1975, với không khí hào hứng của những ngày “miền Nam nhận họ,
miền Bắc nhận hàng”, Về Kinh Bắc lại có thêm độc giả ở miền Nam, và đến 1979,
sự giao lưu với nước ngoài bắt đầu được cởi mở hơn, một số Việt kiều đã có được
một số bài thơ chép tay của nhà thơ, trong đó dĩ nhiên “bộ ba cây-lá-quả” vẫn
đứng đầu bảng. Hoàng Cầm có kể đích danh một nữ bác sĩ xưng tên là Cần Thơ ở
Pháp đã xin ông gửi cho một số bài thơ, sau này bà cho biết bà là đệ tử của
thiền sư Thích Nhất Hạnh ở Làng Mai. Trong khi xét hỏi bản thân tôi, một sĩ
quan công an cho biết: Về Kinh Bắc bắt đầu thành vấn đề nghiêm trọng chính là
vì mấy bài thơ này được in trên một tờ báo ở Pháp kèm theo lời bình mang tính
chống đối chính trị. Theo Hoàng Cầm thì công an có đọc cho ông nghe bài viết ấy
trên báo Đất Mẹ (Quê Mẹ?)
Tóm
lại, chậm nhất là vào mùa thu 1982, một chuyên án Về Kinh Bắc đã được mở ra,
với mục đích ngăn chặn việc đưa bản thảo này ra nước ngoài và bắt tội tác giả
của nó, hoặc đơn giản chỉ là mượn cớ việc chuyển bản thảo này ra nước ngoài để
trừng trị tác giả cho bõ ghét. Theo Hoàng Cầm thì khả năng 2 là chính, ông nhất
định cho rằng chính Tố Hữu là người chủ trương, vì căm ghét Hoàng Cầm đã dám
chê thơ ông ta (vụ phê bình tập Việt Bắc năm 1956), chưa kể đã “dám nổi tiếng”
hơn ông ta trong kháng chiến! Và cũng theo Hoàng Cầm, để làm việc này, Tố Hữu
đã sử dụng một số “công an riêng” của mình.
Thế
là trong lúc một cái lưới đang giăng ra xung quanh quán rượu Hoàng Cầm ở 43 Lý
Quốc Sư, thì tôi ở Sài Gòn ra, vô tình chui vào đó, trở thành con cá to (?)
cuối cùng để công an cất vó!
Vì
sao định mệnh lại chọn tôi làm con cá oan nghiệt kia? Suốt mấy năm trời trong
trại giam tôi vẫn tự hỏi, vì xét theo logique, tôi chẳng thể nào hình dung mình
có ngày “ách giữa đàng đâm quàng vào cổ” như thế.
Bởi
lẽ thứ nhất: từ khi Hoàng Cầm hoàn thành Về Kinh Bắc (mùa xuân 1960) cho đến
tháng 8 năm 1982, đã có hàng trăm bản chép tay của nó được lưu truyền, mà không
thấy ai làm sao, cũng không ai phổ biến lệnh cấm dù chỉ là lệnh miệng. Lý lẽ
này tôi lặp đi lặp lại trong các buổi hỏi cung, tôi còn vặn lại người cán bộ
xét hỏi: “Để một tài liệu ‘phản động’ tự do lưu truyền trong 20 năm như thế thì
trách nhiệm của cơ quan an ninh ra sao?”. Tất nhiên họ không trả lời được. Và
hậu quả của sự “cứng đầu” cộng với ngây ngô của một anh nhà-giáo-nhà thơ-đi-làm-báo
tưởng rằng trên đời có thứ gọi là công lý, là tôi phải nhận đến 39 tháng tù
trong khi “đầu vụ” chỉ có 16 tháng!
Lẽ
thứ hai là quan hệ của tôi với tác giả Về Kinh Bắc vốn không có gì mật thiết.
Là một trong số những nhà thơ trẻ nổi bật của “thế hệ chống Mỹ”, nhưng vì
“trót” đọc được tiếng Pháp, tôi sớm giác ngộ về “Chủ nghĩa Xã hội với bộ mặt
người” qua những sách báo tiếng Pháp ở ngay trong Thư viện Quốc gia (Nhà nước
cho rằng rất ít người biết tiếng Pháp nên không kiểm duyệt bỏ những ấn phẩm
tiếng Pháp “nhạy cảm” được nhập vào đó theo con đường viện trợ, trao đổi). Đó
là thuyết “chủ nghĩa hiện thực không bờ bến” của Roger Garaudy, một nhà lãnh
đạo Đảng Cộng Sản Pháp, những tư tưởng “xét lại” của George Lukacs, nhà lãnh
đạo cộng sản Hungary, tiểu thuyết “Docteur Jivago” của B. Pasternak, các tài
liệu về Đại hội Đảng Cộng Sản Liên Xô lần thứ XX, về những biến động ở Hungary,
Tiệp Khắc… Những sách vở ấy cộng với thực tế nhiều phũ phàng mà tôi va chạm
trong mấy năm dạy học và “đi thực tế sáng tác” ở vùng công nghiệp Hải Phòng,
Quảng Ninh, cộng với sự đổ vỡ niềm tin chiến thắng sau Tết Mậu Thân và cái chết
của “Bác”, khiến tôi ngày càng hoài nghi sự đúng đắn của chế độ. Tất nhiên tôi
cũng nhìn lại phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm bằng con mắt hoàn toàn khác những
gì Đảng dạy. Vì thế, cuối năm 1969, khi đã viết một số bài thơ “ngoài luồng”
không thể công bố, tôi tìm đến làm quen với anh Văn Cao qua dịch giả Dương
Tường. Chính Văn Cao là người đã khuyến khích tôi tiếp tục lối thơ
“bàng thống” mà tôi đang bước vào. Anh trở nên thân thiết với tôi, và đã đứng
chủ trì buổi tiếp bạn bè văn nghệ trong ngày cưới tôi đầu năm 1975. Với Hoàng
Cầm thì khác. Không chỉ “có vấn đề” về tư tưởng, ông còn tai tiếng là con
nghiện (thuốc phiện) và chủ quán rượu chui. Tôi – một nhà thơ trẻ đang được ưu
ái, lại là nhà giáo và nhà báo của ngành giáo dục (Báo Người Giáo viên Nhân
dân), cũng thấy ngại dây dưa! Mãi sau khi đã chuyển vào Sài Gòn công tác, tư
tưởng ngày càng “diễn biến hòa bình” do tác động của cuộc sống và sách vở tàn
dư của chế độ Sài Gòn, trong một lần ra Hà Nội vào cuối những năm 1970 hay đầu
1980, tôi mới tìm đến Hoàng Cầm, cũng do Dương Tường đưa dắt. Chính lần ấy, tôi
được nhà thơ khoe một bản thảo Về Kinh Bắc do ông chép tay chữ rất đẹp, bay
bướm uyển chuyển, có mấy phụ bản tranh của Bùi Xuân Phái vẽ các cô gái quan họ.
Đó là tập bản thảo mà ông đã bán cho ông Lâm chủ quán cà phê chuyên sưu tầm
tranh của các hoạ sĩ nổi tiếng ở Hà Nội, nay ông mượn lại, có lẽ để khoe với
những người bạn mới, có thể là Việt kiều chăng? Nhân dịp, tôi đã xin nhà thơ
chép cho ba bài Cây - Lá - Quả đem về Sài Gòn khoe vài người bạn văn nghệ
“chui” vốn là dân Sài Gòn cũ (trong đó có anh Phương Kiến Khánh, sau trở thành
nhà thơ Chân Phương ở Mỹ).
Trong
chuyến ra Hà Nội tháng 8 năm 1982, định mệnh xui khiến tôi lại đến với Hoàng
Cầm ngoài chủ ý. Một bữa tôi gặp Dương Tường trên phố, anh sốt sắng bảo tôi đến
an ủi Hoàng Cầm vì nhà thơ vừa trải qua một bi kịch: con gái yêu của ông là nữ
diễn viên kịch Hoàng Yến chết đột ngột – nghe đâu là tự tử. Tôi đến chơi, lại
nghe ông than là vừa bị mất tập bản thảo Về Kinh Bắc mượn lại của Lâm cà phê
(chắc hẳn công an đã lấy đi làm hồ sơ cho vụ án Về Kinh Bắc đang chuẩn bị). Ông
tỏ ra rất tiếc xót, vì khó có cơ hội làm lại một tập đẹp như thế. Tôi hứng lên,
nói sẽ làm lại cho ông một tập đẹp hơn thế. Ông bảo tôi đến gặp Trần Thiếu Bảo
ở phố Bát Đàn, nhờ ông này mua giấy và bút bi loại tốt để ông chép. Trần Thiếu
Bảo nhận lời ngay. (Chỗ này, nhân thể nói bài nghiên cứu của tác giả người Đức
Heinz Schutte công bố trên talawas 31/7/2010 có chỗ lầm: ông cựu giám đốc Nhà
Xuất bản Minh Đức sau khi ra tù không bị chỉ định cư trú ở Nam Định cho đến
chết, ông đã được về lại Hà Nội từ lúc nào đấy, và vào năm 1982, ông đang chuẩn
bị mở quán ăn để sinh sống tại số 5 (?) Bát Đàn. Thế là việc chép tay Về Kinh
Bắc tiến hành. Tôi đồng thời đến xin Văn Cao một phác hoạ làm bìa tập thơ Về
Kinh Bắc, và xin Bùi Xuân Phái mấy phụ bản. Ít ngày sau, tôi vui sướng có trong
tay một bức hoạ mấy cái lá bay (chắc là “lá diêu bông”) của Văn Cao và 4 phụ
bản màu nước của Bùi Xuân Phái vẽ những cô gái quan họ nón quai thao áo tứ
thân. Có một chi tiết mà những ngày đó tôi đã bỏ qua. Trong thời gian này, tôi
hầu như ngày nào cũng đến quán rượu Hoàng Cầm để giục nhà thơ chép cho xong tập
thơ. Một tối, tôi trông thấy trong quán có một người quen, anh nguyên là giáo
viên cùng dạy học với tôi ở Hải Phòng, nhưng đã chuyển về Hà Nội, nghe đâu làm
ở bộ công an, vì anh là cháu ruột ông tướng công an nổi tiếng Nguyễn Công Tài.
Thấy tôi, anh cất giọng lè nhè như của người say rượu bảo: “Cái ông Hưng này
đến là rách việc”. Tôi hồn nhiên không để ý, chỉ cười rồi đi ra. Sau khi bị bắt
tôi mới đoán rằng anh bạn đồng nghiệp cũ có lòng tốt cảnh báo để tôi khỏi sa
bẫy. Nhưng lúc đó tôi hoàn toàn ngây thơ và tự tin việc xin thơ Hoàng Cầm chẳng
có vấn đề gì mà phải đề phòng!
Ngày
Hoàng Cầm hoàn thành việc chép Về Kinh Bắc, tôi muốn nhân đó có một cuộc liên
hoan nhỏ với các bậc đàn anh để ăn mừng và cũng là để chia tay lên đường vào
lại Sài Gòn. Ông Trần Thiếu Bảo đề nghị làm ngay tại nhà ông ấy, như cũng để
khai trương quán của ông. Đầu bếp là Phan Tại, nhà viết kịch cũng là đồng phạm
của ông trong vụ xử án “gián điệp phản động Nhân Văn - Giai Phẩm” năm 1960.
Trong bữa ăn vui vẻ tình cảm dạt dào giữa những người cùng tâm sự (có Hoàng
Cầm, Văn Cao, Bùi Xuân Phái, Trần Thiếu Bảo, Phan Tại; tôi tuy vong niên nhưng
được các đàn anh cư xử như kẻ ngang hàng), ông Bảo khoe mọi người hai cái “bìa”
cho tập Về Kinh Bắc và tập thơ của tôi mà ông trình bày theo lối siêu thực (Trước
đó ít lâu, tôi có khoe một tập bản thảo thơ “chui” của mình cho một số bạn văn
nghệ ở Hà Nội, trong đó có Nguyễn Thuỵ Kha, tập thơ gây ấn tượng khá mạnh vì sự
phá cách của nó. Ông Bảo xin mượn ít hôm). Sau liên hoan, ông Bảo đề nghị tôi
cho ông mượn tiếp tập ấy cùng với tập Về Kinh Bắc vừa mới hoàn thành.
Những
ngày sau đó, tôi lo chuẩn bị để lên đường, nên định bụng trước khi đi mới đến
nhà ông Bảo lấy lại hai tập thơ. Không hiểu sao ông Bảo rất sốt ruột, ngày nào
cũng đến nhà bà chị tôi (là nơi tôi ở nhờ trong thời gian lưu lại Hà Nội) thúc
giục tôi tới lấy! (Sau mới ngã ngửa ra là Trần Thiếu Bảo bị công an khống chế,
phải làm chỉ điểm cho họ, ít ra là trong vụ Về Kinh Bắc này. Nếu vì lý do gì đó
mà tôi không đến lấy hai tập bản thảo, thì vụ án bị hẫng to!)
Hoá
ra họ đã sắp xếp rất chu đáo để “cất vó” Về Kinh Bắc mà tôi là một con cá hẩm
hiu ở đâu đến chui đầu vào lưới. Sau này một anh công an quen thân với gia đình
anh cả tôi còn cho biết họ đã bí mật theo dõi, quay phim tôi suốt nửa tháng
trời mà tôi không hề để ý!
Chiều
17/8/1982, sau khi sắp xếp xong hành lý để đi chuyến tàu tối xuống HP và sáng
hôm sau đi tàu biển vào Sài Gòn, tôi đến nhà Trần Thiếu Bảo lấy lại 2 tập thơ.
Vào trong quán, tôi thấy hai người đàn ông đang ngồi uống nước. Sau vào trại giam
đi “cung” mới biết đó là ông Khổng Minh Dụ ở A25, sau này sẽ là Thiếu tướng Cục
trưởng và cũng là “nhà thơ”, và anh Thuận, trợ lý của ông, sau này sẽ là Cục
phó Cục chống Bạo lọan. Tôi cứ hồn nhiên cầm tập thơ đi ra, lên xe đạp phóng.
Được một đoạn, bỗng có hai anh thanh niên đèo nhau xe gắn máy ép tôi vào lề
đường. Hai anh nhảy xuống, giữ tôi lại, bảo: “Cái xe đạp anh đang đi là xe của
chúng tôi bị mất cắp”. Tôi kinh ngạc, vì tôi đang đi chiếc xe của bà chị ruột.
Đang cãi qua cãi lại, thì một công an mặc sắc phục ở đâu tiến tới, nói: “Các
anh lộn xộn gì thế, mời về đồn giải quyết”. Đồn công an gần đấy là đồn Hàng
Bạc. Vào trong đồn, anh công an xưng là đồn trưởng, yêu cầu tôi bỏ hết các thứ
trong túi xách ra. Thấy tập bản thảo của Hoàng Cầm, anh ta hỏi: “Cái gì thế
này? Thơ à? Thơ của ai đây?”. Tôi đáp: “của Hoàng Cầm.” “Hoàng Cầm là ai? Anh
ngồi đây đợi, cái này tôi phải xin ý kiến cấp trên”. Tôi ngu đến mức vẫn chưa
biết đây chỉ là một màn bi hài kịch dàn dựng sẵn.
Sau
khoảng 20 phút chờ đợi, anh đồn trưởng bước vào, bảo: “Đây là ý kiến cấp trên”.
Anh giở ra một tờ giấy, đọc: “Lệnh bắt và khám xét khẩn cấp” vì tội “lưu truyền
văn hoá phẩm phản động”. Thế là nhanh như cắt, hai anh thanh niên “mất xe đạp”
lúc nãy hiện nguyên hình là công an, áp giải tôi lên xe bịt bùng, đưa về… Hoả
Lò!
Ngày
20/8/1982 thì đến lượt Hoàng Cầm bị bắt. Còn Nguyễn Mạnh Hùng, khi ấy đang ở Sài
Gòn chuẩn bị bay về Canada. May được Dương Tường kịp báo hung tin, anh gửi ngay
tập bản thảo Về Kinh Bắc cho Cao Xuân Hạo giữ, ra sân bay vô tang. (Tuy nhiên,
khi khám xét hành lý của tôi, công an thu được một bức thư Hoàng Cầm nhờ tôi
đưa cho Nguyễn Mạnh Hùng khi vào Sài Gòn, thư dán kín nên tôi không biết nói gì
trong đó). Hùng bị cấm cửa về Việt Nam trong suốt 20 năm. Chuyến anh trở lại Việt
Nam sau 20 năm ấy, lần đầu tiên hai người “đồng phạm” bất đắc dĩ chúng tôi mới
gặp nhau.
Sau
khi tôi và Hoàng Cầm bị bắt, tin đồn lung tung, có cả tin tôi bị bắt vì mang
thuốc phiện lậu! Theo nhà báo Trần Đức Chính, Tổng Biên tập tờ báo của Hội Nhà
báo Việt Nam, thì có tờ báo hồi ấy đăng tải cả một chuyện vụ án mang tên “Vụ án
hai ông Hoàng” với nhiều tình tiết ly kỳ! Gần đây, một số sách báo ở nước ngoài
và trên mạng vẫn viết là Hoàng Hưng bị bắt vì âm mưu chuyển tập thơ Về Kinh Bắc
vào sứ quán Pháp! Mới biết trí tưởng tượng của người ta phong phú thật!
Kết
cục của vụ án tóm tắt như sau: Hoàng Cầm sau mấy tháng bị giam thì kiệt sức vì
bị khủng bố tinh thần liên tục mà lại không có nàng tiên nâu trợ lực, phải nhận
tội phản động, chống Đảng, chống chủ nghĩa xã hội, chống chế độ, để mong sớm
được ra.
Tôi
không thể nào quên cái buổi sáng ấy trong Hỏa Lò. Sau mấy tháng không thuyết
phục được tôi thừa nhận Về Kinh Bắc là “phản động”, công an để tôi nghỉ một hơi
dài. Rồi bỗng một hôm tôi lại được gọi đi “làm việc”. Người công an đưa tôi vào
một phòng hỏi cung, nhưng không có ai trong đó. Mà lại có một tập giấy thếp
viết sẵn để trên bàn. Tôi tò mò giở ra, thì… trời ơi, đó là bản tự khai của
Hoàng Cầm, tôi nhận ra chữ viết rất nắn nót, đẹp, của ông. Tôi đọc lướt, càng
đọc càng hoang mang vì ông nhận tuốt tuột các ý tưởng chống Đảng, đả kích chế
độ… trong tập thơ. Để cho tôi một mình đọc xong, người ta mới đưa tôi trở lại
phòng giam. Và họ bố trí rất khéo, để như tình cờ tôi gặp Hoàng Cầm đang ngồi ở
cổng chờ (giữa khu trại giam và khu “làm việc” có một cái cổng lớn, sau khi
“làm việc” xong phạm nhân ngồi đó chờ “quản giáo” ra nhận để đưa vào buồng
giam). Tôi xông đến bên ông, hỏi gay gắt: “Anh nhận tội phản động thật à? Sao
lại thế?” Hoàng Cầm cúi đầu xuống, không nói gì, từ khóe mắt ông lăn ra những
giọt nước mắt. Đến tận hôm nay, nhớ lại những giọt lệ tủi nhục của nhà thơ đàn
anh, lòng tôi vẫn còn đau. Với tôi, tự buộc mình phải hèn để có thể tồn tại là
điều không gì đau hơn cho một kẻ sĩ.
Nhưng
trong lúc Hoàng Cầm ngong ngóng công an thực hiện lời hứa (?) cho về vào dịp
Tết, thì một số trí thức Pháp do Thiền sư Thích Nhất Hạnh vận động đã gửi thư
cho Lê Đức Thọ đề nghị thả nhà thơ. Tin đến tai Tố Hữu, ông “bạn thơ” quý hoá
phán một câu xanh rờn: “Nước ngoài can thiệp hả? Thế thì giam thêm 1 năm nữa
cho biết!” (theo lời Hoàng Cầm kể, Hoàng Hưng ghi, đăng trên talawas mở đầu tập
Về Kinh Bắc 5/4/2007). Thế là Hoàng Cầm bị giam tổng cộng 16 tháng (20/8/1982 -
trước Noel 1983).
Còn
bản thân tôi, chỉ vì tội bướng, mà bị công an lục tung nhà trong SG suốt một
ngày trời. Họ tìm ra một số trang nhật ký bằng văn vần làm từ đầu thập kỷ 1970
mà công an nhận định là “phản động gấp 100 lần thơ Hoàng Cầm” (lời ông Khổng
Minh Dụ)[2]. Sau gần ba năm điều tra rất công phu mà không tìm thấy gì chứng tỏ
tôi nằm trong đường dây liên lạc với bọn “văn nghệ sĩ phản động hải ngoại”,
cuối cùng, nhờ là “cán bộ nhà nước phạm tội lần đầu”, tôi được đặc ân “chỉ xử
lý hành chính nội bộ chứ không bị truy tố ra toà” (lời viên công an khi công bố
lệnh “tập trung cải tạo” dành cho tôi). Mãi đến cuối năm 1985, nhờ không khí
chính trị có phần nới lỏng trước Đổi mới, và nhờ người anh ruột là Bác sĩ phục
vụ các cán bộ cao cấp đứng ra bảo lãnh, tôi mới được về sau 39 tháng tù, với
cái lệnh tha mang tội danh được cải thành “lưu truyền văn hoá phẩm đồi trụy”
(!) Không hiểu sao lại có sự cải đổi từ “văn hoá phẩm phản động” sang “đồi
trụy” như thế? Chắc là công an không muốn có bất cứ bằng chứng nào chứng tỏ có
tội danh “phản động” trong luật pháp Việt Nam, cũng như họ không bao giờ thừa
nhận có “tù chính trị” vậy. (Những người bạn vong niên của tôi bị tù đầy trong
vụ án “xét lại” khi ra tù không ai được cầm lệnh tha hay giấy ra trại!).
Một
điều an ủi lớn cho tôi: bị nhà nước bỏ tù, nhưng tôi được đồng nghiệp bạn bè
cảm thông. Thời gian tôi bị bắt, có chuyện được coi là hy hữu: Báo Người Giáo
Viên Nhân Dân, cơ quan tôi, hết sức bênh vực tôi. Báo còn trả lương đều đặn và
gửi quà cho tôi, bất chấp công an phàn nàn; phải 2 năm sau, khi công an công bố
lệnh tập trung cải tạo với tôi, báo mới đành ngưng việc ấy và Bộ Giáo dục mới
ra quyết định “cho ông Hoàng Hưng thôi việc vì vi phạm pháp luật bị tập trung
cải tạo” (chứ không “buộc thôi việc” như thường thấy trong các vụ tương tự).
Người có vai trò lớn trong chuyện này là nhà báo Trường Giang, Bí thư Chi bộ
Đảng, Thư ký Toà soạn báo Người Giáo Viên Nhân Dân. Ở Sài Gòn, gia đình tôi lâm
vào cảnh “vợ dại con thơ” cực kỳ khốn đốn, có những bữa phải ăn chuối trừ bữa,
nhưng bù lại đã nhận được sự thông cảm yêu thương của tất cả bà con khu phố, kể
cả anh cảnh sát khu vực, của các thầy cô gíao dạy cháu Hoàng Ly.
Sau
khi ra tù, Hoàng Cầm mất hằng năm trời sống trong trạng thái thường trực hoảng
loạn, hậu quả của thời gian tù ngục. Nhờ sự động viên của bạn bè văn nghệ ông
mới dần dần hồi phục. Sau Đổi mới, thơ Hoàng Cầm bắt đầu tái xuất, nhưng riêng
Về Kinh Bắc còn bị công an ngăn trở dài dài cho đến tận năm 1994 mới
ra mắt được. Hoàng Cầm trở thành gương mặt của truyền thông không thua gì các
“sao”, cuối cùng ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học (2007). Tuy
nhiên, cho đến khi ông qua đời (tháng 5/2010), chính quyền không hề có một lời
minh oan hay xin lỗi, đừng nói gì đến bồi thường cho những năm tù đầy oan ức
của ông.
