THẦY NHẤT HẠNH ĐÃ RA ĐI - Tác giả: Phạm Trọng Chánh (Pháp)

Leave a Comment

 

THẦY NHẤT HẠNH ĐÃ RA ĐI

*

(Tác giả Phạm Trọng Chánh)

Thiền sư Nhất Hạnh đã  thanh thản ra đi lúc 0 giờ ngày 22-1-2022 tại chùa Từ Hiếu, Huế,  đại thọ 97 tuổi. Một  vị thầy đã ra đi sau khi sống một cuộc đời trọn vẹn với chân thiện mỹ.

Có lẽ phải mất rất nhiều thời gian để cảm nhận đánh giá tài năng, tư tưởng, và ảnh hưởng của Thiền sư Nhất Hạnh, vì chưa có một người Việt Nam nào vượt khỏi tầm biên giới quốc gia, ngôn ngữ Việt ảnh hưởng sâu rộng trên thế giới như thiền sư. Với 120 tác phẩm văn chương, tư tưởng, nhiều quyển bán chạy vào hàng đầu như quyển Phép lạ của sự tỉnh thức, Bouddha vivant, Christ  vivant, Đạo Phật hiện đại hoá, Đạo Phật ngày nay, Đường xưa mây trắng… tại Âu Mỹ trong nhiều năm sách được dịch ra nhiều thứ tiếng, có thể sánh với các nhà văn hàng đầu các nước... dĩ nhiên là các sách phương Tây không in một hai ngàn cuốn như ở nước ta mà hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn mỗi lần xuất bản. Thầy Nhất Hạnh không chỉ là một nhà tư tưởng mà còn là một nhà văn, nhà thơ, với văn chương bình dị trong sáng, với Nẻo về của ý, tả những ngày tháng thầy ở Phương Bối gần Đà Lạt, cho người đọc mơ về một thiên đường dĩ vãng, quyển Đường xưa mây trắng, tóm tắt cả Tam Tạng Kinh điển, 82 năm cuộc đời Đức Phật trong một quyển tiểu thuyết, người đọc không khỏi khâm phục tài năng và trí tuệ của Thầy. Bao nhiêu kinh điển chữ Phạn, chữ Hán, chữ Bali gút mặc khó hiểu, trở thành nhẹ nhàng như những hơi thở thiền định, như sự tỉnh thức. Tác phẩm Hiện đại hóa Phật Giáo đưa ra những tầm nhìn mới tương lại Phật Giáo. Thầy Nhất Hạnh vẫn sống đạm bạc bình dị, suốt đời, bao nhiêu lợi nhuận bản quyền sách được đưa vào công tác từ thiện, tình thương tại Việt Nam và nhiều nơi và hình thành các cơ sở Làng Mai tại Pháp, Đức, tại Mỹ, tại Úc, tại Thái Lan... với hàng trăm tu sĩ xuất gia, hàng ngàn cư sĩ tại gia hàng năm đến tu học. Các nhà tu trên thế giới đều sống nhờ sự cúng dường của tín đồ, và giảng pháp, nhưng Thầy Nhất Hạnh tại Âu Mỹ các buổi diễn thuyết trong các hội trường lớn dành cho hàng ngàn người, người đến nghe thuyết pháp phải đặt trước mua vé để được nghe thầy giảng.

Tôi có may mắn được đến nghe giảng, học với Thầy từ 1973-1976 mỗi tuần tại Trường Cao Đẳng Khoa Học Xã Hội, tại Đại Học Sorbonne thầy giảng về Lịch sử Phật Giáo Việt Nam, những bài giảng được gom thành sách Việt Nam Phật Giáo sử luận ký tên Nguyễn Lang, thầy phải ký tên khác vì thời gian đó Nhất Hạnh là tên bị cấm kị cả hai miền Nam Bắc.

