THƯ TRAO ĐỔI TIẾP
VỚI BẠN XUÂN LỘC
*
Thưa bạn Xuân Lộc,
(Tác giả Phạm Quang Trung) |
Tôi đã đọc
liền một mạch lá thư bạn gửi cho tôi trên trang mạng trannhuong.com ngày
18/03/2011. Nó không còn trúc trắc, khó nhằn như bài viết trước nữa. Cố nhiên,
có đôi chỗ tôi chưa thật tán thành cùng bạn đâu. Ví như, bạn viết rằng: “Thưa
thầy, trong bài Vài lời tâm tình của kẻ ngoại đạo, tôi cũng chỉ
muốn tếu táo ít dòng để giải tỏa bớt không khí căng thẳng của cuộc
tranh luận văn chương giữa thầy với nhà thơ Trần Mạnh Hảo và một số
người nữa xung quanh tác phẩm đạt giải cao của Hội Nhà văn Việt Nam -
Dị hương”. Tôi không nghĩ, sự “tếu táo” của bạn lại thích hợp với ý định và
văn cảnh ấy. Khách quan mà nhận định, nó vẫn hoàn toàn là một tiếng nói “nghiêm
túc”, vì vậy khiến người đọc, trong đó có tôi, cũng phải suy nghĩ một cách
“nghiêm túc”. Có điều, toát lên từ toàn bộ bức thư, tôi vẫn nhận ra lòng chân
tình và sự khiêm nhường - những cái mà tôi luôn coi trọng trong tranh luận học
thuật song rất tiếc lại là những cái còn thiếu hụt ở bài viết trước của bạn. Do
đó, tôi không do dự lần theo đường dẫn “Mảnh vườn tự tình” của bạn ở http://thaianco.net/xuanloc/nhandam/voicacvannhan.htm để
đọc và hiểu thêm về bạn. Thật may mắn, tôi đã biết được những điều cần
biết, để rồi có thể làm được những gì cần làm, theo yêu cầu của một lối ứng xử
văn hóa, dẫu cũng chỉ ở mức độ tối thiểu mà thôi.
Hóa ra, bạn
đã từng sinh sống ở Bulgaria, một đất nước nhỏ bé và xinh đẹp trên bán đảo
Balkan, lại ngay ở Gabrovo vốn được vinh danh là thủ đô tiếng cười của thế
giới. Bởi thành phố này chứa trong mình nó một viện bảo tàng nghệ thuật không
nơi nào có: Bảo tàng nghệ thuật trào phúng. Những tác phẩm nghệ thuật hài hước
và châm biếm được chọn lọc từ khắp nơi trên trái đất đang trưng bày ở đây quả
là một kho tàng vô giá. Bạn viết một cách chân tình nên tìm được sự sẻ chia khá
rộng rãi của người đọc: “Tôi có được may mắn sống những năm tháng hạnh phúc
nhất đời mình ở thành phố thân yêu này, xem đó là quê hương thứ hai của tôi và
là nơi chôn nhau cắt rốn của các con gái mình. Ai cũng có một thời tuổi trẻ để
nhớ nhung. Với tôi, Gabrovo là nơi không bao giờ quên lãng”. Thế là, cùng với
mối thiện cảm dấy lên một cách tự nhiên trong tâm tưởng, tôi quyết định nương
theo lời giới thiệu của bạn để đến với một vài mẩu chuyện nhỏ về thành phố bạn
yêu, nhằm “khám phá thêm một vài điều lý thú của một nền văn hóa nổi tiếng ở Xứ
sở hoa hồng”. Tôi đã nhận được nhiều điều phải thừa nhận là bổ ích và lý thú
qua bản dịch sang tiếng Việt của bạn trực tiếp từ tiếng Bulgaria. Có hai câu
chuyện thực sự cuốn hút tâm trí tôi.
Câu chuyện
thứ nhất có tên là Dòng máu Gabrovo kể rằng:
Một phi công
Mỹ bị thương nặng, khi máy bay không may rớt xuống Gabrovo, không ai chịu cho
anh ta máu để truyền, tất nhiên là nguy hiểm đến tính mạng. Trong cơn nguy kịch
viên phi công Mỹ rên rĩ:
- Tôi là một
nhà triệu phú, ai cho tôi máu và cứu sống tôi thì khi về Mỹ tôi sẽ chia cho một
nửa gia tài.
Nghe vậy,
sau khi chần chừ, một người Gabrovo cho anh ta máu và viên phi công sống khoẻ
mạnh. Mãi sau một thời gian, không thấy viên phi công Mỹ triệu phú nhắc gì đến
một nửa gia tài, người Gabrovo mới hỏi:
- Ngài hứa
chia cho người nào cho ngài máu để cứu sống ngài một nửa gia tài, vậy sao giờ
ngài không thực hiện lời hứa của mình?
- Vâng! -
Viên phi công đáp - Khi tôi hứa tôi là một người Mỹ, mang dòng máu Mỹ. Còn bây
giờ máu đang chảy trong người tôi là dòng máu... Gabrovo thưa ngài...
Người
Gabrovo...
Và, tôi cũng
xin thành thực nói với bạn rằng, mọi chuyện này nọ từng xảy ra giữa chúng ta
giờ xem ra đã lui vào quá vãng, vì khi viết thư trao đổi với bạn, tôi là người
Đà Lạt, bạn là người Sài Gòn, còn đến lúc này khi đã phần nào được làm quen với
bạn, chúng ta hầu như đều trở thành người Gabrovo cả rồi! Dẫu chỉ có một phần
nhỏ, thậm chí rất nhỏ dòng máu Gabrovo chảy trong huyết quản chúng ta thôi. Từ
điều này khiến tôi nhớ tới câu chuyện thứ hai có tên là Mượn tiền kiểu
Gabroves:
Một người
Gabrovo gặp một người Sevliavo (Một thành phố cách thành phố Gabrovo 30 km cũng
thuộc tỉnh Gabrovo).
- Chào đồng
hương! Tôi quên ví ở nhà. Anh sẽ cho tôi mượn 10 leva (đồng tiền Bulgaria)
chứ?- Không thành vấn đề, anh cầm đi - Người đàn ông Sevliavo trả lời.Ngày hôm
sau: - Tôi còn giữ của anh 10 leva phải không? - Đúng. Tôi lại quên ví ở nhà.
Anh sẽ cho tôi mượn 40 leva nữa chứ, tôi sẽ trả anh tổng cộng 50 leva. - Được!
Ngày hôm sau nữa: - Tôi còn nợ anh 50 leva phải không? - Đúng! Tôi lại quên ví
ở nhà, anh cho tôi mượn 150 leva nữa tôi sẽ trả anh đúng 200 leva. - Ox...,
được! Ngày hôm sau nữa: - Tôi còn nợ anh 200 leva phải không? - Đúng quỷ sứ ạ!
- Tôi lại quên ví ở nhà, đưa cho tôi mượn 300 nữa, tổng cộng là 500 leva. -
Oxx, được thôi! Cầm lấy! Ngày hôm sau: - Tôi còn nợ anh 500 leva phải không? -
…Không!
Đến lúc này,
có thể nói giữa chúng ta tuyệt không còn món nợ tinh thần nào nữa cả. Tôi và
bạn sẽ thanh thản trở lại như trước đây! Vậy thì tôi chắc sẽ có thêm một lý do
chính đáng để đón tiếp bạn giữa Thành phố Đà Lạt mộng mơ và thanh cao vào một
ngày đẹp trời như tôi từng giao ước. Tôi rất muốn cả tôi và bạn cùng tâm niệm
với câu nói quen thuộc này: “... Khi trên thế giới bắt đầu nói về một cái gì,
thì ở Gabrovo nó đã được thực hiện...”. Chẳng phải là chúng ta từ giờ đã mang
chút ít dòng máu Gabrovo trong người mình rồi mà! Bởi vậy, không có lý do gì
khiến tôi không mở lòng mình để nhận tấm tình này của bạn: “Cho phép tôi được
gọi tiến sĩ bằng thầy trong thư này. Bởi trong thư trao đổi với tôi
tiến sỹ đã cho tôi thụ giáo được rất nhiều điều. Theo như cổ nhân nói
(tôi thật sự không nhớ danh nhân nào, mong thầy nhắc cho): Nhất tự vi
sư, bán tự vi sư... thì những lỗi chính tả của một học sinh nhà quê
như tôi mắc phải mà lại được một tiến sĩ văn chương như thầy phát
hiện và chỉ bảo thì hỏi còn vinh hạnh nào lớn hơn. Tôi thật sự bất
ngờ và cảm kích” (Trích THƯ GỬI TIẾN SĨ PHẠM QUANG TRUNG - Xuân Lộc -
trannhuong 18/03). Để rồi chúng ta có điều kiện thực thi bằng được câu nói đầy
ý nghĩa: “Một chữ tình để duy trì thế giới; một chữ tài để thay đổi càn khôn”
mà bạn đã lấy làm phương châm cho trang blog của mình.
Thân ái!
Mời
nhấp chuột đọc thêm:
- Các bài viết của
(về) tác giả Trần Mạnh Hảo0
- Các bài viết của
(về) tác giả Đỗ Hoàng0
- Các bài viết của
(về) tác giả Nguyễn Hoàng Đức0
- Các bài viết của
(về) tác giả Nguyễn Quang Thiều0
- Các bài viết của
(về) tác giả Nguyễn Bình Phương0
- Các bài viết của
(về) tác giả Sương Nguyệt Minh0
- Các bài viết của
(về) tác giả Nguyên Lạc0
- Các bài viết của
(về) tác giả Nguyễn Phan Quế Mai0
- Các bài viết của
(về) tác giả Phan Huyền Thư0
- Các bài viết của
(về) tác giả Ngô Văn Giá0
- Các bài viết của
(về) tác giả Dương Ninh Ninh0
- Các bài viết của
(về) tác giả Nguyễn Bàng0
*
PHẠM QUANG TRUNG
Địa chỉ: 8/40
Võ Trường Toản, phường 8,
thành phố Đà Lạt,
tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại: 091.843.8200
- 063.382.3016
Email: pqtrungvn@gmail.com
.............................................................................................................
-
Cập nhật từ email: dovantuyenbk@yahoo.com.vn ngày 13.10.2020.
-
Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.
-
Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
-
Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
Bằng cấp học hàm học vị chả có nghĩa lý gì!
Trả lờiXóa