Còn
tôi, ngay sau khi tôi ra tù, Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục,
thầy dạy cũ của tôi ở Khoa Văn Đại học Sư phạm, ngỏ ý sẵn sàng nhận tôi làm
việc ở cơ quan Bộ. Nhưng tôi chọn tiếp tục nghề báo, và năm 1988, tập Ngựa biển
bao gồm hầu hết những bài thơ trong tập bản thảo của tôi bị công an tịch thu
năm 1982, là tập thơ “ngoài luồng” đầu tiên tự xuất bản ở nước ta sau Đổi mới,
nhờ được anh Trương Văn Khuê, Giám đốc Nhà Xuất bản Trẻ cương quyết bảo vệ. Từ
đó tôi in thơ bình thường. Riêng tập thơ Ác mộng viết về những trải nghiệm tù
đầy thì đến nay vẫn bị các nhà xuất bản từ chối. Tuy nhiên một số bài trong đó
đã được công bố nhờ sự “chịu chơi” của nhà thơ Quang Huy, Giám đốc Nhà Xuất bản
Văn Hoá - Thông Tin, rồi sau đó bài Người về được đưa vào những tuyển thơ quan
trọng nhất; bản tiếng Anh của nó (Nguyễn Đỗ và Paul Hoover dịch) được đưa vào
dự án Tổng tập văn học thế giới của một tập đoàn xuất bản quốc tế danh tiếng.
Riêng có chuyện xuất cảnh thì tối kỵ. Chắc người ta ngại tôi ra ngoài sẽ trở
thành nhân chứng sống cho “thành tích nhân quyền” của chế độ. Mãi đến năm 2000,
do một đồng nghiệp bảo lãnh trực tiếp với ông Tổng cục trưởng An ninh, tôi mới
được ông đích thân cho phép ra khỏi nước mà không kèm “điều kiện” nào.
Có hai chuyện thú vị về
hậu vụ án Về Kinh Bắc:
Năm
2002, khi tôi về hưu tại báo Lao Động, do khiếu nại của tôi, báo Lao Động và
Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam đã kiến nghị Bộ Lao Động Thương binh Xã hội
trả lương hưu cho tôi theo cả thời gian làm việc trước khi bị bắt (quy định phi
lý phi nhân của Bộ này là vứt bỏ hết thời gian làm việc của cán bộ công nhân
viên trước khi họ bị kỷ luật hay bắt giam, như đã áp dụng với nhà văn Bùi Ngọc
Tấn). Lý do được nêu rõ trong công văn: Ông Hoàng Hưng bị bắt giam vì cầm tập
thơ Về Kinh Bắc của Hoàng Cầm mà thời đó coi là phản động, nay xã hội đã có
nhìn nhận khác, quyền lợi của ông Hoàng Hưng phải được trả lại. Kiến nghị bị từ
chối. Nhà báo Nguyễn Thị Hằng Nga, Đại biểu quốc hội, bèn đưa thẳng hồ sơ cho
bà Bộ trưởng Nguyễn Thị Hằng, thế là Bộ này quay 180 độ, đổi ngay quyết định,
phá lệ!
Năm
2005, trên một chuyến bay từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội, tình cờ tôi ngồi
ngay bên cạnh một viên công an trực tiếp hỏi cung tôi trong vụ Về Kinh Bắc. Quả
đáng tội, hồi đó ông và tôi đã từng khá căng thẳng với nhau. Nay ông giữ một
chức vụ quan trọng trong ngành an ninh. Ông vui vẻ chủ động bắt chuyện. Ông nói
nhiều chuyện về văn nghệ, rồi bỗng bảo tôi thế này: “Tập thơ Về Kinh Bắc hay
thật! Anh phải viết một kịch bản phim về nó đi! Tôi biết chỉ có anh là viết
được thôi!”
Lạy
Trời! So với bao nhiêu người chịu oan khiên cho đến lúc chết mà chẳng ai biết
đến, như ông Lê Nguyên Chí trong vụ Nhân Văn - Giai Phẩm chẳng hạn, thì Hoàng
Cầm và tôi thế là còn có phúc lắm! Nhớ lại lời ông công an họ Khổng phán khi
tôi cãi rằng nhật ký của tôi để trong nhà, có lưu truyền đâu mà các ông bắt
tội? Ông nói ngay: “May cho anh đấy! Anh mà lưu truyền thì đi tù không có ngày
về”.
Kỷ niệm 25
năm ngày ra tù (30/10/1985 – 2010)
Hoàng Hưng
________
[1] Lê Hoài Nguyên nhớ nhầm là năm 1983.
[2] Tôi chỉ còn nhớ vài đoạn, đại khái như sau:
… Các anh bảo chúng tôi
Đi chiến đấu cho ngày mai tươi đẹp
Chúng tôi đi
Vì không sợ chết
Chúng tôi chết
Vì sợ sống hèn
Nhưng sẽ ra sao cái ngày mai ấy?
… Chúng tôi đấy
Đều ngoan ngoãn cả
Anh vừa lòng chứ ạ?
Vâng, chúng tôi cứ khoanh tay ngoan ngoãn ngồi nhìn
Sự nặng nề ngu độn của các anh
Cứ chầm chậm dìm con tàu xuống biển.
HAI
LẦN THOÁT KHỎI HIỂM HỌA THI CA
-
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn
Cách
đây khoảng 30-40 năm, không khí văn chương ở nước ta rất căng thẳng. Các nhà
văn nhà thơ tài giỏi như Phùng Quán, Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm…đều không may
dính vào những vụ án văn chương đến nỗi bị cấm viết, thường đi lao động chân
tay ở các vùng núi, vùng quê, gọi là đi thực tế. Nếu tôi nhớ không nhầm thì chỉ
vì các câu thơ đại loại như: “Dù ai cầm dao dọa giết/ Cũng không nói ghét thành
yêu”, “Chỉ thấy mưa sa trên nền cờ đỏ”, “Đôi môi tươi đạn xé/ Chưa bao giờ được
hôn”… Tôi nhớ dạo đó nghèo quá, có cuộc thi trên báo, nhà văn Phùng Quán phải
viết rồi ký tên vợ anh là chị Bội Trâm để được nhận giải thưởng (vì nếu ký tên
anh thì không bao giờ được giải!). Nhưng sau này, đến năm 2007, thì hầu như các
nhà văn nhà thơ trên đều được minh oan, nhiều người đã được trao tặng giải
thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Tôi
chỉ là một người viết báo, làm thơ những năm 1970-1990, còn trẻ nên rất hồn
nhiên viết tất cả những gì là tâm sự của riêng mình. Năm 1973, là phóng viên
báo Hà Nội Mới, có ông chồng mới cưới công tác tận trên Tây Bắc mà chẳng may ở
cơ quan lại có một chàng cứ tôi đi đâu cũng đi theo và nhiều lần tuyên bố thẳng
thừng là… rất mến mộ PTTN(!). Nhưng có phải cứ ai thích mình là mình cũng thich
người ấy đâu, nên tôi viết câu thơ mang tính chất rất “hoàn cảnh”: “Người tôi
yêu đã đi xa/ Người yêu tôi lại ở nhà, chán ghê!”. Dạo đó, khi tôi gửi một chùm
thơ đến báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn thì các bài khác đều được đăng, chỉ có câu
này bị bỏ lại, vì theo các vị biên tập thơ thì câu này…cũng hay, nhưng trong
tình hình đang đánh nhau rất khốc liệt như năm 1973, cả nước không đăng thơ
tình mà câu này nghe lại có vẻ…ngoại tình (!), thì không thể nào đăng được!
Sau
ngày thống nhất đất nước, khi tôi vào Sài Gòn, các anh chị phụ trách tờ Văn
Nghệ thành phố Hồ Chí Minh nói tôi đưa mấy bài thơ, trong đó có thơ tình để
đăng cho bà con miền Nam làm quen với văn chương miến Bắc, thì chùm thơ của tôi
trong đó có câu này được đăng ngay. Khi tôi đã về lại Hà Nội, một nhà thơ của
Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh hốt hoảng gọi điện ra, thông báo là các anh đang
bị phê phán nặng nề vì câu “Người tôi yêu đã đi xa/ Người yêu tôi lại ở nhà,
chán ghê!”, được mọi người cho là có ý khen những người bỏ Việt Nam đi di tản
sang Mỹ và chê những người ở lại Sài Gòn! Tôi cũng hoảng, vội trình bày mọi
chuyện với trưởng ban của tôi lúc đó là nhà báo Bình Minh, nhờ anh can thiệp.
Rất may là bác Bình Minh rất hiểu là tôi không liên quan gì với những người đi
di tản sang Mỹ, và hình như anh có quen biết với ai đó trong thành ủy Sài Gòn
nên “vụ án Văn chương” này được bỏ qua. May thế chứ!
Đến
năm 1992, sau đổi mới ít lâu, vì chuyện riêng, tôi có lúc rất chán đời nên đã
viết bài thơ “Yêu đời”. Trong bài thơ,tôi viết:
Có đôi lúc buồn tôi đã định tự tử
Sống làm chi khi bè bạn bon chen
Cơ quan quanh năm đấu đá
Sống làm chi khi người yêu thành người lạ
Ngày như đêm một mình
Sống làm chi lương ba cọc ba đồng
Viết báo làm thơ kiếm từng xu vẫn loay hoay
không đủ
Sống làm chi khi mọi tượng thần đều sụp đổ
Người ta tin yêu lại hóa tầm thường
Vậy mà tôi vẫn sống nhơn nhơn
Vẫn cười nó , họp hàn, trưng diện
Vẫn hy vọng kiếm được một ông chồng đáng mến
Một người đã thông minh lại giầu(!)
Và tôi hiểu ra trong thăm thẳm niềm đau
Tôi vẫn còn yêu đời quá!
Lúc
đó, tôi đang là phó Tổng Biên tập tờ “Người Hà Nội” nên cứ thế đăng, chẳng nghĩ
ngợi gì, nhưng ngay sau khi phát hành, tôi nhận điện thoại của văn phòng thành
ủy Hà Nội gọi lên gặp đồng chí Bí thư. Đây là lần đầu tiên tôi bước chân vào
văn phòng Bí thư Thành ủy. Đồng chí Phạm Thế Duyệt lúc đó tôi trông đã ngại, vì
anh cao lớn, da ngăm ngăm và có cái nhìn vô cùng nghiêm khắc. Đồng chí mời tôi
ngồi đối diện rồi từ tốn nói:
-
Tôi vừa đọc mấy bài thơ của đồng chí trên báo, có câu, có bài được, nhưng có câu,
có bài tôi phải hỏi lại cho rõ …
Mới
nghe đến đây, tôi vội ngắt lời:
-
Xin anh đừng gọi em là “đồng chí”, em nghe thấy …sờ sợ làm sao ấy ạ.
Bí
thư Thành ủy chợt mỉm cười:
-
Ừ thì gọi là “cô” thôi, cho cô bình tĩnh nhé. Tại sao cô dám viết “Mọi tượng thần
đều sụp đổ”? Phải chăng cô muốn nói đến thần tượng của cả nước mà nhân dân rất
kính trọng?
Tôi
tái mặt, lắc đầu;
-
Không ạ. Em chỉ viết về những người bình thường mà lúc em yêu họ, em cứ tưởng
là thần tượng nhưng hóa ra không phải, làm em thất vọng thôi ạ.
Thấy
bí thư nhăn trán,có vẻ nghĩ ngợi, tôi bèn mạnh dạn nói thêm để thanh minh:
-
Em có thằng em trai hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, em cũng làm đơn xin vào
Nam tham gia chiến đấu mà không được. Em có phải là phản động đâu ạ…
Bí
thư thành ủy chợt mỉm cười:
-Thế
hả? Bây giờ làm sao mà cô chán đời đến mức muốn tự tử?
Tôi
cãi phăng:
-
Đâu, em nói là em vẫn yêu đời đấy chứ ạ. Chồng em mất đã lâu, em còn đang mong
kiếm được một ông “đã thông minh lại giầu” mà anh…
Đến
đây thì Bí thư Thành ủy cười lớn, đứng lên:
-
Thôi, cô về. Lần sau viết gì phải cân nhắc cho cẩn thận vào.
Tôi
ra khỏi phòng Bí thư Thành ủy, về đến cơ quan vẫn còn run, không hiểu mọi
chuyện sẽ kết thúc ra sao? Nhưng rồi tôi đợi mãi, không thấy ai nói gì đến
chuyện thần tượng trong bài thơ của tôi nữa. Thật là hú vía. Tôi rất biết ơn sự
thông cảm của bí thư thành ủy Hà Nội lúc đó. Nếu không, chẳng hiểu cuộc đời tôi
bây giờ ra sao nữa…
SỰ
NGUY HIỂM CỦA NGHỀ VĂN
-
Tác giả Uông Triều
Một
ví dụ điển hình nhất là nhà văn Anh gốc Ấn Độ Salman Rushdie, sau khi ông công
bố tiểu thuyết “Những vần thơ của quỷ Satan” năm 1988 thì đến năm 1989, án tử
đã dành ngay cho ông. Giáo chủ tối cao của Iran là Ayatollah Khomeini sau khi
đọc cuốn tiểu thuyết đã coi tác phẩm này là báng bổ đạo Hồi, ra án “fawa”, lệnh
cho tín đồ đạo Hồi trên toàn thế giới truy tìm và xử tử Salman Rushdie kèm theo
một số tiền thưởng rất lớn.
Từ
đó Salman Rushdie luôn phải sống trong bí mật, thường xuyên phải thay đổi chỗ ở
của mình và thậm chí phải nhờ một lực lượng an ninh lớn của chính phủ Anh để
bảo vệ tính mạng. Đến tận năm 1998, sau gần mười năm bị tuyên án cùng rất nhiều
nỗ lực quốc tế và những tiếng nói bênh vực, nhà nước Iran mới xoá lệnh tử hình
dành cho ông.
Qua
ví dụ của Salman Rushdie để thấy rằng nghề văn không phải hoàn toàn yên bình và
êm đềm như ta tưởng. Những án tử dành cho những nhà văn như Salman Rushie không
phải là hiếm trong lịch sử nhân loại, nhất là trong thời kì trung cổ. Ở ngay
nước láng giềng Trung Hoa trong thời kì phong kiến đã có nhiều người từng bị xử
tử vì tác phẩm của mình, khi những bài thơ, áng văn của họ bị quy kết là “phạm
thượng” hoặc kêu gọi chống đối. Ngay cả ở nước Pháp, một đất nước rất xem
trọng văn học và các nhà văn có quyền năng lớn thì cũng không ít người viết đã
phải chịu khổ nạn. Voltaine, một trong những vĩ nhân lớn nhất của nước Pháp,
đại biểu tiêu biểu của thời kì khai sáng đã ba lần bị trục xuất khỏi Paris, một
lần vào ngục Bastille vì những bài thơ châm biếm của mình.
Ngay
cả nước Mỹ, nơi được coi là “thiên đường của tự do” mà nhà thơ lừng danh
Whitman đã mất việc chỉ vì tập thơ duy nhất và nổi tiếng của mình, tập “Lá cỏ”.
Chuyện là thế này, sau rất nhiều vất vả, Whitman nhận được một công việc trong
Bộ Nội vụ của chính phủ Mỹ. Nhưng chẳng mấy chốc ông đã bị sa thải. Nguyên
do là một hôm vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ thấy tập thơ “Lá cỏ” trên bàn người nhân
viên của mình. Tò mò, ông mang tập thơ về nhà đọc và sau khi đọc xong, vì không
thể chịu đựng nổi nội dung quá mới mẻ và cách viết của nó, để bõ ghét, ông đã
ra lệnh sa thải tác giả tập thơ!
Nhà
văn Dương Hướng kể với tôi rằng, ông cũng từng chịu những tai nạn với tiểu
thuyết “Bến không chồng” của mình. Số là khi “Bến không chồng” còn ở dạng bản
thảo, để dễ có cảm hứng, ông đã lấy tên nhân vật là toàn bộ những người có thật
ở quê ông, họ hàng hoặc làng xóm. Đến khi mang bản thảo đi in, ông mới sửa các
tên nhân vật để tránh mọi sự rắc rối. Nhưng vẫn còn sót một nhân vật nhà
văn quên không đổi tên. Khi tác phẩm in ra, tạo được tiếng vang lớn, người dân
làng ông say mê đọc sách và nhân vật kia phát hiện ra mình trùng tên với người
trong sách và có những đặc điểm tương tự. Đó là một người bà con của Dương
Hướng và ông ta nổi giận thực sự. Ông ta đe dọa rằng, nếu Dương Hướng dám “vác
mặt” về quê, ông sẽ đánh đòn và ném nhà văn xuống ao! Dương Hướng nghe tin ấy
không khỏi sợ hãi vì quê hương thì không thể không về được, và lời đe dọa kia
rõ ràng không phải nói suông. Dương Hướng bèn cầu cứu ông thân sinh của
mình đi làm “thuyết khách” hoà giải trước, tìm cách nói giảm nói tránh và hứa
rằng khi về quê, ông sẽ đến tạ lỗi. Cuối cùng thì Dương Hướng cũng hoá giải
được tai nạn ấy và từ đó nhà văn rất cẩn trọng với những tên nhân vật của mình.
Nhà
văn Sương Nguyệt Minh khi viết truyện ngắn “Nỗi đau dòng họ” cũng bị cả làng,
cả xã kiện. Có người còn đe dọa rằng nếu Sương Nguyệt Minh về quê thì họ không
thèm ném xuống ao như vụ của nhà văn Dương Hướng mà họ sẽ xin ông “tí tiết”.
Lời đe dọa mới kinh khủng làm sao và phải tốn khá nhiều nước bọt, giấy mực,
giải trình cùng với sự tham gia của không ít người liên quan, nhà văn mới “tai
qua nạn khỏi”.
Ngay
cả tôi, khi đưa cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình - “Tưởng tượng và dấu vết” -
về cho bố tôi đọc, tôi cũng chịu hậu quả. Ông bố tôi đọc xong bỗng nổi khùng
với tôi: “Sao mày lại viết thế này hả con, sao mày lại viết cái kiểu bệnh hoạn
và những người ghê gớm như thế này. Phải viết về cái đẹp, cái tốt chứ. Mày là
nhà văn mà viết thế à!”. Tôi cũng đã phải tốn không ít lời để giải thích với bố
về nghề nghiệp, về hư cấu, vân vân và vân vân, và từ đó rút được kinh nghiệm
xương máu là quyết không mang tác phẩm của mình cho ông thân sinh đọc nữa!
Qua
những ví dụ ở trên, ta thấy rằng nghề văn không phải lúc nào cũng êm đềm như
người ta vẫn nghĩ. Dễ nhận thấy nhất là người viết đã chạm vào những vùng cấm,
ví dụ như tôn giáo, chính trị. Salman Rushdie viết về Hồi giáo với những quan
điểm khá phóng túng cùng cách lí giải của riêng ông. Ông nghĩ mình là nhà văn
và có quyền làm như thế.
Tác
phẩm văn học là sự hư cấu và ông viết nó với những cảm nhận của riêng mình.
Nhưng đấy là cách nghĩ của nhà văn, còn với Giáo chủ Ayatollah Khomeini và
những người theo đạo Hồi thì điều ấy là báng bổ tôn giáo của họ và không thể
chấp nhận. Hai suy nghĩ ấy đã không thể dung hoà và hậu quả thì mọi người đã
thấy.
Trường
hợp của Salman Rushdie thì dẫu sao còn dễ giải thích, còn vụ Whitman bị mất
việc vì những bài thơ viết theo kiểu mới của mình thì có vẻ khó tưởng tượng
nổi! Nên nhớ rằng “Lá cỏ” khi mới ra đời đã bị chế giễu nặng nề ngay trên nước
Mỹ, phải khá lâu sau người ta mới nhận ra được giá trị của nó và tôn vinh. Có
độc giả sau khi mua tập thơ, đọc xong đã xé nó ra làm đôi và gửi trả lại nhà
thơ! Ghét cái mới, ghét sự khác biệt thì có thể giải thích phần nào vì tâm lí
người đọc, nhưng sa thải một công chức chỉ vì tập thơ “dở” của anh ta ở ngay
trong “nước Mỹ tự do” thì quả là khó hình dung nổi!
Thế
còn Voltaine, ông có xứng với “tội” của mình không? “Tội” của Voltaine là ông
đã dám viết những bài thơ chế giễu chính quyền thối nát đương thời. Những người
cầm quyền đã “nóng mặt” nhưng Voltaine vẫn không chịu dừng lại, và thế là ông
ba lần bị trục xuất khỏi Paris và một lần được vào xà lim để có chỗ yên tĩnh
mà… yên tâm làm thơ! Điều đáng quý là sau tất cả những việc đó, nhà thơ vẫn
không chịu bẻ cong ngòi bút của mình.
Còn
trường hợp “Bến không chồng” và “Nỗi đau dòng họ” của Dương Hướng, Sương Nguyệt
Minh khi bị nhân vật kiện và đe dọa, điều này từng xảy ra nhiều lần trong lịch
sử văn học thế giới. Nhà văn nổi tiếng người Áo Thomas Bernhard sau khi cho
phát hành tác phẩm “Đốn hạ” được bốn ngày thì một hoạ sĩ đã lập tức kiện ông ra
toà vì cho rằng Thomas Bernhard đã nói xấu và xúc phạm ông ta bằng nhân vật và
những chi tiết trong tác phẩm. Toà ra phán xét và nhà văn bị thua kiện, tác
phẩm bị thu hồi ngay sau đó nhưng nhà văn vẫn tỏ ra “cứng đầu” khi tuyên bố
rằng: chỉ những kẻ có tật mới phải giật mình!
Và
đó không phải lần đầu tiên Thomas Bernhard bị mắc vào chuyện dích dắc với những
tác phẩm của mình, ông đã phải ra toà nhiều lần vì các khiếu kiện với các lí do
tương tự. Trường hợp của Thomas Berhard có lẽ rất đặc biệt và điển hình, ông
không những bị kiện cáo vì tác phẩm của mình mà dường như đất nước Áo cũng
không ưa ông vì ông dám nói những thói xấu của Tổ quốc mình. Rất may là về sau,
người ta đã hiểu được ông và Thomas Bernhard được coi là một trong những nhà
văn viết tiếng Đức quan trọng nhất của thế kỉ XX, tầm ảnh hưởng vượt ra khỏi
biên giới nước Áo từ lâu.
Tiếp
tục với câu chuyện nhân vật trong tác phẩm giống hoặc trùng với nhân vật ngoài
đời như Dương Hướng, Sương Nguyệt Minh và nhiều người khác, ta có thể hiểu thế
này: Khi nhà văn viết, anh ta thường dựa vào những nguyên mẫu có thật để câu
chuyện sinh động và hấp dẫn, tất nhiên có những trường hợp là hư cấu hoàn toàn
và “trùng lặp” là ngẫu nhiên.
Sự
giống nhau ngẫu nhiên này nhiều khi là không tránh khỏi. Nếu ai đó thấy mình có
một vài đặc điểm giống một nhân vật trong tiểu thuyết và ngay lập tức đi kiện
nhà văn thì rất… nực cười. Cho nên, để cho an toàn, trong quá trình viết, người
viết thường thay đổi hẳn tên nhân vật, thay đổi bối cảnh hoặc nguyên mẫu là
tổng hợp của rất nhiều người. Tất nhiên, cẩn thận như thế mà vẫn bị kiện thì có
lẽ cũng chỉ biết cầu trời cầu phật phù hộ mà thôi!