Những năm tháng trước 1970, tôi đã đọc được sách của Thầy Nhất Hạnh từ trong nước, tôi xúc động nhất là quyển: «Nói với tuổi hai mươi», tôi cảm động như chuyện tâm tình thầy nói với chính mình. Giữa một thời điểm chiến tranh khốc liệt, học Trung học trong một ngôi trường công lập một tỉnh nhỏ, bạn bè lần lượt đi vào trận chiến, có đứa ở vùng quê đi lên rừng núi, đứa thi Tú tài rớt phải đi lính, đậu Tú Tài rồi cũng vào trường sĩ quan Thủ Đức. Bao nhiêu năm nhìn lại có lẽ gần đến phân nửa thế hệ tôi đã hy sinh trong tuổi hai mươi. Bao người đi trước không ai nói lời nào ngoài những kêu gào, cổ võ chiến tranh «chập chờn bay trên bại thắng, ngọn cờ khăn sô màu trắng» số phận thanh niên thế hệ chúng tôi chỉ thấy ngày về với gia đình trong một quan tài.

Những ngày đó tôi thân với anh Nguyễn Bắc Sơn, tôi và anh đọc cho nhau nghe thơ phản chiến. Anh là một nhà thơ ngang tàng lính chiến miền Nam, nhưng thân phận anh thật nghiệt ngã, nhưng không biết thời đó anh đã biết chưa, cha anh đi tập kết trở về là là Đại Tá chỉ huy quân sự vùng quê hương chúng tôi, anh và cha anh đang cầm súng giết nhau. Có một lần tôi và anh hẹn gặp nhà văn Y Uyên tại quán Mỹ Vũ, nhưng Y Uyên không đến, hôm sau anh cho tôi hay tin, Y Uyên đi hành quân và tử trận hôm qua dưới chân núi Tà Dôn, tôi xúc động viết bài thơ Cho người nằm xuống, cho tác giả Tượng đá sườn non, qua đời năm 26 tuổi và đăng trên tạp chí Văn. Thôi đã nhiều, đừng than thở nữa, Viên đá này sẽ tròn cạnh giữa trùng khơi. Thôi đừng khóc lòng đại dương đã mặn. Qua cánh đồng khô đau thương kết tinh rồi. Người nằm xuống thân cỏ cây mục nát. Đạn vẫn bay và sẽ đến bao giờ, Mùa nao rồi cây vội vàng thay lá. Đồng khai quang còn lại mấy cành khô. Buổi ban mai máu điểm lá xanh nào, Giấc đêm qua người đến thế giới nào. Tượng đá sườn non ngàn năm vẫn đợi, Người đã đi đã đến đã là bao. Rồi đất đá ôm kiếp người vùi ngủ, Thiên đường trong tim mọc từng đốt xương rồng. Hạt bụi trên đời hạt bụi quay cuồng trong gió. Còn lại gì mà gọi giữa hư không.

Anh Nguyễn Bắc Sơn rất thích bài thơ Chiến tranh Việt Nam và tôi, của tôi in trong tập Chiêm bao trắng và mượn tựa bài thơ để làm tựa tập thơ của anh. Nước mắt khổ đau chinh chiến, Tương lai chết rụng trong hồn. Tuổi bùn hôi tanh, bơ vơ chiều lên tiếng khóc. Hai mươi năm rồi màu tang đó có buồn hơn. Tủi nhục đọa đầy tôi đi vào đêm đen không lối thoát. Mặt trời nhỏ nhoi, lở lói gậm hờn, Đêm tôi chầo đời mẹ gầy mòn dãy chết. Tình yêu ngọt ngào dòng sữa máu cho con. Đêm thống khổ tôi cúi đầu mang mặt nạ, Chủ nghĩa này đành khoát lấy lên vai, Yêu thương đó tôi đã quên những lời xót đau bi tráng, Huyết thống anh em, máu ngập hình hài. Yêu thương đó tôi không còn cho ai nữa, tôi mê mù không dám nhận diện hôm nay. Tôi hèn nhát không dám nói lên lời thú tôi. Nguyên nhân tội lỗi chiến tranh này, tôi hiện hữu, chính tôi.

Và những bài thơ anh cho tôi đọc: “Đời bắt một kẻ làm thơ như ta đi làm lính, Bắt lê la mang một chiếc mu rùa. Nên tâm hồn ta là một cánh đồng úng thủy, Và nỗi buồn như nước những đêm mưa. Trong thành phố này ta là người phản chiến, Ngày qua ngày ta chỉ thích đi câu, Râu tóc mọc dài như bầy cỏ loạn. Sống âm thầm ai hiểu ta đâu. Đôi khi ta lên núi Tà Dôn uống rượu, Trời đất bao la ta chỉ một mình, Nhưng làm sao quên cuộc đời dưới đó. Quên những thằng người bôi bẩn kiếp nhân sinh. Ngày hôm nay ta muốn chặt đi bàn tay trái, Để được làm người theo ý riêng ta. Ngày hôm nay ta muốnthọc mù con mắt phải, Ngày hôm nay ta muốn bỏ đi xa. Khi nâng chén lên cao ta muốn cười lớn tiếng. Cười lên đi cười những tiếng bi hùng. Đời đã bắt kẻ làm thơ đi làm lính. Chiếc mai rùa đã nặng ở trên lưng”. (bài Cười lên đi, tiếng khóc bi hùng).

Và anh cũng viết một bài Chiến tranh Việt Nam và tôi. Đoạn kết anh viết: «Chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi, Suy nghĩ làm gì lao tâm khổ trí. Lũ chúng ta sống một đời vô vị, Nên chọn rừng sâu núi cả đánh nhau. Mượn đất trời làm nơi đốt hỏa châu, Những cột khói giả rồng thiêng uốn khúc. Mang bom đạn chơi trò chơi pháo tết. Và náu xương làm phân bón rừng hoang. »

Người thầy thi ca của chúng tôi là tập thơ Chắp tay nguyện cầu cho chim câu trắng hiện của Thầy Nhất Hạnh và Nói với tuổi hai mươi. Chúng tôi say sưa hát Tâm ca Phạm Duy phổ nhạc bài thơ của Thầy: «Kẻ thù ta đâu có phải là người, Giết người đi rồi ta ở với ai.» Chúng tôi trao đổi cho nhau xem những sách viết của thầy như «Hoa sen trong biển lửa», chúng tôi tâm tình nhau hằng giờ trong sân chùa Tỉnh Hội, trong những ngày tuyệt thực, tranh đấu Phật Giáo và mơ đến thầy trong một chân trời xa xăm, thầy cùng những người bạn đang đấu tranh vì hoà bình Việt Nam. Thầy trở thành một nguồn hy vọng dù rất mỏng manh cho tuổi thanh niên chúng tôi.

Tôi làm thơ, viểt báo từ năm đầu trung học, đăng thơ trên các nhật báo và tạp chí, các cơ sở báo chí Sài Gòn đường Phạm Ngũ Lão, Bùi Viện trở thành nơi quen thuộc, thơ tập họp xuất bản, ngâm thơ trên chương trình ban Mây Tần Đài Phát Thanh Sài Gòn của Kiên Giang Hà Huy Hà.

Tôi may mắn hơn bạn bè, tôi đậu xong Tú Tài II năm 18 tuổi vào Sài Gòn ghi tên học Luật, Nhưng ông anh lớn tôi, hơn tôi gần 20 tuổi, ông đã tạo dựng được một sản nghiệp to lớn, ông bảo: Ở đây trước sau gì cũng đi lính, tốt hơn là đi du học qua Tây, rồi trở về làm việc với anh, nếu không thành đạt cũng tránh qua được chiến tranh, thế rồi ông nhờ người lo liệu hết mọi việc. Ở miền Nam lúc đó chỉ cần có tiền là đâu cũng xong.

Tôi du học ṭai Âu Châu đầu năm 1970, thời gian đó miền Nam cấm cửa không cho đi Pháp, vì du học sinh nam sang Pháp thường trở thành thiên tả, tôi phải sang Bỉ hai năm học rồi mới sang Paris. Thời gian ấy cả Âu Châu sôi động chống chiến tranh Việt Nam, hàng ngày trên truyền hình cảnh máy bay dội bom, cảnh người Việt gục chết trên cả hai miền, đồng hoang vu thuốc khai quang tàn phá, trẻ con trần truồng trốn chạy bom đạn những cảnh Mỹ Lai tàn sát dân lành. Ai cũng nói đến một cuộc chiến diệt chủng dân tộc Việt Nam, bạn bè trong đại học thôi thúc nhau đi biểu tình. Tôi lại thấy: «Càng đi xa càng gần gủi quê nhà, Càng đau xót khi bom gầm đạn nổ, Muối xát tâm hồn cay bỏng thịt da.» Và tôi cũng lao vào việc chống chiến tranh như bè bạn, kết quả tôi mất cả chuyển ngân, mất cả thông hành của Miền Nam. Tôi phải tự làm việc tự kiếm sống cho đến khi xong luận án.

Những thời gian ấy tôi thường đến thăm thầy Nhất Hạnh. Thuở ấy thầy sống hàn vi tại ngoại ô Maison Alfort và sau đó trong một căn hộ hai phòng khu Goute d ́Or nghèo khổ của Paris. Từ năm 1973 thầy được dạy tại Sorbonne, thầy dọn về Bourg la Reine đời sống sung túc hơn.

Thầy Nhất Hạnh ra khỏi nước từ năm 1961 sau khi tốt nghiệp Đại Học Văn Khoa, thầy học và dạy học tại Đại Học Princeton Colombia, vì vận động cho hòa bình Việt Nam thầy bị cấm không cho về miền Nam. Năm 1968 khi bắt đầu Hội Nghị Paris, đàm phán bốn bên Mỹ, Miền Nam Việt Nam và Miền Bắc Việt Nam, Mặt trận Giải phóng Miền Nam, Thầy Nhất Hạnh cũng lập một phái đoàn Hòa Bình nhân danh Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Các bên đều phủ nhận tính đại diện của thầy, cả miền Nam chỉ công nhận Giáo Hội Phật Giáo của Thượng Tọa Thích Tâm Châu tại Việt Nam Quốc Tự, và phủ nhận Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trụ sở tại Chùa Ấn Quang. Phái đoàn Thầy lập đầu tiên với anh Võ Văn Ái làm Tổng Thư Ký, với tiền tác giả sách xuất bản thầy mua được máy in offset giao cho anh Ái đi học nghề in, nhưng khi thạo nghề in, in được các tập thơ của Quách Tấn, Thi Vũ... và in màu quảng cáo có thể sinh sống được, anh Ái lại dành lấy nhà in và trục xuất thầy ra khỏi cơ sở và thành lập báo Quê Mẹ, điều tệ hại nhất của anh là các số báo nói xấu Thầy Nhất Hạnh liên tục. Có lúc anh còn nguyền rủa Làng Mai chỉ là một giáo phái dẫn đến sự tự tử trập thể. Thầy Nhất Hạnh vẫn cắn răng không một lời đáp trả lại.

Khi Thầy Nhất Hạnh ở Paris, mỗi năm thầy đều tổ chức lễ giổ chị Nhất Chi Mai, người tự thiêu để cầu nguyện cho hoà bình Việt Nam, tôi cùng Giáo sư Trần Văn Khê và anh Trần Quang Hải đều được thầy mời đến. Anh Hải quen người vợ đầu tiên mẹ cháu Minh Tâm từ những buổi sinh hoạt này, cuối đời chị đi tu theo pháp môn Làng Mai của thầy.

Tôi nhận được thường xuyên tạp chí sinh hoạt làng Mai và những mãnh giấy hồng đào thủ bút Thầy mừng xuân, chị Cao Ngọc Phượng rất vui khi báo tin cho tôi những lần một quyển sách của Thầy bán chạy nhất bên Mỹ. Với tiền tác quyền sách Thầy đã mua được các trang trại trồng mận trái màu tím ở miền Nam nước Pháp, miền Agen nổi tiếng loại trái cây này, làng lúc đầu mang tên Làng Hồng sau đổi thành Làng Mai, vì khi đến đây vào mùa xuân hàng ngàn gốc cây hoa nở trắng xóa, Thầy thành lập xóm Thượng, xóm Hạ, rồi xóm Trung, và một ngôi nhà có vườn cạnh bờ sông Marne vùng Paris, dành cho các tăng thân nam nữ riêng biệt. Hàng tuần, hàng năm các đệ tử tại gia về tu tập với các đệ tử xuất gia. Mỗi đệ tử xuất gia được xây dựng một cái cốc riêng biệt, xinh xắn và đầy đủ tiện nghi chung quanh.

Bên cạnh Thầy, phải kể đến tài năng tổ chức của chị Cao Ngọc Phượng tức sư cô Chân Không, anh Thanh Tuệ nhà xuất bản Lá Bối, An Tiêm, Văn Nghệ, sư cô Chân Đức nguyên một giáo sư văn học người Anh và các đệ tử người Mỹ, Hoà Lan, Pháp, Hoa, Thái Lan... Các đệ tử thầy tập họp thành một ủy ban dịch thuật đủ các thứ tiếng. Nhiều đệ tử thầy trở thành giáo thọ, có thầy Pháp Ấn nguyên là một Tiến sĩ Vật Lý tốt nghiệp tại Mỹ cũng từ bỏ tất cả đi tu theo Thầy. Tôi có nhiều lần đến dự và rất vui khi trò chuyện với các vị giáo thọ Làng Mai, mỗi người đều có phong thái, giảng pháp y như Thầy.

Sau 30-4-1975, Thầy Nhất Hạnh gửi tặng tôi bài thơ Dấu chân trên cát, tượng mây giữa trời. Bây giờ Thầy đã đi rồi, giờ nghĩ lại mới thấy những điều sâu xa trong bài thơ. Những gì mình tưởng là chân lý là sự thật, có lúc mình tưởng như “mặt trời chân lý chói qua tim”, nhưng rồi như sóng vỗ, như mây bay, hết sáng đến chiều tối, những điều mình tưởng rồi cũng chóng qua đi, như dấu chân trên cát cơn sóng thủy triều lên xóa mất, như những đám mây, có lúc mây trắng thời thơ ấu nhìn mây mơ mộng, người xưa gọi bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương, có lúc mây đen nghịt tưởng như thần sấm, thần chớp sắp xuất hiện nhưng rồi mây cũng tan đi còn lại bầu trời xanh thẳm.

Những lời Thầy giảng: «Khi ta nhìn lên bầu trời và không thấy đám mây mà ta yêu quý đâu nữa. Ta nghĩ rằng đám mây đó đã chết, nhưng sự thật là đám mây đó vẫn đang tiếp tục tồn tại dưới hình tướng là mưa hay những hình tướng khác mà thôi. Sinh và diệt chỉ là những hiện tượng mà ta nhìn thấy trên bề mặt. Nết ta nhìn thật sâu thì không có sinh cũng không có diệt, chỉ có sự biến đổi không ngừng. Khi ta tiếp xúc được với bản chất không sinh không diệt thì không còn lo sợ cái chết

Bây giờ Thầy đã ra đi trong tuổi thượng thọ, lá rụng về cội, thầy trở về Từ Hiếu nơi ngôi chùa Thầy đã ra đi. Một cuộc đời trọn vẹn, ảnh hưởng sâu rộng thế giới, bao giờ Việt Nam mới có một người tầm vóc như Thầy.

*

Paris ngày 23-1-2022

PHẠM TRỌNG CHÁNH

Tiến sĩ Khoa Học Giáo Dục

Địa chỉ: Viện Đại Học Paris V Sorbonne.

Email: phamtrongchanh@free.fr

 

 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 25.01.2022.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.


0 comments:

Đăng nhận xét