THƯỜNG DÂN - MỘT BÀI THƠ ĐẶC SẮC - Tác giả: Lê Thanh Long (Hà Nội)

Leave a Comment

 

THƯỜNG DÂN -

MỘT BÀI THƠ ĐẶC SẮC

*

(Tác giả Lê Thanh Long)

Từ lâu rồi tôi đã rất thích và mến mộ bài thơ “Thường dân”. Thích vì nó rất nhiều ẩn ý sâu sắc trong từng câu chữ. Mến mộ vì tác giả nói ra được những điều từ trước đến nay chưa ai nói, nói mà không ai bắt bẻ được. mộc mạc mà hấp dẫn. Rất khéo. Vì cái khó nói này, tác giả đã tìm ra những từ ngữ để người đọc hiểu đúng được cái ẩn ý trong từng câu thơ. Chính điều này làm cho bài thơ rất hấp dẫn và làm cho độc giả thích thú và mến phục. Có lẽ đó là do chúng ta quá lo xa vậy thôi, chứ “Thường dân” chỉ là bài thơ nói về sự thật lịch sử của một lớp người. nói về lòng cao cả, bao dung, vô tư của người dân, của nhân dân.

Bài thơ “Thường dân” đã đoạt giải nhất báo Văn nghệ trẻ, năm 2003, chọn trong 4 vạn bài thơ lục bát dự thi. Sau khi bài thơ ra đời tác giả rất được ngưỡng mộ.

Bài thơ “Thường dân” không ám chỉ vào thời nào, mà nói về người dân thường, thường dân, nhân dân nói chung từ xưa đến nay. Ta hiểu “thường dân” là nhân dân, là nông dân, là người buôn bán, là người lao động, là viên chức… chiếm số đông là nông dân, là tất cả mọi người không có chức có quyền, trong đó bao gồm cả tác giả, cả chúng ta những người đang ngồi suy ngẫm về bài thơ này.

“Thường dân” là bài thơ nói về sự thật lịch sử của chính người dân thường, của nhân dân, không hề ám chỉ vào ai, và nhất là không có ý đồ gì xấu, không có ý chỉ trích bất cứ ai. Nếu không như vậy thì đã không được ca ngợi là người “vô tư”, tu dưỡng bao đời nay mới được mệnh danh là “thường dân” “Vô tư mấy kiếp mới thành thường dân”. Thời xưa thì có khác “con vua thì lại làm vua”, nhưng thời nay ai mà chẳng xuất thân từ “thường dân” mà ra.

Bài thơ “Thường dân”, tác giả Nguyễn Long:

THƯỜNG DÂN

Đông thì chật, ít thì thưa

Chẳng bao giờ thấy dư thừa thường dân

Quanh năm chân đất đầu trần

Tác tao sau những vũ vần bão giông.

Khi là cây mác cây chông

Khi thành biển cả, khi không là gì

Thấp cao đâu có làm chi

Cỏ ngàn năm vẫn xanh rì cỏ thôi.

Ăn của đất, uống của trời

Dốc lòng cởi dạ cho người mình tin

Ồn ào mà vẫn lặng im

Mặc ai mua bán nổi chìm thiệt hơn.

Chỉ mong ấm áo no cơm

Chắt chiu dành dụm thảo thơm ngọt lành

Hoà vào trời đất mà xanh

Vô tư mấy kiếp mới thành thường dân.

Bài thơ không sử dụng những từ ngữ hoa mỹ, câu chữ rất thật, mà sâu sắc.

Bài thơ chỉ có vẻn vẹn 16 câu thơ. Bốn câu thơ đầu tác giả giới thiệu về cộng đồng người dân thường:

Đông thì chật, ít thì thưa

Chẳng bao giờ thấy dư thừa thường dân

Quanh năm chân đất đầu trần

Tác tao sau những vũ vần bão giông.

Người dân sống ở khắp nơi, chỗ thì đông đúc, chỗ thì thưa thớt. nếu đông thì cùng ở chật một chút, nếu ít thì dãn ra cho rộng rãi. Đâu đâu cũng có “thường dân”, nhiều ít gì đều phải lao động, để tồn tại, không có ai là người thừa “Đông thì chật, ít thì thưa/ Chẳng bao giờ thấy dư thừa thường dân”. Quanh năm phải làm việc vất vả, chân dẫm trên đất, đầu ngẩng giữa trời, đội nắng, đội mưa, chân lấm tay bùn, ít có được những thời gian rảnh rỗi để vui chơi giải trí, nghĩ đến bản thân “Quanh năm chân đất đầu trần”. Và tao tác, rã rời, kiệt sức sau những bão giông, sau những cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, sau những thiên tai, lũ lụt, bệnh tật, những biến cố của thời tiết, những bão giông cuộc đời “Tác tao sau những vũ vần bão giông”.

Mười câu thơ tiếp theo nói về những việc “thường dân” đã làm, đã thực hiện, những việc tưởng rất bình thường mà vĩ đại. Thường dân là lực lượng làm nên lịch sử, làm thay đổi lịch sử của đất nước, của nhân loại.

Đó là những người dám xông lên tuyến đầu chống giặc bằng tinh thần hy sinh, quật khởi, bằng những những vũ khí thô sơ, bằng giáo mác, bằng những cây chông, bằng bom ba càng, bằng lòng dũng cảm, không sợ hy sinh, gian khổ, để chống lại những kẻ xâm lăng trang bị vũ khí đến tận răng “Khi là cây mác cây chông”. Sức mạnh của nhân dân mênh mông, to lớn như biển cả, như dòng nước lũ tràn bờ không gì ngăn được, để viết nên những trang lịch sử hào hùng của đất nước “Khi là biển cả”. và khi yên bình trở về lại là người “thường dân” bình thường làm ăn sinh sống, hiền lành nhỏ bé, dung dị, chẳng là gì cả “khi không là gì”. Người dân làm việc, hy sinh đâu có phải để tranh giành thấp cao, không sa vào cám dỗ vật chất, những cái đó chẳng là gì cả. Hạnh phúc và yên bình mới là điều họ mong muốn, mới là cuộc sống của họ “thấp cao đâu có là gì”. Người dân thường vẫn sống và tồn tại như vậy từ ngàn năm nay rồi, đâu có cần gì hơn, nhỏ bé, giản dị, sức sống mãnh liệt, trường tồn như cây cỏ, cả ngàn năm nay vẫn thế “Cỏ ngàn năm vẫn xanh rì cỏ thôi”. Người dân thường tự mình, bằng sức lực của mình chăm bón, vun trồng, cày cấy, lao động, lấy từ thiên nhiên, từ đất, từ trời những gì cần thiết để sống, để tồn tại, chứ không tơ hào của cải vật chất, tiền của của người khác “Ăn của đất, uống của trời”. Nhưng sẵn sàng “dốc lòng” dốc sức đem hết tất cả những của cải vật chất nhỏ nhoi tích cóp được, hiến dâng cho Tổ quốc khi cần, cởi lòng “cởi dạ”, mở lòng gửi hết niềm tin vào những người mình tin tưởng một cách thật thà, chân thật “Dốc lòng cởi dạ cho người mình tin”. Trong cái cộng đồng thường dân của mình thì “ồn ào” sôi nổi, thẳng thắn trong mọi việc, khi cần “lặng im” thì biết im lặng, có lẽ “thường dân” bao đời nay đã biết chữ “nhẫn” quý giá như thế nào trong ứng xử, “Ồn ào mà vẫn lặng im”. Thường dân “mặc” cho ai đó “mua bán” tính toán “nổi chìm thiệt hơn”, còn mình thì vẫn giữ sự trong sạch, trong sáng, giữ phận mình là “Cỏ ngàn năm vẫn xanh rì cỏ thôi”. Chữ “thôi” rất hay đầy tâm trạng. Cỏ ngàn năm nay vẫn chỉ là cỏ vậy thôi. “Cỏ” chỉ mong mỏi một điều thật giản dị là “ấm áo no cơm”, chắt chiu dành dụm để chia sẻ với những người còn khó khăn hơn mình những “ngọt lành”, với tấm lòng “thảo thơm” sẵn có từ trước đến nay “Chắt chiu dành dụm thảo thơm ngọt lành”.

Kết thúc bài thơ là hai câu thơ thật tài hoa: “Hoà vào trời đất mà xanh/ Vô tư mấy kiếp mới thành thường dân”. Chữ “xanh” ở đây ý nói người dân “Hòa (mình) vào trời đất” mà sống, tồn tại và phát triển, thích nghi với mọi điều kiện của tự nhiên, xã hội và thế cuộc, nương theo hoàn cảnh để sống, để mãi mãi trường tồn. Cái màu xanh kỳ diệu tượng trưng cho sức sống vĩ đại, kiên cường, bất diệt và muôn đời của người dân thường. Chữ “vô tư” của câu thứ hai đã tóm lược được nội dung toàn bài thơ. Chữ “vô tư” thật hay, thật kỳ diệu, “vô tư mấy kiếp” mới trở thành được như vậy đấy, chứ không phải tự nhiên mà có đâu. Nó lột tả được, nói lên được đức tính vô tư cao cả, nhỏ bé mà vĩ đại của người dân thường. Vô tư ra trận, vô tư xông lên hàng đầu, xông lên tuyến đầu, không tính toán trước bom đạn, giáo mác. Không tơ hào vụ lợi. Sống vô tư, tu dưỡng bản thân trong sạch bao nhiêu đời nay, “vô tư mấy kiếp” mới trở thành được như vậy, mới trở thành người “thường dân” chân chính. Mỗi cá nhân thường dân thật nhỏ bé, nhưng sức mạnh của toàn dân, của đông đảo nhân dân thì vô địch lớn như biển cả, mạnh như bão táp, tạo thành sức mạnh vĩ đại như nước vỡ bờ, có thể làm nên mọi chuyện.

Bài thơ ca ngợi đức tính thật thà, tấm lòng trong sạch, cao cả, không vụ lợi và sức mạnh vĩ đại của thường dân, của nhân dân.

Thời mà bài thơ ra đời cách nay đã 18 năm, gần hai thập kỷ đã trôi qua.

Thời đại ngày nay là thời đại khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão, thời đại thế giới con người thay đổi từng giờ. Nằm trong xu thế đó, theo thời gian “thường dân” cũng đã có nhiều thay đổi, nhiều người đã giầu lên, hình thành một lớp “thường dân mới”; “thường dân lớp trên”. Tuy vậy, tôi nghĩ rằng “thường dân” vẫn sẽ giữ được chất tinh túy vốn có của tầng lớp mình với một lịch sử lâu đời vẻ vang và hào hùng. Dù ở thời đại nào, sức mạnh nhân dân vẫn sẽ là vô địch.

*.

Hà Nội ngày 20.4.2021

LÊ THANH LONG

Địa chỉ: Phòng 1132, nhà HH03C, Khu đô thị Thanh Hà,

xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội.

Email: lethanhlong321@gmail.com

Điện thoại: 0822.098.772


 

 

...........................................................................................................

- Cập nhật theo nguyên bản từ email tác giả gửi ngày 21.04.2021

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.


0 comments:

Đăng nhận xét