Một
câu hỏi đặt ra là sau những vụ việc như thế nhà văn có sợ và thay đổi hướng đi
của mình không? Câu trả lời là không. Voltaine vẫn tiếp tục viết những tác phẩm
đả kích chế độ nhà thờ hà khắc, sự thối nát của giai cấp thống trị. Thomas
Bernhard vẫn viết những cuốn tiểu thuyết đầy ngạo ngược, chế giễu những thói
xấu của người Áo.
Nếu
các nhà văn gặp một chút hiểm nguy mà vội uốn cong ngòi bút của mình hoặc viết
theo ý muốn của người khác thì có lẽ không nên đọc tác phẩm của anh ta. Sự sáng
giá của nghề văn là anh ta dám viết theo con tim và lí trí của mình, dù điều đó
có thể dẫn họ đối mặt với sự hiểm nguy!
NHÀ
THƠ LÝ PHƯƠNG LIÊN:
RŨ
BỎ LỜI NGUYỀN VỚI THƠ
Tác
giả Quỳnh Nga
Như
một ngôi sao băng, Lý Phương Liên từng vụt sáng trên bầu trời thi ca Việt rồi
phút chốc mất hút. 40 năm mang nặng lời nguyền vĩnh biệt thơ. 40 năm xa Hà Nội,
ẩn dật giữa chốn thành phố Hồ Chí Minh, mặc cho bao ngơ ngác, tìm kiếm vô vọng
của không ít người hâm mộ. 40 năm “để tang” thơ, bà trở lại, lặng lẽ “tháo khăn
tang”, rũ bỏ lời nguyền, cất lên vần “Ca bình minh” quen thuộc thuở nào...
1.
Một
buổi chiều ở thành phố phương Nam đầy nắng, Lý Phương Liên lang thang
trên mạng. Bỗng bà bắt gặp bài thơ chép tay trên trang giấy ố vàng, sém đen
khói bụi trên trang blog của Hoàng Xuân Họa. Nét mực lem nhem hiện ra trước
mắt, ngỡ ngàng khi đó là bài thơ “Ca bình minh” của mình. “Tôi từng là một người lính ở chiến trường Lào những năm 1970. Ngày ấy,
tình cờ được nhà thơ Nguyễn Đức Mậu cho xem tờ báo Nhân dân số ngày 20-8-1970,
thấy chùm thơ của Lý Phương Liên hay quá, tôi vội vã chép vào sổ tay ngay trên
chiến hào. Lúc đó tôi chỉ biết Lý Phương Liên là cô công nhân tuổi đời đôi mươi
có hồn thơ trong trẻo, lạc quan đi vào lòng người. Khoác ba lô trên vai, hầu
hết những người lính miền Bắc ngày đó đều mang theo những vần thơ của chị vào
chiến trường miền Nam. Trên chiến trường khói lửa ác liệt, thơ của chị như
tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi. Tôi nhớ, có lần tôi đọc xong bài thơ “Em mơ
có một phiên tòa”, cả tiểu đội đứng dậy mặc niệm cho người mẹ bất hạnh trong
bài thơ mà nước mắt chảy dài. Bài thơ thúc giục chúng tôi sẵn sàng hy sinh thân
mình bảo vệ quê hương, đất nước… Đã mấy chục năm trôi qua, tôi không biết Lý
Phương Liên giờ ở đâu? Nếu ai có địa chỉ của chị, cho tôi xin. Hoặc có thơ của
chị, dù có ố vàng trong đống đồng nát, ve chai, tôi cũng xin mua lại bằng mọi
giá”. Những con chữ vỡ òa. Cô thư ký vội lay bà: “Cô ơi, cô bị làm sao vậy? Sao cô khóc?”. Bà bàng hoàng: “Không ngờ có người đang tìm kiếm cô và thơ
cô mấy chục năm qua thế này”. Biết chuyện, chồng bà - nhà thơ Nguyễn Nguyên
Bảy, giục gọi điện cho ông Hoàng Xuân Họa. Thuyết phục mãi bà mới run run cầm
điện thoại. Bên kia đầu dây, giọng người lính già lạc đi vì xúc động: “Có thật chị là Lý Phương Liên không? Đừng
nói dối tôi nhé, tôi tìm chị lâu lắm rồi!”. Sau nhiều lần trò chuyện, ông
Họa có nhã ý muốn Lý Phương Liên ra tập thơ tuyển lại những bài của bà. Bà thưa
lời, có phần gay gắt, như vết thương xưa ai chạm vào. Tấm lòng bạn thơ, bà quý.
Nhưng quá khứ, bà không muốn khơi lại. 40 năm, lời nguyền vẫn còn đó, nhức nhối
ký ức cũ chôn vùi với xác thơ.
2.
Lý
Phương Liên nổi lên như một hiện tượng với chùm thơ đăng trên báo Nhân dân.
Ngày ấy được đăng bài trên báo Nhân dân, lại liền tù tì 5 bài chiếm gần hết
trang báo là động trời lắm. Thế mà làm nên cái chuyện động trời ấy lại là một
cô thợ tiện, tay lem dầu máy, mùn sắt của Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo. Cô lại
được chính Tổng Biên tập Hoàng Tùng giới thiệu và cho đăng. Cái tên Lý Phương
Liên mới toanh, vừa xuất hiện trên thi đàn đã gây xôn xao trong giới thi ca và
dư luận bạn đọc. Trong một bài phóng vấn trên Báo Công an nhân dân tháng 10-2011,
nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn bảo rằng Lý Phương liên ngày đó rất nổi tiếng. Nhà
thơ Xuân Quỳnh từng tò mò bảo bà: “Mày phải dẫn tao đến nhà Lý Phương Liên
ngó xem mặt mũi nó thế nào”.
Nhà
Lý Phương Liên nằm hun hút trong ngõ số 16 Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Khi cô bé lên 10 tuổi, cha mất vì bạo bệnh. Cả gánh nặng gia đình với năm đứa
con thơ đổ oằn trên đôi vai gầy của mẹ. Là chị cả nên đến lớp 8, Liên nghỉ học,
ngày ngày bóc lạc, giữ xe đạp, phụ hồ... Trong một lần qua bến đò thăm các con
đang sơ tán, mẹ cô và gần 50 người bị trúng bom, 12 ngày sau mới tìm được xác
mẹ. Tròn 16, Liên khai gian tuổi, năn nỉ để được nhận học việc tại Nhà máy cơ
khí.
Một
sự tình cơ, trong chuyến thăm nhà máy cùng đoàn lãnh đạo trung ương, nhà báo
Hoàng Tùng đặc biệt chú ý đến bài “Ca bình minh” và một số bài thơ khác của Lý
Phương Liên trên tờ báo tường của công nhân. Tứ thơ lạ, trong trẻo và hồn nhiên
của một cô công nhân phơi phới tuổi yêu đời:
“Em đi làm ca ba/ Đêm buông đầy đường phố/Hà
Nội vào giấc say trẻ nhỏ/ Em đi giữa lòng đường/ Hát khẽ/ Tuổi ca ba rất trẻ/
Đêm ca ba lại dài/ (…)/ Còn em với niềm vui bé nhỏ/ Em gọi ca ba là ca bình
minh/ Ý nghĩ ấy gặp em như một sự vô tình/ Đêm ca ba đi dọc đường Nam Bộ/ Tay
vẫy chào những đoàn tầu rời ga Hàng Cỏ/ Đưa bộ đội lên đường/ Các anh đi suốt
ca ba thẳng tới chiến trường/ Đón bình minh đất nước…”
Hai
hôm sau, nhà báo Hoàng Tùng cho gọi Lý Phương Liên lên để dùng cơm chiều tại
trụ sở báo Nhân dân. Trưa hôm ấy, gặp gỡ các chú, các bác, tim cô như muốn rớt
ra khỏi lồng ngực. Nhà báo Hoàng Tùng ân cần hỏi: “Thơ này ai làm giúp cháu?”.
“Dạ không ạ. Thơ này cháu tự làm, nghĩ sao viết vậy ạ”. “Cháu còn có bài thơ
nào nữa không, đưa cho các bác xem?”. “Dạ có”. Lý Phương Liên chạy về nhà, đem
cuốn tập học trò có những bài thơ mà cô viết vội trong những giờ tan ca, đêm
không ngủ. Vần thơ gieo nên bằng sự quan sát, cảm xúc hồn nhiên của đáy lòng cô
trước cuộc sống, trước con người quanh mình. Dù thơ Lý Phương Liên đề cập đến
cảnh nghèo, đến mất mát đau thương chiến tranh, đến cuộc sống lao động khốn khó
nhưng cả bài thơ luôn toát lên âm hưởng lạc quan và mang tính dự báo đến lạ
lùng.
Nhà
thơ Lý Phương Liên nhớ lại: “Sáng sớm
20-8, tôi vừa tan ca ba. Đi ngang đường Tràng Tiền thì thấy đoàn người đứng xếp
hàng đông nghẹt trước quầy bán báo. Tôi ngạc nhiên hỏi một bác. Bác ấy trố mắt:
“Thế cháu không biết gì à? Hôm nay trên báo Nhân dân có đăng chùm thơ của Lý
Phương Liên, “một nụ thơ trong vườn thơ tháng Tám” đấy. Bác đến xếp hàng từ lúc
trời còn chưa sáng mà bây giờ vẫn chưa mua được”. Nghe xong, tôi mừng choáng
hết mặt mày. Vội vã lục túi lấy tiền mua báo thì chỉ còn mấy đồng bạc lẻ. Chờ
cho bác hồi nãy mua báo xong, tôi chạy đến xin xem nhờ. Bác ấy cười bảo: “Cháu
cũng mê thơ nhỉ. Nhà thơ Lý Phương Liên này nghe nói cũng trạc tuổi cháu đó””.
Sau
5 bài thơ trên báo Nhân dân gồm: “Ca bình minh”, “Em mơ có một phiên tòa”, “Lời
ru với anh”, “Về người cha đã khuất”, “Thư gửi một người bạn gái Mỹ”, các tờ
báo khác như Văn Nghệ, Hà Nội mới, Quân đội nhân dân, Tiền Phong, Lao Động…
cũng đăng các bài thơ khác của Lý Phương Liên. Những bài phê bình, nhận định
thơ bà cũng xuất hiện dày đặc trên mặt báo khi ấy. Bạn đọc kéo đến căn nhà tồi
tàn trên phố Lý Thái Tổ đông quá khiến có lúc bà phải nhờ các chú, các bác ở
báo Nhân dân dẫn đi “lánh nạn”. Trong Hội nghị Những người viết văn trẻ, nhà
thơ Chế Lan Viên vỗ vai bà: “Cháu hoàn cảnh khó khăn, nhưng biết phấn đấu vươn
lên và làm được những bài thơ rất hay. Đọc những bài thơ của cháu, chú vô cùng
xúc động”. Còn lần gặp ở tư gia của nhà thơ Huy Cận, tác giả “Tràng giang” đã
bẻ gãy cây bút trước sự ngỡ ngàng của Lý Phương Liên để tỏ ý bái phục cô gái
trẻ.
Thế
rồi, bài thơ “Nghĩ về Thúy Kiều” (sau bà đổi tên thành “Trò chuyện với Thúy
Kiều”) đăng trên báo Văn Nghệ cũng trong năm ấy khiến con thuyền thơ gặp “thác
thơ”. Bài thơ bị nhiều người cho là có một số câu từ chưa phù hợp, quá bi lụy
trong hoàn cảnh nước ta đang nâng cao tinh thần chiến đấu, lao động sản xuất,
tất cả vì miền Nam ruột thịt. Thậm chí có người cho rằng, đang có một
thế lực xấu xúi giục Phương Liên viết những dòng ai oán như thế. Ý kiến khác
thì bảo vệ Lý Phương Liên. Rằng bài thơ viết sau cái chết của mẹ, Lý Phương
Liên suy sụp. Đi coi tuồng Kiều, bà khóc, tủi phận mình. Bài thơ ra đời như lời
giãi bày cho nỗi lòng u uất, cuộc đời chìm nổi của bà nhưng vẫn thể hiện quan
điểm lạc quan cách mạng, hướng tới ngày mai tươi sáng: “Đường ra biển có thể dài năm tháng/ Mất mát
nhiều hơn gian khổ cũng nhiều hơn/ Nhưng một điều chắc chắn phi thường/Chúng
tôi sẽ lên bờ vào một ngày nắng đẹp”.
Dư
luận như cơn bão dữ cuốn bà vào tâm. Bà suy sụp, hoang mang. Thời gian sau đó,
người ta không thấy thơ Lý Phương Liên xuất hiện trên thi đàn nữa. Giai đoạn
này, Lý Phương Liên được đi học rồi về làm tại phòng Văn nghệ, báo Nhân dân. Bà
có thai đứa con đầu lòng với nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy, hoàn cảnh gia đình ngày
càng thêm khó khăn. Năm 1975, rời xa bão tố dư luận, gia đình bà vào thành phố
Hồ Chí Minh sinh sống và khá kín tiếng. Bà được mời về làm việc tại Đài Tiếng
nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, phụ trách chương trình Tiếng thơ đến khi
nghỉ hưu. Còn chồng làm ở Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh. Lý Phương Liên
lặng lẽ làm thơ và rồi tự ỉm lời nguyền từ giã thi ca từ độ ấy.
3.
“Trả lại hết sướng vui nạn ách/ Chuyền tay
chữ hát xuống thuyền/ Thung thăng ngược bến cỏ non/ Nào em, cạn nốt giọt buồn…”. Đó
là lời mở đầu tập thơ “99 khúc tặng Liên” của nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy vừa
được Nhà Xuất bản Văn học ấn hành. Sau 40 năm tang tóc màu thơ, cuối năm 2011,
người mà bạn bè yêu thơ vẫn trìu mến gọi: “Chị “ca ba” ơi!” đã trở lại với tập
thơ “Ca bình minh” gồm những bài thơ mà bà tưởng chừng đã chôn vùi để tạ tình
bạn đọc. Trong ngày ra mắt sách tại thành phố Hồ Chí Minh, bà rơi nước mắt khi
biết, thơ của mình bấy lâu nay vẫn sống trong lòng bạn yêu thơ, những con người
của thập kỷ 70. Bà tự nhận xét rằng thơ mình chỉ là thơ học trò bình thường,
nếu không muốn nói là tầm thường, ăn may là do hoàn cảnh éo le đắng đời nên lấy
được nước mắt của bạn đọc mà thành thơ.
Lý
Phương Liên giãi bày: “Tôi nín lặng với thơ
suốt 40 năm nay vì lời nguyền từ bỏ thơ của chính tôi. Mọi hệ lụy xô đẩy chúng
tôi đến bần hàn, cơ cực không liên quan đến ai. Tôi không than oán bất kỳ ai,
về bất kỳ điều gì. Tôi chỉ thấy rằng người chịu nhiều cay đắng, oan ức vì thơ
tôi là Nguyễn Nguyên Bảy, chồng tôi. Nếu có cho tôi sống thành hai cuộc đời
cùng lúc, tôi cũng không thể trả hết cái nghĩa yêu và ân tình mà anh đã dành
cho đời tôi và thơ tôi”. Có lẽ vậy mà 46 bài trong cuốn “Ca bình minh” đã
có gần 30 bài thơ tình bà dành cho người đàn ông của cuộc đời mình. Những giọt
thơ tình trong veo, dịu dàng, thực tại mà bay bổng, đầy tinh tế. Chiều mưa,
ngồi bên bà nghe lời cuối bà dành cho người bạn đời, bạn thơ tri kỷ khi cùng
ông “cạn nốt giọt buồn”:
“…Ạ ơi những lời ru cũ
Cánh cò chít trắng tang mây
Chẳng dám chép tặng anh sợ rồi lại vạ
Thơ thương ta thơ đừng làm anh khổ
Em đơn chiếc một cánh cò
Mà trời bao la quá
Em chép lại đôi ba bài thơ nhỏ
Chỉ để nhớ để thương thơ”
-
ĐẶNG XUÂN XUYẾN giới thiệu -
(Bài viết không thể hiện quan điểm của trang
Đặng Xuân Xuyến)
.
0 comments:
Đăng nhận xét