BA TẦNG CẢM XÚC TRONG THƠ
Đọc thơ khác
với đọc văn. Mục đích của đọc văn là tìm thông điệp – xem tác giả muốn nói với
mình điều gì. Cảm xúc đôi khi cũng có nhưng chỉ là sản phẩm phụ. Đọc thơ thì
ngược lại - cảm xúc là chính, thông điệp là phụ. Thông điệp đôi khi chỉ là
phương tiện để chuyển tải cảm xúc.
Giới chuyên
môn đánh giá mức độ Hay Dở của bài thơ sẽ dựa vào lượng cảm xúc nó đem đến cho
người đọc.
Có 3 tầng
cảm xúc trong thơ.
1/ Cảm Xúc
Tầng 1:
Phát sinh khi người đọc gặp
được ngôn ngữ, hình tượng đẹp, chắt lọc (bình dân hay cao sang), câu cú gọn
gàng, không sai phạm, chuyển tải ý tứ một cách sâu sắc.
2/ Cảm Xúc
Tầng 2:
Phát sinh khi người đọc “bắt”
được cái hay của sự nối kết các câu, các đọan một cách hợp lý làm nổi bật tứ
thơ – nói chung là thế trận của bài thơ.
3/ Cảm Xúc
Tầng 3:
Không đến từ câu chữ và cũng
không đến từ thế trận.
Nó là luồng hơi nóng len lỏi
vào tâm hồn người đọc, tạo ra thứ cảm giác sướng nhất, đã nhất - không thể tiếp
cận bằng lý trí mà chỉ có thể cảm nhận bằng tâm hồn. Nó chính là hồn thơ.
Hồn Thơ Từ Đâu Đến?
Cảm xúc từ
trạng thái cao hứng có thể tạo hồn thơ không phải từ ngay lúc thi sĩ bắt đầu
phóng bút mà sau đó một khoảng thời gian – nhanh chậm tùy thi sĩ và tùy bài
thơ. Khi tâm trạng chia thành những mảnh tứ thơ nhập vào các con chữ trải xuống
trang thơ, ban đầu còn từ từ chậm rãi vì phải dẫn nhập, giải thích nguồn cơn.
Rồi những
mảnh tâm trạng ấy – cũng là những mảnh tứ thơ - nhờ cảm xúc từ cơn cao hứng
thôi thúc, cứ ào ạt tuôn ra, mảnh trước dẫn dắt, réo gọi mảnh sau, cho sóng sau
dồn sóng trước tạo thành cao trào.
Lúc đó cảm
xúc sẽ dâng lên phủ mờ lý trí để hồn thơ xuất hiện. Nếu bài thơ dài có thể có
nhiều điểm nhấn của tứ thơ, nhiều chỗ có cao trào và nhiều chỗ xuất hiện hồn
thơ.
(Lúc đầu khi
viết về đề tài này chỉ trường hợp lý trí hoàn toàn biệt tăm, mất dạng, cảm xúc
dâng trào cao ngất, tôi mới dùng 2 chữ Hồn Thơ. Còn những trường hợp như (a/,
b/, c/) ở đoạn sau tôi dùng cụm từ “cảm xúc tầng 3” kèm một tĩnh từ cao thấp
khác nhau. Sau này tôi thay đổi để độc giả “dễ bắt” hơn).
Tùy theo
“lượng” lý trí còn sót lại trong tâm hồn thi sĩ lúc tứ thơ lên đến cao trào ta
có những loại hồn thơ saư đây:
a/ Hồn thơ rất nhẹ, hồn thơ
phơn phớt nhẹ: Lý trí vẫn còn sót lại.
b/ Hồn thơ man mác, nhẹ nhàng:
Còn sót lại nhưng ít hơn.
c/ Hồn thơ khá mạnh: Còn sót
lại it hơn nữa
d/ Hồn thơ lai láng: Lý trí
biệt tăm, biến mất hoàn toàn.
Khi cảm xúc
hoàn toàn nắm quyền đạo diễn, leo lái đoạn thơ (hoặc bài thơ), lý trí - thủ
phạm của mọi thứ gian dối, xảo trá trong suy nghĩ, lời nói, cách ứng xử của thi
sĩ - đã tạm thời biến mất. Lời thơ sẽ là Tiếng Lòng Chân Thật.
Đó là mục
đích tối hậu, cao quý nhất của công việc làm thơ. Qua đoạn thơ, bài thơ thi sĩ
đã cho phép người đọc đối thoại với mình bằng Tiếng Người (viết hoa) của “cái
tôi đích thực” (chứ không phải “cái tôi văn hóa”).
Cái Nền Kỹ Thuật Của Bài Thơ
Muốn ít
nhiều có Hồn bài thơ phải có những điều kiện Căn Bản sau đây:
1/ Thơ phải
“nhất khí liền mạch”, trải dài từ câu đầu đến câu cuối chứ không phân mảnh, đứt
đoạn. Điều kiện này giúp tứ thơ chảy thành dòng.
2/ Vần liên
tiếp vừa độ ngọt – ít vần quá thì dòng chảy của của thơ không trơn, nhiều vần
quá sẽ gây nhàm chán. Điều kiện này giúp thơ có dòng âm điệu vừa thông thoáng
vừa “dễ nghe”, “giữ” người đọc ở lại với bài thơ.
3/ Nhịp điệu
uyển chuyển, sinh động chứ không đều đều tẻ nhạt. Muốn thế số chữ trong câu thơ
phải thay đổi. Điều kiện này giúp giải quyết (phần lớn) hội chứng nhàm chán
vần.
Vần và Nhịp
Điệu sẽ tạo thành dòng nhạc trong thơ.
4/ Dễ tiêu:
Đây là loại thơ Khí Tông – chú trọng cảm xúc – nên chữ, câu thơ phải dễ hiểu,
dễ cảm, dễ tiêu để tránh mô gò cản đường, cho dòng cảm xúc – lúc ấy đã nhập
chung với dòng tứ thơ và dòng nhạc - được tuôn chảy thông thoáng.
5/ Độ dài
của bài thơ:
Muốn có Hồn
bài thơ phải có độ dài đáng kể. Để làm gì?
a/ Để có “đất” giới thiệu cảnh
thơ, giải thích nguồn cơn mối lương duyên, sự dan díu giữa thi sĩ và tứ thơ.
b/ Để có “đất” cho những mảnh
tâm trạng hóa thân thành những mảnh tứ thơ nhập vào con chữ liên tục tuôn xuống
trang giấy gây nên cảnh “sóng sau dồn sóng trước” cho cảm xúc lớn mạnh tạo cao
trào.
Trên đây là
những điều kiện Căn Bản, Cần Thiết, là Cái Nền Kỹ Thuật để có thể tạo Hồn Thơ,
đưa bài thơ thẳng hướng tiến về Bến Bờ Thơ Ca.
*
PHẠM ĐỨC NHÌ
Địa chỉ:
Email: nhidpham@gmail.com
.............................................................................................................
-
Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 19.11.2021.
-
Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.
-
Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
-
Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét