THƠ TRẦN NHUẬN MINH NHÌN TỪ ĐẶC ĐIỂM NGÔN NGỮ - Tác giả: Nguyễn Thị Bình ; Trần Nhuận Minh giới thiệu

Leave a Comment

 


THƠ TRẦN NHUẬN MINH

NHÌN TỪ ĐẶC ĐIỂM NGÔN NGỮ

 

I. Trần Nhuận Minh - tư duy thơ giầu cá tính

Nhà thơ Trần Nhuận Minh kiên trì tìm hiểu bản chất của thơ và luôn cố gắng nhìn cho thấu thực chất cuộc đời, có ý thức thay đổi bút pháp và cả quan niệm sáng tác, để thơ đến được với bạn đọc và có ích. Hành trình thơ của ông, đi từ hiện thực đắng chát, pha lẫn đôi chút ngọt ngào của một đất nước, trước và sau đổi mới, đến một miền lãng mạn và suy tưởng, nâng thơ lên cõi ảo, cả trong đề tài, chủ đề và bút pháp. Thơ ông mang dấu ấn riêng, góp vào nền thơ chung của đất nước. Ông đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về thơ. Người đọc nhận ra ông trong các gương mặt thơ cùng thế hệ, qua đặc điểm ngôn ngữ thơ - cá tính ngôn ngữ thơ, là những sáng tạo riêng của Trần Nhuận Minh.

Nhìn khái quát, Trần Nhuận Minh sở trường về các thể thơ truyền thống và ông đã thăng hoa từ thể thơ ngũ ngôn. Tuy kế thừa truyền thống, nhưng dù viết theo thể thơ nào, thì câu thơ của ông không thể đọc, theo kiểu trôi tuột, mà phải dừng lại ngẫm nghĩ, từ cách tổ chức vần thơ, cách ngắt nhịp thơ. Cách tổ chức vần thơ của ông vừa tuân thủ thi luật truyền thống, vừa có sự nới rộng, làm rạn nứt sự hòa âm của các yếu tố trong cấu trúc cũ, gồm thanh điệu, âm cuối và âm chính, tạo nên một kiểu hòa âm mới. Vần thơ của ông, vì thế, số lượng vần thông và vần ép khá lớn. Thậm chí, nhiều câu thơ thuộc thể thơ tự do, không có hiện tượng hiệp vần. Những điều ấy không làm giảm đi sự hòa âm, bởi ông đã tăng cường các yếu tố khác, hoặc là nhịp thơ, và / hoặc là phối thanh. Cách tổ chức nhịp thơ của ông, cũng hết sức độc đáo, có sáng tạo cách tân. Ông vẫn duy trì nhịp thể loại ở một mức độ nhất định, để làm nền và trên cái nền nhịp thể loại, tiến hành biến thiên theo hướng tự do hóa, hiện đại hóa. Do đó, trong nhiều trường hợp, nhịp thơ của ông là nhịp cảm xúc, thể hiện thi hứng, bộc lộ những cung bậc tình cảm, những biến thái tinh tế trong đời sống nội tâm của con người thời đại mới. Vần và nhịp trong thơ ông có sự chế ước lẫn nhau, có sự kết hợp với phối thanh trong từng câu thơ, khổ thơ, nhằm tạo nên một thứ nhạc điệu đặc thù có hàm lượng thông tin thẩm mỹ cao.

Thơ Trần Nhuận Minh có tính hàm súc, đa nghĩa và biểu cảm. Câu thơ Trần Nhuận Minh có nhiều tầng nghĩa, vừa cụ thể vừa mờ ảo, được thể hiện qua các lớp từ ngữ sở trường của tác giả, gồm từ hội thoại, từ chỉ địa danh - nhân danh, từ tôn giáo. Trần Nhuận Minh còn tạo lập ngữ nghĩa cho thơ bằng các biện pháp tu từ và xây dựng hệ thống hình ảnh thơ độc đáo. Bằng cách dùng các biện pháp tu từ nổi trội, như so sánh tu từ, ẩn dụ, điệp và đối, nhà thơ đã xây dựng những hình tượng thơ giàu tính thẩm mỹ, có sức ám gợi người đọc về những vấn đề nhân sinh, về cuộc sống đương đại.

Trần Nhuận Minh là một trong số ít các nhà thơ hiện đại, có tư duy thơ giàu cá tính. Ngôn ngữ thơ Trần Nhuận Minh thực sự có màu sắc riêng: vừa xù xì, thô ráp vừa tinh tế, sâu sắc; vừa đôn hậu, trong sáng vừa triết lý cao sâu. Thơ và ngôn ngữ thơ của Trần Nhuận Minh là tia nắng quái luôn làm giật mình người đọc.

 

II. Các kiểu ẩn dụ tu từ trong thơ Trần Nhuận Minh

1 - Trong các kiểu ẩn dụ tu từ, Trần Nhuận Minh chủ yếu sử dụng kiểu ẩn dụ tượng trưng. Theo Hữu Đạt: Ẩn dụ tượng trưng là ẩn dụ được dùng đi dùng lại nhiều lần để trở thành hình ảnh có giá trị hình tượng. Nếu so sánh là sự cụ thể hóa những khái niệm trừu tượng của chủ thể, thì ẩn dụ lại phát huy tác dụng tu từ, để chuyển nghĩa, từ những sự vật, hiện tượng cụ thể, lên mức khái quát hóa. Với phương pháp so sánh ngầm ẩn, thế giới tình cảm trừu tượng của nhà thơ, được khái quát hóa qua những hình tượng thiên nhiên cụ thể, tạo màu sắc trữ tình cho thơ. Trong thơ, Trần Nhuận Minh sử dụng một số hình ảnh ẩn dụ quen thuộc của thiên nhiên, của đời sống hàng ngày, những sự vật gần gũi như: hoa, cỏ, núi, sông, tảng đất sét, đá, than, tia nắng quái, khăn hồng, cánh cò trắng, ngọn gió, giọt mưa, bóng đêm…; những hình tượng sóng đôi như: hoa - cỏ, cỏ - đất, cây - gió, nguồn - sông, sông - biển

Chỉ nêu một ví dụ: CỎ.

Cỏ (hoa cỏ), loài thực vật quen thuộc nhưng được khái quát hóa, trở thành hình tượng nghệ thuật có giá trị, được sử dụng nhiều lần, thành những ẩn dụ mang nghĩa khác nhau. Có khi, cỏ chỉ là thiên nhiên muôn đời cho khát vọng con người bay lên: “Gió đã xanh thổi lên từ hoa cỏ(Lời từ biệt); có khi, cỏ là sức sống căng tràn của con người và cuộc đời: “Ngọn cỏ long đong, dầu dãi, nhỏ nhoi/ Điềm tĩnh đối đầu với muối và bão” (Cảm ơn cỏ); có khi, cỏ là phận người mong manh: “Mối xông thành áo liệm người/ Mang mang nước trắng, bời bời cỏ xanh” (Ông Hủi); cũng có khi, cỏ được viết hoa, là hình ảnh đất đai lãnh thổ, là đất nước, là nhân dân: “Đến mõm đất cuối cùng của mọi quê hương/ Tôi thành kính cúi thấp đầu trước Cỏ” (Cảm ơn cỏ). Có những ẩn dụ sóng đôi làm cho trường liên tưởng ngữ nghĩa được mở rộng, như cây cỏ - bông hoa, trong: “Chỉ cần đoàn kết, chẳng cần tài năng/ Cây cỏ thu mình trong hàng rào danh dự/ Bông hoa không thể nở ở ngoài tường” (45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh).

Từ ẩn dụ sóng đôi này, nhà thơ đụng tới các quan hệ xã hội, nhận diện những nghịch lý, nghịch cảnh ngang trái ở đời. Cách dùng ẩn dụ sóng đôi làm cho câu thơ sắc lạnh; tư duy thơ của Trần Nhuận Minh như tỉnh mộng, duy lý hơn.

Sau ẩn dụ tượng trưng, Trần Nhuận Minh sử dụng ẩn dụ nhân hóa. Cách tổ chức ẩn dụ nhân hóa, hoặc là nhân hóa sự vật, đồ vật (gán cho chúng những ý nghĩ, hành động như người, hoặc là vật hóa người, gán cho con người những cái giống như sự vật, đồ vật). Kiểu ẩn dụ nhân hóa trong thơ Trần Nhuận Minh không nhiều, nhưng chúng góp phần quan trọng, để tạo nên những hình tượng thơ độc đáo. Chẳng hạn, hình ảnh gió nói, cây lắc đầu, gật trong: “Chẳng biết gió nói gì với mình/ Cây vẫn cứ lắc đầu và gật(Ngẫu hứng). Câu thơ viết về mối quan hệ nhân quả giữa cây gió, giữa khách thể và chủ thể, một cái nhìn lạ và sâu, như một tiêu chí nghệ thuật của nhà thơ. Nhà thơ như đã chọn cho mình một lối đi oái oăm, chẳng ra chênh vênh, chẳng ra lắt léo: ông như gió, lại không như gió, ở giữa cái gật và cái lắc đầu của cây, của tạo vật. Ông vừa phải làm nhân, lại phải làm quả. Ở cái chốn mơ hồ không tên kia, ông phải, không chỉ tìm ra danh tính, mà còn phải tìm ra hồn vía đối tượng của nghệ thuật, hệt như phải tìm ra lửa trong băng tuyết. Qua phân tích, ta thấy, Trần Nhuận Minh rất công phu trong cách tổ chức ẩn dụ trong thơ.

Trong ba kiểu ẩn dụ, ẩn dụ ngụ ngôn được sử dụng ít hơn cả. Chẳng hạn, hình ảnh sóng đôi mèo già - chuột con trong câu thơ: “Gỗ vuông đẽo chẳng nên tròn/ Mèo già trông thấy chuột con thì chào(Bên dòng tục ngữ), không dễ mà giải thích được hình ảnh và ý nghĩa của mối quan hệ này, dù ẩn dụ ngụ ngôn này, có nguồn gốc từ thơ ca dân gian. Câu thơ là bài học xử thế, là sự hành xử tùy theo tình thế giản dị mà sâu sắc.

2 - Trong thơ ca, ẩn dụ là một phương thức quan trọng, để xây dựng hình tượng, qua đó thể hiện nhận thức của con người về thế giới hiện thực. Thơ truyền thống và thơ hiện đại, có thể dùng chung một số hình thức diễn tả cảm xúc qua các hình tượng thiên nhiên. Dĩ nhiên, ẩn dụ không phải là sự sao chép hiện thực, mà thông qua hiện thực, khiến cho hình tượng tưởng như cụ thể, nhưng lại rất sâu xa, tưởng như hiện thực, mà lại mờ ảo, thực hư biến hóa vô cùng, làm cho trí tưởng tượng của người đọc như được chắp cánh. Ẩn dụ không những là thủ pháp nghệ thuật mang nét đặc trưng tiêu biểu cho thơ trữ tình, mà còn thể hiện phương thức tư duy sáng tạo của từng nhà thơ, vừa góp phần làm nên cá tính ngôn ngữ cho nhà thơ, qua đó, vừa tham gia vào quá trình phát triển ngôn ngữ nói chung. Với Trần Nhuận Minh, thủ pháp ẩn dụ trong thơ, được ông tổ chức chủ yếu theo hai phương thức: lấy cái cụ thể để biểu thị cái cụ thể, và lấy cái cụ thể biểu thị cái trừu tượng. Phương thức lấy cái cụ thể để biểu thị cái cụ thể, chẳng hạn:

 Tổ tiên đã chết ở đây Những gò đống cỏ xanh

Nay đã ủi đi rồi

San sát vũ trường, sân gôn, quán nhậu Chỉ sót lại một cánh cò trắng mong manh

Thấp thoáng bay Trong ráng đỏ chiều hôm

không tìm ra chỗ đậu”

(Bản xônat hoang dã).

Cái hiện thực hôm nay, nhiều điều phấn chấn, nhưng cũng có nhiều nỗi lo âu. Những “trai làng phóng @ như điên, đầu cạo trọc”, không thể là biểu hiện của sự giàu sang thịnh vượng. Chủ nghĩa thực dụng chụp giật, ăn xổi ở thì, sẽ gây nhiều hậu họa. Ở đoạn thơ trên, “cánh cò trắng không tìm ra chỗ đậu” là một ẩn dụ vừa cụ thể về sự thay đổi vật chất và hệ lụy của nó, nhưng cũng là một chiêm nghiệm. Những trải nghiệm của một thế hệ, từng chân thành nhen nhóm niềm tin cuộc đời từ một màu ngói mới, lại phải thầm lặng ngậm ngùi nhìn người nông dân mất đất, bị tách khỏi ruộng đồng, ngồi chờ việc ở các chợ lao động. Còn nữa, ở đây, không thể chê ông hoài cổ, có lẽ ông có lý, bởi vì công nghiệp hóa văn minh rất coi trọng nhu cầu của tâm hồn con người. Ẩn dụ của Trần Nhuận Minh hướng đến những triết lý sâu sắc từ những nhận thức cụ thể, duy lý mà rất thơ.

Để triển khai hình tượng ẩn dụ, Trần Nhuận Minh còn thực hiện bằng cách lấy cái cụ thể biểu thị cái trừu tượng. Chẳng hạn:

Buông trên vai Em

Mà đêm mượt như nhung Lọc qua áo Em

Mà hương trời thơm vậy

Những ngôi sao yêu nhau ríu rít ở trên cành Ta đứng chờ Em bạc cả sắc thu xanh

(45 khúc dàn bầu…)

Một chữ Em viết hoa trong tương quan với đêm như nhung, hương trời, những ngôi sao, sắc thu xanh, dưới con mắt nhà thơ, hình ảnh thiên nhiên ôm ấp con người, còn con người, thì kết tinh trong tình yêu. Với ẩn dụ này, nhà thơ cảm thụ bằng mộng, để ảo hóa thiên nhiên. Câu thơ đẹp hài hòa và dạt dào cảm xúc, mơ hồ và khêu gợi, ám ảnh người đọc.

Trần Nhuận Minh tự ví mình là tảng đất sét, nhưng cũng đến lúc ông “Tôi đã nhận từ than ngọn lửa”, rồi “Giầm mình trong than như cái rễ cây” và “Bây giờ tôi đã đứng trước than / Đứng trước chính mình” (Đá cháy). Một nhà thơ đích thực bao giờ cũng có bản sắc riêng, in đậm dấu ấn cá nhân trong thơ. Trần Nhuận Minh là một trường hợp như thế. Ông làm thơ từ rất sớm, lặn lội trong cuộc sống vùng than, tự biến mình từ tảng đất sét thành hòn than, giúp ích cho đời. Nhà thơ đã ở giữa đám đông nhân dân, hòa lẫn vào cuộc đời, nhưng ta vẫn nhận ra một Trần Nhuận Minh:

Lòng băn khoăn không dứt Bỗng thèm một chén trà Cuối trời tia nắng quái Cháy kinh hoàng sau ta…”

(Thăm bạn)

Tia nắng quái hư ảo đến kinh hoàng, nhưng vẫn là tia nắng rất thật của cuộc đời. Vì đó là hồn vía nghệ thuật thơ Trần Nhuận Minh. Thơ ông vốn là tia nắng ấm áp. Trần Nhuận Minh đã tìm ra phương cách biểu hiện khác lạ; cũng là nắng thôi nhưng là tia nắng quái làm giật mình người đọc.

Trong thơ Trần Nhuận Minh, mỗi ẩn dụ đều gợi lên một hình tượng nghệ thuật, thể hiện một cách sinh động, những khía cạnh của đối tượng được nói đến. Ẩn dụ của Trần Nhuận Minh, thể hiện sự tìm tòi sáng tạo, để thể hiện có chiều sâu cảm xúc và tư duy thơ của tác giả.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết về khoa Tử Vi0

- Các bài viết về khoa Phong Thủy0

- Các bài viết về khoa Tướng thuật0

- Các bài viết về Tín ngưỡng0

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

 

Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ THÌ ĐÃ NHỦ RẰNG:

Trần Nhuận Minh giới thiệu

Tác giả: Nguyễn Thị Bình

- nguồn: baohalong số 606

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

0 comments:

Đăng nhận xét