(Nhà thơ Tố Hữu thứ 2, từ trái sang phải ; Nguồn ảnh: internet) |
MỘT
TRĂM NĂM (10/1920 -10/2020)
NHÌN
LẠI TỐ HỮU
*
Có lần bàn về giá trị của một tác phẩm
nghệ thuật, nhà thơ Xuân Diệu có nói một câu rất sâu sắc rằng: “Một tác phẩm
nào đó mà sống được đến 50 năm thì đã có thể xem như nó thuộc về cõi vĩnh viễn
”. Đấy là chiêm nghiệm của Xuân Diệu, cách tính của Xuân Diệu trong thời của
ông, khoảng những năm 70, 80 của thế kỉ trước. Còn bây giờ, những giá trị giả
tàn lụi nhanh lắm. Có khi chỉ năm trước, năm sau đã không còn đọc lại được nữa
rồi. Bởi thế có nhà phê bình khác, lại bảo: Bây giờ, tác phẩm chỉ cần trụ được
5 năm thì đã có thể xem như nó thoát được cái nạn “ô xi hóa” của thời gian. Thơ
Tố Hữu không phải đã trải qua thử thách 5 năm, hay 50 năm, mà đã 80 năm, tồn
tại cùng với bao nhiêu biến cố, bao nhiêu thăng trầm của cõi đời. Có những giá
trị tưởng như bất biến mà rồi đã mất tăm, lại có những vẻ đẹp xanh xao, mỏng
mảnh ta tưởng sẽ tan biến mà rồi nó vẫn tồn tại, dù tồn tại vẫn với cái dáng vẻ
mỏng mảnh và xanh xao như thuở nó ra đời. Tố Hữu khác, cũng như thơ Chế Lan
Viên, thơ Tố Hữu bao giờ cũng mạnh mẽ, đầy sức vóc, trước những thử thách và sự
đào thải rất nghiệt ngã của thời gian. Ngoài làm thơ, ông còn là một nhà lãnh
đạo lớn của đất nước. Đó là hai mặt của một vấn đề, bổ sung cho nhau, làm cho
những tư tưởng và chí lực của ông có thêm điều kiện lan tỏa sâu hơn vào chiều
sâu của đời sống nhân dân, của nền văn hóa dân tộc, thông qua những câu thơ đầy
tâm huyết, cũng đầy trách nhiệm công dân của ông. Cũng khác với một số nhà thơ
khác, ông công khai khẳng định mình là người làm công tác tư tưởng cho Đảng, là
người hô khẩu hiệu, là người tuyên truyền, vì ông là một nhà cách mạng và thơ
ông là một biện pháp hoạt động cách mạng của ông. Nhưng cái kì tài của ông là
biến những chủ trương chính sách của Đảng thành xúc cảm, thành nghệ thuật, và
thành thơ như thơ của mọi nhà thơ trên thế gian. Hình như, trong thế kỉ qua,
trong số các nhà thơ cách mạng của cả thế giới, không ai dấn thân, toàn tâm
toàn ý cho một sự nghiệp chính trị và đồng thời cho một sự nghiệp nghệ thuật
như ông, mà thành công được đến mức như thế - tức là hoà tan vào được đời sống
tinh thần của cộng đồng dân tộc – thành một sức mạnh như sức mạnh tấn công của
hàng sư đoàn quân tinh nhuệ trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Đấy
cũng là điều phân biệt ông với các nhà thơ lớn khác, ví như Lui Aragông, nhà
thơ cộng sản lớn của nước Pháp có vị trí tương đương như ông.
Khi Tố Hữu mất, nhà thơ Vũ Quần Phương có
nói trên truyền hình một ý mà tôi rất đồng tình. Vũ Quần Phương bảo: “Cái may
mắn của Tố Hữu là ông đã gặp Đảng và nhờ Đảng mà có thơ ông. Và cũng may cho
Đảng, là Đảng đã có được một Tố Hữu. Và nhờ Tố Hữu mà những đường lối, chính
sách, chủ trương của Đảng đã đến được với từng người dân. Và rồi nhiều người
dân với trình độ khác nhau, lứa tuổi khác nhau, số phận cũng rất khác nhau,
nhưng đều có thể đến được với Đảng, với cách mạng qua những bài thơ của Tố
Hữu”.
Thuở nhỏ, mới chừng 8 - 9 tuổi, tôi đã
thuộc lòng nhiều bài thơ Tố Hữu. Có bài chỉ đọc hai, ba lần là thuộc lòng ngay
và nhớ đến tận bây giờ. Thơ Tố Hữu đã lặng lẽ dẫn đường cho tôi học tập và làm
thơ, đặc biệt, đã góp phần rất quan trọng để dạy tôi làm người, trước hết là
làm một người lính, biết bảo vệ Tổ quốc, đồng thời với biết bảo vệ những giá
trị chân chính và nhân văn, trước sự xâm lăng của cái ác, cái xấu, của thói lưu
manh và sự vô trách nhiệm, biết thương mẹ và thương những người mẹ chiến sĩ : “
Con đi đánh giặc mười năm / Không bằng vất vả đời bầm sáu mươi…”. Tố Hữu là một
người thắm thiết yêu quê hương, chỉ cần hai câu thơ thôi: “ Nỗi niềm chi rứa,
Huế ơi / Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên…” mãi mãi làm rung động biết bao
nhiêu lòng người, bao nhiêu hồn người, đâu phải chỉ là người xứ Huế. Thơ Tố Hữu
là thế, luôn dạy tôi biết yêu nước thương dân, biết gắn bó cuộc đời mình với
thơ ca và với cách mạng. Cái giá trị cốt lõi của thơ Tố Hữu, theo tôi chính là
ở điều này.
II
Bây giờ, khi tuổi đã ngoài 60, thi thoảng
trong tôi lại có những nỗi buồn, bởi bất chợt nhận ra một giá trị nào đó mà
mình trân trọng, bỗng đột ngột thay đổi, và những người mình tin yêu như anh em
ruột thịt trong nhà, bỗng đột nhiên khác hẳn đi, mà mình không hiểu được vì
sao. Những lúc ấy, tôi lại mở thơ Tố Hữu ra đọc để xem người thày của mình có
gì muốn nói với mình về những điều ấy chăng? Xin bạn đọc hiểu cho, năm 1969,
khi tôi mới 11 tuổi, là một thằng bé con nhơm nhếch, học lớp 4 trường làng, một
trường bình thường ở một vùng thôn quê hẻo lánh và rất lạc hậu thời bấy giờ, Tố
Hữu đã gợi ý với Sở Giáo dục Hải Hưng, tổ chức cho tôi lên thăm Hà Nội, rồi
nhân đó mà đến thăm ông. Ông tiếp tôi tại nhà riêng trong bộ quần áo ngủ, nghĩa
là rất thông thoáng, nhưng với tâm tình ân cần của một người cha, điều ấy suốt
đời tôi không quên được. Tố Hữu cùng sinh một năm, năm 1920 với cha tôi. Từ đó,
tôi hiểu rằng, Tố Hữu luôn ở bên tôi, ở cả ba phương diện, một nhà lãnh đạo nổi
tiếng, một nhà thơ lừng danh và một người cha chân tình. Càng về sau, tôi càng
nhớ Tố Hữu ở con người thứ ba nhiều hơn. Cuộc đời ông có nhiều niềm vui lớn,
vui bất tuyệt, như tên một bài thơ của chính ông, nhưng tôi cũng hiểu, ông có
những nỗi buồn không dễ chia sẻ, như tiếng sóng vỗ vào mạn thuyền quan họ,
trong một bài thơ ít người biết đến của ông viết những năm cuối đời. Tôi nghĩ cũng
là lẽ thường, vì ông là một con người như hết thảy chúng ta. Một nghệ sĩ rất
lớn đã nói trước khi chết: “ Chỉ có nỗi buồn mới còn lại ”(*). Nhưng thơ Tố Hữu
lại là những niềm vui, và trong trường hợp này, chính niềm vui lại là những gì
còn lại. Nỗi vui không chỉ của cá nhân ông, mà của cả dân tộc trước những thắng
lợi to lớn của cách mạng. Đôi khi, trong những lúc buồn, như tôi đã nói trên,
tôi đọc lại thơ Tố Hữu, để nhân đó mà nhớ ra một điều gì mà ngày thường bị
khuất lấp đi vì những cái chẳng đâu vào đâu, rồi lặng lẽ kiểm đếm lại xem trong
đời mình, cái gì còn, cái gì mất, tự giải thích vì sao? Tôi thường nghiêng hẳn
về cái mất, cái mình không đạt được, phần lớn là do mình chưa đủ quyết tâm và
nghị lực, cũng có thể chưa đủ vốn liếng mà vượt lên, nhất là trong sáng tác,
như mình mong muốn, để từ đó mà nhận thức lại mình, mà thấy những hạn chế và
nhược điểm để mà học hỏi thêm, để mà cố gắng vượt qua. Cứ như tôi nghĩ, những
thất bại của chính mình, ở bất ứ lĩnh vực nào, cũng dạy mình biết điều hơn, sâu
sắc và nhuần nhị hơn những cái mà mình cho là thắng lợi. Không biết từ bao giờ,
chúng ta chỉ quen với các thành tích, các bước tiến, dĩ nhiên, những thành tựu
là có thật và cần phải nói thêm, phải biểu dương nhiều hơn nữa, nhưng chỉ dừng
lại ở đấy thôi thì quả là chưa đủ đâu, có khi lại làm cho mình tự lùi lại, tự
lạc hậu thêm. Tôi rất thích một câu của một nhà thơ, rằng: “ Chúng ta sẽ không
thành công, nếu không bàn giao được cho thế hệ sau, sự thất bại của mình và
những bài học rút ra được từ sự thất bại ấy” (* *). Lại nhớ một câu thơ của Tố
Hữu: “Ai chiến thắng mà không hề chiến bại ”. Tố Hữu là thế, hào sảng, hùng vĩ:
“ Mái chèo một chiếc xuồng con / Mà sông nước dậy sóng cồn đại dương” , nhưng
lại thầm thì trong tâm trí ta, như một lời nhắc nhở, lời một an ủi sâu thẳm:
“Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần”. Đối với tôi, thơ Tố Hữu là thế, vừa là một
người thày mà cũng vừa là một người bạn. Bây giờ, khi tôi đã ngoài 60, sau rất
nhiều biến cố trong đời sống, có lúc tôi đã lẩn thẩn mà nghĩ rằng: Nào ai biết,
với mỗi một đời người, tiếng nói hào sảng của một người thày, và tiếng nói tâm
tư như thầm thì bên tai ta, của một người bạn, cái nào dạy ta lớn hơn, cái nào
dạy ta làm người tử tế hơn ?…
Tôi đọc lại Tố Hữu để tìm lại cái căn nguyên ấy, cái ngọn nguồn ấy để bình tâm và hứng khởi mà đi tiếp. Và tôi nhận ra rằng: Tố Hữu vẫn ở bên cạnh tôi, bên cạnh mỗi chúng ta, vẫn không bao giờ mất đi, không bao giờ già đi, vì cái gì ông mang đến cho nhân dân, đồng hành cùng nhân dân, như nó đã có từ 50 năm nay, và hơn thế nữa, từ 80 năm nay… thì những cái đó sẽ vĩnh viễn bất tử...
*.
TRẦN
ĐĂNG KHOA
(Phó
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam)
Địa chỉ: phường Bồ Đề, quận Long Biên, tp Hà
Nội.
Email: vovkhoa06@gmail.com
…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ messenger facebook Ngô Thanh Tuấn ngày 25.10.2020.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng
Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét