CẦN NÓI CHO RÕ HƠN VỀ
BÀI THƠ “CON CÓC”
*
(Tác giả Lê Thanh Long) |
Bài
thơ “Con cóc” đã có rất nhiều ý kiến bình luận phân tích trái chiều khác nhau.
Người chê không ít, người khen cũng nhiều, tùy theo quan điểm của mỗi người. Vì
vậy cần nói thêm cho rõ hơn để cho mọi người cùng hiểu rõ.
Thực ra Lê Thanh
Long đã viết bình luận và phân tích bài thơ “Con cóc” đăng trên trang Website
lethanhlong.nghesi.vn từ năm 2012 và đăng trong cuốn sách Lê Thanh Long “Đến
với thi ca’ (Tiểu luận), Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, 2013, trang 93.
Bài thơ “Con cóc”
là bài thơ khuyết danh, tức là không biết ai làm bài thơ này. Vậy thực ra bài
thơ này có xuất xứ như thế nào? Có thực là tác giả của nó có chủ ý làm bài thơ
“Con cóc” mang ý nghĩa sâu xa như vậy không? Hay chỉ là làm một bài thơ vui để
gây cười, chế diễu, phê phán những anh chàng làm thơ hoang tưởng, hợm hĩnh cho
thơ mình là hay, cho mình là tài giỏi. Mà vô tình tự nhiên bài thơ “Con cóc”
mang trong mình cái ý nghĩa triết lý sâu xa mà chính tác giả làm ra nó cũng
không ngờ tới. Không ai có thể khẳng định được điều này. Dù vô tình hay hữu ý
thì bài thơ này vẫn là bài thơ có ý nghĩa sâu sắc, trường tồn.
Bài thơ này không
có gì hay về hình thức nghệ thuật, nó rất đơn giản, không có tứ, không có hình
ảnh, mà chỉ là nói lên hành động của con cóc. Cho nên không thể phân tích bài
thơ này hay về câu chữ, về cấu tứ, về hình thức nghệ thuật như cách thông
thường phân tích bình luận một bài thơ mà ta vẫn thường làm. Mà chỉ có thể phân
tích về cái hay do ý nghĩa của bài thơ mang lại.
Giáo sư Nguyễn
Thiệu Lâu sinh năm 1916 tại Hà Đông, con nhà nghèo nhưng nổi tiếng học giỏi.
Ông được học bổng du học bên Pháp.
Cố giáo sư Nguyễn
Thiệu Lâu từ nửa thế kỷ trước đã thắc mắc với Đinh Từ Thức: “Ngay đối với ca
dao, thường không viết rõ tác giả, nhưng ít nhất, biết nó nói cái gì; có khi
còn biết xuất xứ của nó từ miền nào, hay vào thời nào. “Con cóc” là một bài
thơ, mà thơ thì phải có tác giả, trừ khi tác giả ẩn danh vì một lý do quan
trọng nào đó. Đã không biết tác giả, còn không biết nó được làm vào thời nào,
miền nào, và nhất là không biết nó định nói cái gì. Tao tìm hoài, nghĩ nát óc
mà không ra, mày có ý kiến gì không?”
CUỘC TRANH LUẬN CỦA
BA NHÀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC
Bài thơ “Con cóc”
có rất nhiều những ý kiến khác nhau, có người chê bài thơ “Con cóc” là bài thơ
dở, có người lại khen là bài thơ hay, tùy thuộc vào quan điểm, cách nhìn nhận
vấn đề. thậm chí là có những cuộc tranh luận gay gắt giữa các nhà phê bình văn
học tầm cỡ như Đỗ Minh Tuấn, Nguyễn Hưng Quốc, Thụy Khuê… Các nhà phê bình văn
học nói trên chỉ tranh luận dựa trên việc phân tích hình thức nghệ thuật của
bài thơ. Chứ không nói bài thơ “Con cóc” có ý nghĩa gì. Chính điều đó đã gây
khó cho mình.
Những bài viết của
ba nhà phê bình văn học này rất dài. Sau đây chỉ xin nói tóm tắt một số ý chính
về cuộc tranh luận của ba nhà phê bình văn học Đỗ Minh Tuấn, Nguyễn Hưng Quốc,
và Thụy Khuê. Nhưng trước hết xin giới thiệu sơ qua về ba nhà phê bình văn học
này.
Đỗ Minh Tuấn: Sinh
năm 1952, Nhà thơ, nhà văn, nhà lý luận phê bình,
đạo diễn phim, họa
sĩ. Sinh ra ở Lương Sơn, Đông Sơn, Chương Mỹ, Hà Tây (Hà Nội ngày nay). Là hội
viên Hội nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội điện ảnh Việt Nam, Giám đốc hãng phim
Nhân Đạo, Hội chữ thập đỏ Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hội Điện ảnh Khóa
III, công tác ở Hãng phim truyện Việt Nam.
Nguyễn Hưng Quốc:
Sinh năm 1957, tại Quảng Nam, là một nhà phê bình văn học, lấy bằng tiến sĩ văn
học tại Đại học Victoria, Úc. Cũng tại đó ông giảng dạy về ngôn ngữ, văn học,
văn hóa và chiến tranh Việt Nam, hiện là giáo sư chủ nhiệm Ban Việt Học tại Đại
học này.
Nguyễn Hưng Quốc
tên thật là Nguyễn Ngọc Tuấn vượt biên khỏi Việt Nam năm 1985, đầu tiên sang
Pháp, sau đó định cư tại Úc từ năm 1991. Khi còn ở Việt Nam, ông đã tốt nghiệp
ngành sư phạm tại thành phố Hồ Chí Minh.
Thụy Khuê: Tên thật
là Vũ Thị Tuệ sinh năm 1944 tại làng Doanh Châu, xã Hải Đông, huyện Hải Hậu,
tỉnh Nam Định, là một nhà báo, một nhà biên khảo và một nhà phê bình văn học.
Năm 1954 bà theo
gia đình di cư vào Nam. Tháng 9 năm 1962 bà sang Pháp du học. Thụy Khuê bắt đầu
viết tiểu luận phê bình văn học từ năm 1987. Bà được biết tới nhiều khi phụ
trách chương trình Văn học Nghệ thuật của đài Phát thanh Quốc tế Pháp RFI từ
tháng 12 năm 1990 cho đến tháng 3 năm 2009.
TRONG MỘt BÀI BÁO
THỤY KHUÊ VIẾT:
Cuộc tranh luận về
Thơ Con cóc nếu xẩy ra trong điều kiện lập luận bình thường thì có thể rất hào
hứng cho hai tác giả và bổ ích cho người đọc. NGUYỄN HƯNG QUỐC cho rằng Thơ Con
cóc hay, đó là quyền thẩm định tự do của anh. Nhà phê bình ĐỖ MINH TUẤN có
quyền phê bình nhà phê bình NGUYỄN HƯNG QUỐC, và NGUYỄN HƯNG QUỐC trả lời v.v…
Đó là tiến trình bình thường của các cuộc tranh luận văn học.
Nhưng ở đây có một
cái gì đó không bình thường khiến mọi người chú ý, không phải trên khía cạnh lý
thú của lý luận văn học, mà ở những điều, những chữ quá tải đã được đôi bên
viết ra. ĐỖ MINH TUẤN dùng những chữ rất nặng cho một cuộc tranh luận văn học
và chính ở chỗ đó mà người đọc bị chệch hướng, không thấy rõ mục đích “phê bình
một nhà phê bình” của ĐỖ MINH TUẤN. Anh viết: “Vậy cãi lại tổ tiên, đem lý trí
và học vấn cãi lại vô thức cộng đồng chỉ là sự xâm lăng về văn hóa, đem chuẩn
mực văn hóa của cộng đồng này áp đặt cộng đồng khác vì mỗi nền văn hóa là một
thực thể tinh thần có diện mạo riêng, có khóa mã riêng, có độ bảo thủ riêng. Sự
áp đặt đó, dù có thành công về phương diện lý luận thì vẫn luôn thất bại trong
thực tế. Từ góc độ nhân chủng học, quốc tế học, từ góc nhìn của mẫu quốc, ta có
thể chứng minh rằng những kẻ bán nước trước đây là tiến bộ cao cả, có công.
[…]” (ĐỖ MINH TUẤN, Khế Ước Văn Hóa Trong Bài Thơ Con Cóc, Văn Học số 134,
tháng 6/1997, trang 22)
Chính những chữ quá
tải này, không những khiến cho người đọc hồ nghi thiện chí (muốn phê bình) của
ĐỖ MINH TUẤN mà còn triệt tiêu tính chất thuyết phục trong lập luận của anh vì
bản chất của chúng (một vài chữ) chống lại hai đối tượng văn hóa và phê bình mà
ĐỖ MINH TUẤN muốn đề cập.
Điều mâu thuẫn là
khi anh nói đến sự “xâm lăng văn hóa, đem chuẩn mực văn hóa cộng đồng này áp
đặt cho cộng đồng khác” là chính ĐỖ MINH TUẤN muốn khép cửa, tức là đặt lại vấn
đề đã có từ xưa: vấn đề giao lưu văn hóa. Sự phát biểu của ĐỖ MINH TUẤN khiến
người ta nhớ đến các quan điểm dân tộc cực đoan, cho rằng: mỗi nền văn hóa,
hoặc văn chương của mỗi dân tộc đều riêng rẽ, không thể pha trộn. Nếu đem pha
trộn thì sẽ lai căng, mất gốc, sẽ mất bản sắc dân tộc … Quan điểm này được một
số người dùng làm điểm tựa để đưa đến chính sách bài ngoại, ta về ta tắm ao ta,
dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn.
Giao lưu văn hóa
không thể đưa đến sự “diệt chủng văn hóa”, mà ngược lại, đóng cửa văn hóa, chỉ
đọc mình, chỉ tôn vinh dân tộc mình mới đáng ngại, có thể dẫn đến nguy cơ diệt
chủng văn hóa.
Tất nhiên người đọc
cũng không nghĩ là ĐỖ MINH TUẤN chủ trương “đóng cửa văn hóa”, nhưng anh chỉ sa
đà trong việc sử dụng từ ngữ. Nếu sáng tác đòi hỏi sự thực thì phê bình đòi hỏi
sự chính xác. Và đó là lý do tồn tại của một ngòi bút phê bình.
Khi NGUYỄN HƯNG
QUỐC thách ĐỖ MINH TUẤN phải chứng minh được rằng Thơ Con cóc không phải là
thơ, ĐỖ MINH TUẤN đã vội lo “đây là một thách thức triết học nghiêm túc, nhưng
lại là một vấn đề ngụy tạo”. Những lo lắng của ĐỖ MINH TUẤN thật sự không cần
thiết vì ở đây cũng chẳng có vấn đề triết lý triết học gì cả. Chỉ có một lẽ dễ
hiểu là xưa nay chưa ai định nghĩa được một cách chính xác Thơ là gì? Và người
ta cũng không hi vọng NGUYỄN HƯNG QUỐC hay ĐỖ MINH TUẤN sẽ là những người đầu
tiên định nghĩa được thi ca trên trái đất này.
Vậy Thơ Con cóc,
bảo nó là thơ cũng được. Mà bảo không phải là thơ cũng xong.
Nhưng người ta có
thể giải thích được Thơ Con cóc hay hoặc dở dựa trên những tiêu chuẩn nghệ
thuật, hoặc những phương pháp phân tích ngữ học. Điều cốt yếu là sự giải thích
ấy có tính thuyết phục hay không, mà thôi.
Thơ Con cóc vốn
mang tiếng là dở. Tại sao? Tại vì những câu: “Con cóc trong hang, con cóc nhảy
ra, con cóc ngồi đó, con cóc nhảy đi” không mang một kiến trúc nghệ thuật nào
cả: Vắng hình ảnh, không vang âm, không có khả năng biểu cảm, không có tính
chất phức âm, đa nghĩa.
Bây giờ NGUYỄN HƯNG
QUỐC muốn chứng minh điều ngược lại: Thơ Con cóc hay.
BÀI THƠ CON CÓC HAY
Ở CHỖ NÀO
(Gửi bởi Vanachi
ngày 06/08/2005)
Nguyễn Hưng Quốc
viết:
Trước hết và có lẽ
cũng hiển nhiên hơn hết, đó là bài thơ hay nhất trong tất cả những bài thơ miêu
tả cái dở, cái kém nghệ thuật và kém thẩm mỹ. Ở mức độ nào đó, có thể coi Thơ
con cóc cũng tương tự bức chân dung Thị Nở của Nam Cao Nếu Thị Nở là điển hình
của cái Xấu, Thơ con cóc sẽ là điển hình của cái Dở. Chỉ riêng ở khía cạnh này,
Thơ con cóc đã là một cái gì khá mới mẻ và đầy táo bạo, khác hẳn mỹ học truyền
thống vốn đồng nhất cái đẹp của tác phẩm nghệ thuật với cái đẹp của đối tượng
được tác phẩm nghệ thuật miêu tả, từ đó, hình thành một lối đi độc đạo trong
sáng tác: mọi người đều chăm chăm chọn những nhân vật đẹp, những khung cảnh
đẹp. Văn học dân gian và tiểu thuyết thoát ly ra khỏi quan điểm hẹp hòi này khá
sớm có lẽ do bản chất dân chủ của chúng. Thơ cứ đắm đuối mãI trong cõi mộng mơ.
Cái xấu, cái tầm thường bị gạt qua một bên, trở thành lãnh địa dành riêng cho
thơ trào phúng.
Tuy nhiên, giá trị
bài Thơ con cóc không phải chỉ có như vậy. Đọc bài thơ một cách nghiêm chỉnh
như đọc một bài thơ trữ tình và quên đi câu chuyện tiếu lâm ngớ ngẩn chung
quanh nó, chúng ta sẽ phát hiện ra một số điều rất lạ.
Trước hết, về
phương diện kết cấu, bài thơ rất ngắn, chỉ có sáu câu, lại được cắt ra làm 3
đoạn. Câu đầu của đoạn sau lặp lại nguyên vẹn câu cuối của câu trước. Thành ra,
trừ câu đầu và câu cuối, tất cả bài thơ còn lại đều xuất hiện hai lần, cách
nhau một quãng ngắt hơi, một quãng im lặng dài vì là thuộc hai đoạn thơ khác
nhau. Cái quãng ngắt hơi ấy tạo ra cảm giác nghiêm trang, trịnh trọng cho cái
động tác được miêu tả. Đây chỉ là kỹ thuật thông thường khi kể chuyện, đặc biệt
những chuyện có vẻ ly kỳ, rùng rợn. Thế nhưng, khác với các câu chuyện ma,
chẳng hạn, sau mỗi lần người kể im lặng để tạo tâm thế căng thẳng, hồi hộp cho
người nghe hoặc người đọc là một chi tiết bất ngờ, hoàn toàn bất ngờ, bài Thơ
con cóc, ngược lại, sau mỗi lần ngắt hơi, lại lặp lại nguyên văn điều đã nóị.
Điều này tạo nên một cảm giác nghịch lý: nó vừa nghiêm trang, trịnh trọng lại
vừa rất nhàm, rất nhảm.
Tính chất nghịch lý
ấy lại được nhìn thấy ở một phương diện khác: hình tượng “con cóc”, lặp đi lặp
lại sáu lần, chiếm nửa số lượng từ vựng trong bài, luôn luôn đứng làm chủ ngữ
trong mọi câu thơ, nổi bật, uy nghi, vừa như một tượng đài lại vừa như một
quyền lực.
Nửa số từ vựng còn
lại chỉ vừa đủ để diễn tả bốn động tác căn bản của con cóc: ở trong hang, nhảy
ra, ngồi lại và cuối cùng, nhảy đi. Những động tác này không những nhàm, nhảm
và còn vô nghĩa nữạ. Sự vô nghĩa này lại được cố tình trình bày một cách trịnh
trọng: yếu tố hài hước của bài thơ được khơi dậy từ đây; lý do chính khiến Thơ
con cóc bị coi là điển hình của cái dở nằm ở đâỵ Và cũng từ đây, chúng ta thấy
được chủ đề của bài thơ: nó không phải là bài thơ tả con cóc mà, qua con cóc,
bài thơ nói về những sự trịnh-trọng-vô-nghĩa.
Sự kết hợp giữa hai
yếu tố trịnh trọng và vô nghĩa góp phần mở rộng trường liên tưởng của bài thơ
với loài cóc, chỉ có thể có sự vô nghĩa chứ không có sự trịnh trọng. Trịnh
trọng là khái niệm dùng cho con người, một loài vật có trí tuệ và khả năng tự
giác để gán cho hành động của mình như một giá trị nào đó có khi chính nó không
có.
Nguyễn Hưng Quốc
(Thơ, v.v… và v.v…,
Văn nghệ xuất bản tại California, 1996)
THỤY KHUÊ PHÂN TÍCH
VỀ Ý KIẾN CỦA NGUYỄN HƯNG QUỐC
1. Luận điểm 1,
theo Nguyễn Hưng Quốc, Thơ con cóc hay vì được người ta nhớ.
Anh viết: "Một
tác phẩm văn học đã trở thành điển hình và được mọi người, từ thế hệ này qua
thế hệ khác, từ thời đại này qua thời đại khác ghi nhớ thì không thể nào dở
được" (Thơ, V.V... và V.V..., trang 41). Câu này chứng tỏ Nguyễn Hưng Quốc
có cùng một quan điểm với Đỗ Minh Tuấn về quyền năng của ký ức cộng đồng, hay
vô thức cộng đồng (chữ của Đỗ Minh Tuấn). Nếu đã chấp nhận: tác phẩm nào được
người ta nhớ thì tất phải hay, như vậy còn cần bàn cãi làm gì? Chứng minh bằng
cả một quyển sách cũng là thừa. Cho nên, cái "trí nhớ cộng đồng" mà
hai tác giả đưa ra, chính nó, cũng không phải là điều làm họ tin tưởng. Vì sao?
Vì được nhớ chỉ là điều kiện cần, chứ chưa đủ để bảo đảm tính chất hay của một
tác phẩm: Hay thì người ta nhớ, nhưng những gì mà người ta nhớ chưa chắc đã hay.
2. Luận điểm 2: So
sánh Thơ con cóc với Thị Nở của Nam Cao.
Nguyễn Hưng Quốc
viết: "Trước hết và có lẽ cũng hiển nhiên hơn hết đó là bài thơ hay nhất
trong tất cả những bài thơ miêu tả cái dở, cái kém nghệ thuật và kém thẩm mỹ. Ở
mức độ nào đó có thể coi Thơ con cóc cũng tương tự bức chân dung Thị Nở của Nam
Cao. Nếu Thị Nở là điển hình của cái xấu, Thơ con cóc sẽ là điển hình của cái
dở. Chỉ riêng khía cạnh này, Thơ con cóc đã là cái gì khác mới mẻ và đầy táo
bạo, khác hẳn với mỹ học truyền thống vốn đồng nhất cái đẹp của tác phẩm nghệ
thuật với cái đẹp của đối tượng được tác phẩm nghệ thuật miêu tả, từ đó, hình
thành một lối đi độc đạo trong sáng tác: mọi người đều chăm chăm chọn những
nhân vật đẹp, những khung cảnh đẹp. văn học dân gian và tiểu thuyết thoát ly ra
khỏi quan điểm hẹp hòi này khá sớm, có lẽ do bản chất dân chủ của chúng. Thơ cứ
đắm đuối mãi trong cõi mộng mơ, cái xấu, cái tầm thường bị gạt qua một bên trở
thành lãnh địa dành riêng cho thơ trào phúng" (Thơ, V.V... và V.V...,
trang 44).
Các luận điểm mà
các tác gia đưa ra không thuyết phục, luẩn quẩn, vì dựa trên việc phân tích
nghệ thuật văn chương của bài thơ. Và rồi hai tác giả đi quá đà chê bai nhau,
ngoài phê bình văn học.
Bây giờ đến phần
trọng yếu là phần lý thuyết văn học của Nguyễn Hưng Quốc. Nguyễn Hưng Quốc giải
thích mục đích của anh:
"Bài thơ con
cóc hay thật hay không hay thật, với tôi, không phải là điều quan trọng. Đem
bài con cóc ra để phân tích, tôi nhắm tới hai mục tiêu khác quan trọng hơn là
việc bình luận bài thơ ấy nhiều: Thứ nhất, mượn nó để phê phán những quan niệm
thẩm mỹ cũ kỹ cho đến giờ vẫn thống trị trong sinh hoạt thi ca Việt Nam. Thứ
hai, mượn nó để chứng minh ý nghĩa của việc đọc, của người đọc, qua đó, đưa ra
luận điểm cho rằng thơ là cái gì đong đưa giữa văn bản và người đọc chứ không
phải là cái gì có sẵn, tự tại, nhất thành bất biến bên trong tác phẩm; bản chất
của thơ là một cái gì "trống" để người đọc có thể nhập cuộc, nhập
vui, làm đồng tác giả với tác giả; từ đó, hình dung con đường phát triển thơ
như một quá trình hòa giải giữa nhà thơ và người đọc; chủ nghĩa hiện đại như
một chủ nghĩa đặc tuyển; Thơ mới rất gần với văn xuôi ở tính chất tự sự của nó,
v.v... Với tôi, mục tiêu thứ hai này quan trọng hơn hẳn: nó chiếm gần hết số
trang của cuốn sách. Đó là lý do tại sao tôi xem Thơ, V.V... và V.V... trước
hết là một cuốn sách về lý thuyết văn học chứ không phải là phê bình văn học"
(Trả lời Đỗ Minh
Tuấn,Văn Học số 134, tháng 6/1997)
Độc giả giật mình:
Đọc xong cuốn sách mới được biết tác giả không cho điều mình muốn chứng minh là
quan trọng. Vậy chúng ta thử tìm hiểu chỗ mà Nguyễn Hưng Quốc cho là quan trọng
là gì đây? Đó là: Lý thuyết văn học mới mà anh đưa ra, gồm hai phần:
- Phê phán những
quan điểm thẩm mỹ cũ;
- Nói lên sự quan
trọng của việc đọc.
Khi Nguyễn Hưng
Quốc viết:
"Bài thơ con
cóc, ngược lại, trần trụi tuyệt đối. Như một cành gai. Không có đến lá, đừng
nói gì là hoa. Nó thô tháp. Nó mạnh bạo. Nó sần sùi. và cũng có thể nói, nó tàn
nhẫn nữa. Nó xóa bỏ hết mọi son phấn và loại trừ hết cả cảm xúc thừa thãi để
bắt người đọc một mình sững sờ đối diện với sự vô nghĩa của cuộc đời. Không thể
có thứ ngôn ngữ nào giản dị hơn thế nữa. Nó có phần giống như thứ ngôn ngữ Albert
Camus dùng khi viết Người Xa Lạ"
(Thơ, V.V... và
V.V..., trang 50)
Nguyễn Hưng Quốc đã
ghi lại cảm giác mà Thơ con cóc đã gieo vào lòng anh.Và ấn tượng ấy chỉ đúng
với anh thôi. Cho nên nếu chỉ dùng những cảm xúc mà câu thơ gieo vào lòng mình
để khái quát hóa thành ấn tượng chung cho mọi người thì sẽ gặp khó khăn: không
thuyết phục được người đọc.
Đó là những ý kiến
phân tích của Thụy Khuê về những bài viết của Đỗ Minh Tuấn và Nguyễn Hưng Quốc.
CUỘC TRANH LUẬN
CUỐI CÙNG LẠI TRỞ VỀ ĐIỂM XUẤT PHÁT BAN ĐẦU
Nguyễn Hưng Quốc
chứng minh rằng bài thơ “Con cóc” hay, vì là bài thơ hay nhất trong tất cả
những bài thơ miêu tả cái dở, cái kém nghệ thuật và kém thẩm mỹ.
Phê phán Nguyễn
Hưng Quốc và Đỗ Minh Tuấn một hồi, cuối cùng thì Thụy Khuê cũng cho rằng bài thơ
“Con cóc” là bài thơ dở, bảo nó là thơ cũng được. mà bảo không phải là thơ cũng
xong. Thụy Khuê viết: Thơ Con cóc vốn mang tiếng là dở. Tại sao? Tại vì những
câu: “Con cóc trong hang, con cóc nhảy ra, con cóc ngồi đó, con cóc nhảy đi”
không mang một kiến trúc nghệ thuật nào cả: Vắng hình ảnh, không vang âm, không
có khả năng biểu cảm, không có tính chất phức âm, đa nghĩa. Nhưng người ta có
thể giải thích được Thơ Con cóc hay hoặc dở dựa trên những tiêu chuẩn nghệ
thuật, hoặc những phương pháp phân tích ngữ học. Điều cốt yếu là sự giải thích
ấy có tính thuyết phục hay không, mà thôi.
Các nhà phê bình
văn học rất lúng túng, khi chỉ dựa trên quan điểm phân tích về hình thức nghệ
thuật để xác định bài thơ “con cóc” là dở hay là hay. Nếu để chứng minh bài thơ
“con cóc” là dở thì câu chuyện kể về bài thơ này, người ta đã nói ngay từ đầu
rồi. Việc gì phải mất công dài dòng, tốn giấy mực như vậy. Nhưng dù sao thì độc
giả cũng có thêm được những hiểu biết.
Một bài thơ hay hay
là dở là ở ý nghĩa của nó mang lại. Hình thức nghệ thuật cũng là để phục vụ cho
mục đích của người làm thơ, sao cho bài thơ đạt tới một ý nghĩa nào đó mà thôi.
*.
Hà Nội ngày
27.3.2021
LÊ THANH LONG
Địa chỉ: Phòng 1132, nhà
HH03C, Khu đô thị Thanh Hà,
xã
Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội.
Email: lethanhlong321@gmail.com
Điện thoại: 0822.098.772
.
...........................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản từ email tác giả gửi ngày
28.03.2021
- Ảnh dùng
minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng
Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét